Đúng như điều Đước dự đoán. Sau khi Đước bị bắt hai tháng thì Trọng Phái được đề bạt làm phó chủ tịch huyện phụ trách nông lâm ngư. Chức trưởng phòng thủy sản vẫn do Phái nắm. Ở Mỏ Tôm lúc này, uy tín của Phái rất nổi. Ai cũng khen ngợi Phái là người hào hiệp lại có bằng cấp. Ấy là chưa nói đến tư cách. Phái tự xưng là “Chủ tịch hội những người chống để tóc dài!”... Bí thư huyện ủy bệnh nặng, không điều hành công việc được, chủ tịch huyện lên thay. Chức chủ tịch huyện vào tay Phái. Huyện Mỏ Tôm trở thành điển hình về công tác cải tạo ngư nghiệp. Đây là huyện duy nhất có một xí nghiệp quốc doanh đánh cá. Ở Mỏ Tôm, mọi người được loan tin, tất nhiên là tin không chính thức, rằng Đước đã vượt ngục và bị bắn chết khi chạy trốn. Tin này tung ra khi Đước sử dụng cú đấm với viên trại trưởng thứ nhất. Ngay sau đó, anh bị giải đi trại giam mới, ngoài phạm vi địa phương quản lý.
Em ruột anh, kỹ sư Lê Ngọc Trầm, sau khi được giám đốc Liên hiệp Dịch vụ Biển rút từ giàn khoan về, đã nhận chức đội trưởng một đội xây dựng. Trầm làm tạp dịch ở giàn khoan được một năm. Giám đốc phát hiện ra mình có một nhân viên giỏi: hai bằng kỹ sư, giỏi hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Thế là ông rút Trầm về đất liền. Giám đốc giàn khoan của Công ty Deminex (Cộng hòa Liên bang Đức) mời anh làm việc với mức lương hai chục ngàn đô la một tháng. Trầm không thuận. Anh về đất liền làm đội trưởng, hưởng lương cơ bản sáu mươi bốn đồng.
Trầm đã tìm ba và tìm anh khắp nơi. Ở vùng rừng đước, rừng tràm cực Nam, anh nhờ người dò hỏi tin ba. Trầm nghĩ rằng không đời nào ba anh vượt biên. Tự nguyện hiến tài sản, hiến xí nghiệp đông lạnh, không được chấp thuận, lại bị qui là tư sản mại bản, ức quá mà ông bỏ đi biệt tích. Nhưng làm sao ông có thể rời xa được biển quê mình.
Mất ba rồi đến mất anh. Có lúc Trầm như tuyệt vọng. Anh về Mỏ Tôm gặp gỡ bà con ngư dân. Không một ai tin vụ án “tổ chức vượt biên”. Ai cũng cho là Đước bị oan. Trầm đi tìm khắp các trại giam. Không nơi nào có người tên là Lê Văn Đước. Anh viết đơn khiếu nại gửi khắp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Im lặng. Không cơ quan nào trả lời anh. Rồi tin Đước vượt ngục bị bắn chết được truyền đi...
Ông Ba Tràm ở Xẻo Đước lập bàn thờ, cúng cơm cho con rể tương lai. Út Thơm khóc suốt một tuần rồi bệnh liệt giường. Chủ tịch huyện mấy lần đến tận nhà thăm nhưng Thơm cương quyết không tiếp chuyện. Phái vẫn không bỏ cuộc. Khi đẩy được Đước vào nhà tù của cấp Trung ương quản lý, Phái hoàn toàn yên lòng. Mối hiểm họa thế là chấm dứt. Nó sẽ rũ xương trong tù. Phái nghĩ thế, và quyết tâm chiếm đoạt Út Thơm. Hai lần ôm hụt và hôn hụt, Phái đã bị ăn hai cái tát, nhưng Phái không nản. Từ khi biết thèm muốn con gái đến giờ, Phái chưa thất bại, chưa bỏ cuộc bao giờ. Nhất là bây giờ, con mồi này Phái cho là đẹp nhất, ngon nhất.
Phái đặt gói quà xuống mặt bàn, gói quà mụ Bảy Tụ chuẩn bị cho Phái để Phái mang về Sài Gòn cho vợ của Phái. Phái ngồi xuống ghế, chống một tay vào mép giường của Thơm. Chưa kịp giở tài nghệ tán tỉnh ra thì Thơm đã gắng sức ngồi bật dậy, chỉ tay vào mặt quyền chủ tịch huyện:
- Bước ngay ra khỏi nhà tôi! Đồ ác nhơn! Chính anh đã hãm hại, đã giết chết chồng tôi. Bước ngay! Cút đi!
Phái hốt hoảng đứng lên, chưa kịp nói gì thì có tiếng máy Kôle cập vào nhà và tiếng ông Ba Tràm chạy từ ngoài vào. Tay ông Tràm cầm lưỡi mác sáng loáng. Ông trừng mắt, căm hờn nhìn Phái. Chủ tịch huyện đành hối hả chuồn. Ông Ba Tràm lặng lẽ rót nước cho con gái uống thuốc, lo lắng và đau khổ hiện rõ trong ánh mắt ông nhìn con. Út Thơm trào nước mắt. Cô khóc tức tưởi nhìn cha đang thắp nhang khấn trước bàn thờ. Cả ba bát nhang trên bàn thờ đều nghi ngút khói. Bát nhang trên cùng là thờ ông bà tổ tiên. Bát ở dưới là thờ má của Thơm. Và cái bát nhang mới kia là dành cho Đước. Thơm khóc nấc lên:
- Ba ơi! Ảnh không chết đâu ba! Ảnh còn sống mà. Đêm nào con cũng gặp.
- Ừa. Ráng nằm ngủ đi con. Suốt đêm con nói mớ, ba cũng tin là nó còn. Ba thắp nhang cầu Trời Phật, cầu ông bà phò hộ cho nó. Thế nào nó cũng về với con.
Suốt đêm, ông Tràm ngồi với chai rượu. Không phải ông nuốt ngụm rượu vào, mà là nuốt giận, nén chặt nỗi căm uất trong lòng.
*
* *
Lại một người tù nữa chết. Hắn ta làm nhiệm vụ lao công tạp dịch ở khu vực văn phòng trại, sáu mươi lăm tuổi. Trước năm 1975, người này đã lãnh án chung thân vì can tội giết người cướp của. Lúc gây án, tù nhân này bốn mươi tuổi. Hắn đã giết trọn một gia đình gồm bốn người trong một đêm. Một tháng sau, hắn mới bị bắt khi đang bán số vàng, hột xoàn cướp được.
Tháng tư năm 1975, Cách mạng vào giải phóng trại tù. Trong cảnh hỗn độn lúc ấy, hắn được tự do. Nhưng ngay Tết năm ấy, hắn đã nhận tiền của bọn phá hoại để đặt bom phá nổ một cơ sở quan trọng trong thành phố. Chưa kịp gây nổ, hắn bị phát hiện.
Thấy hắn đã quá già yếu, trại trưởng cho làm tạp dịch ở khu vực văn phòng. Chẳng hiểu mâu thuẫn tranh chấp gì với đồng bọn, hắn bị bóp cổ chết ngay trên giường, giữa đêm khuya.
Có vẻ như trại trưởng đã phát hiện ra tên giết người. Cũng có thể là chưa. Nhưng linh tính báo cho Đước biết lại sắp có đổ máu trong trại. Cứ sau mỗi đám tang, trạng thái thần kinh của bọn tội phạm hầu như bị kích động. Chúng là những kẻ cùng đường, biết chắc là trước sau gì cũng chết trong tù. Bởi thế, cứ mỗi lần có một người tù chết, dù là chết vì bệnh hay chết do đồng bọn thanh toán, bao giờ cũng xảy ra một cái gì đó. Có kẻ tự sát, có kẻ giết công an rồi trốn trại. Trong đám tang người tù làm tạp dịch, Đước phát hiện ra tên Hùng khỉ đột lén nhìn trại trưởng với tất cả sự thù hằn. Hùng khỉ đột nói nhỏ với tên đi cùng điều gì đó, Đước nghe được chúng nhắc đến tên của trại trưởng. Tự nhiên Đước hình dung ra các âm mưu mà bọn chúng đang rắp tâm...
Đêm ấy... Đước lại mất ngủ. Anh không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện Hùng khỉ đột. Trước kia nó là trung úy dù. Sau giải phóng, nó trốn cải tạo và lập đảng cướp ở khu vực cầu Bình Lợi, dọc theo xa lộ Đại Hàn. Mãi đến năm bảy chín nó mới bị bắt. Trước tòa, nó khai đã cướp hàng trăm vụ và trực tiếp giết một mạng người. Hồi sáng, Đước phát hiện ra Hùng khỉ đột bàn soạn bí mật với hai tên khác. Chúng nhắc đến tên người trại trưởng. Biết đâu, đêm nay chúng hành động, giống như đêm qua chúng bóp chết người tù lao công? Phải coi chừng tụi này.
Nhưng suốt đêm ấy, mọi việc vẫn như thường.
Sáng hôm sau, lúc điểm danh, Hùng khỉ đột và hai tên nữa cáo bệnh, xin nghỉ làm. Đước được trại trưởng giao làm tạp dịch ở khu văn phòng thay cho người tù vừa bị giết. Trại trưởng còn cho phép Đước được dọn lên phòng đặc biệt ngay sát phòng làm việc của trại trưởng. Xưa nay, phòng này dùng để giam tội nhân nguy hiểm, không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Đước mỉm cười, lẽ ra ngay từ đầu, nếu không có trại trưởng thì anh phải chịu chế độ biệt giam ở căn phòng này rồi. Đước thu xếp căn phòng mất mươi phút. Thế là từ nay, anh thoát khỏi cảnh chung chạ với bọn tội phạm hình sự. Anh thở phào, nhẹ nhõm với cảm giác như vừa được tháo xiềng.
Buổi trưa, cũng lại buổi trưa. Đước vừa chợp mắt một lát thì giật mình vì những tiếng động ở phòng trại trưởng. Anh chụp lấy con rựa dưới đầu nằm, lẹ làng lao đến. Hùng khỉ đột đang khóa chặt hai tay trại trưởng và đập đầu trại trưởng vào tường. Ở góc phòng, xác một tên đồng bọn của Hùng khỉ đột nằm vật trên vũng máu. Thì ra một mình trại trưởng đã chọi hai tên. Vậy còn một tên nữa, hẳn là nó canh gác bên ngoài. Không chần chừ một giây, Đước xô cửa lao vào như tên bắn. Đước dồn sức đá một cú vào mạng sườn Hùng khỉ đột. Hắn thét lên một tiếng, buông tay trại trưởng và gục tại chỗ. Đước cúi xuống nâng trại trưởng dậy thì linh tính báo cho anh hay đứa thứ ba đang lao vào đâm anh từ phía sau. Đước lộn người liền hai vòng và đứng bật dậy, rút con rựa sáng loáng lao vào đối thủ. Một ánh thép nháng lên. Anh né người tránh lưỡi dao của tên thứ ba phóng tới, đồng thời tay phải anh vung lên xả con rựa xuống vai đối thủ. Lưỡi dao của tên thứ ba xén ngọt lớp thịt mỏng ở bắp tay trái, máu phun ra. Đước bặm môi lo cấp cứu cho trại trưởng. Khi lực lượng bảo vệ tới thì trại trưởng đã mở được mắt. Hai tên tù chết tại chỗ. Hùng khỉ đột được đưa về thành phố cấp cứu. Ba cái xương sườn bị gẫy đã biến thành những mũi dùi găm vào lá gan của hắn.
*
* *
Trại trưởng bị cấp trên khiển trách rất nặng về chuyện buông lỏng quản lý. Một trung úy được điều về làm trại phó. Từ trước, chưa có ai làm phó cho trại trưởng, chỉ có các chỉ huy trung đội trực thuộc trại trưởng. Đây là đề nghị của trại trưởng để bộ máy đỡ cồng kềnh. Trong thâm tâm, trại trưởng không muốn các chiến sĩ trai trẻ đồng nghiệp của mình phải hy sinh những năm tuổi trẻ, chui vào rừng sâu để quản lý bọn tội phạm. Anh có cả một dự án dùng tù quản tù nhưng cấp trên không cho phép. Đây là tội phạm nguy hiểm. Một tên trốn được ra lập tức gây án liền. Cấp trên phê anh là ảo tưởng, hữu khuynh. Họ điều về một trung úy làm trại phó, trong quyết định ghi rõ: thêm cả chức bí thư chi bộ. Từ ngày ấy, chế độ tuần tra tăng cường rất nghiêm ngặt. Âm mưu của nhóm Hùng khỉ đột thanh toán trại trưởng cướp súng, cướp chìa khóa xe hơi để chạy trốn đã đổ bể. Người tù làm tạp dịch từ chối không tham gia nên đã bị Hùng khỉ đột bóp cổ chết. Khi liệm xác, trại trưởng phát hiện lá thư nạn nhân viết để trong gấu áo... Mảnh giấy nhỏ vỏn vẹn có vài chữ: “Ông trại trưởng coi chừng! 12 giờ đêm mai có kẻ hại ông để cướp xe trốn”. Trại trưởng giữ kín chuyện này, chỉ nhắc các chiến sĩ của mình bảo vệ doanh trại, bảo vệ xe Jeep, nhất là từ mười giờ đêm trở đi. Nhưng không rõ là mảnh giấy được viết từ lúc nào, nên thời điểm “mười hai giờ đêm mai” là đêm nào thì trại trưởng chịu. Đành là phải tăng cường cảnh giác. Nào ngờ, Hùng khỉ đột đã hành sự vào mười hai giờ trưa. Nếu không có Đước thì trại trưởng bị giết rồi.
- Tôi chịu ơn anh! - Trại trưởng nói với Đước - Không có anh đến kịp thì...!
- Khỏi nói chuyện ơn nghĩa... - Đước tính nói thêm: “Tôi không bắt anh trả ơn tôi đâu mà lo”, nhưng anh lại thôi.
- Sao, anh nói tiếp đi chớ. Tôi đang tìm cách đền ơn anh. Còn anh, anh định nói là không cần tôi trả ơn phải không? Anh Đước này. Đừng khinh tôi nữa. Đúng là tôi cũng chỉ là thằng người máy. Nhưng bắt đầu từ hôm anh cứu tôi, tôi đã hiểu ra. Chẳng qua, chỉ vì tôi còn quá nhiều ảo tưởng...
- Chắc anh muốn nói ảo tưởng về sự hoàn lương phục thiện của bọn tù hình sự?
- Không! Tôi muốn nói, tôi còn quá nhiều ảo tưởng về nhiệm vụ, về tiền đồ... Tóm lại, về những thứ dính đến cá nhân mình. Tôi chỉ lo cho mình mà không dám giúp anh liên lạc với gia đình, dù rằng tôi biết anh bị oan. Tôi... hèn đốn là ở đó. Với anh, tôi đáng là kẻ bị khinh bỉ! Tôi đã tự sỉ vả mình cả tuần nay. Nay tôi quyết định nói hết với anh. Tôi hứa sẽ giúp anh mọi chuyện, nếu anh kể cho tôi nghe hết. Nếu đúng như tôi nghĩ, tức là anh vô tội, tôi sẽ giúp anh ra khỏi nơi này. Dù có phải ngồi tù tôi cũng làm.
Đước im lặng. Cho đến lúc này, anh vẫn chưa hiểu được trại trưởng là loại người nào.
Lòng oán hận những kẻ đồng lõa hãm hại anh ngày càng chất chồng, đồng thời lòng khát khao tự do càng bùng cháy mãnh liệt. Nhưng có thể trông mong gì ở tay trại trưởng này?
Một tuần nữa qua đi, trại trưởng đối xử với Đước càng chân tình hơn. Buổi sáng, anh được trại trưởng mời uống trà. Về sau này trại trưởng mới biết rằng, trung úy trại phó đã báo cáo với cấp trên rất chi tiết từ những chén trà buổi sáng đến viên thuốc sốt rét mà trại trưởng dành cho tên tù nhân...
Đước bắt đầu kể.
Hai người gặp nhau mỗi ngày được vài chục phút. Cũng có khi cả giờ đồng hồ, khi mà không có ai cản trở họ. Đước kể cho trại trưởng nghe toàn bộ cuộc đời, gia thế của mình. Trại trưởng lắng nghe Đước một cách say mê. Nhiều khi, họ bỏ cả bữa ăn để ngồi với nhau, bên bờ suối, chỗ hai cái mả của hai người bị hổ vồ.
Đêm đêm, trại trưởng ghi lại trong cuốn sổ của mình. Anh ngồi viết không phải ở bàn làm việc của trại trưởng, mà ở cái bàn viết luôn có bình hoa tươi đặt kế bên chiếc tủ sách đầy ắp. Đêm nào anh cũng làm việc rất khuya mới đi ngủ. Mỗi đêm, trại trưởng viết được năm, bảy trang. Có đêm, một hai giờ sáng anh mới tắt đèn vì quá mệt. Lúc ấy, trại trưởng bước ra ngoài, anh hít thở hương rừng đầy lồng ngực và làm những động tác dãn gân cốt. Cũng có đêm, trại trưởng mệt quá ngủ thiếp đi ngay trên trang sổ tay viết dở. Trung úy phó trại, nhờ những lúc như thế, đã đọc được những điều trại trưởng viết. Theo đúng tác phong chấp hành mệnh lệnh của người lính, trung úy phó trại viết báo cáo gửi lên cấp trên. Với trí nhớ khá tốt, nhiều lần trong báo cáo, trung úy đã ghi lại hầu như nguyên bản những điều trại trưởng viết. Tất nhiên là trung úy đã lược bỏ những câu, những đoạn có tính chất cảm tưởng, miêu tả thiên nhiên, hay những đoạn nhớ vợ thương con. Nội dung của một trong nhiều báo cáo do trung úy gửi đi như sau:
“Tôi thực sự kinh ngạc vì không thể hiểu nổi tại sao đồng chí trại trưởng lại có những suy nghĩ xa lạ với quan điểm của Đảng ta. Đồng chí trại trưởng viết cho ai? Viết để làm gì khi anh ta viết rằng: “Sau những đợt cải tạo, hàng loạt xí nghiệp ở miền Nam được quốc hữu hóa. Hàng loạt hiệu buôn lớn trưng bảng hiệu quốc doanh. Hai chữ “quốc doanh” trở nên mốt thời thượng cho bất cứ một cơ sở sản xuất kinh doanh nào: Xí nghiệp quốc doanh 30 tháng Tư, Xí nghiệp quốc doanh cán kéo dây đồng, Xí nghiệp quốc doanh tôm đông lạnh, Xí nghiệp quốc doanh sản xuất kem đánh răng quận..., Xí nghiệp quốc doanh sửa chữa cơ khí huyện..., Quốc doanh rút hầm cầu, Công ty quốc doanh vệ sinh mai táng, Cửa hàng thương nghiệp quốc doanh bách hóa bán lẻ, Cửa hàng ăn uống quốc doanh, Quốc doanh in số..., Quốc doanh phát hành sách báo v.v...”.
*
* *
Chiếc xe Paz của Liên hiệp Dịch vụ Biển dừng lại trước thềm khách sạn Thanh Bình. Đây là khách sạn đẹp và sang nhất Vũng Tàu. Ở quầy lễ tân là những cô gái xinh đẹp. Trong số ấy, Thiền Lan đứng số một với biệt danh: Người đẹp Vũng Tàu. Thiền Lan cười duyên đáp lại lời chào của khách. Giọng cô trẻ trung, phát âm tiếng Anh rất chuẩn, cô nói với những người đi biển về:
- Đã đến giờ ăn tối, xin mời! Xin chúc quí khách ăn ngon.
Những tiếng “Thank you” đáp lại. Mọi người lên phòng ăn ở lầu một, nhiều người ngoái lại tế nhị ngắm cô gái: đôi mắt bồ câu có sức hấp dẫn kỳ lạ, chiếc áo dài màu thiên thanh nổi bật thân hình...
Ở cửa phòng ăn, Maitre d’hôtel Trần Năm niềm nở hướng dẫn khách vào bàn. Ở những dãy bàn khác, khách đã ngồi hết ghế. Thoáng thấy một thanh niên mặc quần soóc, ở trần, ngực nở nang đầy lông màu hung đỏ, ông Năm đến gần, nói bằng tiếng Anh vừa đủ cho người ấy nghe:
- Cảm phiền anh, xin mời mặc áo vào!
- Excuse me (hãy thứ lỗi cho tôi).
Khách đỏ mặt, vội vàng lấy áo mặc. Trên ngực áo pun của anh ta nổi bật dòng chữ bằng tiếng Anh: “Biển yêu anh”. Họ là những khách du lịch quốc tịch Úc, do tiến sĩ hải dương học Manphret Uytman dẫn đầu. Uytman trước đây đã tốt nghiệp viện hải dương học, tình nguyện nhập ngũ là đại úy trong lực lượng viễn chinh của quân đội Hoàng gia Úc sang Việt Nam đánh thuê cho Mỹ. Đơn vị của Uytman đã từng đóng tại bãi Sau của Vũng Tàu, nơi mà hôm nay Uytman thấy mọc lên một khách sạn du lịch tuyệt đẹp mang tên “Hotel Hữu Nghị”. Năm 1970, Uytman cùng đồng đội phản chiến, đòi về nước. Anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hải học thì được Phong trào Hòa bình Úc cử làm trưởng đoàn du lịch sang Việt Nam. Trên ngực áo của Manphret Uytman cũng in đậm dòng chữ tiếng Anh: “Welcome to Vũng Tàu”.
Trong mùa Nôen mà được tắm biển thỏa thích, đó quả là món quà quí của Vũng Tàu. Nhưng đối với M. Uytman và những đồng bào Úc của anh, điều thú vị hơn là được thấy đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách; được thưởng thức những món ăn đặc sản của Việt Nam. Là người say mê nghiên cứu đại dương, Uytman mê những món ăn từ biển. Dưới quyền chỉ huy của người Maitre d’hôtel nổi tiếng là Trần Năm, những món ăn cực kỳ hấp dẫn được các cô gái trẻ, môi mọng đỏ, cười duyên dáng dọn ra: Mực khô vàng óng chế biến theo dạng ăn liền, vừa thơm ngậy, vừa dai và giòn, uống với bia “33”. Cua rang muối, gạch son chắc nịch. Tôm càng xanh nướng nguyên con ăn với xà lách và bánh tráng. Chim cút tần yến trong những trái dừa xiêm, tuyệt ngon đại bổ. Những dĩa sò huyết nóng hôi hổi. Và kế đó là món cá đối chiên xù, con nào con ấy to bằng cổ tay. Đến món cuối cùng thì mọi người ồ lên thích thú: lẩu thập cẩm với rất nhiều bong bóng cá đường. Trong tiếng nhạc êm dịu, khách ăn ngon lành. Ít nói, họ chỉ trao đổi với nhau nho nhỏ những lời thán phục tài nghệ nấu nướng; ngạc nhiên về sự phong phú của sơn hào hải vị. Người mặc chiếc áo pun có dòng chữ “Biển yêu anh” giơ ngón tay cái lên trời và thốt lên:
- Number one!
Ăn xong món đu đủ tráng miệng, Manphret Uytman đứng dậy, chưa kịp ra hiệu thì ngay lập tức, ông Năm đã lướt tới bên:
- Ông cần gì, thưa ông?
- Ông vui lòng cho tôi gặp bà chủ khách sạn. - Nắm lấy bàn tay to bè của ông Năm, Uytman nói tiếp - Chúng tôi vừa được ăn những món tuyệt hảo.
Gương mặt ông Năm bừng lên niềm vui, niềm tự hào của người chủ nhà:
- Đa tạ ông có lời khen! Xin vui lòng chờ cho một phút.
Thanh Thảo đi tới. Cả bàn ăn nhìn chị. Có lẽ họ không ngờ bà chủ khách sạn lớn nhất thành phố này, có tiện nghi sang trọng nhất miền Nam, lại là một phụ nữ vừa tròn ba mươi tuổi.
- Thưa bà! - Uytman nói - Đây là những người Úc lần đầu tiên đến Việt Nam! Riêng tôi... trước đây tôi đã từng có mặt trong đội quân gây tội ác ở đây...
- Tôi biết! Ông Manphret Uytman! Tôi biết ông và tiểu đoàn của ông đã phản chiến. Trong hoàn cảnh của năm 1970, hành động ấy là sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi.
Giọng của Thanh Thảo rõ ràng, có sức biểu cảm mạnh khiến cho Uytman cảm động.
- Rất cảm ơn bà về sự phán quyết công minh vừa rồi. Thưa bà! Sau gần chục năm trở lại Vũng Tàu, tôi càng thấy những gì mà quân đội nước ngoài đã gây ra ở đây là tội lỗi rất lớn. Tôi rất cám ơn người Việt Nam đã rộng lòng đón tiếp chúng tôi, đặc biệt là sự đón tiếp chu đáo tại khách sạn của bà.
Manphret Uytman lấy ra một lá cờ nhỏ màu xanh, có in dòng chữ: “Kính tặng khách sạn lịch sự nhất, có những món tuyệt vời”. Uytman trân trọng trao lá cờ cho Thanh Thảo. Quản đốc khách sạn cảm ơn và nói:
- Vinh dự này thuộc về người đầu bếp của chúng tôi. Mời ông vui lòng đi theo tôi.
Thanh Thảo dẫn Uytman tới gặp bếp trưởng và trao lá cờ cho ông. Anh bạn trẻ mặc chiếc áo pun có in dòng chữ “Biển yêu anh” đã nhanh chóng chụp lại cảnh ấy bằng chiếc máy ảnh nhỏ xíu. Trở lại phòng ăn, Uytman nói:
- Thưa bà! Cũng là một chút tò mò, tôi muốn được biết, bằng cách nào bà có được những nguyên liệu này để chế biến món ăn? Sau gần năm năm từ ngày hòa bình, nghề biển Việt Nam thế nào rồi?
- Chúng tôi có nguồn lợi rất lớn từ biển.
Thanh Thảo nhìn mọi người, rồi sôi nổi kể về sự giàu có của biển quê hương mình. Tất cả lắng nghe chị. Sau khi kể về những tiềm năng của biển, chị chuyển ý:
- Ông vừa nhận bằng tiến sĩ hải học, chắc ông biết rõ, thưa ông Uytman, những gì con người hiểu về biển còn quá ít. Trong khi con người bay lên vũ trụ xa hàng chục ngàn kilômét, ở lại đó hàng trăm ngày, thì với đáy biển, con người mới gõ cửa nó. Chiều sâu tỏ ra khó thâm nhập hơn chiều xa. Tôm cá ở biển Việt Nam, ở sông ngòi đồng ruộng Việt Nam nhiều vô kể, có nhiều loài quí và hiếm; chúng tôi đang tìm ra phương án tối ưu để duy trì nguồn lợi và khai thác nó. Ông hỏi tôi là nguyên liệu ở đâu để nấu ăn? Vâng, thưa ông! Chúng tôi chỉ cần với tay ra là tới biển! Bà con ngư dân Việt Nam chúng tôi rất giỏi và rất cần cù. Những món ăn ngon này có được là nhờ họ. Chúng tôi đang củng cố lại những xí nghiệp đánh bắt cá và các xí nghiệp chế biến hải sản.
- Của nhà nước? Hay của tư nhân? Thưa bà.
- Của nhà nước, tất nhiên!
- Thế còn ngư dân? Đời sống của họ? Chắc họ giàu lắm?
- Chúng tôi có câu thành ngữ “Tiền rừng bạc biển”. Lẽ ra ngư dân Việt Nam rất giàu có, nhưng hiện tại thì chưa giàu.
- Vì sao vậy?
- Biết nói sao đây. Ông muốn tôi trả lời theo yêu cầu ngoại giao hay trả lời theo yêu cầu của giới khoa học?
- Không, xin bà nói theo thực tế!
- Tôi tin ông vì ông là chiến sĩ trong Phong trào Hòa bình. Ông đã từng ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc chúng tôi. Bởi thế, chả cần giấu giếm sai lầm. Người dám nói ra cái sai, cái dở của mình mới là người mạnh, có đúng không, thưa ông?
Uytman gật đầu đồng tình, thầm cảm phục nữ chủ nhân khách sạn có tài ngoại giao và có tác phong của một tình báo. Cô ta hiểu rõ lai lịch của mình! Uytman nghĩ vậy và chăm chú nghe.
- Tôi xin nói theo suy nghĩ chủ quan của tôi. Chúng tôi chưa có biện pháp, chính sách kinh tế đúng đắn, hợp qui luật. Vì thế, đã bốn năm sau ngày hòa bình mà dân chúng tôi còn rất nghèo: Công nhân, nông dân, ngư dân, trí thức… tất cả đều còn nghèo khổ, xo xúi. Thời gian lưu lại ở đây, ông có thể đi thăm và kiểm chứng lời tôi vừa nói. Biết đâu... nhờ thế mà ông sẽ tiếp tục ủng hộ đất nước tôi trong giai đoạn đầy rẫy những khó khăn này...
- Cám ơn bà... Đó cũng chính là mong muốn của tôi. Tôi sẽ làm theo lời bà, tôi sẽ đi thăm những người lao động trên biển, vì tôi là tiến sĩ hải học. Tôi rất mê biển. Rất cám ơn bà về sự đón tiếp...
- Không có chi! Tôi xin phép, đã hai mươi hai giờ rồi. Chúc ông và mọi người ngủ ngon!
- Đa tạ! - Manphret Uytman cúi xuống hôn nhẹ lên bàn tay chủ nhà.