Dốc rêu dốc rêu
Chim yến treo mình
Trơn tuột tháng năm
Chiều bảo Phi Yến hãy quàng vào cái khăn cổ , thoa thêm chút phấn hồng rồi hãy rong chơi cuối phố, lãng du với Hồ Tây . Đời không có nhiều gọi mời, người không có nhiều để yêu thì thôi, hận mà chi, ngoảnh mặt mà chi. Chiều, như thế, cứ nắc nõm giục giã, mỗi chiều nhưng rồi Phi Yến, ngựa quen đường cũ, chân vô tình lại về phố Hàng Buồm , nơi có những hàng quán treo lủng lẳng những cái mặt nạ da người, những béo gầy đỏ hoét xám xịt, những hỉ hả trắng phếu, những đau buồn vàng uôm đen kịt… Ôi, những cái mặt ẩn dụ mà âm âm ám ảnh giấc mơ đêm, những cái mặt làm cho buổi chiều dịu dàng hôm nay tối om om khắc khoải. Trước mặt Phi Yến là một ông hề, cái mặt trùng trục tròn như cái anh nhà thơ cứ nhắn tin chào em chào em buổi sáng. Cái Liễu, cô bạn ruột , vành tai cứ đỏ lên khi nhắc đến tên anh ta. Thằng cha nổi tiếng với mấy bài thơ tặng mẹ, khóc kể vô hồi công mẹ biển trời gánh nặng nhân gian nhưng đến nhà mới hay chả quát tháo ầm ỉ tơi bời chỉ vì mẹ hết tiền đi chợ, không có cơm ngon cá ngọt hầu nhà thơ hiếu để. Ái chà !. Ái chà !. May mà cái Liễu xuất thân đại học báo chí, không thể đem cái ngôn ngữ chợ búa ra mà đốp chát. Còn, còn nữa, cái mặt bị thịt luơng thiện kia – Liễu chỉ cho Phi Yến- trông y hệt bà Giám đốc của tớ. Đến chỗ đua chen từ thiện thì quẵng ngay trăm triệu mua lấy cái bức tượng con con gọi là chút lòng với đồng bào bão lụt mà về đến nhà, con cạy được mấy đồng ăn quà e là còn khó hơn vào nước Thiên đàng. Hi ha…Thích quá thích quá, những cái mặt người…Là Liễu thích cười khi ngắm nghía những hình thù mặt nạ quý ông, quý bà, tiên cô, quỹ dữ, hung thần …choảnh chọe còn Phi Yến, nàng không cười nổi khi đó là những con người thực, những chồn cáo, nhân nghĩa, ác quỷ, thiện lương, tài hoa …đã bóp chết tuổi thơ, cày xới đời nàng, vây hảm nàng trong cái vòng mơ hồ luẫn quẫn ác thiện, thị phi, chân giả…Những con người mang mặt nạ và một con chim yến, dốc rêu treo mình, trơn tuột tháng năm…
*
Mùa thu mang khuôn mặt buồn thiu, khuôn mặt mẹ gầy còm với những vết chân chim , những đậm đậm vệt nhăn nhíu trên cái vầng trán cao buớng bĩnh. Lên năm, Phi Yến chưa một lần được nhìn thấy mẹ cười dù thi thoảng mẹ chạy về thăm, tranh thủ thăm đứa con núm ruột đang sống nhờ ông ngoại. Cái đầu óc nhỏ bé làm thế nào hiểu đuợc cái uẩn ức đớn đau của mẹ khi phải đành đoạn xa đứa con gái lên một để mà vắt kiệt sức lo toan cho chồng, cho mẹ chồng… Nắng mưa bươn chải chợ quê, sớm tinh mơ lạnh cóng mùa màng nương rẫy. Một tay mẹ dang ra che cả một mái nhà, để anh chồng cán bộ xã chiều chiều mâm rượu đàn ca nhí nhố, để bà mẹ chồng áo lụa hoa cà ngồi ngắm mây sáng nắng vàng trên cái phản truớc nhà đen loáng bóng lộn đủ soi cả đôi mắt sắc lẻm còn sót lại một thời nhan sắc. Lên năm, Phi Yến chưa biết gọi hai tiếng bà nội, chỉ loáng thoáng đôi lần thấy bà vào ra đầy quyền lực trong cái nhà ba gian hai chái mà ở cái vùng trung du heo hút này cả xã chỉ lẹp xẹp những phên thưa, vách liếp. Bà nội tự hào về đứa con làm cán bộ nên hễ quan chức sở tại đến nhà: ông Mặt trận, ông phó Chủ tịch…là sẳng giọng quát mẹ lo cơm thịt rượu đầy dù có bữa trong nhà …hết gạo. Bà tin vào tiền đồ của đứa con trai độc nhất vì ông thầy bói mù ngày nào đã tuyên bố là quý tử, nhât định làm quan cả họ được nhờ. Mà có thế thật, không biết là nhờ lộc trời hay nhờ cơm rượu, bố Phi Yến lần lần thăng quan tiến chức làm cán bộ huyện chỉ trong mấy năm ngắn ngủi. Những cuộc rượu ngày càng dày đặc hơn và lưng mẹ còng hơn xưa, hơn xưa.
*
Mẹ đã chuẩn bị cho Phi Yến từ mấy hôm trước : cái cặp, cán bút, quyển vở và ngoại thì sung sướng cười ra mặt. Mai này cháu đi học rồi, Ngoan nhé.! Nào bạn bè, nào cô giáo! Vui lắm! Không phải buồn như ở nhà nghịch đất với ngoại!. Mẹ đến với một nụ cười, nụ cười lần đầu Phi Yến nhìn thấy trong đời mẹ. Hôm nay mẹ đưa con đi học và sẽ đón con về Bố ! Mẹ ẵm Yến lên trong đôi tay dài gầy rộc thương yêu và quay sang ngoại. Con đã dàn xếp, thỏa thuận xong đâu đó, ngoại à. Từ nay, cháu sẽ về nhà! Đứa trẻ lên năm, dĩ nhiên không hiểu những sắp xếp thỏa thuận của người lớn nhưng Yến vui vì đêm nhất định sẽ được nằm khoanh tròn trong lòng mẹ. Chỉ tội ông ngoại có một mình trong căn nhà lá, ủ dột, không ai nắm tóc, sờ râu. Thương ngoại quá chừng! Ngoại ơi!
Yến đã tưởng tượng con bé xinh đẹp sẽ được bố bồng ẵm, tung lên cao, rồi chùn chụt hôn vào đôi má bầu bĩnh …nhưng không, bố chỉ liếc xéo hờ hững khi mẹ đem Yến đến kề bên; còn bà nội, hình như quay mặt đi không nhìn. Yến tưng tức, muốn khóc, biết thế ở nhà với ngoại nhưng thôi khi nhìn thấy đằng sau nếp nhăn mắt mẹ rân rấn những giọt lệ, những xót xa . Là mẹ hư, tại mẹ hư. Con đừng trách bố, không được oán bà nội ! Mẹ nói với Yến và nước mắt lại như suối chảy loang áo mẹ. Mẹ không bao giờ hư chỉ là con không ngoan, con không ngoan. Yến ôm chặt mẹ, ôm thật chặt sợ mẹ lại biến đi, như giấc mơ sáng mai thức dậy.
Dòng đời lạnh lùng trôi, lạnh khuôn mặt trắng tái nhợt nhạt của bà nội, rin rít tiếng gầm gừ của bố. Bố cưng chiều anh cả rất mực, giày áo sắm sanh rồi thả anh lêu bêu chơi tối ngày; còn Yến, như là cái gai trong mắt bố. Hai mẹ con quanh năm tất tưởi, vuờn trong cửa ngoài, bếp núc đồng áng, lo tất nhưng áo rách vai sờn, chỉ là cái thúng mà bà nội nhỗ toẹt những đay nghiến chì chiết, cái chỗ hứng chịu bão táp thịnh nộ của bố. Ngày qua, mẹ thành con lật đật, còn Yến thành chú rùa con nhút nhát chỉ biết trốn trong cái mai bé xíu. Những chén cơm trộn nước mắt, những cái gậy quăng quật lưng mẹ, những lằn roi quất ngang thân Yến…hóa thành những cơn ác mộng…toát mồ hôi buồn thảm…Yến không nhớ nỗi bao nhiêu lần mẹ con dắt díu trốn chạy sang nhà ngoại, đợi khi vết roi lành da, vết thương lòng thôi chảy mủ lại tìm về. Con còn tìm về đó làm gì?- Lỗi tại con, lỗi tại con?- Mẹ khóc- Con còn phải chăm thằng cu, cái bé (cái bé là em Yến đã lên năm ). Lên mười, Yến biết là mẹ dù chịu đày đọa trăm lần hơn thế cũng không thể xa cái nhà của bố. Không thể xa.
*
Đôi mắt anh đêm nay, trong cái quán nhỏ ấm cúng này, cũng long lanh trí tuệ mà đằm thắm dịu dàng như lần đầu Phi Yến gặp anh trong buổi ngoại khóa. Anh là nhà báo được mời đến trường thuyết trình và cô sinh viên khoa văn thấy lòng mình hăm hở, hăm hở như hôm nào, trong tiết học đầu tiên bước vào lớp mười, chạm mắt thầy giáo dạy văn trẻ tuổi đẹp trai. Phi Yến đã yêu thầy, yêu đến dờn dợn từng cọng lông tơ trên cổ tay khi nghe thầy giảng bài. Gần ba năm âm thầm, Phi Yến mơ màng soi mắt cái áo trắng tinh thầy mặc, đôi giày màu vàng bợt thầy mang, và như nuốt từng lời bình ngọt mật của thầy để rồi đâm mê văn chương như ông đồ mê ống điếu. Những bài thơ nhỏ đuợc Yến chưng cất, những lá thư tình không… gởi rồi nhật ký, tạp bút …tất cả trải ra trên cùng một hòa âm thương yêu: Ve râm ran sân trường, cánh phượng đỏ màu máu, phấn trắng bảng đen lá bàng…Phi Yến chỉ chợt tỉnh cơn mơ trong năm học mười hai khi biết tin thầy lấy vợ là cô giáo dạy cùng trường, con gái của ông giám đốc Sở Giáo dục. Nhất tiễn hạ song điêu, vừa thăng quan, vừa được vợ. Giáo viên trường xì xào- khi điểm nhan sắc của cô giáo dưới trung bình. Mọi sự rõ ràng hơn khi năm sau thầy được bổ làm Hiệu trưởng một trường phổ thông dù chỉ mới có 7 năm tuổi nghề. Phi Yến đã bắt đầu và chấm dứt mối tình đầu tiên như thể- chưa hề xảy ra. Nỗi đau giấu vào lồng ngực căng phồng, không phải chuyện tình yêu bội bạc hẹn thề (vì có hẹn thề đâu mà bội bạc!) mà là nỗi xám xịt của hôn nhân bán mua …
Anh đến, người đàn ông từng trải và lịch thiệp. Ngồi bên anh, Phi Yến như con chim non dù anh hơn nàng có mười tuổi. Mười tuổi là cả một thế hệ đấy.! Anh cười, những cái răng nhỏ trắng bóng. Mẹ nói răng nhỏ siêng năng, thuộc bộ răng chuột đời không phải khổ có của mà gặm hoài. Anh cười . Từ chuyện WTO hội nhập kinh tế toàn cầu, chuyện cô diễn viên truyền hình bị người tình khả ố đem phơi thân trên mạng; chuyện giá vàng, đồng đô lên xuống với thị trường chứng khoán chuyển động ầm ào; chuyện giáo dục xuống cấp với mấy thầy dạy dỏm và cả nóng bỏng thời sự Quãng Bình Hà Tĩnh bão lụt dâng tràn …Phi Yến yên lặng nghe và háo hức nghĩ đến ngày mai ra trường hai đứa như cây liền cành, chim liền cánh bay đi ngang dọc trong khoảng trời bao la của báo giới.
Hôm nay mừng sinh nhật em. Anh lấy từ túi mấy cây nến thắp lên. Happy birthday ! Anh hát nho nhỏ và thì thầm vào tai Yến: Anh cầu hôn em, em yêu ạ! Con chim non bình minh líu ríu không biết mũi tên tẩm thuốc bay đến từ phương nào. Lời cầu hôn là mũi tên tẩm độc dịu dàng và đêm đó, Phi Yến đã bằng lòng ở lại nhà anh, vùi vào anh xấu hỗ khi hàng nút áo nàng anh nhẹ nhàng mở bung ra, thơm mát ngực trần phì nhiêu. Không có gì để giấu diếm. Không còn gì để mất sau khi anh đi vào trong nàng với tất cả mê đắm cuồng nhiệt .
Đêm trở giấc, địa đàng đã mở cửa. Anh nằm hút thuốc liên tục, những vòng thuốc hờ hững bay, những cụm khói lem xanh muốn vụt thoát khỏi căn phòng nhỏ, như anh muốn chạy trốn cái vùng xoáy mơ hồ nghi hoặc. Là ai là ai…Là em còn quá trẻ.! Cái vòng eo thanh xuân run lên và Phi Yến bật khóc. Nàng rơi vào cái khoảng tối hụt hẫng đớn đau của tuổi mười ba…
*
Ngoại ốm phải nằm viện. Mẹ ngày đêm chầu chực bên giường suốt mấy hôm nay. Con bé mười ba thay mẹ đảm đang cửa nhà. May mà không còn phải chầu hầu bà nội khó tính vì bà đã ra đi trong một cơn đột trụy. Cơm mắm cơm muối nhưng con bé lại phổng phao hơn cả chúng bạn đồng lứa. Từ mười hai, ngực đã nhú dậy thì, tóc xanh mướt và mắt lung linh khói. Mẹ nói con gái giống mẹ, xinh đẹp, lại hơn mẹ : học giỏi. Con nhất định cố gằng mẹ ạ. Để còn lo cho mẹ, cho bố. Mẹ không phải bận tâm. Dạo này, mẹ con Yến cũng bớt khổ khi bố thường xuyên vắng nhà, ở ngay trên huyện nên chuyện rượu trà cũng không phải lo nhiều. Chỉ tội anh cả bướng bỉnh ham chơi mẹ nói không nghe. Yến và cái bé xúm nhau đấm lưng dỗ dành, mẹ mới bớt buồn.
Bố cũng đã ít quát tháo, và hình như cũng dành cho con gái xinh đẹp, hiền ngoan tí ti cảm tình, lúc vui cũng vuốt mớ tóc dài đen mượt nhưng chưa bao giờ ôm Yến vào lòng, như ôm cái bé. Tự thâm sâu, Yến thấy mình ganh tị với em gái, những ẩn ức mơ hồ nằm cuộn chăn mùa đông. Chiều nay thứ bảy, bố về mặt đỏ gay, nhìn Yến rất lạ. Yến lo bão táp lại đùng đùng sấm nổ nhưng không, bố uống ly trà rồi đi nằm sớm, không lầm bầm hò hét, không cả cơm nước.
Đêm không có mẹ, căn nhà bỗng như quạnh hiu. Quạ đêm xao xác cây lá ngoài vườn. Lạnh. Yến trở mình dỗ giấc ngủ. Không biết Bố hết say chưa? Phải xem bố thế nào ! Yến vào phòng bố, bước nhẹ như mèo con. Mặt bố tím bầm, mắt nhắm nghiền, thở hơi nặng nhọc. Hay là bố sốt? Yến sờ tay lên trán bố. Hầm hập. Bỗng tay bố bất chợt quàng lấy Yến, ôm chặt vào lòng. Lần đầu tiên bố ôm mình. Yến sung sướng nằm yên, nghe đời đã bớt gian nan. Những cọng râu cứng chạm mặt Yến nhồn nhột, là lạ. Nhưng Yến bỗng kinh hãi đến chết giấc khi bố chồm lên người Yến. Ngạt thở bàn tay bố tháo tung hàng khuy áo. Khuôn ngực dậy thì bị chà xát, vặn vẹo. Yến ngất đi, không biết cái đêm hôm ấy đêm gì…
Em chỉ biết khóc. Yến vùi vào ngực anh,- Những ngày sau đó, em bỏ học, ốm. Vết thương đau, ri rỉ máu. Mẹ vẫn còn bệnh viện. Nhà trống hoác. Bố lên huyện còn lại mấy anh em… Mắt anh mở thao láo, những tia nhìn hoang mang, buồn bã đóng chặt vào đỉnh trần. Im lặng. Con thạch sùng lấp ló kêu vang. Trống ngực Yến đập hơn trống làng. Một khoảng trống lan dần, trắng mờ mờ khuôn mặt anh, nhờ nhờ rèm mi nước mắt. Yến mặc lại áo, khép cửa lại sau lưng anh. Im lặng. Con chim yến bay vào cõi trống, không bao giờ trở lại. Không bao giờ.
*
Mẹ đưa ngoại về. Lưng như còm hơn, đuôi mắt nhăn nhíu. Thuốc thang, tiền bạc, Yến biết mẹ đã chạy vạy đâu đó rồi sẽ còng lưng trả nợ dài dài năm tháng về sau. Vết thương con gái rên khe khẽ. Yến úp mặt vào ngực mẹ, khóc, khóc hết nước mắt, nước mắt rươm rướm máu. Mẹ nhìn, lạ lùng. Không được, Yến sẽ giữ mãi nỗi đau tuổi mười ba cho mình, cho riêng mình vì vết bẫn ô nhục của thân xác có dòng sông nào rửa sạch? Đành thôi!. Không thể nói. Không thể nói. Nhưng chỉ mấy hôm sau, mẹ phát hiện ra sự thật, sự thật trần truồng khi bất chợt nhìn những đốm máu đóng khô trong cái quần nhỏ của Yến. Mẹ phẫn nộ, như chưa từng phẫn nộ vì nghĩ con gái hư hỏng nhưng khi biết ra toàn bộ sự thật, mẹ lại hóa rồ, xổ tung tóc chạy vào vườn khuya, cào cấu mặt đến rách thịt, dập đầu vào bụi chuối đến binh binh. Yến sợ hãi xanh xám khi mẹ cầm dao đòi lên huyện gặp bố. Không, không, là tại con vô tình chăm sóc bố, là tại bố say.- Ông ta là cầm thú, cầm thú.! Mẹ rít lên, răng nghiến chặt – Ông ta không phải là bố con, ông ta trả thù mẹ…Yến mở to mắt, kinh hoàng. Lời đã nói ra không thể ngậm lại, nước đã đỗ cũng không hốt được bao giờ. Sự đời vốn cay nghiệt như thể…
Cái thuở ban đầu , mẹ đã yêu ông ta đến van nài thiết tha. Đẹp trai, đàn hay hát giỏi, ăn nói ngọt ngào, ông ta có nhiều phụ nữ bám đuôi nhưng mẹ đã chiến thắng nhờ sắc đẹp, lòng nhẫn nại, cả từ ái dịu dàng. Mẹ biết lấy ông ta sẽ khổ nhưng trái tim con gái, không so đo tính toán con ạ. Mẹ dang thân trần trụi cuốc xới cánh đồng sớm chiều mưa nắng, trải chiếu cho ông ta chỗ đứng cỏn con trong Ủy Ban xã mới thành lập, những tưởng ông ấy sẽ thương yêu đùm bọc mẹ. Ngờ đâu, bảnh bao khăn áo cuối cùng tạo cho ông ta nhiều hơn những mối quan hệ với…đàn bà. Đàn bà đàn bà…mẹ lại nghiến chặt môi miệng căm hờn- Đàn bà thích tài hoa, mê địa vị…Cái chức nhỏ xíu của ông ta trong cái làng xã đìu hiu nầy cũng mọc thêm lông cánh sặc sỡ. Mẹ đã mấy phen chộp được ông ăn ngủ với người khác, hết nước mắt cầu xin can gián, ông vẫn chứng nào tật ấy. Con mèo không thể bỏ qua miếng mở vàng quánh thơm ngon. Sinh anh cả xong, nhan sắc mẹ không còn đủ sức quyến rũ ông ấy quay về. Trời có mắt. Một hôm, mẹ gặp một người đàn ông tuyệt vời. Mắt ông ấy thăm thẳm đen, thăm thẳm dịu dàng, tay ông ấy ấm nồng và lòng ông ấy bao dung như trời đất. ba ngày sau cuộc gặp gỡ, mẹ quyết định bỏ theo ông ấy tìm hạnh phúc, một quyết định không sai lầm vì không thể có hạnh phúc gia đình khi một trong hai không biết yêu thương. Đơn giản thế con ạ. Người này mới chính thật là bố con. Bố con- Yến lẩm nhẩm và ôm mặt nức nở- Con hiểu rồi. Hóa ra con là vật hy sinh, bị mắc đòn thù…Mẹ ôm chặt Yến và lần này mẹ cũng òa khóc… Nhưng hồng nhan bạc mệnh, con mới được ba tháng, bố đã vội ra đi, ngay trên luống cày dang dở…Như bà nội. Đột quỵ …Yến ơi!
Bồng bế con, mẹ quay về lạy lục ông ngoại xin nương nhờ. Ngoại con, thương binh loại 4, thật không đủ sức lo cho mẹ yếu con thơ. Với lại, mẹ biết cả đời này không thể có và cũng không muốn có người đàn ông thứ ba nên cầu xin ông ngoại. Ngoại muối mặt đến xin với bà nội, trăm vạn đắng cay mẹ mới được làm thân trâu ngựa trả nợ cho nhà chồng nhưng phải đến tuổi con đến trường, mẹ mới sắp xếp xin con về nhà đoàn tụ anh em…Mẹ khổ quá, mẹ khổ quá…Con biết phải làm như thế nào khi lớn lên, mẹ ạ. !
Cuối cùng là mẹ có lỗi. Mẹ không chuyên chính. Trời trả báo mẹ để xảy ra chuyện hôm nay. Nhưng còn cái bé, còn anh cả, mẹ không nhẫn tâm để chúng bơ vơ, bị hành hạ trong tay một người đàn bà nào đó. Mẹ phải ở lại cũng có nghĩa là phải bảo vệ danh dự ông ấy, của một người cán bộ. Phải khép chuyện này lại thôi. Hở môi xấu thiếp hổ chàng, gia đình tan hoang. Mẹ lạy con. Phải quên, phải quên thôi! Muốn tồn tại giữa đời cần phải quên đi nhiều thứ con ạ. Vì lũ con, mẹ bằng lòng làm con sâu cái kiến mặc cho ông ấy dày vò. Nhất định thế, không thể khác. Mẹ thật đã già, đã già. Phi Yến cắn vào môi mình cho tóe máu và máu đã tươm tuớm môi con bé mười ba…
*
Từ đêm khép cửa sau lưng anh, Phi Yến cũng khép lại lòng mình. Ngày cứ nhàn nhạt và đời cứ dửng dưng vô cảm. Cái Liễu cố tìm cách khơi chuyện nhưng nàng ngậm như hến. Con ốc chui vào vỏ ốc nhấm nháp nỗi cô đơn của mình. Weekend, nàng vét những đồng bạc cuối cùng rồi đến vũ trường chớp nháng đỏ xanh vàng tím ngồi nốc mấy ly rượu ngoại- Em say rồi- anh đưa em về thôi - Người đàn ông cúi xuống. Mơ hồ Yến thấy cặp kính loang loáng trắng…Đêm co thắt âm ỉ vùng bụng dưới. Hổn hển tiếng thở bỏng rẫy vũng đồi. Trong vô thức, Yến quàng xiết cái thân thể đàn ông ấm nóng và từng mạch máu ngờm ngợp căng phồng hân hoan. Một tuần lễ, nàng đã sống như thế, lạc trong dục vọng cuồng điên của thân xác, võ nảo còn lại những manh múm lễ nghĩa xé vụn. Ngoại đang cấp cứu, về gấp. Bức điện ngắn của mẹ kịp thời thức tỉnh u mê, giúp nàng rút chân khỏi vũng lầy nhầy nhụa. Ông ngoại ông ngoại.! Nàng khóc. Bao nhiêu hình ảnh hiện về. Mái lá đêm mưa, võng ru trưa hè, cơn hen mùa đông thở nấc…Ngoại một đời chịu thương chịu khó, vỗ về nàng mơ trăng sao đại ngàn. Cái tên Phi Yến cũng là ngoại đặt cho. Con sẽ là chim Yến bay lên mùa xuân trẩy hội, bay thoát lũng đồi trung du khốn khó với gian nan. Chào nhé! Cái hố bên đường(1)! Vĩnh biệt mi!– Mi là người đàn ông nàng chung sống gần tuần, không biết tên- Adieu, Adieu(2) những phút chạnh lòng! Con chim Yến không thể gãy cánh …
Nàng đã kể anh nghe không bỏ sót một chi tiết nhỏ: chuyện tuổi thơ nằm nghe chó sủa hoang hoảng hốt ôm chầm lấy ngoại, chuyện đói nghèo vàng mắt những mùa thất bát, chuyện tuổi mười ba cay nghiệt, chuyện buồn như cơm nguội khi bạn bè trong ký túc xá nghi hoặc cái áo vai sờn, chiếc xe đạp cũ nát, nhìn nàng bằng đôi mắt trắng dã, cả chuyện nàng đi lạc trong mộng mị xác thân…Đời mưa bão rồi sẽ qua. Ngày mây xám rồi sẽ tan. Trởi sẽ xanh hơn, xanh hơn …Anh đã trả lời nàng bằng khúc hát riêng tặng, như một sẻ chia thầm lặng, một gọi mời những bình minh hồng tươi, không có đêm lầy lội, không có đời qưăng quật đoạn trường. Khúc hát của anh đã rung lên những tiên cảm tuyệt vời…Ông bố dượng đi đêm lâu ngày đã gặp ma. Ma là một người phụ nữ có chức quyền bị bỏ rơi, nỗi cơn tam bành đâm đơn tố cáo ông trăm chuyên hủ hóa. Mất việc về nhà, sức đàn ông không kham nỗi gánh thóc, đành nằm đói; ông đã biết nhai lại quá khứ mà ngẫm ngợi ăn năn, không còn tìm cách hành hạ mẹ con Yến. Ngày mây xám, ngày giông tố, con chim yến đã treo mình dốc rêu trơn tuột làm tổ; còn nàng, trập trùng gian nan cũng đã vượt qua chăng đường đại học :ngày ốm, ngày đói, ngày rét. Nàng đi bán cà phê buổi tối, dạy thêm buổi chiều, thức khuya viết báo, làm thơ tình lá cải…Những đồng nhuận bút ít oi gởi về cho mẹ, phụ thêm mắm muối, sách bút cho cái bé ăn học. Một lưng gánh của mẹ được nàng sẻ chia. Và nàng vui, vui nhất là ông bố dượng dâm loàn đã hồi tỉnh, làm lành với mẹ, nhìn nàng bằng cặp mắt khác. Nhất định là không phải bằng đôi mắt của một con thú đực mùa động dục. Không, là ông ta đã tỉnh, đã tỉnh… Con người vốn thiện tâm. Sẽ nhìn thấy bến bờ của mình. Nàng đã nói với mẹ và nhìn thấy mắt mẹ, hạnh phúc…
Anh ở Miền Nam tít tắp xa. Phi Yến chưa bao giờ gặp anh. Ngồi trên phím đàn, trong lòng đêm khoắt khuya sâu hoắm, anh viết về một vầng trăng quê mẹ nhớ thương ơ hời, về một mùa hoàng lan cuối cùng người cha đi không trở lại, về đôi uyên ương gãy cánh nằm chết duới cội thông già…Những quãng trầm lắng khàn đục, những âm cao chói lói kêu gào xa xót, nàng nghe và, như người mù đan áo, đan kết mối quan hệ với anh bằng que đan cảm nhận và những sợi len niềm tin. Anh không còn trẻ, không đẹp trai, không hoạt bát nhưng nàng tin, nàng muốn được tin anh như cuộc đời này vẫn đáng tin dù đâu đó là đường mật dối trá, là còn đó những con người mang mặt nạ. Lòng anh là biển, biễn dung chứa đắng đót mặn chát của thế gian, biển cất giữ những hoang tàn đổ nát của tràn thế. Anh không hề giống, không giống nhà báo ngày nọ. Anh xin lỗi. Anh biết bao nhiêu chuyện trên đời cay đắng nhưng khi chuyện xẩy ra với mình, lại không chấp nhận nỗi. Anh rất hèn. Anh xin lỗi. Chỉ là một tin nhắn, một tin nhắn kết thúc một mối tình thời hiện đại. Anh không dám đi tìm nàng, dù đã nhập chung với nàng thành một, tự nhận mình hèn khi không thể bao dung một quá khứ, không chấp nhận được một thua thiệt, dù đó chỉ là một cái nhản màu mè trinh tiết người ta dán lên phụ nữ như một món hàng chưa khui bao bì. C’est la vie! C’est l’amour!(3). Nàng chấp nhận thua cuộc, như chấp nhân méo tròn của cuộc lữ đọa đày. Không khóc! Không khóc. Nàng tự nhủ lòng cho đến hôm nay, con chim yến đã có thể bay đi khắp trời bể mênh mang. Nàng là nhà thơ, nàng là nhà báo. Đồng tiền kiếm tìm không còn khó nhọc như xưa. Gánh nặng học hành em nàng còn đó, trên vai, nhưng gia đình nàng đang hạnh phúc. Mẹ đã rạng rỡ cười. Vết thương rồi năm tháng cũng lành da…
Anh quàng vai Phi Yến, thầm thỉ vào nhộn nhịp Hà Nội mùa xuân khai hội Tình Yêu. Mùa đông hốc tối muộn phiền tuột trôi xa lắc.. Ai ai cũng có thể lầm lỗi nhưng khi phản tỉnh quay về, họ cần được tha thứ. Tha thứ. Anh lại xiết chặt hơn bờ vai nhỏ nhắn. Bên kia đường, những nụ hoa đỏ nở vội bướm trắng với vàng mai. Và, Phi Yến quên, quên những chiếc mặt nạ buổi chiều phố Hàng Buồm , quên cả mấy đêm chạnh lòng…/.
Xuân 2009
1/Tên một truyện ngụ ngôn trong “Hạt giống Tâm hồn”.
2/Vĩnh biệt (tiếng Pháp )
3/Đời là thế ! Tình là thế ( tiếng Pháp )