Xe chuyển tù chạy suốt đêm trên con đường mới mở vào rừng sâu. Khi xuất phát, thùng xe đầy người. Sau khi dừng lại ở hai trại, giờ này trong thùng xe chỉ còn lại hai người bị còng và hai người áp giải. Ở buồng lái, ngoài lái xe còn có một người nữa, súng tiểu liên sẵn sàng nhả đạn. Trời đã chạng vạng, nhưng trong rừng vẫn còn tối đen.
Đước đang ngủ gà gật thì giật thót mình. Người anh nẩy lên và rớt xuống sàn xe, mông đau ê ẩm. Người tù đồng hành tên “Hùng khỉ đột” bị đập trán vào thành xe, bật ra câu chửi thề:
- Đ. má. Lũ khốn nạn!
Chiếc xe lọt xuống rãnh sâu, chắc là bánh xe tải nặng chở cây đã tạo nên rãnh này. Người lái xe vất vả tới lui mấy phút xe mới chạy tiếp. Đước cố nhắm mắt ngủ nhưng không tài nào ngủ được nữa. Thấy Hùng khỉ đột bị băng cánh tay trái, mặt nhăn lại y hệt mặt khỉ, Đước làm quen:
- Tay anh sao vậy?
- Bị đâm.
- Ai đâm anh?
- Chiều qua, tao lao vào cướp súng của thằng công an. Tao hạ được nó; nhưng chưa kịp cướp súng chạy, thằng khác từ xa phóng dao vào.
- Bị bắt lâu chưa?
- Lần này hả? Lần này thì hai năm.
- Còn trước đó?
- Hỏi làm chi mày? Hãy lo cái thân của mày đi thì vừa.
Mắt hắn cũng hệt mắt khỉ, hắn nhìn Đước, nhổ một bãi nước miếng rồi tiếp:
- Tao không trình diện vì sợ bị tắm máu. Trong bụng, tao tính là để coi, nếu mấy thằng cùng đơn vị ra trình diện mà sống cả thì tao cũng ra. Ai dè, trình diện tháng sáu năm bảy lăm rồi tụi nó bị dẫn đi mút chỉ luôn. Tao mừng vì mình không đến nỗi ngu. Ở nhà một thời gian thì ba má tao bị qui là tư sản loại A, và bị tống về quê, kêu bằng chuyển sang sản xuất. Cái cửa hiệu buôn của ông bà già tao, cái tòa nhà ba lầu ấy được xây dựng từ cái gánh cháo lòng của bà già. Vậy mà Cộng sản qui ông bà già tao là tư sản cỡ bự, gia tài bị nẫng sạch. Tao hết tiền xài, hết chỗ trú thân, bèn lập đảng cướp. Tòa nhà ba lầu của ba má tao, sau khi chủ nhân bị đuổi về quê, được trưng tấm bảng hiệu lớn, nền đỏ chữ vàng: “Cửa hàng quốc doanh số...”. Tấm bảng trưng lên nhưng không có buôn bán con mẹ gì. Tụi nó ở trỏng. Cái bọn đi cải tạo ấy. Rồi sau một năm, nó biến thành nhà riêng. Chủ nhân mới đưa vợ con đến ở, gia tài của chúng vẻn vẹn có cái hòm bằng cây. Chúng làm chủ cả cơ ngơi mà cha mẹ tao chắt bóp xây nên từ bao năm bán cháo dạo. Uất quá, tao xuất hiện, giữa ban ngày. Tao đâm thằng khốn để trả thù. Đó, lần đầu bị bắt vì thế. Vô tù chưa đầy một năm thì tao vượt ngục về với đảng cướp ở xa lộ Đại Hàn. Tung hoành được một năm nữa thì bị bắt. Lần này chắc tao chết rũ xương trong tù quá. Sao tụi nó không bắn liền cho rảnh? Tại sao vậy? Thú thiệt với mày, tao hết muốn sống rồi! Chẳng còn ham muốn gì nữa mà chỉ còn thù hận. Tao hận chúng nó.
- Im đi! - Người áp giải hét lên.
- Thì im! Tại thằng này nó hỏi tao. Tụi bay phải la nó chớ.
- Im! Và ráng mà ngủ đi. - Người áp giải thứ hai nhắc, giọng nhỏ nhẹ.
Hùng khỉ đột gườm gườm nhìn lại rồi im hẳn. Chỉ còn lại tiếng động cơ và tiếng dằn xóc của cái xe đã cũ trên con đường quá nhiều hố, rãnh.
Sáu giờ sáng mới tới Trại Cải tạo 30-4. Sau khi điểm danh và nhận chỗ nằm, Đước được gọi lên gặp chỉ huy trưởng. Khác hẳn với ba người chỉ huy của ba trại giam trước, Đước vô cùng ngạc nhiên về người chỉ huy mới này. Anh ta có dáng vẻ của con người cao nhã, gương mặt sáng nhân từ. Điều ấy lộ rõ trong đôi mắt và cái miệng khi cười. Anh ta cười khi đứng lên kéo ghế mời Đước ngồi. Điều này lại khiến Đước sinh lòng cảnh giác. Mặt bàn lót kính lạnh ngắt. Chiếc ghế sắt cũng lạnh ngắt. Đước ngồi xuống, nhìn trại trưởng. Không lẽ người ta hành hạ anh như một tên tội phạm nguy hiểm suốt một năm nay, bây giờ đã thay đổi cách cư xử chăng? Hay là...
Trại trưởng mân mê chiếc khuy tay áo mạ sáng chóe của chiếc sơ mi trắng bỏ trong quần may bằng vải ngoại là ủi thẳng băng. Về sau này, Đước thấy anh ta chỉ mặc sắc phục cảnh sát duy nhất một lần khi đón cấp trên, còn lại, anh ta luôn mặc quần tây và áo sơ mi trắng dài tay cài măng séc. Vừa mân mê chiếc măng séc, trại trưởng vừa hỏi, giọng ôn tồn:
- Anh là Hai Đước, Lê Văn Đước?
- Phải.
- Anh đi đường có mệt không?
- Cám ơn!
Đước cố dằn lòng để không trào ra nỗi căm giận. Trước mặt anh là ai? Một người chân chính hay một kẻ đạo đức giả, một tên đội lốt?
- Có lẽ anh đang tự hỏi xem tôi là hạng người nào?
Vẫn giọng ôn tồn và nụ cười hiền lành, trại trưởng nói đúng cái điều Đước đang nghĩ. Không chờ Đước trả lời, trại trưởng nói tiếp, vẫn bằng giọng ấy:
- Tôi đã đọc hồ sơ của anh, và đọc lời phê của những người quản lý ba trại cải tạo trước. Nói chung, tôi khuyên anh một điều: Hãy ráng chịu đựng để hết thời hạn cải tạo. Chớ nên chống đối... Vô ích!
Đước trừng mắt nhìn, căm uất dâng lên nghẹn cổ. Trại trưởng vội xòe bàn tay trắng trẻo như tay của một nhạc công dương cầm:
- Khoan, xin anh chớ nóng giận. Chắc anh đang nghĩ xấu về tôi? Anh cho rằng cái mặt nạ của tôi đã rơi xuống để lộ nguyên hình là một kẻ... hành hạ anh? Phải không? Trong hồ sơ, người ta ghi rằng anh luôn miệng kêu những trại trưởng là những tên đồ tể, những con thú mang hình hài người! Với tôi, có lẽ rồi đây anh cũng gọi như thế. Không sao. Tôi không giận anh đâu. Đặt trường hợp tôi như anh, có lẽ tôi cũng phải vậy thôi...
- Anh muốn nói gì thì nói huỵch toẹt ra. Vòng vo tam quốc làm chi. - Đước nắm hai bàn tay lại dưới gầm bàn, cố nén cơn giận.
Người đối thoại vẫn nhìn vào mắt Đước đầy thân thiện và tỏ ra hiểu hết những điều Đước đang suy tư:
- Ngắn gọn thôi. Có hai mục đích khiến tôi gặp anh. Một là... để làm quen với nhau. Hai là... để anh hiểu cách làm việc của tôi. Ở đây toàn là tù thường phạm đã lãnh án chung thân. Đó là những kẻ liều lĩnh. Người chỉ huy trước tôi tại đây đã bị tù nhân giết chết trong một âm mưu phá hoại. Đọc hồ sơ của anh, tôi thấy anh vốn là... đồng chí của tôi, đặc biệt là trường hợp của anh... chưa thành án. Tòa chưa xử. Chắc là còn có cái gì đó... Vì thế, tôi không muốn để cho nhân viên dưới quyền tôi đối xử không phải với anh. - Ánh mắt trại trưởng hướng về phía người mặc sắc phục đang bồng súng gác ngoài cửa.
Đước nhìn bao quát căn phòng. Ngoài chiếc bàn sắt của Mỹ rộng thênh thang, mặt lót kính dày năm ly, một nửa bàn chất đầy những kẹp hồ sơ dày cộm - tức bàn làm việc của trại trưởng; còn có một tủ đựng hồ sơ cũng bằng sắt. Một tủ sách đầy ắp toàn sách văn học. Đây là điều Đước chưa hề thấy ở ba phòng trại trưởng của ba trại giam trước đó. Kế bên tủ sách là cái bàn gỗ xinh xắn đã lên màu đỏ sậm, có lẽ là bàn viết, ở sát cửa sổ mở ra màu xanh vô tận của rừng già. Một giò lan thơm man mác, sắc hoa còn tươi, treo ngay cửa sổ. Một chiếc ghế tựa cũng bằng gỗ. Nhìn chiếc bàn viết ấy, có cảm giác thèm muốn được ngồi vào mà đọc, mà viết. Trại trưởng rót nước mời Đước, loại nước trà của nhà ăn tập thể.
Có lẽ người này có thiện chí thật sự? Đước xòe hai bàn tay cho thư dãn trên đầu gối và thả lỏng khớp cổ tay. Có lẽ mình không phải dùng tới cú đấm khốc liệt với người này. Với ba trại trưởng trước, Đước đã nện cho mỗi người một cú trời giáng vào mặt. Sau mỗi cú đấm, anh bị giải đi một trại mới, xa biển hơn, xa thành phố hơn, lên núi, vào rừng sâu.
Trại “Ba lẻ tư” quản lý những tội phạm lãnh án chung thân. Không hiểu sao người ta lại đặt cho nó cái tên bằng số “304”? Mãi về sau này Đước mới biết. Lúc đầu, mới thành lập, người trại trưởng đầu tiên lấy sự kiện 30 tháng Tư đặt tên trại. Trại ra đời được sáu tháng thì xảy ra bạo loạn. Trại trưởng bị tù nhân bóp cổ chết. Sáu tù nhân trốn thoát; về sau người ta tìm thấy xác của họ, nói đúng hơn, dấu vết quần áo của họ ở trong rừng. Họ đã bị hổ vồ. Trại trưởng mới về thay, tức là người đang ở trước mặt Đước, anh ta có dáng người thật cân đối, khoảng bốn mươi tuổi là cùng. Trại trưởng đề nghị cấp trên đổi tên trại. Theo anh, không thể dùng sự kiện 30 tháng Tư tùy tiện đặt tên cho bất cứ cái gì. Hợp tác xã 30 tháng Tư, Trường học 30 tháng Tư, Bệnh viện 30 tháng Tư, Xí nghiệp phân rác 30 tháng Tư, rồi lại Trại giam 30 tháng Tư... thì chướng quá.
Chờ mãi không thấy quyết định đổi tên trại, trại trưởng biết là cấp trên không chấp thuận đề xuất của mình. Không có quyết định đổi tên trại, nhưng trên thực tế, không còn tên cũ; người ta kêu bằng tên Trại “Ba lẻ tư”.
Công việc ở đây thực sự nặng nhọc. Một ngày lao động đến mười giờ đồng hồ. Cường độ lao động như thế đối với Đước chẳng ăn nhằm gì. Nhưng ngặt nỗi là sau một năm qua ba nhà giam, sức Đước đã xuống nhiều. Lại căn bệnh sốt rét nữa. Hầu hết phạm nhân bị sốt rét. Nhiều người bị sốt ác tính, không qua khỏi. Tự tay Đước đã chôn cất cho bốn người. Họ là những tên trộm cướp khét tiếng gian ác. Vào tù rồi, họ vẫn đánh giết lẫn nhau. Họ đánh cả Đước. Đước càng tỏ ra khác biệt họ về tư cách, phẩm chất; cái chất người ở Đước càng tỏa sáng thì họ càng căm thù Đước. Không có gì lạ. Bao nhiêu hận thù với đời, vào tù, họ trút hết cho những kẻ cải tạo họ và những thằng tù “có nhân cách” như Đước.
Còn Đước? Anh làm gì nên tội? Tại sao không thành án, không xét xử mà người ta tống anh vào đây?
Không bao giờ Đước nguôi được nỗi uất hận này. Vì cớ gì mà Đước mất tự do? Vì lẽ gì mà mười hai giờ khuya, người ta ập vào giường còng tay trạm trưởng trạm thu mua hải sản? Đước hỏi vì tội gì. Trả lời: Về tỉnh rồi rõ. Đước hỏi lệnh bắt giam đâu, thì không có câu trả lời mà là một cái tát hộc máu mũi kèm một câu chửi thề: “Đ. má! Tổ chức cho tụi phản quốc vượt biên mà còn làm bộ...”. Thế là những ngày biệt giam... Bốn tháng liền nằm trong xà lim, mỗi ngày hai lần hỏi cung, quanh quẩn chỉ có hai câu hỏi: Đã tổ chức bao nhiêu vụ? Băng nhóm còn những ai? Đến tháng thứ năm, lần hỏi cung cuối cùng của trại giam thứ nhất, Đước đã giở thế võ cha truyền lại, cho trại trưởng một cú vào giữa mặt. Xương quai hàm của trại trưởng gẫy vụn...
Năm tháng tiếp theo ở trại giam thứ hai diễn ra y hệt trại trước. Đước đã bình tĩnh, kiên nhẫn đến mức không thể nào có ai kiên nhẫn hơn được nữa, kể cho những người hỏi cung nghe sự oan ức của mình. Nhưng tai ác thay, người ta không tin anh. Và cuối cùng... không chịu nổi hành động đối xử nhục hình của trại trưởng, Đước lại “tặng” trại trưởng một cú đấm vào giữa mặt...
Khi đến trại giam thứ ba, Đước không còn bị hỏi cung nữa. Anh bị nhốt chung với bọn tội phạm hình sự. Đối với Đước, có lẽ cứ bắt anh đi lao động khổ sai còn dễ chịu hơn phải sống với bọn giết người, bọn dao búa, “anh chị” cặn bã xã hội. Trong tù, bọn chúng vẫn chích xì ke, chơi bài bạc và đánh nhau, đâm nhau để giành giật nữ tù nhân. Những cô gái làm tiền bị bắt vô tù lại tiếp tục làm tiền với người tù.
Không biết bao nhiêu lần Đước xin gặp trại trưởng để bày tỏ hoàn cảnh của mình nhưng không được gặp. Không biết bao nhiêu lần anh xin gặp trại trưởng cho đi lao động - làm việc gì nặng nhất - để thoát khỏi cảnh phải sống chung chạ với bọn gây án giết người. Nhưng không được. Trưởng trại nói thẳng vào mặt Đước: “Mày ngu lắm! Đó là hình phạt độc nhất dành cho mày!”. Và trại trưởng cười hô hố... Đước đã nắm tay lại, toan nhào tới, nhưng nghĩ đến hai cú đấm trước và hậu quả của nó, anh lại thôi. Cắn răng vào môi đến bật máu, anh nuốt hận.
Cho đến một hôm, người ta đẩy vào trại giam một em gái mười lăm tuổi. Ngay từ phút đầu vào trại, cô bé đã kêu thét đòi về với má. Cô hoảng hốt đến khờ dại khi thấy những bộ mặt gớm ghiếc đang hau háu nhìn mình. Nhà ngủ của tù nữ và tù nam chỉ cách nhau có một khoảng sân. Trong nhà ngủ nữ, cô bé không tìm được sự bảo vệ che chở của những kẻ đồng giới. Cô bé nhanh chóng tìm được người thực sự che chở, đó là Đước. Trong những giờ đi lao động - họ phải đào một con kênh lớn, dụng cụ chủ yếu là tay và cuốc xẻng - cô bé được Đước đỡ đần, và đặc biệt là được anh bảo vệ trước những con sói lúc nào cũng sẵn sàng vồ lấy cô.
- Vì sao cháu bị bắt?
Cô bé khóc nấc lên hồi lâu rồi mới đáp được rõ ràng:
- Ba con đi lính ông Thiệu, chết trận hồi bảy lăm. Má con với con và hai đứa em, đứa nhỏ nhất mới sáu tuổi, ở trong căn nhà sát mặt lộ. Nhà đó, ba má con được nhà nước hồi đó cấp khi mới cưới nhau mà. Khu nhà có ba gia đình ở, mỗi hộ hai phòng. Nhà chú Tư Cụt kế nhà con bỏ đi vượt biên năm bảy chín, đến cuối năm thì có một ông cán bộ tới. Ổng tìm mọi cách để bốn má con con phải dồn vào ở một phòng, nhường lại căn phòng hai mươi mét vuông cho ổng. Nhà ổng đang ở cũng hai phòng như nhà con. Má con không chịu. Thế là vợ ổng bắt đầu gây chuyện. Má con đi làm ở nhà máy dệt, toàn làm ca ba. Làm ca ba để có nhiều tiền hơn. Đêm nào vợ ổng cũng cho người ném đá, hù dọa mấy chị em con. Chúng con sợ lắm, ngủ không được. Ban ngày con đi học, con bị ổng chặn đường đánh, giật cặp, xé sách tập. Rồi bả kêu mất đồ, kêu công an lại xét. Công an tìm thấy cái đồng hồ Seiko ở dưới giường của con. Con bị bắt giải lên huyện. Má con lên xin không được. Chú coi, từ nhỏ đến giờ, con có biết ăn cắp hồi nào. Nhà con nghèo nhưng con không bao giờ mắc chuyện đó. Sau khi phải lao động cải tạo ở huyện mười ngày, con lại bị nhà trường cho nghỉ học. Về nhà, một tháng sau lại xảy ra chuyện tương tự. Bà ấy kêu mất cắp. Công an xét, thấy chiếc dây chuyền của bả ở nóc tủ nhà con. Thế rồi con bị bắt đúng vào ba giờ sáng, giải thẳng lên đây. Con không biết đây là đâu. Má con đi làm về chắc là sẽ khóc hết hơi thôi. Tội nghiệp má. Má ơi! Con không ăn cắp của ai. Chỉ vì họ muốn cướp căn nhà con mà họ bày đặt. Chú ơi! Làm sao con nhắn cho má con biết con ở đây, hả chú?
Trong hồ sơ của cô bé lại ghi: “Gái làm tiền, lừa đảo, trộm cướp... Yêu cầu cải tạo lao động dài hạn”. Trại trưởng gí sát vào mặt Đước tập hồ sơ ấy. Đước nhìn những hàng chữ viết bằng bút bic, nét chữ xiên xẹo. Trại trưởng cười hô hố và mỉa mai: “Ốc không mang nổi mình ốc còn đòi mang cọc cho rêu! Thôi đi cha nội, đừng giả đò cao đạo nữa! Có xài con bé thì xài, chứ làm bộ chú cháu con mẹ gì. Không xài thì trước sau bọn khốn nạn kia nó cũng đớp!”.
Một lần nữa, Đước toan giáng cho trại trưởng một cú, nhưng anh kịp dừng tay lại. Đêm ấy, anh không ngủ được, tự rủa mình là quân hèn đốn đã không giáng cho thằng khốn nạn một cú gãy vụn xương mặt. Ai khốn nạn hơn ai, hả trại trưởng? Anh mới là kẻ khốn nạn khi anh nói những lời ấy. Tội nghiệp cô bé, ở môi trường này làm sao cô có thể trở nên người tốt được nếu thực sự cô có tội? Mà cô bé thì chắc chắn là vô tội rồi. Chỉ nhìn vào đôi mắt trẻ thơ của cô, chứng kiến gương mặt co rúm lại vì sợ hãi của cô là đủ rõ.
Đêm nào Đước cũng là người thức khuya nhất và dậy sớm nhất. Anh thức để canh chừng bảo vệ cô bé. Nhưng anh đã thất bại. Bọn khốn nạn đã tàn phá tiết trinh của cô bé. Chúng đã rắp tâm từ lâu rồi và tính toán rất kỹ. Vào đúng lúc Đước sơ hở nhất: Sau giờ ăn trưa, giữa ban ngày - là lúc Đước không ngờ. Anh vừa thiu thiu ngủ thì bọn chúng chụp thuốc mê cho anh lịm đi. Một đứa qua dãy nhà tù nữ kêu cô bé: “Chú Đước bệnh, sốt mê man...”. Cô bé cả tin chạy ù sang. Và... chúng sập cửa phòng lại, nhét khăn mặt vào miệng cô. Những người mặc sắc phục không biết hoặc là không can thiệp...
Bọn chúng thay nhau hãm hiếp cô bé cho đến khi cô ngất xỉu mới chịu dừng lại, cũng là lúc kẻng báo giờ làm việc buổi chiều. Đước tỉnh thuốc mê, bàng hoàng nhìn cô bé thân thể lõa lồ bầm dập. Cô bé thoi thóp thở. Đước bung cửa nhào ra sân gào lên. Nhưng bốn bề vắng lặng. Âm thanh tuyệt vọng, căm uất của anh dội trở lại tai anh. Mắt anh đỏ ngầu. Anh nhìn lên dãy nhà có phòng làm việc của trại trưởng. Đúng lúc đó, trại trưởng xuất hiện: “Ê, trốn hả mày! Đi làm đi chớ, ở đó gào thét cái chi?”.
Đước gầm lên: “Vô đây mà coi! Thằng khốn nạn!”. Chưa dứt lời, cú đấm khủng khiếp của Đước làm cho bản mặt trại trưởng xẹp lép như quả cà nén. Máu từ mặt hắn văng tứ tung. Hắn rống lên yếu ớt rồi đổ sụp xuống. Đước lấy khăn mặt của mình, nhúng nước lau mặt, lau người cho cô bé. Anh bật khóc. Lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên anh khóc. Lần anh khóc trước đó là năm 1959, khi má anh bị giặc bắn chết trong rừng đước. Hai mươi hai năm sau, anh lại khóc nấc lên trước cảnh đau lòng này. Nước mắt anh rơi lã chã trên gương mặt thanh tú của cô bé. Cô từ từ mở mắt, cũng lúc đó, hai người mặc sắc phục mang súng lao vào. Họ còng tay Đước lôi anh đi...
*
* *
Sức chịu đựng của con người dẻo dai được đến độ nào là thuộc vào ý chí của người đó. Đối với Đước, đã một năm ba tháng rồi, anh chưa liên lạc được với Trầm, em ruột của mình; chưa liên lạc được với ông Ba Tràm và Út Thơm, những người mà anh coi là thân thiết nhất; chưa liên lạc được với những người hiểu anh, thương anh tại Mỏ Tôm. Bị cách ly với những người thân yêu nhất, anh càng tin vào nhận định: Kẻ chủ mưu bắt anh, hãm hại anh dứt khoát không phải là Đảng, không phải là Nhà nước. Nó chỉ đội lốt, giả danh, mượn áo mão. Gan ruột nó là chó sói. Vì thế, anh quyết chí sống và chịu đựng thử thách đến cùng. Anh tin rằng chân lý, công lý sẽ chiến thắng. Niềm tin ấy là ý chí mãnh liệt tăng sức chịu đựng không ngừng cho Đước. Ngày trước, khi Má bị giặc bắn chết, anh bỏ nhà đi Giải phóng vì anh tin là anh sẽ trả thù được cho Má, cho bà con, cho xóm ấp. Trải qua hàng trăm trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù, anh đã chiến đấu và chỉ huy đồng đội của mình luôn chiến thắng là nhờ niềm tin của anh vào chính nghĩa của dân tộc. Trong khi cả huyện, cả tỉnh rần rần rộ rộ làm cải tạo theo kiểu cưỡng bức ngư dân để lấy thành tích; trong khi cấp dưới cùng cấp trên thi nhau nói dối, thi nhau nói theo chiều lãnh đạo, không ai dám nghĩ khác, nói khác, làm khác thì anh dám nói khác đi, làm khác đi, là vì anh tin ở điều mình nói, mình đề xuất mới là vì dân, hợp lòng dân, là có lợi cho dân cho nước. Bị bắt, bị đầy ải bằng cách giam chung với bọn tội phạm, anh đã vươn lên, tỏa sáng nhân cách của mình, chịu ăn đòn của bọn tội phạm để kiên nhẫn thuyết phục chúng. Nhưng anh cũng sẵn sàng đối chọi trừ khử những con sói khát máu nhất để tự bảo vệ mình. Cô độc giữa bầy tội phạm, anh vẫn tồn tại được và cảm hóa được khá nhiều người - ấy là nhờ ý chí tuyệt vời của anh. Ý chí ấy được rèn đúc từ tình yêu. Đước yêu con người, yêu cuộc đời này, yêu rừng đước rừng tràm, yêu biển, yêu dòng nước bạc đầy cá tôm với những lời ca… Vì những cái đó mà Đước trụ bám đến cùng.
Trại cải tạo “Ba lẻ tư” có hàng trăm tội phạm. Công việc của tội nhân ở đây là: Một tuần học tập một ngày, còn lại là khai thác gỗ, xẻ gỗ thành ván sàn xuất khẩu. Cứ một tháng lại có xe đến chở gỗ đi. Lương thực, thực phẩm cho người được cải tạo do họ tự lo lấy. Còn quần áo, vải vóc, thuốc men... ai có thân nhân gửi tới thì xài. Ai không có thì lừa gạt, ăn cắp, ăn cướp của nhau. Vẫn là nghề nghiệp cũ.
Trại trưởng “Ba lẻ tư” mãi mãi vẫn là người khó hiểu đối với Đước, mặc dù càng ngày trại trưởng càng tỏ ra hiểu Đước hơn. Ấn tượng về một con người cao nhã ngay từ hôm đầu gặp gỡ tỏ ra ngày một vững chắc. Khác hẳn với ba trại trưởng trước mà Đước đã giáng cho cú đấm gãy nát xương quai hàm, trại trưởng “Ba lẻ tư” không phải là cái máy thi hành mệnh lệnh. Anh ta là con người chứ không phải người máy. Anh ta đọc hồ sơ phạm nhân rồi luôn tìm mọi cách tìm hiểu xem những điều ghi trong đó là đúng hay sai, đúng một chút hay sai hoàn toàn. Anh ta thẳng thắn một cách chua chát khi thốt lên với Đước rằng, trong đời làm công an, anh ta đã từng gặp không ít hồ sơ giả, hồ sơ được dựng lên. Và anh luôn luôn đòi làm sáng tỏ những trường hợp ấy. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao các bạn cùng tốt nghiệp Đại học Công an với anh đã lên tới cấp tá, giữ những trọng trách ở các thành phố lớn; còn anh, vẫn chỉ là trưởng trại tù giữa rừng.
Hầu như ngày nào trại trưởng cũng dành một hai giờ tiếp xúc với phạm nhân. Một điều khiến Đước rất chú ý là với bất cứ ai, trại trưởng cũng nói chuyện với tư cách con người nói với con người. Đước ở trại “Ba lẻ tư” đã bốn tháng rồi mà chưa hề thấy một trường hợp nào trốn trại. Nhân viên và trại trưởng cùng lao động với tù nhân. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ đánh chửi, thanh toán nhau trong đám tù thường phạm, nhưng bao giờ trại trưởng hoặc các đồng sự của anh cũng can thiệp kịp thời.
Nạn sốt rét hoành hành dữ dội. Thuốc thiếu. Sức lực tù nhân bị kiệt. Trại trưởng nhường tiêu chuẩn thuốc của mình cho Đước, Đước từ chối. Khi Đước sốt cao, mê man bất tỉnh, trại trưởng tự tay chích thuốc cho Đước. Sau khi cắt sốt, Đước phải tập đi. Trại trưởng dìu anh đi theo con suối ngược lên rừng. Đước co ro trong chiếc áo lính đã rách, anh cố giấu sự mệt mỏi nhưng không được. Đước nói mà hai hàm răng thấy quá nặng nề, không há nổi miệng:
- Khí hậu độc quá! Anh có thấy là nước suối này lúc nào cũng lạnh ngắt như nước đá không?
Trại trưởng cởi áo khoác của mình choàng cho Đước:
- Tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên, nhưng không được trả lời. Tôi biết lắm chứ. Chúng ta đang ở sâu trong rừng nguyên thủy. Nơi đây chưa hề có vết chân người. Hồi mới đến, đêm nào cũng có hổ vào trại.
Đước im lặng. Trại trưởng tiếp:
- Lao động suốt ngày, ăn uống kham khổ nên anh em bị sốt rét quật ngã hết lượt. Tôi đã viết quá nhiều báo cáo gửi đi rồi... Khổ nỗi, tôi đã cấm anh em không được uống nước suối, phải uống nước nấu sôi, nhưng không ai nghe... Cả trại chỉ có một y sĩ, đồng chí ấy chỉ là y tá, học hàm thụ chưa hết chương trình.
Đột ngột Đước nhìn thẳng trại trưởng:
- Vì sao anh không giúp tôi liên lạc với em trai tôi?
- Người ta cấm tôi. Lệnh cấm nói rằng anh là tội phạm rất nguy hiểm và...
- Và phải biệt giam chớ gì? Nhưng anh đã trái lệnh cấm, cho tôi được đi lại...
- Riêng khoản liên lạc với gia đình, trường hợp của anh, tôi không được phép. Chỉ cần người ngoài biết anh đang bị giam ở đây là tôi bị kỷ luật ngay.
Đước ngồi xuống vì mệt quá. Anh không đi nổi nữa. Trời ngả về chiều. Rừng già âm âm u u lạnh lẽo. Trại trưởng nhắc Đước quay về kẻo tối. Đước vẫn ngồi, đăm chiêu nhìn dòng suối. Nước suối gần như tù đọng, không lưu thông. Lá rừng thối rữa xông lên mùi khó chịu. Màu của nước vàng rộn như màu da tù nhân bị sốt rét và xơ gan.
- Anh hiểu cho tôi... - Trại trưởng nói.
Đước ngắt lời:
- Đừng nói gì nữa! Thế mà tôi đã tưởng... nhưng anh cũng chỉ là cái máy chỉ biết thi hành lệnh. Chẳng qua... anh còn ráng giữ lại một chút người chưa để hóa máy móc trọn vẹn...
- Có lẽ vì thế mà mấy tháng rồi nhỉ, ờ… sáu tháng rồi kể từ ngày anh đến trại, anh vẫn không đáp ứng đề nghị của tôi: Kể cho tôi nghe toàn bộ sự thật về đời anh.
- Làm chi, vô ích. Không lẽ tôi đi kể cho một cái máy nghe à?
- Anh phải biết nể nang chứ. - Trại trưởng tự ái nhưng kìm được - Tôi là kẻ biết suy nghĩ kia mà!
- Không. Chẳng có gì khác nhau. Có khi còn nguy hiểm hơn, trại trưởng ạ. Kẻ thì dùng đánh đập để lấy cung. Kẻ thì dùng miệng lưỡi ngọt ngào...
- Anh nỡ nghĩ về tôi như vậy sao, anh Đước? Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ về anh, tôi biết anh bị oan. Chỉ riêng việc chưa thành án mà anh bị bí mật giam ở đây đã đủ nói lên có sự mờ ám rồi.
- Đừng dụ dỗ vô ích. Tôi không là con nít. Tôi không nói đâu. Coi chừng, tôi có cú đấm ghê hồn đó.
Trại trưởng cười thật độ lượng, mắt nhìn vào mắt Đước:
- Tôi biết chắc là anh sẽ không bao giờ sử dụng cú đấm ấy với tôi.
“... Tại sao hắn tỏ ra rất thương mình, tôn trọng mình, mà điều duy nhất có ý nghĩa, hắn có thể giúp mình là nhắn tin cho Trầm, hắn lại không làm?”. Đước bị dày vò rất nhiều, đau khổ rất nhiều về chuyện không làm sao tự giải oan được. “Mọi người có tin là mình bị bắt về tội tổ chức vượt biên không? Còn Trầm, em sống và làm việc sao được với dư luận: “Ba vượt biên; anh ruột tổ chức vượt biên, bị bắt giam biệt xứ!”?... Chắc chắn là em sẽ khổ nhiều; xã hội, cơ quan sẽ nghi kị. Riêng em, anh nghĩ là không bao giờ em tin lời bịa đặt ấy... Biết đâu giờ này em đã tìm thấy ba rồi. Cầu mong cho em tìm thấy ba. Còn nếu chưa tìm được ba thì cầu mong cho em hãy giữ vững ý chí”.
Đước ăn hết hai tô cháo hành nóng lột lưỡi. Mồ hôi anh túa ra. Anh biết mình đã qua cơn sốt hiểm nghèo.
Trong trường hợp của Đước, tồn tại được là hiếm có. Không liên lạc được với thế giới bên ngoài. Bao ước mơ bị chôn vùi. Nhiệt tình với cuộc sống bị coi là tội phạm. Nghĩ đến dân, muốn làm cho dân giàu bị coi là chống Đảng… Cho đến lúc này, sau khi hết hy vọng ở tay trại trưởng “Ba lẻ tư”, Đước mới làm một cuộc tổng phân tích lại sự đời. Điều anh rút ra được sao mà chua chát thế. Trong chiến tranh, bọn cơ hội, bọn lừa thầy phản bạn không có đất đứng, bị vạch mặt chỉ trán. Còn bây giờ, bọn chúng lại được tin dùng, nghênh ngang nói đến tính Đảng, đến lòng trung và đạo đức cách mạng. Không ai khác, chính thằng Phái là kẻ chủ mưu dựng lên vụ án “tổ chức vượt biên” để bắt anh. Đước tin chắc như thế. Chính thằng Phái, thằng đã “lập công” bằng việc nhắm mắt thi hành lệnh cải tạo đối với ba anh; thằng đã bị mẹ con mụ Bảy Tụ mua đứt, bằng cả vật chất lẫn xác thân; thằng đã áp dụng một cách mù quáng chính sách cải tạo ngư dân, làm suy sụp nghề biển ở Mỏ Tôm. Chính nó đã dựng nên vụ án này để tiêu diệt anh. Tại sao hôm bắt gặp quả tang nó hành lạc trong nhà Bảy Tụ, anh đã không tri hô lên, vạch mặt hắn? Không, anh không làm những việc như thế.
Giờ này, anh ở trong tù.
Còn nó, biết đâu, nó đã được đề bạt lên chức cao hơn rồi!