Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.200.325
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 15

mười lăm


Trong tiệm cà phê, sau khi cô hầu bàn đặt xuống bàn chiếc khay đựng các khoanh bánh mì điểm tâm, cha Frederic Zaron cúi người xuống nói nhỏ, “Rất đơn giản, thưa Ðức cha. Cha đi vào phòng khách lớn dành cho bệnh nhân ngoại trú, tới bàn tiếp khách phía bên phải. Cha nói là cha tới phòng điều trị HL và cha sẽ được đưa cho một con số.”

 

“Cha vừa nói phòng HL?”


Người linh mục trẻ gật đầu, rồi khúc khích cười ngượng ngịu. “Ðúng, thưa Ðức cha, con có nói như vậy. Phòng Hoa liễu điều trị vào các sáng Chúa nhật. Bệnh nhân lọc máu ở phòng kế bên phòng điều trị hoa liễu.”

“Như thế tôi sẽ được người ta đưa cho một con số. Rồi sau đó?”


“Người ta sẽ hỏi cha muốn gặp ai, cha nói muốn gặp cha Ley.” Người linh mục trẻ nhìn đồng hồ. “Con xin thưa là cha có thể tới đó bất cứ lúc nào kể từ giờ này, thưa Ðức cha.” Cha Zaron đứng lên. “Con đã trả tiền bánh mì và cà phê. Như cha biết, bệnh viện đó ở ngay đường này.”

 

“Cha không đi với tôi tới đó sao?”


“Cha Ley nghĩ rằng cách khôn ngoan là cha đi tới đó một mình.” Cha Zaron đưa tay ra, ngần ngại như thể không chắc cử chỉ mình sẽ được chấp nhận. “Có thể cha con mình sẽ gặp nhau vào một hoàn cảnh hạnh phúc hơn. Xin Ðức cha đừng đứng lên. Con đi ngay bây giờ.”


Ông siết bàn tay đang đưa ra đó. Bàn tay ấy ẩm và lạnh. Ông quan sát người linh mục trẻ đó, hoặc phải chăng người công an đó, đang đi ra khỏi tiệm cà phê. Nhạc đã thay đổi và lúc này ông nghe khúc nhạc “O Sole Mio.” Lập tức ông sống trở lại ở La mã, đang đi dọc bờ sông Tiber với cha Jan Ley và một linh mục Dòng Tên có tên là Klinghoffer, cả ba đang hát vang khúc nhạc này. Những ngày ấy dường như đã quá xa xôi; hạnh phúc đó, tuổi trẻ đó, ông sẽ chẳng bao giờ được biết tới nữa. Ông nghĩ tới La mã và tự hỏi: Vatican sẽ nói gì về các biến cố này? Ðức Thánh cha sẽ nói gì? Tôi không thể trông cậy vào La mã — hoặc ít ra là chưa. Tôi một mình ở đây. Tiber và Volya là hai dòng sông khác biệt.

 

Ông đứng dậy, kéo chiếc áo mưa lên kín cổ, đi qua những bàn cà phê đông người và bước xuống Ðường Thống chế Nilsk. Khi đi về phía mặt tiền kiên cố và gớm ghiếc của Bệnh viện Trung tâm Phía Ðông, ông nhận thấy người đi đường nhường bước, né tránh ông, vì với chiếc quần hôi mùi sình và đôi giày bê bết bùn đất, ông lúc này có bề ngoài tởm lợm của một người thất bại, của những linh hồn vô phước đang ăn mày trên đường phố xin từng đồng bạc lẻ để mua rượu uống lót lòng. Tới lối vào bệnh viện, ông nhìn quanh tìm cảnh sát sắc phục, tìm áo “măng tô”, tìm xe Lada xanh và tìm cả người thanh niên, Frederic Zaron, đang rình mò đâu đó chờ xem ông bị bắt. Hai tuần trước đây, sau Hội nghị Giám mục, ông đã dại dột nói với cha Kris Malik rằng ông muốn mình không bao giờ ở tâm điểm của mọi sự. “Tôi thèm muốn biết mấy được một mình đi bộ trên đường phố, không ai biết tới mình, để đêm đêm trở về một ngôi nhà trống, trở về một cuộc sống đơn độc thầm kín.” Một ước muốn khi đã được ban cho thì trở thành một ước muốn bị hủy diệt. Tôi lúc này đơn độc: nhưng không phải thầm kín mà lại là che dấu.


Khi đi vào cổng bệnh viện, ông không thấy có người cảnh sát hoặc chiếc “măng tô” nào. Ông có cảm giác rằng cha Zaron đã nói đúng sự thật. Trong phòng khách lớn dành cho bệnh nhân ngoại trú, ông tới bàn tiếp khách. Ngồi đằng sau bàn là một phụ nữ trẻ, mặc đồ trắng. Cô hờ hửng nhìn ông.


“Tôi tới đây điều trị HL.”


Cô lấy trong chồng thẻ nhựa ra một chiếc có số. “Ông biết chỗ tới đó không?”


“Xin lỗi, không ạ.”


“Phòng Hai, bên trái.”


“Xin lỗi?”


Cô lại nhìn lên, hờ hửng. “Gì đây?”


“Tôi quên nói là tôi tới đây để gặp cha Ley.”


Cô ta thở ra bực dọc như thường lệ. “Bộ tôi chưa hỏi là ông tới đây để gặp ai à?”


“Chưa. Xin lỗi. Tôi chỉ nghĩ là...”


“Ði vào và ngồi chờ nơi ghế. Tôi sẽ cho gọi khi tới lượt.”


Ông đi vào hành lang, tìm kiếm. Phòng Hai là một phòng rộng, sàn lót gạch xốp, có sáu băng ghế dài đặt đối mặt một chuỗi sáu cửa lớn không có bảng chỉ dẫn với những ô cửa kính đục gắn trên khung gỗ. Có lẽ tới ba chục người đang ngồi đợi trên các băng ghế. Khi ông ngồi xuống, vài người ngoảnh mặt ngó ông rồi nhìn qua chỗ khác như thể bối vối vì bị bắt gặp đang ở chung một bọn. Ban đầu, cử chỉ đó làm ông ngạc nhiên. Rồi ông nhận ra rằng trước đây, trong một thời gian dài, họ đã phải khắc phục sự e thẹn của mình để tới có mặt nơi đây. Sự ghê tởm mà họ dành cho ông chỉ giản dị là vì ông giống một kẻ cù bơ cù bất, một kẻ rõ ràng là mắc bệnh giang mai, trong khi họ, hết thảy họ, đều ăn mặc chửng chạc và không để lộ một dấu hiệu nào về bệnh tật của mình. Trong khi chuyện vản với nhau, họ thỉnh thoảng ngước nhìn lên khi có một phụ nữ trẻ mặc áo bờ-lu màu lục từ phòng khách bên ngoài bước vào và gọi lên một con số. Ông nhìn con số của mình. Số 17.


Sau một lúc, người phụ nữ trẻ ấy lại xuất hiện, thay vì gọi một con số, cô hướng mặt về phía ông và chỉ vào ông. Khi ông đứng lên bước ra, cô im lặng dẫn đường, không đi tới các cánh cửa có gắn kính đục mà là đi ra hành lang rồi chỉ cho ông một cánh cửa nhỏ màu lục, phía trên không có bảng tên phòng. “Vào trong đó,” cô nói. “Bác sĩ sẽ tới gặp ông ngay.”


Ông đi vào. Ðây là phòng vệ sinh. Có một dãy bồn cầu và một dãy bồn rửa tay, phía trên các móc áo treo nhiều quần áo màu lục mặc khi giải phẩu. Ông đứng đó, bối rối. Một người đàn ông mặc áo bờ-lu và mang mặt nạ bảo hộ y tế bước vào, đi tới một bồn rửa tay, đặt lên thành bồn một cuộn khăn lông. Khi người ấy mở ra thì ông thấy có một dao cạo, kem cạo râu và một cục xà phòng.


“Ông cần cạo râu, thưa ông,” người ấy nói. “Xin ông bắt đầu ngay cho”


Trong tấm kiếng gắn vào tường, phía trên bồn rửa mặt, ông đối diện với một người lạ, khuôn mặt nhớp nhúa với râu ria lởm chởm hai ngày chưa cạo. Bôi lên mặt một lớp kem cạo râu, ông bắt đầu cạo. Bộ mặt của ông dần dần nhìn lại ông, một bộ mặt thiếu tự tin, xác nhận nỗi sợ hãi lưu niên của ông; tôi không xứng đáng làm người lãnh đạo: Ðức Thánh cha, Hồng y đoàn, tất cả đều đã lượng định sai lầm khả năng của tôi. Tôi đang thất bại trong cương vị quản trị.


Ðằng sau ông, người đàn ông kia đánh hắng và tỏ vẻ sốt ruột.


Lật đật, ông vỗ vào đôi má sạch trơn của mình.


“Tôi nghĩ là ông nên bỏ lại quần áo của mình ở đây, thưa ông, và mặc cái này vào,” người ấy nói. “Ông

mang giày cỡ số mấy?”


“Số chín.”


Khi ông cởi bộ quần áo bẩn thỉu của mình ra, khoác áo bờ-lu và quần giải phẩu vào, người ấy kiểm soát lại, rồi lục lọi trong một ngăn tủ, lấy đưa ông chiếc mặt nạ bảo hộ y tế bằng lụa mịn màng và một đôi giày đế cao su. “Thử đôi này, thưa ông.”


Giày vừa vặn. Ông cột giây giày và mang mặt nạ y tế vào.


“Và cái mũ lúp này nữa. Ðể bảo đảm che tóc của ông. Bây giờ, xin ông vui lòng đi theo tôi.”

 

Họ ra trở lại hành lang, đi ngang phòng có các bệnh nhân HL đang ngồi. Lần này, các bệnh nhân ấy nhìn ông và vị “bác sĩ” với vẻ kính trọng và ưu ái. Họ rẽ qua hành lang thứ hai và tới một cánh cửa. Người đàn ông gõ rất nhanh lên mặt cửa rồi gật đầu ra hiệu cho ông bước vào.


Cha Jan Ley nằm trên giường bệnh viện, cánh tay gắn ống nối vào máy lọc máu. Ông ấy không mang giày và áo len; trong khi chiếc máy hoạt động, một gân máu lớn màu xanh đen trong cánh tay ông đập phập phồng, trái ngược với màu da trắng như sáp. “Ngồi xuống, được chứ?” cha Jan nói. “Tôi nghĩ là bác sĩ có thể gỡ mặt nạ ra. Tôi không lây bệnh cho ông đâu.”


Ông bỏ mặt nạ ra và bỗng nhiên ứa nước mắt, cúi xuống hôn lên lông mày người bạn thâm giao của mình. Tóc cha Jan bạc, lơ thơ như một tấm mạng bọc da đầu. Mắt ông ấy lờ đờ như thể vì ảnh hưởng của chất thuốc.


“Thế nào, cha Jan?” ông hỏi. “Tôi xin lỗi đã làm cha dính líu tới việc này.”


“Có lúc nào tôi không dính líu tới việc của cha đâu,” cha Jan nói với một nụ cười. “Có phải lúc nào cũng vậy không, Tonio?”


“Nhưng không giống như lúc này.”


Cha Jan nhún vai, nhìn quanh các bức tường trống. “Theo tôi biết ở đây chúng ta an toàn,” ông ấy nói.

 

“Nhưng ngoài kia có hai người măng tô, ngồi chung với các bệnh nhân HL. Họ canh tôi miết kể từ khi cha điện thoại cho tôi hôm qua.”


“Như vậy chúng ta đã bị nghe lén.”


“Tôi tin là như vậy,” cha Jan nói. “Chừng một giờ sau khi cha gọi, hai công an ANNC tới dẫn tôi về Ðường Skoura.”


“Ôi, cha Jan, tôi xin lỗi. Tha lỗi cho tôi.”


“Không sao, họ không đánh tôi. Họ lịch sự. Nhưng rõ ràng chỗ đó là chốn nghiến răng than khóc, không nghi ngờ gì nữa.” Cha Jan Ley nhìn vào vòng quay số trên máy lọc máu của mình. “Tôi bị một nhân vật rất quan trọng thẩm vấn, tướng Vrona. Cha có nghe nói tới anh ta không?”


“Bộ trưởng Bộ Công an, phải anh ta không?”


“Ðầu lãnh của An ninh Nội chính, một kẻ thật là gây ấn tượng quá sức. Một thanh niên kỳ dị. Dù sao, hình như anh ta biết hết mọi sự về tôi. Rằng cha và tôi quen nhau đã bao lâu, và rằng tôi là người nghe xưng tội của cha, đại loại như vậy. Tôi để ý thấy họ có máy vi tính ở Ðường Skoura. Tin tức rất cập nhật.”

 

 “Vrona còn hỏi gì khác không?”

 

“Anh ta muốn biết cha hiện đang ở đâu. Tôi nói với anh ta: Ông biết quá rõ ông ấy hiện ở chỗ nào. Ông bắt ông ấy đêm qua. Anh ta nói điều đó không đúng. Anh ta nói rằng cha tự ý biến mất vì cha đang âm mưu một hành động nào đó chống lại chính quyền. Tôi nói điều đó vô nghĩa. Lúc đó, ông ta hỏi tôi có biết một người đàn ông tên là Danekin không.”


“Danekin — cựu thủ tướng? Hiện sống ở Luân đôn, phải ông ấy không? Nếu đúng thì đó là tin sau cùng tôi nghe về ông ấy.”

 

“Không phải Anton Danekin,” cha Jan Ley nói. “Mà là con trai của ông ấy, Gregor. Thi hài của Gregor hiện ở trong nhà xác Bệnh viện Quận Konev. Anh ta là người đã mưu sát cha. Vậy đó, theo lời của tướng Vrona.”


“Danekin.” Ông thấy lại bộ mặt đầy râu, bầm tím, ngạo mạn của người đã cố giết ông. Thì ra đó là lý do lúc ấy tôi nghĩ tới giới quí tộc cũ.


“Cha biết anh ta không, Stephen?”


“Không.”

“Và thân phụ của anh ta?”


Anton Danekin, một người quí tộc, ngập ngụa những thành kiến của giai cấp mình: bài Do thái, bài Nga, mà cũng bài Ðức. Ông ta là phó thủ tướng vào lúc mới xảy ra thế chiến. Một vị anh hùng trong bóng tối cho tới ngày người Nga đến. “Tôi chưa bao giờ gặp ông ta,” ông nói với cha Jan Ley. “Tôi nhớ mình có thấy ông ta khi tôi còn là một cậu bé. Ông ta đi trong đoàn diễu hành của nhà nước.” Một chiếc xe mui trần bốn bánh trên đường tới quốc hội, vây quanh bởi Ðoàn Kỵ binh Quốc gia ưu tuyển: Anton Danekin trong đồng phục đen của lính kỵ, cổ áo và cổ tay viền vàng, mũ hình trụ trên có chùm lông đỏ. “Lúc ấy tôi mới mười tuổi,” ông nói. “Dù gì đi nữa, tại sao con trai của Danekin lại muốn giết một Hồng y?”


“Cậu con trai này, Gregor, là con với bà vợ đầu,” cha Jan Ley nói. “Anh ta ăn học ở đây và trở thành thầy giáo của một trường cao đẳng nông nghiệp gần Ricany. Cái đó lặt vặt. Anh ta là đảng viên Ðảng Cộng sản cho tới tám năm trước đây thì bị khai trừ vì nghiện rượu. Sau đó, anh ta sống với cô em gái mình trong một xứ đạo. Hai năm trước đây, cả hai anh em mất tăm mất tích.”


“Làm sao cha phát hiện ra điều đó.”


Cha Jan ngã người xuống gối, có vẻ thấm mệt. “Tôi có kể với cha,” ông ấy nói. “Tôi có một mạng lưới nhỏ các bạn hữu. Các nghiệp đoàn, cha biết đó. Họ cũng là bạn của cha, Tonio ạ. Tôi nghĩ là cha cần tới họ.”

“Tôi cần có người nào đó,” ông nói. “Tôi đang cô độc. Nói cho tôi biết tướng Vrona còn nói gì với cha nữa?”

“Tôi sắp nói tới chỗ đó. Ông ấy đưa ra cho tôi một thông điệp, từ Thủ tướng, nhờ chuyển cho cha.”

 

“Từ Urban?”

 

Cha Jan Ley gật đầu. “Urban muốn cha biết rằng nếu cha xuất hiện lúc này, chính quyền sẽ bảo vệ cha.

 

Dĩ nhiên cái đó vô nghĩa. Họ đã bắt cha vừa rồi, họ sẽ bắt cha nữa.”

 

“Cha Jan ạ, họ không bắt tôi.”


“Cái gì? Cha Finder nói là họ bắt.”


“Người mang tôi đi đêm kia là những kẻ giả mạo người của An ninh Nội chính. Ðó là một phần kế hoạch của họ. Báo chí nước ngoài có nói gì tới việc tôi bị bắt không?”

 

“Có. Dĩ nhiên, tin tức quốc tế. Có những phản đối chính thức của các chính phủ Anh, Hoa kỳ và Pháp. Và dĩ nhiên có cả La mã.”


“Tôi sợ như thế.”


“Tại sao, cha Stephen? Ðang xảy ra cái gì?”


“Tôi chưa chắc chắn lắm.” Ðột nhiên ông cảm thấy đau buốt đằng sau con mắt phải của mình. Ông cúi đầu xuống. “Hết thảy đều do lỗi của tôi. Lý ra tôi không bao giờ nên để cho sự việc đi quá xa.” Ông co rúm người lại. Cơn đau buốt truyền xuống như thể nhức răng. “Ðiều rắc rối là tôi không thể xuất hiện lúc này. Chính phủ sẽ không bắt tôi nhưng họ sẽ canh chừng từng chuyển động của tôi. Và nếu họ làm như vậy, tôi không thể hoạt động để chặn đứng việc ấy.”


Cha Jan Ley nhỏm người lên, lấy một điếu thuốc. “Có phải chúng ta đang nói tới một vị Tổng giám mục nào đó?”


“Tôi nghĩ là như thế. Tôi nghĩ rằng việc đầu tiên mình phải làm là nói chuyện với các lãnh tụ nghiệp đoàn. Và tôi không thể sắp xếp việc đó qua ban thư ký của mình. Ðó là lý do tôi tới gặp cha.”


“Vâng, chắc chắn như vậy rồi,” cha Jan Ley nói. “Nhưng tại sao không thể qua ban thư ký của cha?”

“Vì rõ ràng là có một số phần tử trong văn phòng của tôi đã nói dối tôi về những gì đang xảy ra. Ðiều đó có nghĩa là họ không còn tin tưởng vào các chủ trương của tôi nữa.”


“Cha muốn gặp lãnh tụ nào của nghiệp đoàn?”


“Jop. Và việc này phải bí mật.”


“Jop hiện ở Gorodok. Cha có muốn tới đó không?”


“Muốn. Tôi cần thay đổi quần áo. Một vé tàu hoặc một chiếc xe, nếu có ai đó lái xe cho tôi. Có ai không...” nhưng ông chợt nghĩ tới cái chết của Joseph. “Không,” ông nói. “Tôi sẽ dùng xe lửa.”


Trong khi ông nói, có đèn đỏ bật sáng ở một lỗ trên máy lọc máu. Cha Jan Ley chồm người tới, ấn nút công-tắc trên chiếc hộp nhỏ bên giường. “Vâng?”


“Văn phòng gọi Bác sĩ Zaron. Yêu cầu Bác sĩ Zaron tới văn phòng.”


“Cám ơn,” cha Jan nói và tắt nút trên hộp. “Cha Stephen, cha phải đi ngay. Họ bảo với tôi rằng nếu họ loan báo câu đó thì cha phải rời chỗ này. Ði đi, lẹ lên.”


Ông bước tới bên giường, cúi xuống, ôm cha Jan. “Cầu nguyện cho tôi.”


“Tôi sẽ cầu nguyện. Bây giờ, lẹ lên.”


Ông vừa đi ra cửa vừa kéo mặt nạ lên che mặt. Trong hành lang, một nữ y tá trung niên đang chờ ông.

 

“Bác sĩ Zaron, xin đi lối này,” bà nói, rồi không dẫn ông đi theo lối vào vừa rồi mà là đi tới một phòng nhỏ, phía trên cửa ông thấy có tấm bảng nhỏ. Phòng huyết học—khoa ung thư. Bên trong là một phòng đợi nhỏ đang ngồi bốn bệnh nhân mặc áo choàng của bệnh viện. “Lối này, thưa bác sĩ,” bà y tá nói. Bà mở cánh cửa nhỏ một bên vách, gật đầu ra hiệu cho ông vào. Ông bước vào và đằng sau ông cửa đóng lại. Ban đầu, trong chỗ tối ông chẳng thấy gì, nhưng rồi ông nhận ra mình đang đứng bên trong chiếc tủ chứa chỗi và các dụng cụ lau nhà. Ông không nghe được tiếng động bên ngoài. Cơn đau nhức một bên đầu lắng xuống, để lại đầu ông hơi nhức và cảm thấy buồn nôn. Sau một lúc, e rằng mình có thể ngất xĩu, ông ngồi xuống trên một thùng thuốc khử trùng. Mắt ông quen dần với bóng tối. Ông nghĩ tới những ngày còn bé sau khi cha ông đột ngột qua đời, mẹ ông lo việc chùi rửa trong ngôi nhà thành phố của Hoàng thân Rostropov ở Ðường Triển vọng Phương Ðông trong thời gian Hoàng thân và gia đình đi nghỉ hè tại một trang trại ở đồng quê. Trong ngôi nhà ấy vào những buổi chiều lê thê nóng bức, ông đi lang thang khắp các hành lang của ngôi nhà đồ sộ vắng vẻ và chơi trò trốn tìm cùng phe với đứa con gái của người sửa sang nhà cửa. Cô bé hôn ông và lấy tay bụm miệng ông, không muốn bị phe khác tìm ra. Lúc này, trong bóng tối, thoáng nhớ tới cô bạn nhỏ và trong tâm trí ông lại xuất hiện bộ mặt đầy râu, bầm tím của anh con trai của Danekin, chiếc miệng hấp hối ấy đang mở ra để kể điều bí mật của nó, nhưng lời sắp nói đã chết đuối trong máu. Tại sao anh ta mưu sát tôi, và cô gái lái xe kia là ai? Thật vô nghĩa.

Nó không ăn khớp chút nào với kế hoạch của những người đã bắt cóc tôi.


Ông cầu nguyện. Lạy Chúa. Chúa đã chọn con cho sứ vụ này. Con đang mù lòa trước nhiều việc. Trí tuệ con kém cỏi. Con không thấy thế giới này có biết bao nhiêu phía biết bao nhiêu mặt, cái thế giới trong đó Chúa đã tín nhiệm đặt con vào vị trí này. Con không xứng làm linh mục, đừng nói chi tới việc làm một hoàng tử trong giáo hội của Chúa. Nhưng giờ đây con cầu xin Chúa hướng dẫn con, ban cho con sức mạnh và trí tuệ mà con không thể tìm thấy trong bản thân con.


Ông khóc. Hỗ thẹn khi nhớ lại các cậu bé học sinh vô tội đang chạy qua Quảng trường Belnova với những tờ truyền đơn được cung cấp bởi các linh mục trong khu vực thẩm quyền của ông; các cậu học sinh tuy bị bắt vì hành động ấy, nhưng xét cho cùng, đó chính là trách nhiệm tối hậu của ông.

Ông quệt khô nước mắt bằng tay áo và cố kết thúc lời cầu nguyện. Có ai đó gõ cửa tủ. Tiếng đàn ông thì thầm. “Bác sĩ Zaron, có đó không?”


“Có.”

“Trong ít phút nữa, chúng tôi sẽ mang quần áo tới. Ông cao bao nhiêu?”


“Một thước bảy tư.”


“Xin chờ một chút.”

 

Ông đợi. Sau vài phút, một bọc giấy lớn đựng quần áo được chuồi vào cho ông. “Tôi sẽ ở bên ngoài.“

Bên trong bọc, có chiếc áo len cổ chui khá vừa người ông. Trái lại, chiếc quần vải bông ống hơi ngắn. Có thêm chiếc áo gió khá nhẹ nhưng lại quá rộng và một chiếc mũ lưỡi trai đã cũ, bằng vải bố, kiểu của vận động viên dã cầu. Ông nhô người ra, kéo mũ sụp xuống tận mắt. Một thanh niên đang chờ, đầu đội mũ an toàn bằng nhựa màu đen, loại mũ dùng khi đi xe gắn máy, và mặc đồng phục nhân viên chạy văn thư của chính phủ. Trên vai anh là chiếc túi lớn chứa công văn. “Ði lối này, thưa ông,” anh nói.


Họ ra khỏi phòng huyết học, đi vào hành lang lúc này có đông đảo các y tá đang đẩy bệnh nhân trên xe đẩy và các y công đẩy các xe chở dụng cụ y tế, trong tiếng ồn ào giữa giờ làm việc ca sáng. Người chạy công văn đội mũ an toàn len lỏi qua đám đông rộn ràng đó cho tới khi họ ra tới phòng khách chính ở lối vào nơi mặt trước bệnh viện. “Ðợi đây, thưa ông. Tôi đi lấy xe chạy tới sân trước. Khi tôi vô trở lại, ông chỉ việc theo tôi ra ngoài sân rồi nhảy lên xe gắn máy ngồi sau lưng tôi. Ðược chứ?”


Ông gật đầu. Ông nhìn quanh sảnh đường tìm xem có ai đang theo dõi mình không. Sợ hãi trong bộ quần áo cái cụt ngủn cái thùng thình, ông đứng căng thẳng, trăn trở hết bên này tới bên kia, cố tránh ánh mắt của người qua kẻ lại. Ông không dám chắc bộ mặt mình quen thuộc tới mức nào đối với người công dân bình thường dù ông thường xuất hiện trên Ðài Truyền hình Quốc gia và được chụp hình hàng trăm lần cho các báo tin tức của nhà nước và các tạp chí của Giáo hội. Ông ngờ rằng dân chúng không nhìn vào con người ông mà chỉ nhìn vào chiếc áo chùng thâm của sứ vụ Hồng y, chỉ thấy một bóng dáng đội chiếc mũ đỏ thẩm đang di động trong đoàn rước của Giáo hội hoặc đang ngồi trên chiếc ghế tông toà bên cạnh bàn thờ. Không biết có người nào đó nhìn thấy ông trong bộ quần áo nhếch nhác vô danh này lại có thể tưởng tượng ra ông là vị Hồng y giáo chủ của xứ sở này và hiện đang mất tích.


Thình lình, lật đật lướt qua vòng cửa quay, người chạy công văn đội mũ an toàn nhân viên của chính quyền, xuất hiện nhanh như chớp, ra hiệu cho ông rồi quay mình, vội vã bước ra ngoài. Anh ấy là ai, và làm thế nào cha Jan Ley biết anh ấy? Cái mạng lưới con người mà dường như cha Jan có khả năng triệu tập chỉ trong vòng ít phút thông báo thôi, nó ra sao? Ông cất bước tới cửa quay ở lối ra vào, nhìn phải nhìn trái xem có chiếc “măng tô” nào đang núp gần đó không. Ông đi ra ngoài. Dưới thềm, ông nghe tiếng khục khặc của chiếc xe gắn máy nhỏ quốc doanh sản xuất, loại thường thấy hằng ngày trên đường phố và là đối tượng hỏng máy thường xuyên. Người đưa thư hạ miếng mi-ca đen của chiếc mũ an toàn xuống, che khuôn mặt mình, gật đầu ra hiệu cho ông lên xe. Ông ngồi, vừa vòng tay ôm ngang bụng người lái xe khi xe gầm lên, lướt qua sân bệnh viện và phóng ra Ðường Thống chế Nilsk.


Và lúc này gió tạt vào mặt làm ông cảm thấy xây xẩm khi xe gắn máy lạng qua lạng lại giữa dòng xe cộ, lao qua Quảng trường Thống nhất, xuống tới Ðường Mới, phóng ngang Vườn Saxon, chạy vào khu Chợ Cũ, ở đó xe quành qua quẹo về rồi bỗng đứng khựng lại, chờ một đàn súc vật đi qua. Cuối cùng chiếc xe gắn máy nhỏ thở phì phò, yên lặng rẽ vào một cái sân cũ và hẹp, đậu lại bên cạnh một chiếc xe tải thùng loại có gắn máy lạnh, bê bết bùn, vừa mới bỏ các cần xế thịt heo xuống. Người thanh niên chạy công văn kéo miếng che mặt lên, đưa tay vẫy một người đàn ông mặc áo bờ-lu trắng vấy máu đã đứng sẵn đó như thể đang chờ ai.

 

Ông xuống khỏi yên xe, chân run rẩy vì không quen với những rung chuyển trong chuyến đi vừa rồi. Người mặc áo đồ tể đưa tay lên mũ chào cung kính. “Xong ngay, thưa ông,” người ấy nói. “Chúng tôi chuẩn bị gần xong. Trong khi chờ đợi, ông nhảy lên thùng sau xe tải, chỗ đó đó. Hơi có mùi nhưng trong đó có mền. Ông co người lại thì không bị lạnh.”


Người chạy công văn lúc ấy kéo miếng che mặt màu đen xuống, quay qua ông, trông như một người máy không mặt. “Ổn thoả chứ, thưa ông.”


“Vâng. Cám ơn.”

 

“Cha Ley có nhắn với ông là cha ấy sẽ cố gắng liên lạc với đối tác của ông ở Gorodok.”


“Cám ơn, cám ơn nhiều lắm.”


Người đưa thư dùng chân đạp cần khởi động. Chiếc xe gắn máy của anh lại rống lên tuân lệnh. Lúc này có sáu người đang bước vào sân, đội mũ trùm đầu thô kệch bằng vải bố, tới vác các cần xế thịt heo. Người đi sau cùng đưa tay vẫy ông, chỉ tới bên mép sàn chiếc xe tải có máy lạnh. Ông đi tới chỗ đó. Một bàn tay thò xuống kéo ông lên. Bên trong lạnh như nước đá. Người kéo ông lên đó chỉ vào phía trong sâu của thùng xe tải nơi có mấy chiếc mền nặng nề, dơ dáy, đã được quây thành một cái ổ trên sàn xe.

 

“Sẽ tắt máy lạnh ngay,” anh ta nói. “Chỉ ít phút nữa thôi sẽ khá hơn. Tôi phải khóa lại ở bên ngoài. Ðược chứ?”

“Vâng, không sao,” ông nói. “Cám ơn.”

 

Người ấy nhảy xuống xe. Cửa nặng nề bị kéo sập xuống kêu lên ken két và ông nghe tiếng khóa lại. Thêm lần nữa, ông ở trong bóng tối. Ông mò mẫm tìm đường đi lần tới mấy chiếc mền và ngồi xuống, trùm mền phủ kín người. Chiếc xe tải ngập ngụa mùi máu, đậm đà, tanh tưởi. Vài phút sau, ông nghe tiếng cửa phòng lái đóng. Máy khởi động. Bánh xe nặng nề lăn. Cuộc hành trình bắt đầu.




Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15   16    17    18    19    20    21    22   
Brian Moore
Số lần đọc: 1359
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)