Sinh tại Cần Thơ, Hậu Giang. Nguyên giáo sư, viện trưởng Viện âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng âm nhạc quốc gia... Ông là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Sở trường về hành khúc, Bạch Đằng Giang là ca khúc nổi tiếng (1940) và tiếp theo là một loạt các hành khúc trong hai cuộc cách mạng chống Pháp và chống Mỹ: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Tuổi hai mươi, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Lãnh tụ ca, Tình Bác sáng đời ta... đã trở thành những hành khúc và những chính ca suốt một thời của các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: 3 tuyển tập nhạc phẩm Lưu Hữu Phước (Nhà xuất bản Âm nhạc và Thành đoàn Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh). Tuyển chọn ca khúc Lưu Hữu Phước (Hội nhạc sĩ Việt Nam và nhà xuất bản Âm nhạc). Album Lưu Hữu Phước (DIHAVINA).
"Đối với các nhạc sĩ Cách mạng, Lưu Hữu Phước được coi là một người anh lớn. Đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc, ông là một "gương mặt nổi bật trong số những người mở lối khơi dòng" của phong trào tân nhạc ở nước ta từ những năm 30, là vị tiền bối, một bậc thầy của khuynh hướng sáng tác bài hát theo chủ đề Thanh niên và lịch sử. Mặc dù về mặt sáng tạo âm nhạc, ông mới chỉ dừng ở mức Việt Nam hóa những yếu tố âm nhạc Châu Âu (Chủ yếu ở thể hành khúc) nhưng Lưu Hữu Phước đã để lại cho ta những hành khúc vào loại đặc sắc nhất mà người Việt có thể tạo ra.
Nhưng có lẽ giá trị to lớn nhất của ông là ở vai trò của một người đánh thức, một kẻ dẫn đạo. Nhiều nhạc sĩ Cách mạng có tên tuổi hiện nay, về điểm này, phải chịu ơn ông, và nói cho cùng cả một thế hệ thanh niên cách mạng trái tim đã đập theo nhịp hành quân của Lưu Hữu Phước. Và nếu muốn chỉ ra một nhân vật lớn nhất của loại nhạc tranh đấu thì đó chính là Lưu Hữu Phước. Và không một ai có thể xứng đáng danh hiệu cao quí: nghệ sĩ-chiến sĩ hơn ông".