Sinh năm 1922 tại xã Bình Phước Xuân (Cù Lao Giêng), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, Thuở nhỏ, ông được học chữ quốc ngữ, học Pháp và Hán tự. Đặc biệt ông có một khả năng tự học hiếm có và luôn ham mê tìm tòi, nghiên cứu. Năm
1952 bắt đầu dạy học, viết báo, viết sách. Ông viết cho nhiều báo ở Sài Gòn về chủ đề biên khảo, nghiên cứu văn học và lịch sử địa phương (Tạp chí Bách Khoa, Văn Đàn, Văn Hoá nguyệt san, Phổ Thông, Sử Địa, Phương Đông, Phật Giáo Việt Nam), chủ bút nguyệt san Đuốc Từ Bi. Từ năm 1960 đến 1968 ông đã từng tham gia viết sách giáo khoa, trích giảng môn giảng văn bậc Trung học với các tác giả Bàng Bá Lân, Đỗ Văn Tú, Vũ Quế Viên.
Năm 1971 ông nhận dạy môn văn học thuộc phân khoa văn khoa và sư phạm tại Viện Đại Học Hoà Hảo An Giang.
Ngòi bút Nguyễn Văn Hầu đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, mà lĩnh vực nào cũng có cơ sở khoa học, cách ghi chép rành rọt kỹ càng, lối suy diễn thận trọng.
Từ năm 1977-1995, Ông thọ bệnh song đã cố gắng hoàn thành hai bộ bản thảo văn học: “300 năm văn học dân gian Lục Tỉnh” và “Văn học miền Nam Lục Tỉnh”.
Ông từ trần ngày 12-3-1995 tại An Giang.
Tác phẩm của Ông gồm nhiều thể loại:
BIÊN KHẢO LỊCH SỬ:
CUỘC KHỞI NGHĨA BẢY THƯA: quyển lịch sử ký sự ghi lại cuộc đời oanh liệt của Quản cơ Trần Văn Thành. Một nhân vật kháng Miên, đánh Pháp, lập chiến khu tại rừng Bảy Thưa và đồng Láng Linh từ 1868 đến 1873, đồng thời với Nguyễn Trung Trực và Thiên hộ Dương (Tân Sanh ấn quán xuất bản, 1959)
VIỆT SỬ KINH NGHIỆM: những cuộc vật lộn trường kỳ của nòi giống với những bài rút kinh nghiệm. Một vấn đề tối cần cho sự phát triển cá tính dân tộc và học tập kinh nghiệm dân tộc (nhà xuất bản Hồn Quê, 1956)
VIỆT NAM TAM GIÁO SỬ ĐẠI CƯƠNG: dò lại đường hướng, lối đi, ngả rẽ của tam giáo từ khởi nguyên cho tới hồi du nhập , những bước trầm thăng của nó và những nhận định (nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, 1957, in lần thứ hai 1970)
CHÍ SĨ NGUYỄN QUANG DIÊU: một yếu nhân của phong trào đại đông du được chép cùng lúc với đa số nhân vật cách mạng đương thời. Một tác phẩm vừa sử vừa văn với 98 bài thơ đủ loại được sáng tác tại nhiều nước trên hoàn cầu; có xuất xứ và chú giải (Xây Dựng xuất bản - chiếm giải văn chương 1966 với bộ môn biên khảo) ,xuất bản 1961, Hương Sen tái bản lần 1 năm 1974, NXB Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay tái bản lần 2 năm 2002)
LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH: người quái kiệt mà thời nhân gọi là hắc hổ, đã làm nốt đoạn sử thôn tính nước Chiêm và đặt nền thống lãnh Chân Lạp. Một vị thần đi sâu nhất vào lòng dân miền Nam và làm tốn nhiều sắc phong nhất cho các vua chúa (Nguyễn Hiến Lê xuất bản, 1970)
TUYÊN TRUNG HẦU NGUYỄN VĂN TUYÊN: một anh hùng dưới triều vua Gia Long, đồng thời với Thoại Ngọc Hầu, Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu… từng được cử chức Thống Chế và sau đó nhiếp quyền Tổng Trấn Gia Định Thành, rồi lại được bảo hộ Cao Miên, án thủ Châu Đốc đồn, đánh giặc Đá Vách, đào kinh Vĩnh Tế, dẹp loạn Cao Miên… nghĩa là cũng một bậc anh hùng đại công với dân tộc, nhưng ngoài vài trang sử Hán, vài câu sử Pháp, thì tất cả các bộ sử Việt đều như a tòng cố ý lãng quên (Ban Quản trị Lăng Tuyên Trung Hầu XB năm 1972)
THOẠI NGỌC HẦU VÀ NHỮNG CUỘC KHÁI PHÁ MIỀN HẬU GIANG: một tác phẩm khảo sử về vị khai quốc công thần , có đại công trong khai cương thác địa miền Hậu Giang- một miền phì nhiêu nhất của non sông. Cách ghi chép rành rọt kỹ càng với đầy đủ hình ảnh, bia ký, sắc phong… được các văn gia báo giới nhắc đến nhiều với cảm tình nồng hậu. (Nam Cường xuất bản và tổng phát hành năm 1973, NXB Trẻ tái bản năm 2000)
VĂN HỌC
THUẬT VIẾT VĂN: chỉ lỗi và hướng dẫn cách viết. Hằng trăm đoạn văn của hằng trăm nhà cầm bút được đem ra điểm duyệt rút tỉa, nhận định lối viết (Nhà xuất bản Tự Do xuất bản năm 1960, Hương Sen tái bản lần 1 năm 1972, NXB Trẻ tái bản lần 2 năm 2005)
NỬA THÁNG TRONG MIỀN THẤT SƠN: ghi chép lại một cuộc du khảo trong một miền mà người trước (Phật Thầy Tây An) đã coi là linh địa và người sau (P. Gourou) đã cho rằng địa thế độc đáo. Nhiều tài liệu quí, nhiều hình ảnh khó chụp, được trình bày phong phú (Hương Sen xuất bản năm 1970, NXB Trẻ tái bản năm 2000)
DIỆN MẠO VĂN HỌC DÂN GIAN NAM BỘ: bộ sách giới thiệu bước đầu văn học miền Nam với các loại văn học dân gian: tục ngữ, câu đố, truyện cổ, ca dao, hò, vè, nói thơ ,thơ rơi và các điệu dân ca khác… độc giả được ôn lại và tự kiểm nghiệm lịch sử một vùng đất, văn hoá một cộng đồng, tính cách của một lớp lịch sử của con người Việt Nam. (NXB Trẻ xuất bản năm 2004)
TẠP BÚT
TIẾNG QUYÊN: những bài thơ đánh dấu nỗi ray rứt băn khoăn của những người đang xanh tóc đi tìm một đường sống. Trí thần nhớ đến tiếng quyên. Gọi hồn cố quốc sầu riêng một mình (Liên Chính xuất bản năm 1952)
BẢN NGÃ NGƯỜI VIỆT: dõi theo những bản ngã đặc thù của nòi dân khả dĩ khiến họ chẳng những không bị đồng hoá mà trái lại nhờ đó, họ mỗi ngày vững mạnh vượt qua các đau khổ thường xuyên (Văn Đàn tuần san xuất bản năm 1961, Hồn Quê in lại năm 1970)
TÔN GIÁO
THẤT SƠN MẦU NHIỆM: vị trí, hình thế, nguyên lai của Thất Sơn cùng các sơn nhân, dị nhân, giáo tổ, giáo chủ được tập trung trong trên 300 trang biên khảo. Những sinh hoạt kỳ bí của núi rừng cũng như các chủ trương của các nhà làm cách mạng, làm tôn giáo được khám phá trên những dòng mực chín chắn (Liên Chính xuất bản năm 1955, Từ Tâm in lần thứ 2 năm 1970)
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO HÒA HẢO: những yếu tố coi như điều kiện đủ để nhìn thấu một nền đạo lớn. Mọi sinh hoạt từ sơ khai đến hiện tại đều có ghi. Căn bản giáo lý, hệ thống tổ chức, sắc thái đặc thù, đã được xếp gọn trong 19 chương cộng thêm nhiều trang hình mĩ thuật (Hương Sen xuất bản năm 1969)
MUỐN VỀ CÕI PHẬT: 14 bài tiểu luận , viết cho trình độ phổ thông, nhằm khai thác những điểm đặc thù và trình bày một con đường về theo quan điểm Phật Giáo chân truyền (Hương Sen xuất bản năm 1969, NXB Tôn Giáo – Hà Nội tái bản năm 2005)
TU RÈN TÂM TRÍ: tinh nghĩa trí tâm để dẫn đến xác định tâm đạo và trí đạo. Phương pháp rèn giũa, điều hợp, để đến chỗ dung thông hai ngòi mối chánh có thể làm con người nhẹ gánh hành lý và tiêu dao gót bước trên bờ bên kia (Hương Sen xuất bản năm 1970, NXB Tôn Giáo – Hà Nội tái bản năm 2004)
PHÁP LUẬN: nhiều đề tài trần thuyết về chánh pháp viết theo lối gợi ý – sáng, gọn, nhẹ - mỗi đề tài là một buổi nói chuyện về giáo lý được thu gọn hay mở rộng tuỳ theo người muốn sử dụng nó làm phương tiện pháp thí (Hương Sen xuất bản năm 1970)
SẮP XUẤT BẢN
VĂN HỌC, BIÊN KHẢO LỊCH SỬ (NXB Trẻ)
VĂN HỌC NAM KỲ LỤC TỈNH (bản thảo)
Bộ sách dự kiến khoảng trên 1500 trang gồm 3 phần:
Phần 1: Văn học dân gian miền Nam.
Phần 2: Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới.
Phần 3: Văn học Hán Nôm thời kháng Pháp và thuộc Pháp.
NỬA THÁNG TRONG MIỀN THẤT SƠN (tái bản)
THOẠI NGỌC HẦU VÀ NHỮNG CUỘC KHAI PHÁ MIỀN HẬU GIANG (tái bản)
TÔN GIÁO (NXB Tôn giáo - Hà Nội)
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO HÒA HẢO (tái bản)