Năm nó lên 14 là năm buồn nhứt của cả nhà, của nó, của thầy cô và cả bạn bè. Nó bị đuổi học. Không thể nào hiểu nổi, cũng không thể đoán được rồi nó sẽ ra sao?
Năm tôi 14, tôi cũng phải nghỉ học, nhưng không phải bị đuổi như nó, mà do tình thế. Phải nói là tôi học rất ngon lành. Những năm ấy, tất cả các làng ở Nam Bộ, không làng nào có trường tiểu học. Trò nào muốn học tiểu học thì phải lên quận, lên tỉnh, trừ những đứa ở tại chỗ, còn những đứa ở làng, mới mười tuổi đầu, phải ở trọ, ăn cơm tháng. Có bao nhiêu đứa dù học giỏi cũng không leo lên nổi cấp tiểu học, vì lý do rất đơn giản là cha mẹ không đủ tiền cho con ăn học. Còn bây giờ nó và bạn bè cùng lứa của nó sướng quá, sướng quá đâm tệ!
Thỉnh thoảng, tôi cũng hay kể cho anh chị nó và cả nó nghe về cái ngày tôi đi thi lên cấp. Năm ấy, trường làng trong toàn tỉnh, trường nào cũng cử những học trò giỏi lên tỉnh thi để giành phần học bổng. Toàn tỉnh chỉ lấy từ hạng nhất đến hạng năm.
- Khó chen lắm! - Cha tôi nói - Nhưng trường đã cử thì cứ đi, đi cho biết.
Không có đứa học trò 9, 10 tuổi đi dự thi một mình mà phải có người lớn dắt tay. Đó là một bước ngoặt thời học trò, vì lần đầu tiên được đi xa. Bây giờ nghĩ lại, có xa gì đâu. Tuổi nhỏ bây giờ, có đứa chưa có dịp đi xa, nhưng tầm mắt chúng rất xa. Ngồi trong phòng trước màn hình của máy tivi, chúng nhìn ra cả thế giới với đầy đủ màu sắc cùng với con người. Còn bọn nhỏ chúng tôi ngày xưa, chỉ quanh quẩn với gia đình, cha mẹ, anh chị em, ở nhà trường thì cô thầy và bạn hàng xóm với những trò chơi trẻ con. Chỉ có vậy. Cho nên, đi đâu ra khỏi nhà, dù một bước cũng là đi xa.
Cha tôi là chủ tiệm vàng, ở làng tôi gọi là chủ lò thợ bạc. Bận công việc làm ăn, cha tôi không thể đưa tôi đi. Má tôi là phụ nữ gia đình, chỉ biết lo cơm nước, chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Người đưa tôi đi thi là chú tôi, em kế của cha tôi, tôi gọi là chú Ba. Chú tôi ít nói, hiền và mặt lúc nào cũng buồn buồn. Chú tôi làm nghề hớt tóc dạo, một chiếc xe đạp với cái hòm đồ nghề: tông đơ, dao kéo... đi từ làng này qua làng khác. Chú gần 40, góa vợ, sống một mình, không có con, chú đi lang thang. Không chỉ có cái hòm đồ nghề, phía sau chiếc xe đạp có cả cái giá vẽ. Không phải là họa sĩ nhưng chú lại mê vẽ. Những bức chú vẽ thường là cảnh sông nước, chùa chiền, núi non với một con thuyền, gọi là tranh sơn thủy. Coi tranh của chú, tôi thấy buồn như gương mặt buồn của chú. Chú đi đâu đó, lâu lâu mới về nhà tôi một lần. Đêm chú ngủ trên chiếc ghế bố ngoài thảo bạc. Sáng sớm, chú xếp ghế bố lại gọn gàng rồi lên xe đi, có hôm về ăn cơm, có hôm không, thật không chừng. Chú về lúc nào cũng có cơm cho chú. Bà nội tôi ngày nào cũng để dành cơm cho chú. Vì không có con, đêm nào chú cũng bắt tôi nằm với chú đến lúc tôi thiếp đi thì hoặc cha tôi, hoặc chú bồng tôi đưa vào mùng. Đối với chú tôi, cha tôi không tỏ ra niềm nở mỗi khi chú về và cũng không tỏ ra lạnh lùng xa cách. Hai anh em thường kéo nhau ra tiệm chú Khùi, uống café...
Cha tôi giao chú dắt tay tôi đi thi. Bà tôi, má tôi, cha tôi, chị tôi, mỗi người một tay lo cho tôi nào áo, nào quần, nào khăn, nào giấy mực được xếp gọn trong chiếc rương bằng gỗ. Chiếc rương bề ngang hai tấc rưỡi, bề dài năm tấc, bề cao ba tấc, rất gọn, nhưng với tôi thì lại nặng tay. Chú tôi phải xách cho tôi. Sáng sớm, tôi với chú đi qua cây cầu khỉ. Đáng lẽ phải ra bến xe ngựa để đón xe, nhưng chú tôi dặn trước một chiếc xe quen. Chiếc xe ngựa với con ngựa ô vạm vỡ đã đậu trước vệ đường. Người đánh xe tên Hoành, tuổi độ 18 - 20, tôi để ý thấy anh ăn mặc không giống nhiều người đánh xe khác. Người đánh xe nào cũng ăn mặc lôi thôi lếch thếch, còn anh ăn mặc quần tây dài màu đen, áo sơ mi trắng. Anh chạy xuống tận đầu cầu, bồng tôi lên xe:
- Thằng nhẹ hều mà dám đi thi, ngon à nhe!
Trên xe chỉ có chú tôi và tôi, anh không đón thêm khách.
- He!
Anh đánh roi, con ngựa chồm lên. Con ngựa, anh, chú, tôi, ai cũng hăm hở theo tiếng vó gõ mặt đường.
Làng tôi là giải đất nằm giữa sông Tiền sông Hậu. Đầu làng có kinh, gọi là kinh Chà Và chảy xuyên qua cánh đồng nối liền giữa hai con sông. Đã là con kinh thì con kinh cứ thẳng băng. Con kinh được đào bằng chiếc xáng. Chiếc xáng đào băng qua giữa dòng, xáng múc đất trong lòng sông đưa lên hai bên bờ, người ta lấy đất đó đắp theo hai bên bờ kinh, cây lá mọc dài theo bờ kinh, có đoạn là hàng xoài, có đoạn là hàng bông gòn, có đoạn là hàng cây so đũa, trước sân của mỗi ngôi nhà là cây vú sữa, cây dừa hoặc một chòm cây trứng cá. Nhà sàn cái lớn cái nhỏ, cái cao cái thấp, mái ngói, mái tranh kế tiếp nhau nằm dọc hai bên bờ kinh của hai con đường. Người hai bên bờ kinh qua lại bằng xuồng, bằng cây cầu khỉ bắc qua kinh, lâu lâu lại có một cây cầu gỗ qua lại bằng xe đạp. Trên đường người ta đi bộ, đi xe đạp, xe ngựa, dưới kinh người ta đi bằng xuồng, xuồng thì bơi, ghe thì chèo. Ghe xuồng nào cũng đầy ắp trái cây.
Té ra chú tôi với anh chàng đánh xe vốn quen nhau. Hai người nói với nhau đủ thứ chuyện, những câu chuyện quá xa vời đối với tôi: chuyện chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng lần đầu tiên nghe trên thế giới có nước Đức, Nhật, Ý... với tôi lúc bấy giờ có bom đạn nổ bên tai thì mới biết chiến tranh, chuyện của hai người tôi nghe mà không để ý, tôi vừa nghe tiếng vó ngựa vừa ngắm nhìn cảnh vật trong ánh nắng rực rỡ buổi bình minh.
Chiếc xe ngựa chạy đều đều dưới bóng cây. Khi chiếc xe quẹo qua một khúc quanh, trước mắt tôi bừng lên cảnh trời nước mênh mông cùng tiếng sóng. Tôi nghe tiếng sóng từ xa khơi, từng đợt chồm lên đuổi nhau chạy vào bờ. Tiếng sóng từ mơ hồ đến rì rầm rồi ọc ạch vỗ vào bờ. Mười bảy cây số trên con đường xuyên qua cánh đồng, vó ngựa trên dưới một tiếng đồng hồ đã đưa tôi từ sông Tiền sang sông Hậu. Sông Tiền ở làng tôi đã mênh mông, còn sông Hậu thì mù mịt bao la.
Chợ Long Xuyên ở phía bên kia sông có một nhà trường tôi sẽ đến thi. Phố xá, cái thấp cái cao lù mù trong hơi nước của con sông đang vỗ sóng.
Nhìn con sông, tôi có cảm giác bị ngợp. tự nhiên tôi nghĩ, nếu tôi thi rớt không phải vì đề thi hay vì học lực của tôi mà vì con sông này... Năm ấy, tôi chưa thấy biển, cũng chưa thấy núi, đây là lần đầu trước cảnh trời nước bao la, đã nhỏ lại thấy mình nhỏ hơn. Tôi bị con sông hớp hồn.
Chiếc xe ngựa anh Hoành quay về làng, tôi theo người chú xuống chiếc đò chèo vượt sóng sang sông.
Tụi nhỏ cấp I như nó bây giờ ngày thi chuyển cấp đâu có gập ghềnh như chúng tôi ngày ấy. Chúng không phải đi xa, trường nào cũng mở rộng cửa đón chúng. Có đứa được ba mẹ đưa đi bằng xe đạp hoặc ngồi sau chiếc honda chạy bon bon trên đường. Tôi đậu, đứng hạng ba trong 5 đứa đầu bảng của cả tỉnh. Tất cả đều được chuyển cấp, nhưng chỉ có 5 đứa đứng đầu mới được học bổng.
Đậu rồi lại được ăn lương, tôi mừng nhưng cũng rất lo. Vậy là tôi sẽ qua tỉnh để học, chẳng biết sẽ ở trọ nơi nào. Điều tôi lo nhứt, mỗi lần về thăm nhà thì phải vượt sông. May thay, cái điều tôi lo lại không xảy ra.
Quận tôi bắt đầu xây trường tiểu học. Từ làng tôi lên quận 12 cây số, đi theo con đường rải đá cặp bờ sông Tiền, đi bằng xe ngựa.
Trường tôi nằm cặp bên con đường nhựa thuộc xóm ngoài của chợ, dưới hàng cây dái ngựa, con đường cấm các loại xe gây tiếng ồn, cấm cả tiếng vó ngựa. Người ta chỉ được đi bộ, đi xe đạp, duy nhứt chỉ có một cái ôtô của chủ quận người Tây. Dinh quận nằm bên bờ sông gần trong chợ, chủ quận vốn bị bịnh mất ngủ, nên ông ta cấm tiếng động.
Là chợ quận nhưng không sầm uất bằng cái chợ làng của tôi. Cái chợ của làng tôi là cái chợ của cả mấy làng xung quanh. Người bên kia cù lao ngày nào người ta cũng đi đò, hoặc bơi xuồng sang chợ tôi mua bán. Xuồng ghe đặc bên sông. Đường bộ thì người ta đi xe ngựa. Xe ngựa làng tôi có ba hướng đi về, ngược lên dòng nước thì lên chợ quận, xuôi theo dòng nước về Cái Tàu, Cao lãnh và Sa Đéc, đi theo con đường dọc kinh Chà Và đi qua cù lao ông Chưởng, đến bờ sông Hậu qua chợ tỉnh. Bến xe ngựa ở làng mỗi ngày phải có hơn mười chiếc mới đủ cho khách. Không chỉ có bến xe ngựa mà có cả bến xe hơi. Xe hơi có cả ba hướng đi về, khác hơn xe ngựa, xe hơi chạy qua Sa Đéc, chạy thẳng về Sài Gòn, 180 cây số, qua bắc Mỹ Thuận. Mỗi ngày có 4 chuyến đi, 4 chuyến về, có hai hàng xe. Những năm ấy, tôi chưa có dịp đi Sài Gòn, nhưng những người lớn hơn tôi, ai cũng có lần lên xe đò đi Sài Gòn. Dân làng tôi máu lắm! Nghe Sài Gòn có trận bóng đá, họ lên xe đi Sài Gòn xem bóng đá, coi bóng đá xong, họ lại xem cải lương cho đến khuya, vãn hát họ mới lên xe trở về làng. Những chuyến đi như vậy, khách phải ngồi lên cả mui xe. Nếu nhằm mùa xoài, xoài hai bên đường giao cành, người ngồi trên mui xe tha hồ đưa tay bứt xoài, ngồi trên mui xe nhai rau ráu. Nghe vui làm sao? Tôi hãy còn nhớ, người làng tôi đi Sài Gòn là đi chơi chớ không phải đi làm ăn. Nếu đi làm ăn thì ngược dòng sông Cửu Long lên đất Campuchia, dân làng tôi lên đó để làm nghe: nghề dệt, nghề mộc, xa hơn, họ lên đến tận Biển Hồ làm nghề đánh cá. Làng tôi không chỉ có bến xe ngựa, mà có cả bến tàu, tàu Sài Gòn đi Nam Vang, chuyến nào, tàu cũng ghé chợ để đón khách lên Nam Vang. Ngược lại, từ Nam Vang về, tàu cũng vào bến để thả khách và đón khách về Sài Gòn. Tàu đến, tàu đi đều túc còi, gọi là “Súp lê”, có lẽ từ đó mà có ca dao:
Tàu súp lê một còn đợi còn chờ
Tàu súp lê hai còn chờ còn đợi
Tàu súp lê ba, tàu ra biển Bắc
Bớ chú tài công cho em mượn
Chiếc khăn bàn lông cho em chậm mặt ờ...
Mấy câu ca này, hầu như trong làng tôi, không ai mà không thuộc, đã trở thành câu hát đưa em cùng tiếng võng. Câu hát đưa em gợi những nỗi buồn ly biệt. Tiếng còi tàu nghe buồn suốt cả cuộc đời tôi.
Cha tôi cũng có lần xuống tàu lên Nam Vang, nhưng không phải đi làm ăn mà đi trốn. Cha tôi là chủ lò thợ bạc, bây giờ gọi là chủ tiệm vàng, cần gì phải xa xứ. Chú tôi là Đảng viên Cộng sản, ông hoạt động bí mật. Chú đem tài liệu bí mật, đó là những lá truyền đơn kêu gọi nhân dân chống Pháp giấu trong nhà cha tôi. Cha tôi cũng là thủ quân của đội bóng của làng. Đội bóng này là đội bóng gồm những cầu thủ ghét Tây, bị làng xã để ý theo dõi.
Với những lá truyền đơn ấy, cha tôi phải bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Người chủ của những bó truyền đơn ấy là chú tôi, chú tôi đã vượt sông, về những vùng sâu vùng xa của Đồng Tháp, không lùng bắt được. Ban hội tề vốn là bạn bè của cha tôi, họ nể, họ bảo:
- Anh Hai chịu khó trốn đi một thời gian, yên yên rồi về!
Vậy là cha tôi xuống tàu lên Nam Vang làm thợ cho tiệm vàng “Trái tim đỏ”. Nhà tôi suy sụp từ đó. Nếu tôi không được học bổng thì khó có bề theo học. Tiền học bổng vừa đủ đóng tiền ăn và ở trọ.
Là chợ quận nhưng lèo tèo. Chợ quận mà không có bến xe hơi, chỉ có cái bến xe ngựa. Giữa chợ là một ngôi chùa, buồn ghê! Ngoài khuôn viên của chùa là một cây da. Cây da già tàn lá um tùm, rễ từ trên cành thòng xuống phủ kín cả gốc. Cây da cũng là “quê hương” của loài tắc kè. Đêm qua đây, nghe tiếng tắc kè kêu, bọn tôi nắm tay nhau chạy. Và chuyện ma cũng xuất xứ từ dưới gốc cây da này. Chưa có đứa nào thấy ma, nhưng đứa nào cũng sợ. Tôi không thích đi qua ngôi chùa này, nhưng tuần nào cũng có mặt ở đây ít nhất hai lần. Vì dưới gốc cây da là bến xe ngựa, có xe của anh Hoành. Mỗi chiều thứ bảy, tôi ra bến, leo lên xe anh Hoành về thăm nhà. Ngủ nhà một đêm, sáng ra cầm vợt đánh bóng bàn.
Ở quận không có bàn cũng không ai biết chơi. Còn ở chợ làng tôi, cái bàn được đặt cuối phố. Trong làng có một đội bóng, họ đến chơi hàng ngày, đội tuyển của làng tôi đã từng lên tỉnh tranh giải, có lần đoạt giải nhứt. Lũ con nít ở chợ làng tôi, hầu như đứa nào cũng biết chơi. Bàn cao ngang ngực, ngang cỗ, đứa nào đánh cũng hay. Trong số đó, sau này có một đứa lưu lạc lên Nam Vang, đến tuổi 18 thì đoạt chức vô địch của Campuchia.
Đến chiều, khi anh Hoành có khách lên quận thì anh đánh xe ngang qua nhà tôi, réo tôi lên xe về trường. Về đến nhà trọ thì vừa bữa cơm chiều. Chúng tôi có năm đứa, ở năm làng khác nhau. Chúng tôi ở trọ trong một gia đình làm rẫy, nhà cách xa chợ. Trong nhà có hai bác với ba người con gái đáng tuổi chị của bọn tôi. Hai bác coi chúng tôi như con cái trong nhà. Hai bác có một người con trai lớn nhưng không bao giờ thấy mặt. Bác Hai nói:
- Anh Hai tên Quang, cho nên nó đi hoang rồi. Võ nghệ cao cường lắm. Anh hai tụi con là dân anh chị, đứng bến ở Sài Gòn, hỏi dân du côn ở Sài Gòn ai cũng biết.
- Anh Hai học võ ở đâu vậy bác? -Một thằng bạn của tôi tò mò hỏi.
- Anh Hai tụi con tầm sư học đạo tận trên núi Cấm.
Con là dân anh chị, dân du côn, nhưng người cha nhắc đến tên con với giọng hết sức mến, và trong khi kể đến con có cả niềm tự hào nữa.
Ở xứ tôi nghe đến núi Cấm là nghĩ đến một rừng núi đầy xa xôi và bí ẩn.
Tôi hỏi:
- Ông lên núi Cấm chưa ông Ba?
Ông lắc đầu, cái đầu ông húi cua, tóc bạc trắng, giống như trái bông gạo:
- Chưa. Đã là núi Cấm thì dân thường như mình làm sao dám lên.
- Vậy thì ai ở trên đó, ông Ba?
- Ở trên đó là mấy ông đạo, mấy người lập Đảng đánh Tây bị Tây truy bắt, mấy ổng lên đó thì không có thằng Tây nào dám lên. Người nào võ nghệ cũng cao cường.
- Sao lại đánh Tây ông Ba?
- Nó cướp nước mình, nó đè đầu cưỡi cổ mình thì mình phải đánh giành lại nước mình chớ. Đây là chuyện quốc sự, tụi con chưa tới tuổi, đừng hỏi nữa. Lớn lên rồi biết, bây giờ trở lại chuyện anh Hai tụi con.
Tôi muốn tò mò hỏi thêm về chuyện quốc sự nhưng không dám. Ông Sáu kể tiếp:
- Anh Hai tụi con năm mười bảy, là người cao lớn khỏe mạnh nhất ở chợ này, nó thích chơi đẩy cây với kéo tay. Đẩy cây, một mình nó, nó chấp hai người. Khi nó rùng xuống, nó nhấc bổng hai người kia. Còn kéo tay, một hai ba... cái tay người kia rục xuống ngay, nổi tiếng lắm. Ngoài chợ có nhà của ông chủ đất, nhà ổng rộng mênh mông, ổng có ba người làm đều biết võ. Ba người đó nghe tiếng đồn của nó mới rủ nó đến chơi. Tụi nó kiếm chuyện khiêu khích, đầu cây của nó, bọn kia thoa mỡ bò. Mỡ bò trơn, thằng bên kia đẩy nó ngã, thằng bên kia lại lấy đầu cây đập vô ngực nó. Vừa tức vừa đau, nó đứng dậy lao tới, vậy là ẩu đả, bên đó ba thằng lại biết võ, bọn đó dần nó mềm như trái chuối, nó nằm liệt cả tuần. Sau đó, nó bỏ nhà lên núi Cấm, tu luyện ba năm trở về, vừa to lớn, da sậm, rắn chắc như đồng. Về ngày trước, ngày sau nó tới nhà ông chủ đất, nó đứng trước sân, kêu lớn:
- Ông chủ! Ông kêu ba thằng đầy tớ của ông ra đây tôi biểu.
Ông chủ đó tên Hía. Ông Hía mặc đồ bà ba lụa lèo bước ra, sau một lúc ngờ ngợ rồi ông cũng nhận ra nó. Thấy vẻ mặt hầm hầm của nó, ông đoán ra điều không lành có thể xảy ra, ông nhũn nhặn:
- Phải cháu Quang con ông Sáu làm rẫy không?
- Ông nhận ra tôi rồi hả?
- Cháu đến gặp chú có chuyện gì?
- Ba năm trước, ba thằng đầy tớ của ông đã hợp sức đánh tôi, bữa nay tôi đến để hỏi tội bọn nó!
Vừa lúc đó, ba tên đầy tớ ở sau vườn đã bước ra.
Ông Hía lườm ba tên đầy tớ, khoát tay cho chúng lui ra. Ông nhỏ nhẹ:
- Chuyện cũ đã qua rồi, cháu cho chú xin lỗi.
- Cái lỗi của chú là chú không can, còn cái lỗi của bọn nó là lấy thịt đè người. Bọn nó phải khoanh tay xin lỗi tôi đàng hoàng thì tôi tha.
Ông Hía liền hét ba tên đầy tớ:
- Tụi mày ra khoanh tay xin lỗi anh hai Quang!
Ba tên đầy tớ sợ chủ và sự trả thù sống chết của hai Quang nên riu ríu làm theo.
- Được, tao tha!
Nói rồi Hai Quang quay lưng đi. Đi ngang qua bụi chuối hột, Hai Quang quay phắt lại tung một cú đá, ba cây chuối nằm rạp.
Sợ chúng tôi chán, ông Sáu đưa tay:
- Chưa hết, còn chuyện này hay hơn.
Bọn học trò chúng tôi ngồi vây quanh ông, đứa nào cũng háo hức.
- Ở Sài Gòn cũng như lục tỉnh, năm nào cũng có đấu võ đài. Chín Cậy là võ sĩ lừng danh, ít có võ sĩ nào dám đấu. Vậy mà Hai Quang dám thách ngược lại võ sĩ Chín Cậy. Làng võ xôn xao ai cũng nôn nóng chờ đợi một trận đấu quyết liệt. Nhưng mọi người đều thất vọng, đến ngày cuối cùng thì võ sĩ Chín Cậy xin rút. Các cháu biết sao không?
- Dạ không!
Số là võ sĩ Chín Cậy đến tìm Hai Quang. Võ sĩ Chín Cậy lớn tuổi hơn Hai Quang, là một võ sĩ nổi tiếng. Võ sĩ Chín Cậy gọi Hai Quang bằng chú em. Võ sĩ Chín Cậy nói:
- Nè chú Hai, tôi nghe đồn chú đã từng tu luyện ở núi Cấm. Chú tu luyện đến mức tắm bằng nước sôi như người ta tắm bằng nước lạnh, có phải vậy không?
Hai Quang đáp:
- Nếu tôi trả lời bằng miệng chắc ông anh không tin. Chi bằng cho ông anh thấy tận mắt, ông anh ngồi chờ một chút.
Nói xong, Hai Quang vào trong nấu một nồi nước rồi bưng nồi nước sôi ùng ục đem ra:
- Nồi nước sôi đây. Bây giờ tôi ngồi, ông anh cứ đổ từ trên đầu tôi đổ xuống đi.
Võ sĩ Chín Cậy thấy hoảng:
- Thôi! Thôi! Tôi tin rồi!
Hai Quang đứng dậy, cười cười:
- Nếu anh ngại thì anh coi đây!
Hai Quang đưa hai tay nhúng vào nồi nước sôi, vốc nước lên rửa mặt. Thấy vậy, Chín Cậy liền nói:
- Tôi muốn kết nghĩa anh em với chú. Đánh nhau làm gì, có thù oán gì với nhau đâu mà đấu? Mình đấu với người khác, kiếm chút đỉnh để xài, chú mày thấy sao?
Hai Quang khiêm tốn đáp:
- Anh là đàn anh, anh bảo sao thì đàn em nghe vậy!
Ông Sáu ngưng lại để chúng tôi tưởng tượng, chắc lưỡi thán phục:
- Tu luyện sao mà giỏi vậy ông?
Ông Sáu chờ câu hỏi ấy, ông hào hứng:
- Kiên nhẫn. Ông thầy Tà Nu của Hai Quang bắt Hai Quang mỗi ngày tập luyện phải tắm bằng nước nóng, lúc đầu nước ấm ấm, mỗi ngày mỗi nóng thêm một chút suốt cả ba năm. Khi Hai Quang tắm được nước sôi như nước lạnh, ông mới cho xuống núi.
Như chuyện đâu đâu, đời nào, nửa tin nửa ngờ, nhưng nghe rất thích và cảm phục lắm.
- Sao không thấy chú Hai về thăm nhà vậy ông Sáu?
- Tụi con muốn gặp lắm hả? Sắp rồi, năm nào đến giỗ ông nội thì nó về.
Trong những ngày náo nức chờ đợi con người khác thường ấy, ngày nào, sau giờ đi học, ngày nào chúng tôi cũng ra sau vườn, lượm củi, làm một cái bếp, mượn nồi nấu nước, nước vừa ấm ấm thì nhúng tay, tập dần cho quen. Rồi cũng như Hai Quang, chúng tôi sẽ tắm nước sôi như tắm nước lạnh, ai cũng bái phục. Nồi nước chưa sôi, chỉ mới bốc khói thôi nhưng đứa nào cũng sợ. Có một đứa gan nhứt, vừa đút tay vô, liền giựt ra, đưa mấy ngón tay lên miệng thổi phù phù. Nó lắc đầu. Vậy là chúng tôi không ai bảo ai, đều bỏ cái trò chơi tu luyện ấy.
Ở cái tuổi nghịch ngợm ấy, chúng tôi không bao giờ ngồi yên. Chúng tôi muốn học võ, muốn thi thố để tay chân đỡ ngứa ngáy. Nhưng chẳng có ai dạy võ, buồn ghê!
Bây giờ...
Năm nó lên mười, nó cũng muốn học võ. Ở đất Sài Gòn, có nhiều trường võ. Có một lớp võ dành cho tuổi thiếu niên nhi đồng mà mỗi lần đi học về, ngày nào nó cũng đi qua vài lần và lần nào cũng đứng lại nhìn vào.
- Ba ơi, cho con đi học võ.
- Để ba suy nghĩ.
- Học võ là để rèn luyện thân thể mà ba!
- Chơi nhiều thứ quá, ba sợ tẩu hỏa nhập ma.
- Sao lại là tẩu hỏa nhập ma, hở ba?
- Chơi nhiều môn có thể môn này phá môn kia, cuối cùng chẳng có môn nào đạt đỉnh cao. Ví dụ, người kéo đàn violon thì không nên tập tạ, tập tạ thì khỏe mạnh đó, nhưng tay cứng ngắc làm sao kéo đàn được. Con là vận động viên bóng bàn, biết đâu không đánh bóng vô bàn mà đánh vào mặt người ta đó.
Hai con mắt nó cụp xuống, buồn. Tôi an ủi:
- Để ba hỏi lại.
Tôi chơi bóng bàn từ nhỏ. Như trên đã nói, không thầy dạy, nhờ biết rút kinh nghiệm sau mỗi trận đấu, mỗi ngày mỗi khá, tôi đã từng đoạt chức vô địch ở nhà trường. Sau này lớn lên đi bộ đội, tôi từng đoạt chức vô địch của sư đoàn, cũng một thời nổi tiếng là vận động viên bóng bàn. Anh nó lớn hơn nó năm tuổi. Tôi dạy hai anh em nó chơi bóng bàn từ lúc lên sáu. Cái bàn là bộ đi-văng để trong sân nhà. Khi hai đứa biết cầm vợt, tôi cho hai anh em nó đi học ở câu lạc bộ bóng bàn quận. Thầy dạy là cựu vô địch miền Nam, một ông thầy tận tình, vừa hào hoa, vừa chăm chút từng quả bóng, rất bài bản. Có thể chiều nào, tôi với anh em nó, lúc chở hai đứa trên chiếc honda, hoặc đi xe đạp đến câu lạc bộ bóng bàn. Không như tôi ngày nhỏ, áo quần có gì mặc nấy, quần cụt, quần dài cũng được, áo màu gì cũng được, ở trần cũng chơi được, còn chúng nó bây giờ thì khác, phải mặc đồ thể thao, trong vừa gọn, vừa khỏe, vừa đẹp. Ra dáng lắm! Nhờ thầy, hai anh em tiến bộ rất nhanh, anh nó thì được đưa vào đội tuyển năng khiếu tuổi thiếu niên, nó thì đội tuyển năng khiếu nhi đồng.
Năm lên mười, là vô địch của quận, nó được cử đi đấu giải toàn miền.
Trước ngày vào giải là những ngày tập luyện tưng bừng, toàn đội của nó, đứa nào cũng hăm hở. Ông thầy luôn nhắc nhở: “Phải bình tĩnh, phải tự tin, nhớ không được sợ bất cứ một đối thủ nào”. Đúng như lời thầy dạy, xui cho nó, nó bắt thăm trúng đối thủ là nhà vô địch năm trước. Nhà vô địch bé con ấy nổi tiếng đánh như vũ bão, rất là “chì” và được mệnh danh là Chì. Sau này mới biết, thằng Chì là con của một gia đình nghèo. Ba nó đạp xích lô, còn nó bán bánh cam. Nó bán bánh rất độc đáo. Nó đội thúng bánh cam đến câu lạc bộ bóng bàn ở xóm nó. Nó rủ người ta đánh độ, không đánh độ ăn tiền mà ăn bánh cam. Nếu thua nó chung bánh cam, nếu thua nó thì phải mua bánh của nó. Chỉ cần vài trận là hết thúng bánh cam, chẳng bao giờ nó thua. Nhờ đấu với nhiều đối thủ, nhiều đối thủ khác nhau, nhà vô địch Chì vừa dày dạn vừa bản lĩnh. Trước khi vào trận, ông thầy lại nhắc nó: “Thằng Chì vũ bão, còn con thì ăn chắc mặc bền, cứ lượm từng quả, không sốt ruột”.
Mỗi đứa mỗi đầu bàn, đứa nào cũng nhảy nhót, khởi động ra dáng vận động viên chuyên nghiệp.
Vào trận, thằng Chì được mệnh danh là vũ bão thật không ngoa. Nó hơi nép về phía bên trái, dùng sở trường giật bên phải. Hầu như quả nào nó cũng giựt, giựt liên tục. Thằng Chì không ngờ đối thủ của nó lại phòng thủ chắc như vậy, nó như giựt bóng vào một bức tường, bao nhiêu quả giựt đi đều dội ngược lại nó. Dù thủ có chắc, nó cũng không thể chịu nổi sức đánh vũ bão của thằng Chì. “Xê” đầu, nó thua khá sâu: 15/21. trước khi đôi bên đổi bàn tiếp “xê” hai, thầy nó chỉ đạo:
- Thằng Chì yếu bên trái, xê này con thắng...
Thầy nó xoay qua tôi:
- Anh cứ tin đi, nó thắng, anh biết sao không? “Xê” này thằng Chì sẽ mất sức, anh để ý xem, giựt chỉ nên giựt bằng khuỷu tay, nhiều lắm là giựt cả cánh tay, còn nó, nó phải giựt cả người, mỗi lần giựt là mỗi lần nó nhảy dựng lên, sức đâu mà giựt hoài như vậy được!
Nghe anh nói, tôi chú ý. Đúng, thằng Chì đổ mồ hôi đầm đìa, càng về sau, những quả giựt của nó càng thiếu chính xác, không vô lưới thì cũng vọt ra ngoài. Cuối cùng “xê” hai, thằng Chì thua lại 18/21. Đến “xê” ba, thầy vỗ vai nó:
- Cứ lượm từng quả, ăn chắc mặc bền, nghe chưa!
Ông thầy bóng bàn này, tuổi độ 40, tóc cắt ngắn, da sậm, người cao ráo, thể hình như một vận động viên: ngực nở, bụng nhỏ. Trước năm 1975, ông là người đại diện cho miền Nam thi đấu khắp Đông Nam Á và đã đoạt chức vô địch, đều cả hai càng phải trái, thủ và công đều mạnh. Với con mắt nghề nghiệp của ông, ông đoán đúng. Đến “xê” thứ ba, thằng Chì bị mất sức, tấn không thành, nó đành phải thủ. Thủ không phải là sở trường của nó, có lẽ cái chức vô địch của nó khiến cho nó nôn nóng. Nó bối rối, thường hay mất bộ, đến giai đoạn cuối, nó không thủ nữa mà nó vùng dậy, ôm bàn tấn công. Giựt ba trái, cả ba trái đều ra ngoài. Nó lùi ra, thủ. Nhưng đã muộn rồi, ở bên này, thằng nhỏ tôi dẫn 16/19, lại cầm giao bóng. Thừa thế xông lên, nó giao bóng vào góc trái thằng Chì, thằng Chì cắt, quả bóng cao khỏi lưới, thằng nhỏ tôi không giựt mà bạt. Trẻ nhỏ như nó bây giờ chỉ học giựt chớ không học bạt, muốn đỡ được cú bạt phải lùi xa mà cắt, tụi nhỏ chỉ biết “chụp” chớ không biết cắt. Thằng Chì đành thất thủ trước hai cú bạt của nó. Cú bạt đó là của ông thầy truyền cho học trò như một “bí quyết”, bí quyết đó chỉ dành cho những quả cuối cùng!
Không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui chiến thắng, nó cầm vợt đưa lên, nhảy dựng trong tiếng vỗ tay của cầu trường!
Nó qua vòng một, vòng hai, vòng ba rồi vào chung kết. Đối thủ của nó là vận động viên của một tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng đoạt chức vô địch của cả miền Tây. Vận động viên này có hai biệt danh, một là “sát thủ”, đối thủ nào anh ta cũng “luộc”, luộc sát ván; biệt danh thứ hai là “nhi đồng cụ”. Nhìn tướng tá của anh ta, ít nhất là mười sáu, cao lớn, già dặn. Vận động viên phải mặc quần đùi. Đôi chân anh ta không giấu đi đâu được, đôi chân đầy lông, lông cứng như rễ tre. Hầu như ai cũng thấy, vận động viên này khai gian tuổi. Nhưng biết làm sao! Ban tổ chức không có điều kiện xét nghiệm xương, cũng không có người xuống tận địa phương để kiểm tra. Ngặt một nỗi, giấy tờ thủ tục đều đúng với sự xác nhận có mộc đỏ của Sở Thể dục thể thao tỉnh. Hình như “sát thủ” này cũng biết xấu hổ. Anh ta chỉ xuất hiện lúc thi đấu, trước đó và sau đó đều lẩn mất, không như những vận động viên nhi đồng khác, thắng thua gì cũng có mặt, làm cổ động viên cho đồng đội, mặt mày tươi rói, vô tư.
Trận chung kết không hấp dẫn vì đối thủ không cân sức. Thằng nhỏ tôi thủ rất vững nhưng không chịu nổi sức công phá của “sát thủ”. Nó thua hai “xê” trắng, cả hai “xê” đều thua 15/21. Nó thua là phải, cầm cự được như vậy là giỏi, vẫn được thầy khen.
Đến lúc trao giải, “nhi đồng cụ” vô địch đứng giữa bục dưới ánh đèn rực rỡ. “Nhi đồng cụ” đã cao lại đứng trên bục cao, giải nhì, giải ba đã nhỏ con lại đứng dưới bậc thấp, nếu đứng ngang hàng thì cũng chỉ đứng dưới vai “nhi đồng cụ”. Ba vận động viên trên cái bục thấy lênh khênh, ai cũng tức cười.
“Nhi đồng cụ” nhận huy chương chỉ có mấy tiếng vỗ tay lẹt đẹt, còn lại là tiếng xì xầm mai mỉa rầm rang cả hội trường. Đến hai vận động viên được giải nhì, giải ba, hội trường nổ tung lên, hàng trăm bàn tay vỗ liên hồi.
Xuống bục, đồng đội của “nhi đồng cụ” lên xe chuồn mất.
Đội của thằng nhỏ tôi cùng cha mẹ vận động viên rủ nhau lang thang vỉa hè dưới hàng cây đầy gió tìm chỗ ngồi uống nước. Phía trước, một gốc cây có một nhóm người vây tròn với tiếng la hét như có một trận đánh lộn. Chúng tôi đi nhanh tới xem. Một ông già say đang đánh một đứa nhỏ.
Ông già say:
- Tao chạy xích lô một tháng trời mới mua nổi cây vợt cho mày mà mày đánh như vậy à?
“Bốp”, một bạt tai. Thằng nhỏ ngả nghiêng. Thằng Chì! Ông thầy liền ôm ông già say:
- Bác đừng nóng. Cháu nó chơi như vậy là giỏi lắm!
Rồi ông tự xưng tên:
- Tôi là cựu vô địch miền Nam đây nè, bác có nghe tên tôi không?
Ông già như tỉnh lại :
- Người chơi bóng bàn mà không biết tên ông thì biết tên ai nữa.
Nhà cựu vô địch nói:
- Cháu rất có tương lai. Tôi muốn nhận nó làm đệ tử, bác có chịu không?
Thật bất ngờ đối với ông, ông xoa hai bàn tay, nói lắp bắp:
- Còn gì bằng nữa?
- Mỗi ngày sau giờ học, bác cho nó lên câu lạc bộ của quận.
- Cám ơn ông, tôi sẽ chở nó. Tôi chạy xích lô mà!
Nói vậy, rồi quay qua chiếc xích lô đậu sát bên vỉa hè, ông lên yên, hét:
- Lên xe về!
Thằng Chì ôm cây vợt lên xe. Nó ngoái nhìn nhà cựu vô địch.
Lang thang trở về trên con đường vắng, chỉ còn có ba cha con, nó nói:
- Nếu biết vậy con để thua nó, cho nó khỏi bị đòn, để ba nó vui.
Tôi với anh nó làm thinh.
Nó nói tiếp:
- Còn thằng kia, thấy mặt nó, con biết nó ăn gian tuổi, con muốn rút. Thật chán!
Tôi an ủi nó:
- Chiến thắng mà gian lận là chiến thắng nhục nhã. Thất bại một cách trung thực là thắng lợi vinh quang!
Ba cha con lại làm thinh. Không biết nó và anh nó nghĩ gì, buồn hay vui, tôi nghĩ đến chuyện khác...
Sau trận đấu ấy, nó có vẻ chán cái môn bóng bàn và bây giờ nó muốn học võ. Tôi không có ý muốn đào tạo nó thành vận động viên chuyên nghiệp mặc dù nó cũng năng khiếu đó. Vả lại hồi tôi bằng tuổi nó bây giờ, tôi có rất nhiều ham thích, thích đó rồi bỏ đó, như một quá trình lựa chọn vậy. Từ nhà tôi ra chợ, ở góc ngã ba đường có một người vẽ truyền thần. Thợ vẽ là anh Vĩ, tuổi ba mươi, sống một mình, có mái tóc quăn, mặt mày sáng sủa nhưng ăn mặc thì lôi thôi, áo quần thì lem luốc, dù vậy tôi vẫn mê vẫn phục cái tài vẽ của anh lắm. Lần nào đi qua, tôi cũng thấy anh ngồi trước giá vẽ, trên giá vẽ trước mặt anh khi là hình một cô gái, khi là hình của một ông già, bà già. Khách hàng thường mang đến cho anh một tấm hình nhỏ xíu (3 x 4 hoặc 4 x 6). Anh kẻ ô vuông nhỏ trên tấm hình đó. Tờ giấy trắng trên giá vẽ cũng từng ấy ô vuông nhưng lớn hơn. Anh nhìn xuống tấm hình nhỏ rồi đưa bút, mái tóc, lỗ mũi, lỗ tai, cái miệng hiện dần lên, cuối cùng là một mặt người.
Về nhà, tôi bắt chước anh. Trước nhứt là tôi lấy tấm hình của tôi làm thử nghiệm, tôi cũng vạch từng ô vuông trên hình tôi, rồi cũng lấy tờ giấy trắng lớn, cũng gạch ô vuông. Tôi mày mò từng nét, rồi cũng ra một tấm hình, tôi đem khoe với bà, ba má, anh chị và bạn bè. Mỗi người có một nhận xét riêng, cũng giông giống, giống nhưng già quá, không có ai chê và cũng thấy vui vui. Tôi lại vẽ anh chị tôi, người nào có hình cũng cho tôi. Tôi mơ ước, lớn lên sẽ được như anh Vĩ. Nhưng chẳng bao lâu, tôi lại bỏ. Bởi vì hai người, người thứ nhứt ở Sài Gòn là bạn của anh Vĩ, anh vẽ mà không cần gạch ô vuông trên tấm hình, người nào muốn được vẽ thì ngồi đó, anh đưa bút trên giấy quẹt qua quẹt lại, loáng cái đã xong, giống như in. Tài quá!
Một hôm vào xế xế chiều, có một người cao cao mặc quần tây đen áo sơ mi trắng, đầu đội nón nỉ, ôm một cái khung hình đi qua cầu khỉ. Nhận ra người quen, cha tôi ra đứng ở cầu thang. Người khách lên đến sàn nhà cười ha hả:
- Cháu có món quà tặng chú
Vừa nói, người khách vừa đưa khuôn hình lên:
- Hình cha tôi quá đẹp!
Cha tôi vui sướng kêu lên:
- Giống tao quá!
Hai người ngồi vào bàn, tôi nghe lén:
- Chú đâu có cho cháu tấm hình nào mà cháu vẽ giống quá vậy?
Vị khách cười, giọng đầy mãn nguyện:
- Cháu vẽ bằng trí nhớ. Nhớ chú ngồi với ba cháu trước ngày chú lên đường. Nếu không có lời đốc thúc của chú, ngày nay cháu chưa được như bây giờ. Đây là tấm hình vừa đền ơn, vừa kỉ niệm đối với chú.
Đối với người khách ấy, người làng không gọi là thợ vẽ mà gọi là họa sĩ, họa sĩ Trần Minh Long. Tôi biết mình không thể nào bằng họa sĩ Trần Minh Long, không thể với tới, càng ngày càng nản rồi quên hẳn.
Tuổi trẻ bao giờ cũng có một niềm say mê nào đó. Mê võ không được, mê vẽ không xong, tôi quay qua mê đi gánh hát, làm kép chánh. Số là ở làng tôi, vào tháng 3 âm lịch thì mưa dầm dề, mưa như xối nước, mưa kéo liền qua tháng năm. Vào những ngày tháng ấy thì làng tôi mở hội Kỳ Yên. Lễ Kỳ Yên là lễ cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho con nước mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, cầu con nước đưa cá về đồng. Có nơi nào bọn nhỏ ở các nơi đi bắt cá trên đường không? Mùa nước, nước ngập tất cả các con đường, ngập cả con đường rải đá, xe hơi ngưng chạy, xe ngựa cũng ngưng chạy. Con đường rải đá là dòng sông nhỏ chạy giữa hai hàng cây, giữa hai dãy nhà sàn, cá rô, cá lóc lội đầy đàng. Đẹp nhứt là cá he, đầu đỏ vàng, mình trắng như bạc, đuôi cũng đỏ vàng lội nhởn nhơ, bọn nhỏ chúng tôi vừa chơi nước, vừa bắt cá, chẳng được mấy con, chơi giỡn là chính, vui lắm. Năm nào cũng vậy, hễ đến lễ hội Kỳ Yên thì có hát đình. Gánh hát được rước từ Sài Gòn, gánh hát đi bằng ghe, ghe lớn ghe nhỏ được dòng sau chiếc ca nô máy. Ghe hát tấp vào bến đình. Hễ mỗi làng có gánh về là cả làng già trẻ lớn bé đều nô nức. Mùa khô, họ quảng cáo bằng xe ngựa. Sau đít xe là tấm quảng cáo có hình đào kép. Trên xe đào chánh, kép chánh, môi son má phấn, áo quần sặc sỡ. Xe vừa chạy vừa đánh trống với chấp chả, vừa rải quảng cáo bằng bàn tay, tưng bừng cả làng xóm. Nhà nào cũng nấu cơm sớm, trai gái ai cũng diện bộ quần áo đẹp nhứt của mình, lũ lượt đến rạp theo tiếng trống thùng thình thôi thúc.
Mùa nước thì không rao bằng xe ngựa mà bằng xuồng, xuồng bơi theo con đường ngập nước, bơi vào kinh vào rạch, cũng trống cũng phèng la inh ỏi. Dưới bến đình ghe tấp nập.
Qua những đêm hát ấy, bọn nhỏ chúng tôi đứa nào cũng thích vai Lữ Bố. Tuồng tích ra sao không đứa nào biết rõ, dưới ánh đèn màu, trong tiếng kèn tiếng trống, Lữ Bố mũ lông công, áo quần sặc sỡ, mặt hồng hào, tung hoành trên sân khấu đến mê mẩn.
Tôi và bọn nhỏ đứa nào cũng ao ước lớn lên sẽ làm kép. Nghe nói trước khi bọn tôi ra đời, ở chợ có hai đứa nhỏ con nhà nghèo tuổi 13, 14, vì mê đào mê kép nên đã cuốn gói bỏ nhà theo gánh hát. Hai đứa nhỏ ấy lúc đầu bị đào kép sai vặt như hai đứa ở, rảnh rỗi ngồi hát theo đào kép lúc tập tuồng, rồi đóng vai làm quân “bẩm bẩm dạ dạ” dần dần từ vai phụ đến vai chánh, đóng hoàng tử, công chúa. Thành tài, thành danh, họ đổi tên, con Gừng đổi tên thành Thanh Ngân, thằng Xệ đổi thành Thanh Bửu Thanh.
Rồi có một lần gánh hát của hai đứa về làng. Trai tráng trong làng cứ bu quanh hai đứa, cũng trai gái của làng, nhưng xung quanh họ là hào quang của công chúa và hoàng tử. Là hai tấm gương sáng của bọn nhỏ mê hát của chúng tôi. Mê thì mê nhưng bọn tôi không đứa nào dám bỏ nhà ra đi. Nỗi đam mê như ngọn sóng trào rồi tan thành bọt.
Nhớ lại mình nghĩ đến nó. Hồi 4, 5 tuổi, nó mê cây đàn suốt ngày ngồi hát nghêu ngao, mấy chú khen, sau này nó trở thành nhạc sĩ. Khi nó cầm cây vợt chơi bóng bàn, nó quên đứt cây đàn, cây đàn treo trên tường, dây sét, mạng nhện. Khi nó hạ vận động viên biệt danh “vũ bão” và “Chì”, các huấn luyện viên khen nó có tố chất của nhà vô địch.
Buổi đấu kiểm tra trước khi vào giải của thành phố, nó tái đấu với thằng Chì. Thằng Chì tên thật là Huỳnh Hưng, nó về đầu quân cho đội sau cái đêm nó bị đòn. Qua sáu tháng học tập, nó khắc phục được nhiều nhược điểm. Đây là cặp đấu gay cấn, ai thắng, người đó đứng đầu đồng đội. Trận này, Huỳnh Hưng đòi được món nợ, nó thắng đối thủ với tỉ số sít sao. Không ai vui bằng ba nó, ba nó đưa hai tay lên trời, vỗ chan chát. Ông ngước mắt cười đến híp hai con mắt, tiếng cười của người cha đối với thành công của đứa con. Tôi cảm động lắm.
Tôi hỏi nó:
- Con thua thật hay thả cho ba nó vui?
Nó trả lời tỉnh bơ:
- Con thua thật. Trước nó quá ham bóng, có nhiều quả nó giựt ẩu, bây giờ nó giựt chắc hơn, chắc mà không bị mất sức.
Tôi hỏi thầy:
- Hai đứa nhỏ tôi muốn học võ, thầy thấy thế nào?
- Môn phái nào?
- Karaté
- Được, tốt lắm. Thể lực tốt hơn và cháu sẽ tự tin hơn. Trong đội không ai khéo bằng cháu, lắt léo lắm, nhưng thể lực thì yếu, nếu thể lực cháu tốt, Huỳnh Hưng không qua nổi đâu.
Tôi yên tâm.
Vậy là tôi cho hai đứa học võ. Trước hết là xuất tiền cho hai đứa mua mỗi đứa một bộ đồ võ, áo trắng không có nút mà buộc bằng sợi vải trắng, quần trắng với một đôi giày, rồi phải đóng tiền học, tốn kém lắm. Cả hai anh em đều hăm hở, nhứt là nó.
Tôi lại nhớ ngày tôi gặp võ sĩ Hai Quang. Đúng như ông Sáu làm rẫy, đến ngày giỗ của ông nội thì chú về. Ấn tượng đầu tiên của lũ học trò chúng tôi là chú cao lớn, tôi chưa bao giờ gặp người nào cao lớn như chú, mặc áo thun trắng, bên ngoài mặc áo bluzon xanh nước biển, quần kaki màu cứt ngựa, người to lớn nhưng gọn gàng, ngực nở, bụng nhỏ, vừa khỏe mạnh vừa chắc chắn vững vàng. Với thân hình như vậy không ai đánh ngã nổi. Tóc hớt ngắn, trán thấp, hai con mắt ti hí như mắt lươn thật lì lợm nhưng nụ cười thì lại hiền lành, dễ mến dễ gần. Là dân du côn nhưng lại nhã nhặn lễ phép. Khách đến nhà ăn đám giỗ, gặp người lớn tuổi, anh đều đưa tay lên ngực cúi đầu thưa bẩm, dạ thưa hết sức nhã nhặn. Chú ở nhà không lâu, sau khi thắp nhang quỳ lạy ông bà, ăn uống vui vẻ với bà con vài ba miếng rồi thưa bẩm xin đi. Chiếc xe ngựa đã chờ anh ở đầu đường. Lũ học trò chúng tôi chưa đứa nào đến gần được chú, chưa có đứa nào hỏi chú một câu gì, bởi chúng tôi đinh ninh thế nào chú cũng ngủ đêm lại nhà, mặc sức mà hỏi, tiếc đến ngẩn ngơ khi thấy chú bước lên.
- Sao chú không ngủ lại nhà hở ông Sáu.
Ông Sáu cười hài lòng vì mọi người quý mến con ông:
- Nó về thắp nhang lạy ông bà như vậy là quý rồi, nó nhiều việc! Mấy cháu biết, đêm nay chú bây ngủ đâu không?
- Dạ không.
- Dạ ở sài Gòn.
- Ông Sáu lắc đầu, rồi đưa tay chỉ vào tôi:
- Đêm nay chú bây ngủ nhà thằng nhỏ này để sáng mai ra xe sớm.
- Lũ học trò đều quay mặt qua tôi, quả là tôi không ngờ, nhưng thấy danh dự lắm.
- Buổi chiều thư bảy về thăm nhà, tôi hỏi:
- Hôm rồi chú Hai Quang ngủ nhà mình hở ba?
- Ừ!
- Con nghe nói, võ nghệ cao cường lắm!
- Cha cũng nghe như vậy.
- Nghe nói chú tắm nước sôi mà không bị phỏng?
- Cha cũng nghe nói mà chưa thấy.
- Nghe nói chú gồng dao chặt không đứt?
- Cha có nghe nhưng cũng chưa thấy.
- Làm du côn thì chú làm gì hở cha?
- Ở Sài Gòn, người ta gọi chú Hai Quang là Quang Lớn!
- Đúng đúng, lớn con như vậy thì gọi là Quang Lớn mới đúng chớ!
Cha tôi tiếp:
- Quang Lớn là dân đứng bến xe.
- Đứng bến xe thì làm gì hở cha?
- Ở Sài Gòn có nhiều hãng xe, xe nào cũng giành khách. Giành khách thì phải đâm chém. Hãng nào cũng mướn một vài tay du côn, người ta cũng gọi là dân anh chị, dân dao búa. Quang Lớn đứng bến cho một hãng bốn chiếc chạy lục tỉnh. Ngày nào, sáng sớm, Quang Lớn cũng ra bến, đứng trước đầu xe, những tay anh chị của các hãng xe khác không ai dám giành khách của Quang Lớn. Khi xe của Quang Lớn đầy khách, nổ máy chạy rồi, thì dân anh chị của hãng khác mới tranh nhau. Xong khách, Quang Lớn ngồi quán cà phê, ngày nào cũng vậy, đến tháng thì lãnh tiền.
Tôi tò mò:
- Sao cha biết chú Hai Quang?
Cha tôi kể:
- Cũng là chuyện tình cờ. Mấy năm trước, cha lên Sài Gòn. Khi xuống xe, người ta chen lấn quá, tự nhiên có một người, xô dạt hành khách, đưa tay đón xuống. Khi cha ra khỏi đám đông, người to lớn hỏi cha:
- Thưa anh Hai, anh đi từ đâu?
Cha nói:
- Tôi từ Mỹ Luông.
Người to lớn đó mừng rỡ:
- Vậy là anh Hai cùng huyện với em. Nhà em ở Chợ Mới, cách Mỹ Luông của anh mười hai cây số. Em là Hai Quang đứng bến xe này!
Thấy dân anh chị mà lễ phép như vậy, cha bèn mời:
- Trưa rồi, tôi đói, ở đây có quán nào ngon, hai anh em mình đi dùng cơm.
- Được anh Hai!
Quang Lớn đưa cha tôi vào một tiệm Tàu. Tiệm Tàu ngon quá là ngon. Khứa cá nấu canh chua lớn thôi là lớn, khứa cá để tròn cả một dĩa, con cá vừa ngọt vừa thơm, cha chưa ăn bao giờ. Hỏi ra mới biết là con cá hô. Ăn xong tính tiền, chủ quán là người Tàu bước ra nói:
- Khách của Quang Lớn, bữa nay tôi đãi.
Quang Lớn nhìn ba, cười híp hai con mắt, sướng lắm, từ bữa đó, kết làm anh em. Ông chủ lò thợ bạc mà đi kết bạn với một thằng du côn, nghe kỳ quá, nhưng cha lại thấy vui vui. Kết bạn với người này người kia cũng là cái duyên, con biết không?
Tôi lại hỏi:
- Chú Quang Lớn võ nghệ cao cường như vậy, sao không làm gì khác mà đi làm du côn vậy hả cha?
Cha tôi nói:
- Lâu lâu Quang Lớn về bến xe ở chợ, lần nào cũng về ghé thăm cha. Con đi học, không có ở nhà nên con không biết. Có lần cha cũng hỏi như con hỏi vậy. Hai Quang hận đời, lên núi Cấm học võ. Quang Lớn nói: “Làm du côn để không ai dám ăn hiếp mình!”. Quang Lớn có một lần nói với cha, Quang Lớn mong có một ngày lên võ đài đánh với thằng Tây, trên võ đài, thằng tây có chết cũng không sao. Nhưng ở ngoài đời, nếu đánh thằng Tây nào đó thì nó có súng, có lính, có trại giam, có nhà tù, đánh không lợi, Hai Quang ấm ức lắm.
Nghe cha tôi nói, tôi càng quý chú Hai Quang hơn. Và tôi cũng đã bắt đầu ghét Tây, Tây cướp nước mình, nó đè đầu cưỡi cổ dân mình, phải đánh nó, giành lại nước.