Hôm sau, thằng Hùng đến. Nó mặc quần đùi đen, áo bà ba trắng ngả màu cháo lòng. Tôi đưa nó vào buồng thằng Quảng, đó cũng là cái góc để nó học. Tôi để hai đứa nói chuyện với nhau, để hai đứa xử sự với nhau theo cái tuổi 14 của chúng nó.
Khi nó trở ra chào tôi để về, tôi hết sức ngạc nhiên. Nó như một đứa khác. Không phải chiếc áo bà ba màu cháo lòng mà là chiếc áo pull màu vàng, thay vì cái quần đùi màu đen là chiếc quần cụt trắng, đó là bộ đồ của thằng Quảng khi chơi bóng bàn. Tôi đoán biết thằng Quảng đã tặng cho nó. Rồi, hầu như ngày nào nó cũng đến trong một tuần thằng Quảng nằm dưỡng bịnh. Hai đứa cứ rù rì với nhau, thằng Hùng kể cho nó nghe về trận lũ lụt khiến nhà nó phải trôi dạt lên Sài Gòn. Hết chuyện, hai đứa lại nghe nhạc.
Thằng Hùng cắt thằng Đàm, nối với thằng Quảng. Thằng Hùng rồi cả băng bụi của thằng Hùng đều tôn nó làm “đại ca”. Quảng “đại ca”! Bọn thằng Hùng phục nó ở chỗ không chỉ tha thứ thằng Hùng mà còn cho thằng Hùng bộ đồ thể thao thật là bảnh chọe, võ nghệ thì bài bản có trường lớp hẳn hoi, lại giỏi bóng bàn. Có một lần, nó dẫn cả băng thằng Hùng cùng một bạn cùng lớp đến câu lạc bộ bóng bàn coi nó đánh độ. Một độ hai chục ngàn, nó đánh ba trận với ba đối thủ khác nhau, toàn người lớn, nó thắng cả ba. Bọn nhỏ phục nó sát đất. Với sáu chục ngàn đồng thắng độ, nó dẫn cả băng đến một quán nước vỉa hè. Cà phê, nước ngọt, kem, cả thuốc lá, tùy thích. Có một đứa cầm điếu ba số 5, hai tay dâng lên cho nó như hát tuồng: “Mời đại ca”. Lần đầu tiên, hai môi nó bập bập điếu thuốc. Được tôn là “đại ca”, dưới trướng mình có một đám đàn em để sai phái, nó sướng lắm. Nó như trên đỉnh vinh quang và quyền lực.
Và cũng từ cái đỉnh “đại ca”, nó tuột dốc.
Lang thang trên đường phố, trong tiếng ồn ào của xe cộ, giữa những dòng người qua lại, khi dạt về con đường này, lúc tấp vào một con hẻm nọ, đối với bọn nó có một sức hấp dẫn quái lạ. Một ổ bánh mì thịt vừa đi vừa nhai, nó thấy ngon hơn cơm nhà. Trong số bạn cùng lớp với nó thường hay đến chơi nhà tôi, đứa nào cũng quái lạ. Có đứa đến chơi khuya không chịu về, xin ngủ lại đêm với thằng Quảng. Tôi hỏi nó, nó nói má nó mất sớm, nó ở với dì ghẻ, mỗi lần ba nó đi vắng thì nó bị hành. Nghe tội nghiệp. Có đứa lại kể, ba má nó ly dị, người vợ mới, chồng mới, người nào cũng có con, không để ý đến nó, nó bơ vơ.
Sau này hỏi ra mới biết, đứa nào cũng có ba má. Không ai có dì ghẻ, cũng không có đứa nào ba má đã ly dị. Chúng đặt điều, thêu dệt cho đời mình thành bi kịch, lấy cớ để bỏ nhà lang thang cho thỏa chí. Vào một tối, bọn chúng túm tụm theo dõi mục: “Tìm người lạc” trên tivi. Khi một tấm hình của một thiếu niên xuất hiện cùng lời kêu gọi thống thiết của cha mẹ, thì cả bọn vỗ tay ào ào. Tôi lấy làm lạ:
- Sao lại cười.
Một đứa trả lời:
- Thằng đó trúng mánh rồi bác!
- Sao lại trúng mánh?
- Nó là bạn học của tụi cháu, tụi cháu biết.
- Nó đến đây chơi lần nào chưa? Tôi hỏi.
- Dạ chưa, nó có một băng khác.
- Sao nó lại trúng mánh? - Tôi lại hỏi.
- Dạ, nó bỏ nhà đi một tuần nay rồi, nó tuyên bố: khi nào ba má nó tìm nó trên tivi thì nó về.
- Sao lại tìm nó trên tivi thì mới chịu về? - Tôi hỏi.
- Dạ, tại nó thích có hình trên tivi, với lại nó muốn thử thách ba má nó, xem ba má nó có thương nhớ nó hay không?
Tôi thật sự không hiểu nổi. Tâm sanh lý tuổi này biến động lạ lùng quá. Tôi thấy cần phải quan tâm đến thằng Quảng nhiều hơn. Cái tuổi mười ba, mười bốn của lũ học trò chúng tôi ngày xưa, ấy là cái tuổi muốn thoát ra cái tôi trẻ con, muốn vươn lên thành người lớn, biết mơ ước, biết ham muốn, muốn chọn cho mình một hướng đi, cái hướng sau này đều lệ thuộc vào cha mẹ.
Chiến tranh thế giới đã tràn về đồng quê, đã nghe và thấy máy bay đồng minh bay dọc theo sông tìm sục tàu Nhật. Một chiếc tàu Nhật bị trúng bom, khói đen trùm cả sông cả chợ. Lần đầu tiên nghe tiếng bom, mặt đứa nào cũng tái xanh, có đứa đái ra quần. Chúng tôi gặp cả những người Sài Gòn tản về quê, áo quần lòe loẹt nhưng mặt mày mang theo nỗi sợ hãi của chiến tranh. Chúng tôi nghe người lớn xì xào bàn tán: Nhật sẽ lật Tây rồi cai trị nước mình. Có người mừng, người lo. Mừng vì hả, đã có người đánh thằng Tây, lo vì nghe nói Nhật ác lắm, ác hơn cả Tây. Người ta chia ra nhiều phe phái, đối nghịch nhau. Người cùng trong xóm, trước đây, ai ai cũng thân thiện, bây giờ khác phe khác phái, nhìn nhau mắt gườm gườm. Chỉ còn lũ học trò nhỏ chúng tôi, vì chưa biết phải theo ai, nên vẫn túm tụm lại với nhau, một cái khối nhỏ nhoi như cái cù lao giữa bốn bề sóng gió.
Sau ngày hè, đến học kỳ hai, trong những đứa cùng một nhà trọ chúng tôi, có một đứa đứng tách ra một mình: thằng Đồng, thằng hiền nhứt trong chúng tôi. Nó để tóc dài đến tận vai. Hỏi nó, nó nói:
- Tao theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, tao để tóc theo đạo của tao!
Hai con mắt nó bỗng như nảy lửa:
- Tao làm gì kệ tao. Đừng có chọc tao nghe.
Bọn tôi thấy sờ sợ rồi nó nhìn chúng tôi, thao thao bất tuyệt:
- Kinh sấm của đạo tao có nói, sắp đổi đời, ngày đổi đời thì tối trời tối đất ba ngày ba đêm. Dưới sông thì cá sấu, trên bờ thì cọp. Kinh sấm răn dạy: người nào không theo đạo tao thì hùm tha sấu bắt. Quỷ dương gõ cửa từng nhà bắt hồn những người không nghe lời thầy tao. Sau đó, núi Cấm nổ ra ba tiếng sấm, núi Cấm tách ra, rồi rồng bay phượng múa, thầy tao sẽ lên ngôi. Thầy là người của Phật phái xuống trần trị vì thiên hạ. Ngày đó là ngày hội Long Hoa...
Nếu một ông già hay bà già nói những điều này qua giọng rì rầm trong một đêm dưới ánh đèn dầu, bọn nhỏ chúng tôi hoặc sẽ tin, hoặc sẽ sợ hoặc hoang mang, đàng này nó nói giữa ban ngày và lại là học trò như chúng tôi, không có gì xuất sắc, thường ngày lại là một đứa gà mờ. Không ai nao lòng, nhưng không ai dám cãi, dám đùa với nó.
Ngày hôm sau nhập học. Mới mấy tháng nghỉ hè mà thầy trò đã xa cách nhau. Thầy là một người biết chơi đàn. Thầy nghiêm khắc, nhưng lại thường nở nụ cười thân mật với học trò. Ngày nhập học đầu tiên không thấy thầy cười, thầy cúi đầu trầm ngâm, bước tới bước lui. Rồi thầy dừng lại đưa tay sửa lại kính, thầy hỏi:
- Trong lớp này sao có mấy em để tóc dài quá vậy?
Lớp nhứt chúng tôi có ba mươi đứa mà không chỉ có một mình thằng Đồng để tóc dài, có đến bảy đứa ngồi rải rác cả phòng. Dứt câu hỏi, một đứa cao lớn nhứt trường (nó đã quá tuổi học, mượn khai sanh của đứa khác, hạ xuống ba tuổi để học cùng lũ 13, 14 chúng tôi) đứng dậy:
- Thưa thầy, chúng em theo đạo.
Thầy nói, giọng nhỏ nhẹ mà cứng rắn:
- Các em theo đạo nào thầy cũng tôn trọng, nhưng là học trò đến trường thì tóc tai phải ngắn gọn sạch sẽ. Còn để tóc tai như vậy thì đừng vào lớp.
Không nói không rằng, nó ôm cặp, bước ra cửa, mặt hầm hầm. Các đứa khác cũng đồng hè đứng dậy, bước theo.
Thầy nhìn theo, lắc đầu ngán ngẩm. Buổi sáng hôm đó, thầy dạy uể oải, chúng tôi học cũng uể oải.
***
Lớp học buổi chiều, thầy nói:
- Vậy là lớp chúng ta còn 23 em, mấy em thấy sao?
Chúng tôi im thin thít, thầy nói:
Thời này là thời chiến tranh, ông bà nói là thời ly loạn. Nước mình nổi lên nhiều phe phái, nhiều đạo giáo. Đạo thì có đạo Thiên chúa, đạo Tin lành, đạo Cao Đài, gần đây thì có đạo Hòa Hảo, đạo này đang mạnh. Chuyện xảy ra sáng nay, các em biết rồi đó. Đảng thì có Đảng cộng sản, Quốc Dân đảng; đoàn thể thì có Thanh niên Cứu quốc, Thanh niên Tiền phong, mới đây thì có Mặt trận Việt Minh, người nào cũng phải chọn một chỗ đứng. Tuổi các em là tuổi đi học, đáng ra thì các em chưa nên nghĩ tới, nhưng thời thế phải khác, thời thế bắt các em phải lớn hơn. Các em phải tự chọn cho mình một con đường.
Một đứa trong chúng tôi vụt đứng dậy hỏi:
- Thưa thầy, thầy chọn con đường nào?
- Thầy chỉ dạy chữ cho mấy em chớ không thể dạy mấy em đi con đường nào. Tùy các em lựa chọn, còn phần của thầy, thầy sẽ theo đảng nào thực sự yêu nước. Thầy chỉ nói với mấy em như vậy thôi, mấy em đừng hỏi thêm.
Thầy ngưng lại, lau lại mặt kiếng:
- Thầy báo với các em một tin buồn. Trên cho biết, ngày mai quân Nhựt sẽ lấy trường mình làm trại lính. Chiều nay coi như bãi trường, các em trở về nhà, khi nào yên ổn thầy sẽ cho chạy giấy đến từng em.
Thật ngỡ ngàng, chúng tôi ngồi lặng đi một hồi lâu rồi mới lần lượt đứng dậy, để sách vở vào cặp, bước ra cửa.
Thầy đứng bên cửa, thầy bắt tay từng đứa chúng tôi như bắt tay người lớn. Mỗi lần bước ra khỏi cửa thì chúng tôi túa ra như một đàn chim. Còn buổi chiều hôm ấy, đứa nào cũng lặng lẽ, buồn sao. Đi qua hàng cây trứng cá, mấy đứa học trò gái ngồi thụp xuống gục đầu khóc. Con mắt tôi cay cay.
Từ nhà trường, tôi đi thẳng ra bến xe ngựa. May quá, bến xe dưới gốc cây da còn hai chiếc, có cả xe anh Hoành, thấy tôi, anh hỏi:
- Trốn học sao mà về sớm vậy?
- Nhựt nó lấy trường rồi.
- Vậy sao? Mẹ nó! Bây giờ về phải không?
- Tới đâu rồi nhỏ sẽ biết.
- Nhà của em có chín đứa lận. Chín đứa sẽ về hết. Tôi leo lên xe anh Hoành, gọi thêm chiếc xe kia cùng chạy về nhà ông Sáu làm rẫy.
Trên đường về, anh Hoành không gõ cương cho ngựa chạy nước kiệu mà buông cương cho con ngựa ô sải dài. Anh Hoàng hỏi lớn:
- Nghỉ học, tụi mày về làm gì?
Chưa biết sẽ làm gì, chúng tôi làm thinh. Anh lại hỏi:
- Tụi mày theo ai?
Tụi nhỏ chúng tôi lại làm thinh.
- Không biết theo ai hả?
Tôi hỏi:
- Anh theo ai?
- Tao theo Việt Minh.
- Việt Minh là ai?
Anh vừa ra roi thúc ngựa, vừa nói trong tiếng gió thổi:
- Việt Minh là Việt Nam độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh
- Anh vô Việt Minh để làm gì?
- Để đánh Tây, đánh Nhựt.
- Đánh hết hai thằng à?
- Thằng nào cướp nước mình thì mình đánh.
Nói rồi, anh ra roi, thúc ngựa chồm lên, hăm hở như lao vào trận chiến. Xe chạy sát bên bờ sông, gió thổi ào ào, gió thổi bay cả tóc. Gió thổi mát mà tôi nghe lồng ngực tôi hừng hực.
Làng tôi bấy giờ, lòng người ai cũng sục sôi. Bọn nhỏ chúng tôi đứng ngồi không yên, nháo nhác chạy theo các đàn anh.
Mỗi chiều, khi ngọn gió từ sông thổi lồng lộng và từ xa khơi của dòng sông, sóng cuộn lên đuổi nhau dồn dập vào bờ thì trên con đường lộ đá trước cửa nhà, hàng trăm trai tráng ở chợ xếp hàng tư, đầu đội nón rơm, vai vác tầm vông vạt nhọn, người nào không có tầm vông thì vác đòn gánh... đi một hai, vừa đi vừa hát bài Lên đàng:
Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng...
Sau đoàn Thanh niên Tiền phong, lũ nhỏ chúng tôi như một cái đuôi.
Còn con đường chạy qua miệt vườn trước cửa bà cô tôi thì trai gái tín đồ Phật giáo Hòa hảo, đàn bà con gái bới tóc đã đành, đàn ông con trai cũng bới tóc, tóc người nào chưa đủ dài để bới thì xõa dài đến vai, tất cả đều mặc bà ba màu nâu. Họ không vác tầm vông mà nào kiếm, nào đao, nào roi. Họ cũng đi một hai và cất tiếng hát. Họ hát bài Hòn vọng phu:
... Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường...
Thật bi tráng.
Rồi một buổi chiều, xe nhà binh Nhựt cuốn theo bụi đường chạy ào ào rồi dừng lại trước cái bót cò có lá cờ tam sắc xanh trắng đỏ. Lính Nhựt xuống xe, đưa họng súng vào bót nổ rầm rầm, náo động cả chợ cả làng. Trong bót cò im thin thít, không có một tiếng súng nào bắn trả lại.
Lính Nhựt phá cửa bót, xung phong, tiếng hét nghe thật man rợ. Trong bót không có vợ chồng thằng cò Tây, cũng không có một lính nào. Cái bót bỏ trống. Hóa ra vợ chồng thằng cò Tây và đám lính đã trốn về nhà thờ Lớn phía bên kia cù lao.
Lá cờ xanh trắng đỏ tuột xuống, lá cờ trắng ở giữa có một vòng tròn đỏ được kéo lên. Nhật đảo chánh Pháp.
Trong những ngày ấy, chú ba tôi từ Đồng Tháp trở về. Nhà tôi khách ra vào nườm nượp. Anh Hoành gặp chú tôi, nói với chú tôi chuyện gì đó, nói không ra tiếng, rất bí mật. Sau đó tôi thấy anh đánh xe không chạy long nhong khắp ngả đường. Tụi nhỏ cùng xóm chúng tôi cũng nhốn nháo, kéo nhau đi khắp ngã chợ, thấy không ai làm gì, chỗ nào cũng tụm ba tụm bảy.
Rồi nửa đêm, cả làng đùng đùng nổi dậy. Nào trống, nào phèng la, nào đuốc, nào tầm vông, gươm đao, cả ba mặt đường, trừ mặt bờ sông, rùng rùng kéo lại bót của bọn Nhựt. Lũ nhở ở xóm tôi, không trống, không phèng la. Chúng tôi lôi thùng thiếc ra sân, lấy củi làm dùi, hai tay đánh thùng thiếc, hưởng ứng dân làng.
Bọn lính Nhựt không bắn trả mà xuống bến, leo lên chiếc xuồng máy, băng qua sông. Ra đến giữa dòng, bọn Nhựt mới nổ súng bắn trả. Bọn lính Nhựt cũng lại trốn bên kia cù lao với vợ chồng thằng Cò Tây.
Sáng hôm sau, trời đất bừng sáng, và như đổi màu.
Trên đỉnh của cột cờ, cờ đỏ sao vàng lớn bằng chiếc chiếu bay phấp phới. Chẳng biết dân làng may cờ lúc nào mà trước nhà nào, cờ đỏ sao vàng cũng phất phới. Không chỉ trước nhà, cờ trương lên cả ngọn các cây xoài. Và không chỉ trước cửa nhà, trên ngọn cây mà dưới dòng sông cũng cờ. Dân làng chặt chuối kết thành bè, cắm cờ thả trôi sông. Cờ trên bè cùng với lục bình dập dềnh như một vườn hoa sặc sỡ trên mặt nước.
Những ngày ấy, lũ nhỏ chúng tôi ngồi trên xe ngựa rong khắp cả đường làng. Ấy là những ngày cuối tháng 8 năm 1945. Ngọn gió dưới con sông thổi lên sao mà mát.
Sau này, lớn lên tôi biết. Khác với miền Bắc, đất Nam Bộ không có mùa thu, một năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Nhưng từ ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, đất Nam Bộ đã có mùa thu, không phải mùa thu của trời đất mà là mùa thu cách mạng.
Không thể để hai vợ chồng thằng cò Tây với ba tên lính Nhựt lấy nhà thờ làm đồn lũy, chờ quân tiếp viện. Mỗi lần kêu gọi chúng đầu hàng, chúng trả lời bằng loạt súng khiêu khích. Nhà thờ nằm trong bốn bức tường kiên cố, không áp sát được bọn chúng. Dân trong cả huyện thay nhau bao vây bọn chúng. Trên sông, bờ bên này, xuồng hàng trăm chiếc, chiếc nào cũng có cờ đỏ sao vàng, mỗi chiếc có ba người, xuồng lớn bốn năm người với tầm vông, giáo mác, đâm qua sông như những mũi tên. Dù không có súng đạn nhưng vẫn nghe tiếng nổ, quân ta đốt khí đá giả tiếng đại bác, rồi đốt rơm ném qua tường cho bọn địch ngộp thở.
Lũ nhỏ chúng tôi đâu có làm gì được, nhưng cũng chạy lăng nhăng theo người lớn, cũng hò hét và ai sai gì làm nấy.
Đánh suốt cả một tuần, cả đêm lẫn ngày, cái đồn nhà thờ vẫn trơ trơ. Trong tình thế bế tắc ấy thì Quang Lớn xuất hiện. Anh mặc chiếc áo màu cứt ngựa, khoác vai cây tiểu liên, với vóc dáng to lớn cùng biết bao nhiêu huyền thoại về cuộc đời anh chị của anh, trông anh thật oai phong lẫm liệt. Cùng về với anh có mười một anh lính trẻ, cũng quần áo như anh, mỗi người khoác trên vai một cây súng trường, lưng đeo lựu đạn. Lựu đạn tròn có cái chập chả. Trước khi liệng thì phải đập vào cái chập chả, thấy xì khói rồi mới liệng vào quân thù. Với cây tiểu liên trên vai Quang Lớn, lũ nhỏ chúng tôi nghĩ, anh chỉ quét một loạt là bốn bức tường sẽ đổ nát và quân ta sẽ tràn vô như sóng tràn.
Nhưng nào có phải như vậy. Đạn tiểu liên chỉ có sức cào qua lớp vôi bên ngoài, không xuyên thủng đến màu gạch.
Sau này, tôi nghe nói lại, Quang Lớn bày binh bố trận như sau: Nhà nào có thang thì mang đến. Chỉ một ngày mà có hàng trăm cái thang được mang đến. Thang bắc lên tường. Chỉ có như vậy mới leo vào bên trong của cái đồn nhà thờ. Anh ra lịnh, anh và tiểu đội của anh, mỗi người một cái thang, leo lên trước, nổ súng, còn trai tráng trong làng tiếp tục leo thang, lao vào cùng bộ đội của anh.
Đúng như kế hoạch, anh cùng mười một người lính, leo lên thang, nhảy xuống bên kia tường, đồng loạt nổ súng. Thế là trai tráng tranh nhau leo thang nhảy vào bên trong. Vậy là trong sân cái đồn nhà thờ có hàng trăm con người với tầm vông, giáo mác và súng nổ. Trai làng nghe súng của Quang Lớn như lân nghe pháo, khí thế hừng hực. Lập tức, từ trên lầu chuông của nhà thờ thò ra lá cờ trắng.
Ba tên lính Nhựt cùng thằng cò Tây, chúc xuống đất, đưa tay đầu hàng. Quang Lớn cùng mười một người lính của anh diễu binh qua làng. Sau đội quân chiến thắng là đám con nít của chúng tôi thành một cái đuôi dài. Quân chiến thắng của Quang Lớn đi tới đâu, cờ đỏ sao vàng trên tay của dân làng phất tới đó cùng với lời tung hô vang trời.
Đám nhỏ chúng tôi, không ai tổ chức, không ai kết nạp, nhưng chúng tôi tự thấy rằng mình đã là Việt Minh, chúng tôi đã có một chỗ đứng ở trên đời. Từ cái chỗ đứng vững chắc ấy, tôi trở thành anh bộ đội cụ Hồ từ Nam ra Bắc, từ Bắc về Nam, đi suốt hai cuộc chiến tranh đánh Pháp chống Mỹ giành lại đất nước cho đến ngày nay.
... Bây giờ thằng Quảng quắn cùng với bạn bè của nó được sống trên đất nước hòa bình, có cha mẹ, có bạn bè, có nhà trường cùng mọi tiện nghi, có sẵn đoàn thể, không phải lựa chọn một chỗ đứng, nhưng lại không dễ dàng một chút nào. Chúng luôn luôn bị không biết bao nhiêu điều xấu cám dỗ. Giữa sự nên và sự hư mong manh như sợi tóc.
Từ ngày có được băng thằng Hùng Hổ tôn là đại ca, nó ngày càng hư hỏng. Ở trường, hễ đến môn toán, môn nó kém nhứt là nó “cúp cua” đi bụi với đám đệ tử. Đi chơi ban ngày chưa đã, nó chơi cả ban đêm. Học trò ở lứa tuổi của nó và cả những lớp trên đều phải đi học thêm. Học thêm thường học ban đêm. Nó xin tiền học thêm toán. Thấy nó chịu khó, cả nhà đều mừng, nhưng cả nhà bị lừa. Nó lấy tiền học để đi chơi với đám đệ tử, vừa thoải mái, vừa ngang nhiên.
Tôi có việc đi xa nhà một tháng. Về đến nhà thì tôi được tin như sét đánh.
- Thằng Quảng bị đuổi học rồi! - Má nó nói.
Tôi đứng như trời trồng, sau một lúc sững sờ, tôi hét lên:
- Nó đâu?
Lạ quá, má thằng Quảng hết sức bình tĩnh, mang ra cho tôi một ly nước lạnh, vỗ tay lên bàn tay tôi:
- Anh đừng nổi nóng. Chuyện đã lỡ rồi. Vợ chồng mình cũng có lỗi một phần, không theo dõi từng bước đi của nó. Đời, ai mà không bị vấp một lần. Trẻ con bây giờ lạ lắm, nếu đánh nó, chửi nó, nó sẽ bỏ nhà đi bụi đời, chi bằng vỗ về nó, an ủi nó, tạo điều kiện cho nó vượt lên là tốt nhứt.
Cơn giận trong tôi xuống dần. Tôi đến thầy hiệu trưởng tìm hiểu. Thầy hiệu trưởng, một con người đạo mạo, thấy mặt là phải nể, thầy nói:
- Tôi không ghét bỏ gì học trò. Lớp tôi không chỉ có một mình nó. Cả băng của nó 5 đứa. Nếu dung dưỡng thì cả băng của cháu sẽ lây lan cả trường, mỗi đứa cần phải kết bạn với những học trò ngoan. Tôi chỉ muốn mấy đứa cháu thay đổi môi trường, chớ không hề ghét bỏ các cháu.
Lý lẽ của thầy như vậy, tôi không thể mở miệng xin xỏ điều gì. Vừa đau, vừa thấy nhục.
Từ ngày bị đuổi học, nó ở nhà vào phòng, đóng cửa không tiếp một bạn nào.
Tôi gõ cửa. Tự tay tôi mở cửa bước vào phòng nó. Thấy tôi sau một tháng vắng nhà, nó ngỡ ngàng nhìn tôi, gục đầu, người xìu như con bún. Thấy tội nghiệp nhưng tôi chưa hết giận. Tôi gằn giọng:
- Muốn học hay muốn đi bụi đời, nói!
Nó gục đầu líu ríu:
- Dạ, con muốn học.
Tôi bước ra, đóng sầm cửa.
May cho tôi và cũng may cho nó. Tôi có một cô bạn thuộc ngành giáo dục, cùng ở rừng thời đánh Mỹ. Nay, cô là trưởng phòng giáo dục của quận. Tôi tìm đến cô, xin cho con được chuyển trường. Chúng tôi nói với nhau hết sức thoải mái. Cô hỏi hết sức tỉ mỉ: học lực, tư cách, bao nhiêu lần sai phạm đến nỗi phải bị đuổi. Không ngờ, cô hỏi đến năng khiếu thể thao của cháu: bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, bóng chuyền...
Tôi nói:
- Cháu biết chơi bóng bàn.
Chơi bóng bàn thì có gì lạ mà tôi thấy mắt cô sáng lên. Cô hỏi:
- Cháu chơi có khá không?
Tôi dè dặt:
- Chơi cũng được.
- Nó chơi cỡ anh không?
Cô hỏi câu đó vì ở căn cứ R thời đánh Mỹ, cơ quan của cô có một bàn bóng, thỉnh thoảng tôi cầm vợt sang chơi, không ai đánh thắng tôi, cô biết.
Tôi đáp:
- Nó chơi khá hơn tôi.
- Thiệt vậy sao?
- Ở R, anh em mình chơi theo bản năng, còn tụi nhỏ bây giờ nó có học, có bài bản. Nó là vận động viên năng khiếu nhi đồng quận.
- Những lần thành phố tổ chức giải, cháu có thi đấu không?
Nói đến bóng bàn tôi lại hào hứng:
- Nó đoạt huy chương vàng thành phố, huy chương bạc toàn miền.
Cô đưa tay vỗ lên tay tôi:
- Được rồi! Khi nghe anh nói trường hợp bị đuổi của cháu, tôi băn khoăn không biết gởi cháu trường nào. Trường nào mà không phấn đấu đạt thành tích? Trường hợp của cháu, thầy cô nào cũng ngán. Nếu mình lấy danh nghĩa trưởng phòng mình gởi gắm, cô thầy có thể nghi mình có quà cáp, nếu không nói là ăn hối lộ. Tế nhị lắm! Bây giờ thì tôi đã có lối ra cho cháu.
- Lối ra như thế nào cô?
Như thoát ra nỗi khổ tâm, cô tươi cười:
- Trong ngành giáo dục của tôi có ông thầy hiệu trưởng mê bóng bàn lắm. Thầy là vô địch bóng bàn toàn ngành. Thầy định xây dựng một đội bóng nhà trường để thi đấu với các trường bạn. Thầy giỏi nhưng học trò lại dở, giải nào đội của thầy cũng rớt từ vòng ngoài, thầy cay cú lắm. Ngày mai, anh gởi tôi bằng khen và huy chương của cháu, tôi khoe với thầy. Và tôi sẽ dọa: nếu thầy không nhận thì tôi sẽ gửi trường khác, cái trường có đội bóng bàn học sinh mạnh nhứt của quận. Thầy sẽ không bỏ qua cơ hội đâu, anh yên tâm.