Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
925
123.166.964
 
Về từ cõi chết
Elie Wiesel
Chương 6

6.

 

Gió lạnh buốt thổi vun vút từng cơn.  Nhưng chúng tôi không chùn bước.

SS ra lệnh chúng tôi bước soãi.  “Lẹ lên nữa, đồ lợn, đồ chó đẻ bẫn thỉu!”  Tại sao đi chậm chớ!  Mỗi lần cử động là thân thể chúng tôi ấm lên một tí.  Máu chảy dễ dàng hơn trong huyết quản.  Chúng tôi cảm thấy người hồi sinh.

“Lẹ lên nữa, đồ chó đẻ bẫn thỉu!”  Chúng tôi không đi nữa, chúng tôi chạy.  Tự động như máy.  SS cũng chạy, vũ khí trong tay.  Ngó như thể chúng tôi đang chạy trốn và chúng rượt theo.

Đêm đen như dầu hắc.  Cứ thỉnh thoảng lại có tiếng nổ xé màn đêm.  SS được lệnh bắn bất cứ ai rớt lại.  Ngón tay đặt sẵn trên cò, chúng không bỏ được thú giải trí đó.  Nếu ai trong chúng tôi ngừng lại một giây thì tên chó đẻ bẫn thỉu ấy bị kết liễu bằng một phát súng sắc và khô.

Tôi vọt chân tới trước một cách máy móc.  Tôi lê hình hài trơ xương của mình, sao mà nặng quá.  Giá như tôi vứt được nó!  Cho dú đang rán không nghĩ tới nó, tôi vẫn cảm giác mình thành hai thực thể - thể xác tôi và tôi.  Tôi thù thể xác tôi.

 

Tôi dặn lui dặn tới mình: “Đừng suy nghĩ.  Đừng ngừng lại.  Chạy.”

Gần tôi nhiều người ngã xuống trong tuyết dơ bẫn.  Bắn.

Chạy bên tôi là một thanh niên Ba lan tên Zalman.  Anh lao động trong nhà kho đồ điện ở Buna.  Người ta cười nhạo anh vì anh lúc nào cũng cầu nguyện hoặc chiêm nghiệm một vấn đề nào đó trong sách Talmud.  Đó là cách anh trốn chạy thực tế, không cảm giác các cú đánh...

Thình lình anh nổi cơn co thắt bao tử.  “Dạ dày tôi đau quá,” anh thì thào với tôi.  Anh không thể tiếp tục.  Anh phải ngừng lại một chút.  Tôi van nài anh:

“Chờ chút xíu thôi, Zalman.  Mọi người sẽ ngừng ngay mà.  Chúng ta không chạy miết như thế này tới tận cùng thế giới đâu.”

 

Nhưng trong khi chạy, anh bắt đầu mở nút quần áo, thét lên:

“Tôi không tiếp tục nổi nữa.  Bao tử tôi nổ tung đây này...”

“Rán lên, Zalman...Rán...”

“Chịu thôi...” anh rên rỉ.

Quần anh tuột xuống, anh buông rơi mình.

Đó là hình ảnh cuối cùng tôi có về anh.  Tôi không nghĩ SS sẽ kết liễu anh vì không ai để ý cả.  Anh hẳn bị xéo lên mà chết, dưới bàn chân của hàng ngàn người chạy sau chúng tôi.

 

Tôi quên anh thật lẹ.  Tôi lại bắt đầu nghĩ tới mình.  Vì bàn chân đau thấu xương, người tôi rùng rùng theo từng bước.  “Ít bước nữa thôi,” tôi nghĩ.  “Ít bước nữa là tới nơi rồi.  Mình không gục đâu.  Lửa đang toé lên đó.  Đang bắn đó.”  Cái chết vây bọc chung quanh tôi chờ lúc tôi khuỵu chân.  Cái chết đeo dính tôi.  Tôi cảm thấy mình sờ được nó.  Ý tưởng về chung cuộc, về việc không còn sống nữa, bắt đầu mê hoặc tôi.  Không còn tồn tại nữa.  Không cảm thấy đau nhức khủng khiếp trong bàn chân mình nữa.  Không cảm thấy gì nữa, kể cả đuối sức, rét mướt, không gì nữa cả.  Tách ra khỏi hàng, để mình ngã người xuống vệ đường.

Sự có mặt của cha tôi là cái duy nhất ngăn tôi lại... Ông đang chạy bên tôi, hết hơi, tận cùng sức người của ông, tận cùng trí lực của ông.  Tôi không có quyền để mình chết.  Nếu không có tôi ông rồi sẽ ra sao?  Tôi là sức đỡ duy nhất của ông.

 

Nhưng ý nghĩ ấy loé lên trong khoảnh khắc nhanh như chớp trong khi tôi tiếp tục chạy không cảm giác về bàn chân buốt nhói của mình, không nhận ra là mình đang chạy, không ý thức rằng mình đang là chủ nhân cái thể xác đang phi nước đại trên đường, giữa hàng ngàn người cùng chạy.

Khi tỉnh táo lại, tôi cố chậm bước.  Nhưng chẳng cách nào được.  Một luồng thủy triều lớn con người ta đang cuốn tới và sẽ nghiền nát tôi như con kiến.

 

Tôi chạy chỉ bằng cơn mê thiếp của mình.  Tôi khép mắt, chạy như đang ngủ.  Thỉnh thoảng có người đằng sau thô bạo lấn tới và tôi tỉnh giấc.  Ai đó la lớn:  “Chạy lẹ nữa lên.  Nếu mày không muốn chạy tiếp thì để cho người ta vượt qua chớ.”  Tất cả những gì tôi phải làm là nhắm mắt mình lại trong khoảnh khắc đó để khỏi nhìn thế giới đang lướt qua và để mơ một cuộc sống trọn vẹn.

 

Con đường vô tận.  Để mình bị đám đông thúc tới; để mình bị kéo lê lết bởi định mệnh mù loà.  Khi SS thấm mệt, chúng đổi phiên.  Nhưng chẳng có ai đổi phiên cho chúng tôi.  Chân tay chúng tôi tê cóng vì lạnh dù đang chạy, càng chạy tiếp, cổ họng chúng tôi càng khô rang, đói lã, cùng kiệt.

Chúng tôi là những con người làm chủ vạn vật, những con người làm chủ thế giới.  Chúng tôi đã quên mọi sự - chết chóc, mệt nhọc, những nhu cầu tự nhiên.  Mạnh hơn cái lạnh và cái đói, mạnh hơn những phát súng và cơn thèm khát, bị kết án và lang thang, đơn thuần là những con số, chúng tôi là những con người độc đáo nhất dương gian.

 

Cuối cùng, sao mai hiện lên trên bầu trời xám.  Đằng chân trời xuất hiện vệt sáng lờ mờ.  Chúng tôi lã người.  Chúng tôi không sức lực, không ảo giác.

Viên chỉ huy trại tuyên bố từ lúc rời trại tới đây, chúng tôi đã vượt được gần bảy mươi cây số.  Chúng tôi vượt qua bên kia giới hạn của sự mệt nhọc, từ lâu lắm rồi.  Vài người chuồn khỏi hàng, cố tìm cách vào trú trong một ngôi nhà hoang nào đó.

Chúng tôi còn phải đi thêm một giờ nữa, và sau cùng, có lệnh nghỉ.

Chúng tôi ngã vật xuống, chìm người trong tuyết.  Cha tôi day day tôi:

“Đừng nằm đây... Đứng lên... Xa đằng kia một chút...Có cái lều kia kìa...lẹ lên.”

Tôi chẳng muốn gì hết, cũng chẳng còn hơi sức đứng dậy.  Tuy vậy tôi vâng lời.  Đó không phải cái lều mà là một lò gạch, mái sụp, cửa sổ bể nát, tường bẫn thỉu đầy bồ hóng.  Không dễ vào trong.  Hàng trăm tù nhân đang chen lấn nơi cửa.

 

Cuối cùng chúng tôi cũng vô được bên trong.  Ở đây tuyết cũng dày.  Tôi thả người ngã xuống.  Chỉ lúc ấy tôi mới thật sự cảm thấy mình kiệt sức.  Tuyết như một tấm thảm, mịn màng, ấm áp.  Tôi rơi vào giấc ngủ.

Tôi không biết mình ngủ được bao lâu.  Chỉ chốc lát thôi hoặc một giờ.  Khi tôi tỉnh giấc, cảm thấy một bàn tay lạnh ngắt đang vỗ má mình.  Tôi rán nhướng mắt lên.  Đó là cha tôi.

Kể từ tối qua, ông già đi biết mấy!  Cả thân xác ông nhăn nhúm, khô kiệt.  Mắt ông hóa đá, môi ông héo úa, rệu rã.  Mọi sự trong và trên con người ông làm chứng cho một tình trạng kiệt sức cực độ.  Giọng ông đẫm nước mắt và tuyết:

“Eliezer, con đừng để mình bị cơn buồn ngủ đánh gục.  Thật nguy hiểm khi ngủ gục trong tuyết.  Con có thể ngủ mãi mãi.  Lẹ lên, lẹ lên.  Đứng dậy.”

 

Đứng dậy?  Tôi đứng lên thế nào nổi?  Làm sao tôi nhắc được mình ra khỏi chỗ nằm mịn màng này?  Tôi có thể nghe rõ những gì cha tôi nói nhưng các lời ấy có vẻ chẳng mang ý nghĩa gì cả, như thể bảo tôi dùng tay mình mà nâng lên toàn bộ một toà nhà...

“Lẹ lên, con, lẹ lên...”

Tôi cắn răng, đứng lên.  Ông đưa tay đỡ tôi, dìu tôi ra ngoài.  Chẳng dễ gì.  Ra ngoài cũng khó không kém vào trong.  Dưới chân chúng tôi, nhiều người đang hấp hối vì bị chân người khác đạp lên trên, dẫm bẹp.  Chẳng ai để ý tới.

 

Chúng tôi đã ở ngoài.  Gió buốt giá chích mặt tôi đau nhói.  Tôi liên tục cắn môi, ngăn không để chúng đông cứng.  Vạn vật chung quanh tôi đang múa vũ điệu tử thần làm đầu tôi quay cuồng.  Tôi đang bước đi trong một lò thiêu, giữa các xác chết cứng đơ, như khúc củi.  Không tiếng khóc đau đớn, không lời rên rỉ, không gì cả ngoài nỗi thống khổ tập thể, trong im lặng.  Chẳng ai cầu cứu ai.  Mày chết vì mày phải chết, thế thôi, đừng om sòm rối rít.

 

Tôi thấy tôi trong mỗi xác chết cứng đơ đó.  Và rồi chẳng bao lâu nữa tôi sẽ không thấy chúng; tôi sẽ là một trong các xác chết đó - chỉ là vấn đề bao nhiêu giờ nữa.

“Lẹ lên, cha ơi, mình vô lều lại...”

Ông không trả lời.  Ông không nhìn vào cái chết.

“Lẹ lên, cha, đằng kia tốt hơn.  Chúng ta có thể nằm một chút, chia phiên nhau nằm.  Con trông chừng cha, rồi cha trông chừng con.  Chúng ta không để cho ai ngủ gục.  Cha con mình canh nhau.”

Ông đồng ý.  Đạp lên những người đang sống và các xác chết, chúng tôi rán sức vô lại lò gạch.  Chúng tôi thả mình nằm xuống đó.

“Con đừng sợ.  Ngủ đi - con ngủ được rồi đó.  Cha canh cho.”

“Không cha ơi, cha ngủ trước đi.  Cha nằm ngủ đi.”

 

Ông không chịu.  Tôi nằm xuống, cố ép mình ngủ, ngủ lơ mơ một chút, nhưng vô ích.  Chỉ có trời mới biết điều gì sẽ xảy tới cho tôi trong khoảnh khắc tôi ngủ.  Nhưng sâu bên trong mình, tôi cảm thấy rằng ngủ hẳn có nghĩa là chết.  Và bên trong tôi có cái gì đó nổi loạn chống lại cái chết kiểu đó.  Bốn bề quanh tôi, cái chết đang tiến vào, một cách im lặng, chẳng chút hung hản.  Nó sẽ túm người nào đó đang ngủ, nhập vào người đó, từ từ làm cho người đó tàn rụi.  Kế bên tôi có người đang ra sức đánh thức người bên cạnh, em ông ta, hoặc có thể là một người bạn.  Vô ích.  Càng rán càng nản, tới lượt ông ta nằm xuống, sát bên xác chết, và rồi cũng ngủ.  Ai đánh thức ông ta đây?  Tôi vói tay chạm vô người ông:

“Dậy đi.   Đừng ngủ ở đây...”

Ông nhướng mắt.

“Đừng khuyên tôi,” ông nói giọng yếu ớt.  “Tôi mệt quá.  Để tôi yên.  Để tôi yên...”

 

Cha tôi dìu dịu lơ mơ ngủ.  Tôi chẳng thấy mắt ông đâu.  Chiếc mũ đã sụp xuống mặt ông.

“Dậy đi cha,” tôi thì thầm vô tai ông.

Ông giật mình.  Ông ngồi dậy, nhìn quanh, hoang mang, ngây người ra - nhìn chằm chằm như kẻ mất trí.  Ông đăm đăm ngó quanh một vòng như thể ông bỗng dưng quyết định dừng cuộc phiêu du vũ trụ của mình lại, để khám phá cho rõ ra là mình đang ở đâu, tại chỗ nào, và vì lý do gì.  Rồi ông mỉm cười.

Tôi nhớ mãi nụ cười đó.  Nó đến từ thế giới nào?

Tuyết tiếp tục rơi trên các xác chết, từng lớp dày.

 

Cửa lều mở.  Một ông lão xuất hiện, râu mép đóng đầy băng giá.  Môi thâm tím vì lạnh.  Đó là Thầy Cả Eliahou, thầy cả của cộng đoàn nhỏ Ba lan.  Ông là người tốt lành, rất được mọi người trong trại yêu quí, kể cả những tên Kapo và các trưởng ba-rắc.  Mặc dù gian nan và thiếu thốn, nét mặt ông lúc nào cũng sáng chiếu sự tinh khiết trong lòng.  Tại Buna, ông là thầy cả độc nhất lúc nào cũng được gọi là “Thầy Cả”.  Ông như một ngôn sứ thời xa xưa, lúc nào cũng ở giữa dân tộc mình để vỗ về họ.  Và lạ thay, lời vỗ về của ông không bao giờ khích động sự nổi loạn, chúng thật sự mang lại bình an.

 

Ông vào lều, mắt ông sáng hơn bao giờ, có vẻ đang tìm ai đó:

“Có ai thấy con trai tôi đâu không?”

Ông lạc con trai mình trong đám đông.  Ông đã tìm trong số những người hấp hối mà không thấy.  Kế đó, ông cũng đã bới tuyết tìm xác con.  Không kết quả.

 

Suốt ba năm trời hai cha con dính chặt nhau.  Bao giờ cũng ở bên nhau, lúc đau khổ, lúc bị đánh đập, khi cầu nguyện, khi lãnh suất bánh mì.  Ba năm, từ trại này qua trại khác, hết cuộc tuyển lựa này tới cuộc tuyển lựa khác.  Và lúc này - khi hình như sắp kết thúc - thì số phận lại chia lìa họ.  Trong khi tìm sát bên tôi, Thầy Cả Eliahou thì thầm:

“Chuyện xảy ra dọc đường.  Trong chuyến đi này chúng tôi lạc nhau.  Tôi ngừng lại một chút bên rìa đội hình.  Tôi không còn hơi sức chạy.  Và con tôi không để ý.  Tôi chỉ biết thế thôi.  Nó biến mất đằng nào rồi?  Tôi tìm nó chỗ nào đây?  Cậu có thấy nó đâu đó không?”

“Không, thưa Thầy Cả, con không thấy anh ấy.”

 

Rồi ông bỏ đi như khi ông tới: tựa chiếc bóng trong trời lộng gió.

Ông vừa ra khỏi cửa đột nhiên tôi nhớ là mình có thấy con trai ông chạy bên tôi.  Tôi quên lửng việc đó, tôi đã không kể với Thầy Cả Eliahou!

Rồi tôi nhớ ra điều gì khác: con trai ông có thấy cha mình tụt hậu, đi khập khểnh, loạng choạng lùi lại bên rìa đội hình.  Hắn có thấy ông.  Và hắn tiếp tục chạy lên phía trước, để cho khoảng cách giữa hai cha con càng lúc càng xa.

 

Một ý nghĩ kinh hoàng lờ mờ xuất hiện trong tâm trí tôi: hắn muốn bỏ rơi cha mình!  Hắn cảm thấy cha mình đang đuối dần, hắn tin rằng cha hắn đã tới hồi kết cuộc và mưu tính cuộc chia lìa này nhằm trút bỏ một gánh nặng, giải thoát hắn khỏi sự phiền toái đang làm giảm bớt cơ hội sống sót của hắn.

Tôi quên lửng việc đó.  Và tôi vui sướng thấy thà để Thầy Cả Eliahou tiếp tục đi tìm đứa con trai yêu dấu của ông.

 

Và cả tôi nữa, từ tâm hồn tôi xuất hiện lời cầu nguyện Thượng đế, cầu nguyện kẻ tôi chẳng còn tin.

Lạy Thượng đế, Chúa Tể Càn khôn, xin cho con sức mạnh để không bao giờ làm điều mà con trai Thầy Cả Eliahou đã làm.

 

Ngoài sân vang tiếng la hét, bóng tối đã phủ xuống.  SS ra lệnh sắp hàng.

Bắt đầu đi nữa.  Người chết ở lại trên bãi, dưới tuyết, như những kẻ canh gác trung thành bị ám sát, không chôn cất.  Không ai đọc kinh cầu hồn cho những kẻ vừa qua đời.  Những đứa con trai bỏ rơi thi thể cha mình, không một giọt nước mắt.

 

Trên đường đi, trời đổ tuyết, tuyết rơi bất tận.  Chúng tôi đi chậm hơn.  Cả lính gác cũng dường như thấm mệt.  Bàn chân bị thương không còn làm tôi đau.  Nó chắc đã bị đông cứng.  Với tôi, bàn chân ấy đã mất.  Nó đã tách khỏi thể xác tôi như bánh một chiếc xe.  Tệ thật.  Lý ra tôi phải tự mình buông bỏ nó; tôi có thể sống với một chân thôi.  Chủ yếu là chớ nghĩ tới nó.  Đúng hơn, lúc này đừng suy nghĩ.  Hãy để đó, suy nghĩ sau.

Cuộc hành trình của chúng tôi có vẻ hoàn toàn mất kỷ luật.  Chúng tôi bước khi nào muốn bước, khi nào có thể bước.  Không còn nghe tiếng súng nổ.  Hẳn lính gác đang mệt.

 

Nhưng chắc chắn thần chết không cần lính gác giúp đỡ chút nào.  Cái lạnh vẫn tận tụy làm việc.  Mỗi bước đi là có người ngã xuống và không còn đau khổ nữa.

 

Thỉnh thoảng, các viên chức SS ngồi xe gắn máy chạy xuống, theo chiều dọc của đội hình, ra sức lay chúng tôi ra khỏi tình trạng thờ ơ đang càng lúc càng gia tăng:

“Tiếp tục!  Chúng ta tới rồi đó!”

“Can đảm lên! Ít giờ nữa thôi!”

“Chúng ta đang tới Gleiwitz.”

Dù phát ra từ miệng những tên tàn sát chúng tôi, các lời đó cũng có tác dụng động viên rất tốt.  Không ai muốn đầu hàng lúc này, ngay trước khi kết thúc, đã quá gần mục tiêu.  Mắt chúng tôi tìm đằng chân trời dây kẽm gai của Gleiwitz.  Khát khao độc nhất của chúng tôi là tới được chỗ đó, hết sức nhanh có thể được.

Lúc này đã vào đêm.  Tuyết ngừng rơi.  Chúng tôi đi bộ thêm vài giờ trước khi tới nơi.

Chúng tôi không để ý tới trại cho đến lúc chúng tôi ở ngay trước cổng.

 

Một số Kapo lẹ làng xếp chúng tôi vào các ba-rắc.  Chúng tôi xô đẩy, chen lấn nhau như thể nơi đó là chốn trú ẩn tối thượng, chiếc cổng của sự sống.  Chúng tôi bước qua các thân xác đang đau đớn quằn quại.  Chúng tôi đạp lên trên các bộ mặt bị thương.  Không một tiếng la.  Có vài tiếng rên rỉ.  Cha tôi và tôi bị cơn thủy triều đang trào tới này ném xuống đất.  Phía dưới chúng tôi có ai đó đang kêu lên nghe lục cục:

“Đè chết tôi rồi...thương tôi với!”

 

Giọng nói đó không xa lạ gì với tôi:

“Đè chết tôi rồi...thương tôi với! thương tôi với!”

Cũng giọng nói yếu ớt đó, cũng tiếng lục cục đó, từng nghe đâu đó trước đây.  Giọng nói đó ngày nào đã nói với tôi.  Ở đâu? Khi nào? Hàng năm trước?  Không, chỉ có thể ở trại thôi.

“Thương tôi với!”

 

Tôi cảm thấy mình đang đè dẹp hắn.  Tôi đang làm hắn hết thở.  Tôi muốn đứng lên.  Tôi vật lộn để thoát mình ra, cho hắn có thể thở.  Nhưng bản thân tôi cũng đang bị bẹp dí dưới sức nặng của các thân xác khác.  Tôi gần như không thở được.  Tôi thọc móng tay mình vô các khuôn mặt không quen.  Tôi cắn khắp nơi chung quanh mình, để kiếm chút không khí.  Chẳng ai la.

Đột nhiên tôi nhớ ra.  Juliek! Gã trai từ Warsaw chơi vĩ cầm trong ban nhạc ở Buna...

“Juliek, phải anh không?”

“Eliezer...Hai mươi lăm roi.  Vâng...tao nhớ ra rồi.”

Anh im lặng.  Một lúc lâu trôi qua.

“Juliek! Có nghe tôi không, Juliek?”

“Có...,” anh nói, giọng thều thào.  “Mày muốn gì?”

Anh chưa chết.

“Anh thấy sao, Juliek?” tôi hỏi, để nghe anh nói, để biết anh còn sống hơn là để biết câu trả lời.

“Không sao, Eliezer...tao không sao cả...ngộp quá...thở không được...chân tao sưng.  Được cái nằm nghỉ, nhưng cây vĩ cầm của tao...”

 

Tôi nghĩ là anh mất trí rồi.  Cây vĩ cầm thì việc gì ở đây chớ?

“Cái gì, cây vĩ cầm của anh?”

“Tao sợ...Tao sợ...họ làm bể cây vĩ cầm của tao...tao mang nó theo bên mình.”

Tôi không trả lời anh được.  Ai đó đang đè cả người lên tôi, lấp hết mặt tôi.  Tôi không thở được, dù bằng miệng hay bằng mũi.  Mồ hôi giọt lấm tấm trán tôi, chạy xuống xương sống.  Thế là hết - cùng đường rồi.  Chết câm nín.  Không cách gì la, không cách gì kêu cứu.

 

Tôi ra sức xô tên sát nhân tối thui của tôi qua một bên.  Tất cả ý chí muốn sống của tôi tập trung trong móng tay.  Tôi cào.  Tôi chiến đấu cho một ngụm không khí.  Tôi xé cho tan cái bị thịt suy nhược không phản ứng ấy.  Tôi không thể thoát người ra khỏi khối thịt đang đè nặng lên ngực tôi.  Có phải mình đang vật lộn với một xác chết?  Ai mà biết được?

 

Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được.  Chỉ có thể nói là tôi thắng.  Tôi thành công trong việc khoét được một lỗ trống xuyên qua bức tường người chết này, một lỗ nhỏ qua đó tôi có thể hớp được một lượng không khí tí tẹo.

“Cha ơi! Cha sao rồi?” tôi hỏi, ngay lúc có thể nói thành tiếng.

Tôi biết ông không ở xa tôi.

“Cha không sao!” có tiếng trả lời xa xa, như thể đến từ một thế giới khác.  “Cha đang rán ngủ.”

Ông đang rán ngủ.  Ông đúng hay sai?  Người ta có thể ngủ ở đây à?  Bộ không nguy hiểm sao khi ông để mình mất cảnh giác, dù chỉ một giây, vào lúc thần chết có thể chụp lấy ta bất cứ chớp mắt nào?

Đang nghĩ tới điều ấy thì tôi nghe có tiếng vĩ cầm.  Âm thanh vĩ cầm, trong cái ba-rắc tối thui này, nơi kẻ chết nằm đè lên người sống.  Gã khùng nào có thể chơi vĩ cầm ở đây, ngay mép huyệt của mình?  Hay đây thật ra chỉ là ảo giác.

 

Chắc phải là Juliek.  Anh đang chơi trích đoạn một tấu khúc của Beethoven.  Tôi chưa từng nghe âm thanh nào tinh khiết như thế.  Trong tĩnh lặng như thế.

Làm sao anh thoát người ra được?  Kéo được thân anh đang nằm dưới tôi ra mà tôi không hay?

Trời tối thui như mực đen.  Tôi chỉ nghe có tiếng vĩ cầm, và như thể linh hồn Juliek ở trên chiếc cung kéo đàn. Anh đang chơi cuộc đời mình.  Toàn bộ cuộc đời anh lướt trên dây đàn - những hy vọng đã mất, quá khứ thành tro than, tương lại tàn lụi.  Anh đàn như thể anh chẳng bao giờ đàn nữa.

 

Tôi không bao giờ quên được Juliek.  Làm sao tôi quên được buổi dạo nhạc ấy, cống hiến cho cử tọa gồm kẻ chết và người sống.  Cho tới hôm nay, hễ khi nào nghe tấu nhạc Beethoven là mắt tôi nhắm lại, và từ trong bóng tối đó hiện lên bộ mặt xanh xao buồn bã của người bạn Ba lan của tôi, khi bằng cách đàn vĩ cầm, anh chào vĩnh biệt các cử tọa gồm toàn những người hấp hối.

Tôi không biết anh đàn trong bao lâu.  Tôi bị giấc ngủ cuốn đi.  Khi tỉnh dậy, trong ánh sáng ban ngày, tôi thấy ra Juliek, đối mặt tôi, rủ người xuống, chết.  Nằm bên anh là cây vĩ cầm, tan từng mảnh, bị dẫm nát, một thi hài nhỏ nhoi nổi bật lạ lùng.

 

Chúng tôi ở lại Gleiwitz ba ngày.  Ba ngày không thức ăn không nước uống.  Chúng tôi không được phép ra khỏi ba-rắc.  Lính SS gác cửa.

 

Tôi đói, khát.  Xét theo hình thù của người khác thì tôi chắc là rất dơ dáy và cùng kiệt.  Bánh mì chúng tôi mang theo từ Buna đã bị ăn ngấu nghiến từ lâu.  Và ai mà biết trước khi nào phát suất khác.

Mặt trận đang đi theo chúng tôi.  Chúng tôi lại có thể nghe tiếng súng mới.  Nhưng chúng tôi không có sức lực lẫn can đảm để tin rằng lính Quốc xã sẽ không có thì giờ di tản chúng tôi, và rằng chẳng bao lâu nữa người Nga sẽ tới đây.

 

Chúng tôi nghe là mình sắp bị trục xuất vào trung tâm nước Đức.

Vào ngày thứ ba, lúc rạng sáng, chúng tôi bị lùa ra khỏi ba-rắc.  Hết thảy chúng tôi mền khoác vai, như quàng khăn choàng khi cầu nguyện.  Chúng tôi đi tới chiếc cổng chia trại thành hai.  Ở đó đứng một nhóm các viên chức SS.  Tiếng đồn lan khắp hàng của chúng tôi: -tuyển lựa.

 

Các sĩ quan SS thực hiện việc tuyển lựa.  Ai yếu về bên trái; ai có thể đi vững về bên phải.

Cha tôi bị đưa về bên trái.  Tôi chạy theo ông.  Một viên chức SS quát lên sau lưng tôi:

“Quay lại!”

 

Tôi chuồn vào giữa những người khác.  Mấy tên SS rượt theo cố túm tôi lại, tạo ra cảnh hỗn loạn khiến nhiều người ở phía bên trái chạy trở lại được phía bên phải - trong số đó có cha tôi và tôi.  Tuy thế, có vài phát súng nổ, vài người chết.

 

Hết thảy chúng tôi được lệnh rời trại.  Sau nửa giờ đi, chúng tôi tới giữa một cánh đồng có đường xe lửa băng ngang.  Chúng tôi phải chờ tàu tới.

Tuyết rơi thật dày.  Chúng tôi bị cấm ngồi, cấm luôn cả nhúc nhích.

 

Tuyết bắt đầu làm thành một lớp dày trên mền của chúng tôi.  Người ta mang đến cho chúng tôi bánh mì - suất thường lệ.  Chúng tôi trơ mắt ngó.  Khát quá không ăn nổi.  Ai đó có sáng kiến làm dịu cơn khát bằng cách ăn tuyết.  Chẳng bao lâu mọi người bắt chước ông ta.  Vì không được phép cúi người xuống, chúng tôi rút muổng ra, xúc tuyết trên lưng người bên cạnh mà ăn.  Một miệng bánh mì, một muổng tuyết.  Lính SS ngó hoạt cảnh đó mà cười.

 

Hàng giờ trôi qua.  Mắt chúng tôi dần dần mỏi mệt vì sục tìm con tàu giải thoát cuối chân trời.  Mãi tới lúc xế chiều nó mới tới.  Con tàu dài vô tận, gồm các toa dùng để chở súc vật, không mui.  SS đẩy chúng tôi vào, mỗi toa một trăm người, chúng tôi gầy quá mà!  Việc lên tàu hoàn tất, tàu lăn bánh.

 

 

Chương : 1    2    3    4    5    6   7    8    9   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 3104
Ngày đăng: 14.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)