“Chú Tám” đã kể với ông rất nhiều điều. Đức Giáo Tông hiểu những lời con trai, cả những điều Ngọc Nhựt không kể, không nhớ ra để kể trong ngày hội ngộ không báo trước này. Đức Giáo Tông nghe tràn ngập trong lòng tình yêu trỗi dậy dành cho đứa con trai út. Chờ cho cảm xúc trong lòng Ngọc Nhựt lắng xuống, Đức Giáo Tông mới hỏi:
- Còn vợ con…
Ngọc Nhựt nhìn đi nơi khác, lãng tránh tia nhìn như thấu hiểu tất cả của cha. Có điều gì thật khó nói trong anh. Nhưng vì đọc được thiện ý muốn được chia xẻ với tất cả những gì đã trải qua với đứa con yêu quý trong ánh mắt của cha, Ngọc Nhựt nói, không giấu được vẻ bối rối:
- À, Clodine, papa muốn nói tới Clodine?! Cô ấy… Dĩ nhiên là cô ấy không muốn con về Việt Nam. Chúng con có rất nhiều điều tương đồng trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, trong… Nhưng càng sống bên nhau, con càng thấy rõ giữa chúng con còn có một khoảng cách vô hình không dễ san lấp. Cái đó… anh Ngọc Bích đã nói nhiều với con và con dần dần ý thức rất rõ. Đó là tinh thần dân tộc, papa ạ. Dù con chịu ơn gia đình Clodine trong những năm tháng Đức chiếm đóng Paris, nhưng khi papa Clodine ném vào mặt con tờ báo đăng tin anh Ngọc Bích cho giật sập những cây cầu từng là niềm hãnh diện của anh ấy bằng những khối thuốc nổ TNT thì con không thể im lặng được nữa. “ Quân khủng bố”. Họ thốt lên và nhìn con bằng ánh mắt khinh miệt. Con tranh luận rằng người Pháp cũng làm như thế với bọn phát xít Đức. Nữ nhà văn Madelain Riffaut đã từng nả súng vào tên lính Đức hiện đang là niềm tự hào, thần tượng của thanh niên Pháp cũng là quân khủng bố hay sao? Họ cho rằng người Pháp có quyền làm thế để bảo vệ nước Pháp. Còn anh Ngọc Bích… Họ xấu hổ vì anh ấy được nước Pháp đào tạo nhưng đã phản bội nước Pháp và trở thành “quân khủng bố”. Trước ngày trở về, giữa con và Clodine có buổi nói chuyện rất căng thẳng. Sau đó là sự lạnh giá. Cuối cùng, con đã nói với Clodine: “ Em có tổ quốc của em. Anh có tổ quốc của anh”…
- Chỉ đơn giản như vậy sao con?
Ngọc Nhựt thêm một lần lẫn tránh tia nhìn của cha. Vốn là người xem trọng giềng mối gia đình, Đức Giáo Tông không giấu được lời trách nhẹ nhàng. Rõ ràng, giữa anh và Clodine có với nhau quá nhiều những kỹ niệm gắn bó. Anh đã từng lặng đi trước tiếng nấc xé lòng của cô khi con trai họ- bé Noel đã vĩnh viễn ra đi trong đêm giá lạnh, hoang tàng của Paris. Ôm trên tay thi thể lạnh giá của Noel, Clodine không bao giờ nghĩ đứa bé được sinh ra trong đêm Noel tưng bừng ánh sáng, ngập tràn hạnh phúc ở Paris chỉ một năm sau đó không còn được làm người. Họ đã tựa vào nhau những năm tháng bị vây hãm, trong tận cùng bất hạnh, khốn khó, đói nghèo, có lúc đến tuyệt vọng như thế… Rồi Paris được giải phóng, họ đã cùng xuống đường, cùng reo lên đón mừng đoàn quân chiến thắng. Họ cuốn vào những cuộc vui, vũ hội mừng thắng trận. Họ cùng đứng lên với sức mạnh chưa từng có để cùng góp phần trả lại cho Paris vẻ đẹp muôn thuở. Họ có được căn biệt thự ở ngoại ô Paris. Vào đúng lúc Clodine đang cần có thêm một đứa trẻ thì anh lại quyết định trở về Việt Nam. Clodine vô cùng kinh ngạc trước sức lan tỏa của làn sóng Cách mạng Tháng 8 từ Việt Nam. Dư âm của nó đã phá vỡ căn phòng hạnh phúc của cô. Nó có một sức mạnh ghê gớm lôi cuốn người con trai Việt Nam mà cô yêu, sẵn lòng kết hôn vì người ấy, sẵn sàng chiều theo mọi ý thích của anh… Nhưng cô không sẵn lòng khi Ngọc Nhựt bộc lộ ý định trở về Việt Nam. Và tất nhiên, cô cũng không sẵn lòng đi đến một đất nước mà khói lửa chiến tranh đang mờ mịt… Cuộc sống chung của họ đã hòa đồng đến mức khiến từ rất lâu rồi, Clodine không còn có khái niệm chồng mình là người Việt Nam. Nhưng kể từ mùa thu năm 1945, những biến cố dồn dập xãy ra ở thuộc địa khiến cô không còn thời gian để kịp thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Điều mang lại cho cô sự phiền muộn nhất là sự thay đổi của Ngọc Nhựt. Phái đoàn chính phủ Việt nam đã tác động một cách sâu sắc đến anh. Hình ảnh Nguyễn Ai Quốc- Hồ Chí Minh dường như choán ngợp tâm trí anh. Cô từng biết rõ Ngọc Nhựt vốn là một con người trầm tĩnh, chính chắn trong nhận xét con người. Anh không phải loại người dễ bị cuốn vào chứng bệnh sùng bái cá nhân. Nhưng con người Hồ Chí Minh mà anh đã được gặp gỡ, tiếp xúc đã đánh thức hai chữ tổ quốc ngỡ từ lâu đã đồng nhất với nước mẹ Đại Pháp của cô. Tổ quốc là gì mà có người đàn ông bé nhỏ, gầy gò ấy đã lê gót tha phương khắp năm châu bốn biển, chịu đựng bao cảnh đoạ đày, tù ngục, đói rét, đã ủ viên gạch hồng sưởi ấm qua mùa băng giá mà reo lên một mình khi tìm ra con đường cứu nước?! Tổ quốc là gì mà có một sức mạnh lan tỏa ghê gớm khiến người chồng thân yêu của cô phải rời bỏ khỏi tổ ấm, rời bỏ khỏi cuộc sống đang hết sức tốt đẹp cho anh về mọi thứ, rời bỏ cơ hội tiến thân tốt nhất cho anh?! Tổ quốc là gì mà Bernadette, người bạn gái thân nhất của cô phải sống trong mỏi mòn, tuyệt vọng, khi Michel Tường Long, người cô yêu đã rời bỏ trường Đại học bách khoa năm cuối cùng ở Lyon giữa lúc lửa tình yêu đang nồng thắm, vâng lệnh người cha trở về Việt Nam tìm Nguyễn Ái Quốc để phụng sự…
Ngọc Nhựt nhớ lại gương mặt đau khổ với cái nhìn đầy thất vọng của Clodine về anh. Bởi vào lúc đó, cô mới hiểu được nguyên nhân chính yếu nhất khiến chồng mình từ chối lời mời cộng tác của hãng kinh đào Suez. Là người da màu duy nhất được tín nhiệm và nhận vào làm cho một công ty lớn như vậy, lẽ ra phải vui mừng nhưng anh đã đáp lại tin lạc quan ấy bằng sự đăm chiêu, hờ hững. Tổ quốc là gì?!
Clodine chợt nhớ lại những ngày kinh thành Paris bị phát xít Đức chiếm đóng. Nơi cô đang sống chìm trong giá buốt, lạnh lẽo và chết chóc dù Paris là niềm tự hào của mọi công dân Pháp về một thủ đô được mệnh danh là “ Kinh đô ánh sáng”. Cô và Ngọc Nhựt đã mất một đứa con… Cô đã đau khổ, đã căm thù đến tận xương tủy quân cướp nước. Nhưng đó là Paris, và cô là công dân Pháp. Còn Việt Nam là một thuộc địa. Đất nước này còn chìm trong mông muội, tăm tối, còn chưa được khai hóa phải, cần có mẩu quốc bảo hộ… “ Nếu anh ấy nhất quyết về Việt Nam thì… ta sẽ mất anh ấy, mất anh ấy vĩnh viễn sao?!”. Ngọc Nhựt đã nhìn thấy sự kiềm nén cảm xúc của Clodine. Cô đã hết sức cố gắng để trở nên thật bình tĩnh tranh luận với anh. Nhưng khi Ngọc Nhựt đã thốt lên được lời từ gan ruột anh một cách kiên định: “ Anh có tổ quốc của anh. Em có tổ quốc của em” thì cô hiểu mình không thể giữ được anh…
Nhưng không phải vì sự chia tay đó mà Ngọc Nhựt cắt đứt với Clodine. Anh đã khẳng định với Clodine trong đêm cuối cùng họ bên nhau:
- Khi đã làm tròn phận sự đối với tổ quốc, anh sẽ trở về Paris đón em. Anh tin rằng lúc đó, chúng ta sẽ có một cuộc sống thực sự tốt đẹp.
Clodine cười cay đắng:
- Em không phải là cô bé ngây thơ 14 tuổi năm nào đã gặp anh. Em không được lạc quan như anh. Em xin lỗi anh vì điều đó…
Nước mắt Clodine tuôn trào. Ngọc Nhựt thực sự bối rối. Trong anh có gì đó vô cùng trái ngược, giằng xé. Đó là Clodine quyện trong từng kỷ niệm ở Paris, nơi anh đã có một quãng đời thật đáng ghi nhớ, đầy ắp kỷ niệm. Một cái gì thật thiêng liêng, thôi thúc trở về nguồn cội khi anh nhìn thấy Cụ Hồ, khi anh được gặp gỡ, trò chuyện với phái đoàn Việt Nam. Một cái gì đó khiến anh cũng không đủ ngôn từ để giải thích cho Clodine hiểu. Anh chỉ biết là anh cần phải về, anh cần phải làm một cái gì đó… Hôm anh ra đi, Clodine đã thức dậy rất sớm. Cô đã ngồi bên cây đàn dương cầm tự lúc nào, tiễn anh đi bằng một “Sonate ánh trăng” của L.V Beethoven đầy da diết, dự cảm. Những âm thanh vang lên từ đôi bàn tay tháp bút của Clodine đưa anh đi vào một đêm trăng mờ ảo, huyền hoặc. Có một người đàn ông cô đơn, lặng lẽ cúi đầu bước đi, gương mặt chìm ngập trong một nỗi buồn khôn tả, phía trước là chân trời mênh mông, vô định. Rồi bóng tối bao phủ. Rồi chân trời phía Đông bừng lên ánh sáng những tia nắng của ban mai lấp ló niềm hy vọng. “ Cám ơn em đã luôn mong những điều tốt lành cho anh, Trái tim anh mãi mãi thuộc về em. Clodine, tạm biệt!”. Ngọc nhựt đứng lặng trước cánh cửa phòng khách nhìn Clodine, như cố lưu giữ hình ảnh người vợ thân yêu vào ký ức. Clodine biết Ngọc Nhựt đứng sau lưng mình mà không quay nhìn lại. Tiếng đàn đã thay thế nụ hôn tiễn biệt của cô. Những gì cần nói họ đã nói với nhau rồi. Clodine không muốn anh thêm nặng lòng vì những giọt nước mắt của cô… Giọng nói ấm áp, hiền từ của Đức Giáo tông đưa Ngọc Nhựt trở về thực tại:
- Con đã gặp Lộc* chưa? Lộc đã nói gì với con? Là con trai của papa, chắc là con cũng hiểu được papa luôn mong muốn Đạo được mở rộng khắp chân trời thế giới. Khi Trần Bá Lộc sang Pháp du học, cháu của con đã được phong làm “Bạch y đồng tử”. Lộc đã lên đường thực hành lời ủy thác của Tòa Thánh bằng buổi lễ tiễn đưa rất long trọng. Papa đã ủy thác cho Lộc gặp con bàn chuyện mở Đạo ở bên Pháp, bởi một số Việt kiều, một số người Pháp đang có nhu cầu được tiếp cận với Đạo. Papa hy vọng, với bản tánh nhu thuận, hiền lương, con sẽ là một cầu nối đầy thuyết phục. Về điều này, con chưa nói gì với papa…
Ngọc Nhựt hiểu đó là lời trách nhẹ nhàng của Đức Giáo Tông. Anh đã suy nghĩ rất nhiều về sứ mệnh ấy. Khi gặp Ngọc Nhựt ở Pháp truyền lời ủy thác của Đức Giáo Tông, Bá Lộc hỏi:
- Cậu Tám nghĩ thế nào?
Lòng Ngọc Nhựt không khỏi xốn xang vì chính vào thời điểm đó, bao nhận thức mới mẻ đã đến với anh. Lộc gặp anh ở Paris vào lúc anh đang chuẩn bị trở về Việt Nam. Điều duy nhất anh có thể làm đuợc là lời khuyên dành cho Lộc:
- Việc đó là cần thiết nhưng bây giờ đành tạm gác lại, cháu thân yêu! Nước nhà chưa độc lập mà ta mở Đạo ở “mẫu quốc”, thì sớm muộn gì Đạo cũng bị người Pháp chi phối, trở thành tay sai cho họ. Giờ cậu phải về nước, tham gia đánh Tây giành độc lập rồi mới nói đến chuyện mở Đạo. Phần cháu, phải cố gắng học, phải tốt nghiệp bác sĩ như lòng kỳ vọng của mẹ cháu…
Ngọc Nhựt kể cho Đức Giáo Tông về cuộc gặp “Bạch y đồng tử” Trần Bá Lộc ở Paris. Anh quỳ xuống bên Đức Giáo Tông, cúi đầu nhận lỗi:
- Papa, con xin lỗi papa vì đã không làm tròn sứ mệnh của papa giao phó. Nước biến nên con cũng phải quyền biến…
Đức Giáo Tông đỡ Ngọc Nhựt đứng lên, ôm chặt anh vào lòng, trìu mến:
- Papa hiểu rồi. Thực lòng, papa cũng không ngờ thời cuộc diễn tiến nhanh như vậy. Con nói đúng, nước biến chúng ta cũng phải biết quyền biến…
Rồi Đức Giáo Tông nhìn sâu vào mắt Ngọc Nhựt, giọng nhẹ nhàng, xa xôi:
- Nhưng rồi con sẽ làm gì. Tình thế đất nước đang hết sức rối ren. Không ít chi phái đã rời bỏ phận sự cứu rỗi nhơn sanh. Trắng và đen nhiều điều chưa phân tỏ… Ngọc Nhựt, nếu như con chọn con đường trở về tổ quốc để phụng sự, thì đó là sứ mạng của con đó. Papa rất vui mừng khi con đã về bên Papa, đứa con mà papa yêu quý, kỳ vọng nhất. Nhưng mà…
Cả Đức Giáo Tông và con trai đều rơi vào yên lặng sau câu nói bỏ ngõ. Trong sâu thẳm, Đức Giáo Tông hiểu, nếu như con trai ông trở về để được sống yên bình trong thánh thất giữa lúc đất nước đang hừng hực trước lời kêu gọi “ kháng chiến kiến quốc” của chính phủ Hồ Chí Minh thì sự trở về ấy thật vô nghĩa. Người yêu nước chân chính mà ông hằng mong đợi đã xuất hiện và trong thâm tâm ông, Cụ Hồ chính là một“ Minh chủ” đầy thuyết phục. Nhưng khuyên con đi cùng với chính phủ Hồ Chí Minh, cũng có nghĩa là đứa con trai út yêu thương nhất của ông sẽ dấn thân vào chốn binh đao khói lửa khốc liệt. Cuộc chiến tranh không chỉ khốc liệt giữa thế lực giử nước và cướp nước mà còn có nhiều thế lực đen tối khác nhân danh lòng yêu nước. Ngọc Nhựt quá trong sáng, ngây thơ trước sự phức tạp, dích dắc của chính trị. Lòng ái quốc đang nung nấu, trỗi dậy khiến tấm lòng anh càng tỏa sáng. Trong buổi hội ngộ bất ngờ, ngắn ngủi hôm ấy, khi nỗi vui mừng chưa kịp lắng xuống, khi những năm tháng chia xa khép lại còn làm cho Đức Giáo Tông chưa hết bàng hoàng, ông chưa thể nói với Ngọc Nhựt về những phức tạp, rối rắm của một đất nước mà con trai ông đang muốn được dốc lòng phụng sự. Khi nghe Ngọc Nhựt nói về Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh với tất cả lòng kính trọng, phấn khích; khi nghe anh nói về lý tưởng, về chính phủ kháng chiến với thái độ của người sẵn sàng nhập cuộc, Đức Giáo Tông vừa vui mừng, vừa sợ hãi. Sự trái ngược trong hai trạng thái cảm xúc ấy vò xé ông dữ dội. Ông nghe lạnh toát người trước dự cảm về tương lai của Ngọc Nhựt:
“ Rồi nó sẽ lập lại số phận của Ngọc Bích, sự lập lại biết đâu còn còn vô phương cứu vãn, còn khốc liệt hơn”.
Đức Giáo Tông nghe lòng đầy xao động trước dự cảm trỗi dậy một cách không kiểm soát trong tư duy ông. Dáng dấp trắng trẻo, thư sinh, cách diễn đạt tình cảm bằng tiếng mẹ đẻ còn sai sót, vụng về của Ngọc Nhựt khiến Đức Giáo Tông càng thấy thương con trai vô hạn. Ông hiểu, con trai ông sẽ phải mất một thời gian khá lâu và không dễ chịu chút nào để thích nghi với cuộc sống mới… Đến lượt Ngọc Nhựt nhìn sâu vào đôi mắt đầy minh triết của Đức Giáo Tông, khẩn thiết hỏi:
- Papa, con sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để giành lại nền độc lập cho tổ quốc. Con không bao giờ hối tiếc. Con không sợ khó, sợ khổ. Con chỉ sợ mình rơi vào bi kịch lầm đường. Papa, với sự thông tuệ, sáng suốt, nắm được các lẽ huyền nhiệm của Đất Trời, papa hãy nói đi, Việt Minh và Pháp, thế lực nào sẽ chiến thắng?!
- Tầm vông vạt nhọn sẽ chiến thắng. Người nghèo sẽ chiến thắng. Hãy vì họ…
Ngọc Nhựt ngước nhìn Đức Giáo Tông với lòng cảm ơn sâu sắc vì sự đồng cảm, biết tôn trọng và im lặng của người cha thân yêu. Cuối cùng, Đức Giáo Tông đặt bàn tay tươi sáng, hồng nhuận ấm áp lên vai anh, giọng ông vang lên, trầm ấm và hoàn toàn tin cậy:
- Papa tôn trọng sự chọn lựa của con. Ngọc Nhựt, con là vầng mặt trời ấm áp trong lòng papa…