Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.245
123.160.840
 
Khát vọng sống
Phạm Thái Ba

I

 

Khoảng hai mươi năm trước, nhiều công nhân Việt Nam diện hợp tác lao động đã đặt chân đến nước Bungari xa xôi này. Có người, chân còn dính bùn đất thôn quê. Nhưng cũng có người vừa rời cái cặp sách, mái tóc hãy còn vương mùi hoa sữa chốn phố phường. Họ, tuổi vào cỡ mười bảy, mười tám, tràn căng sức lực và đều ấp ủ ước mơ rồi sẽ có một số vốn để lập nghiệp sau khi hết hạn lao động trở về Việt Nam.

 

Song, buồn thay, họ đã không gặp may. Cơn lốc chính trị cuốn tít mù nước Bun. Bởi thế, chỉ sau một thời gian ngắn, khi chưa kịp thuộc bảng chữ cái tiếng Bun, họ buộc phải trở về nước, trừ một số người chủ ý rơi rớt lại và vẫn không nguôi ngoai cái mơ ước ấy. Một trong số kẻ như thế là Thái Văn Năm.

Ấy là khoảng thời gian năm năm trước, một trưa nắng gắt, chị Tía nói với tôi, giọng đầy thương cảm:

- Em mới sang nên không biết đâu. Đa số anh em diện hợp tác lao động ở lại Bun đều gặp hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, tội nhất là gia đình thằng Năm “Vồ”, người Nghệ An. Có điều kiện, em tìm thăm nó, cho các cháu mấy đồng mua bánh mỳ, lọ sữa chua.

- Sao lại gọi là Năm “Vồ”, hả chị?

- Úi dà, nó thường đi “vồ” chó làm thịt bán cho cộng đồng người Việt ở đây nên mới có cái tên kép ấy!

 

Không hiểu vì duyên cớ gì, câu nói của chị Tía ám vào người tôi, theo cả vào trong giấc ngủ. Nói rằng, ở Việt Nam, nhưng cũng chỉ trước đây thôi, vẫn có những mảnh đời thiếu ăn, thiếu mặc còn tin. Đằng này lại ở nước ngoài, sao tin nổi? Song sự thực đúng như chị Tía nói. Không ngờ ở Châu Âu, tại thủ đô Xôphia của Bungari, nước được mệnh danh là “Xứ sở của hoa hồng”, lại có người cơ cực như Năm. Cơ cực đến mức gần hai mươi năm trời hắn chưa một lần được về Việt Nam thăm gia đình. Và hàng ngày, dù mưa bão, băng tuyết đến thế nào, mấy bố con Năm vẫn phải bươn chải để kiếm chiếc bánh mỳ sống qua ngày!

*
Một hôm, chiều muộn, đang lúc tôi đưa mấy bộ thể thao cho hai khách hàng người gốc Di-gan quốc tịch Bun thử, thì chị Tía hớt hải đến: “Bố con thằng Năm đang ở đây. Em có muốn gặp không?”. “Có! – Tôi đáp – Chị bảo lại đây nhé, em đang bận.”. Chị Tía vội vã đi như khi đến. Bóng chị lẫn nhanh vào dòng người chen đẩy của phiên chợ cuối tuần.

 

Khi tôi quay vào quầy, hai khách hàng gốc Di-gan đã biến mất từ bao giờ. Ngăn kéo bàn khép hờ. Gói tiền dồn để mua hàng gần năm ngàn đê-mác, đã không cánh mà bay! Tôi đang xuýt xoa vì xót của thì bất ngờ một người đàn ông xuất hiện trước mặt và thập thò sau anh ta là hai đứa trẻ. Đó chính là bố con Năm.

 

Năm không thuộc diện xấu trai. Khuôn mặt đích thực của phái mạnh. Đôi mắt, mũi, miệng, đôi hàng lông mày dày nhưng gọn... tất cả bố trí thật cân đối. Nếu như mái tóc không khô và tướp táp, phủ đến tận mang tai, đặc biệt ánh mắt không dài dại... thì đó là gương mặt hoàn chỉnh.

- Ê! Hôm nay “xúc” đủ, hả? Cho vay tờ năm đê-mác.

 

Giọng Đính. Tôi ghét cái lối ăn nói cộc lốc, thiếu chủ ngữ ấy. Quầy của Đính phía bên kia đường, đối diện với quầy tôi. Đính béo tốt, người thấp đậm, đầu tròn như quả bóng, trán bóng lừ, tóc chỉ còn từ chỏm đầu luôn vuốt ngược về sau. Cứ nhìn thấy Đính là người ta quên ngay sự đói khổ. Nghe nói, thời xuất khẩu lao động, Đính là dân phiên dịch đã về Việt Nam lại sang. Người Việt ở đây gọi là “dân quay”. Nhưng chuyện anh ta cặp với một nữ nghiên cứu sinh tên là Thắng rồi lủi mất dạng sau khi đã “no xôi chán chè” thì tôi rành. Sau này, khi đã có vợ mới, người ta vẫn quen gọi anh ta bằng cái tên ghép “Đính Thắng”. Mỗi khi ai đó gọi như thế, anh ta đính chính ngay lập tức: “Không, bây giờ là “Đính Vân” chứ!” (Vân là tên người vợ mới).

 

Đính nhận tờ năm đê-mác rồi biến. Nhoáy cái, đã thấy ở quầy bên kia đường, như thể anh ta lặn qua dòng người đang đi mua sắm vậy. Tôi thoáng nhìn thấy mấy người khoác áo măng tô, thắt cà vạt nhưng không nhìn rõ mặt, đang chuyện trò gì đó với Đính. Chợt đứa bé trai thập thò sau Năm, giục:

- Tátkô, ijkầm tờrứcvầm(*)!

- Các cháu không biết nói tiếng Việt? – Tôi hỏi Năm.

 

Đứa bé có lẽ biết tôi đang nói về nó, giấu nửa mặt sau vạt áo của bố, hở một con mắt bẽn lẽn tròn xoe, đen láy nhìn tôi.

- Vâng, em chẳng có thời gian dạy các cháu học.

 

Bé gái lớn hơn bé trai chừng ba tuổi, tóc cắt ngắn một cách cẩu thả. Nó mặc bộ đồ thể thao nhàu cũ màu tím than, nhưng chân lại lọt thỏm trong đôi dép lê màu sữa cáu bẩn quá cỡ. Tôi thật sự ấn tượng về đôi mắt của nó: to, vàng sẫm màu hạt dẻ đầu mùa, nhìn như xoáy vào tâm can người ta. Nếu không có bờ mi cong vút mỏng ma mỏng mảnh như mần mạ chiêm, chẳng ai nghĩ đó là đôi mắt của bé gái mới lên tám, lên chín.

- Anh cầm mà dùng. Em không lấy tiền đâu!

 

Năm dúi vào tay tôi mớ rau cần dại mấy bố con vừa đi hái về. Tôi trả tiền. Và mặc dù tôi nài nỉ đến nát cả tờ hai lê-va, Năm vẫn không chịu nhận.

- Mấy sếp Sứ quán vừa xuống thăm tớ!

 

Lại Đính. Bao giờ hắn cũng xuất hiện đột ngột như thế. Chợt thấy mấy bố con Năm, Đính im bặt, tắt hẳn cái vẻ mặt hơn hớn như vừa vớ được của. Hắn móc ví sau túi quần. Móc mãi mới lấy được cái ví. Rồi thật chậm rãi, những ngón tay mần mẫn như chuối ngự rón rén lựa tìm đồng năm đê-mác trả tôi. Thấy hắn rón rén lâu quá, tôi bảo:

- Thôi cậu, để lúc khác cũng được.

- Không! Phải trả ngay cho ông. Tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng chứ!

 

Đính trả lời khi cặp má vẫn chảy trên chiếc ví. Giọng hắn lạnh như tiếng va của kim khí. Khi mấy bố con Năm vừa đi khuất, Đính nói với tôi:

- Ông quan hệ gì với hạng người đó! Nó xin tiền à? Lười biếng lắm! Con ma men đấy! Rồi lại vùi xác ở đây thôi như mấy thằng bợm rượu trước!

 

II

Tôi muốn biết mấy bố con Năm ăn ở như thế nào song không biết chính xác địa chỉ. Bấy giờ đang giữa đông. Thủ đô Xôphia không có nắng, dù một vài tia yếu ớt. Sau mấy ngày tuyết rơi, trừ các trục đường giao thông nhấp nháy những ngọn đèn vàng của xe ủi tuyết, còn lại đều trở thành băng đá. Đó là thời điểm lạnh nhất của mùa đông. Có những ngày âm đến mười lăm, hai mươi độ.

 

Ông trời gàn dở ở phương nào cũng giống nhau. Đang tạnh, tuyết bất ngờ rơi! Lúc vui, ông rắc lất phất để thiên hạ đếm được từng bông tuyết. Khi bực mình, ông mang cả cái sàng to tổ bố ra sàng, sàng dữ dội, tuyết giăng kín trời. Còn khi ông điên lên thì có bao nhiêu tuyết, ông ném xuống cả trần gian. Vừa ném, ông vừa thổi phù phù. Người trần gọi đó là bão tuyết.

 

Có một hôm như thế, tôi lần mò đến từng kiốt của người Việt để hỏi địa chỉ nhà Năm nhưng rốt cuộc đều nhận được những cái lắc đầu thờ ơ, mặc dù cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tuần đôi lần, họ đều mua của Năm lúc mớ rau, khi cân tôm, gói ốc, trai hoặc một vài ký thịt chó. Tôi còn đội tuyết sang khu chợ Iliensi 2, nơi tập trung đông người Việt nhất, song ai cũng bảo không biết. Một giọng khê nồng nào đó gượng lên từ sau cánh cửa quầy: “Anh xuống “trung tâm thông tin” cộng đồng mà hỏi, khắc rõ!”. “Trung tâm ở đâu ạ?” – Tôi hỏi. “ở quán Tuấn Thuỷ, quán ăn của người Việt ấy.” Rồi đâu đó tiếng cười xé lên. Thì ra người ta nói cạnh khoé. Tôi vội vã quay gót. Tiếng cười vẫn còn nhin nhít bám sau bờ vai.

 

Quán “Tuấn Thuỷ” nằm ngay trên con đường dẫn vào khu chợ. Quán nhỏ, chừng mươi lăm mét vuông, nhưng lúc nào cũng như nêm. Kẻ ăn, kẻ hút, người chờ, tiếng nói cười ồn ã quyện mùi thức ăn, rượu bia, thuốc lá tạo nên một hỗn hợp sánh đặc vừa ngai ngái, vừa gây gây có thể đổ được vào khuôn mà đúc. Một bản nhạc Karaoke vàng vọt nào đó dập dờn. Đủ thứ chuyện. Tôi có cảm giác nơi đó như thể là cái rốn của những phường, hội buôn chuyện. Từ chuyện hàng Thổ bao giờ về, chuyện đô-la tăng giá, chuyện nhà kia có con bị tháo chảy, vợ đánh ghen, chuyện thế nào Mỹ cũng can thiệp vào Kôsôvô, chuyện èo ợt của Hội doanh nghiệp người Việt tại Bun, cho đến chuyện nội bộ Đại sứ quán Việt Nam, chuyện cá độ bóng đá. Lòng mở cờ, tôi nghĩ mình đã tìm đúng cửa, nhưng rốt cuộc nhận được những câu trả lời chẳng mấy thiện chí, đại loại như: “Thằng Năm Vồ làm gì có nhà ở. Mấy bố con nó lang thang ở ngoài ga!”. “Tớ nghe nói hôm kia nó bị công an tóm vì không có giấy tờ tuỳ thân”. “Đ... phải, hôm qua mấy bố con nó còn đi bán thịt chó ở đây kia mà!”.

Sáng hôm sau, đúng ngày phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam làm việc, tôi vác bộ mặt thiểu não đến, hy vọng gặp được một ông Tiên thường hay giúp đỡ người nghèo và thấu đáo mọi chuyện của trần thế. Sau khi tỏ ra thật chăm chú nghe tôi hỏi, ngài trưởng phòng Lãnh sự lắc đầu quầy quậy: “Năm Vồ mình biết. Nhưng nhà ở đâu thì chịu!”. “Thưa anh, trong tờ khai xin cấp đổi hộ chiếu có địa chỉ cư trú của...”. “Nó có tiền nộp lệ phí cấp hộ chiếu đâu mà khai với báo!”. Giọng bà nào đó từ phòng trong hắt ra cắt ngang.

 

Nỗi thất vọng trĩu nặng bàn chân tôi thả trên từng bậc cầu thang của Đại sứ quán. Dường như phần nào hiểu được tâm trạng tôi, ngài Trưởng phòng Lãnh sự an ủi: “Cậu thông cảm. Ngay bọn mình, nhiều khi muốn tìm một bộ hồ sơ của “dân” lao động cũ, còn không thấy. Chúng tứ tán, thất lạc ở đâu cả. Lạ thế!”.

 

Tuyết vẫn rơi trắng trời. Rơi rất nhẹ. Có nghĩa là ông trời đang vui. Ông có vô tình không khi bỏ mặc nơi trần thế những mảnh đời bất hạnh như Năm? Tôi biết hỏi ai bây giờ? Tôi biết tìm Năm ở đâu đây? Những bông tuyết cứ lửng lơ trong khoảng không một lúc lâu rồi mới chịu tiếp đất. Xem kìa, có bông tan ngay lập tức khi gặp lại thế hệ cha chú đã thành băng đá. Có những bông chạm đất, lại còn uốn éo giây lát rồi mới chịu tan. Nhưng dù tan kiểu gì thì đất cũng đều mở lòng đón nhận. Con người sống nhờ đất, chết được đất ấp ủ, nhưng lại không chịu hiểu cái tình của đất để sống có trách nhiệm với nhau hơn. Tôi ước Năm được làm một bông tuyết kia. Và cộng đồng như lòng đất luôn luôn ấm nóng. Để rồi, dù có phải rơi, cũng chẳng có gì đáng ân hận, luyến tiếc cả.

 

 

III

Bầu trời trong và tĩnh lặng như mặt nước hồ thu nhưng âm mười hai độ. Gió lộng. Niêm rủ tôi vào thành phố Sinh viên có việc. Niêm hơn tôi năm tuổi, nguyên là thực tập sinh. Bằng cấp xong, Niêm ở lại lập công ty làm ăn như bao người khác. Niêm đối ngoại đa chiều, đa phương, ví như cái mạng nhện. Lại nhờ vốn tiếng Bun dài, nên ai cần việc gì, Niêm đều giúp đỡ nhiệt tình. Đổi lại, Niêm được nhiều người quý mến. Nhiều năm, Niêm là thành viên nòng cốt của Ban công tác cộng đồng, được Đại sứ quán Việt Nam tại Bungari hết sức tin cậy.

 

Con người ta, ai có tài mà không có tật? Với Niêm, trọn vẹn cả hai. Cái tật của Niêm là máu mê cờ bạc. Niêm có thể chơi xóc đĩa, chắn, tá lả... nghĩa là “đaginăng”, hai bốn trên hai bốn, “no stop”! Khi Niêm đã đặt chân vào xới bạc, tất thảy mọi việc đều phải gác lại. Bấy giờ, trời chỉ bằng cái vung. Chính vì thế, thời gian sau này, Niên không được “cơ cấu” và Ban Công tác cộng đồng nữa.

 

Đúng lúc xe rẽ ngoặt vào thành phố Sinh viên, tôi nhận ra một bóng dáng quen thuộc. Nhìn kỹ mới biết là Năm. Có cả hai đứa bé nữa. Mừng quá! Năm đang gồng mình dưới đống đồng nát: bìa các-tông, sách báo cũ, chai lọ, những thanh sắt queo quắt tróc lở... Toàn thân Năm lấm lem bùn đất. Tóc bết thành lọn trên hang hốc của khuôn mặt. Hai đứa bé chẳng kém gì bố: áo quần như bị quét bồ hóng, xộc xệch, giày há mõm ngáp theo bước chân, tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ. Tôi thấy một con búp bê nhem nhuốc lộ hẳn đầu ra bên ngoài cái túi khoác sau lưng thằng bé. Con búp bê chỉ còn một bên mắt, hàng mi cong màu huyết dụ của nó cứ chơm chớp, cười cợt nhìn tôi.

 

Tôi thắc mắc việc tại sao không một ai biết nhà Năm cả, hắn cười buồn: “Em giấu mọi người, anh ạ. Họ mà biết mình càng thấy xấu hổ thêm”. Chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm nhà Năm, lưỡng lự một lúc lâu, và dường như không còn cách thoái thác, Năm đành gật đầu.

*

Phải đi theo trục đường chính hơn hai ki-lô-mét nữa ra hướng ngoại ô, tiếp đó len theo con đường mòn gồ ghề sỏi đá, náu mình dưới cây cỏ dại, mới đến được nhà Năm. Có tiếng chó sủa gắt gỏng từ căn nhà vọng lại. Lát sau im bặt. Rồi bật lên tiếng hi hí mừng rỡ đón chủ. Bấy giờ tôi mới biết Năm có những ba con chó xích ở ba điểm khác nhau quanh ngôi nhà.

 

Bạn đọc thân mến! Tôi cam đoan rằng, cả nước Bun không có ngôi nhà nào tồi tàn và hoang dã hơn ngôi nhà mấy bố con Năm đang ở. Khi đặt chân vào ranh giới của ngôi nhà, tôi lưỡng lự và phân vân xiết bao bởi chẳng biết đâu là sân, đâu là vườn cả. Cỏ dại chết rũ ngập đến đầu gối bao phủ ngôi nhà. Đó đây lỏng chỏng mấy khung sắt gỉ, mấy cái chậu nhựa cũ cáu bẩn và vài ba cái nồi nhôm méo mó. Ngôi nhà cũ nát đến nỗi chỉ cần động khẽ ngón tay lập tức tường bong từng mảng lớn. Những chỗ đã bị bong, gạch phô ra lồi lõm, nham nhở và mủn lở đủ sắc màu như dấu ấn khắc nghiệt, triền miên của thời gian. Có nhiều lỗ thủng nhìn xuyên được vào bên trong ngôi nhà, giống vết đạn pháo, chủ nhân phải lấy giấy báo và quần áo cũ chèn kín để chống gió lùa. Cánh cửa chính của ngôi nhà được ghép bằng gỗ mộc, tròn cỡ bắp chân, khấp khểnh, trông có vẻ như cửa nhốt dê, bò ở các sơn trại. Mái ngói oằn trĩu một cách đau đớn, viên vỡ, viên mất, cong vênh lẫn giữa những tấm bìa các-tông và giấy dầu tơ tướp...

 

Chỉ mới đứng ở cửa, tôi đã cảm nhận được ngay cái mùi ẩm mốc, tanh ngái từ bên trong xộc ra. Gian nhà trống hoác, mờ ảo nhờ ánh sáng thẩm thấu qua tấm nilon trắng che chắn ở ô cửa sổ. Một chỗ ngủ cho mấy bố con Năm ở góc nhà được kết bằng hai tấm đệm đơn đã ngả màu cháo lòng, nhiều chỗ te tua cả vải bọc lẫn bông tái sinh. Quần áo bó bện thành đống, thành đụn. ở góc khác, ba hòn đá chụm lại thành bếp. Vương vãi quanh bếp dăm ba cái bát ăn, mấy cái thìa, dĩa...

 

Nước từ dưới nền nhà dềnh lên. Những hòn than bồng bềnh, lạnh tanh như đang nổi trôi trong lòng tôi vậy. Một chiếc bàn gỗ xiêu vẹo tựa vào tường nhà, ở phía dưới cửa sổ. Nếu như trên mặt bàn không có quyển tập tô màu tuy đã sờn rách và dễ đến hơn tá bút bi và chì màu cũ, chẳng cái nào giống cái nào, hẳn chiếc bàn sẽ đơn côi lắm và đã sụp đổ từ lâu rồi...

 

Năm vồn vã kéo củi ngoài sân vào tấp lên bếp rồi hì hụi nhóm lửa. Củi ướt, lửa chẳng bén, khói bốc mù mịt. Dẫu vậy vẫn xua đi phần nào mùi ẩm mốc và cái lạnh thông thống trong ngôi nhà.

Mấy đứa con của Năm dường như chẳng còn quan tâm đến chúng tôi nữa. Cả hai cắm mặt trên bàn, lụi cụi viết vẽ cái gì đó, gương mặt chúng bây giờ trông thật trẻ thơ. “Các cháu có được đi học không?” – Tôi hỏi. Năm thở dài: “Không anh ạ, cả ba đứa đều thất học!”. Câu trả lời của Năm khiến tôi sực nhớ đến sự vắng mặt của đứa cháu gái đầu. Ngồi lặng lúc lâu, Năm than vãn: “Các cháu tỏ ra hiếu học lắm. Đi bới thùng rác, hễ bắt gặp quyển vở hoặc cái bút, cứ y như vớ được của. Các anh xem ở trên bàn kia kìa, bút đủ các loại”.

 

Từ khi đặt chân vào nhà Năm cho đến khi củi đã bén lửa, Niêm chỉ dán mắt quanh ngôi nhà, thi thoảng bật lên: “Sống như thế này thì tội quá, khổ quá! Không thể tưởng tượng nổi.”. Rồi Niên đột ngột quay sang tôi: “Bọn mình phải đi quyên góp để giúp thằng Năm thôi. Được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu!”.

 

Năm giãy nảy:

- ấy chết! Em còn sống, sao các anh phải đi quyên góp? Làm thế, em nhìn mặt mọi người thế nào được!

- Nhưng cũng cần một số tiền để sửa chữa lại cái nhà. – Tôi nói.

- Không! – Năm xua tay – Có chỗ chui ra chui vào thế này là tươm rồi. Vả lại, đây đâu phải là nhà của em. Ngôi nhà này vô chủ. Em cứ ở đại. Đến đâu hay đến đó.

Thật lâu, Năm mới ngập ngừng nói:

- Em chỉ có một nguyện vọng thế này: nếu các anh “quen thân” với Sứ quán, xin cấp miễn phí cho em quyển hộ chiếu để có giấy tờ tuỳ thân. Nghe nói lệ phí cấp một quyển hộ chiếu là 230 đô thì mấy bố con em cày cả năm cũng không đủ!

- Thế ra chú chưa có hộ chiếu? – Niêm giật giọng hỏi.

- Chưa anh ạ. Em sang Bun từ năm 1985 diện hợp tác lao động bằng bộ chiếu AB do Bộ Ngoại giao cấp nhưng hết hạn và bị mất từ lâu rồi. Đã hơn mười năm nay em không có hộ chiếu.

- Mẹ nó! ở đất nước con chó còn có passport(*). Còn chú mày thì không. Đời thật trái khoáy!

 

Câu chửi đổng của Niêm ném chúng tôi vào nỗi chán chường khôn tả. Cả bọn im lặng. Gương mặt Năm gồ ghề dưới ánh lửa. Hôm nay, ánh mắt của hắn lanh lợi hơn. Hẳn từ sáng đến giờ, hắn chưa được giọt rượu nào. Môi hắn khẽ nhếch lên tạo thành nụ cười méo mó như bị lửa táp:

- Đâu chỉ mình em không có hộ chiếu. Tại Bungari dễ đến mấy trăm người chẳng một mảnh giấy tuỳ thân, chủ yếu là dân lao động sang những năm tám tư, tám lăm...

 

Tôi giải thích với Năm rằng, hộ chiếu Việt Nam không có giá trị khi bị công an Bungari kiểm tra. Điều quan trọng là phải có thẻ định cư do cơ quan có thẩm quyền của Bun cấp. Nếu không, Năm sẽ bị công an Bun bắt giam bất kỳ lúc nào! Song, Năm nêu lý do thật đơn giản, khiến chúng tôi bị bất ngờ:

- Có quyển hộ chiếu thì mình sống vững tin hơn một chút, các anh ạ. ờ, dù sao mình cũng là con người vì mình đã có chút giấy tờ. Hơn nữa... –  Năm im lặng giây lát rồi ngước nhìn chúng tôi – Nhỡ em có mệnh hệ gì, người Bun sẽ biết em là người Việt Nam mà báo với Đại sứ quán chứ!

- Thế chú mày không sợ bị công an Bun bắt tống giam à? – Niêm hỏi.

- Sợ chứ, nhưng quen rồi. Em bị bắt bao nhiêu lần không nhớ xuể nữa. Lần nào họ cũng đánh đập. Đánh chán thì thả. Các anh có thấy em bị ngơ ngơ không? Mấy đứa con em chúng bảo, nhiều khi thấy bố chập chập. Chắc là trước đây do em bị họ “tẩn” đấy!

 

Vậy là Năm vẫn còn nhận thức được bản thân mình. Người ta chỉ hơn nhau ở nhận thức - là niềm tự hào nhưng có khi lại là nỗi đau. Khi tồn tại trên cõi đời với một thể xác và tâm hồn đã bị thương tổn mà ta không cảm thấy, có khi còn hay hơn. Năm đâu phải ngoại lệ. Bây giờ hắn cứ kể khơi khơi, nhưng khi đêm đã về khuya, quắp co trong ngôi nhà hoang giữa bãi đất cũng hoang nốt, nằm nghe gió tuyết vần vũ giữa đất khách quê người... chắc chắn hắn phải nuốt nước mắt than thân, trách phận, bởi lẽ hắn vẫn tự nhận thức được nỗi đau nó ngấm trong cơ thể đến như thế nào. Tôi hỏi:

- Gần đây, Năm có bị công an bắt không?

- Đôi lần anh ạ. Đi đâu em cũng cho hai cháu theo. Hai cháu là cái “thẻ định cư” vô thời hạn của em đấy! – Năm ngoác miệng cười. Mấy đứa con Năm dường như biết bố nói về mình, chúng dừng bút nghe ngóng – Nếu em bị bắt, lập tức mấy đứa gào khóc ầm ĩ lên. Thế là họ thả. Có mấy lần gì đó, em bị “tóm” ở khu chợ Ilensi. Họ chở lòng vòng hàng giờ liền, mấy đứa nhỏ bám theo, dứt khoát không chịu bỏ bố.

- Mẹ nó! Con vật còn không bỏ nhau, huống chi là con người! Hơn nữa, lại cùng máu mủ ruột rà!

 

Lối nói như chửi chém của Niêm nghe ghê ghê nhưng ngẫm ra thấy có lý. Nhưng Năm lại bảo rằng, cả hai cháu gái đều không phải là con đẻ của Năm. Trời đất, chuyện thế nào đây? Tôi ép mãi, Năm mới chịu kể về cuộc đời mình. Bếp lửa hừng hực cháy. Ngọn lửa tham lam liếm từ thanh củi này đến thanh củi khác, như nỗi khát vọng được sống của mấy bố con Năm vậy. Song, điều quan trọng hơn cả là môi trường nào luôn giữ ấm được ngọn lửa đó? Nghe Năm kể về mình, câu hỏi ấy càng day dứt tôi hơn.

 

 

IV

Đầu năm 1985, Thái Văn Năm tròn mười bảy tuổi. Khi biết tin mình sẽ được sang Bungari diện hợp tác lao động, Năm mừng lắm. Con chim non muốn thử đôi cánh đến tận trời Âu với biết bao hoài bão tốt đẹp. Ngày tiễn Năm đi, bố mẹ và các anh chị của Năm đều có mặt. Ai cũng vui và hy vọng rằng, chuyến đi của Năm sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình. Còn Năm, sau khi hết hạn lao động, sẽ có được một số vốn kha khá để cưới vợ và lập nghiệp.

 

Song, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Nước Bun bỗng biến động chính trị và vì thế đã đơn phương cắt bỏ hợp đồng lao động với Việt Nam. Một hôm, trong cơn rối trí, Năm chưa biết nên về hay ở lại thì Bình và Châu xuất hiện. Bình người thành phố Hồ Chí Minh. Còn Châu quê Củ Chi, bố mẹ đều liệt sỹ, được sang Bun diện chính sách. Cả ba cùng sang Bun một đợt và quen nhau trên chuyến bay. Bình nói: “Theo tao, giải pháp hữu hiệu nhất là ở lại. Chờ tình hình ổn định rồi đi buôn.”. Châu đế thêm: “Dù sao môi trường buôn bán ở đây vẫn tốt hơn. Vấn đề là phải tạo ra vốn bước đầu.”. “Thôi, chuyện đó tính sau – Bình cắt lời – Bây giờ chúng mày về ở tạm nhà vợ tao đã.”.

 

Bình dong dỏng, bẻm mép. Trong khi Năm và Châu chưa biết tây “khác” ta ra sao thì hắn đã sống như vợ chồng với một cô gái người Bun kém hắn bốn tuổi tên là Mlađenka.

 

Tôi muốn nói thêm về gia cảnh Mlađenka một chút bởi lẽ đó chính là người đàn bà định mệnh của đời Năm sau này. Cao ráo, mảnh, da trắng mịn như kem, đôi mắt huyền nhung, nàng Mlađenka xuất thân từ một gia đình công nhân gốc tại thủ đô Xôphia. Nàng có hai người anh, đều khoẻ mạnh và đẹp trai nhưng thất nghiệp. Cuộc sống đạm bạc của cả gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương ít ỏi của bố mẹ nàng. Dẫu vậy, căn hộ hai phòng thuê của Nhà nước vẫn luôn ấm cúng, tràn ngập tình yêu thương.

 

Ngày Bình trở thành thành viên thứ sáu của căn hộ, bố nàng chỉ nói một câu: “Mày là người Việt Nam. Việt Nam đánh Mỹ. Tao rất quý Việt Nam. Tao chỉ có mỗi một đứa con gái. Mày hãy yêu thương nó. ở đây sướng khổ có nhau. Tao tin mày...”. Rồi ông hát một đoạn của bài hát ngợi ca tình hữu nghị Bungari – Việt Nam. Giọng ông trầm ấm và khoẻ như tiếng máy phay, máy tiện: “... Việt Nam có Hồ Chí Minh. Bungari có Ngài Đimitờrốp. Tuy sông chẳng liền sông, núi không liền núi. Nhưng tình hữu nghị mặn nồng xiết bao...”. Còn mẹ nàng, mấy ngày liền bà xin nghỉ việc, hì hụi quét dọn, sửa sang lại phòng bếp. Đó là tổ ấm của cô con gái út yêu quý của họ.

 

Mấy hôm sau, bố nàng vào nhà máy như thường lệ. Không ngờ đó là ngày cuối cùng của cuộc đời ông. Ông bị tai nạn khi vận hành thử một cỗ máy mới. Thế là căn hộ nghèo lại chỉ có năm người và nguồn thu nhập bị giảm đi một nửa. Khó khăn, đói kém chính thức bủa vây họ.

 

Trên các ngả đường, người dân Bun xao xác như lá mùa thu. Cơn gió chính trị thổi họ tứ tán. Chủ nghĩa đa hệ thắng thế kéo theo những thăng trầm về kinh tế. Đồng lêva mất giá. Việc làm không có hoặc không ổn định. Tại các cửa hàng, cửa hiệu, hàng hoá không những khan hiếm mà còn bị tăng giá gấp hai, gấp ba, đặc biệt là lương thực, thực phẩm...

 

Vào thời điểm ấy, Năm và Châu đến tá túc nhà Bình. Như vậy, căn hộ cộng thêm hai thành bảy. Con số không lớn nhưng nỗi lo ngày càng chồng chất hơn. Tuy thế, hai người bạn mới vẫn được xẻ chia từng mẩu bánh mì và được hít thở hơi ấm của căn hộ bé nhỏ. Rồi đói. Chưa bao giờ họ bị đói như vậy. Nhưng biểu lộ cái đói thì mỗi người một cách. Phụ nữ cắn răng im lặng. Họ hơn nam giới ở chỗ biết nuốt lời vào trong. Hai anh trai của Mlađenka luôn miệng kêu đói và liên tục uống nước lã thay súp. Còn mấy chàng Việt Nam thì bóp bụng nuốt nước bọt.

 

Một hôm, sẩm tối, Châu ở đâu lò dò về, xổ từ vạt áo bụng ra sáu gói mì tôm loại rẻ tiền. Sáu gói chia thành ba ngày cho cả nhà, năm phần nước, cái một. Hết ngày thứ ba, Châu bảo: “Tao không còn cửa nào nữa. Số mì bữa trước tao cuỗm của tay phiên dịch. Tao đến lão chơi, thấy để đầy trên bàn. Nhân khi lão sơ hở, tao đánh liều. Lão bắt gặp, thoi tao một quả, đến giờ vẫn còn đau đây này!”.

 

Lần khác, gần sáng, Năm xách về hai túi nilon đựng đầy thịt đã nấu nhừ. Cả nhà bật dậy. Chao, chưa có một bữa thịt nào ngon hơn. Ăn xong, Mlađenka mới hỏi thịt gì, Năm tỉnh bơ: “Thịt chó!”. Tức thì, nàng và mẹ nàng khạc nhổ, nôn oẹ, ra cả mật xanh, mật vàng, trong khi hai anh nàng lại trố mắt, tấm tắc: “ồ, thì ra vị thịt chó thật đậm đà. Tuyệt!”.

 

Sau lần ấy, một đêm lạnh thấu xương, hai anh nàng lặng lẽ rủ nhau ra đi. Khi những bông tuyết sáng nhập nhoà ngoài ô cửa sổ, họ về. Năm mở cửa. Đập vào mắt hắn là chiếc ti vi Nép-tuyn 19 inh màu, còn mới. Sự việc vỡ oà như ban ngày: “Sao chúng mày liều thế, hả?” Thằng anh cả chặn ngón tay lên miệng Năm: “Suỵt! Khẽ thôi, người anh em . Nếu mẹ tao biết, bà ấy chết mất!”. Thằng em rơm rớm nước mắt: “Đói quá, phải liều thôi. Vả lại, bọn tao đâu đành lòng để chúng mày chịu nuốt nước bọt, chúng mày là khách mà, phải không Xtôian?”. Người anh gật đầu đồng tình. Nước mắt chợt oà mặn chát. Đó là lần đầu tiên trong đời Năm khóc.

 

ở phòng bếp, Bình nằm miên man giữa bao suy nghĩ, lòng rối tơ vò. Mlađenka luôn miệng hỏi về đất nước Việt Nam, khiến hắn thỉnh thoảng gián đoạn mạch suy nghĩ để trả lời. Nàng thủ thỉ rằng, dứt khoát phải một lần nàng được về Việt Nam thăm gia đình chồng với tư cách một nàng dâu. Giờ đây, nàng hốc hác hẳn. Nước da tái xanh. Đôi gò má đầy đặn còn đâu! Cái đói nhân lên gấp đôi khi trong nàng một mầm sinh linh đã đến tháng thứ sáu. Đứa bé “quậy” dữ. Có lẽ nó oán trách bố mẹ sao nỡ sinh nó vào hoàn cảnh khốn khó thế này! Nàng cầm tay Bình đặt lên đúng chỗ cái cùi tay đang trồi lên phản đối của đứa bé. Lẽ ra Bình phải mừng. Đằng này, thay vào đó, hắn rụt tay lại như chạm phải lửa. Nụ cười vụt tắt trên đôi môi khô héo của Mlađenka. Đúng giây khắc đó, hắn có được quyết định dứt khoát rằng sẽ đánh liều một phen đi buôn với đứa bạn đồng hương.

 

Vào thời gian ấy, không hiểu dựa trên cơ sở pháp lý nào, Đại sứ quán Việt Nam tại Xôphia có công hàm gửi phía Bungari, cho rằng: những công dân Việt Nam (trừ cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao) hiện đang sinh sống tại Bungari không được phép sử dụng ngoại tệ dưới bất kỳ một hình thức nào! Bình không được biết sự việc này. Và bởi vì thế, hắn suýt mất tong cả tính mạng.

Bình nhận từ tay người bạn 600 lêva. Hắn vật vờ hai ngày trước cửa hàng bán cho người nước ngoài, mua được hơn 1000 đôla. Những tưởng tối về, bảy con người sẽ được một chầu no say từ khoản lợi nhuận nhỏ mà đứa bạn trích cho. Nào ngờ, khi hắn vừa ra đến bến tàu điện để trở về nhà thì bất ngờ hắn bị công an Bun tóm. Hắn được nếm một trận đòn nhừ tử của mấy thằng to như hộ pháp, bị lột sạch và tống biệt giam ba ngày liền. Khi được thả, viên thiếu tá có bộ ria cánh kiến, mỉa mai nói, hắn nghe câu được câu mất: “... Xin lỗi, chúng tôi thừa hành theo lệnh của Đại sứ quán Việt Nam. Thật đáng tiếc!”...

 

Kể từ đấy, Bình sống ép mình như con gián. Trận đòn dội lên thể xác nhưng lại kéo căng sợi dây thần kinh não của hắn. Hàng đêm, hắn vẫn mơ thấy một lũ khổng lồ đen đúa xô đến bóp cổ hắn. Hắn kêu ú ớ, trán vã mồ hôi như có ma làm.

 

Vào đêm 12 tháng 12 năm 1986, Mlađenka trở dạ. Gần sáng, nàng sinh được một bé gái, mặt hoa da phấn. Vợ chồng nàng đặt tên con là Ste-phờka, có nghĩa là “dây truyền ấm nóng”. Vừa chào đời, nó đã khóc ngằn ngặt đòi ăn trong khi mẹ nó ngất xỉu vì đói.

*

Bốn năm sau, căn hộ có tám con người. Cái tế bào ấy của xã hội Bungari mang hình hài như sau: Người mẹ nghỉ mất sức lao động. Trán bà rịn những nếp nhăn. Hai con trai bà ngồi bóc lịch nhà tù bởi can tội đào tường khoét ngạch. Nàng Mlađenka thì biết tiêu thụ đồ ăn cắp một cách khá thành thạo. Và đặc biệt, nàng nghiện món thịt chó nấu thiếu gia vị còn hơn cả đấng mày râu. Còn ba chàng trai Việt Nam người gầy đét, tóc không thèm cắt, râu không cần cạo, phô bộ mặt chán chường, ê chề khi còn phải tiếp tục cảnh sống như thế trên miền đất hứa. Duy chỉ có bé Ste-phờka, ơn trời, mũm mĩm và đẹp như một bông hoa mùa xuân. Bé nào biết được lớn lên bé bị thất học và mười sáu năm sau, cuộc đời đã xô đẩy bé vào một ngõ cụt.

 

Thế rồi, sáng một ngày cuối năm 1990, sau khi hôn vợ và con gái, Bình kéo Châu và Năm xuống quán cà phê dưới chân Blốc(*). Bấy giờ hắn mới nói: “Tao xin lỗi vì buộc phải giấu chúng mày. Gia đình tao đã gửi vé sang. Bây giờ tao phải về Việt Nam!”. “Thế còn Mlađenka và bé Ste-phờka thì sao?” - Châu thảng thốt hỏi. Bình thở dài: “Biết làm thế nào được! Tao phải chạy trốn cái xứ sở này thôi. Tao vẫn nhớ như in trận đòn của bốn năm trước. Tao sợ. Thật sự tao rất sợ. Nếu còn ở ngày nào trên đất Bun, chúng mày thay tao để mắt đến mẹ con cô ấy nhé!”.

 

Bình ôm hôn những người bạn. Sau đó, hắn xách cái túi nilon trong đựng duy nhất một bộ quần áo rồi đi như ma đuổi về phía bến tàu điện. Cho mãi đến hôm đó, hắn vẫn không đủ tiền để được đi một chuyến tắc-xi ra sân bay. Chẳng biết ở dưới suối vàng, liệu ông bố người Bun có biết được chàng rể Việt Nam đã không thực hiện được tâm nguyện của ông không?

*

Thế là căn hộ thiếu đi một người, chỉ còn bảy. Nàng Mlađenka thiếu một bờ vai đàn ông làm chỗ dựa, cho dù người đàn ông đó chỉ hiện hữu như một cái bóng. Nàng suy sụp hẳn đi. nhiều khi nàng cười mà như khóc. Khóc lẫn trong tiếng cười. Mỗi lần bắt gặp, bé Ste-phờka tưởng mẹ đùa, nó cười như nắc nẻ. Châu tự nguyện đứng thế vào vị trí của Bình trước đây. Nhưng bé Ste-phờka vẫn chỉ gọi là “chú” Châu thôi. Nó bá cổ chú Châu, chú Năm rồi ghé mắt tìm kiếm sau lưng hai chú và hỏi: “Bố Bình trốn ở đâu rồi? Ra đi!”.

 

Cuối năm sau, nàng Mlađenka sinh thêm một cháu gái nữa. Châu đặt tên con là Nađe-jđa, nghĩa là “hy vọng”. Song, chẳng những không có gì tốt đẹp hơn lại còn đổ ập thêm lên đầu nàng một chuỗi bất hạnh mới: căn hộ bị cắt nước nóng. Mẹ nàng, sau một lần tắm bị cảm lạnh rồi thành bại liệt. Tiếp đó, cơ quan hành pháp cưỡng chế gia đình nàng ra khỏi căn hộ, thay cho việc phải ngồi tù, vì ba năm liền mẹ nàng không có tiền trả tiền nhà, lò sưởi, tiền nước nóng, điện... Thế là cả gia đình phải căng nilon sống tạm dưới mảnh vườn của Blốc. Đang giữa hè, muỗi như trấu. Bé Ste-phờka và Nađe-jđa bị muỗi đốt đến thâm tím cả mặt mày, chân tay.

 

Người Việt Nam có câu: “Sảy nhà ra thất nghiệp”. Các “phân tử” của tế bào gia đình giờ đây trở thành những kẻ sống hoang. Và dĩ nhiên họ phải gồng mình lên để thích nghi với môi trường. Kể cả mấy đứa nhỏ. Nàng Mlađenka phút chốc biến thành người khác hẳn. Nàng sinh ra tật nói lắp. Muốn diễn đạt được một ý nghĩ ngắn, nàng phải lấy đà từ cuống họng và ấp a mãi mới nói được. Nàng móc ví của kẻ qua đường nhanh như chớp. Đặc biệt, nàng sẵn sàng xù lên trước những ánh mắt khinh bỉ hoặc miệt thị hướng vào cái ổ của nàng.

 

Cái ổ ấy tồn tại như thế trong suốt ba tháng trời, cho đến khi Năm phát hiện thấy ngôi nhà hoang trong một bận đi tìm hái rau dại.

*

Kể từ thời gian ấy, nền kinh tế thị trường của nước Bun dần ổn định. Năm 1993, tổng kho Iliensi tại Xôphia trở thành khu chợ lớn nhất nước Bun. Người Việt Nam đủ các thành phần, sống rải khắp nơi, đổ về Xôphia buôn bán. Cửa hàng quốc doanh hàng hoá ngày càng nhiều lên. Tư nhân đua nhau mở cửa làm ăn... Đến nơi ở mới, Châu và Năm công khai việc mưu sinh bằng cách đi bới thùng rác, mò cua bắt ốc và tuần ít nhất một lần đi bán thịt chó sống ở chợ Iliensi cho người Việt Nam.

 

Nhớ lại hôm về nhà mới, sau khi sửa lại mấy viên ngói vỡ, hai đứa nằm cạnh nhau. Châu hỏi:

- Con cầy hôm qua bán hết không, Năm?

- Không, chỉ được một nửa. Mới đầu tháng, ai cũng chê. Còn lại nấu ăn dần cho cả nhà thôi.

- Trời ơi, tao ớn đến tận cổ món thịt chó nấu xổi lắm rồi. Không ngờ sang Bun lại phải xài món mộc tồn nhiều thế. Nhưng thiếu nó thì lại ngoẻo từ lâu rồi! Đã có rau cần dại chưa nhỉ? Thèm quá!

- Ngày mai tao thử đi tìm xem sao. Còn mày vào chợ bán nốt số trai còn lại. Ngâm lâu nó gầy đi đấy!

Im lặng.

- Này Năm, chúng mình sang Bun được tám năm rồi phải không?

- ừ, tám năm rồi. Thế mà tao có cảm tưởng như là tám mươi năm!

- Tao và mày đang sống ở đâu nhỉ? Địa ngục hay trần gian?

- Mày hỏi lạ. Tám năm nay có được một ngày nào của trần gian đâu! – Giọng Châu.

Lại im lặng.

- Này Năm, mày có gì không hài lòng với tao không?

- Không!

- ừ, tao tin mày. Mày là thằng bạn tốt nhất trên đời của tao. Năm này, nói dại, nhỡ tao có mệnh hệ gì, mày cố gắng đưa cháu Nađe-jđa về Việt Nam giúp tao nhé. ở Củ Chi tao chỉ còn họ hàng thôi...

- Tịt cái mồn dở hơi dở hám của mày đi!

Im lặng.

- Này Năm, mày muốn có con không? Nếu muốn, mày đẻ với Mlađenka một đứa! Tao nói thật đấy. Từ lâu, tao với mày đã là bố của mấy đứa trẻ. Đã là chỗ dựa chung cho Mlađenka.

- Nhưng... Mày không giận tao chứ, nếu tao thực sự muốn có một đứa con? – Năm hỏi. Giọng Châu nghèn nghẹn:

- Không bao giờ! Tao đã bảo, mày là đứa bạn tốt nhất của tao kia mà. Vả lại mày cũng cần có một đứa con. Biết lúc nào được về Việt Nam để lấy vợ, hả mày!

Sau lần tâm sự đó, cuối năm 1994, nàng Mlađenka sinh thêm một bé trai. Lần này họ đặt tên con là Teđi. Cái tên chẳng hàm ý nghĩa gì cả, bởi vì cuộc đời có bao giờ mỉm cười với họ đâu?

*

Mấy năm sau, một hôm, sau trận mưa rào. Châu vào rừng hái rau. Sẩm tối, hắn mang về một túi nilon đầy nấm. Những lá nấm màu cánh gián, mỡ màng, trông mà đói con mắt. Đang đói, nước bọt tứa ra, hắn dốc toàn bộ số nấm đó vào chảo mỡ chó, rồi bảo Năm cùng ăn. Hắn ăn ngấu nghiến, vội vã như chưa bao giờ được ăn. Nhưng... chỉ mười lăm phút sau, hắn cảm thấy người chếnh choáng. Rồi muốn nôn mửa, nhưng không nôn mửa được, miệng cứng lại. Sắc mặt hắn dần dần tím tái. Cuối cùng, hắn ngã vật xuống, miệng sùi bọt. Năm cũng có cảm giác tương tự. Hắn chợt nhận ra rằng, bọn hắn đã ăn nhầm phải nấm độc. Một loại nấm cực độc trông giống như nấm thường. Rất nhanh, hắn xô lại hất cả chậu nước lã vào bếp, và cứ thế bới từng mẩu than bỏ vào miệng nhai nuốt, cho đến khi lịm đi. Sự việc diễn ra nhanh đến mức không kịp kêu cứu. Mấy mẹ con Mlađenka đang ở ngoài sân nhưng không hề hay biết gì. Còn mẹ của Mlađenka chỉ là cái xác nằm bất động ở góc nhà.

 

Khi Mlađenka phát hiện ra thì Châu đã chết. Đó là đêm 17 tháng 8 năm 1997, lúc bé Nađe-jđa mới sáu tuổi. Còn Năm, nhờ những mẩu than, hắn đã được bệnh viện cứu sống.

 

Khoảng mấy tháng sau, khi mùa đông bắt đầu lùa vào ngôi nhà những cơn gió lạnh hoang tàn, thì mẹ của Mlađenka mới từ giã cõi đời. Một tổ chức từ thiện đã giúp đưa bà về nơi yên nghỉ tại nghĩa trang dành cho người nghèo ở vùng ngoại ô Xôphia.

 

 

V

Đầu năm 2001, tôi trở lại Bungari sau dịp về vui Tết cùng gia đình ở Việt Nam. Tôi sang quán ăn của người Việt ở khu chợ 2, tình cờ gặp mấy bố con Năm. Năm gầy nhom. Đầu húi cua, để lộ mấy vết sẹo thâm tím ở góc trán và mang tai. Tôi mời mấy bố con vào quán, Năm tỏ ra ngần ngại:

- ở đấy không có chỗ thừa cho mấy bố con em. Em là thằng cha căng chú kiết mà.

- Chú mày tự ti quá!

- Em nói thật đấy. Họ không muốn hạng người như mấy bố con em vào đâu. Họ không nói ra miệng nhưng... em biết!

- Thế thì vào “quán Tây” ở đằng kia vậy.

Khi đã yên vị, Năm hồ hởi khoe với tôi:

- Em có hai tin vui báo để anh biết. Toà án Xôphia đã cho phép hai cháu Ste-phờka và Nađe-jđa mang họ Thái của em.

- Còn chuyện vui thứ hai?

- Ả, em đã được cấp hộ chiếu. Vậy là em được trở lại là người Việt Nam rồi.

Chuyện thật bình thường. Nhưng với Năm lại là niềm vui lớn của cuộc đời. Tôi nói lời chia vui với Năm và mong rằng, năm mới hắn sẽ có nhiều niềm vui hơn. Tôi gọi hai chai bia. Năm tu một hơi hết phân nửa. Vết sẹo trên trán hắn giần giật. Tôi bảo:

- Chú bớt rượu bia đi. Giữ sức khoẻ để còn nuôi mấy đứa nhỏ.

Năm thở dài:

- Anh ạ. Buồn cho cái đời khốn nạn của mình, em mới uống. Thôi thì thây kệ đời – Năm gằm mặt xuống bàn. Cái chỏm đầu hắn khẽ rung rung. Lát sau, hắn mới cất tiếng – Mà sao dạo này em chóng say thế? Chỉ mấy xu rượu đã say. Có thể em yếu quá rồi. Hôm nhận hộ chiếu về, mừng quá, uống có ba chén nhỏ mà say đến bí tỉ!

- Và bố bị ngã. Mấy vết sẹo kia kìa...

 

Cháu Ste-phờka xen vào dù cháu không biết tiếng Việt. Vẻ mặt cháu tỏ ra rất lo lắng khi thấy Năm lại tu tiếp phần bia còn lại. Năm ngước đôi mắt đờ dại lên nhìn. Cháu im bặt.

- Thế Sứ quán miễn thu lệ phí à? – Tôi hỏi.

- Miễn giảm gì đâu anh. Hai trăm ba mươi đô đấy! Có lần em đã nói với anh, bằng em làm cả năm mà. Cũng may đợt hè vừa rồi em bắt được nhiều tôm và bán được bốn, năm con cầy. Ai cũng bảo làm ăn không may, cần giải đen!

 

Tôi lướt nhìn mấy đứa con của Năm. Trời thương nên nghèo khổ thế mà đứa nào cũng đầy đặn, khoẻ mạnh. Bé Nađe-jđa tóc cắt gọn ghẽ hơn lần tôi gặp trước. Cao hẳn lên. Teđi tỏ ra không còn e dè nữa. Nó khuấy cốc sữa một cách dạn dĩ và thành thạo. Cạnh Năm, Ste-phờka đang nhìn bâng quơ vào khoảng không, vẻ mơ màng, đã ra dáng một thiếu nữ. Đích thị là đôi mắt của mẹ, huyền nhung nhưng đượm buồn. Một vẻ buồn dễ gần gũi. Miệng mũi thật cân đối với đôi mày như nét vẽ phớt, mềm mại quá đỗi. Cháu không có nước da trắng như kem của mẹ, song sáng sủa và mịn màng, rất gợi cảm.

- Cháu bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? – Tôi hỏi bằng tiếng Bun với Ste-phờka.

- Đa, atxưm pétnaixẹt gôđini!(*)

 

Tôi nhẩm tính. Đúng rồi, Bình về năm 1990, hồi đó cháu nó mới bốn tuổi. Bây giờ là năm 2001, tròn mười lăm. Nỡ nào bỏ rơi giọt máu hồng đỏ như thế nhỉ? Phàm là kẻ mất hết tính người. Nhưng hắn vẫn là con người đấy thôi. Hắn đã có vợ con, ít nhất là một bé gái. Chắc chắn như vậy. Tôi nghe rõ tiếng thưa thật dễ thương trong máy điện thoại thế này: “... Thưa bác, bố Bình đi làm chưa về ạ!”. Rồi tiếng một phụ nữ: “Ai hỏi bố Bình đấy, hả con gái ngoan của mẹ?”. Thực ra, nếu Năm không nhờ thì tôi chẳng mất công tìm kiếm đến thế. Năm bảo, khi nào tôi về Việt Nam, nhờ tôi tìm Bình và báo cho hắn biết rằng, con của hắn vẫn khoẻ và ngoan, để hắn vui. Thế thôi, chứ có cầu xin, yêu sách gì đâu. Lúc ấy có bé Ste-phờka bên cạnh. Con bé tỏ ra biết hết cuộc trò chuyện bằng tiếng Việt giữa chúng tôi. Lạ thế. Nó hết nhìn tôi lại nhìn bố Năm, như dò hỏi, đợi chờ. Thế là ánh mắt của nó theo tôi suốt cả quãng thời gian về Việt Nam. Mày mò mãi, tôi mới có được số điện thoại nhà riêng của Bình. Tôi mừng quýnh lên. Và tôi quyết định gọi điện cho hắn. Sau khi nghe tôi nói, hắn ấp a ấp úng một hồi lâu rồi bảo rằng, bao giờ tôi sang Bun, hắn sẽ gửi thư, quà cho bé Ste-phờka.

 

Tôi báo chính xác ngày, giờ bay rồi chờ đợi. Tôi chờ cho đến khi thất vọng, buộc phải bay. Chuyện ấy chỉ mình tôi biết. Tôi không nỡ làm Năm buồn, đặc biệt là cháu Ste-phờka. Nhưng không hiểu sao, tôi cứ linh cảm là cháu cũng biết được sự thật phũ phàng ấy.

Chợt Đính đi ngang qua và nhìn thấy chúng tôi. Hắn đi đã được một quãng, nhưng nghĩ thế nào, lại quay trở lại. Hắn chìa tay ra. Bàn tay hắn béo mập và lạnh như của người ốm. Rồi hắn hỏi tôi, nhưng ánh mắt lại lục lọi trên thân thể Ste-phờka: “Sao, Việt Nam có gì mới không ông? Về Tết kỹ thế?”. Tôi trả lời qua quýt. Hắn đứng chán rồi bỏ đi. Thoáng cái đã mất hút. Bấy giờ Năm mới ngước lên tìm bóng hắn:

- Anh có biết hắn là ai không? Thời trước, hắn là phiên dịch cho các đội lao động. Thằng cha đó nịnh mấy ông Sứ quán ghê lắm và ăn tạp như heo. Chính hắn đã đấm thằng Châu trong cái đêm nó ăp cắp sáu gói mì tôm ấy!

*

Bẵng một thời gian khá lâu, Niêm và tôi lại có việc vào thành phố sinh viên. Xong việc, chúng tôi rẽ qua nhà Năm. Căn nhà im ắng đến lạ. Không một tiếng chó sủa. Không một tiếng động. Cửa khép hờ. Niêm đẩy cửa. Năm đang vùi trong đống chăn, người hầm hập sốt. Chợt thấy chúng tôi, hắn khóc tru lên từng chập. Tôi cứ nghĩ đời đã vắt kiệt nước mắt của hắn, nào ngờ! Hoá ra vợ Năm, nàng Mlađenka đã bị bắt hơn nửa năm nay vì liên quan đến một vụ trộm lớn. Người ta bảo nàng sẽ phải ngồi tù mọt gông, chẳng biết đến lúc nào mới được thả. Ngay sau đó, đến lượt Ste-phờka rời bỏ ngôi nhà. Buổi chiều hôm nó đi, nó ôm bố Năm khóc như mưa. Nó bảo nó thương bố Năm và hai em lắm. Nhưng nó không cam chịu tiếp tục sống như thế nữa. Nó muốn được sống bình thường như bạn bè đồng lứa. Nó nói nó sẽ đi. Đi đâu thì nó chưa biết. Cứ ra khỏi ngôi nhà tồi tàn này đã, rồi ra sao thì ra. Dù xã hội có đưa đẩy, vùi dập, có tiếp nhận nó hay không, nó vẫn đi. Nếu gặp được người chồng tốt, có việc làm, nó sẽ thường xuyên về thăm bố Năm và các em.

 

Một thời, tuy cơ cực, nhưng ngôi nhà giữa bãi đất hoang ấy vẫn ấm cúng. Hằng đêm, bữa cơm chỉ có mẩu bánh mì, hộp sữa chua, bát canh rau bí nấu tái, khá hơn thì thêm món thịt chó nấu mặn, bát cháo trai... nhưng Năm vẫn cảm thấy ngon miệng và hạnh phúc. Hạnh phúc chẳng ai giống ai, chẳng đo đếm được, nó tuỳ thuộc ở mình. Với Năm, bởi còn có Mlađenka, dẫu nàng không được dịu hiền và tần tảo như gái Việt, nhưng nàng một mực thương chồng con, cấm có “đá thúng đụng nia”, cắn răng chịu đựng dù gia cảnh có bức bối, ngột ngạt đến như thế nào. Nàng ăn ở với Năm như bát nước đầy, kể từ ngày cùng Châu đến tá túc cho đến tận bây giờ, dù chẳng còn thanh xuân nữa. Cuộc sống của vợ chồng Năm không có lời hay ý đẹp nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc. Bữa cơm nhà Năm không có thức tươi, vật lạ song vẫn là bữa cơm ngon. Bởi bên cạnh Năm còn có Ste-phờka, dẫu không phải là con đẻ nhưng Năm đã dồn hết tình cảm cho nó, đã quen với bóng dáng của nó.

 

Thiếu những người thân yêu, Năm cảm thấy hẫng hụt, không còn điểm tựa, mặc dù trước đây Năm là chỗ dựa vững chắc cho cả nhà. Quả thực, con người sống không thể thiếu nhau được.

- Hai cháu bé đâu? – Niêm hỏi.

- Đi bới rác! Em ngăn nhưng chúng không chịu ở nhà. Chúng bảo đi kiếm tiền để mua thuốc cho bố.

Hắn rên. Tay chân run rẩy. Và ho. Tiếng ho như dứt ra từ lá phổi. Hắn thều thào:

- Em thấy suy sụp lắm rồi. Nhờ hai anh viết cho gia đình em một lá thư. Nói rằng, em vẫn khoẻ và đang lo kiếm tiền mua vé về. Hơn mười lăm năm nay em không có tin tức gì của gia đình cả. Địa chỉ đây...

Năm lần tay vào túi ngực. Lát sau, hắn móc ra một tập giấy được bọc cẩn thận trong túi nilon trắng. Hắn lần giở. Tôi nhìn thấy quyển hộ chiếu Việt Nam bìa màu xanh, giấy khai sinh bằng tiếng Bun của mấy đứa nhỏ, mấy tấm ảnh nàng Mlađenka thời thiếu nữ dáng vẻ thật kiêu hãnh và cả tờ giấy chứng tử của Châu đã sờn rách. Cuối cùng là một mảnh giấy gấp tư ghi địa chỉ, họ tên bố mẹ và thứ tự tên các anh chị em của Năm.

- Em phải ghi đầy đủ như thế, phòng khi bất trắc...

- Chú nói dại. Còn lấy thêm được vợ nữa! – Niêm đùa.

Có lẽ được trò chuyện, Năm cảm thấy đỡ ốm hơn và vui lên. Hắn cau mày như để cố nhớ lại chuyện gì đó:

- Em nói thật đấy. Dạo này em sinh ra mộng mị liên miên. Hôm kia em mơ thấy thằng Châu. Nó mặc bộ đồ trắng toát, đứng từ xa, tay vẫy vẫy. Em đến gần, nó lại bỏ chạy... – Năm khó nhọc chống tay ngồi dậy. Hắn đón cốc nước từ tay Niêm, chiêu một ngụm nhỏ, rồi kể tiếp - Đêm hôm qua thì em mơ thấy chó. Cả một thung lũng nhung nhúc những chó là chó. Đủ các màu lông, chủng loại. Con thì béo quay, con gầy. Con thì đầu trọc lốc chẳng có một chút lông nào, trắng ởn như khi ta dội nước sôi vặt lông. Con thì lông như lông gà. Rõ ràng là mặt chó nhưng tiếng sủa thì lại tè te te. Khủng khiếp quá. Sáng nay, em quyết định bảo các cháu thả mấy con chó ra để chúng trở về với họ hàng của chúng.

 

Dường như thấy tôi và Niêm chưa hiểu hết ý, Năm gượng cười, giải thích:

- Nhiều người Việt Nam gọi em là Năm “Vồ”. Nghĩa là “vồ” chó về giết thịt. Sai bét hết! Em có cách riêng của em, không mất công sức cũng chẳng tốn thời gian. Không vồ mà chỉ vẫy thôi! – Năm bỗng ngoác miệng cười, khiến chúng tôi bật cười theo. Trán hắn vã đầy mồ hôi. Hắn đột ngột quay sang hỏi tôi – Anh có thấy giống đực thường chết vì giống cái không? Ba con chó cái nhà em chỉ xích một chỗ, chỉ có vẫy đuôi thôi mà giống đực đến hàng đàn! Đến nhiều thành quen. Trò đời là thế. Một khi đã quen thì tóm lúc nào chẳng được. Dễ như trở bàn tay. – Năm dừng lời, lại ngoác miệng cười. Hắn đột ngột kết luận - Đa số giống đực chết vì giống cái, phải không các anh?”.

*

Sau hai tháng, không ngờ tôi nhận được một lúc bốn lá thư của gia đình Năm. Trong số đó, hai lá thư gửi cho tôi. Còn lại nhờ tôi chuyển giúp đến Năm. Lá thư của ông Lê Đình Lợi, cậu ruột của Năm kể rằng, bố Năm vì mỏi mắt trông tin Năm nên sinh ra ốm đau, buồn phiền. Vì vậy, ông đã qua đời cách đây sáu năm. Mẹ của Năm già yếu lắm. Năm nay bà đã bảy mươi mốt tuổi, nằm liệt giường, nhưng vẫn cố sống để mong được gặp mấy bố con Năm. Đặc biệt, ông thay mặt gia đình ngỏ ý đề nghị Đại sứ quán và cộng đồng tạo mọi điều kiện giúp đỡ về thủ tục và tài chính, để bố con Năm sớm được về Việt Nam sinh sống, no đói đã có anh chị em, cô bác sẻ chia.

 

Nhưng, cảm động nhất là lá thư của em gái Năm. Có đoạn: “... Đã lâu rồi gia đình em biệt tăm tin của anh trai em, anh Thái Văn Năm. Bố mẹ và tất cả gia đình em đều thầm lặng thương nhớ trong nỗi xót thương chờ đợi tin anh về. Bố mẹ và đại gia đình em luôn đeo đẳng một nỗi buồn không sao kể xiết, có lẽ đã mất anh? Nay gia đình em thật sự bất ngờ khi nhận được tin anh(*) chuyển về. Trời ơi, gia đình em đã biết anh trai em đang còn sống và ông trời đã ban tặng cho anh trai em một đứa con. Gia đình em thật vô cùng xúc động và sung sướng biết nhường nào!...”.

 

ở trang sau, cô em gái viết kèm gửi cho Năm. Tôi xin mạn phép Năm được trích ra đây một đoạn ngắn: “... Anh Năm! Đã hơn mười lăm năm rồi bây giờ em mới biết được tin anh. Anh có biết không, khi nhận được tin anh còn sống, hai hàng nước mắt em cứ trào ra, không tài nào đọc nổi. Anh Năm ơi, em thương anh lắm nhưng không biết phải làm sao? Em và các anh chị dù sướng hay khổ vẫn được sống trong vòng tay của bố mẹ. Còn anh thì sao phải xa bố mẹ lúc mới mười bảy tuổi và phải sống một cuộc sống trôi nổi trên đất người...”.

 

 

VI

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bà Lan và ông Đăng, hai cán bộ nhiệm kỳ mới của Đại sứ quán nên về mặt thủ tục pháp lý, coi như đã xong. Cháu Nađe-jđa và Teđi đã được cấp giấy khai sinh Việt Nam, ảnh được dán kèm vào hộ chiếu của Năm. Đại sứ quán Việt Nam đã có công hàm gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bungari đề nghị miễn phạt mười tám năm cư trú bất hợp pháp của Năm và miễn lệ phí thị thực trục xuất, kèm theo thư kêu gọi cộng đồng quyên góp tài chính để bố con Năm có vé về Việt Nam.

 

Tất cả đúng như nguyện vọng của gia đình Năm. Còn bản thân Năm? Thực ra, hắn không chủ động đề xuất. Người vận động và thực hiện một cách quyết liệt chính là Niêm. Niêm thẳng thừng nói: “Chú nên về Việt Nam với gia đình, sớm ngày nào hay ngày ấy. Chết ở đây cái giá được thiêu đắt gấp ba lần số tiền mua vé.”. Năm ấp úng: “Nhưng... còn hai đứa thì sao?” “Dĩ nhiên rồi. Anh biết chú không phải hạng người chịu bỏ con cái. Bọn anh sẽ cố gắng hết sức. Nếu không quyên góp được hơn 2.000 eur cho cả ba bố con, coi như thất bại.”.

 

Ánh mắt của Năm biến đổi theo ngữ điệu của Niêm. Hy vọng và thất vọng, buồn và vui... tất cả trộn lẫn và chất chứa vào trong đôi mắt mỏi mệt của hắn.

 

Cũng may, phía Đại sứ quán không có gì trục trặc, tuy mới chỉ là phần thủ tục. Thế đã là ưu ái. Nhưng không có nghĩa chẳng có miệng tiếng thế gian. Buổi sáng, mới bảnh mắt, đã chình ình cái bộ mặt sung mãn của Đính. Đứng từ xa, hắn đưa mắt liếc xéo lá đơn trên tay bà lãnh sự, đến độ suýt nổ con ngươi. Rồi cặp môi dày liến thoắng: “Người anh em đi làm từ thiện hả? Tốt! Có phần trăm chứ?”. Bà lãnh sự ghé mắt nhìn hắn qua cặp mục kỉnh, tỏ ra hết sức ngạc nhiên, như muốn hỏi hắn là loại người gì và ở đâu đến. Bà không biết hắn vì bà mới từ Việt Nam sang, lại là ngày làm việc đầu tiên trong nhiệm kỳ của bà, chứ đối với những người khác, mặt hắn cũ lắm rồi, sục sạo không bỏ sót một xó xỉnh, ngóc ngách nào của Sứ quán.

 

Xong việc, tôi rời phòng Lãnh sự và đứng chờ Niêm ở cổng. Buổi chiều, chúng tôi có cuộc gặp mặt với một số anh em người Nghệ Tĩnh, bàn việc quyên góp cho bố con Năm. Nhưng đã quá hẹn chẳng thấy Niêm đâu. Đột nhiên có tiếng cãi cọ, càng lúc gay gắt hơn. Đúng là tiếng của Niêm và Đính. Hắn ra về trước tôi, chuyện gì đã xảy ra? Tôi xô đến góc quẹo khuất với mặt phố đang đứng. Chiếc Auđi màu cánh bạc của Đính vù đi tựa hồ như tôi phát ra lực đẩy. Tay Niêm chém vào không khí theo hướng chiếc xe, giọng đầy căm giận.

- Đồ con lợn. Chăn cả đứa mới ra ràng. Dày mặt đến thế là cùng!

Chắp nối câu chuyện, tôi vỡ lẽ Niêm bất chợt gặp cháu Ste-phờka trong xe của Đính. Vụ xô xát lập tức xảy ra. Hắn nói hắn yêu con bé. Bây giờ con bé thuộc về hắn. Không ai có quyền ngăn cản. Quả là mặt thớt nháng mỡ!

 

Tôi lặng người không chịu tin. Nhưng trớ trêu đó lại là sự thật. Con bé vì ngộ nhận hay nhắm mắt đưa chân? Dù nguyên do nào đi nữa, rõ ràng con bé đang bị vòng đời quay, luẩn quẩn, không bứt ra được. Khác gì con kiến leo phải cành cụt. Boje môi!(*) Ông ở đâu? Trần gian rộng lớn nhưng không có chỗ cho con bé. Xin ông hãy cứu vớt!

 

Sau lần ấy, chúng tôi chỉ gặp cháu Ste-phờka trong những câu chuyện tầm phào của mấy kẻ vô công rỗi nghề. Được biết, cháu phiêu dạt từ tay gã đàn ông này đến gã đàn ông khác. Rặt những kẻ như Đính.

*

Thật không may cho bố con Năm, đúng vào thời điểm cộng đồng vừa qua ba cuộc quyên góp: quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước bị bão lụt, quyên góp ủng hộ người nghèo, giúp mai táng một người Việt Nam đột tử ở tỉnh xa và một người khác lâm bệnh hiểm nghèo phải về Việt Nam gấp để chữa trị. Lại đang cuối vụ buôn bán. Chợ vắng như chùa Bà Đanh. Đi từ chợ Đường Tàu vào khu chợ Iliensi 1, rồi xuyên sang khu chợ 2 mà cứ thông thống như giữa phố không người.

 

Cái vẻ mặt hồ hởi, xông xáo của Niêm biến đi, thay vào đó là nỗi chán nản. Số tiền quyên được từ Hội đồng hương Nghệ Tĩnh mới chỉ đủ một chiếc vé cho Năm. Còn lại, chúng tôi có ý định mở rộng phạm vi trong cộng đồng, người nhiều kẻ ít. Song, chỉ mới gặp vài người mà ai cũng than vãn cả. Vì thế, Niêm quyết định dừng lại.

- Phải chờ đến vụ hè năm tới. Không còn cách nào khác! – Niêm thở dài – Quyên một đợt còn thiếu thì để thư thư, lại quyên thêm, cho đến khi đủ cơ số.

 

Tôi trở về quầy vào đầu buổi chiều, đã thấy ba bố con Năm ở đấy. Người Năm rũ như một tấm áo choàng nhàu nát trên chiếc ghế, mặt mày thâm tím. Hắn nói:

- Bỗng dưng sáng hôm qua có hai thằng Bun đến đòi nhà. Chúng quẳng đồ ra ngoài. Em cản, chúng đánh!

Thế là hắn đã đến bước đường cùng rồi. Hắn biết mình là kẻ thừa thãi của xã hội, muốn chạy trốn, muốn ẩn mình ở mảnh đất chỉ toàn sỏi với đá ấy, mà vẫn không xong. Tôi ái ngại hỏi:

- Bây giờ chú quyết định thế nào?

- Lại lang thang thôi, anh ạ. Biết làm thế nào được! – Giọng Năm méo mó. Dường như cuộc sống của hắn đã bị dốc cạn. Hắn chẳng còn gì để bấu víu nữa.

 

Một số quầy hàng của người Việt lục tục đóng cửa. Đây đó, bọn trẻ đang lạc vào thế giới của chúng qua những chiếc mặt nạ và đèn ông sao. Tôi sực nhớ chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu. Và như mọi năm, lũ trẻ sẽ đổ về Hội trường Đại sứ quán để được nô đùa, múa rồng và sẻ chia những mẩu bánh nướng, bánh dẻo hấp dẫn. Hai đứa con của Năm đứng thu lu ở góc mái hiên, nhưng mắt lại dán về phía đám trẻ đang nô đùa. Có lẽ những chiếc mặt nạ ngồ ngộ, những chiếc đèn ông sao đủ sắc màu đang kích thích trí tò mò của chúng.

 

Tôi giấu Năm về kết quả của đợt quyên góp, bởi tôi sợ hắn buồn. Hắn chẳng còn gì nữa, ngoài hai đứa con. Đời lấy của hắn nhiều quá. Thôi thì, cứ để hắn hy vọng. Bao nhiêu năm qua, nhờ hy vọng nên hắn mới tồn tại được cho đến bây giờ. Rồi đây, nếu việc quyên góp không thành, hắn lại còn phải hy vọng để tiếp tục sống nốt quãng đời còn lại giữa trời đông giá lạnh xứ người.

 

Ông trời bất chợt rây tuyết, rây một cách dữ dằn. Bóng Năm lầm lũi mờ dần cuối con đường như một tảng băng trôi câm lặng. Tôi có cảm tưởng như mình đang dầm giữa những bông tuyết trước cổng Đại sứ quán năm nào. Vẫn chẳng có bông nào đơn côi như Năm cả.

 

Bungari, 12.2005


(*) Tiếng Bun: “Bố ơi, con muốn về!”.

(*) Passport: Hộ chiếu.

(*) Blốc: Nhà tập thể cao tầng.

(*) Tiếng Bun: Dạ, cháu 15 tuổi rồi.

(*) Tức tác giả.

(*) Tiếng Bun: Trời ơi!

 

 

Phạm Thái Ba
Số lần đọc: 1924
Ngày đăng: 17.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện về Thị Mầu - Lưu Thị Bạch Liễu
Ngày về - Huỳnh Văn Úc
Chiếc Bàn Đá Và Những Câu Chuyện Về Cha Tôi - Ngữ Yên
Hai bà góa - Trần Huy Thuận
Sống - Dư Hoa
Mặt Trời Bé Con - Trương Hoàng Minh
Thây ma - Trần Văn Bạn
Người Đàn Bà ở Cuối Rìa Làng - Minh Tứ
Bức tranh ông voi - Phạm Thái Ba
Chuyện Tigôn - Phương Giang
Cùng một tác giả
Tigôn (thơ)
Con chó quý (truyện ngắn)
Chết hoang (truyện ngắn)
Bức tranh ông voi (truyện ngắn)
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chết lành (truyện ngắn)