Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
678
123.237.622
 
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn
Elie Wiesel
Chương 4

4

Ngay lúc ấy, tên say khướt đó dơ tay chộp con bé và tàn bạo lôi nó ra khỏi ba-rắc.  Trời sẩm tối.  Một luồng ánh sáng đo đỏ từ mặt đất bốc rực lên làm bầu trời ngập tràn màu đỏ sậm.

“Tên viên chức ấy thông minh,” Sarah nói.  “Giữa hết thảy những phụ nữ trần truồng trong ba-rắc, hắn lựa đúng tôi dù tôi đang mặc quần áo.  Vì tôi mười hai tuổi.  Đàn ông thích làm tình với đàn bà mười hai tuổi.”

Nàng lại xoay đầu về phía tôi, và gọng kềm lại siết chặt cổ họng tôi với một sức mạnh mới.

“Anh cũng vậy,” nàng nói.  “Nếu tôi mười hai tuổi, anh sẽ làm tình với tôi.”

Tôi không thể lắng nghe nàng thêm nữa.  Tôi đã tới tận cùng hơi sức của mình, và tôi nghĩ: chỉ một lời nữa thôi tôi sẽ chết.  Tôi chết nơi đây, trên chiếc giường này, nơi đàn ông tới ngủ với một cô gái tóc vàng nhưng thực tế, họ không biết rằng mình đang làm tình với một bé gái mười hai tuổi,

Trong một thoáng, tôi có ý nghĩ rằng có lẽ tôi nên lập tức ngủ với nàng.  Làm ngay.  Không một cử chỉ điệu bộ.  Không một lời lẽ vô ích.  Để nàng thấy người ta vẫn còn có thể phải lòng nhau.  Rằng bùn thì ở khắp nơi và không đáy.  Tôi chầm chậm đứng lên, nâng bàn tay nàng, dịu dàng hôn.  Tôi muốn nàng thấy.  Tôi muốn nàng nhận ra tôi thèm muốn nàng.  Rằng tôi khao khát nàng.  Rằng tôi cũng không vượt qua được những giới hạn của xác thịt mình.  Tôi đặt môi mình lên bàn tay giá lạnh của nàng.

“Thế thôi ư?” nàng hỏi tôi.  “Anh không muốn chơi thêm gì nữa sao?”

Nàng cười thành tiếng.  Nàng đang ra sức cười cho giống một kẻ khác, giống tên say rượu trong ba-rắc.  Nhưng nàng không thành công.  Nàng không say.  Không có chút dâm ô nào trên bàn tay của nàng hoặc trong giọng nói của nàng.  Nàng thanh khiết tột cùng, thanh khiết hết mức con người có thể thanh khiết.

“Muốn,” tôi trả lời, run rẩy.

Nghiêng mình trên người nàng, tôi hôn nàng lần nữa.  Nàng không đáp lại chiếc hôn của tôi.  Môi tôi gắn chặt môi nàng, lưỡi tôi tìm lưỡi nàng.  Nàng vẫn ơ hờ, xa vắng.

Nàng cố nói nhưng tôi không cho nàng có dịp nói.

“...Em là một vị thánh.  Chính em là một vị thánh.”

Một thoáng ngạc nhiên lướt qua bộ mặt trẻ thơ và đau ốm của nàng.  Mắt nàng tinh lanh hơn, nhìn tàn bạo hơn.

“Anh, đồ điên!” nàng nói một cách giận dữ.  “Anh thật là khùng!”

Và để lãng tránh, nàng lại cười.  Nàng bắt chước ai đó đang cười.  Nhưng mắt nàng không cười.  Miệng nàng cũng không cười.

“Tôi, một vị thánh!” nàng nói.  “Anh điên rồi.  Tôi đã kể cho anh nghe chưa, rằng tôi bao nhiêu tuổi khi ngủ với người đàn ông đầu tiên?  Tôi bao nhiêu tuổi khi tôi bắt đầu làm nghề này?”

Nàng nhấn mạnh tiếng “nghề”, trông có vẻ thách thức như khi nàng đặt câu hỏi.

“Có,” tôi nói.  “Cô có kể với tôi.  Mười hai.  Lúc đó cô mười hai.”

Nàng càng lúc càng cười lớn.  Đúng là tên say rượu đó.  Hắn chưa buông tha nàng.

“Và theo ý kiến của anh,” nàng tiếp tục.  “Một người đàn bà bắt đầu làm đĩ lúc mười hai tuổi là một vị thánh, đúng không?”

“Đúng,” tôi nói.  “Một vị thánh.”

Tôi nghĩ: hãy để nàng khóc.  Hãy để nàng la hét.  Hãy để nàng nhục mạ tôi.  Bất cứ điều gì làm cũng tốt hơn tiếng cười này, tiếng cười thuộc về ai đó khác, thuộc về một thể xác không linh hồn, một cái đầu không mắt.  Bất cứ việc gì làm cũng tốt hơn tiếng cười xa lạ và đớn đau này, tiếng cười biến nàng thành một linh hồn bị quỉ ám.

“Anh khùng,” nàng nói bằng giọng cố làm ra vẻ vui mừng và hoan hỉ.  “Gã say rượu đó chỉ là kẻ đầu tiên.  Sau hắn tới những tên khác.  Tất cả những tên khác.  Tôi trở thành món quà đặc biệt của ba-rắc.  Món quà đặc biệt họ muốn tự tặng cho họ.  Tôi nổi tiếng hơn hết thảy những người đàn bà khác hợp lại.  Hết thảy đàn ông đều yêu tôi: người hạnh phúc và người bất hạnh, người tốt và người xấu, người già và người trẻ, người hoạt bát và người lầm lì.  Người rụt rè và người sa đọa, người như chó sói và người như lợn, người trí thức và người hàng thịt, hết thảy họ, anh nghe rõ không?  Hết thảy họ đều đến với tôi.  Và anh cho rằng tôi là một vị thánh.  Anh điên rồi.”

Và nàng lại cười lớn hơn nữa.  Nhưng tiếng cười đó chẳng dính dáng gì tới nàng.  Toàn bộ con người nàng làm nhớ lại nỗi thống khổ không tuổi, không tên.  Tiếng nàng cười nghe có vẻ khô, phi nhân: nó không phải là của nàng, mà là của Thượng đế hoặc của tên say rượu đó.

“Khốn khổ cho anh!” nàng nói.  “Tôi thương hại anh!  Tôi muốn làm cái gì đó cho anh.  Nói cho tôi biết, sinh nhật của anh ngày nào?  Tôi sẽ có một món quà cho anh.  Một món quà đặc biệt...”

Và tiếng cười của nàng lắng đọng trong tôi.  Một ngày nào đó tôi cũng sẽ bị quỉ ám.  Sarah, trong bộ đồ lót màu đen của nàng, chân co chân duỗi, thình lình ngừng cười.  Tôi cảm thấy cú đấm dứt điểm đang phóng tới.  Phản ứng tự nhiên, tôi bắt đầu lùi về phía cửa.  Ở đó, tôi nghe tiếng nàng thét lớn.

“Đồ điên!”

“Im đi! Trời ơi! Im đi!” tôi la lên.

Tôi biết rằng nàng sẽ nói, rằng nàng sẽ kể với tôi điều gì đó kinh khủng, tồi tệ, những lời lẽ mà tôi sẽ mãi mãi nghe âm vang trở lại vào lúc nào tôi mưu tìm hạnh phúc trong thân thể của một người nữ.

“Im đi!” tôi van nài.

“Một vị thánh, tôi?” nàng hét lớn như một mụ điên.  “Tôi muốn anh biết điều này và nhớ điều này: đôi khi với họ tôi cảm thấy sướng... Sau những lúc như vậy, tôi thù ghét mình, và kể cả trong những lúc cơn sướng đó kéo dài và xác thịt của tôi đôi khi yêu họ... Và xác thịt của tôi là tôi... Tôi, một vị thánh?  Anh có biết tôi thật sự là cái gì không?  Tôi nói cho anh nghe đây.  Tôi là----”

Tôi đã tới giới hạn.  Tôi không chịu đựng nổi nữa.  Tôi sắp mửa.  Vội vàng tôi vặn chìa khóa và mở cửa hết sức nhanh.  Tôi phải lập tức ra khỏi ngôi nhà này.  Tầng hai.  Tầng một.  Người gác cửa.  Đường phố.  Chạy.  Lẹ lên.  Chạy.

Một lúc sau, trong khi đang chạy, tôi mới nhận ra các ngón tay của tôi vẫn siết cổ họng mình.

“Sarah,” tôi kêu lên nghẹn giọng.

“Vâng,” Kathleen nói.  “Đó là tên của mẹ anh.  Em biết.”

“Đó là tên của một vị thánh.”

Tôi bỏ ra nhiều ngày và nhiều tuần đi tìm Sarah.  Tôi trở lại quán cà phê nơi tôi đã gặp nàng.  Tôi hỏi mọi khách sạn trong khu vực đó.  Vô ích.  Dường như chẳng ai từng thấy hoặc từng biết cô gái có mái tóc vàng, kẻ mang tên của mẹ tôi.  Người hầu bàn từng phục vụ chúng tôi cũng không nhớ.  Những người gác cửa khách sạn đó đều nói họ chưa bao giờ thấy nàng.  Và tuy thế, tôi không buông bỏ hy vọng.  Thỉnh thoảng tôi nghĩ mình vẫn đang đi tìm nàng.  Tôi muốn gặp lại nàng, dù chỉ một lần.  Để làm cái việc tôi nên làm chiều đó: làm tình với nàng.

“Mẹ anh đã chết,” Kathleen nói.

Nàng muốn tự làm đau đớn mình.  Đau khổ công khai.  Để cho tôi thấy.  Để cho tôi biết rằng nàng đang đau khổ với tôi, rằng chúng tôi ràng buộc vào nhau bởi khổ đau.  Nàng có thể làm thương tổn tôi chỉ để tỏ ra cho tôi thấy nàng cũng bất hạnh.

“Anh biết bà đã chết,” tôi nói.  “Nhưng đôi khi anh không chịu thừa nhận điều đó.  Đôi khi anh nghĩ rằng các bà mẹ không thể nào chết.”

Đúng thế.  Tôi không thể tin mẹ tôi đã chết. Có lẽ vì tôi không tận mắt thấy bà chết.  Tôi thấy bà bước đi biền biệt với hàng trăm người khác, bị bóng đêm nuốt chửng.  Nếu bà nói với tôi, “Vĩnh biệt, con trai của mẹ.  Mẹ sắp chết,” có lẽ lúc này tôi đã có thể tin.

Cha tôi đã chết.  Tôi biết điều đó.  Tôi tận mắt thấy ông lìa đời: tôi không tìm ông giữa người ta trên đường phố.  Nhưng đôi khi tôi tìm mẹ tôi.  Bà không chết.  Thật sự không chết.  Đó đây tôi thấy có nét mặt của bà trong một phụ nữ nào đó trên xe điện ngầm, trên xe đò, trong quán cà phê.  Và tôi yêu những phụ nữ ấy, đồng thời tôi cũng ghét họ.

Kathleen.  Nước mắt đang trào lên trong đôi mắt nàng.  Mẹ tôi không khóc.  Ít ra khi đang có mặt người khác.  Bà chỉ dâng những giọt nước mắt của bà lên Thượng đế.

Kathleen trông hơi giống mẹ tôi; nàng có vầng trán của bà, chiếc cằm của bà, và cũng có những đường nét thanh khiết y như bà.  Nhưng Kathleen không chết.  Và nàng đang khóc.

 

 

Lúc mới bắt đầu, nàng không khóc.  Chúng tôi không người nào hơn người nào.  Chúng tôi đối xử với nhau ngang hàng.  Chúng tôi tự do.  Người này không để mình bị vướng bận và không làm vướng bận người kia.  Hễ tôi cảm thấy không thích giữ đúng hẹn thì không tới.  Nàng cũng vậy.  Và không ai trong chúng tôi nổi giận hoặc cảm thấy bị thương tổn.  Suốt đêm, nếu tôi cảm thấy không thích trò chuyện thì nàng không có ý gài cho tôi phải giải thích.  Trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi, không bao giờ có câu hỏi mà người yêu nhau thường đặt ra cho nhau, “Anh/em đang nghĩ gì vậy?”  Sự cứng rắn đã trở thành tôn giáo của chúng tôi.  Chỉ nói những gì thật sự cần thiết.  Chúng tôi cố làm cho nhau tin rằng mỗi người, tự riêng mình, cũng có thể sống, hy vọng và tuyệt vọng.  Mỗi chiếc hôn có thể là nụ hôn cuối cùng.  Ngôi đền của chúng tôi có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.  Tương lai không hiện hữu vì nó chẳng ích lợi gì.  Ban đêm chúng tôi làm tình, giống như những người chứng của chính mình.  Người lạ quan sát chúng tôi trên đường phố có thể dễ dàng cho rằng chúng tôi là hai kẻ thù của nhau.  Có lẽ đúng như thế.  Các kẻ thù thật sự không phải là những kẻ bao giờ cũng căm ghét nhau.

Lý ra tôi đừng nói tôi muốn gặp lại nàng ở New York.  Tôi nên bảo nàng rằng thật chẳng đáng cho chúng ta mở cái ngoặc đơn ra: không khí sẽ tràn vào và làm thối rữa mọi sự.

Nàng đã thay đổi.  Kathleen không còn tự do.  Nàng chỉ làm theo một kẻ nào khác.  Cuộc hôn nhân của nàng đã tàn phá nội tâm nàng.  Nàng hoàn toàn đánh mất niềm vui cuộc sống.  Ngày nào cũng giống ngày nấy.  Người ta cũng chỉ nói có một điều.  Thay vì lắng nghe họ, ta có thể theo dõi các chương trình vô tuyến truyền hình.  Bạn hữu của chồng nàng và các đồng nghiệp làm nàng buồn chán.  Các bà vợ của họ cũng làm thần kinh nàng trĩu nặng, nàng cảm thấy mình bị kết án sẽ trở thành người giống y như họ.  Không sớm thì muộn.

Tại New York, chúng tôi gặp nhau hằng ngày.  Nàng đến chỗ của tôi.  Tôi đến chỗ của nàng.  Chúng tôi đi chỗ này chỗ nọ, đi nhiều nơi, tới nhà hát, tới các buổi hòa nhạc.  Chúng tôi thảo luận về văn chương, âm nhạc, thơ.  Tôi cố tỏ ra dễ thương.  Tôi nhẫn nại, ân cần, hiểu biết.  Tôi xử sự với nàng như đối với một người đang đau ốm.  Cuộc chiến đấu đã kết thúc từ lâu.  Lúc này, tôi ra sức giúp nàng đứng vững trở lại trên đôi chân mình.

Chúng tôi hiếm khi gợi lại quá khứ; nếu có gợi lại thì hết sức thận trọng để không khuấy đục nó lên.  Nhiều lần, trong khi lắng nghe một khúc nhạc của Bach, hoặc ngắm hình dáng của một đám mây đang nô đùa với mặt trời, chúng tôi chung chia một xúc động.  Nàng chạm vào bàn tay tôi và hỏi tôi, “Anh có nhớ không?”

Và tôi sẽ trả lời, “Có, Kathleen ạ.  Dĩ nhiên.  Anh nhớ.”

Trước kia, nàng không bao giờ cảm thấy muốn chứng minh cho tôi thấy rằng nàng có nhớ.  Ngược lại, hai chúng tôi đều cảm thấy hổ thẹn vì làm con mồi ngã quị trước quá khứ, trước cảm xúc của một thuở đã qua.  Tôi hẳn quay đầu sang chỗ khác.  Tôi hẳn nói tới điều gì khác.  Lúc này, chúng tôi đã thôi phấn đấu.

Rồi tới một ngày, nàng tự thú...

Chúng tôi đang uống cà phê trong phòng nàng.  Qua máy phát thanh, Isaac Stern đang chơi một hoà tấu khúc vĩ cầm của Beethoven.  Chúng tôi từng nghe khúc nhạc đó ở Paris tại nhà hát Salle Pleyel.  Tôi nhớ lại lúc đó, nàng nắm bàn tay tôi và tôi thô bạo hất ra.  Nếu nàng nắm bàn tay tôi lúc này, tôi nghĩ, tôi sẽ không đẩy tay nàng ra.

“Nhìn em đi,” Kathleen nói.

Tôi nhìn nàng.  Nàng đang cười ray rứt.  Nàng có vẻ mặt của một người đàn bà bị bỏ rơi và nàng ý thức điều đó.  Nàng gõ gõ các ngón tay của mình vào thành tách cà phê.

“Có,” tôi bảo nàng.  “Anh có nhớ.”

Nàng đặt tách xuống, đứng lên và quì trước mặt tôi.  Kế đó, không cúi đầu, không rụt rè và bằng giọng trang trọng -- cũng gần giống trước kia -- nàng bảo tôi, “Em nghĩ là em yêu anh.”  Nàng sắp nói tiếp thì tôi ngắt ngang.  “Yên nào!” tôi bảo nàng một cách khắc nghiệt.

Tôi không muốn nghe nàng nói: Em yêu anh ngay lần đầu gặp gỡ!

Mặt nàng không ánh chút phản ứng nào trước sự khắc nghiệt của tôi.  Nhưng nụ cười của nàng sâu thẳm hơn một chút, héo hon hơn một chút.

“Lỗi tại em,” nàng xin lỗi.  “Em đã cố gắng.  Em đã chống chỏi.”

Beethoven, nhà hát Salle Pleyel, Stern, tình yêu.  Tình yêu làm mọi sự thành phức tạp.  Ngược lại hận thù làm mọi sự ra đơn giản.  Hận thù phân biệt rõ rệt mọi sự và mọi người và những gì tách bạch chúng.  Tình yêu bôi xóa những minh định, phân biệt.  Tôi nghĩ: phút này đây sẽ đặt một dấu chấm lên cuộc đời tôi.

“Anh buồn phải không?” Kathleen lo lắng hỏi.

“Không.”

Kathleen khốn khổ!  Nàng không còn cố bắt chước cái tôi kia của nàng.  Mặt nàng chất ngất thống khổ.  Mắt nàng thu nhỏ lại một cách kì dị.

“Anh không sắp bỏ em mà đi chứ?”

Tình yêu và tuyệt vọng.  Hai thứ đó chung đường.  Cái này ẩn chứa dấu vết của cái kia.  Tôi nghĩ: nàng chắc sẽ đau khổ rất nhiều.  Tới lượt tôi ra sức sửa chữa sự thiệt hại.  Tôi phải cư xử với nàng như thể nàng đang đau yếu.  Tôi biết.  Làm như vậy là nhục mạ cái tôi kia của nàng.  Nhưng cái tôi kia không hiện hữu.  Không còn hiện hữu.  Và nó là cái đang bị phá vỡ.

“Anh sẽ không bỏ em mà đi,” Tôi trả lời với giọng của một người bạn trung thành.

Một giọt nước mắt lăn trên má nàng. “Anh thương hại em,” Kathleen nói.

“Anh không thương hại em,” tôi nói tha thiết.

Tôi đang nói dối.  Tôi phải nói dối.  Rất dối.  Nàng đang đau yếu.  Nói dối với người đang đau ốm thì không sao.  Tôi sẽ không nói dối với cái tôi kia của nàng.

Trong mấy tuần và mấy tháng kế đó, Kathleen sa sút hao gầy thấy rõ.

Không có việc gì làm - nàng cảm thấy không thích làm việc cũng như không có nhu cầu phải làm việc - nàng ở suốt ngày trong phòng, bên cửa sổ, hoặc trước gương, một mình và không hạnh phúc, nhận biết tình trạng cô độc của mình, tình trạng bất hạnh của mình.

Cũng như trước, chúng tôi tiếp tục gặp nhau mỗi tối.  Đi ăn tối, xem các buổi trình diễn, các cuộc hoà nhạc.  Có lần tôi thử lý luận với nàng: nàng lầm khi cảm thấy tội nghiệp cho mình.  Cảm giác đó bất xứng đối với nàng và đối với tôi.  Nàng nên tìm một công việc nào đó, để bận rộn, để lấp đầy thời gian của mình.  Nàng phải tìm mục đích cho cuộc sống.

“Một mục đích,” nàng vừa nói vừa nhún vai.  “Một mục đích.  Mục đích gì?  Hội Chữ thập đỏ?  Làm người bảo trợ các nghệ sĩ đang đói?  Đi Ấn độ giúp người cùi?  Một mục đích?  Em tìm nó ở đâu?”

Ngay khi đó tôi có một ý tưởng.  Tôi nói với nàng rằng tôi yêu nàng.

Nàng không chịu tin.  Nàng đòi bằng chứng.  Tôi chứng minh cho nàng.  Tất cả những gì xảy ra trong quá khứ cho thấy giữa chúng ta không có tình yêu, nay đột nhiên, cho thấy ngược lại.  “Tại sao trong buổi hòa nhạc đó, anh giật bàn tay anh ra?”  “Anh không muốn phản bội mình.”  “Tại sao anh chưa bao giờ nói với em rằng anh yêu em?”  “Vì anh yêu em.”  “Tại sao lúc nào anh cũng chỉ nhìn mắt em thôi?”  “Để khám phá tình yêu của anh trong mắt em.”

Nàng cảnh giác suốt mấy tuần liền.  Và tôi cũng vậy.  Tôi xem mình như y tá của nàng.  Đôi khi tôi đùa giỡn với ý nghĩ rằng có lẽ nàng cũng đối xử với tôi như với một người bệnh.  Tới ngày nào đó, chúng tôi sẽ bỏ mặt nạ của mình xuống.  Một trong hai chúng tôi sẽ nói: chỉ là đóng kịch thôi.  Tôi cũng làm vậy, và người đồng diễn kia sẽ trả lời.  Và hẳn trên môi của chúng tôi có mùi vị cay đắng.  Lúc ấy, thật tội nghiệp, vì đó chỉ là một trò chơi.

Tuy vậy, nàng chẳng đóng kịch chút nào.  Nếu ta đùa giỡn thì ta đau khổ.  Nhân vật của nàng đang quan sát chúng tôi đóng kịch, và nó không đau khổ.  Kathleen đau khổ.  Bất chấp những lập luận của tôi, nàng không tin.  Nàng thường khóc những lúc không có mặt tôi.  Khi chúng tôi ở bên nhau, nàng hết sức hào hứng và vui vẻ.

Tôi không còn tự do.  Sự tự do của tôi sẽ làm bẽ bàng Kathleen, kẻ cũng không còn tự do.  Tôi đã lập thành một thái độ ứng xử với nàng và tôi chẳng còn có thể vứt bỏ thái độ đó.

Giá như việc ấy có thể đem lại ít nhiều hữu ích!  Giá như nó có lợi cho Kathleen!  Nhưng không.  Nàng vẫn không hạnh phúc.  Tiếng cười của nàng vẫn không xuất phát tự đáy lòng.

Kathleen càng ngày càng bết bát hơn.  Nàng bắt đầu uống rượu.  Nàng buông thả mình.

Tôi thảo luận tình trạng đó với nàng.  “Em không có quyền hành xử theo cách đó.”

“Tại sao không?” nàng nhấn mạnh, tròn xoe mắt với vẻ thơ ngây giả tạo.

“Vì, Kathleen ạ, anh yêu em.  Cuộc sống của em quan trọng đối với anh.”

“Thôi đi!  Anh không yêu em.  Anh chỉ nói cho có nói.  Nếu yêu em thật sự thì anh đã không nói.”

“Anh đang nói điều đó vì nó có thật.”

“Anh đang nói điều đó từ lòng thương hại.  Anh không cần em.  Em không làm cho anh cảm thấy thoải mái hoặc hạnh phúc.”

Những cải vã như vậy chẳng đưa tới chút kết quả nào như tôi trông đợi.  Ngược lại, sau mỗi cuộc cải vã, Kathleen lại càng buông thả mình hơn.

Rồi tới một buổi tối - trước hôm xảy ra tai nạn - nàng giải thích với tôi rằng rốt cuộc nàng không tin tôi có chút nào thành thật yêu nàng.

“Anh cho là anh yêu em  mà anh tiếp tục đau khổ.  Anh nói hiện tại anh yêu em mà anh vẫn đang sống trong quá khứ.

Anh bảo em rằng anh yêu em mà anh không chịu lãng quên.  Ban đêm anh có những cơn mộng dữ.  Đôi khi trong lúc ngủ anh rên rỉ.  Sự thật đối với anh em chẳng là gì cả.  Em chẳng đáng kể gì.  Cái đáng kể là quá khứ.  Không phải quá khứ của chúng ta mà là quá khứ của riêng mình anh thôi.  Em cố làm cho anh hạnh phúc nhưng có một hình ảnh khác đánh động anh và hình ảnh đó có mặt khắp nơi.  Có điều hiện nay anh không còn ở những nơi đó nữa.  Hình ảnh ấy mạnh hơn em.  Anh nghĩ là em không biết ư?  Anh nghĩ sự im lặng của anh che dấu được cái hỏa ngục anh đang mang theo trong lòng anh sao?  Có lẽ anh cho rằng việc sống bên cạnh người cũng đang đau khổ và cũng không chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào là điều dễ dàng ư?”

Nàng không khóc. Đêm đó nàng không uống rượu.  Chúng tôi nằm trên giường.  Đầu nàng gối trên cánh tay đang dang ra của tôi.  Một làn gió ấm thổi vào các cửa sổ đang mở.  Chúng tôi chỉ lên giường.  Một trong các thói quen của chúng tôi là không bao giờ làm tình ngay, nói chuyện trước đã.

Tôi cảm thấy tim mình nặng nề quá, như thể nó không còn dung chứa nổi nó nữa.  Nàng đoán rất đúng.  Ta không thể che dấu nỗi khổ đau và lòng thương xót quá lâu.  Chúng sẽ lộ ra.  Đúng thật: tôi đang sống trong quá khứ.  Bà nội của tôi, với chiếc khăn đen trùm đầu, không buông tha tôi.

“Không phải lỗi tại anh,” tôi trả lời.

Tôi giải thích với nàng: khi một người đàn ông nói với một người đàn bà rằng “Anh yêu em và anh yêu em mãi mãi; nếu không còn yêu em anh sẽ chết,” thì hãy tin điều đó.  Tuy thế, tới một ngày nào đó hắn gõ lên tim mình và nghe nó trống trải.  Và hắn vẫn sống.  Đối với những kẻ từng biết một thời để chết như chúng tôi thì khác.  Chúng tôi không thể nào quên.  Những hình ảnh ấy vẫn ở đó, trước mắt chúng tôi.  Những hình ảnh ấy vẫn tồn tại dù mắt chúng tôi không còn ở đó.  Tôi nghĩ, nếu mình đã có thể quên được thì mình sẽ thù ghét mình.  Sự chịu đựng thuở đó của chúng tôi đã gài vào lòng chúng tôi những quả bom định giờ.  Thỉnh thoảng, một trong những quả bom đó phát nổ.  Lúc ấy, chúng tôi không là gì cả, chỉ là khổ đau, hổ thẹn và đắc tội.  Chúng tôi có mặc cảm hổ thẹn và đắc tội vì còn sống, đang ăn nhiều bánh mì tùy thích và đang mang bít tất đẹp đẽ, ấm áp trong mùa đông.  Kathleen ạ, rõ ràng là một trong những quả bom ấy khiến chúng tôi điên khùng.  Không thể tránh được.  Ai đã từng ở nơi đó đều mang về theo với mình ít nhiều sự điên khùng của loài người.  Tới một ngày nọ hoặc một ngày kia, sự điên khùng đó sẽ trồi lên trên bề mặt.

Tối đó Kathleen điềm đạm và tỉnh táo.  Tôi có cảm tưởng cái tôi cũ của nàng đang tới thăm nàng.  Nhưng tôi hiểu rằng nó lại sẽ bỏ nàng mà đi.  Rằng cuộc viếng thăm ấy chỉ ngắn ngủi và rằng sẽ chỉ ở lại cái tôi mà nàng đang cố bắt chước.  Và tới một ngày nào đó, cái tôi đó sẽ không còn tìm kiếm.  Lúc đó, cuộc ly thân sẽ dứt khoát.

Đêm đó tôi hiểu rằng chẳng sớm thì muộn tôi sẽ bỏ Kathleen mà đi.  Việc ở lại với nàng đã trở thành vô nghĩa.

Tôi nói thầm với mình:  đau khổ làm chúng tôi tách biệt hẳn với những những người khác.  Nó dựng lên bức tường làm bằng than khóc và nhục nhã để cách ly chúng tôi.  Loài người loại bỏ kẻ nào từng biết tới sự khổ đau thuần khiết nếu họ không thể biến hắn thành thần linh;  hắn bảo loài người: Tôi đau khổ không phải vì tôi là Thượng đế mà chỉ vì tôi là con người, con người giống quí vị, với những yếu đuối của quí vị, những hèn nhát, những tội lỗi, những nổi loạn và những tham vọng tức cười của quí vị; hắn làm loài người run sợ vì hắn làm họ cảm thấy hổ thẹn.  Họ rũ nhau bỏ rơi hắn, làm như thể hắn là kẻ đắc tội.  Làm như thể hắn tiếm đoạt địa vị của Thượng đế để chiếu sáng cõi chân không mênh mông mà chúng ta tìm thấy vào cuối tất cả những cuộc phiêu lưu.

Trên thực tế, sự việc xảy ra như thế có lẽ là tốt.  Kẻ từng chịu khổ đau nhiều hơn và khác hơn những người khác thì nên sống biệt lập.  Ở bên ngoài bất cứ cuộc sống có tổ chức nào.  Hắn làm không khí nhiễm độc.  Hắn biến không khí thành cái không thích hợp để hít thở.   Hắn làm cho sự hân hoan mất tính cách hồn nhiên và chính đáng của nó.  Hắn huỷ diệt lòng hy vọng và ý chí muốn sống.  Hắn là sự nhập thể của thời gian, phủ nhận hiện tại tương lai và chỉ thừa nhận luật lệ khắc nghiệt của ký ức.  Hắn đau khổ và sự khổ đau ấy truyền nhiễm, gây ra những âm vang chung quanh hắn.

Tôi đã quyết định, tới một ngày nào đó tôi sẽ bỏ Kathleen mà đi.  Làm như vậy tốt hơn cho nàng.  Nếu tôi quên được thì tôi sẽ ở lại.  Tôi không quên được.  Có những lúc con người không được quyền đau khổ.

“Em đề nghị một giao kèo,” Kathleen nói.  “Em sẽ để anh giúp em với điều kiện anh để em giúp anh.  Được chứ?”

Kathleen khốn khổ! tôi nghĩ.  Để thay đổi, chúng ta phải thay đổi quá khứ.  Nhưng quá khứ nằm bên kia sức mạnh của chúng ta.  Cấu trúc của quá khứ thì rắn chắc, bất biến.  Quá khứ đó là chiếc khăn trùm đầu của bà nội tôi, đen hết sức đen, như mây nghĩa địa.  Quên đám mây đó ư?  Đám mây đó chính là bà nội của tôi, là con trai của bà, là mẹ tôi.  Thời đại mà chúng ta đang sống đây ngu ngơ biết mấy!  Mọi sự đảo lộn.  Các nghĩa địa bị đưa lên cao, lơ lửng lưng trời, thay vì đào sâu dưới lòng đất ẩm.  Chúng ta đang nằm trong giường, thân thể trần truồng của anh tựa vào thân thể trần truồng của em, và chúng ta nói tới những đám mây đen, tới những nghĩa trang bồng bềnh, tới tiếng cười ré lên của thần chết và tới số phận, cái duy nhất và giống nhau.  Kathleen ạ, em đang nói tới hạnh phúc; em làm như thể hạnh phúc là cái có thể sở hữu.  Nó còn không được là một giấc mơ.  Hạnh phúc cũng đã chết.  Nó cũng đã bị đưa lên cao.  Mọi sự đã tìm nơi ẩn náu ở trên cao.  Và ở đây, bên dưới này, trống rỗng biết mấy!  Cuộc sống chính thì đang ở trên đó.  Nơi đây, dưới này, chẳng có gì.  Kathleen ơi, chẳng có gì cả.  Nơi đây chúng tôi có sa mạc khô cằn.  Một sa mạc chẳng có tới một ảo tượng.  Nó là một nhà ga nơi đứa bé bị bỏ lại trên sân ga, nhìn cha mẹ mình bị con tàu mang đi biền biệt, và nơi họ đứng chỉ còn là khói đen.  Họ là khói đó.  Hạnh phúc ư?  Hạnh phúc, đối với đứa bé ấy, hẳn là việc con tàu kia quay trở lại.  Nhưng em biết các con tàu ra sao rồi: chúng lúc nào cũng chạy tới phía trước.  Chỉ có khói là quay trở lại.  Vâng, nhà ga của chúng tôi là nơi kinh khiếp!  Những người như anh, kẻ từng ở nơi đó, nên ở lại chỗ đó một mình, Kathleen ạ.  Chớ để nỗi khổ đau trong chúng tôi giao tiếp với người khác.  Chúng tôi không nên cho họ mùi vị chua chát, mùi khói mây mà chúng tôi đang có trong miệng mình.  Kathleen ạ, chúng tôi không được quyền làm vậy.  Em nói “yêu”.  Và em không biết rằng tình yêu cũng đã bị con tàu đó mang theo đi thẳng lên các tầng trời.  Lúc này, mọi sự đã bị chuyển giao lên đó.  Tình yêu, hạnh phúc, chân lý, sự thanh khiết, các trẻ em với những nụ cười vui tươi, các phụ nữ với những đôi mắt mơ huyền, những người già bước đi chầm chậm, những em bé mồ côi mà lời cầu nguyện của chúng chan chứa khổ đau.  Đó là cuộc xuất hành chân chính.  Cuộc xuất hành từ thế giới này sang thế giới khác.  Các dân tộc cổ đại có óc tưởng tượng hạn chế.  Người chết của chúng ta mang theo họ sang kiếp sau không chỉ quần áo và thực phẩm mà còn tương lai của con cháu họ.  Ở đây, bên dưới này, không còn lại gì.  Và em nói tới tình yêu?  Và em nói tới hạnh phúc hở Kathleen?  Những kẻ khác nói tới công lý, tới đại đồng hay không đại đồng, tới tự do, tới tình huynh đệ, tới tiến bộ.  Họ không biết rằng địa cầu này đang khô kiệt và rằng con tàu khổng lồ đó đã mang mọi sự đi mất hút lên các tầng trời.

“Vậy, anh chấp nhận?” Kathleen hỏi.

“Chấp nhận cái gì?” tôi ngạc nhiên.

“Cái giao kèo em đề nghị.”

“Dĩ nhiên,” tôi lơ đãng trả lời.  “Anh chấp nhận.”

“Và anh sẽ để em làm cho anh hạnh phúc?”

“Anh sẽ để em làm cho anh hạnh phúc.”

“Và anh hứa quên hết quá khứ đó?”

“Anh hứa quên hết quá khứ đó.”

“Và anh sẽ chỉ nghĩ đến tình yêu của chúng mình?”

“Vâng.”

Nàng đi từ đầu đến cuối bản câu hỏi của nàng.  Nàng ngừng lại lấy hơi thở rồi hỏi bằng một giọng khác, “Trước đây anh ở đâu?”

“Nơi nhà ga,” tôi nói.

“Em không hiểu.”

“Nơi nhà ga,” tôi nói.  “Anh ở nơi nhà ga ấy.  Nó nhỏ lắm.  Nhà ga của một tỉnh nhỏ.  Con tàu vừa lăn bánh.  Anh bị bỏ lại một mình trên sân ga.  Cha mẹ anh trên con tàu đó.  Họ quên anh rồi.”

Kathleen không nói gì.

“Đầu tiên, anh oán giận.  Họ không nên bỏ anh lại đằng sau một mình trên sân ga.  Nhưng phút chốc, anh bỗng nhiên thấy ra một điều lạ lùng: con tàu đó rời đường ray và leo lên các tầng trời mịt mù khói xám.  Anh bàng hoàng tới độ không thể gào lên với cha mẹ mình: Cha mẹ đang làm gì thế?  Quay lại đi!  Nếu anh la lên được thì có thể họ đã quay trở lại.”

Tôi bắt đầu cảm thấy mệt.  Tôi đổ mồ hôi.  Trong giường nóng.  Có chiếc xe vừa rít lên dừng lại dưới cửa sổ.

“Anh đã hứa không nghĩ tới nó nữa,” Kathleen nói trong tuyệt vọng.

“Tha lỗi cho anh.  Anh sẽ không nghĩ tới nó nữa.  Dù sao đi nữa thời nay việc đi đây đi đó bằng tàu lửa lỗi thời rồi.  Thế giới đã tiến bộ.”

“Chắc chứ?”

“Chắc chắn.”

Nàng ép sát mình vô người tôi.

“Hễ khi nào ý nghĩ của anh mang anh tới nhà ga nhỏ đó thì anh nói cho em biết.  Chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu.  Được chứ?”

“Được.”

“Em yêu anh.”

Tai nạn xảy ra ngày kế đó.

 

 

Mười tuần lễ trải qua trong thế giới bó bột đã làm tôi phong phú hơn.

Tôi học được rằng con người phải sống cách khác, tùy vào vị trí chiều ngang hoặc chiều dọc của mình.  Bóng tối trên các bức vách và trên các khuôn mặt không giống nhau.

Ba người đến thăm tôi hằng ngày.  Paul Russel buổi sáng; Kathleen buổi tối; Gyula buổi chiều.  Anh đến một mình.  Anh là bạn của tôi.

Là một họa sĩ, gốc Hungary, Gyula như một tảng đá sống động.  Một con người to lớn đúng với mọi nghĩa của từ ngữ đó.  Cao, lực lưỡng, vui tính, tóc rối tơi bời, đôi mắt khinh bạc và nồng nàn; anh đẩy mọi sự chung quanh anh qua một bên: các bàn thờ, các ý tưởng, các ngọn núi.  Dưới mắt nhìn của anh và khi tay anh chạm vào, vạn vật rung động.

Dù cách biệt tuổi tác, chúng tôi có rất nhiều điểm chung.  Tuần nào chúng tôi cũng đi ăn trưa với nhau tại một tiệm Hungary ở Mé Đông.  Chúng tôi khích lệ nhau chịu đựng tới cùng, không tìm cách thỏa hiệp, không đi tới một thoả thuận nào với cuộc đời, không dễ dãi chấp nhận chiến thắng.  Những cuộc nói chuyện của chúng tôi có vẻ như đang bông đùa.  Chúng tôi ghét cay ghét đắng những biểu lộ tình cảm có tính cách ủy mị.  Chúng tôi tránh những kẻ coi bản thân một cách trang trọng và đặc biệt, những kẻ đòi hỏi người khác cũng phải làm như vậy.  Chúng tôi không dung thứ nhau.  Tuy thế, tình bạn của chúng tôi lành mạnh, mộc mạc và sâu đậm.

Tôi đang dở sống dở chết khi anh ào vô phòng, dùng vai huých người y tá qua một bên (cô đang sửa soạn chích cho tôi một mũi thuốc); không hỏi tôi tiếng nào, anh tuyên bố với giọng trịnh trọng và dứt khoát rằng anh sắp vẽ chân dung tôi.

Cô y tá tay đang cầm ống chích, nhìn anh mà khiếp vía.

“Anh làm gì vậy?  Ai cho anh vô đây?  Ra ngay!”

Gyula nhìn cô với lòng trắc ẩn như thể cô là người khật khùng.

“Cô đẹp tuyệt vời,” anh nói với cô.  “Nhưng khùng!”

Anh ngắm nghía cô, tỏ vẻ thú vị.

“Thời nay, các phụ nữ đẹp khùng chưa tới nơi tới chốn,” anh tiếp tục một cách tiếc rẻ.  “Nhưng khùng như cô cũng vừa đủ.  Tôi thích cô.”

Cô y tá khốn khổ - một sinh viên trẻ - sắp trào nước mắt.  Cô lắp bắp:

“Chích thuốc... Đi ra... Tôi phải...”

“Để sau!” Gyula ra lệnh.

Và anh túm lấy cánh tay cô, đẩy cô ra cửa.  Ở ngưỡng cửa, cô thầm thì vào tai anh điều gì đó.

“Này! Anh bạn!” Guyla nói sau khi đóng cửa.  “Cô ta nói anh bệnh rất trầm trọng.  Rằng anh sắp chết!  Anh không xấu hổ vì sắp chết sao?”

“Có,” tôi trả lời yếu ớt.  “Tôi xấu hổ.”

Gyula đi quanh phòng làm quen với cảnh sắc, các bức vách, mùi phòng bệnh.  Rồi anh dừng lại bên giường, thách thức tôi:

“Không được chết trước khi tôi vẽ xong chân dung anh.  Anh nghe rõ chưa?  Sau đó tôi cóc cần! Nhưng đừng chết trước đó.  Hiểu chưa?”

“Gyula ạ, anh là một quái vật,” tôi xúc động nói với anh.

“Anh không hiểu ư?” anh ngạc nhiên.  “Các nghệ sĩ là những quái vật tệ hại nhất: họ sống trên cuộc sống và cái chết của người khác.”

Tôi nghĩ là anh sẽ hỏi tôi tai nạn xảy ra như thế nào.  Anh không hỏi.  Tuy vậy, tôi muốn anh biết.

“Anh có muốn tôi kể chuyện đó cho anh nghe không?” tôi hỏi anh.

“Anh không cần kể,” anh trả lời một cách bất cần.  “Tôi không cần lời giải thích của anh.”

Quanh mắt anh đậm đà những vòng tròn trìu mến.

“Tôi muốn anh biết,” tôi nói.

“Tôi sẽ biết.”

“Đó là một bí mật,” tôi nói.  “Không ai biết bí mật đó.  Tôi muốn kể với anh.”

“Anh không cần kể,” anh trả lời khinh khỉnh.  “Tôi thích tự mình phát hiện mọi sự.”

Tôi rán cười.  “Tôi có thể chết trước khi anh có cơ hội.”

Anh bừng bừng với cơn thịnh nộ và hăm he.  “Tôi đã bảo anh, không được chết trước khi tôi vẽ xong chân dung anh.  Vẽ xong, anh có thể chết lui chết tới hay chết bất cứ lúc nào tùy thích.”

Tôi hãnh diện.  Hãnh diện về anh, về tôi và về tình bạn của chúng tôi.  Về các lề luật khắc nghiệt mà chúng tôi lập ra.  Chúng tôi bảo vệ chúng tôi chống lại những thành công và những cố định của kẻ yếu đuối.  Chỉ xảy ra những trao đổi chân chính ở nơi đòi hỏi những lời mộc mạc và ở nơi chúng tôi sắp xếp để làm thế nào nói tới vấn đề bất tử của linh hồn bằng những câu tầm thường tới độ sửng sốt.

Chiều nào Gyula cũng quay lại nhà thương.  Các y tá biết rằng khi anh có mặt trong phòng tôi thì chớ quấy rầy chúng tôi.  Đối với họ anh là một sinh vật với những lời mắng nhiếc - bằng tiếng Hungary - sẽ làm tới cả mặt của một cô gái da đen cũng phải ửng đỏ.

Trong khi phác thảo, Gyula kể với tôi nhiều chuyện.  Anh là người kể chuyện tuyệt vời.  Cuộc đời anh đầy ắp vô số những cuộc phiêu lưu và những nếm trải kích thích ảo giác.  Anh từng chết đói ở Paris, ban phát thời vận ở Hollywood, dạy ma thuật và thuật giả kim gần như khắp nơi.  Anh biết tất cả những nhân vật vĩ đại của văn học và nghệ thuật đương thời; anh thích những yếu đuối của họ và bỏ qua những thành công của họ.  Gyula cũng có một nỗi ám ảnh: đem mình đọ sức với số phận, để buộc số phận phô ra cho con người ý nghĩa sự tàn bạo của nó.  Nhưng dĩ nhiên anh chỉ nói tới điều đó một cách khinh bạc.

Ngày nọ, anh tới như thường lệ, lúc mới chớm buổi chiều, đứng in hình lên khung cửa sổ và bắt đầu làm việc.  Anh yên lặng.  Khi đi vào anh cũng chẳng chào tôi.  Anh có vẻ ưu tư.  Nửa giờ, rồi một giờ.  Đột nhiên anh thôi động đậy, và vẫn không nhúc nhích, anh nhìn thẳng vào mắt tôi như thể anh vừa xé tan tành bức màn vô hình phủ lên mắt tôi.  Trong vài giây, chúng tôi đăm đăm nhìn nhau.  Đôi lông mày rậm của anh nhíu thành hai hình vòng cung: anh đã bắt đầu hiểu.

“Anh có muốn tôi kể cho anh nghe?” tôi bối rối.

“Không,” anh lạnh lùng trả lời.  “Các câu chuyện của anh chẳng ích lợi gì cho tôi cả.”

Và anh lại vùi đầu vào tác phẩm của mình, nơi anh tìm thấy các câu trả lời cho mọi câu hỏi, và các câu hỏi cho mọi câu trả lời.

Một tuần sau, anh nói với tôi một điều không liên quan gì tới đề tài chúng tôi đang thảo luận.  Chúng tôi đang nói tới tình hình quốc tế, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba, vai trò quan trọng mà Trung hoa không bao lâu nữa sẽ đóng.  Đột nhiên, Gyula đổi đề tài.

“Mà này,” anh nói, “tôi đã kể anh nghe câu chuyện tôi suýt chết đuối chưa nhỉ?”

“Chưa.” Tôi hỏi một cách chế giễu. “Nó xảy ra ở đâu vậy, ở bên Tàu chắc?”

“Anh không việc gì phải  ý kiến ý cò” anh nói. “Tốt hơn là anh ngậm miệng mà nghe.”

Gyula anh bạn già tuyệt vời của tôi!  Tôi  nghĩ.  Anh tỏ tình với một phụ nữ như thế nào?  Anh sẽ làm như thể nhục mạ cô ta, nếu cô ta không hiểu kiểu tỏ tình đó thì anh chỉ có việc là không còn yêu cô ta nữa.  Gyula anh bạn già tuyệt vời của tôi!

Mùa hè năm đó anh tới vùng Riviera thuộc Pháp để nghỉ hè, trốn cái nóng.  Anh thường ra biển.  Sáng đó anh bơi ra rất xa.  Thình lình, anh bị vọp bẻ, cứng cả người.  Không thể nhúc nhích cả chân lẫn tay, người anh chìm dần.

“Tôi bắt đầu uống nước biển mặn,” anh nói.  “Tôi không cảm thấy sợ hãi chút nào.  Tôi biết mình đang chết nhưng vẫn bình tĩnh.  Trong tôi chan chứa sự êm dịu thanh thản lạ thường.  Tôi nghĩ: cuối cùng tôi đã biết người đang chết đuối suy nghĩ gì.  Đó là ý nghĩ cuối cùng của tôi.  Rồi tôi ngất đi.”

Anh được cứu.  Có kẻ thấy anh đang chìm và cứu nạn anh.

Trong khi nhìn theo những nét cọ của mình chạy trên khung vải, Gyula tiếp tục, mỉm cười, một cách khó thấy.

“Khi tỉnh lại, tôi nhìn khắp chung quanh mình.  Tôi đang nằm trên cát, giữa một đám người hiếu kỳ.  Có một ông già đầu hói, bác sĩ, đang cúi xuống nhìn tôi và bắt mạch tôi.  Trong vòng người sát tôi nhất, một phụ nữ trẻ ngó tôi.  Tôi mơ hồ thấy cô ta cười với mình mà trên mặt vẫn còn vẻ kinh hoàng.  Một phụ nữ kinh hãi đang nở nụ cười, quang cảnh đó khốn khổ biết mấy.  Tôi nghĩ: mình còn sống.  Mình qua mặt được thần chết.  Thêm lần nữa thần chết không chộp nổi mình.  Bằng chứng đây: mình đang thấy một phụ nữ nhìn mình và mỉm cười.  Mặt cô ta còn hãi hùng vì thần chết vẫn còn quá gần, ở ngay đằng sau tôi.  Nụ cười của cô ta chỉ dành cho tôi, cho riêng tôi thôi.  Tôi tự bảo mình: mình có thể ở đây, đúng chỗ này, và không thấy thiếu nữ đó, kẻ ngay lúc ấy yêu kiều và tuyệt đẹp hơn bất cứ người nào khác.  Mình có thể thấy một phụ nữ khác không cười với mình.  Thế mà mình đã thấy một phụ nữ cười với mình.  Tôi tự nhủ, mình phải coi mình là người hạnh phúc.  Hạnh phúc được tự do.  Tự do để thêm lần nữa trêu ghẹo thần chết.  Tự do để chấp nhận hoặc từ khước tự do.  Sự trì hoản này hẳn cho tôi cảm giác hạnh phúc.  Tuy thế, tôi không có cảm giác đó.  Tôi cẩn thận dò xét mình: không tìm được dấu vết vui mừng nào.  Bác sĩ đang khám tôi, người ta đang dành cho tôi những biểu lộ thiện cảm thầm lặng như một thứ của bố thí, và nụ cười của người phụ nữ trẻ đó càng lúc càng tươi tắn hơn - đó là cách người ta mỉm cười trước sự sống.  Mặc dù có những cái đó, tôi vẫn không cảm thấy hạnh phúc.  Ngược lại, tôi cảm thấy buồn bã và thất vọng kinh khủng.  Sau này, lần suýt chết đuối ấy làm tôi ca hát và nhảy múa.  Nhưng vào lúc đó, tại đó, trên cát, dưới mặt trời chiếu đỏ nóng rực, dưới đôi mắt của cô gái trẻ không quen ấy, tôi cảm thấy thất vọng, thất vọng vì đã trở về cuộc sống.”

Gyula yên lặng làm việc trong một lúc lâu.  Tôi nghĩ anh vừa nhắm mắt vừa vẽ.  Tôi không ngạc nhiên nếu anh vẫn thất vọng.  Và nếu sau ngày đó anh gặp lại người phụ nữ trẻ ấy.  Nhưng tôi chẳng nói gì.  Paul Russel lại về trong tâm trí tôi.  Người bác sĩ ấy lầm, tôi suy nghĩ.  Sống không nhất thiết phải muốn sống.  Cuộc sống chỉ thật sự quyến rũ bởi cái chết.  Đời sống chỉ rộn ràng khi nó tiếp xúc với cái chết.

“Anh nghe tôi nói đây! Gyula, anh có nghe không?” tôi thăm dò.

Anh giật mình, như thể tôi vừa ép buộc anh mở mắt ra.  Anh cười thoáng có vẻ nhạo báng.

“Không, tôi không nghe đâu,” anh nói.

“Nhưng tôi muốn anh biết.”

“Biết cái gì?”

“Biết mọi sự.”

“Tôi không cần biết chỉ để mà biết các câu chuyện của anh.”

Gyula anh bạn già tuyệt vời! tôi nghĩ.  Điều gì xảy ra cho cô gái trẻ trên bãi biển ấy?  Có phải sau đó anh đã sỉ nhục cô ta?  Có phải anh đã nói với cô ta, “Cô là một con chó cái tơ, một con chó cái bẩn thỉu còn tơ”?  Cô ta có hiểu đó là một lối tỏ tình?

“Gyula.” tôi hỏi anh, “điều gì xảy ra cho người phụ nữ không quen đó?”

“Người phụ nữ không quen nào?”

“Cô gái trên bãi biển đó.  Người đã mỉm cười với anh đó?”

Anh gập người xuống rộ lên tiếng cười lớn, tiếng cười ấy chắc là để che dấu một con sóng dịu dàng từ một quá khứ xa xăm đang trào dâng trong lòng anh.

“—, cô gái đó ư?” anh nói bằng giọng cố làm ra vẻ dung tục.  “Cô ta là một con chó cái tơ, một con chó cái bẩn thỉu còn tơ!”.

Tôi không thể nhịn cười.  “Anh đã nói với cô ta như vậy?”

“Đương nhiên là tôi đã nói như vậy với cô ta!” anh nhận ra tôi đang cười mỉm.  “Anh đồ quái vật,” anh thét lớn với tôi bằng giọng gớm ghiếc.  “Để yên cho tôi làm việc.  Tôi đập anh bây giờ.”

Hôm trước ngày tôi được phép xuất viện, Gyula đi vào, quanh người anh ánh lên hào quang ngạo nghễ.  Anh đứng ở chân giường, giữa dòng sông và tôi, như một tướng lãnh vừa chiến thắng, tuyên bố một tin mừng: bức chân dung đã xong.

“Và lúc này, anh chết được rồi,” anh nói.

Gyula đặt bức tranh dựa lên thành ghế.  Anh tần ngần một giây.  Rồi xoay lưng lại với tôi, anh bước sang một bên.  Tim tôi đập dữ dội. Tôi ở đó, đang đối mặt tôi.  Toàn bộ quá khứ của tôi đang ở đó, đang đối mặt tôi.  Bức tranh vẽ bằng màu đen, lấm tấm nổi bật vài chấm đỏ.  Bầu trời đen kịt.  Mặt trời xám xịt.  Mắt tôi đỏ ngầu, giống con mắt của Soutine.  Đôi mắt ấy là mắt của kẻ đã thấy Thượng đế phạm một tội ác nặng nề nhất, không thể tha thứ: giết người vô cớ.

“Anh thấy,” Gyula nói.  “Anh không biết cách nói; anh chỉ là anh khi anh im lặng.”

Người anh rung rung; không giấu nổi cảm xúc của mình.

“Đừng nói,” anh thêm.  “Tôi chỉ yêu cầu anh vậy thôi.”

Và để che dấu, anh bước tới cửa sổ, nhìn xuống những con sóng của Sông Đông đang nô đùa, dịu dàng xao động chuyển dịch tới thời điểm chúng hẹn hò với vĩnh cửu.  Anh đã đoán ra.  Nhìn bức tranh là đủ biết anh đã nhận ra.  Tai nạn chỉ là tai nạn theo nghĩa giới hạn nhất của từ ngữ đó.  Chiếc tắc xi, tôi có thấy chiếc tắc xi ấy chạy tới.  Tuy chỉ trong chớp mắt nhưng tôi có thấy nó, và tôi đã có thể tránh được nó.

Lúc này, diễn ra cuộc đối thoại trong im lặng giữa Gyula và tôi.

“Anh thấy không?  Có thể Thượng đế đã chết, nhưng con người thì đang sống.  Bằng chứng: con người có thể có tình bạn.”

“Nhưng về những người khác thì sao?  Gyula ạ, những người khác? Những kẻ đã chết? Họ thì sao? Ngoài tôi ra, họ không có ai là bạn.”

“Anh phải quên họ.  Anh phải xua đuổi họ ra khỏi ký ức của anh.  Nếu cần thì dùng roi.”

“Xua đuổi họ, Gyula?  Với cây roi, anh nói vậy ư?  Xua đuổi cha tôi bằng roi?  Và bà nội của tôi?  Bà nội của tôi cũng vậy, xua đuổi bà bằng roi?”

“Đúng, đúng và đúng.  Người chết không có chỗ ở đây.  Họ phải để chúng ta yên.  Nếu họ không chịu đi, hãy dùng tới roi.”

“Và Gyula ơi, bức tranh này thì sao? Họ đang ở đó.  Trong đôi mắt của bức tranh.  Tại sao anh lại đặt họ vào đó trong khi anh yêu cầu tôi xua đuổi họ?”

“Tôi đặt họ vào đó để xác định chỗ cho họ.  Để anh biết chỗ mà đánh.”

“Tôi không thể, Gyula ơi.  Tôi không thể.”

Gyula xoay người lại, và thình linh, tôi thấy anh già nua hẳn.  Đầu anh bạc phơ, tóc anh lưa thưa hơn, mặt anh lấm tấm.

“Đau khổ là để cho người đang sống, không cho kẻ đã chết,” anh nói, nhìn thật thẳng và nhìn xuyên suốt người tôi.  “Nghĩa vụ của con người là phải làm cho đau khổ chấm dứt chứ không phải là làm cho đau khổ gia tăng.  Bớt đau khổ đi được một giờ thì đã là một chiến thắng trên số phận.”

Vâng, anh đã già nua hơn.  Lúc này, chính người già ấy đang nói chuyện với tôi, trao cho tôi kiến thức muôn thuở, cái cắt nghĩa tại sao trần gian vẫn nổi loạn và tại sao con người vẫn hướng mắt nhìn tới tương lai.  Không kịp lấy hơi, anh tiếp tục nói, như thể từ lâu anh đã dành sẵn những lời này cho tôi.

“Nếu nỗi đau khổ của anh vấy lên những người khác, những người chung quanh anh, những người mà anh tiêu biểu cho lý do sống của họ, thì lúc ấy anh phải giết nỗi đau khổ đó, bóp cổ nó cho nó chết.  Nếu người chết là nguồn gốc của nỗi đau khổ đó thì anh hãy giết họ thêm lần nữa, anh phải cắt lưỡi họ, thường xuyên cắt lưỡi họ.”

Lòng tôi ngập tràn một nỗi buồn vô hạn.  Tôi có cảm tưởng mình đang mất một người bạn: anh ta đang phán xét tôi.

“Giả dụ không thể làm được việc đó?” tôi hỏi anh, cảm thấy vô cùng chán nản.  “Thì ta nên làm gì?  Dối trá ư?  Tôi thích sự minh bạch.”

Anh chầm chậm lắc đầu.

“Sự minh bạch là chiến thắng của số phận, không phải là chiến thắng của con người.  Nó là một hành động tự do mang bên trong chính nó sự phủ định tự do.  Con người phải tiếp tục chuyển động, tìm kiếm, cân nhắc, đưa tay mình ra, dâng hiến bản thân, khám phá bản thân.”

Đột nhiên tôi có cảm tưởng rằng chính ông thầy của tôi, Kalman, nhà huyền học, đang nói chuyện với tôi.  Giọng của ông cũng kiểu này, một giọng đầy am hiểu.  Nhưng Kalman là thầy tôi, không phải là bạn tôi.

“Anh nên hiểu điều này,” Gyula tiếp tục, không đổi giọng, không chớp mắt.  “Anh nên biết rằng kẻ chết thì không còn tự do, không còn có thể đau khổ.  Chỉ người sống mới có thể tự do, có thể đau khổ.  Kathleen đang sống.  Tôi đang sống.  Anh phải nghĩ tới chúng tôi.  Đừng nghĩ tới họ.”

Anh ngưng lại để nhồi tẩu thuốc hoặc có thể vì chẳng còn gì để nói thêm.  Mọi sự đã được nói ra.  Những lập luận tán thành và những lập luận phản bác.  Tôi phải chọn giữa người đang sống và kẻ đã chết.  Gyula hoặc Kalman.

Tôi nhìn bức chân dung, và ẩn chứa trong đôi mắt của nó, tôi thấy bà nội tôi với chiếc khăn trùm đầu màu đen.  Trên bộ mặt héo hắt của bà mang vẻ đau khổ một cách bình an.  Bà đang bảo tôi:  Cháu đừng sợ gì cả.  Nội sẽ ở bất cứ nơi nào cháu ở.  Nội không bao giờ thêm lần nữa để cháu một mình trên sân ga.  Hoặc một mình trên góc đường ở một thành phố nước ngoài.  Nội sẽ mang cháu theo với nội.  Trên con tàu lên các tầng trời.  Và cháu sẽ không còn thấy trần gian nữa.  Nội sẽ dấu nó không để cho cháu thấy.  Bằng chiếc khăn trùm đầu màu đen của nội.

“Anh xuất viện ngày mai?” Gyula hỏi, bằng giọng có vẻ bình thường trở lại.

“Vâng, ngày mai.”

“Kathleen sẽ chăm sóc anh?”

“Vâng.”

“Nàng yêu anh.”

“Tôi biết.”

Im lặng.

“Anh bước đi được chứ?”

“Với cặp nạng,” tôi trả lời.  “Họ sẽ tháo băng bột.  Nhưng chân tôi hoàn toàn không chịu được sức nặng.  Tôi phải đi nạng.”

“Anh có thể dựa vào Kathleen.  Nàng sẽ hạnh phúc nếu anh dựa vào nàng.  Tiếp nhận là một hình thức cao nhất của lòng quảng đại.  Hãy làm cho nàng hạnh phúc.  Một chút hạnh phúc đủ biện hộ cho suốt một đời nỗ lực.”

Tôi đã quyết, Kathleen sẽ hạnh phúc.  Tôi sẽ học nói dối thật thành thạo và nàng sẽ hạnh phúc.  Thật phi lý: những lời nói dối có thể sinh ra hạnh phúc chân chính.  Chừng nào mà hạnh phúc đó còn kéo dài thì nó còn có vẻ thật.  Người đang sống thích lời nói dối, đó là cách họ thích tình bạn.  Kẻ đã chết không thích lời nói dối.  Bà nội của tôi hẳn không chấp nhận những lời kể chưa đúng sự thật của người khác.  Tôi hứa với bà nội của tôi, lần sau cháu sẽ cẩn thận.  Cháu không để lỡ tàu thêm lần nữa.

Tôi phải chăm chú nhìn bức chân dung đó vì đột nhiên Gyula bắt đầu cắn chặt răng.  Với cử chỉ giận dữ và điên tiết, anh bật que diêm, châm lửa bên dưới khung vải.

“Đừng!” tôi kêu lên tuyệt vọng.  “Đừng làm vậy! Gyula, đừng làm vậy! Đừng thiêu bà nội của tôi lần nữa! Ngừng tay lại, Gyula, ngừng tay!”

Gyula đứng im, không phản ứng.  Mặt anh khép lại và trầm xuống, các đầu ngón tay anh cầm khung vải, xoay xoay đủ hướng và chờ nó thu lại thành tro.  Tôi muốn nhảy chồm lên người anh nhưng tôi quá yếu, không ra khỏi giường được.  Tôi không cầm được nước mắt.  Tôi khóc rất lâu sau khi Gyula đã đóng cửa lại sau lưng anh.  Anh quên mang theo tro./.

 

HẾT

Chương : 1    2    3    4  
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1495
Ngày đăng: 17.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)