Theo như lời kể của bạn chú Hải, kể với chúng tôi : " Trong một lần đánh nhau với bọn Tàu ở biên giới, chú Hải lao vào cứu một người bạn bị bỏng vì súng phun lửa, nên chú ấy bị mắc bệnh tâm thần rất ghét lửa, ghét màu đỏ".
Cũng vì chú Hải có cái bệnh kỳ lạ đó nên khu phố tôi đến khổ vì chú.
Cứ đến buổi nấu ăn, khi mọi nhà nổi lửa, đang ở trạng thái bình thường, thấy ánh lửa nét mặt chú Hải bỗng biến sắc trở nên dữ dằn. Chú Hải vội đi tìm xô nứơc rồi đổ ào vào bất cứ bếp nào có lửa mà chú ấy gặp, người nấu ăn không tránh kịp cũng bị ướt như chuột lội. Đã vậy chú còn bế người nấu ăn vừa bị chú đổ cả xô nước lên đầu chạy ra ngoài. Chú bế họ mà cứ như đưa đi cấp cứu mặc cho người ấy giãy dụa, gào thét. Bế người đó, vừa chạy, chú vừa gào rất to:" Tổ sư mấy thằng hèn! Cứu người các đồng chí ơi!". Khổ nhất là cô Nguyệt, làm ca sỹ, có hai đứa con không cha, cô chuyên mặc bộ quần áo đỏ bó chẽn, buổi chiều đi làm, buổi tối đi hát. Có hôm vô tình thấy cô Nguyệt đi qua nhà mặc bộ đồ màu đỏ như vậy, chú Hải đổ cả một xô nước bẩn lên người, rồi bế cô Nguyệt chạy như ma đuổi, vừa chạy , chú lại vừa gào: " Lửa cháy hết cả người rồi, cứu người các đồng chí ơi!". Cô Nguyệt đấm đá, lấy tay cào rách cả mặt chú Hải, mà chú ấy vẫn không tha. Bọn trẻ chúng tôi nhìn cảnh ấy cười ngặt nghẽo, đau hết cả bụng. Còn mấy người lớn ghét chú Hải ra mặt, có lần chú ấy bị họ đánh cho thâm tím hết cả mặt mày vì cái tội đổ nước vào bếp nấu ăn, bế người chạy ra ngoài. Nhưng có lẽ ghét chú Hải nhất là ông Mạnh, tổ trưởng khu phố. Một khu phố đang phấn đấu lên" khu phố văn hóa" lại có một người tâm thần có bệnh lạ kỳ như vậy, cứ đến buổi nấu ăn là cả khu phố náo loạn cả lên, thì còn ra thể thống gì nữa! Ông Mạnh yêu cầu bà Đức, mẹ của chú Hải phải đưa chú ấy trả lại cho Viện tâm thần để điều trị, không thể để chú ấy ở lại đây làm mất tiêu chuẩn "khu phố văn hóa". Bà Đức nghe ông Mạnh nói vậy thì mếu máo:
- Mong ông thương cho mẹ con tôi, tôi có mỗi một mình nó là con trai. Đưa nó về trại, nó có làm sao tôi chết mất. Nó chỉ nổi cơn khi thấy lửa thôi. Tôi sẽ cố gắng tìm thầy chữa cho cháu, còn trong thời gian này, mong mọi người thương cháu, đến giờ nấu nướng che bớt lửa lại, đừng cho cháu nhìn thấy...
Ông Mạnh nghe bà Đức nói vậy, cười gằn:
- Con bà là đồ phá hoại, thương xót gì!Vì nó mà khu phố mình mất điểm " khu phố văn hoá", tôi bị mất uy tín với cấp trên. Bà biết không ? Bà không đưa nó đi trại đừng có trách tôi.
... Buổi gần chiều ấy!
Cũng như mọi ngày trong khu phố tôi, mọi người đi làm gần hết, nghĩa là lúc này trong khu phố không có nhà nào đỏ lửa, chú Hải không lên cơn tâm thần. Chú ra chơi với chúng tôi. Chú kể cho chúng tôi nghe tội ác của bọn Tàu khựa xâm lược, chúng dùng súng phun lửa giết dân lành, giết cả bạn của chú. Kể đến đó mắt chú đỏ hoe, chúng tôi nghe cùng xúc động, thương chú vô hạn. Khi gần chú Hải, chúng tôi phát hiện ra chú có nhiều điều hay, nhất là tính thương người.
Bỗng lúc đó căn nhà của cô Nguyệt bị bốc cháy. Thường buổi chiều cô Nguyệt đi làm hay nhốt hai đứa trẻ trong nhà khoá cửa lại. Ngọn lửa từ trong nhà của cô Nguyệt thoáng chốc lan rộng ra. Tiếng kêu cứu ầm ỹ, rõ nhất là tiếng khóc thét của hai đứa trẻ đang bị nguy ngập vì lửa. Nhìn thấy cảnh đó bọn trẻ chúng tôi quá sợ hãi, không biết làm gì, chân tay luýnh quýnh. Còn mấy người lớn, tưởng tỉnh táo cũng chẳng hơn chúng tôi bao nhiêu. Như ông Mạnh đấy, ông cũng chạy đến không dám lao vào cứu hai đứa trẻ. Ông ấy cứ chạy quấy quá bên ngoài hò hét loạn sạ, lấy nước chỗ này, dập lửa chỗ kia... mà chẳng làm được gì. Duy có chú Hải, nhìn thấy ngọn lửa mỗi lúc bốc càng cao, mắt chú tự nhiên dữ dằn, biến sắc. Chú vụt đứng dậy, miệng lại la lớn " Tổ sư mấy thằng hèn! Lửa cháy to quá, cứu người các đồng chí ơi!". Rồi cũng như mọi lần, chú cầm một xô múc đầy nước đổ ào ào vào chỗ lửa cháy.Việc làm của chú khiến cho mấy người tỉnh táo làm theo. Trong nhà cô Nguyệt tiếng khóc của hai đứa trẻ mỗi lúc một to. Mọi người đang chần chừ thì chú Hải đã lao vào, chú lấy tay kéo bật tung hai cánh cửa, rồi chạy vụt vào chỗ có tiếng hai đứa trẻ đang khóc. Lúc này khói vẫn mù mịt, lửa cháy phừng phừng, nóng rực. Chỉ một lúc ...Chú Hải chạy ra, khuôn mặt chú ám đầy khói, áo rách loang lổ, hai tay chú cắp hai đứa trẻ. Đến cửa, chú đẩy mạnh hai đứa trẻ cho người bên ngoài đón, rồi chú vội giằng xô nước của một người đang đứng lao vào đống lửa đang cháy...
Đúng lúc đó, một thanh dầm gỗ lửa cháy đỏ rực rơi trúng người, chú Hải đổ sấp người xuống.
Tiếng kêu của chú Hải đã quá quen với mọi nguời trong khu phố:" Tổ sư mấy thằng hèn ! Cứu người các đồng chí ơi..." tắt lịm nửa chừng./.