(Đọc tiểu thuyết Người Đàn Bà Lưu Vong cuả Trần Thu Hằng. Nxb Công An Nhân Dân 2008)
“Tôi là một người đàn bà suốt đời phải lưu vong trên xứ sở cuả chính mình “. Đó là lời nhân vật nữ tiến sĩ Vũ Bích Lương viết trong thư tuyệt mệnh. Bà thốt lên những lời bi thương : “Không bao giờ còn một nữ tiến sĩ Vũ Bích Lương trên đời nưã _ mà chỉ còn một người đàn bà tội nghiệp bơ vơ cho đến chết”. Tiểu thuyết Người Đàn Bà Lưu Vong viết về người đàn bà tội nghiệp bơ vơ ấy. Tác phẩm kể lại sự đổ vỡ cuả một gia đình trí thức. Nữ tiến sĩ Vũ Bích Lương 55 tuổi, hơn 30 năm dạy học, nổi tiếng xinh đẹp, thông minh và nghiêm khắc. Chồng bà, ông Hoàng Văn Khả, 64 tuổi, một người có cái bướu rất to, dị hình dị dạng trên mặt. Ông là Tổng biên tập báo Đời Sống Mới, từng là Chính uỷ, cán bộ miền,” ở ông toát ra vẻ lạnh lùng kiêu hãnh cuả một con người đầy quyền lực “. Hai người có duy nhất một con trai, Nguyễn Lương An, tiến sĩ ngành văn hoá học phương đông. An rất thương mẹ và sợ bố. Những tưởng một gia đình trí thức, danh giá như thế sẽ là một gia đình hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Họ lâm vào những xung đột quyết liệt, những bi kịch không lối thoát và lưu vong trong chính ý thức tồn tại cuả mình.
Nếu đọc Người Đàn Bà Lưu Vong bằng cảm quan bình thường, người đọc rất dễ bị shock, trái tim sẽ đau nhói vì cảnh bà Lương bị chồng đánh đập và bị trả thù dã man. Sẽ bất bình khi bà Lương dấn thân vào một tình yêu với chàng sinh viên chỉ đáng tuổi con mình, sẽ kinh tởm những mối quan hệ vô luân cuả ông Khả, cách sống thực dụng cuả Hoa, và sẽ thót tim cùng với Mỹ Vân trong bao nhiêu biến cố cuả gia đình An. Truyện hấp dẫn ở độ căng thẳng kịch tính cuả những biến cố liên tiếp, dữ dội, diễn ra không đoán trước được, để lại một mối thương tâm mênh mang cho số phận cuả tất cả các nhân vật
Nhưng nếu đọc như vậy, người đọc khó nhận ra sự mới lạ cuả Người Đàn Bà Lưu Vong và tài năng cuả Trần Thu Hằng, một nhà văn trẻ, theo tôi, có khả năng đi rất xa trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Cần phải đọc Người Đàn Bà Lưu Vong như kiểu truyện hư cấu (fiction), kiểu truyện tư tưởng, không phải kiểu truyện phản ánh hiện thực, kiểu truyện đặt ra và giải quyết một vấn đề đời sống ( dù rằng thuộc tính cuả văn chương là phản ánh hiện thực). Có một sự ám ảnh mãnh liệt về thân phận cuả những người đàn bà trong tác phẩm. Tại sao bà Lương lại đau đớn thốt lên: “Tôi là một người đàn bà suốt đời phải lưu vong trên xứ sở cuả chính mình”
Lưu vong là không chốn nương thân, là bơ vơ đi tìm một nơi cư trú, một nơi nương tưạ, một nơi để sống trong cuộc đời này, để sống như chính bản thể cuả mình, với những những khát vọng , với mong muốn thể hiện những gì là chính mình. Không có một nơi nào như thế , ngoại trừ cái chết. Nhưng bà Lương đã không thể chết được, dù đã viết thư tuyệt mệnh, dù đã bị đánh đập nhiều lần dở sống dở chết.
Buớc lưu vong đầu tiên cuả bà là vụ cưỡng dâm cuả ông Khả đối với một nữ sinh viên. “ Ý nghĩ đầu tiên sau khi người con gái ấy tỉnh dậy, loã thể cùng với cái bướu khủng khiếp kia là : lao lên toà nhà kia và nhảy xuống quyên sinh. Nhưng cô gái vưà mới bị quy kết một cái án là yêu đương theo kiểu tiểu tư sản nên cô đành lặng câm nuốt hận “ . Vì ông Khả là cán bộ miền , nên tổ chức cho qua, để rồi cô nữ sinh viên ấy cam chịu làm vợ ông và sống “êm ấm” với ông hơn ba mươi năm trong một điạ ngục, “ bởi ông ta đã nhiều lần đưa bà xuống điạ ngục “. Từ đó bà dấn thân vào con đường công danh, trở thành nữ tiến sĩ, có danh vọng với đời. Thế nhưng khi về hưu nhìn lại cuộc đời mình, bà thú nhận : ”Hơn ba mươi năm qua, tôi không chấp nhận việc chọn cái chết để kết thúc số phận lưu vong này. Tôi không chấp nhận mình là người thua cuộc, và tôi tin cuộc đời như tin chính bản thân tôi… Liệu có gì sai trong cách nhìn nhận và xây dựng này không? Nhưng rõ ràng là tôi đã thất bại, thất bại thảm hại..” (tr.117), kết thúc một cuộc đời mở ra một cuộc lưu vong vào cõi không.
Bước phiêu lưu thứ hai cuả bà Lương là sự dấn thân vào tình yêu cuả anh sinh viên, học trò cũ . Anh ta đã theo đuổi bà suốt mười năm, đã xuất hiện đúng thời điểm bà sắp từ giã cõi đời trong tuyệt vọng, đã làm cho tâm hồn bà tái sinh, làm cho thân xác khô kiệt cuả bà triển nở tốt tươi. Bà đã đồng ý ngồi khoả thân cho anh ta vẽ, để cho anh ta chở xe đạp đi vòng quanh thành phố như một người tình, đi bơi với anh ta ngoài biển, để cho anh ta nâng niu, kích thích trên giường, và sau cùng ăn nằm với anh ta, ngủ rất ngon trong vòng tay ấm áp cuả anh ta. Tại sao bà Lương là một nữ tiến sĩ thông minh, nghiêm khắc, ý thức rất rõ hành vi tội lỗi cuả mình, nhận rõ sự đốn mạt cuả con người mình , nhận ra sự phản bội chồng con trong hành vi cuả mình, tại sao con người luôn “cảnh giác“ ấy lại làm như vậy? Chính bà cũng không hiểu nổi mình. Chỉ biết rằng mình được sống trong hạnh phúc cuả tình yếu cuả tuổi trẻ, mà bà đã đánh mất, được sống trong mơ… Thế nhưng cưộc phiêu lưu lãng mạn ấy đã phải trả giá rất đắt bằng những trận đòn thù cuả cả anh sinh viên và ông Khả, trả giá bằng cái chết cuả chồng và con bà. Trở lại với tuổi trẻ đam mê là một cuộc lưu vong vào cõi chết
Ông Khả chết, bà tìm về tình yêu đầu đời với ông Cao Tuấn, người tình xưa, mà chỉ vì bất đồng quan điểm, hai người đã phải chia tay. Ông Tuấn vẫn yêu bà tha thiết, như một người tình lý tưởng, một Kim trọng cuả thời xưa. Tâm hồn bà dần dần sống lại. Bà để ông bế bà lên giường, để cho ông kích thích. “Chẳng mấy chốc, môi bà buộc thoát lên những tiếng rên nho nhỏ… toàn thân bà nóng bừng lên..Một dòng máu nóng tưới đẫm hết châu thân, đi vào tận đáy tim cuống phổi, những ngõ ngách tận cùng tưởng đã chết từ lâu…Cõi lòng bà đi vào những cơn co thắt dữ dội, không sao cưỡng được, và những giọt nước cuối cùng tuôn chảy “. Cuộc dấn thân chấm dứt ở đấy, ông Tuấn ra đi không trở lại vì ông bị quay phim lén. Bà Lương lại phải đối diện với kẻ thù cuả mình là ông tân trưởng khoa. Trong một cuộc gặp mặt, bà không sao chống đỡ được những đòn hiểm độc đánh vào nhân cách cuả bà, như những nhát dao rất ngọt ngoáy sâu vào tim , làm chảy đến giọt máu cuối cùng sự sống cuả bà . Đó là một cuộc lưu vong đầy ngậm ngùi, và sự hoang vắng.
Những tưởng an phận chấp nhận gia đình, nào ngời lại trầm luân trong điạ ngục , tự giải thoát bằng đam mê tuổi trẻ lại gặp hận thù , tìm về quá khứ dở dang cuả một mối tình thần thánh lại rơi vào cạm bẫy giá buốt, bà Lương chỉ còn một điểm tưạ duy nhất là An. An yêu bà bằng một tình yêu tôn thờ. Cả sau khi chết, An vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng bà Lương, luôn ở bên bà, nhắc nhở bà cảnh giác với ông tân trưởng khoa, thúc giục bà mau đến với ông Cao Tuấn. Bà Lương còn sống được là nhờ An, bà muốn sống tiếp những tháng ngày An chưa sống, sống vui như An mong muốn, bà không còn nợ ai điều gì, chỉ nợ con trai niềm vui sống vậy mà An cũng không ngăn chặn được bàn tay ông trưởng khoa, không giúp mẹ giữ lấy ông Cao Tuấn. Chẳng còn nơi nào dung than cho một linh hồn đã tơi tả bầm dậm những vết thương tâm.
Số phận chăng hay tại chính bà gây ra tai họa cho mình ? Không phải, mà vì có một thứ “quyền lực” phủ trên đời bà “quyền lực đàn ông”. Trước hết là quyền lực cuả ông Khả. Quyền lức ấy cho phép ông cưỡng dâm bà, bắt bà làm nô lệ suốt đời, cho phép ông đánh đập, hành hạ bà như một con vật, bắt bà phục dịch như một con hầu gái. Ông bảo con dâu nói lại với bà : “ Hãy nói với bà ta : dù là tiến sĩ, bà ta cũng chỉ là một người đàn bà. Bà ta có thể làm mọi thứ, nhưng không thể điều khiển được cuộc sống cuả một người đàn ông theo ý muốn cuả mình, mãi mãi là như thế…Trong tay ta là một thứ siêu quyền lực, chẳng có gì chống lại được ta, kể cả sự thật..” (tr.111). Chàng sinh viên yêu bà cũng có một thứ quyền lực cuốn bà theo những dục vọng cuả anh ta, một thứ quyền lực mà bà không cưỡng lại được. “ Cho đến khi anh sinh viên đặt nụ hôn lên đôi tay bà và bà bỗng nhận thấy tâm hồn mình yếu đuối đến mức nào” (tr.133). Người đàn ông quyền lực thứ ba là tân trưởng khoa. Ông ta đã đánh những đòn độc ác đến nỗi “ trái tim bà như bị đông thành đá”, “vào lúc ấy, bà nghĩ mình sẽ chết”. Linh hồn An phải nhắc bà “Mẹ! hãy ngẩng cao đầu, đừng cúi gục và run rẩy như thế.” (tr.397). Thứ “ quyền lực đàn ông” ấy là gì ? “ thế giới này méo mó bởi dục vọng…dục vọng cuả những người đàn ông. Trong đó phụ nữ chúng tôi chính là thứ bị làm cho méo mó nhất, chỉ vì long yêu ghét cuả quý ông “ (tr.325)
Nhưng thực ra chính bà Lương mới là người chiến thắng. Ông Khả đã thổ lộ điều này với bà : “Mình quả là một người đàn bà vĩ đại. Tôi cảm thấy chính tôi được mình cứu vớt lên khỏi vũng bùn nhơ bẩn “ (tr.171) .Ông cũng thú nhận với Hoa:” Tôi là kẻ thua cuộc. Hoa ơi, mặc dù tôi luôn chủ động nắm bắt cơ hội để làm người thắng cuộc. Tôi thua ngay trên lãnh điạ cuả mình.. tôi muốn giết chết bà ấy mà không thể nào giết được” (tr.336). Anh sinh viên, người đã 10 năm theo đuổi tình yêu với bà, cũng là người đã trả thù bà bằng những hành động dã man, tồi tệ, anh ta đã nhảy xe tự sát vì không sao với tới được ước mơ cuả mình : “ Bích Lương cuả tôi là một người phụ nữ hoàn hảo kỳ lạ “ (tr.407), ”Những gì tôi nghĩ rằng đã có thể đều trở thành không thể. Dù chỉ là một giấc mơ…Cuối cùng thì bức tranh cả đời tôi ao ước cũng không thể hoàn thành…” (tr.410) . Những gì gọi là tội lỗi “ giả dối, nhơ nhuốc , đốn mạt, phản bội”.. ở bà đều xuất phát từ quyền lực đàn ông. “ Bà đã rơi vào một vòng xoáy hỗn loạn, không còn phân biệt được gì nưã “ (tr.203)
Bà trở thành biểu tượng tất cả những nỗi thống khổ cuả người phụ nữ , như một con hầu, một con điếm, một con vật trong sự dày đạp cuả đàn ông, biểu tượng cho sức chịu đựng phi thường nỗi đớn đau, sự ô nhục và sự mất mát trắng tay, biểu tượng cho sự dấn thân, cho ý thức “dám sống thật với bản thân mình” bất chấp cả cái chết, và trên hết là biểu tượng cuả cái đẹp, dù cái đẹp là căn nguyên mọi kiếp nạn đời bà. An là người gần gũi mẹ suốt đời, khi nhìn những hình ảnh mẹ trong điã hình, cũng sững sờ trước vẻ đẹp cuả mẹ. Anh không hề nghĩ mẹ tội lỗi, anh dành cho mẹ tất cả sự yêu thương , cảm thông”Anh đã đọc biết bao nhiêu quyển sách mô tả về vẻ đẹp và tình yêu cuả người đàn bà, nhưng chưa từng thấy ở đâu cái vẻ kỳ lạ này . nếu anh ngước mắt lên, có lẽ anh đã trở thành một người khác. Và sẽ sẵn sang giẫm gót giày lên quá khứ, để yêu mẹ, yêu chính bản than mình, yêu những gì mình đã ước mơ và tin là đúng ”(tr.349)
Nhưng cũng phải thấy điều này, bà Lương là hiện thân cuả sự yếu đuối, như Eva xưa, dễ bị con rắn cám dỗ ăn trái cấm, để rồi bị đuổi ra khỏi vườn điạ đàng , muôn kiếp lưu vong trong u mê , khổ nạn, vùi dập xuống tận đáy sâu khốn cùng. Miệng lưỡi ma quỷ ông Khả, những lời ngon ngọt ngụy tín cuả anh sinh viên, lưỡi dao sắc lẹm trong những lời cuả ông tân trưởng khoa, cả viên kẹo ngọt tình yêu trong trái tim ông Cao Tuấn, thực chất chỉ là những biến thái khác nhau sự cám dỗ cuả con rắn ở vườn điạ đàng xưa. Những lúc yếu đuối và mê muội, bà chỉ biết khóc, khóc ròng suốt ba mươi mấy năm. Và dù rất tỉnh táo, rất cảnh giác, rất ẩn nhẫn suy nghĩ, bà cũng không sao từ chối “ dấn mình vào một cuộc phiêu lưu thật sự “ (tr.193), như thể “ ma đưa lối quỷ đưa đường / cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Bà không hiểu chính mình. Có lúc bà rối tung lên. Bà nói với An :”Mẹ sắp điên rồi! mẹ không còn làm chuỉ được bản than mẹ và cuộc đời mẹ. tất cả đang rối lên như bong bong “ (176) .
Không chỉ lưu vong trong thân phận làm người, bà còn lưu vong trong chính hành trình khám phá tâm hồn mình, khám phá con người sâu thẳm cuả mình. Sự thất bại trong cuộc hành trình này đã khiến bà Lương phải sống hai mặt, sống giả dối và lâm vào bi kịch cuả một cuộc đấu tranh quyết liệt giưã chọn lưạ tự do và đạo đức, giưã con người xã hội và con người cá nhân, giưã chân lý và và sự giả ngụy, giưã cõi sống và cõi chết, giưã được và mất, giưã sự dấn thân và sự trả giá, giưã yêu thương và hận thù, giưã sự tự khẳng định và sự phủ định chính sự tồn tại cuả mình. Giưã ngổn ngang chiến trường ấy, bà vẫn lầm lũi kiếm tìm chốn nương thân trong vô vọng. Và tác giả tin rằng :” bà là người phụ nữ sống ở thế kỷ 21, hẳn bà biết mình cần phải làm gì để cuộc đời không thành bi kịch?”. Tiếc rằng niềm tin ấy đã quá muộn màng đối với bà. Trước mặt bà bây giờ chỉ còn là cõi không. Bà lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, một sự chọn lưạ dấn thân mới, vào sâu thẳm tâm thức mình, đối diện với cõi không. Cầu mong cho bà đến được bên kia bến bờ bình yên ( đáo bỉ ngạn ) .
Không chỉ bà lương là một số phận lưu vong mà cả Mỹ Vân, con dâu bà, và chị Hoa, cũng là những thân phận lưu vong. Mỹ Vân bị An cưỡng đoạt cuộc đời, dù rất yêu An nhưng nàng phải cam chịu không chốn ẩn thân. Sống giưã gia đình An, Mỹ Vân trần trụi chịu đựng, để rồi sau cùng An chẳng đoái hoài gì nàng. An chết, Mỹ Vân thực sự chẳng còn bến bờ nào để đợi chờ hy vọng. Mỹ vân là một thân phận đáng thươngvô bờ. Chung quanh nàng chỉ có sự sợ hãi và bóng tối.
Nhân vật chị Hoa là một hoàn cảnh lưu vong khác. Chị chấp nhận sống vong thân. Chị đã có chồng, có con. Ông thương gia người Nhật là người chồng thứ hai . Chị đã chung chạ với bao nhiêu là đàn ông. Tại sao chị làm thế? Chị tâm sự với An :”Tôi là một người phụ nữ xấu nhưng tôi biết cách xử sự ngang hàng với họ. Họ dùng tình dục để ấn tôi xuống bùn, thì tôi phải vấy bùn lên họ. Họ muốn cưỡng bức tôi làm nô lệ cho họ, thì tôi mở toang tấm thân này ra và thách thức họ: này, có muốn làm gì thì làm đi, xem thử sức nhà mi bao hả? Anh đàn ông nào không giao đấu nổi thì xách dép mà biến ngay, không thì chuốc nhục vào thân…” (tr.325). Hoa đã ăn nằm với cả ông Khả và An. Hoa cũng là người đẩy An tra cổ vào dây thòng lọng, sau khi bị An tống cổ về Nhật.
Mỹ Vân và Hoa chỉ là hai cực khác nhau cuả thân phận lưu vong, cũng như bà Lương, họ là nạn nhân cuả hoàn cảnh và cuả quyền lực đàn ông, họ vưà chủ động, vưà bị động, họ tưởng rằng con đường mình đi sẽ dẫn đến chân lý, nhưng cuối cùng, vẫn chỉ là cánh bèo bơ vơ giưã dòng đời, chẳng biết trôi dạt về đâu. Tác phẩm đặt ra một câu hỏi lớn về số phận người phụ nữ trong thời đại tưởng những rằng câu thơ Kiều đã phôi pha :” đau đớn thay phận đàn bà / lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Xây dựng một cốt truyện phức tạp, miêu tả những tính cách đa diện, dõi theo những số phận chìm nổi , đặt ra những vấn đề tư tưởng sâu sắc, Trần Thu Hằng tỏ ra là một cây bút trẻ có bút lực dồi dào, quyết liệt dấn mình vào lãnh điạ đầy gai góc cuả văn chương. Người Đàn Bà Lưu Vong đã tiếp cận được tới kiểu tác phẩm tư tưởng như thường thấy trong những tác phẩm lớn. Người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng hiện sinh cuả J.P.Satre, “ tha nhân là điạ ngục “ (L’enfer, c’est les autres) . Nhưng Trần Thu Hằng chưa miêu tả hiện sinh. Rõ nhất là tư tưởng nhân văn. Trần Thu Hằng tập trung sức lực miêu tả vẻ đẹp người trong nhiều hoàn cảnh khốn cùng cuả cuộc sống, ngay trong điạ ngục thống khổ và nhục nhã ê chề, trong cả nỗi tuyệt vọng chới với, trong thù hận dã man. Tác phẩm vang lên tiếng ca ngợi cái đẹp vĩnh cửu , sự nhẫn nhục yêu thương, sự chịu đựng phi thường những tàn bạo vùi dập, sự tuôn trào máu trong tim và nước mắt phận người. Trần Thu Hằng có những trang văn giàu chất trí tuệ, những trang văn giàu chất thơ, những trang văn mà ngôn ngữ đạt tới sự sang trọng . Ngay cả phải miêu tả những cảnh “nóng“, ngòi bút Trần Thu Hằng vẫn bộc lộ một bản lĩnh riêng, vưà say sưa mê đắm vưà tỉnh táo chừng mực, vưà rất thực lại vưà rất lãng mạn . Ngôn ngữ vẫn sáng trong như pha lê. Trần Thu Hằng có những hình ảnh so sánh rất sống động, có những cảnh nhân vật đối thoại bằng một thứ ngôn ngữ thật sắc xảo, trí tuệ.
Nếu cần noí thêm về sự sáng tạo cuả Trần Thu Hằng trong Người Đàn Bà Lưu Vong thì phải kể đến sự mới lạ này: nhận vật anh sinh viên không tên là nhận vật thật mới lạ. Con người này vưà là một trí thức với trí tuệ sắc xảo, vưà là một gã bụi đời tàn độc, vưà là một người tình lý tưởng, một hoạ sĩ tài hoa, lại vưà là kẻ miệt mài đuổi theo lý tưởng và chết cho lý tưởng. Anh tôn thờ cái đẹp, nhưng không sao với tới được. Mặt khác, tất cả các nhân vật trong tác phẩm đều được soi chiếu đa diện, họ hiện lên vưà là con người có tình, có nghiã, thánh thiện, lại vưà là ác quỷ dã man, ngập nguạ thù hận. Họ đầy khát vọng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp , nhưng lại tàn phá, giày đạp không thương tiếc mọi giá trị cuả cuộc đời này.
Có những chi tiết tưởng chỉ là nhỏ nhặt nhằm cá thể hoá nhân vật , nhưng lại mang ý nghiã tư tưởng. Cái cục bướu dị hình dị dạng trên mặt ông Khả là một thí dụ. Nó tạo nên tính cách cuả ông , cả mặc cảm tự ti và tự tôn. Nó là nỗi kinh hoàng cuả bà Lương cuả Mỹ Vân và cuả cháu nội An Nhiên. Nó ánh lên những lúc ông bộc lộ thực chất con người mình. Thực ra, cục bướu ấy là biều tượng cho khuyết tật cuả một con người. Ai cũng có những khuyết tật, nó đeo bám lấy đời người không gỡ ra được. Nó là nỗi kinh hoàng cuả người khác, con người có thể sống và chết vì nó. Bà Lương, An, Mỹ Vân, ông tân trưởng khoa, anh sinh viên hay chị Hoa, mỗi người đều có một cục bướu như vậy ngay trong đầu mình, họ chỉ là một hiện thân khác cuả ông Khả .
Còn nhiều điều để bàn về Người Đàn Bà Lưu Vong , bởi vì đây là một tác phẩm thú vị. Tôi chỉ xin ghi lại cảm nhận riêng cuả mình. Tác phẩm vẫn ám ảnh tôi về những ấn tượng chưa giải mã được, những tầng nghiã sâu và rộng dưới những lớp nghiã mà phải bình tâm mới có thể đọc được. Chẳng hạn hình ảnh những chuyến tàu, nhất là chuyến tàu mà anh sinh viên tự hỏi “chuyến tàu đã đưa Bích lương đi, lúc chưa có công danh sự nghiệp, lúc chưa biết tương lair a sao, chưa thể lưạ chọn một con đường..” (411) . Tác phẩm kết thúc ở đấy, và tác giả thổ lộ rằng :”tôi yêu cuộc đời cuả bà đến nỗi không muốn làm mất đi hoặc để người đời tiếp tục hiểu thành méo mó..” “ tôi đã viết theo những điểu tôi hiểu được về cuộc đời bà và những người phụ nữ xung quanh…”, như Lev Tolstoi viết Anna Karenina và A. Flaubert viết Madame Bauvary, các ông “đã viết về sư thật một cách trần trụi, những nỗi đắng cay, những niềm khao khát”… Tôi nghĩ, lòng yêu thương con người và mong muốn viết ”về sư thật một cách trần trụi, những nỗi đắng cay, những niềm khao khát…” sẽ còn giúp Trần Thu Hằng đi rất xa trên con đường sáng tạo. Và chắc chắn nhà văn sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp sau những mồ hôi và nước mắt lăn lộn cùng nhân vật để biến những điều không thể thành có thể
11/2008