Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.200.360
 
máu hồng y
Brian Moore
Chương 18

mười tám


Một giờ sau, dưới ánh sáng chiếc đèn cửa treo trên căn lều gỗ tiền chế của quân đội ở Quonset, ông và Janik, cấn cái tay còng chân xích, bị dắt đi dọc theo một con đường rải đá dăm trộn dầu hắc, tới chiếc máy bay hai cánh quạt đang chờ. Hai công an ANNC áp tải họ lúc này có vẻ căng thẳng. Khi đến gần máy bay hơn, ông thấy có hai người đang đứng bên chân cầu thang hành khách. Một người mặc quân phục tướng lãnh, phù hiệu màu xanh xám xác định ông ta là thành viên của bộ tổng tham mưu. Người thứ hai, trẻ hơn nhiều, mặc một bộ vét-tông sậm, áo sơ mi trắng bóng mượt và chiếc cà vạt bằng len đỏ thẩm. Tóc của người ấy cũng xức dầu bóng mượt như thể đánh một lớp véc-ni đen và chải ép sát vào da đầu. Khuôn mặt xanh xao, hình quả lê, với đôi mắt thật lớn nhưng chẳng nhìn thẳng vào vật nào, giống như khuôn mặt của một đứa trẻ mà họa sĩ vẽ còn dang dỡ hơn là khuôn mặt đã định hình của một người lớn. Hai công an ANNC lập tức bị con người kỳ dị này hút lấy. “Ai còng và quấn mấy sợi xích này vậy hả?” anh ta hỏi, giọng ngèn ngẹt như thể vì phẩn uất. “Tháo hết ra cho Ðức giáo chủ. Ngay!”


Người công ANNC cao nhòng quì xuống trên mặt sân hắc ín như một người hành hương sắp nhận phép lành. Tay anh ta luống cuống mở còng rồi lóng ngóng tra chìa khóa vào khúc xích nơi mắt cá chân. Viên tướng mặc quân phục, một người vạm vỡ, đầu tóc dày và xám phủ lên đầu như một lớp lá liễu màu bạc, bước tới và khẽ cúi đầu, “Tôi là tướng Kor,” ông ta nói. “Ðức giáo chủ chắc còn nhớ cuộc họp của chúng ta ở Prague, khi tôi còn ở trong văn phòng của bộ trưởng Scarzynski?”

 

“Tôi e mình không nhớ ra. Và luôn thể, xin ông làm ơn tháo còng với xích cho người bạn của tôi.” Ông ta lưỡng lự quay qua người mặc vét-tông sậm. “Tôi nghĩ đây là việc của An ninh Nội chính,” ông ta nói.

“Vậy xin để tùy ông.”

 

Người thanh niên kỳ dị ấy lúc này bước tới gần hơn. “Theo quan điểm của chúng tôi, thưa Ðức giáo chủ,”

anh ta nói với giọng phều phào ngèn ngẹt, “An ninh trên máy bay sẽ được bảo đảm hơn nếu người em vợ của ông Jop bị ít nhất là còng tay. Vậy, nếu ông không bận tâm...”


“Nhưng, tôi bận tâm,” ông nói. “Nếu anh ấy còn bị còng thì tôi cũng sẽ bị còng.”


Ðôi mắt của người thanh niên kỳ dị cuối cùng dường như thoáng nhìn thẳng vào khuôn mặt ông. Rồi anh ta búng tay. Lập tức hai công an ANNC bước lẹ tới Janik, tháo xích và còng ra.


“Như ông có thể nhận thấy, chúng tôi muốn dành mọi sự nhã nhặn cho ông, thưa Ðức cha. Chúng tôi xin lỗi về dây xích. Tôi cam đoan với ông rằng những người này sẽ bị khiển trách. Bây giờ, xin ông vui lòng đi lối này——” Anh ta đưa tay chỉ cầu thang hành khách. “Và xin ông để ý đầu mình khi bước vào máy bay.”

Ông đi lên thang, vào máy bay. Ðây là loại máy bay quân sự, trống trơn đồ đạc. Một trung sĩ không quân tới giúp ông thắt nịt an toàn. Người thanh niên kỳ dị ngồi bên trái ông, viên tướng mặc quân phục ngồi bên phải. Ít phút sau, họ đã ở trên không, sân bay Mito thành ốc đảo ánh sáng nhỏ xíu trong bóng tối phía dưới.



Người trẻ tuổi kỳ dị nghiêng qua mời ông thuốc lá, cao giọng nói để át tiếng ồn ào của máy móc, “Chuyến đi chỉ mất nửa giờ thôi, thưa Ðức cha.”


Ông từ chối điếu thuốc. “Ông từ An ninh Nội chính?”


“Vâng.”

“Và quí danh là gì?”


“Cái đó không quan trọng, thưa Ðức giáo chủ. Tôi chỉ là người tháp tùng ông thôi.”


“Tên ông là gì?”


“Vrona.”

“Vậy ông là bộ trường Công An, Tướng Vrona!”


Người thanh niên ấy đưa bàn tay lên, xoè ra như thể chịu thua. “Vâng,” anh ta nói. “Nhưng quân hàm thì có vẻ lặt vặt khi chúng tôi, như ông biết, là công an chứ không phải quân nhân.”


“Nhưng ông giết người dân.”


“Toà án hạ lệnh tử hình,” giọng nói ngèn ngẹt cất lên. “Chứ không phải công an. Mối quan tâm của chúng tôi là hoà bình và trật tự trong quốc gia này.”


Tướng Kor nghiêng người qua. “Có phải các ông vừa nói tới cái gì đó, thưa Ðức cha?”


“Không, không gì cả.”


Vrona đặt tay lên đầu gối ông như thể làm ông dịu lại, và nói. “Chuyện trò trong tiếng ầm ỉ này thì khó khăn quá, thưa Ðức cha. Ðức cha cứ nghỉ ngơi cho khoẻ. Trước mắt, sẽ còn nhiều chuyện nói với nhau.”

 

Bầu trời bên ngoài máy bay sáng dần lên trong màu nhàn nhạt sớm mai. Ít phút sau, máy bay sà xuống thấp, lắc lư khi chui qua các đám mây để lượn vòng trên Sông Volya và đáp xuống đường băng, dừng lại rất xa những chiếc máy bay dùng cho đường bay quốc tế trong các chuyến bay thương mại. Người ta đang đợi họ. Ông thấy một chiếc xe tải tiến lại gần, kéo theo một cầu thang di động. Chờ dưới mặt sân nhựa rải đá của phi trường là hai chiếc Lada xanh, đằng sau chúng, trên con đường tiếp liệu, đang phóng tới một xe hòm limousine màu đen hiệu Zis, hai chiếc đèn trước đầu xe rực sáng. Khi cửa máy bay mở, tướng Vrona đi dẫn đầu, khúm núm như một người quản gia, nhắc chừng bước chân ông khi ông ra khỏi thân máy bay, bước vào không khí ban mai lành lạnh. Xa phía dưới đường băng, có nhiều lính lăm lăm cầm súng tiểu liên tự động, mỗi người đứng cách nhau chừng mười bước. Và khi viên tướng mặc quân phục dẫn ông đi về phía chiếc xe hòm hiệu Zis ấy thì một viên đại úy xuất hiện, chào, “Thưa, Trung tướng Kor?”


“Ðúng. Gì vậy?”


“Trình Trung tướng, có đề nghị là tù nhân nên đi xe của An ninh Nội chính, hai chiếc đằng sau chiếc Zis này. Biện pháp an ninh.”


“Ðức giáo chủ không phải là tù nhân,” viên tướng mặc quân phục nói, giọng gắt gỏng. “Nhưng thôi, cũng tốt, chiếc xe đó đâu?”

 

Và thế là ông bị dắt tới một trong hai chiếc xe mà ông biết quá rõ tuy trước đây chưa bao giờ ngồi trong đó, chiếc Lada vô danh. Khi ông vào ghế sau thì Vrona đã ngồi sẵn một bên. Vrona nhóng người tới trước, nhìn săm soi con đường trước mặt lúc xe Lada sắp lăn bánh, cách sau chiếc xe hòm hai chiếc Lada khác. Lúc ấy, trong ánh tinh sương, lại có một toán kỵ binh đi ngựa vào sân bay, quan sát từng thước đất một như thể có kẻ thù đang ẩn núp dọc theo các đường băng trống trải. Những người lính vừa dàn hàng ngang trên sân bay nay đi bước đều di chuyển qua nơi khác.

 

“Tại sao nhiều bảo vệ vậy?”

 

“Vì cuộc mưu sát đêm kia,” Vrona nói. “Ðương nhiên là ông biết rõ chuyện đó. Tôi có một bản ghi lại cuộc đàm đạo của ông với các bác sĩ ở bệnh viện Kronev. Cá nhân ông có biết tên sát thủ đó không, thưa Ðức cha?”


“Tôi chỉ gặp anh ta khoảnh khắc trước khi anh ta chết. Anh ta không phải là người nào đó mà tôi biết. Tôi tin là anh ta say rượu.”


“Ðúng,” Vrona nói. “Anh ta là một tên nghiện rượu. Hình như anh ta hành động chẳng theo lệnh của ai cả. Chúng tôi cho là anh ta tự ý hành động. Ông đồng ý chứ?”


“Tôi đã nói với ông. Tôi không biết chút gì về anh ta.”

 

“Tiếc thật,” Vrona nói. “Tôi ngớ ngẩn quá, nhưng tạm thời, tôi hy vọng ông sẽ giúp cho tôi làm sáng tỏ.”


“Ông đưa tôi đi đâu?”


“Ông chưa dùng điểm tâm,” Vrona nói. “Ðó là cái chúng tôi quan tâm trước nhất.”


Lúc này, họ đang đi tới vùng ngoại ô thủ đô. Vào giờ này, các loại xe cộ hạng nặng bị cấm chạy vào thủ đô ngoại trừ xe tải của chính phủ. Họ đi qua những người dân đang cỡi xe đạp hoặc xe gắn máy nhỏ, thỉnh thoảng có các xe ngựa dài thòng, bánh cao su, trông như chiếc quan tài có gắn bánh xe, vẫn thường dùng để chở sản phẩm của các nhà vườn và các nông trang tập thể bên ngoài vào các chợ chính trong thủ đô. Tiếp đó, ông thấy đoàn xe chạy về hướng trung tâm, vào Ðại lộ Lênin mà trước kia là Ðại lộ Konigsberg. Cuối đại lộ, vàng rực trong bầu trời hồng sớm mai là những vòm mái cao kiểu Nga của cung điện Mallinek cổ kính.


Vào lúc đó, chiếc xe hòm hiệu Zis, các xe áp tải và chiếc quân xa tách ra, nối đuôi nhau rẽ qua Ðại lộ Tuyên ngôn. Còn lại chiếc Lada chở họ một mình chạy thẳng vào cổng chính của cung điện. Người công an bảo vệ bước ra khỏi trạm gác, thoải mái vẫy tay cho xe tiếp tục phóng tới. Một mình trên lối vào thênh thang, chiếc Lada nhỏ bé quẹo trái thêm lần nữa đúng theo qui định, rồi lại quẹo trái thêm lần nữa chạy thẳng vào nơi mà ông nhận ra là lối dẫn vào khu vực tư thất của thủ tướng. Lối vào này rải sỏi. Tiếng sỏi kêu lạo xạo và khi xe chạy vào chiếc vòm cổng rậm lá, sỏi bắn tung lên gầm xe Lada, nổ lốp đốp. Xe bỗng dừng lại, người công an ANNC đang ngồi ghế trước lập tức nhảy phóc xuống xe, rút súng lục ra, nhìn quanh. Nhưng không thấy ai ở trong vườn của thủ tướng trừ một người lính đang đứng nửa kín nửa hở đằng sau bụi nguyệt quế, đối diện với lối cửa vào tư thất. Tại cửa, một người phục vụ đứng chờ sẵn. Ông ta lớn tuổi mà nếu vào thời xưa thì hẳn là một người quản gia. Ông mặc áo khoác màu xám kiểu y phục của người giúp việc, găng tay cũng màu xám, cúi đầu cung kính khi họ đi ngang, và dẫn họ vào đại sảnh.


Sàn đại sảnh lót đá cẩm thạch Carrara trắng, các pho tượng bán thân bằng cẩm thạch của các hoàng thân, thống chế và các vị vua thời trung cổ làm sảnh đường nhuốm vẻ ảm đạm. Tiếng bước chân của họ vang trên cầu thang bằng đá cẩm thạch không trải thảm. Họ theo người phục vụ lớn tuổi đặt chân lên đầu cầu thang tầng thứ nhất nơi có hai người lính mặc quân phục binh chủng thiết giáp cầm súng tiểu liên tự động đứng trong tư thế nghỉ, trước hai cánh cửa nặng nề bằng gỗ óc chó. Ðầu cầu thang tầng trên cũng có một công an ANNC cầm máy bộ đàm đứng ở bao lơn. Ðằng sau pho tượng bán thân bằng cẩm thạch của một hoàng tử nổi tiếng, có thêm một người lính nữa, người lính thứ ba này, nhìn xuống, khẩu tiểu liên tự động trên tay anh ta lăm lăm chĩa xuống đoàn khách đang đi vào. Chiếc máy bộ đàm của người công an lêu lốp bốp một cách khó hiểu. Những người lính chuyển sang tư thế nghiêm. Người công an ANNC đẩy cánh cửa gỗ nặng nề, và Vrona ra hiệu cho ông bước vào.


Ông đi vào một hành lang lờ mờ, các màn cửa rũ xuống kín mít không chút ánh sáng ban mai lọt vào. Ðằng sau ông, cánh cửa đóng lại. Lúc này ông một mình. Ông đứng, căng mắt cố nhìn xuyên suốt chỗ mờ tối, bỗng nhiên lúc ấy đằng trước ông một cánh cửa bật mở và trên khung cửa xuất hiện một dáng người. Có giọng nói quen thuộc cất lên: “Chào Stephan.”

 

Ông đi tới. Khu phòng riêng của thủ tướng thoạt nhìn có vẻ như được trang bị bằng đồ đạc giống thư viện một câu lạc bộ dành cho giới quí tộc. Con chó Dalmatia Nam tư lốm đốm trắng và đen từ từ tiến đến bên ông, ngửi tay ông, chấp nhận ông là khách tới thăm. Ông thấy, bên kia phòng sách là một phòng thứ hai, nơi đó có chiếc bàn ăn sáng bằng gỗ nâu đen rất đẹp, kê ở ngách cửa sổ thụt vào. Trên bàn bày bộ tách cà phê bằng bạc, bình mứt, mật và các khoanh bánh mì điểm tâm hình tròn kiểu truyền thống.

“Vào đi, vào đi,” giọng quen thuộc ấy nói. “Chỉ hai chúng ta thôi. Có thể nói là như vậy. Từ lâu tôi không còn quan tâm tới những thứ đó nữa.”


Ánh sáng ban mai từ hốc cửa sổ lóng loáng trên mặt thủ tướng. Ông ta mặc chiếc áo len nhà binh cũ có miếng da đắp nơi khuỷu tay và một dải da thuộc màu đen dọc theo cầu vai; quần bằng vải kaki sọc, giày và sơ-mi cũng màu kaki quân đội. Sáng nay, đứng cạnh bàn điểm tâm, người ông ta hình như có vẻ cao hơn bình thường. Những lần họ gặp nhau trước đây, thủ tướng lúc nào cũng ngồi hoặc nếu có đứng thì bị vây quanh bởi những người tháp tùng hoặc cận vệ. Sáng nay, ông ta trông giống một nhà giáo hơn là nhà binh, chiếc đầu hói như đang đội vòng nguyệt quế bằng những sợi tóc màu hung hung. Kính đeo mắt kiểu cổ, gọng đen nặng nề, và sau tròng kính, đôi mắt có vẻ lớn hơn, lửng thửng và mơ hồ. Cơ thể ông là cơ thể của một người lính, cường tráng nhưng mập ra vì tuổi tác. Ông đã thay đổi, như tôi vậy. Chúng ta đang càng ngày càng già đi. Thủ tướng là người cùng thời với ông, không phải về một mặt thôi mà còn nhiều mặt. Cả hai từng học chung trường của Dòng Tên. Mỗi người đều được giải thưởng tiếng La-tinh trung học, người nầy cách người kia một năm.


Lúc này, khi họ ngồi vào bàn trong hốc cửa sổ, con Dalmatia xinh đẹp nằm mọp bên chân thủ tướng. Thủ tướng, tướng Francis Urban, hình như cảm thấy thoải mái ở nơi nguyên là cung điện của nhà vua này, và quả thật, trong khi nhìn Urban, ông nhớ lại lúc còn đi học với nhau, ông ta nổi tiếng là một trong các học sinh con nhà giàu, con của một đại địa chủ, hậu duệ của một dòng họ nổi tiếng về binh nghiệp. Việc Urban trở thành một tướng lãnh, kể cả trở thành thủ tướng cũng là chuyện tự nhiên. Nhưng con đường đưa ông ta tới quyền lực thì không tự nhiên chút nào.


“Cà phê gì nào?” Urban vừa hỏi vừa cầm chiếc bình bạc lên. “Cha có vẻ mệt.”


“Ðen, cám ơn,” ông nói. “Và vâng, tôi hơi mệt.”


“Ðói bụng không?” thủ tướng đưa ra một rổ nhỏ khoanh bánh mì dùng điểm tâm.


Ðúng lúc ấy, trên mặt tấm kính lồng khung mạ vàng, chiều cao từ sàn nhà lên tới trần, dựng sát mép bên kia bàn, ông thấy mình trong đó, một hình dáng con người không biết xếp vào loại nào, mặc quần áo phế thải. Như thể trong đầu cùng xuất hiện ý nghĩ giống như vậy, Urban nói, “Stephan, kể cho tôi nghe cái gì đã xảy ra cho cha? Tại sao cha ăn vận như một kẻ lang thang?”


“Chuyện dài lắm,” ông nói. “Và hoang mang.”

 

“Kể tôi nghe đi.”


“Tôi không kể được. Tôi không chắc là mình hiểu nó.”


“Stephen,” thủ tướng nói, “Hãy để tôi đặt câu hỏi cho cha. Nếu người của Thiên Chúa mà hành động như một tên khủng bố thì theo cha, đó có phải là một tội trọng không?”


“Anh có ý nói gì?”


Thủ tướng đứng lên, đi vào phòng sách rồi quay lại với một chiếc kẹp hồ sơ, mở ra và đẩy nó tới trước mặt ông. Trong kẹp hồ sơ là những bức ảnh lớn màu đen trắng. Chúng cho thấy hình như về một vụ nổ tại một tòa nhà công cộng nào đó.


“Cha có biết việc này không, Stephen?”


“Về cái gì?”


“Ðó là các ba-rắc quân đội ở Praha. Hôm qua, ai đó đặt quả bom một tấn trong những dãy nhà ngủ đó. Nhờ cái mà tôi cho rằng quí vị sẽ gọi là phép lạ: khi bom nổ, lính chỉ bị thương nhẹ.”


Ông nhìn các bức hình ấy thêm lần nữa. Bỗng nhiên, ông cảm thấy lợm giọng. “Tại sao anh nói ỏngười của Thiên Chúaõ?”


“Vì một giờ sau khi xảy ra vụ nổ, chúng tôi bắt được một chương trình phát thanh bí mật phát đi từ đâu đó trong tỉnh Gneisk. Một nhóm tự xưng là Chiến sĩ Kitô tuyên bố họ chịu trách nhiệm vụ bom nổ. Và chương trình phát thanh đó kết thúc với những lời, ỏHãy đến dự đại hội Rywald. Hãy nhớ tới các Chân phước Tử đạo’.”


“Chiến sĩ Kitô? Họ là ai?”


“Ai!” Mắt của thủ tướng đột nhiên nhướng lên đằng sau cặp tròng kính dày như thể cố gắng dò cho ra sự dối trá đang được che đậy. “Tôi tin rằng họ cũng chính là những người đã bắt cóc cha.”


Cha Prisbek, viên thiếu tá, viên đại tá, người nữ tu kỳ dị. Ông nhìn Urban và chầm chậm cất tiếng, “Có

thể. Nhưng tại sao họ âm mưu mạo nhận là An ninh Nội chính?”


“Cha không hiểu ư?” Urban nói, giọng sắc bén giận dữ. “Ðó là một âm mưu cách ly cha khỏi dòng vận

hành và làm cho thế giới bên ngoài nghĩ rằng chúng tôi làm chuyện đó.”


“Nhưng tại sao?”


“Tại sao? Cha hẳn phải biết là tại sao. Hãy chấm dứt cái lối ma mãnh kiểu Dòng Tên đó đi. Tôi không có thì giờ cho cái trò dối trá đó!”

 

“Tôi không được thông báo đầy đủ như anh,” ông nói. “Tôi vẫn còn hỏi anh câu đó: tại sao họ đổ lỗi cho An ninh Nội chính?”


Vì nếu cha bị ANNC bắt thì dân chúng sẽ nghĩ rằng cha đứng đằng sau âm mưu ấy. Thật ra, có thể cha là như vậy.”


“Tôi chẳng biết gì về bất cứ âm mưu nào. Không ai tin cậy tôi, kể cả văn phòng của tôi.”


“Thật vậy sao?” Urban nói. “Vậy cha là một phần tử vô tội? Thế thì tại sao sau khi thoát khỏi những người mà cha nghĩ là An ninh nội chính, cha không trở về Nhà Chung, nơi ở của mình. Tại sao cha bí mật đi gặp Jop? Ai mang cha tới Godokok? Tại sao cha ăn mặc quần áo như thế này và tại sao đêm qua cha ở trong xe chở than để em vợ của Jop lái xe chở cha đi Gneisk? Ðó không phải là tác phong của một người vô tội. Vậy thế nào về những tờ truyền đơn mà các linh mục của cha phân phối kêu gọi một loại biểu dương toàn quốc nào đó? Phải chăng cha muốn đối đầu với chúng tôi và với người láng giềng to lớn hơn của chúng ta? Nhiều năm trước đây, cha tới với tôi, yêu cầu tôi giúp để lập thành một hiệp ước giữa Giáo hội và Nhà nước. Tôi giúp cha lập thành bản hiệp ước tôn giáo đó. Tôi đã đánh liều sinh mệnh chính trị của mình, vậy đó, cha hãy nhớ tới việc đó! Tôi đã làm việc đó là vì không muốn có thêm xung đột nữa. Tôi làm việc đó vì quyền lợi của quốc gia dân tộc.”


Quyền lợi của quốc gia dân tộc. Ông nhìn đăm đăm người bạn cùng trường này, nhìn vào bộ mặt đỏ bừng, vào đôi mắt giận dữ nằm đằng sau cặp kính dày. Trong năm năm cầm quyền của mình, trải qua các cuộc đình công, các cuộc nổi loạn vì lương thực, và những thay đổi trong lãnh đạo đảng, Urban đã sống sót với mấy tiếng đó lúc nào cũng ở trên môi. Quyền lợi của quốc gia dân tộc. Ðối với Urban, không có sự khác biệt nào giữa Dân tộc và Nhà nước. Ðó không phải là quyền lợi của quốc gia dân tộc, đó là sự duy trì cái Nhà nước mà ông ta phục vụ. Quả đúng là ông ta có giúp thành lập hiệp ước giữa Giáo hội và chính quyền, một hiệp ước cho phép Giáo hội có quyền ăn nói trong các công việc của mình. Nhưng cũng quả thật là những lời hứa được lập ra trong bản hiệp ước đó bị liên tục thất tín. Nhưng đây không phải lúc nêu ra những vấn đề đó. “Tôi cũng như anh, không muốn có thêm bất cứ xung đột nào nữa,” ông nói. “Anh phải biết điều đó.”


“Vậy, cái này là cái gì?” thủ tướng cầm lên những bức ảnh các ba-rắc tan nát. Tay ông ta giận dữ run lẩy bẩy. “Cha có nhận ra cái trò mà các linh mục của cha đang chơi lúc này? Ðùa giỡn với những tên khủng bố? Cha có muốn đất nước này trở thành giống như phương Tây — những tên khủng bố làm nổ tung sân bay, ám sát dân chúng? Cha biết chúng tôi không tha thứ việc đó — ấy là chưa kể phản ứng của người láng giềng khổng lồ của chúng ta. Những tên khủng bố hữu khuynh tại các nước thuộc khối Ðông! Và được Giáo hội hậu thuẩn!”


“Cái đó vô nghĩa,” ông nói. “Giáo hội không bao giờ ủng hộ chủ trương khủng bố!”


“Vậy các truyền đơn đó thì sao?”


“Những thứ đó được thực hiện mà tôi không biết. Tôi đang cố sức ngăn chặn nó. Ðó là lý do tôi đi gặp Jop.”

“Hắn đứng đằng sau vụ này sao?”


“Không. Nhưng nếu xảy ra các cuộc biểu dương thì nghiệp đoàn sẽ phải ủng hộ chúng.”


“Vậy ai đứng sau vụ này?” Urban nói. “Tôi sẽ nói cho cha biết những gì tôi đang nghĩ. Các Chiến sĩ Kitô là một nhóm khủng bố được tài trợ bởi phương Tây — có thể bởi CIA.”


“Có thể,” ông nói. “Nhưng một nhóm khủng bố nhỏ thì không thể tổng chỉ huy những lực lượng cần thiết cho một cuộc biểu dương phản kháng toàn quốc.”


“Ðúng thế! Và ai có đủ sức mạnh để làm đất nước này tê liệt, thưa Ðức giáo chủ? Cha có sức mạnh đó! Ðó là lý do việc này xảy ra trong đại hội tôn giáo ở Rywald.”


“Ðiều đó đúng,” ông nói. “Và mỗi phút tôi ngồi đây chuyện trò với anh là một phút phung phí nếu quả thật tôi chặn được việc đó.”


Thủ tướng cúi đầu, tay vuốt ve con Dalmatia. Sau một lúc lâu, ông ta nhìn lên và nói, “Tôi muốn nghĩ, ít ra là một lần, rằng chúng ta chung một phía. Hãy nói cho tôi biết, cha tin rằng ai đứng ở đằng sau vụ này. Ðiều đó có thể giúp tôi quyết định có để cho cha đi hay không.”


“Thứ nhất, anh không có quyền bắt giam tôi. Thứ hai, chúng ta chưa bao giờ ở chung một phía. Nhiều năm trước đây, anh đến Liên bang Sô viết như một người tù bị bắt sau cuộc biểu dương của sinh viên. Năm năm sau, anh là sĩ quan Sô viết trong một học viện quân sự nổi tiếng. Anh, người mà tổ tiên mình chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc. Tôi muốn bệnh khi nghe anh nói tới quyền lợi của quốc gia dân tộc. Anh biết rằng chế độ của anh bị hầu hết đồng bào căm ghét và sợ hãi.”


“Cha không hiểu lòng yêu nước giống như tôi hiểu,” thủ tướng nói. “Hãy nhớ rằng chẳng quan trọng gì việc cha nghĩ tôi là cái gì? Tôi đang ra sức giữ cho xứ sở này gắn bó với nhau. Và chỉ có tôi mới có thể làm được chuyện đó. Tôi tự nguyện chấp nhận rằng bản thân mình không được yêu thích.”


“Anh đang ra sức giữ cho xứ sở này gắn bó với nhau như vệ tinh của một sức mạnh ngoại quốc. Vì thế, anh không phải là người yêu nước mà là tay sai của sức mạnh ngoại quốc đó.”


“Còn La mã thì sao?” thủ tướng nói. “Bộ La mã không phải là một sức mạnh ngoại quốc sao? Không phải sự trung thành sau cùng của cha là dành cho La mã và tối hậu, dành cho phương Tây sao?”


“Cũng như anh thôi, tôi không còn tín nhiệm vào phương Tây. Cả hai chúng ta đều biết rằng đối với phương Tây, đất nước này chỉ là con tốt trong một cuộc cờ rộng lớn hơn. Phương Tây chẳng quan tâm gì tới chúng ta và sẽ không giúp chúng ta.”


“Ðược, thế thì hãy tín nhiệm vào La mã!” thủ tướng nói một cách cáu kỉnh.


“Những mệnh lệnh của tôi không phát xuất từ La mã!”

 

Trong khi nói những lời đó ông nhận thấy mình đang thét lớn. Tôi không thích hợp để làm người lãnh đạo. Tại sao tôi mất bình tĩnh? Tại sao tôi nói như thể tôi hận thù anh ấy? “Francis này, tôi xin lỗi. Lý ra tôi không nên nhục mạ anh. Tôi yêu đất nước này, và tôi chắc chắn rằng anh cũng yêu đất nước này theo cách của anh. Có thể anh có lý. Ít ra là một lần, chúng ta có chung mục tiêu. Cho tôi hai mươi bốn giờ. Ðừng để ai theo dõi tôi. Tôi sẽ xác nhận là mình có thể làm gì.”


Thủ tướng lại cúi xuống, tay ve vuốt con chó và gãi đằng sau tai nó. Ðuôi con chó kết thành một chùm nhỏ trên nền đá cẩm thạch khi người và chó nhìn vào mắt nhau. Rồi thủ tướng nói, “Tôi biết người mà cha sắp đi gặp.”

 

“Vậy sao? Vậy anh cũng phải hiểu rằng thời gian của tôi rất ngắn ngủi.”

 

Thủ tướng không nói. Ông ta ngồi nhìn chăm chú các li tách và dĩa trên bàn ăn sáng như thể chúng là những quân cờ của một bàn cờ. Cuối cùng, ông ta nói, “Tôi không thể hứa rằng cha sẽ không bị theo dõi. Nhưng những người theo dõi cha sẽ hành sự kín đáo.”


“Phải không có việc bắt bớ.”


“Tôi không thể hứa việc đó. Nếu bị bắt buộc, chúng tôi phải ra tay. Tôi cho cha hai mươi bốn giờ. Cha đi bằng cách nào?”


“Tôi có thể có một chiếc xe không? Còn về tài xế, tôi muốn đó là người đi với tôi đêm qua.”


Thủ tướng đứng dậy đi vào phòng sách, cầm ống điện thoại lên. “Vrona, xin vui lòng đến đây.”


Ông nghe cửa bên ngoài mở. Con Dalmatia gầm gừ, vểnh tai. “Nằm xuống!” thủ tướng quát, tay nắm đai cổ con chó. Chút sau, cửa trong mở. Con Dalmatia sủa và lồng lên. Mái tóc bóng mượt ép sát da đầu của Vrona sáng loáng trong nắng mai khi anh ta đi vào, mắt thận trọng dè chừng con chó.


“Tôi nghĩ là anh đã biết những gì vừa nói, phải không?” thủ tướng hỏi. Vrona lưỡng lự, gần như ngượng nghịu, rồi gật đầu và mỉm cười.


“Liệu anh có thể sắp xếp công chuyện như Ðức Hồng y muốn?”


“Chắc chắn được, thưa Thủ tướng. Nhưng tôi xin phép hỏi, liệu hăm bốn giờ có quả thật đủ không?”


“Vrona,” thủ tướng nói. “Suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo La mã lớn mạnh trên những bắt bớ và đàn áp. Cứ mỗi một cuộc bắt bớ xảy ra là chúng ta lại củng cố thêm vị thế cho những người là kẻ thù của chính quyền và của Ðảng. Tôi không nói rằng tôi tin Hồng y Bem. Nhưng tôi biết rằng các lực lượng nào đó bên trong giáo hội của ông ấy đang âm mưu lừa dối ông ấy. Nghĩa là, ông ta chắc chắn còn sức mạnh để làm chuyển biến dòng vận hành của các biến cố ấy.”


“Nhưng liệu ông ấy có sẽ làm chuyển biến được chúng?” Vrona vừa hỏi vừa quay mặt đi nơi khác với một nụ cười kì dị mơn trớn giả tạo như thể phủ nhận tính cách sỉ nhục trong lời nói của chính mình. “Tôi không có ý nói tới cá nhân, nhưng theo quan điểm của tôi, Ðức giáo chủ đây là kẻ thù không đội trời chung của xã hội chủ nghĩa, một tay sai của phương Tây và là người xúi giục phiến loạn. Nói cách khác, không cách gì tôi tin nổi.”


“Tôi không quan tâm tới việc anh tin hay không, Vrona,” thủ tướng nói. “Tôi nói cho anh biết là tôi đã quyết định cho Hồng y Bem hăm bốn giờ. Sau đó, chúng ta sẽ làm những gì chúng ta phải làm.”


“Xin tuân lệnh Thủ tướng,” Vrona nói. “Nhưng tôi đề nghị rằng chúng ta không chờ đợi nữa. Cứ hành động ngay! Chúng ta đã có đủ bằng chứng.”


Thủ tướng không nhìn Vrona nữa. “Chúng tôi đang nói tới thiết quân luật, thưa Ðức giáo chủ. Một khi đã ban hành lệnh đó tôi sẽ không hủy bỏ nó trong vòng một tuần hay trong vòng một tháng. Chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ Quốc gia. Nếu có bất cứ cuộc biểu tình, đình công, bãi thị nào hoặc bất cứ hành động nào đại loại như vậy, chúng tôi sẽ điều động quân đội đến dẹp tan ngay. Sẽ có bắt bớ, giam cầm, thẩm vấn, chưa từng thấy trong xứ sở này. Tôi sẽ làm điều đó vì tôi dự tính chứng minh rằng chúng ta có thể tiếp tục tự xử lý lấy công việc của chính chúng ta mà không cần tới bất cứ sự hỗ trợ nào của bên ngoài. Lúc này, xin tùy cha.” Ông quay sang chỉ huy trưởng ANNC, “Vrona, xin anh vui lòng hạ lệnh cho xe và người lái xe. Ðức giáo chủ không có nhiều thì giờ.”


Vrona rời phòng. Thủ tướng tới bàn giấy, mở ngăn kéo. “Ðây,” ông ta nói. “Có lẽ cha cần chút tiền đi đường.” Ông ta vừa lấy ra một xấp tiền vừa nói, “Chờ tôi đếm tiến.” Nhưng ông ta không đếm tiền. Thay vào đó, ông ta viết cái gì đó trên mảnh giấy bọc quanh xấp tiền. Khi viết xong, ông ta trao xấp tiền và nói, “Ðây, chắc đủ. Một món quà của Nhà nước tặng Giáo hội.”

 

Ông nhìn lời ghi chép trên mảnh giấy gói, viết bằng chữ nhỏ và ngay ngắn


Nếu cần tôi, điện thoại số 4708000


Số này an toàn. Lời nhắn sẽ tới tôi.


Lúc ông cho xấp tiền vào túi thì cửa ngoài mở. Vrona đi vào, bước tới phòng sách của thủ tướng. “Xe sẵn sàng rồi,” anh ta nói. “Và người lái xe của ông đang đến. Mời ông xuống nhà dưới, thưa Ðức giáo chủ.”
Con Dalmatia của thủ tướng thình lình sủa Vrona. “Nằm xuống! Nằm xuống!” thủ tướng la lên, chạy tới giữ con chó. “Tạm biệt, Hồng y Bem.”

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18   19    20    21    22   
Brian Moore
Số lần đọc: 1346
Ngày đăng: 21.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn - Elie Wiesel
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
máu hồng y (truyện dài)