I. Logos -II. Luận lý học -III. Luận lý thực chứng chủ nghĩa
I. Logos
Trong nguyên ngữ Hi Lạp, logos nghĩa là “ngôn từ”; tuy thế, đây là một thuật ngữ được dùng với nhiều cách hiểu khác nhau, nói chung, nó được làm cho trọn nghĩa bằng những từ ngữ đi kèm và ngữ cảnh trong ngôn ngữ hiện đại.
(1) *Heraclitus chủ trương một học thuyết khá mù mờ về logos trong đó logos xuất hiện như một loại trí tuệ không nhân tính (non-human inteligence) tổ chức các thành tố rời rạc của vũ tru thành một toàn bộ chặt chẽ; có thể hiểu logos như là lý và khí của vũ trụ;
(2) Từ ngữ logos được sử dụng bởi lối tiếp cận có tính “biện luận chủ nghĩa” (sophism) vào các cách dùng thời hiện đại, rút tỉa từ các từ như “logic, luận lý học” và “logical, hợp luận lý”; đối với họ, logos có thể có nghĩa là một luận cứ, hoặc nội dung của một luận cứ.
(3) Người khắc kỷ chủ nghĩa (stoics) xem logos ngang với một loại Thượng đế, kẻ được giả dụ là nguồn gốc của mọi sự hợp lý trong Vũ trụ.
(4) Logos đối với người hiện đại thì có vẻ giống với những lời mở đầu trong cuốn Phúc âm theo thánh Gio-an, “Logos: Ngôi Lời”, ở đó nó được xem ngang với Ðức Giêsu Kitô trong khía cạnh sáng thế và cứu độ. Dĩ nhiên, ở đây, ý nghĩa của nó cũng rút tỉa từ ảnh hưởng của Hi Lạp, đặc biệt của người khắc kỷ chủ nghĩa.
(5) Logos trong thuật ngữ logoscentrism trong lối phê bình của hậu hiện đại chủ nghĩa, theo *Derrida, cho rằng các tác phẩm từ Plato trở đi đều lấy logos làm tâm điểm. Thuật ngữ này có người tạm chuyển sang tiếng Việt là chủ nghĩa lấy ngôn từ làm trung tâm.
II. Luận lý học (logic)
Môn học về hình thức và hệ thống các nguyên lý của việc suy luận có giá trị và việc lập luận chính xác.
Luận lý suy diễn (deductive logic) là môn học về những suy luận có giá trị hoặc không có giá trị theo với cấu trúc của nó chứ không theo nội dung của chúng. “Nếu A theo liền B; A; do đó B’ có giá trị bất chấp các giá trị của A và B; và bất cứ suy luận nào với cấu trúc ấy đều có giá trị.
Có hai thành phần chính của luận lý suy diễn cơ bản. Luận lý định đề (propositional logic) ứng xử với những suy luận liên quan tới các câu đơn giản trong thể biểu thị, được nối kết với các từ nối như “không” (phủ định), “và” (nối kết), “hay – hoặc” (phân cách), và “nếu...thế thì” (điều kiện). Luận lý vị ngữ (predicate logic), cũng gọi là luận lý định lượng hóa (quantification logic) ứng xử với các câu trong thể biểu thị liên quan tới các từ ngữ số lượng, thí dụ “một số”, “tất cả” và “không”. Như thế câu: “Tất cả mèo đều là loài động vật có vú, và không có động vật có vú nào là con giun; do đó, mèo không là giun” là một suy luận (có giá trị) theo phép luận lý vị ngữ.
Thẩm tra phép suy luận suy diễn cũng triển khai tới quá bên kia luận lý định đề và luận lý vị ngữ để gồm vào những luận lý như:
(1) Luận lý hình thái (modal logic) ứng xử với các khái niệm thiết yếu và khả thi;
(2) Luận lý tri thức (epistemic logic) ứng xử với tri thức và niềm tin;
(3) Luận lý nhiều-giá-trị (many-valued logic) cho phép được chỉ định một số câu để thiết kế cái khác với đúng và sai; (4) luận lý thời điểm (tense logic) dùng để phân tích các suy luận liên quan tới khái niệm thời gian như quá khứ, hiện tại và tương lai; và
(5) Luận lý nghĩa vụ (deontic logic), ứng xử với các mệnh lệnh, lập luận thực tiễn, và những diễn đạt bắt buộc.
Luận lý qui nạp (inductive logic) là nghiên cứu những suy luận không có giá trị suy diễn, nhưng một khi nếu các tiền đề đúng thì sẽ gia tăng khả năng xác thực trong kết luận, và điều này dẫn một cách tự nhiên tới lý thuyết về tính khả thi và khoa thống kê học.
*Aristotle viết luận văn có tính hệ thống đầu tiên về luận lý học và vẫn gây được ảnh hưởng sâu xa suốt 2000 năm, cho tới khi nhà toán học và luận lý học người Anh George Boole (1815-1864) và những người khác đề ra luận lý toán học nghiêm ngặt vào thế kỷ 19.
III. Luận lý thực chứng chủ nghĩa (logical positivism)
Một phong trào triết học khởi đầu với Nhóm Vienna, tại thủ đô nước Áo trong hai thập niên 1920 và 1930, dưới sự lãnh đạo của triết gia Moritz Schlick (1882-1936) và Rudolf Carnap (1891-1960), hiệp với triết gia Anh *Alfred J. Ayer.
Người thực chứng chủ nghĩa bị ảnh hưởng sâu sắc bởi truyền thống duy nghiệm của *Hume cùng các triết gia khác, và tương phản với truyền thống triết học không thiên về khoa học và toán học. Ðối với họ, hầu hết siêu hình học và hầu hết các triển khai từ luận lý học và luận văn tôn giáo đều hoàn toàn vô nghĩa vì không thể chứng minh các mệnh đề của chúng bằng quan sát hay kinh nghiệm hay suy diễn có tính luận lý. Nói chung, đây là quan điểm cho rằng việc áp dụng luận lý có thể mang lại ý nghĩa chắc chắn.
*Trich từ phần “Chú thich 1: Các thuật ngữ”, trong cuốn “Các chủ đề triết học”, đang in và sẽ phát hành tại Việt Nam.