Ngày sinh nhật năm thứ sáu của nó. Ở thành phố bây giờ, nhứt là sau ngày giải phóng (30-4-1975), rất nhiều người làm sinh nhật, người lớn và cả trẻ con. Với trẻ con, một tuổi thì làm lễ thôi nôi, từ hai tuổi trở lên thì gọi là sinh nhật, lớn nhỏ tùy hoàn cảnh gia đình.
Khác hơn cái tuổi nhỏ của tôi ngày xưa. Tôi nghe bà tôi kể lại, anh chị tôi, khi đến một tuổi, đứa nào cũng có một ngày thôi nôi. Ngày thôi nôi là ngày đoán xem đứa nhỏ lớn lên thì làm nghề gì. Trước mặt thằng nhỏ một tuổi, ông bà cha mẹ bày ra đủ thứ, chủ yếu phải có hai thứ: cây búa và cây viết. Nếu đứa nhỏ chụp cây búa thì lớn lên nó sẽ làm thợ, nếu chụp cây viết thì lớn lên là người có học, sẽ làm thầy thông thầy ký. Trong hai cái đó, thằng nhỏ chụp cái gì, ông bà cha mẹ cũng đều vui. Bà tôi kể, thôi nôi của tôi, tôi chụp cây búa. Ông bà cha mẹ tôi đều vỗ tay vui mừng. Cha tôi làm nghề thợ bạc, chụp cây búa có nghĩa là lớn lên tôi cũng sẽ làm thợ bạc như cha tôi. Nhưng nào có phải, lớn lên tôi cầm súng đánh giặc, rồi từ tuổi hai mươi bốn, rời khỏi quân ngũ, tôi sống bằng cây viết, tôi sống bằng nghề báo, nghề văn, chẳng biết gì vàng với bạc. Với tôi, chỉ có một ngày thôi nôi, vậy rồi thôi. Tôi nhớ cả chợ và cả làng tôi, người giàu hay người nghèo, người có học hay thất học, chẳng thấy ai làm sinh nhật. Không kỉ niệm ngày sanh mà có kỉ niệm ngày mất là ngày đám giỗ. Đám giỗ tưng bừng lắm. Nhà dù nghèo cũng đi mượn một cái đèn măng sông thắp sáng ra đến ngoài sân, nào heo quay, nào gà, nào vịt, con cháu trong dòng họ, ai có cái gì thì mang đến cái nấy. Mâm trên mâm dưới, mâm trong mâm ngoài, mâm nào cũng có rượu, rồi đờn ca vọng cổ cho đến khuya…
Trong những đám giỗ mà tôi được đi, tôi có chú ý một điều. Người lớn ai cũng biết chỗ ngồi của mình, trẻ con cũng biết chỗ ngồi của mình. Chỉ có chó mèo là không biết chỗ. Để trị tụi nó, không cần đuổi, không cần đánh, người nấu bếp phát cho mỗi con một khúc xương, mỗi góc khác nhau. Vậy là con nào cũng miệt mài với khúc xương của mình, chẳng có con nào chạy lăng nhăng.
Với thằng út nhà tôi, ngày thôi nôi của nó, trước mặt nó là cây búa, cây viết. Cả nhà còn đang hồi hộp chờ nó chụp cái gì thì nó đưa tay quơ cả hai thứ, cả búa cả viết! Lớn lên chẳng biết nó làm nghề gì. Má nó bảo:
Lớn lên con tôi vừa lao động chân tay, vừa lao động trí óc.
Thì cũng nghĩ vậy cho vui.
Sinh nhật lần thứ sáu của nó có hơn mười bạn trai gái đến dự. Có mấy đứa lớn hơn nó một hai tuổi. Mấy đứa nhỏ hơn thì đi với ba má, ba má chúng nó vốn là bạn thân của gia đình tôi. Chúng nó ngồi quanh bàn, dưới gốc hai cây mận, trong ánh đèn neon. Hình như bọn nhỏ vừa mới tắm xong, đứa nào cũng sạch sẽ, quần áo đủ màu, đủ kiểu, vừa thơm vừa sặc sỡ. Mỗi đứa trên tay đều có một món quà: bánh kẹo, sách vở và đủ thứ trò chơi chất đầy trên bàn.
Trên bàn bánh sinh nhật có chạy một dòng chữ màu hồng ghi ngày sinh tháng đẻ của nó.
Chúng tôi, những người lớn ngồi trong nhà cách song cửa sổ, nghe và thấy chúng nó.
Chúng nó vỗ tay hát bài hát mừng sinh nhật bằng tiếng Anh. Số là được học hát ở nhà trường. Chúng nó vừa vỗ tay vừa hát thật rõ ràng, hay chẳng kém gì những đứa nhỏ hát trên tivi.
Sau khi lấy hơi, nó chồm lên bàn, thổi tắt sáu ngọn nến, bọn chúng vỗ tay rộ lên rồi “lốp bốp” tự khui nước ngọt. Bỗng có một đứa cất tiếng:
Kể chuyện nhà quê đi út!
Chuyến về quê của nó vừa rồi như là thời sự nóng hổi với bạn bè nó.
Về chuyện câu cá, nó đã bị tôi lừa mà cho đến giờ nó vẫn không hay biết.
Một buổi sáng, bọn trẻ trong xóm rủ tôi với nó ra cái ao sau vườn câu cá. Mấy đứa nhỏ trong dòng họ tôi cưng nó lắm. Chúng móc sẵn con cào cào vào lưỡi câu cho nó rồi dặn:
Lúc ngồi câu phải im, động đậy cá nó nghe, nó sợ. Phải dòm cái phao, phao động đậy là cá rỉa mồi, đừng giựt. Khi nào nuốt mồi, cá nó lội đi, để cái phao chìm hẳn xuống rồi hãy giựt, nghe chưa?
Lần đầu tiên đi câu, khoái lắm, mặt mày nó sáng rỡ. Mỗi đứa mỗi chỗ ngồi quanh cái ao. Đứa nào cũng giựt được cá, chỉ có nó chẳng được con nào mặc dù nó ngồi thu mình im thin thít như con mèo rình mồi. Câu cá cho vui, thấy hết vui, bọn nhỏ chạy ùa đi. Không được con cá nào, chán, nó cũng ùa chạy đi. Nhân lúc đó, tôi bắt con cá rô của bọn kia, móc vào lưỡi câu của nó. Khi bọn nhỏ quay lại ao, nó nhìn thấy cái phao của mình vừa chìm vừa chạy. Hai tay ôm lấy cần câu, nó giựt. Con cá rô giẫy giẫy trên mặt nó. Nó hét lên: “Cá! Cá!”. Đám nhỏ mừng reo theo nó. Hơn bắt được vàng!
Khi nó kể lại với bạn, đôi lúc, tôi muốn nói thật với nó là tôi đã lừa nó. Nhưng để làm chi? Có thể niềm vui nhỏ bé ấy đi theo nó suốt đời. Có sao đâu?
... Nó lại hào hứng. Nó kể về mùa nước. Nó nói, nó ngồi trên nhà sàn nhìn những đàn cá từ dưới vượt qua, bò từng đàn nối đuôi nhau lội qua, chui qua nhà sàn vào ruộng. Nào cá lóc, cá trê, cá rồng rồøng bằng chiếc đũa bơi theo mẹ một đoàn dài. Nó tả con cá he mình đỏ đuôi vàng nhởn nhơ bơi như cá kiểng. Rồi nó kể, nó ngồi trên nhà sàn thả cần câu xuống, lâu lâu lại giựt lên một con cá. Tụi nhỏ nghe mê say, nhìn nó lác con mắt.
Thằng “xạo”, nó có sống qua mùa nước nổi bao giờ đâu! Nó nghe tôi và bạn bè ở quê kể, bây giờ nó kể y như nó đã sống qua một mùa nước nổi vậy. Tôi cũng vui theo bạn bè của nó, thầm nghĩ: “Thằng này có năng khiếu nói dóc”.