Vừa lọt lòng mẹ, nàng đã hứng chịu cơn mưa đầu đời.
Đó không phải là cơn mưa đồng cũng không phải cơn mưa núi mà là cơn mưa phố. Mưa tháng sáu, bất chợt, ào ạt, dữ dội và chóng vánh. Mưa như trút nước, trắng xoá cả bầu trời. Giữa đất trời, nàng nằm đó, bé xíu, đỏ hỏn, thoi thóp thở. Bên cạnh, mẹ nàng kiệt sức chồm lên che chắn cho nàng. Công viên chìm trong một màu sữa đục. Không một bóng người. Mưa đã xô đẩy con người tìm kiếm nơi chốn trú thân. Dòng nước màu đỏ bầm pha trộn giữa máu và bụi đất cứ loang ra trên nền gạch ở lối đi. Tiếng kêu cứu hụt hơi của người đàn bà lúc chuyển dạ tắt ngấm trong cơn mưa gió phũ phàng. Thế là nàng đã phải cất tiếng khóc chào đời dưới mưa. Đó không phải là tiếng khóc của Chúa. Đó là tiếng khóc của nàng, của riêng nàng: buốt nhức, hãi hùng.
Gã đàn ông nói, bất hạnh. Sinh ra trong mưa thì lụy suốt đời.
Không, buồn suốt kiếp, ta nói.
Mưa là tai hoạ, gã đàn ông nói.
Mưa buồn, chỉ thấy mưa buồn, ta nói.
Buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc hay dửng dưng mưa vẫn là mưa.
Nhưng sao mỗi khi nhìn mưa lòng ta buồn đến tê dại? Chỉ nghĩ đến mưa ta đã thấy buồn. Mưa đeo đẳng hay nỗi buồn đeo đẳng ta?
Em thấy mình chết dưới mưa, nàng nói. Mưa rả rích suốt cả ngày. Bầu trời xám một màu chì.
Mưa sẽ tạnh.
Em sợ mưa.
Đừng nghĩ về mưa.
Em không thể không nghĩ về mưa.
Phải, không ai không nghĩ về mưa, ta nghĩ.
Ta sinh ra cũng đúng vào ngày mưa, bên dưới mái tôn, trong đống tả lót rách nát, bẩn thỉu như mớ giẻ lau chó đẻ. Ta không run lạnh, ướt sũng như nàng nhưng mưa đã tàn nhẫn quất vào da thịt non tơ của ta bằng cái thứ âm thanh khủng khiếp bởi sự va đập không thương xót của những hạt nước nặng trĩu vào mái tôn.
Một thân một mình đẻ vào ngày mưa buồn lắm, má ta nói.
Đau đớn xoá tan phiền muộn, ba ta nói.
Dưới mưa con người ta cô độc, ta nói.
Cô độc thì buồn, má ta nói.
Vì thế mà mụ đúc nên nó có đôi mắt buồn. Đàn ông mà mắt mũi cứ buồn da diết là hỏng, ba ta nói.
Đó chỉ tại mưa, má ta nói.
Chẳng phải mưa gió. Chỉ có nỗi đau hiện diện, ta nghĩ. Không, chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu, ta lại nghĩ.
Mưa là sự chết chóc, gã đàn ông nói. Hắn hỏi ta đã bao giờ nhìn thấy xác lính chết trận nằm vung vãi ở chiến trường dưới mưa chưa. Ta bảo đã nhìn thấy trong phim ảnh.
Nghệ thuật luôn đánh mất tính chân thực của hiện thực, hắn bảo.
Nhưng buồn lắm, ta nói.
Ghê tởm, hắn nói.
Ta bảo ta đã nhìn thấy xác chết dưới mưa. Đó là những năm chiến tranh khốc liệt. Người già, con nít, đàn bà gồng gánh, lũ lượt kéo nhau tản cư dưới hai làn đạn, dưới những làn đại bác dồn dập. Đang là mùa mưa người ta vẫn mở chiến dịch.
Xác chết dưới mưa thường thì nhợt nhạt, gã đàn ông nói.
Xác chết trôi cũng nhợt nhạt, ta nói.
Chết trong mưa lụt thì tím tái, nhợt nhạt vô cùng, gã đàn ông nói. Hắn là một nông dân. Trông hắn rất lương thiện.
Khi đi học nàng vẫn phải đội mưa. Chiếc áo dài trắng mỏng tang cứ thít chặt vào da thịt làm bật lên đường nét mềm mại của cặp vú mây mẩy tựa như nàng đang khoả thân trong bầu sữa khổng lồ. Đó là thời khắc anh hùng và tội đồ của mưa hoà làm một. Mưa đã biến cái hình thể trinh nguyên, thơm tho của nàng thành thiên thần; mưa đã tàn nhẫn lột trần nàng giữa thanh thiên bạch nhật. Phải chăng vì thế mà nàng cứ luôn sợ mưa?
Với ta, mưa còn là nỗi ám ảnh. Cái thân xác đói ăn, gầy đét của thằng bé lên mười dường như không thể chống chọi được những cơn mưa giông gió giật bão bùng. Mưa ào ào quất và không ngừng xuyên thấu da thịt khốn khổ của ta suốt cả tuổi ấu thơ và thời niên thiếu. Ta luôn thấy mình lạc lối trên cánh đồng.
Nhưng ta không sợ mưa. Ta không chết trong mưa.
Làm chuyện đó dưới mưa thực là sướng, người đàn bà nói. Môi thị dày và ươn ướt. Ta chợt nghĩ đến cái bộ phận thực hiện chức năng con cái.
Làm chuyện đó trong mưa mới thật sự chết lịm, gã đĩ đực nói.
Liệm trong mưa thì thật là khốn nạn, người đàn bà bỉu môi.
Sao mà giống, ta nghĩ. Còn hơn cả giống. Sai lầm to lớn nhất của Thượng đế là lẫn lộn trong việc sắp đặt.
Bùn đất khác biệt chăn nệm, đĩ đực nói.
Chỉ là một, người đàn bà nói. Thị đưa cái lưỡi dày và dẻo quệt môi.
Trong sáng, khô ráo và thanh tịnh là ước mơ cuối cùng của con người ta. Đó là thiên đường, đó là thế giới không mưa, ta nghĩ. Nhưng phải chăng có sự hiện hữu địa ngục và thiên đường? Ta lại nghĩ.
Nhiều lần ta và nàng ôm nhau làm tình dưới mưa. Cảm giác là ta luôn đắm chìm trong một thế giới không màu sắc, không phương vị, không vật thể, một thế giới rỗng không, tĩnh lặng khiến ta nhẹ tênh, bồng bềnh trong trạng thái ngất ngây tuyệt đỉnh. Nàng thì tê cứng trong nỗi sợ hãi đến cùng kiệt. Đôi lần nàng khóc. Nước mắt hoà lẫn nước mưa. Nước mắt thì trong và mặn; nước mưa thì đục và nhạt. Trong, đục, mặn, nhạt hoà vào nhau tạo ra một thứ chất lỏng deo dẻo thẩm thấu, ngấm sâu vào khắp người ta, tim ta. Ta nghe như có mưa đang rơi trong tim.
Nhìn linh mục A chết dưới mưa mà buồn nôn, tay nhà văn hạng hai nói.
Đám nhà văn các người đã nhẫn tâm gây ra cái chết đó, cô gái giang hồ nói.
Ông ta không thể không chết dưới mưa. Ông ta đã chọn cho mình một cái chết, tay nhà văn hạng hai nói.
Tởm lợm, nàng nói, mặt nhăn nhúm và trắng bệch.
Một nỗi buồn tê dại bao trùm lấy ta.
Em ghê tởm mưa, nàng thổn thức.
Còn người đàn bà điên trần truồng đứng gào thét dưới mưa thì sao?
Phật nói, khổ nạn.
Chúa nói, trừng phạt.
Đó là hình ảnh người đàn bà đối thoại với mưa, hoạ sĩ nói
Bà ta gào thét dữ dội, mái tóc rối bù dính bệch vào cổ và vai, những sợi lông mu xoăn tít túm tụm trong cái tam giác hẹp được tạo ra bỡi đôi chân khẳng khiu và cái bụng dưới lép kẹp, đôi vú nhăn nhúm giật giật theo cơn gào. Mưa cứ tuôn xối xả. Cái thân thể quắt queo, ương bướng của người đàn bà co rúm lại.
Người đàn bà gào thét điều gì? Ta không hiểu. Cũng sẽ chẳng có một ai hiểu. Không bao giờ có một ai hiểu. Chỉ duy nhất có mình bà ta hiểu. Nhưng rất có thể bà ta cũng không hiểu nốt.
Kiếp người, ta nghĩ.
Cả thời trai trẻ ta sống dưới mưa. Ta ngồi ăn, mưa cứ dầm dề đổ. Mồ hôi, nước mưa trộn vào cơm khiến miêng ta mặn chát. Nhưng ta không bao giờ được một bữa no. Sức lực ta cứ như bị hút cạn kiệt. Những con đĩa nhầy nhụa lại âm thầm kiên trì đeo bám vào da thịt ta. Ta luôn nghe có mùi bùn tanh.
Nàng cũng thế. Những mùa mưa năm ấy, từ tờ mờ sáng, nàng đã phải oằn lưng đạp xe để kịp nhập vào đoàn người rồng rắn dưới mưa ở phía trước cửa hàng thực phẩm mòn mỏi đợi chờ. Trong lúc bụng đói meo, dưới cơn mưa tầm tã, nàng hụt hơi bương bả đến công sở ở tít tận đằng đông thành phố, rồi ướt át ngồi lên chiếc ghế cơ quan, uể oải nhìn mưa rơi bên ngoài cửa sổ, nhìn xuống những con phố vắng hẳn bóng người, miên man độc thoại với mưa cho đến lúc tan tầm. Cứ thế, nàng đi về dưới mưa cả tuổi thanh xuân của mình.
Sau này, khi ta tập tò viết lách, mưa lại bắt đầu lộp bộp rơi trên trang viết và khi ta được cái mà người ta gọi là nhà văn thì mưa làm ướt nhoè từng trang sách của ta. Ta không có lấy một cơ hội để cứu lấy quyển sách của đời mình. Và mưa cũng làm ướt nhoè cái lớp vỏ trí thức mà người ta khoác lên cho nàng.
Em không có nơi chốn nào để mà nương thân, nàng bảo.
Con người ta luôn có một nơi chốn để nương thân, ta nói.
Có lẽ chỉ có …. mưa, nàng nói với chính mình.
Mưa đi qua suốt cuộc đời ta. Mưa rơi suốt năm tháng đời nàng. Ta và nàng không sao trốn chạy khỏi mưa, dù rằng ta đã là thằng đàn ông luống tuổi, gối mỏi chân run, dù rằng nàng không còn trẻ trung, xuân sắc.
Chỉ gần đây thôi, nàng bảo nàng luôn thấy thời gian trôi. Ta bảo ta chỉ nghe bước đi của thời gian.
Em thấy mình đang trôi, nàng bảo.
Anh đang bị bào mòn, ta nói.
Dù trôi đi hay bào mòn thì cũng là sự khốc liệt của thời gian, cái mà ta chỉ có thể nhận diện lúc ta trong mưa hoặc khi ta nhìn mưa.
Giờ đây, mưa vẫn tàn nhẫn rơi trên khuôn mặt thiên thần, vóc dáng kiêu sa, da thịt thơm lừng của nàng như muốn xoá đi mọi dấu vết, như để xác định một cách tường minh rằng cái đẹp rồi cũng sẽ vĩnh viễn chìm vào quên lãng. Ta ngồi bên nàng không đớn đau, thù hận, không phiền muộn, điêu ngoa, không niềm vui, ham muốn. Tất cả chỉ là sự rỗng không.
Mưa cứ rơi, cứ rơi.
Mưa, đó là định mệnh.
Qui Nhơn, ngày 28/3/2006