Buổi tối, có người gõ cửa nhà tôi. Tôi mở cửa. Bước vào là một người đàn ông, tuổi khoảng trên dưới bốn mươi, ăn mặc đường hoàng, quần tây dài màu xám tro, áo sơ mi trắng thẳng nếp, tay xách một cái túi nilon căng đầy, tôi đoán là một anh cán bộ. Sau khi ngồi vào ghế, khách lạ e dè:
- Thưa đồng chí, tôi là cậu của thằng Hùng, thằng đã đánh con của đồng chí. Đáng lẽ ba má cháu đến để xin lỗi đồng chí và cháu, nhưng ba má nó không thường giao tiếp nên nhờ tôi. Tôi là cán bộ công đoàn của thành phố. Ba má cháu Hùng có lời xin lỗi, dù nghèo cũng xin chịu tiền thuốc men.
Tôi không đến nỗi nóng ruột vì thương tích của con cũng không đến nỗi, dù máu me đầm đìa nhưng chỉ bị dập mũi. Tôi nói:
- Trẻ con đánh lộn là chuyện thường. Hồi nhỏ, tôi với đồng chí chắc cũng có lần đánh lộn với bạn bè, đánh nhau rồi lại chơi với nhau. Trẻ con bây giờ cũng đánh nhau nhưng hung dữ hơn. Tôi hỏi thằng con tôi đứa đánh nó là ai, xích mích chuyện gì? Thằng con tôi bảo, đứa đánh nó không phải là bạn, mặt mày lạ hoắc, cho đến bây giờ nó cũng không biết vì sao nó bị đánh.
Đồng chí cán bộ công đoàn:
- Điều này tôi sẽ giải thích cho đồng chí và cháu. Tôi cũng hỏi nó, nó không thù oán gì, nó đánh giùm thằng bạn nó, nhưng nó đánh nhầm người.
- Cháu học trường nào? - Tôi hỏi.
- Thưa đồng chí, nó có học hành gì đâu. Nó ra đời sớm, ngoài giờ giúp đỡ cha mẹ, nó lêu lổng, hoàn cảnh lắm!
- Đồng chí nói với ba má cháu Hùng: tôi không thưa kiện, cũng không đòi tiền thuốc men, chỉ nhắn ba má cháu phải để ý dạy dỗ cháu, sao lại đi đánh giùm?
Tôi tức cười vì cái chuyện đánh giùm. Anh cán bộ công đoàn trước khi ra về, hai tay nâng cái bọc nilon như dâng lên cho tôi:
- Ba má của Hùng xin gởi cho cháu một hộp sữa và một chục cam.
Tôi không nỡ từ chối.
***
Tôi tìm đến nhà thằng Hùng. Tôi không thể ngờ ở giữa trung tâm thành phố lại có con hẻm tồi tàn đến như vậy. Hẻm vào là con đường đất, nếu hai chiếc xe honda chạy ngược chiều thì không tránh nhau được, cả hai đều phải xuống xe, ép mình dẫn qua. Con đường đất lầy lội, nhớp nháp, có lẽ không ai quét, đầy rác. Số nhà thì nhà có nhà không và cũng không theo một thứ tự nào, đang 100 lại sụt xuống số 3. Đã vậy, hẻm lại trên hẻm, hỏi nhiều nhà nhiều người, cuối cùng tôi cũng đến nhà nó. Không phải nhà, cũng không phải chòi, nói không quá đáng, đây là một cái ổ. Hai cái vách là bức tường của hai ngôi nhà, mái là vải dầu đen như dầu hắc, bề ngang độ hai mét, bề dài độ 5 mét, trong cùng là cái bếp nấu củi, nấu than, một cái giường lỡ, tôi đoán hai vợ chồng nằm ngủ trên giường còn thằng Hùng ngủ dưới đất vì có một chiếc chiếu cuộn tròn nằm sát bên tường. Ba má của thằng Hùng ở độ tuổi bốn mươi, khỏe mạnh nhưng trông lam lũ. Sau khi tôi tự giới thiệu, cả hai vợ chồng đều lúng túng. Có lẽ nhà không hề có khách nên không có được một cái ghế ngồi. Hai vợ chồng bối rối mời tôi ngồi lên giường. Cô vợ vội vàng mở chiếc chiếu rách trải ra trên nền nhà rồi cả vợ chồng và thằng Hùng đều ngồi dưới chiếu, thằng Hùng mặc quần đùi, ở trần, trên lưng còn nhiều lằn roi, tôi nói:
- Tôi đến thăm chú thím và cháu Hùng, nói để chú thím yên tâm. Trẻ con đánh lộn là thường, tôi không kiện cáo, cũng không đòi bồi thường thuốc men gì.
Cả hai vợ chồng đều cúi đầu cảm ơn.
- Tôi nghe người cậu của cháu Hùng là cán bộ công đoàn nói cháu Hùng đánh giùm người ta chớ chẳng có xích mích gì, có phải vậy không cháu?
Thằng Hùng khoanh tay cúi đầu, lí nhí:
- Dạ phải.
Kể ra nó cũng là đứa lễ phép. Tôi hỏi:
- Cháu đánh giùm như vậy thì cháu được gì?
- Nó hứa nó cho cháu ngồi trên chiếc honda chạy lòng vòng, cho cháu uống nước, ăn kem.
- Cháu có biết như vậy là đánh mướn, là đâm thuê chém mướn, ác lắm, ở tù ngày nào không biết. Từ nay cháu nên bỏ đi, tìm bạn tốt mà chơi.
Nó vẫn cúi đầu, ba nó liếc qua nó, rít trong hai hàm răng:
- Mày có nghe chưa?
Cái đầu của nó cúi thấp hơn. Tôi chuyển sang chuyện khác cho đỡ nặng nề:
- Gia đình chú thím ở Sài Gòn này được bao lâu rồi?
Người chồng:
- Dạ lên đây được hai năm rồi.
- Quê chú thím ở đâu.
- Dạ ở Thanh My,õ tỉnh Tháp Mười, ở giữa đồng.
- Sao bỏ quê mà lên đây?
- Cả nhà kéo lên đây là vì lũ lụt. Từ đời ông đời cha tôi đều sống ở đó, nhưng chưa có trận lụt nào lớn bằng năm đó. Gió với nước cuốn trôi cả một xóm. Hai vợ chồng tôi một chiếc xuồng cui ở giữa đồng, ở nhà chỉ có hai anh em nó. Sóng chụp từ trên xuống, cuốn cả nhà, cuốn cả hai đứa nhỏ, em gái mới lên năm. Thằng này biết bơi như con rái cá, nó ôm em nó bơi về phía cây gáo. Khi nó ôm được cây gáo thì em nó ngộp nước chết rồi.
Khi người chồng kể, bà vợ sụt sịt khóc. Những bộ phim tài liệu về bão lụt lại hiện ra trước mắt tôi, thương tâm quá.
- Nhà cửa bị cuốn sạch, không có một đồng xu dính túi, vợ chồng tôi mới dắt díu lên đây kiếm miếng ăn...
Tôi hỏi:
- Lúc ở quê, cháu có đi học không?
Người chồng:
- Dạ thưa có, nó đi học tới lớp tư rồi.
- Lên đây, cháu Hùng đây có đi học tiếp không?
- Dạ, lên đây không có hộ khẩu, làm sao được vào trường, thưa anh.
Càng nghe nói càng buồn, tôi hỏi:
- Chú thím còn muốn cho cháu đi học không?
- Dạ muốn lắm, biết làm sao?
Tôi nói:
- Không có hộ khẩu không vào trường được, nhưng cháu muốn học vẫn có chỗ. Ở thành phố có lớp học tình thương. Nếu chú thím và cháu muốn, tôi sẽ giúp.
- Được vậy, vợ chồng tôi và nó đời đời cám ơn anh.
Khi tôi đứng dậy, chào ra về thì thằng Hùng bật dậy, khoanh tay cúi đầu thưa:
- Thưa bác, bác cho con đến nhà để xin lỗi ảnh. Trong lúc ảnh còn bịnh, con nuôi ảnh, ảnh sai gì, con làm cái nấy.
Cảm động đến ứa nước mắt, tôi đưa tay vuốt cái đầu trọc của nó.
- Cháu biết lỗi, cháu xin lỗi là tốt. Nhưng bác không cho nó sai cháu chuyện gì đâu.
Thằng Hùng đầu cúi sát:
- Bác hỏi giùm cháu, ảnh có cho cháu đến không?
- Bác sẽ nói và nay mai, lúc nào rảnh cháu cứ đến.
Tôi ra về với một nỗi thương cảm.