Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.164.040
 
Hiệp Sĩ
Lương Văn Chi

Hằng đi lùi sau chị Thụ mấy bước, dõi mắt nhìn dáng đi xăm xắn của bà mẹ chồng tương lai, đắn đo cái điều là có nên nói cho bà biết sáng nay Sơn đã đến lấy lại cái nhẫn một chỉ vàng mà ngày ra quân anh đã mua tặng cô làm kỉ vật. Đường phố chính vào lúc sắp khuya vẫn còn ồn ào bởi mọi loại động cơ của ôtô, xe máy, nhộn nhạo tiếng cười, tiếng chửi tục tĩu của đám thanh niên ra dáng cậu ấm con nhà giàu. Hai mẹ con ra khỏi nhà đã lâu, Hằng đã dẫn chị Thụ vào nhà nhiều bạn đồng ngũ của Sơn với hi vọng gặp Sơn đang chúi mũi, chúi tai vào đám đỏ đen nào đấy, vì nghe đâu hồi tại ngũ, lúc rỗi, đám lính tráng cũng hay tụ tập sát phạt nhau như vậy. Nếu không, chí ít cũng gặp Sơn phóng xe trên những phố chính; còn hơn ngồi nhà, nghển cổ lên mà ngóng mỗi khi có tiếng xe máy từ đâu đó vọng lại, rồi suy diễn lung tung, mà quá nửa là những tưởng tượng không tốt lành.

 

Chị Thụ dừng bước chờ Hằng đến gần rồi hỏi:

- Con mệt à?

Thấy Hằng lắc đầu, chị nói tiếp:

- Dễ có đến tuần lễ nó chẳng đưa nổi cho bác một đồng nào!

- Sao bác không nhắc anh ấy... - Hằng hỏi lại.

 

Chị Thụ chép miệng:

- Tất nhiên là có... Nhưng nó nói từ ngày thông cầu, lượng khách về bến này ít lắm.

Một đôi vợ chồng trẻ táp xe máy vào vỉa hè, người vợ cùng đứa con gái nhỏ xuống xe trong lúc anh chồng loay hoay tìm cách đưa xe qua kè đá. Xe chồm lên vỉa hè, cắt ngang bước chân chị Thụ, làm chị khựng lại.

- Giá như ngày ấy, bác sang thưa chuyện với bố mẹ cháu thì hai đứa giờ này đã đâu vào đấy rồi - Chị Thụ nói tiếp - Trông vợ chồng người ta kia kìa! Chỉ tại bác trai mày vụng tính...

 

Hằng thông cảm với lời ca cẩm của bà mẹ chồng tương lai, đôi chút áy náy vì trong đó có phần lỗi của mình. Sơn và Hằng yêu nhau từ lâu. Họ đến với nhau từ những năm đầu cấp ba. Một lần cô giáo chủ nhiệm giao cho nhóm Sơn trang trí tờ báo tường của lớp. Sơn cuống lên vì thời hạn sắp hết mà nhóm không có ai kẻ vẽ được ra hồn. Hằng thương hại liền mách Sơn đến nhờ bố mình. Bố Hằng trước kia là thợ kẻ vẽ của Công ty quảng cáo. Một lần được cử đi kẻ khẩu hiệu, ông lỡ để thiếu một nét, liền bị đuổi việc, đành lang thang làm đủ nghề kiếm sống. Khi Sơn đến nhờ, lại trong lúc đang rỗi việc, ông vui vẻ nhận lời.

 

Khi trải tờ rôki xuống bàn, Sơn mới nhớ chưa có thuốc vẽ. Sơn hỏi mượn bố Hằng xe đạp để đi mua. Bố Hằng lúng túng:

- Nhà bác không có xe!

Sơn nhanh nhảu:

- Vậy thì bác chờ cháu mươi phút!

 

Phi một mạch về nhà mình, Sơn đẩy từ gầm cầu thang ra một chiếc xe đạp đã lâu không dùng đến. Đó là một chiếc xe khung dựng được tái tạo từ sự cay cú của bố Sơn vào những năm còn bao cấp. Số là nhà Sơn có hai xe đạp ngoại. Một đêm nọ, kẻ trộm đột vòm lấy đi cả hai. Bố Sơn điên lên vì tiếc của bởi đó là nửa cơ nghiệp của gia đình công nhân. Sau khi báo chính quyền chiếu lệ, ông ra chợ trời tha về một chiếc khung dựng ố vàng như một cục sắt rỉ. Sau khi đã cọ rửa sạch sẽ, ông lấy sơn đen, sơn tuốt tuột toàn bộ khung, vành, chắn bùn, chắn xích, ghi đông, phốt tăng... Trông chiếc xe như được móc lên từ một thùng hắc ín. Đã vậy, ông còn lấy sơn trắng kẻ mấy chữ "Cô-lô-nhếch" to tướng ở khung, ở chắn bùn, thậm chí cả chắn xích. Xong, ông xoa tay ngắm nhìn tác phẩm của mình, hỉ hả: "Mẹ chúng mày! Có giỏi thì liếm nốt đi".

 

Không ngờ chiếc xe tồn tại ở nhà Sơn đến tận bây giờ. Và cũng vì đặc điểm độc nhất vô nhị của nó mà một thời ông chủ được mang tên: Ông Cô-lô-nhếch.

Sơn dựng chiếc xe cổ quái trước cửa rồi nói với bố Hằng:

- Bác cạo những chữ kia đi mà dùng tạm. Khi nào cần, cháu xin lại.

Bố Hằng nheo mắt nhìn chiếc xe, phá lên cười:

- Phí! Cứ để thế nó mới din!

 

Từ đó xóm bên này cũng gọi bố Hằng là ông Cô-lô-nhếch.

Chiếc xe khiến hai ông "Cô-lô-nhếch" thân nhau. Tình bạn của Sơn và Hằng ngày càng thân thiết. Rồi tình yêu đến với họ lúc nào không biết...

- Cả đời bố mày là gã công nhân trơn - Chị Thụ lên tiếng - Một cái chức bét dem như tổ phó công đoàn còn chả đến lân, thế mà khi về chế độ lại sớn cợn lên nhận cái chức tổ trưởng nhân dân, ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng. Thằng Sơn học xong tưởng được đi làm công nhân, thì Phường lại trả công bố mày bằng cách ưu ái cho nó đi bộ đội. May mà không đảo ngũ...

 

Hằng không biết nói gì để an ủi chị Thụ, liền chỉ tay sang mé đường đối diện, nơi nhấp nháy ánh đèn màu của mấy quán karaoke:

- Ta sang bên kia đi bác!

Hai người lách sang đường, cố gắng né tránh dòng xe qua lại. "Tội nghiệp bác ấy!" - Hằng nghĩ - Những nơi cần đến thì họ đã đến cả rồi. Chả lẽ anh Sơn lại vô tâm với gia đình vậy sao? Còn như Hằng nghĩ thì bác trai tính cũng chẳng sai, cái khoảng giãn cách của mấy năm Sơn đi nghĩa vụ sẽ làm cho hai đứa cứng cáp hơn. Ngay bản thân Hằng bây giờ đã là công nhân hợp đồng của một Công ty đang ăn nên làm ra trong thành phố. Còn Sơn, ba năm lính đằng đẵng xa nhà, xa bố mẹ, xa Hằng, tốn kém không biết bao nhiêu là giấy bút, tem thư, cả những lần quà cáp cho chỉ huy khi trả phép. Nay hoàn thành nghĩa vụ trở về đã mấy tháng rồi, Sơn đang sống những ngày mà bạn đồng ngũ gọi là thời hậu lính. Tất cả như lang thang giữa sa mạc bởi không làm sao kiếm được việc làm. Bạn bè cùng lứa có vài ba đứa lấy vợ, lấy chồng, có đứa đã có con, vài thằng mắc nghiện, nhiều tay ra vỉa hè buôn bán nhăng nhít, hoặc xích lô, xe ôm. Bạn đồng ngũ thỉnh thoảng thăm nhau, câu mở đầu là: "Đã kiếm được việc làm chưa?" và nhận lại những cái lắc đầu thất vọng.

 

Không lẽ một thanh niên to cao như Sơn, khi khám nghĩa vụ quân sự chỉ nhìn qua, bác sĩ đã biết sẽ đạt loại A hoa, mà giờ này chẳng xin nổi việc làm ở một cơ quan nào. Bởi vì cái bằng tú tài và sức vóc ấy dù có cộng thêm lý lịch trơn tru nhờ ba năm quân ngũ, vẫn không thuyết phục được ai. Để mỗi đêm trôi qua, trở dậy, phải chờ mẹ phát chẩn vài nghìn quà sáng. Thậm chí có hôm dậy muộn, bố mẹ đi làm, chẳng hiểu sao không có vài nghìn như thường lệ để trên bàn, đành nhịn đói luôn. Quá bí bách, đầu năm, nhân hôm có giỗ ông nội, trước mặt cả họ, Sơn dứt khoát:

- Con phải làm xe ôm!

 

Mọi người im lặng nhìn Sơn. Đành rằng nhà có chiếc xe máy 82 nhưng chưa một ai dám nghĩ tới điều đó. Cái sĩ diện trong mỗi thành viên vẫn còn. Sẽ ăn nói với mọi người xung quanh ra sao khi một gã trai tơ, ngồi vắt vẻo trên yên xe ở vỉa hè hít bụi, mỏ nhọn ra hóng khách, rồi lăng xăng như con rối gạ gẫm tất cả nam phụ lão ấu đi bộ ngang qua mặt. Trước kia có ai hỏi Hằng: "Sơn làm gì rồi?', dù không mấy tự hào, Hằng vẫn dõng dạc: Đi "lính". Bây giờ Sơn làm xe ôm, thì Hằng sẽ trả lời ra sao đây? Mà bản thân việc làm ấy đã chứng minh cho sự kém cỏi trong quan hệ, là sự yếu thế về đồng tiền và sự đi xuống của thế hệ. Đã vậy, bến bãi, vỉa hè là cái rốn của những thói hư tật xấu. Một thanh niên như Sơn sẽ lành sạch được bao lâu? Ngay như sáng nay thôi, Sơn đến lấy lại cái nhẫn tặng Hằng ngày ra quân, nói là để sửa xe, nhưng Hằng biết xe Sơn không có va quệt gì. Nếu có, chỉ sửa chữa lặt vặt, làm sao cần nhiều tiền thế! Đã vậy lâu rồi Sơn không đưa tiền về nhà, bác gái phỏng đoán Sơn cờ bạc là đúng lắm!

- Ta ngồi nghỉ tạm một lát đi bác!

 

Hằng nói và ngồi xuống bậu đá hè đường, giáp nơi để xe của những khách hát trong quán. Một chiếc xe máy lao vụt qua, bốc lên một đám bụi mù mịt. Chị Thụ vội nghiêng mặt, kéo Hằng ngồi lui vào phía trong.

- Sáng nay anh Sơn sang lấy lại chỉ vàng tặng cháu, bảo để sửa xe - Đắn đo mãi  Hằng mới dám nói ra cái điều đáng phải nói với mẹ chồng tương lai từ lúc khởi hành.

Chị Thụ giãy nảy:

- Cháu có đưa cho nó không?

Hằng lúng túng:

- Cháu đâu dám tiếc anh ấy...

Chị Thụ rên rỉ:

- Thôi chết rồi! Hàng xóm nghi ngờ nó hư hỏng chẳng có sai.

Ý thức sự nguy hiểm với con trai, chị nắm tay Hằng giục:

- Đi! Đến nhà thằng Chiến, trùm cờ bạc ở bến, lôi cổ nó về!

*

Con ngõ chạy dọc tường bao bến xe ô tô thành phố vào lúc sắp khuya đầy khả nghi và na ná một xóm liều. Mấy quán nước lúp xúp, ngăn cách nhau bằng những phên cót hoặc bìa các tông, mái lợp tôn xi măng ghếch gác tạm bợ vào bờ tường bao của bến. Từ trong các quán, hắt ra ngõ một thứ ánh sáng vàng vàng, ảo não của mấy bóng đèn tròn yếu điện.

Lòng đầy nghi ngại, chị Thụ xiết chặt tay Hằng, thận trọng nhón từng bước đến cái quán đầu tiên. Bốn năm người trong quán quây tròn trên chiếc chiếu cũ. Những tấm lưng trần quay ra, những mái đầu đen chụm vào. Mọi con mắt hau háu nhìn xoáy vào cái bát úp trên chiếc đĩa giữa chiếu.

 

Chị Thụ giặng hắng đánh tiếng, hỏi khẽ:

- Các chú làm ơn cho hỏi quán anh Chiến...!

- Chiến nào? - Một câu hỏi lại, vẻ bực bội và không thấy một cái đầu nào quay ra để xem người hỏi là ai. Bỗng một cánh tay trong đám lưng trần quài ra sau, hướng về phía mẹ con chị Thụ:

- Đưa hai chục, đây chỉ cho!

 

Chị Thụ luýnh quýnh, chưa biết xử trí ra sao thì trong góc quán, nơi kê cái giường, một cái đầu tròn ung ủng nhỏm dậy. Đôi môi dày dưới cái mũi bè bè mở ra, một giọng khàn đục do quá tải vì rượu và thuốc lá:

- Chiến đây! Hỏi gì? Cầm, cắm cái gì?

 

Chị Thụ lại thêm lúng túng trước câu hỏi đầy chất chợ búa phát ra từ cái mặt dầy thùm thụp những thịt là thịt của Chiến. Hằng vội bước lên, đỡ lời cho chị Thụ:

- Dạ, không cầm cắm gì ạ!

Một cái đầu trên cái lưng trần quay hẳn ra: một cái mặt bì bì và nhớp nhúa mồ hôi.  Gã khẽ nhếch mép, mỉm một cái cười ruồi:

- Không cầm cắm thì "bán" hả, hai em! - gã hất hàm.

 

Hằng nóng mặt bởi câu hỏi đểu cáng, định ra nhời, thì Chiến nạt lớn:

- Không việc gì đến mày! Câm mồm!

Gã lưng trần tiu nghỉu, úp mặt vào trong chiếu bạc. Chị Thụ ôn tồn:

- Tôi là mẹ cháu Sơn xe ôm! Tôi muốn gặp cháu!

Là tay lõi đời, ngửi mùi có vẻ nghiêm trọng, Chiến nhảy xuống giường sấn đến trước mặt chị Thụ và Hằng, quét một cái nhìn săm soi, ngờ vực:

- Nó không có ở đây! - Chiến trả lời lạnh nhạt.

 

Chị Thụ khẩn khoản:

- Tôi là mẹ cháu thật mà! Anh biết thì chỉ giúp! Tôi cần gặp cháu gấp...!

Không hẳn dưới ánh đèn nhập nhoà, nét mặt chị Thụ quá khổ não hay vì muốn tống khứ mẹ con chị khỏi địa bàn đang giờ làm ăn của gã càng nhanh càng tốt, Chiến buột miệng:

- Đến phố Ga, quán Karaoke, thư giãn Đào Nguyên. Giờ này nó đang ở đấy!

Chiến nhảy trở lại cái ổ của mình. Chị Thụ gặng:

- Cháu nó ở đấy làm gì ạ!

Chiến chưa kịp trả lời, thì có mấy tiếng cười hô hố ở trong chiếu bạc:

- Còn làm gì nữa. Nó đang "chết" một con ca-ve!

Mấy tiếng khác đế vào:

- Nhà bà phúc to rồi đấy! Chắc có mả táng hàm rồng! Sắp có con dâu ca-ve...!    - Cả bọn đồng thanh cười ngặt nghẽo.

 

Như tiếng sấm giữa trời quang, hai mẹ con chị Thụ sững người trước lời lẽ khả ố của lũ cờ bạc. Hằng gắt lên:

- Đồ điêu! Đàn ông mà điêu! Làm gì có chuyện ấy!

Hằng giật tay chị Thụ:

- Hai bác cháu mình đi!

 

Nhìn hai người phụ nữ đi như chạy khỏi con ngõ lạ, đám cờ bạc còn với theo:

- Nhớ cấp thêm tiền cho nó nhé!

 

Phố Ga lúc đêm muộn càng khả nghi và ẩn nấp những bất trắc không thua gì con ngõ bến ô tô khách. Một vài cửa hàng, cửa hiệu đã đóng cửa. Hai mẹ con chị Thụ dừng lại trước cửa quán Đào Nguyên, cùng đưa mắt nhìn xoáy vào trong. Qua lần kính cửa mà trên đó dán đầy những tên biển hiệu, họ thấy Sơn đang đứng áp vào quầy bar, quay cái lưng rộng và mái tóc cum cúp ốp sau gáy ra ngoài. Đối diện Sơn, phía trong, bà chủ quán mặt bự phấn, nở nụ cười tí toét, trong khi Sơn cho tay vào túi quần rút ra một tập tiền, đặt lên bàn, cùng lúc Sơn rút chiếc nhẫn vàng ở ngón út trái giơ lên trước mặt bà chủ quán. Qua cửa kính khép hờ, mẹ con chị Thụ nghe rõ tiếng Sơn sành điệu:

- Đủ chưa?

 

Bà chủ quán gật đầu và chỉ vào phòng trong được ngăn cách với quầy bar bằng những dải rèm xanh. Tức thời Sơn đi thẳng vào trong đó.

 

Chứng kiến cái điều tệ hại còn hơn sự tưởng tượng vừa xảy ra trước mắt, hai mẹ con chị Thụ cứ đứng ngây ra, rồi rúm ró bên chiếc xe 82 của Sơn dựng cạnh gốc cây. Có lẽ nào, con của một gia đình công nhân không lấy gì làm khá giả, bản thân là thằng xe ôm, ngày ngày phải hết sức nỗ lực mới hòng kiếm được một hai chục ngàn, luôn đối mặt với những nguy hiểm, phải đổi cả sĩ diện tuổi trẻ, giọt giọt mồ hôi để kiếm miếng cơm lại có thể ném cả triệu bạc vào một tối truỵ lạc, đua đòi ăn chơi theo kiểu công tử nhà giàu, hay những quan chức nhà nước vớ bẫm tiền chùa. Sao nó không ngoảnh lại nhìn bố nó kia, từ ngày về chế độ một lần, săn lùng kiếm việc từng ngày, nếu được chủ dùng đến thì bất kể mưa gió đêm hôm là mải miết đi ngay. Những lúc thất nghiệp thì hết đứng lại ngồi, dõi đôi mắt vô hồn vào khuôn cửa xiêu vẹo mà thở dài. Sao nó không mở mắt nhìn mẹ nó đây, dù mưa bão nước lụt ngập vành xe vẫn phải đến cơ quan trình diện. Ngày thường chỉ muộn năm phút, nếu không bị bảo vệ đuổi về thì cũng bị đốc công ghi sổ, cuối tháng ban lãnh đạo nhà máy cứ theo ba rem mà phạt một số tiền bằng ngót một phần tư tháng lương.

 

Còn Hằng, như đã cảm nhận được biến cố, nước mắt ứa ra, hai vai giật lên thổn thức. Tại sao thế nhỉ? Mới vài tháng ra làm xe ôm, bản chất tốt đẹp của anh đã rơi rụng đi đâu? Chả nhẽ cứ làm nghề này là đổ đốn hay sao?

 

Một tiếng "roạt", những chiếc kẹp nhựa chạy tuồn tuột trên suốt inốc. Dải rèm xanh bị gạt hẳn sang một bên, mở thông thống giữa quầy bar và phòng hát. Sơn hùng hổ nắm tay một cô gái đầu tóc rũ rượi, lôi thẳng ra giữa phòng. Cùng lúc, một tay, có lẽ là vệ sĩ của bà chủ nhà hàng, đầu húi cua, hai bắp tay trần, phô những múi thịt cuồn cuộn có hình xăm trổ vằn vện, từ một xó nào đó vọt ra đứng chặn trước mặt cô gái nọ và Sơn, sẵng giọng:

- Đứng lại!

 

Sơn buông tay cô gái, mặt vênh vênh, vẻ coi thường đối thủ:

- Chuyện gì?

Tên vệ sĩ trừng mắt, hất hàm về phía cô gái đang giấu mặt sau lưng Sơn:

- Hàng đẹp! Chi thêm phần tao nữa!

Sơn phẫn nộ nhảy một bước đến trước mặt hắn:

- A, mày định làm luật hả?

Thấy chuyện bất ổn, bà chủ quán vội vàng rời quầy bar tiến đến chỗ hai người:

- Thôi! Hàng đã mua bán xong, cho qua!

Tên vệ sĩ hậm hực chỉ vào cô gái:

- Con này, gặp khách sộp một lần, thu gấp đôi tiền chuộc ấy chứ!

 

Sơn nắm tay cô gái kéo sát về phía mình:

- Tao nói cho chúng mày biết. Tao đã có 3 năm là lính, một thời xe ôm, giao thiệp đủ loại giang hồ. Cái ngữ như mày và cái quán karaoke cỏ này, tao chỉ hô một tiếng sẽ bị dí bẹp như gián - Rồi Sơn dằn giọng đủ cho bà chủ quán và gã vệ sĩ nghe rõ - việc làm của mấy người là vi phạm pháp luật. Nhân chứng là tôi, là cô gái này. Thích hầu toà thì bảo?

 

Câu nói lì lợm và có lẽ phải, đủ uy lực hạ gục tên vệ sĩ. Hắn đứng im chịu để Sơn nắm tay cô gái kéo ra cửa.

 

Ở bên ngoài, như có một bàn tay vô hình bóp nghẹt trái tim mẹ con chị Thụ. Nỗi kinh hoàng như đám mây đen bao phủ trong lòng hai người. Trời ơi! Còn hơn sự ăn chơi trác táng mà thiên hạ gọi là "thư giãn' thường tình, Sơn đã sa đoạ vào sự truỵ lạc của bọn trọc phú, thượng lưu, sẵn sàng sộc vào các nhà hàng, nhặt một cô ca-ve, bao trọn đêm tại một khách sạn cao cấp nào đó. Để có tiền ăn chơi cỡ này, đầu tiên là bòn rút của nhà, như việc lấy lại cái nhẫn của Hằng sáng nay, như việc đã lâu Sơn không đưa tiền cho mẹ, rồi sau đó là lừa đảo, là trộm cắp, trấn lột và vào tù...

 

Phải ngăn Sơn lại, không thể để hắn đi xa hơn trên con đường dẫn đến phạm tội đã rõ ràng phía trước.

 

Chị Thụ và Hằng xô vào. Bốn người chạm nhau giữa vỉa hè, ngay trước cửa quán. Chị Thụ hét lên, giọng run bần bật:

- Mày... đồ khốn nạn! Đồ đểu!

 

Chị chỉ tay về phía Hằng:

- Mày muốn con Hằng nó chết mới vừa lòng sao!

Cô ca-ve nọ sực tỉnh, vội chạy đến bên, khi Hằng đã ngồi sụp xuống ôm mặt khóc.

- Hằng... mình đây... Lan đây mà!

 

Rồi cô vội gỡ tay đang ôm mặt của Hằng để bạn nhìn rõ mặt mình. Hằng xoay người sang hướng Sơn. Bao nhiêu tủi cực chất chứa trong lòng, bao nhiêu yêu thương chờ đợi, cả những đêm gió bụi quất rát mặt như đêm nay cùng mẹ đi tìm Sơn, qua bao nhiêu đường phố, ngõ ngách, với một tấm lòng là bảo vệ người mình thương yêu, kéo anh ra khỏi những cạm bẫy đang bủa vây nơi nơi, thì bị chính anh phản bội. Cô hét lên:

- "Bạn" gì các người!

 

Lan khẩn khoản:

- Hằng ơi, bình tĩnh lại đi! Chuyện của mình dài lắm. Hãy nghe mình kể đã nào...

Hằng tức tưởi:

- Chuyện gì! Chuyện trụy lạc của các người ư?

 

Biết lúc này có nói gì, Hằng cũng không nghe, Sơn đến bên mẹ ôn tồn:

- Con đưa Lan về trước. Cô ấy còn con nhỏ ở nhà. Mẹ và Hằng cứ đợi con ở đây, ít phút nữa con quay lại đón...

 

Khi chiếc xe máy của Sơn đã lẫn vào dòng xe xuôi ngược trên đường phố, hai mẹ con chị Thụ vẫn đứng ngây dại bên cửa quán, trong đầu rối tung những câu hỏi không sao giải đáp được. Đúng lúc đó, tiếng xoe xoé của bà chủ quán làm họ sực tỉnh:

- Xong việc rồi còn đứng ám ở quán người ta mãi à!

Chị Thụ đến bên bà ta khẩn thiết:

- Thằng cháu Sơn có hay hát ở đây không ạ?

 

Nhìn nét mặt tê dại của chị Thụ, nhìn hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má Hằng, bà chủ quán "à" lên một tiếng:

- Ngữ nó thì hát hỏng cái gì! Con bé kia vay tiền của tôi để chữa bệnh cho con, muốn làm tiếp viên trả nợ thì thằng này mang tiền đến chuộc nó ra.

 

Bà ta quay lưng, hai mông lặc lè đập vào nhau như xua đuổi:

- Đúng là đồ hâm! Thời này còn ra vẻ hiệp sĩ!

Tất cả những nghi ngờ về Sơn đã được giải toả. Chị Thụ quay lại nhìn Hằng, những cơn gió phóng khoáng đã quạt khô hai dòng nước mắt, nét mặt Hằng trở nên thanh thản, cô đưa bàn tay lỏng lẻo không còn cộm chiếc nhẫn vàng kỉ vật mà Sơn đã tặng ngày nào, vén gọn mớ tóc ra sau gáy, nắm tay chị Thụ thì thầm:

- Ta về đi bác! Cứ đi dần là sẽ gặp anh ấy./.

 

Hải Phòng, tháng 9/2002

Lương Văn Chi
Số lần đọc: 2083
Ngày đăng: 21.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mưa - Trần Văn Bạn
Người giữ cầu bên sông - Mang Viên Long
Đánh đổi - Nguyễn Khương Bình
Cún con - Lương Văn Chi
Một áng mây bay - Trương Văn Dân
Khát vọng sống - Phạm Thái Ba
Chuyện về Thị Mầu - Lưu Thị Bạch Liễu
Ngày về - Huỳnh Văn Úc
Chiếc Bàn Đá Và Những Câu Chuyện Về Cha Tôi - Ngữ Yên
Hai bà góa - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Kịch độc (truyện ngắn)
Chuyến xe đêm (truyện ngắn)
Cún con (truyện ngắn)
Hiệp Sĩ (truyện ngắn)
Một ngày kiếm việc (truyện ngắn)
Hy râu (truyện ngắn)
Quyền khinh bỈ (truyện ngắn)
Phong bì trắng (truyện ngắn)
Khẩu phục (truyện ngắn)