Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
743
123.239.099
 
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng
Elie Wiesel
Chương 2

Suốt một giờ kế đó, chẳng ai nói với ai lời nào.  Tất cả đều đang nghĩ tới David ben Moshe.  David không cô đơn trong tử ngục của mình, các bạn của anh đang ở với anh.  Tất cả, trừ tôi.  Tôi chỉ nghĩ đến David lúc nào họ nhắc tên anh.  Khi họ im lặng, tôi tiếp tục nghĩ tới một người khác, tới một người tôi không quen biết, không hơn gì tôi biết về David, nhưng đó là người tôi bị định phận phải biết.  David ben Moshe của riêng tôi có cái tên và bộ mặt của một người Anh, đại úy John Dawson.

Chúng tôi ngồi quanh bàn và Ilana dọn ra cho chúng tôi những tách trà bốc khói.  Trong một lúc, chúng tôi nhắp trà, chẳng nói năng gì.  Chúng tôi nhìn vào thứ nước màu vàng trong tách của mình như thể tìm trong đó bước kế tiếp sẽ làm sau khi chúng tôi im lặng, và ý nghĩa của các biến cố dẫn đến sự việc này.  Kế đó, nhằm giết thì giờ, chúng tôi nhắc tới các hồi tưởng của mình, và mọi nghĩ tưởng ấy đều tập trung về cái chết.

“Cái chết đã cứu mạng tôi,” Joab bắt đầu.

Anh có bộ mặt trẻ trung, ngây thơ và khắc khổ; đôi mắt sẫm màu, lờ đờ, tóc bạc phơ như tóc một ông lão.  Anh mang vẻ ngái ngủ suốt đời và ngáp hết ngày này qua ngày khác.

“Một người hàng xóm vì lập trường chủ hoà của anh ta, đã tố cáo tôi với cảnh sát,” anh tiếp tục.  “Tôi trốn vào một nhà thương điên mà người quản lý là bạn học cũ.  Tôi ở đó hai tuần lễ, cho tới khi cảnh sát phăng ra dấu vết của tôi.  Có phải hắn đang ở đây? chúng hỏi người quản lý.  Đúng, anh bạn tôi thừa nhận.  Hắn đang ở đây; hắn bệnh rất nặng. Việc gì xảy ra cho hắn?  chúng hỏi.  Hắn tưởng tượng hắn là kẻ chết rồi, người quản lý bảo chúng.  Nhưng chúng nhất quyết đòi gặp tôi.  Tôi bị mang tới phòng quản lý, ở đó chờ sẵn hai viên cảnh sát có phần hành trong chiến dịch chống khủng bố.  Chúng nói với tôi nhưng tôi không trả lời.  Chúng hỏi tôi nhiều câu nhưng tôi giả bộ không nghe.  Tuy vậy, chúng không tin tôi điên.  Không thèm đếm xỉa đến sự phản đối của người quản lý, chúng đem tôi đi, thẩm vấn tôi liên tục hai mươi bốn giờ.  Tôi đóng vai người chết, và đóng một cách có hiệu quả.  Tôi không chịu ăn chịu uống; khi chúng đập vô tay tôi hoặc tát vô mặt tôi, tôi không phản ứng.  Người chết không cảm thấy đau và vì thế không kêu không la.  Sau bốn mươi tám giờ, tôi được đem trả lại nhà thương điên.”

Trong khi tôi lắng nghe Joab, các ý nghĩ khác nhau nổi bồng bềnh trên bề mặt tâm trí tôi.  Tôi nhớ mình có nghe vài đồng chí nhắc tới Joab như một Gã khật khùng.

“Thật tức cười, phải không?” anh nói.  “Cái chết đã thật sự cứu sống tôi.”

Trong vài phút chúng tôi giữ im lặng, như thể để tỏ lòng kính trọng cái chết vì đã cứu mạng anh và ban cái tên Gã khật khùng cho người bạn có bộ mặt thơ ngây và khắc khổ.

“Vài ngày sau đó, khi rời nhà thương điên, tôi thấy tóc mình đã bạc trắng,” Joab kết luận.

“Đó là một trong những trò vặt của thần chết,” tôi xen vào.  “Thần chết khoái thay đổi màu tóc của người ta.  Thần chết không có tóc; hắn chỉ toàn mắt với mắt.  Ngược lại, Thượng đế hoàn toàn không có mắt.”

“Thượng đế cứu tôi thoát chết,” Gideon nói.

Chúng tôi gọi Gideon là Ông Thánh.  Trước hết vì anh là một ông thánh, sau nữa vì anh trông giống một vị thánh.  Anh là một chàng trai vạm vỡ, kém ăn nói, tuổi chừng hai mươi, luôn ra công ra sức để che dấu mình và lúc nào cũng lầm bầm đọc kinh.  Anh chừa râu và tóc xoăn một bên đầu, đi đâu cũng mang theo trong túi cuốn sách kinh.  Cha anh là một thầy cả, khi nghe con mình có ý thành một tên khủng bố, ông chúc lành cho anh.  Có những lúc, ông nói, ngôn từ và lời cầu nguyện không đủ.  Thượng đế của ân sủng cũng là Thượng đế của chiến tranh.  Và chiến tranh không phải là chuyện chỉ có nói qua nói lại.

“Thượng đế cứu tôi thoát chết,” Gideon lặp lại.  “Mắt của Ngài đã cứu tôi.  Tôi cũng bị bắt và bị tra tấn.  Họ giựt râu tôi, đốt diêm dưới các móng tay tôi và đánh vô mặt tôi, để làm cho tôi phải tự thú rằng mình đã dự phần vào âm mưu lấy mạng Cao Ủy.  Nhưng cho dù đau đớn, tôi không hé răng.  Hơn một lần tôi thèm được thét lên nhưng tôi nín lại được vì tôi cảm thấy mắt của Thượng đế đang ở trên tôi.  Thượng đế đang nhìn tôi, tôi tự nhủ, mình chớ làm Ngài thất vọng.  Lũ tra tấn tôi không ngừng la hét, nhưng tôi tập trung ý nghĩ mình vào Thượng đế và vào đôi mắt của Ngài.  Sau cùng, vì thiếu bằng chứng, chúng phải thả tôi ra.  Nếu tôi nhận tội của mình thì chắc chắn tôi đã chết.”

“Và kế đó,” tôi xen vào, “hẳn Thượng đế nhắm mắt của Ngài lại.”

Ilana rót thêm trà vào tách của chúng tôi.

“Còn Ilana, chị thì sao?” tôi hỏi.  “Cái gì cứu mạng chị?”

“Nhức đầu sổ mũi,” chị trả lời.

Tôi bật cười thành tiếng, nhưng chẳng có ai cười theo.  Tiếng cười của tôi khàn khàn và gượng gạo.

“Nhức đầu sổ mũi à?” tôi lặp lại.

“Đúng,” Ilana nói, hoàn toàn nghiêm chỉnh.  “Người Anh không có bản mô tả nhân dạng của tôi; họ chỉ biết giọng nói của tôi.  Ngày nọ, họ tóm được một nhóm toàn là phụ nữ, trong đó có tôi.  Tại đồn cảnh sát, một kỹ sư về âm thanh so sánh từng giọng nói của chúng tôi với giọng nói của người xướng ngôn kỳ bí của chương trình Tiếng nói Tự do.  Vì thực tế, tôi đang bị cảm nặng nên nhanh chóng được loại ra, và bốn phụ nữ khác bị giam để thẩm vấn thêm.”

Thêm lần nữa, tôi thèm bật cười thành tiếng, nhưng mọi người đang rầu rĩ im lặng.  Cảm cúm, tôi nghĩ thầm.  Trong trường hợp này nó còn thật sự hữu ích hơn cả đức tin lẫn lòng can đảm.  Kế đó, hết thảy chúng tôi nhìn Gad, người gần như đang bóp dẹp tách trà trong các ngón tay của mình.

“Ba người Anh đã cứu mạng tôi,” anh nói.  Với chiếc đầu gần như ở trên vai phải và mắt nhìn chằm chặp vào tách trà, anh có vẻ như nói với tách trà đang nguội rất nhanh.  “Đó là lúc mới bắt đầu cuộc chơi này,” anh tiếp tục.  “Vì các lý do chỉ có ý nghĩa vào thời đó, Ông Già hạ lệnh bắt ba con tin.  Cả ba đều là trung sĩ và tôi được lệnh giết một trong ba người, ai cũng được, tùy tôi chọn.  Lúc ấy tôi còn trẻ, khoảng tuổi của Elisha bây giờ, và trong lòng hết sức đau đớn vì bị bắt phải lãnh vai trò mà mình chẳng muốn chút nào.  Tôi tự nguyện đóng vai người hành quyết chứ không phải là đóng vai quan toà xử ai chết ai không.  Rủi thay, suốt đêm đó, tôi mất liên lạc với Ông Già và không thể cắt nghĩa sự miễn cưỡng của mình.  Bản án phải được thi hành lúc rạng sáng, và làm thế nào tôi chọn nạn nhân đây?  Cuối cùng, tôi có một ý tưởng.  Tôi xuống hầm giam, bảo ba người trung sĩ ấy rằng tôi để tùy các người chọn lựa.  Nếu các người không chọn ra một người, tôi nói, thì cả ba đều sẽ bị bắn.  Họ quyết định rút thăm, và khi trời rạng sáng, tôi nã một viên đạn vô gáy của người bạc phước ấy.”

Vô tình tôi ngó hai bàn tay và bộ mặt của Gad, bàn tay và bộ mặt quen thuộc của người bạn tôi, kẻ đã nã một viên đạn vào gáy của một đồng loại, và lúc này, kể lại chuyện đó một cách lạnh lùng, dễ dàng.  Có phải từ tách nước trà màu vàng nguội lạnh, bộ mặt của người trung sĩ ấy đang nhìn lên anh?

“Giả dụ cả ba người trung sĩ không chịu tự họ quyết định?” tôi hỏi.  “Thì sao?”

Gad siết mạnh chiếc tách hơn nữa, gần như thể ra sức bóp vỡ nó.

“Tôi cho rằng thay vào đó tôi sẽ tự giết mình,” anh nói giọng đều đều.  Và sau một lúc im lặng nặng nề, anh thêm. “Tôi nói với cậu là lúc đó tôi còn trẻ và rất mềm lòng.”

Mọi con mắt đều hướng về tôi, chờ câu chuyện của tôi.  Tôi nuốt chửng một ngụm nước trà đắng chát và lau mồ hôi đang toát ra trên trán mình.

“Tôi thoát chết nhờ tiếng cười,” tôi nói.  “Lúc đó, vào một mùa đông tại Buchenwald.  Chúng tôi quần áo như giẻ rách, ngày nào cũng có hàng trăm người chết rét.  Buổi sáng chúng tôi phải ra khỏi ba-rắc, đứng bên ngoài tuyết lâu tới hai giờ chờ cho đến khi làm vệ sinh ba-rắc xong.  Ngày nọ, tôi cảm thấy mình đau nặng tới độ tôi chắc chắn mình sẽ chết vì phơi lạnh, vì vậy, tôi ở lại trốn trong ba-rắc.  Dĩ nhiên là tôi bị phát hiện, và toán vệ sinh lôi tôi tới trước mặt một trong các tên phụ tá ba-rắc trưởng.  Hắn vừa cật vấn tôi tới tấp vừa túm cổ họng tôi, nói không chút xót thương: ỏTao bóp cổ mày chết.õ  Hai bàn tay cứng như thép của hắn chẹn họng tôi, và trong tình trạng suy nhược của mình, tôi không chống cự được chút nào.  Tốt lắm, tôi tự nhủ, mọi sự thế là xong.  Tôi cảm thấy máu dồn lại trong đầu và đầu tôi phình ra to gấp mấy lần bình thường, tới độ tôi chắc mình giống một hình hoạt họa, một thằng hề khốn khổ.  Tôi chắc chắn chỉ phút nữa thôi, đầu tôi sẽ nổ tung thành cả ngàn mảnh như trái bong bóng trẻ con chơi.  Đúng lúc đó, tên phụ tá ba-rắc trưởng nhìn thẳng vô mặt tôi, thấy cái đầu tôi quá dị hợm nên nó buông tay ra, phá lên cười ngặt nghẻo.  Nó cười lâu tới độ quên mất ý định giết người.  Nhờ vậy tôi lành lặn thoát thân.  Thật tức cười, không phải sao?  Rằng tôi giữ được mạng mình nhờ một tên giết người có máu hài hước?”

Tôi có ý chờ những người đang nghe sẽ nhìn kỹ đầu tôi coi nó đã thật sự trở lại kích thước bình thường chưa, nhưng họ chẳng chút nào để ý  Họ tiếp tục đăm đăm nhìn tách nước trà đang nguội lạnh như đá trước mắt mình.  Trong vài phút sau đó, không ai hé môi.  Chúng tôi không còn mong muốn gợi lại quá khứ hoặc lắng nghe người bạn của mình kể lại chuyện đời rối rắm của mỗi người.  Chúng tôi ngồi quanh bàn, im lặng khắc khoải.  Tôi chắc chắn rằng ai trong chúng tôi cũng đang tự hỏi mình thoát chết được thật sự là nhờ vào cái gì?  Gideon là người đầu tiên lên tiếng.

“Chúng ta phải mang cái gì đó cho người Anh ấy ăn,” anh nói.

Đúng, tôi tự nhủ, Gideon cũng đang buồn bã.  Anh đang nghĩ tới John Dawson.  Chắc chắn anh buồn, tránh sao được.

“Tôi không tưởng tượng ra được là hắn đói,” tôi nói lớn.  “Anh không thể trông mong một người bị buộc phải chết lại cảm thấy ăn ngon miệng.”  Và để nói với chính mình, tôi thêm. “Hoặc một người bị bắt buộc phải giết cũng thế.”

Hẳn giọng nói của tôi có âm điệu kỳ quái vì những người khác đều ngẩng đầu lên, và tôi cảm thấy trong cái nhìn của họ có điều gì đó ái ngại.

“Không,” tôi nói một cách ngang bướng, “một người bị buộc phải chết thì không thể nào đói.”

Họ không nhúc nhích mà ngồi ngay đơ như từng giây đồng hồ đang trôi qua là bất tận.  “Bữa ăn chót theo truyền thống của tử tội là một trò hề,” tôi nói lớn tiếng, “một trò cười vị giác tồi bại nhất, một sự nhục mạ cái thi hài mà hắn sắp trở thành.  Hắn đâu thiết tới việc chết mà dạ dày đầy hay rỗng?”

Trong mắt Gad lộ vẻ ngạc nhiên ray rứt, còn Ilana ngó tôi với lòng trắc ẩn và Gideon thì với tình thân thiện.  Joab chẳng chút nhìn tôi.  Mắt anh cụp xuống, nhưng có thể đó là cách anh thường nhìn.

“Hắn không biết,” Gideon nhận xét.

“Hắn không biết cái gì?” tôi hỏi mà không ý thức được tại sao mình cao giọng.  Có thể vì tôi muốn nghe mình nói lớn để khuấy động cơn giận của mình và thấy cơn giận ấy phản chiếu trong những hình bóng bất động trong gương và trên vách.  Hoặc có thể xuất phát từ sự hoàn toàn yếu đuối của mình.  Tôi cảm thấy mình không có quyền sức để thay đổi bất cứ điều gì, ít nhất là bản thân mình, mặc dầu thực tế tôi muốn đưa vào căn phòng một sự chuyển biến để lập lại thứ tự của sự tạo thành này.  Tôi muốn biến Ông Thánh thành Gã khật khùng, muốn làm cho Gad mang tên John Dawson và muốn David mang số phận của Gad.  Nhưng tôi biết mình chẳng làm được gì.  Để có quyền sức như thế, tôi phải đưa tới cái chết, không phải chỉ cái chết cá nhân của Dawson, viên đại úy người Anh, kẻ cũng như tôi không còn biết ngon miệng.

“Hắn không biết cái gì?” tôi lanh lãnh lặp lại.

“Hắn không biết mình sắp chết,” Gideon nói bằng giọng ảo não mơ hồ.

“Dạ dày hắn biết,” tôi đáp trả.  “Người sắp chết chỉ lắng nghe dạ dày của mình.  Hắn không chú ý tới trái tim của hắn hoặc dĩ vãng của hắn và cũng chẳng quan tâm tới những thứ đó của anh.  Hắn lắng nghe dạ dày của hắn và dạ dày của hắn nói cho hắn biết rằng hắn sắp chết và rằng hắn không đói.”

Tôi nói nhanh quá và lớn quá khiến nói xong tôi thở hổn hển.  Tôi muốn bỏ chạy nhưng mắt nhìn đăm đăm của các bạn ghim tôi tại chỗ.  Thần chết vây chặn mọi lối ra và khắp nơi chỉ toàn mắt với mắt.

“Tôi sắp xuống hầm giam đây,” Gideon nói.  “Tôi sẽ hỏi hắn có muốn ăn chút gì không?”

“Đừng hỏi hắn gì cả,” tôi nói.  “Hãy chỉ giản dị nói với hắn rằng ngày mai, lúc mặt trời lên quá đường chân trời đỏ như máu thì hắn, John Dawson, sẽ nói lời vĩnh biệt cuộc đời, vĩnh biệt dạ dày của mình.  Hãy nói với hắn rằng hắn sắp chết.”

Gideon đứng lên, mắt không rời tôi, bắt đầu đi về phía nhà bếp và lối xuống hầm giam.  Tới cửa, anh dừng lại.

“Tôi sẽ nói cho hắn biết,” anh thốt lên với nụ cười bất chợt và héo úa.  Rồi anh trở gót và tôi nghe bước chân anh đi xuống cầu thang.

Tôi biết ơn sự ưng thuận của anh.  Anh, chứ không phải tôi, báo cho John Dawson về cái chết đang tới gần của hắn.  Tôi không thể nào làm được việc đó.  Giết một người thì dễ hơn là báo cho người ấy biết tin rằng hắn sắp chết.

“Nửa đêm,” Joab nói.

“Nửa đêm,” tôi ngẫm nghĩ, đây là giờ người chết đứng lên khỏi mồ, tới đọc kinh trong hội đường, đây là giờ chính Bản thân Thượng đế khóc than sự sụp đổ của Đền Thánh, đây là giờ con người có thể thăm dò những chốn sâu thẳm trong lòng mình và nhận ra Đền Thánh trong các tàn tích.  Thượng đế thì khóc và người chết thì cầu nguyện.

“Cậu bé khốn khổ!” Ilana thì thầm.

Chị không nhìn tôi, nhưng lệ của chị long lanh soi quá gần vào  khuôn mặt tôi.  Không phải đôi mắt của chị mà nước mắt của chị đang vỗ về tôi.

“Đừng gọi như vậy, Ilana.  Đừng gọi tôi là cậu bé khốn khổ.”

Mắt chị đầy ngấn nước mắt, đúng hơn, những giọt lệ tại nơi có đôi mắt của chị, những ngấn nước mắt mà mỗi giây trôi qua, nó mọng nước hơn, nằng nặng hơn, chực trào ra và nhỏ xuống... Tôi sợ rằng bỗng dưng sẽ xảy tới điều tệ hại nhất: không còn ở đó một Ilana lung linh mờ ảo nữa; chị sẽ chết đuối trong nước mắt của mình.  Tôi muốn chạm vào cánh tay chị và nói đừng khóc.  Muốn gì thì nói nhưng đừng khóc.

Nhưng chị không khóc.  Chỉ đôi mắt khóc, và chị không còn mắt, nơi của đôi mắt chỉ là những giọt lệ.

“Cậu bé khốn khổ!” chị lặp lại.

Rồi bỗng dưng trở thành sự thật điều tôi đã đoán trước.  Ilana biến mất, và Catherine thay vào chỗ đó.  Tôi tự hỏi làm sao mà Catherine lại đến nơi này, nhưng việc chị hiện ra không làm tôi đặc biệt ngạc nhiên.  Chị thích người khác phái, và cách riêng, chị thích những cậu bé đang nghĩ tới cái chết.  Chị thích nói chuyện tình yêu với các cậu bé ấy; và vì những người sắp chết ấy chỉ là những cậu bé, chị thích nói với chúng về tình yêu.  Vì lý do đó, thật không ngạc nhiên chút nào về sự có mặt của chị trong căn phòng bí nhiệm này -- bí nhiệm vì nó vượt quá những cái khác biệt -- những mối dây ràng buộc giữa nạn nhân và kẻ hành quyết, giữa hiện tại và quá khứ.

Tôi gặp Catherine tại Paris năm 1945, khi tôi vừa tới đó từ trại Buchenwald, một địa điểm bí nhiệm, nơi biến người sống thành kẻ chết và tương lai của họ thành bóng tối.  Tôi mất sức và gần như chết đói.  Một trong các ủy ban giải cứu gởi tôi tới một trại đang có hàng trăm thiếu niên và thiếu nữ trải qua kỳ nghỉ hè.  Trại ở Normandy, nơi sáng sớm có gió nhẹ xào xạc thổi, giống như ngọn gió sớm ở Palestine.

Vì không biết tiếng Pháp, tôi không thể trao đổi được với các cậu trai và các cô gái khác.  Tôi ngồi ăn và tắm nắng với họ nhưng tôi không làm thế nào chuyện trò được.  Catherine là người duy nhất hình như biết ít nhiều tiếng Đức và đôi khi chúng tôi trao đổi vài câu.  Thỉnh thoảng chị tới gặp tôi tại bàn ăn tối, hỏi tôi có ngủ ngon không, có thích thú bữa ăn không hoặc hôm đó có thấy thoải mái không.

Chị hai mươi sáu hoặc hai mươi bảy tuổi; nhỏ nhắn, ẻo lã, cởi mở, với mái tóc màu hung lóng lánh như lụa, đôi mắt xanh mơ màng chưa từng biết khóc.  Chị là người phụ nữ đầu tiên mà tôi nhìn thật gần.  Trước đó -- có nghĩa trước chiến tranh -- tôi không nhìn phụ nữ.  Trên đường tới trường học hay tới hội đường, tôi đi sát vách nhà người ta và mắt nhìn xuống đất.  Tôi biết rằng phụ nữ có mặt trên đời và tại sao họ có mặt trên đời nhưng tôi không biết  rằng thực tế phụ nữ có một thân thể, bộ ngực, chân, tay và môi mà khi chạm vào là trái tim đàn ông đập mạnh.  Catherine vén lộ điều ấy cho tôi.

Trại ở ven một cụm rừng, và sau bữa ăn khuya, tôi thường một mình tới đó, trò chuyện với ngọn gió nhẹ thì thầm và ngắm nhìn bầu trời chuyển màu càng lúc càng xanh thẳm.  Tôi thích được một mình.

Một buổi tối, Catherine hỏi tôi rằng chị có thể cùng đi với tôi không, tôi rụt rè quá, chẳng biết nói gì ngoài tiếng được.  Suốt nửa giờ, rồi một giờ, chúng tôi bước đi trong hoàn toàn im lặng.  Đầu tiên tôi nhận thấy sự im lặng đó làm mình bối rối, nhưng rồi tôi ngạc nhiên thấy mình bắt đầu thú vị nó.  Im lặng của hai người thì sâu lắng hơn im lặng của một người.  Bất chợt, tôi bắt đầu lên tiếng.

“Hãy nhìn bầu trời trên kia đang mở ra như thế nào kìa,” tôi nói.

Chị ngửng đầu nhìn lên.  Đúng như tôi nói, bầu trời đang mở ra.  Ban đầu chầm chậm, như có ngọn gió vô hình lướt qua, các ngôi sao túa ra từ đỉnh trời, một số trôi sang phải, một số dạt về trái, cho tới khi trung tâm bầu trời là một không gian trống vắng, xanh tới sững sờ và dần dần đạt tới sâu thẳm, đậm đà.

“Hãy nhìn thật kỹ,” tôi nói.  “Ở chỗ đó không có gì cả.”

Từ phía sau tôi, Catherine nhìn lên, chẳng nói một lời.

Chúng tôi tiếp tục bước và tôi nói chị nghe về truyền thuyết về bầu trời mở ra.  Khi tôi còn bé, ông thầy già kể với tôi rằng có những đêm bầu trời mở ra dọn đường lên cho lời cầu nguyện của các trẻ em bất hạnh.  Vào một đêm như thế, bên cạnh người cha đang hấp hối, một cậu bé nói với Thượng đế:  “Lạy Cha, con thơ dại quá, chẳng biết làm sao cầu nguyện.  Nhưng con xin Ngài chữa lành người cha bệnh tật của con.”  Thượng đế làm điều cậu bé xin, nhưng bản thân cậu bé thì biến thành lời cầu nguyện và được mang lên trời.  Từ đó trở đi, ông thầy già bảo tôi, thỉnh thoảng Thượng đế biểu lộ Ngài cho chúng ta bằng bộ mặt một cậu bé.

“Đó là lý do tôi nhìn bầu trời vào những phút giây riêng tư này,” tôi bảo Catherine.  “Tôi hi vọng thấy cậu bé ấy.  Nhưng chị là người làm chứng cho sự thật này nhé.  Ở trên đó không có gì cả.  Cậu bé ấy chỉ là một chuyện kể thôi.”

Chính lúc đó, lần đầu tiên trong buổi tối đó, Catherine mở miệng.

“Cậu bé khốn khổ!” chị kêu lên.  “Cậu bé khốn khổ!”

Tôi tự nhủ, chị đang nghĩ tới cậu bé trong câu chuyện ấy.  Và tôi yêu chị vì lòng trắc ẩn của chị.

Từ đó, Catherine thường đi dạo với tôi.  Chị hỏi về thời thơ ấu và quá khứ gần đây nhất của tôi, nhưng không phải lúc nào tôi cũng trả lời.  Một tối, chị hỏi tại sao tôi giữ mình xa cách với các cô và các cậu khác cùng trại.

“Vì họ nói thứ tiếng tôi không hiểu được,” tôi bảo chị.

“Vài thiếu nữ biết tiếng Đức,” chị nói.

“Nhưng tôi chẳng có gì để nói với họ.”

“Cậu chẳng cần nói gì cả,” chị nói chầm chậm, với một nụ cười.  “Việc duy nhất cậu phải làm là yêu họ.”

Tôi không biết chị có ý định gì và tôi bảo chị như vậy.  Nụ cười chị rộng mở và chị bắt đầu nói với tôi về tình yêu.  Chị nói dễ dàng và nghe thật hay.  Tình yêu là thế này và tình yêu là thế nọ; đàn ông sinh ra để yêu; hắn chỉ còn sống khi hắn ở trong hình bóng của một phụ nữ nào đó mà hắn yêu hoặc muốn yêu.  Tôi nói với chị rằng tôi chẳng biết gì về tình yêu, rằng tôi không biết tình yêu có hiện hữu hoặc có quyền hiện hữu hay không.

“Tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy,” chị nói.

Tối hôm sau, khi đi bên trái tôi, chị nắm cánh tay tôi.  Lúc đầu tôi nghĩ chị cần tôi nâng đỡ nhưng thật ra chị làm như vậy vì muốn tôi cảm thấy hơi ấm của thân thể chị.  Rồi chị than mệt và nói thật dễ chịu nếu ngồi xuống trên cỏ dưới tàng cây.  Vừa ngồi xuống, chị bắt đầu vuốt ve khuôn mặt và mái tóc tôi. Rồi chị hôn tôi vài lần; ban đầu môi chị chạm môi tôi và rồi lưỡi chị nóng bỏng trong miệng tôi.  Các đêm sau, chúng tôi đều trở lại nơi đó, chị nói với tôi về tình yêu, khát khao và những bí nhiệm của con tim.  Chị cầm tay tôi, đặt lên ngực chị và đùi chị, và tôi nhận ra rằng phụ nữ có ngực và đùi và bàn tay có thể khiến trái tim đàn ông đập mạnh và biến máu đàn ông thành lửa.

Rồi tới buổi tối sau cùng.  Tháng nghỉ hè đã hết và ngày mai tôi phải về Paris.  Ngay khi xong bữa ăn khuya, chúng tôi ngồi với nhau lần chót dưới tàng cây.  Tôi cảm thấy cô đơn buồn bã, và Catherine ủ bàn tay tôi trong đôi bàn tay chị, không chút nói năng.  Đêm đẹp và tĩnh mịch.  Từng đợt rồi từng đợt, gió như hơi ấm mơn man trên mặt chúng tôi.  Lúc ấy, đã tới một hay hai giờ sáng, và Catherine phá tan sự im lặng, hướng bộ mặt sầu muộn của chị sang phía tôi và nói:

“Bây giờ mình sẽ làm tình.”

Những lời ấy làm tôi run rẩy.  Tôi sắp làm tình lần đầu tiên.  Trước chị, trên trái đất này chưa có người phụ nữ nào.  Tôi không biết nói gì hay làm gì; tôi sợ nói điều nào đó lạc lỏng hoặc làm cử chỉ nào đó không xứng hợp.  Ngượng ngịu, tôi chờ chị khởi sự.  Với vẻ mặt đột nhiên trang trọng, chị bắt đầu cởi y phục.  Chị mở áo mình ra và dưới ánh sao, tôi thấy bộ ngực chị trắng như ngà.  Rồi chị cởi hết những gì còn lại, hoàn toàn khoả thân trước mặt tôi.

“Cởi áo cậu ra,” chị ra lệnh.

Tôi tê liệt; trong cổ họng tôi có sắt và trong mạch máu tôi có chì; cánh tay và bàn tay tôi không nghe lời tôi.  Tôi chỉ biết nhìn chị từ đầu tới chân và phập phồng theo nhịp thở của bộ ngực chị.  Tôi bị thôi miên bởi sự mời gọi của thân thể chị trần truồng và phơi mở.

“Cởi áo cậu ra,” chị lặp lại.

Kế đó, vì tôi không nhúc nhích, chị bắt đầu cởi y phục cho tôi.  Chị khoan thai cởi chiếc áo sơ-mi và chiếc quần soóc của tôi.  Rồi chị ngữa người trên cỏ và nói:

“Yêu tôi đi.”

Tôi quì xuống.  Đăm đăm nhìn chị thật lâu và tôi hôn khắp châu thân chị.  Xa vắng và không nói một lời, chị vuốt tóc tôi.

“Catherine,” tôi nói, “trước hết, tôi có điều phải nói...”

Mặt chị lộ vẻ bối rối thống khổ, và có nỗi thống khổ trong tiếng gió xào xạc trên cây.

“Không, không!” chị kêu lên.  “Đừng nói gì cả.  Yêu tôi đi, đừng nói gì cả.”

Không để ý tới sự phản đối của chị, tôi nói:

“Trước hết, Catherine, tôi phải nói...”

Môi chị mím lại đau đớn, và có nỗi đau đớn trong tiếng gió xào xạc.

“Không, không, không!” chị van nài.  “Đừng nói gì với tôi.  Hãy lặng thinh.  Nhanh lên, hãy yêu tôi mà đừng nói.”

“Điều tôi phải nói là thế này,” tôi nhất quyết, “Chị đã thắng cuộc chơi.  Tôi yêu chị, Catherine... Tôi yêu chị.”

Chị bật khóc và nói đi nói lại mãi:

“Cậu bé khốn khổ! Cậu, cậu bé khốn khổ!”

Tôi lượm áo sơ-mi và quần soóc lên rồi bỏ chạy.  Lúc này tôi đã hiểu ra.  Chị không có ý nói tới cậu bé trên trời mà là nói tới tôi.  Chị nói với tôi về tình yêu vì chị biết rằng tôi là cậu bé ấy, kẻ đã bị biến thành lời cầu nguyện và bị mang lên Thiên đàng.  Chị biết rằng tôi đã chết và trở về trần gian, chết chóc.  Đó là lý do chị nói với tôi về tình yêu và muốn làm tình với tôi.  Tôi hoàn toàn thấy rõ điều đó.  Chị thích làm tình với những cậu bé sắp chết; chị thú vị làm bạn với những kẻ bị cái chết ám ảnh.  Như thế, đêm nay chị có mặt tại Palestine là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

“Cậu bé khốn khổ!” Ilana nói lần sau chót, bằng giọng rất trầm lặng.  Và từ lồng ngực chị thoát ra tiếng thở dài thật sâu làm những giọt lệ của chị trào ra, rơi lả chả, tiếp tục và tiếp tục tuôn rơi cho tới tận cùng thời gian.

 

Đột nhiên tôi nhận ra căn phòng ngột ngạt, ngộp quá tới độ tôi gần như khờ người.  Rõ ràng.  Căn phòng nhỏ, hết sức nhỏ, mà đang tiếp nhận quá nhiều khách trong cùng một lúc.  Từ nửa đêm, khách tuôn đến.  Trong số họ, có người tôi quen, có người tôi ghét, ngưỡng mộ hoặc đã quên.  Khi đưa mắt rảo nhìn quanh phòng, tôi nhận thấy ở đây có mặt hết thảy những người đã góp phần vào việc hình thành ra tôi, hình thành bản sắc thường trực của tôi.  Một số người quen thuộc nhưng tôi không thể xếp họ vào loại nào: họ có tên nhưng không mặt hoặc có mặt nhưng không tên.  Tuy thế, tôi biết là họ đã đi ngang một thời điểm nào đó trong đời tôi.

Nơi đây, dĩ nhiên có cha tôi, mẹ tôi và người ăn mày.  Và ông thầy già tóc hoa râm.  Nơi đây cũng có những lính Anh trên đoàn quân xa chúng tôi đã phục kích tại Gedera.  Và chung quanh họ là các bạn hữu, anh em và đồng chí, một số xuất xứ từ thời thơ ấu của tôi, một số tôi từng thấy họ sống và đau khổ, hy vọng và nguyền rủa tại Buchenwald và Auschwitz.  Bên cạnh cha tôi, có một cậu bé trông giống tôi lạ lùng vào thời trước chiến tranh, trước trại tập trung, trước mọi sự.  Cha tôi mỉm cười với nó, cậu bé đón nhận nụ cười ấy và gởi nó cho tôi qua vô số chiếc đầu đang ngăn cách hai chúng tôi.

Lúc này tôi đã hiểu tại sao căn phòng quá ngột ngạt.  Nó quá nhỏ lại trong cùng một lúc chứa quá nhiều người như thế này.  Tôi rẽ lối đi xuyên qua đám đông cho tới khi đến được trước mặt cậu bé và cám ơn nó vì nụ cười ấy.  Tôi muốn hỏi nó rằng hết thảy những người này đang làm gì, nhưng nghĩ lại tôi thấy hỏi như vậy sẽ bất kính với cha tôi.  Vì ông đang có mặt ở đây nên trước hết tôi phải trình với ông câu hỏi ấy.

“Cha ơi, tại sao hết thảy những người này lại ở đây?”

Mẹ tôi đứng bên ông, trông rất xanh xao và môi bà không ngừng thì thầm: “Đứa con trai nhỏ nhoi khốn khổ, đứa con trai nhỏ nhoi khốn khổ!...”

“Cha ơi,” tôi lặp lại, “Xin cha trả lời con.  Cha và hết thảy mọi người đang làm gì ở đây?”

Đôi mắt ông to, trong đó tôi đã thường thấy bầu trời mở ra; đôi mắt ấy nhìn tôi nhưng ông không trả lời.  Tôi xoay người và thấy mình đối mặt với vị thầy cả, râu ông lốm đốm bạc hơn bao giờ.

“Thưa thầy,” tôi nói.  “Cái gì mang hết thảy những người này tới đây đêm nay vậy?”

Tôi nghe mẹ tôi thì thầm sau lưng tôi, “Đứa con trai nhỏ nhoi khốn khổ, đứa con trai nhỏ nhoi khốn khổ của tôi!”

“Vâng thưa thầy,” tôi lặp lại, “hãy trả lời con đi, con van xin thầy.”

Nhưng ông cũng chẳng trả lời tôi; thật sự hình như ông còn không nghe ra câu hỏi của tôi, và sự im lặng của ông làm tôi sợ hãi.  Trước đây, tôi biết rõ rằng hể bao giờ tôi cần đến là ông luôn luôn có mặt.  Thuở đó, sự im lặng của ông làm tôi an lòng.  Lúc này, tôi cố nhìn vào mắt ông, nhưng chúng là hai quả cầu lửa, hai mặt trời đốt cháy mặt mày tôi.  Tôi trở bộ và đi từ người khách này sang người khách khác, tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình, nhưng sự có mặt của tôi làm họ lặng người kinh hãi.  Sau cùng, tôi tới người ăn mày; ông đang đứng vai và đầu nhô cao hơn hết thảy mọi người.  Và ông nói với tôi, hết sức bình thản.

“Đây là đêm của nhiều bộ mặt,” ông nói.

Tôi u buồn và mệt mỏi.

“Vâng,” tôi nói rã rời, “đây là đêm của nhiều bộ mặt, và tôi muốn biết lý do tại sao.  Nếu ông đúng là kẻ tôi nghĩ, kẻ soi sáng và an ủi tôi.  Hãy nói cho tôi biết ý nghĩa của những cái nhìn này, của sự câm lặng này, của những hình bóng này.  Hãy nói cho tôi biết, tôi van ông, vì tôi không thể chịu đựng chúng thêm được nữa.”

Ông nắm cánh tay tôi, dịu dàng vỗ về và nói:

“Cậu có thấy cậu bé đằng kia không?” và ông chỉ vào cậu bé giống tôi mà tôi vừa thấy.

“Vâng, tôi có thấy nó,” tôi trả lời.

“Nó sẽ trả lời mọi câu hỏi của cậu,” người ăn mày nói.  “Hãy tới hỏi nó.”

Lúc này tôi hoàn toàn chắc chắn rằng ông không phải là kẻ ăn mày.  Thêm lần nữa, tôi thúc khuỷu tay đi lách qua đám đông các bóng ma.  Thở hổn hển vì quá mệt, tôi tới chỗ cậu bé.

“Hãy nói cho tôi biết,” tôi nói giọng van nài, “cậu đang làm gì ở đây? Và hết thảy những người này?”

Nó trố mắt kinh ngạc.

“Anh không biết ư?” nó hỏi.

Tôi thú thật mình không biết.

“Ngày mai một người sẽ chết, phải không?”

“Phải,” tôi nói, “vào rạng sáng ngày mai.”

“Và anh sẽ giết người ấy, phải không?”

“Phải, đúng vậy; tôi phụ trách việc hành quyết hắn.”

“Và anh không hiểu, phải không?”

“Không.”

“Nhưng cái đó hoàn toàn giản dị,” nó kêu lên.  “Chúng tôi ở đây để có mặt tại cuộc hành quyết.  Chúng tôi muốn nhìn anh tiến hành việc đó.  Chúng tôi muốn nhìn anh thành kẻ giết người.  Điều ấy cũng khá tự nhiên, phải không?”

“Tại sao lại tự nhiên?  Việc giết John Dawson thì liên quan gì tới các người?”

“Anh là tổng kết của tất cả những gì chúng tôi là,” cậu bé giống tôi ngày trước nói.  “Bằng cách đó, chúng tôi là những người sắp hành quyết John Dawson.  Vì anh không thể nào làm được việc đó mà không có chúng tôi.  Lúc này, anh hiểu chưa?”

Tôi bắt đầu hiểu.  Một hành động cực kỳ tuyệt đối như hành động giết người thì không chỉ can dự tới kẻ giết người mà còn can dự tới hết thảy những người đã và đang góp phần hình thành ra tên giết người đó.  Bằng hành động giết một người, tôi biến họ trở thành những kẻ giết người.

“Được,” cậu bé nói, “anh hiểu chưa?”

“Vâng, tôi hiểu,” tôi nói.

“Đứa con trai khốn khổ, đứa con trai khốn khổ!” mẹ tôi thì thầm, đôi môi bà lúc này trắng nhợt như mái tóc bạc của ông thầy già.

 

“Hắn đói” giọng nói của Gideon bất chợt vang lên.

Tôi không nghe tiếng chân anh trở lại cầu thang.  Các Vị thánh có cách làm chưng hửng người ta mà chẳng gây tiếng động.  Họ đi, cười, ăn uống và cầu nguyện, làm tất cả mà không phát ra âm thanh nào.

“Không thể được,” tôi phản đối.

Tôi cho rằng hắn không thể biết đói.  Hắn sắp chết mà người chết thì không thể biết đói.

“Chính hắn nói vậy,” Gideon quả quyết với giọng hơi run run.

Mọi người đăm đăm nhìn tôi.  Ilana đã thôi khóc, Joab không còn săm soi móng tay và Gad trông có vẻ mỏi mệt.  Hết thảy các bóng ma cũng thế, dường như đang chờ đợi nơi tôi cái gì đó, có thể là một dấu hiệu hoặc một tiếng gào thét.

“Hắn biết chứ?” tôi hỏi.

“Có, hắn biết,” và chút sau anh thêm: “Tôi đã nói với hắn.”

“Hắn phản ứng ra sao?”

Đối với tôi, điều quan trọng là biết phản ứng của hắn.  Tin đó có là một cú sốc không?  Hắn bình thản hoặc phản đối rằng hắn vô tội?

“Hắn mỉm cười,” Gideon nói.  “Hắn nói hắn biết rồi.  Dạ dày của hắn đã nói cho hắn biết.”

“Và hắn nói rằng hắn đói?”

Gideon dấu hai bàn tay đang xoắn lại ra sau lưng mình.

“Vâng, đó là cái hắn nói.  Hắn nói rằng hắn đói và rằng hắn có quyền hưởng bữa ăn ngon cuối cùng.”

Gad cười, nhưng giọng cười của anh trống rỗng.

“Một người Anh điển hình,” anh nhận xét.  “Kiên cường cứng cỏi.”

Nhận xét của anh lơ lửng giữa không khí trên đầu chúng tôi: không ai mở lòng tiếp đón nó.  Cha tôi liếc tôi bằng tia nhìn khắc nghiệt, như thể nói một người sắp chết và anh ta đói.

“Cũng có thể thừa nhận như thế,” Gad nói.  “Người Anh có bộ tiêu hóa bằng thép.”

Thêm lần nữa chẳng ai để ý tới nhận xét của anh.  Tôi cảm thấy thình lình đau thốc trong dạ dày.  Suốt ngày nay, tôi chưa ăn gì.  Ilana đứng dậy đi vô bếp.

“Tôi dọn chút gì cho hắn ăn,” chị tuyên bố.

Tôi nghe cử động của chị vang ra, xắt lát ổ bánh mì, mở ngăn nước đá, bắt đầu pha cà phê.  Ít phút sau, chị trở ra, một tay cầm tách cà phê, tay kia cầm chiếc dĩa.

“Tôi chỉ kiếm được có thế này thôi,” chị nói.  “Bánh mì kẹp phó mát với cà phê đen.  Không có đường... Một bữa ăn chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tôi đã cố hết sức.”  Và sau vài giây im lặng, chị hỏi, “Ai sẽ mang cái này xuống?”

Cậu bé đứng bên cha tôi chăm bẳm nhìn tôi không chút xót thương.  Cái nhìn chòng chọc của nó mang một giọng nói, giọng ấy nói:

“Đi đi.  Mang cho hắn cái gì ăn.  Anh biết là hắn đói mà.”

“Không,” tôi trả lời.  “Không phải tôi.  Tôi không muốn gặp hắn.  Trước hết, tôi không muốn nhìn hắn ăn.  Sau nữa, tôi muốn nghĩ tới hắn như nghĩ tới một người không hề ăn.”

Tôi muốn thêm rằng tôi đang bị co thắt dạ dày nhưng tôi nhận thấy điều đó không quan trọng.  Thay vào đó, tôi nói, “Tôi không muốn ở một mình với hắn.  Chưa tới lúc.”

“Chúng tôi sẽ đi với anh,” cậu bé nói.  “Thật sai lầm nếu giữ lại thực phẩm không cho người đói ăn.  Anh biết điều ấy mà.”

Vâng.  Tôi biết.  Tôi luôn luôn cho người đói thức ăn.  Ông, người ăn mày, ông nhớ chứ.  Có phải tôi đã đề nghị hiến ông bánh mì?  Nhưng đêm nay thì không.  Đêm nay tôi không thể làm việc đó.

“Đúng vậy,” cậu bé ấy nói, thúc tăng vận tốc con tàu nghĩ tưởng của tôi.  “Đêm nay thì khác và anh cũng khác, hay ít ra, anh đang khác.  Nhưng cái đó chẳng dính dáng gì tới việc có người đang đói và phải có gì ăn.”

“Nhưng hắn sắp chết vào ngày mai,” tôi phản đối.  “Hắn chết với một dạ dày đầy hay rỗng thì quan trọng gì chớ?”

“Vì lúc này hắn còn sống,” cậu bé lên giọng dạy dỗ.  Cha tôi gật đầu đồng tình và hết thảy những người khác làm theo ông.  “Hắn còn sống và đói, và có phải anh không chịu cho hắn cái gì ăn?”

Hết thảy mọi cái đầu ấy đều gật, tựa những ngọn cây tối thui, làm tôi rùng mình.  Tôi muốn nhắm mắt lại nhưng tôi hổ thẹn.  Tôi không thể nhắm mắt trước sự có mặt của cha tôi.

“Thôi được,” tôi nói cam chịu.  “Tôi chấp nhận.  Tôi sẽ đem cái gì đó cho hắn ăn.”  Như thể tuân theo chiếc gậy của một nhạc trưởng vô hình, những cái đầu đang gật đó bỗng ở yên.  “Tôi sẽ đem cho hắn cái gì đó ăn,” tôi lặp lại.  “Nhưng này cậu bé, trước hết hãy nói cho tôi biết.  Người chết có đói không?”

Nó nhìn tôi kinh ngạc.

“Cái gì----bộ anh không biết?”  nó kêu lên.  “Dĩ nhiên họ đói.”

“Và chúng ta có nên cho họ cái gì ăn?”

“Tại sao anh lại hỏi vậy?  Dĩ nhiên anh nên cho họ cái gì ăn.  Chỉ khó khăn...”

“Khó khăn...khó khăn...khó khăn...,” các bóng ma cất giọng đồng thanh.

Cậu bé nhìn tôi và mỉm cười.

“Tôi nói với anh một bí mật,” nó thì thầm.  “Anh đã biết vào lúc nửa đêm người chết rời nấm mồ của họ, phải không?”

Tôi nói với nó rằng tôi biết; người ta bảo tôi như thế.

“Có phải người ta bảo anh rằng họ từ nghĩa địa đi tới hội đường?”

Vâng, người ta bảo tôi như thế.

“Đúng, đúng vậy,” cậu bé nói.  Rồi sau một chút im lặng để làm nổi bật điều sắp nói, nó tiếp tục bằng giọng chửng chạc, một giọng nói chưa từng có bên trong tôi và tôi chưa bao giờ nghe giọng nói đó:  “Vâng, điều đó đúng.  Đêm đêm họ tụ họp ở hội đường.  Nhưng không vì mục đích như anh tưởng.  Họ tới đó không phải để cầu nguyện mà là để ăn---”

Mọi thứ trong phòng -- các bức vách, ghế, đầu người -- bắt đầu xoay xoay chung quanh tôi, nhảy múa theo một nhịp điệu đã định sẵn, không khuấy động không khí cũng chẳng đặt chân xuống đất.  Tôi là tâm điểm của vô số vòng tròn đó.  Tôi muốn nhắm mắt bịt tai lại, nhưng cha tôi đang ở đây, và ở đây còn có mẹ tôi, ông thầy già, người ăn mày và cậu bé.  Chung quanh tôi đang có hết thảy những người đã hình thành ra tôi, tôi không có quyền bịt tai nhắm mắt.

“Đưa cái đó cho tôi,” tôi nói với Ilana.  “Tôi mang xuống cho hắn.”

Những thứ đang nhảy múa ấy chửng lại, như thể tôi là nhạc trưởng và lời tôi là chiếc gậy.  Tôi bước tới chỗ Ilana vẫn đứng ở nhà bếp.  Thình lình, Gad lướt tới nơi chị ấy đứng, trước cả tôi.

“Tôi làm việc này,” anh nói.

Gần như tàn bạo, anh giật chiếc khay và cái dĩa trong tay Ilana và lật đật bước xuống cầu thang.

Joab nhìn đồng hồ đeo tay.  “Hai giờ hơn.”

“Thế thôi ư?”  Ilana hỏi.  “Đêm nay dài quá.  Đêm dài nhất tôi từng sống.”

“Vâng, đêm nay dài thật.”

Ilana cắn môi.  “Có những khoảnh khắc tôi nghĩ nó sẽ không bao giờ kết thúc và sẽ kéo dài bất tận.  Nó như mưa.  Trời mưa ở đây, cũng như mọi cái khác, gợi ra sự thường hằng và vĩnh hằng.  Tôi nói với mình:  Trời mưa hôm nay và mưa ngày mai và ngày kia, tuần sau và thế kỷ sau.  Lúc này, tôi nhủ thầm: có đêm bây giờ và sẽ có đêm mai và đêm kia và đêm tuần kia và đêm thế kỷ kia.”

Chị bỗng ngừng nói, rút từ cổ tay áo bờ-lu ra chiếc khăn tay và lau vầng trán đẫm mồ hôi của chị.

“Tôi không biết tại sao trong này ngột ngạt quá,” chị nói.  “Nhất lại là vào lúc khuya khoắt như thế này.”

“Sáng mai trời dịu hơn,” Joab đoan chắc.

“Hi vọng là vậy,” Ilana nói.  “Mấy giờ mặt trời mọc?”

“Chừng năm giờ.”

“Và lúc này mấy giờ rồi?”

“Hai giờ hai mươi,” Joab nói, lại ngó đồng hồ của mình.

“Elisha, cậu không nực sao?” Ilana trả lời.

“Có, tôi cảm thấy nóng,” tôi trả lời.

Ilana về lại chỗ của chị bên bàn.  Tôi bước tới cửa sổ, nhìn ra.  Thành phố dường như xa xôi và không thật.  Sâu trong giấc ngủ, thành phố sinh hạ những giấc mơ khắc khoải, những giấc mơ hi vọng, những giấc mơ đưa tới những giấc mơ khác thêm nữa vào ngày kế tiếp.  Và tới lượt chúng, những giấc mơ ấy sinh hạ các vị anh hùng mới, những kẻ sống qua đêm và sẵn sàng chết lúc rạng sáng, để chết và để gây ra cái chết.

“Có, tôi nực, Ilana,” tôi nói.  “Tôi không cực cựa nổi.”

 

Chương : 1    2   3   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1443
Ngày đăng: 22.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)