Donald Berthelme (1931-1989) nhà văn Mỹ, nổi tiếng về những truyện ngắn khôi hài theo phong cách hậu hiện đại.
Các truyện ngắn của DB thường được nén rất chặt (đôi khi được gọi là những truyện ngắn rất ngắn, sáng tác chớp lóe hay sáng tác đột nhiên) chỉ tập trung vào những sự việc tình cờ mà không kể lể dài dòng. (Tuy nhiên ông cũng viết nhiều truyện dài với cách kể lể thông thường). Ban đầu truyện của ông chỉ gồm những khoảnh khắc đột hiện (epiphany), về sau trong sự nghiệp của ông những truyện ngắn không còn mang tính triết học hay tượng trưng một cách có ý thức nữa. Những hư cấu của ông nhận được cả tán dương và chửi bới, được ca ngợi là có tính đạo lý sâu sắc cũng như bị chế nhạo là vô nghĩa và thông thái rởm. Tư tưởng và tác phẩm của DB là kết quả của những lo âu hiện sinh (angst) của thế kỷ hai mươi, vì ông đã đọc nhiều Pascal, Husserl, Heidegger, Kierkegaard, Ionesco, Beckett, Sartre, và Camus.
Những truyện ngắn của DB nói chung tránh cấu trúc cốt truyện truyền thống. Trái lại chúng dựa trên những chi tiết tưởng như rời rạc. Làm chưng hửng chờ đợi của độc giả, DB tạo ra những non-sequiturs[1] bằng cách cắt dán những mảng rời rạc, gợi nhớ đến những tác giả hiện đại chủ nghĩa như “Đất hoang” của T. S. Eliot và “Ulysses” của James Joyce, ông thách thức những thử nghiệm ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên thái độ hoài nghi và sự châm biếm của DB khiến ông khác xa với những nhà hiện đại chủ nghĩa vốn tin vào sức mạnh cải tạo xã hội của văn học, bởi vậy nhiều nhà phê bình xếp ông vào loại nhà văn hậu hiện đại. Các nhà phê bình văn học nhận xét rằng, giống như nhà thơ Pháp Stéphane Mallarmé, người mà ông ngưỡng mộ, DB đùa rỡn với ý nghĩa của từ, dựa vào trực giác thơ ca để làm bật lên những mối quan hệ mới giữa các ý tưởng bị chôn vùi trong cách biểu đạt thông thường. Nhà phê bình George Wicks gọi ông là “Nhà thực hành hàng đầu chủ nghĩa siêu thực ở Mỹ ngày nay…những sáng tác của ông tiếp tục những cuộc thám hiểm của ý thức và những cuộc thử nghiệm về biểu đạt, bắt đầu với phái Dada và siêu thực cách đây nửa thế kỷ..” DB đã được mô tả bằng nhiều cách khac nhau, như trên tạp chí Harpers Josephine Henden gọi ông là kẻ khổ dâm - bạo dâm cáu kỉnh (angry sado-masochist). Tạp chí Time nêu cuốn City Life (1970) của ông là một trong những cuốn sách hay nhất trong năm và miêu tả tập truyện này như được viết bởi “ngôn ngữ thuần khiết của Kafka và chút hài hước dữ dội của Beckett”. Vào thời đó dường như mọi cuốn truyện của DB xuất bản ra đều độc đáo, cũng như sự mới mẻ về hình thức của ông: chẳng hạn như cách trình bày tươi mát của màn độc thoại kịch tính trong “Trường học” (The School), hoặc danh mục 100 câu được đánh số trong “Ngọn núi thủy tinh” (The Glass Mountain). Một công cụ khác của DB là đột nhập vào câu truyện bằng những minh họa được chọn lọc từ khoa học thế kỷ 17-18, được gắn những đầu đề châm biếm, DB gọi những bức tranh cắt-dán của ông là “Một tội lỗi bí mật được đưa ra ánh sáng” Một mẩu chuyện trong “Những thú vui tội lỗi” tên là “Cuộc viễn chinh” trình bày một bức tranh chiếm cả trang về một vụ hai tàu đâm vào nhau, có nhan đề “Không phải lỗi của tôi”