Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.245
123.161.122
 
Chết lành
Phạm Thái Ba

Tôi rất ngạc nhiên khi được biết ở Cao nguyên Mộc Châu có người Công giáo. Hơn nữa, người Công giáo đó đã mười năm gắn bó với rừng. Anh Lạc, người tôi vừa nói, tâm sự: "Chú coi, đất lành thì chim đậu. Đâu cũng là đất của Tổ quốc mình cả". Câu nói ấy được chắt ra từ đáy lòng anh sau này. Còn mười năm trước, anh lên Mộc Châu là bất đắc dĩ, không phải để tìm đất lành.

Một trưa. Nắng liu riu. Gió từ con suối Narì thoảng về từng đợt, mơn man. Dưới tán gốc nghiến già thân xù xì, Lạc bùi ngùi kể với tôi chuyến đi bất đắc dĩ của mười năm trước. Giọng run run, hẳn anh xúc động lắm, ngỡ như chuyện vừa mới xảy ra.

*

Quê Lạc là xứ đạo toàn tòng, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đó là làng quê điển hình của miền Bắc. Giữa những luỹ tre làng kẽo kẹt, dầm mình trong nắng hạ, tháp nhà thờ chọc trời uy nghi, trầm mặc. Biển quanh năm ì ào sóng vỗ. Ruộng đồng thẳng cách cò bay, uốn lượn quanh Làng. Mẹ Lạc mất sớm, khi thằng Thu em Lạc mới lên ba. Bố Lạc cứ ở vậy nuôi con ăn học. Ông là lão nông cự phách, cũng là lão ngư giỏi nghề. Bao nhiêu kinh nghiệm về nghề nông, nghề ngư ki cóp được, ông đều truyền cả cho Lạc. Lạc chăm làm và học giỏi. Anh mơ ước sẽ trở thành một kỹ sư nông nghiệp hay thủy sản gì đó rồi trở về làm việc tại quê hương. Sau vườn nhà Lạc có một cây mít già, già lắm. Mẹ Lạc bảo cây mít đó có lẽ do đời cụ, kỵ trồng. Cây mít hàng năm vẫn bói nhiều qủa, nhưng chỉ lớn bằng quả bưởi là ì ra, không thể lớn thêm được. Mẹ thường hái những quả mít đó lột vỏ, luộc, thái nhỏ, trộn gia vị cho bố nhắm rượu. Bố bảo: "Cây mít già quá rồi, chặt đi". Mẹ ngăn: "Nó cũng như con người, đã gắn bó với gia tộc bao năm nay. Cứ để, đừng chặt!" Nhưng rồi, bỗng nhiên năm ngoái lá nó cứ úa lụi đi. Rồi chết. Lạc ít gắn bó với nó. Nhưng kể từ khi nó bắt đầu rũ xuống, anh cứ bần thần thế nào ấy. Có lẽ nó gợi lại cho Lạc hình ảnh của mẹ và vong linh của gia tộc chăng? Anh ước được như cây mít già. Sinh ra ở đây. Rồi lớn lên, sống. Cuối cùng chết cũng ở đây. Nguyện vọng của Lạc hợp với ý của bố anh. Ông động viên con hết mực.

 

Nhà Lê, người yêu của Lạc ở phía đông nhà thờ. Nhà Lạc lại ở phía tây. Trước đây gia đình Lê ở thị trấn huyện. Chẳng biết vì lý do gì lại chuyển về sống ở làng. Chỉ biết rằng, ngay sau khi về làng, gia đình Lê đến nhà thờ chịu lễ, thế là trở thành có đạo. Lê học sau Lạc hai lớp. Học khá, nhưng bài vở hễ có khúc mắc gì lại réo gọi Lạc. Nhớ buổi đầu, Lạc nói: "Em phải tự lực chứ. Cái gì anh cũng giảng giải, hóa ra học thay em à?". Lê bĩu môi, đôi mắt mở to đen lay láy như có ánh lửa nhìn Lạc: "Thế mới được gặp anh thường xuyên chứ. Anh không thích à?" Ra thế. Người thì mảnh dẻ, trắng trẻo mà đáo để. Lạc im lặng, má hừng hừng. Lê nhéo vào vai anh: "Anh không thích à? Không thích em cũng chăng lưới, bắt!". Lồng ngực như có trống trận, trái tim nói chứ không phải Lạc: "Thích chứ! Được chưa?". Lập tức, mái tóc mùi lá bưởi ngả vào vai Lạc.

Thêm một thời gian sau, khi "trái tình" không còn xanh lét nữa, (bọn trẻ gọi là ương ương) Lê hỏi: "Thế Trường Sơn tây có nhớ Trường Sơn đông không?" "Nhớ chứ!". "Nhớ như thế nào? Tả nghe coi?". "Nhớ dòng nước khe cạn, nhớ bướm bay lèn đá..." "Được rồi! - Lê lấy tay bịt miệng Lạc - nói ra ít thôi, kẻo hết mất."

 

Đêm ấy đẹp lắm. Cả hai ngồi trên con đê làng bạt ngàn phi lao vi vút gió. ánh trăng ướt đẫm cả không gian. Đấy là đoạn đê cuối của con sông Cái gặp biển. Đang lúc thủy triều kiệt, nước sông rút và chảy xiết loang loáng như trăng bị rơi vỡ từ đầu nguồn. Xa kia, biển một màu bàng bạc. Những con sóng dường như đã đi ngủ, chỉ có lời ru của biển còn thức. Lê thì thầm: "Ra Hà Nội học, nhớ viết thư thật nhiều cho em nhé". Nàng ghì bằng cả hai bàn tay đầu Lạc xuống, bắt phải nhìn thẳng vào mắt mình mà thề thốt. Sao hôm ấy cổ áo nàng rộng thế? Cái cổ cao, bờ vai thuôn mịn. Lạc áp trán xuống đó, mát lịm. Và anh còn nhận ra mùi thơm thoang thoảng, là lạ như là mùi của mồ hôi, của da thịt nàng, phảng phất từ cặp vú trắng ngần, căng lẳn làm bật cả chiếc khuy áo.

 

Nàng nói rằng, nàng sẽ thi vào Cao đẳng Sư phạm và trở thành cô giáo làng, chờ chàng về. Chao ôi, bao nhiêu thề thốt, âu yếm ngọt ngào của nàng, của chàng tuôn chảy ra hết vào cái đêm trăng vằng vặc ấy.

 

Tất cả sẽ bằng yên trong Chúa nếu như đứa con chiên sáng giá của Ngài không bị vấp phải cái bậu cửa cuộc đời. Vào năm 1968, trong chiến dịch Mậu Thân tại thành Quảng Trị, ông Năm, bác ruột của Lạc bỗng nhiên bị mất tích. Giấy báo tử đã về địa phương... Ba năm sau, đánh đùng một cái, chính quyền thông báo với bố Lạc là ông Năm đảo ngũ, hiện có tin đang sống ở Mỹ. Họ gỡ tấm bằng chứng nhận liệt sỹ xuống. Và kể từ đó, gia đình Lạc mang tiếng có kẻ đảo ngũ, phản quốc. Chẳng bao lâu sau, bà nội Lạc ngã bệnh rồi chết. Người già có thể chịu được đói, rét, cực khổ chứ không chịu được nhục. Lạc khóc ròng trên mộ bà hai ngày liền mới dần nguôi ngoai. Không ngờ, cái tội của bác đổ lên đầu cháu... "Em Trần Văn Lạc thành phần là người công giáo, có bác ruột làm phản động cho bọn đế quốc. Chính quyền địa phương không đồng ý cho đi học!"... Ông trưởng phòng tổ chức tuyển sinh của nhà trường ái ngại nhìn Lạc, an ủi: "Em chịu khó về địa phương đề nghị xem xét và xác nhận lại". Lạc vâng trong nước mắt lưng tròng. Anh vật vờ ở nhà người bạn tại cầu Chui một ngày rồi mới về địa phương. Nhưng anh không về nhà, cũng chẳng đến Uỷ ban xã. Anh đi thẳng đến bờ đê, nơi con sông Cái gặp biển. Cuộc đời liệu có linh cảm không, chứ sao khi Lạc đến đã thấy Lê ngồi ở đó rồi. Nàng đã biết tất cả. Nàng khóc nhiều lắm và đang mong gặp Lạc.

- Có lẽ anh phải đi khỏi đây thôi, Lê ạ!

Lê hốt hoảng:

- Anh đi đâu? Không được. Phải nghe em nói!

 

Bây giờ thì Lạc như đứa trẻ trong vòng tay của nàng. Nàng bảo rằng, anh phải làm đơn đề nghị chính quyền xem xét. Rằng, anh đừng quá nóng vội mà mất khôn. Có lẽ trong đau khổ, cô bé mới mười sáu tuổi bỗng nói được giọng của người lớn. Giọng nàng thầm thì như xoa, làm dịu vết thương của anh. Hôm ấy gió lắm. Đang giữa trưa. Gió táp ram ráp vào mặt hai người. Hình như mưa to ở thượng nguồn. Dòng sông Cái cuồn cuộn, cuồn cuộn chảy, sùi bọt trắng xoá. Lạc cảm thấy nước biển trắng. Bãi đá đầu ghềnh cũng trắng. Sóng gầm gào, đập liên hồi vào bãi đá, làm tung lên những cột nước lớn trắng như vôi bột.

*

Chớm đông. Xe càng ngược lên cao càng ngập trong khí lạnh. Gió rít ngốt mặt như muốn giữ Lại lại. Chợt thương bố, thằng Thu và Lê quá. Chưa bao giờ anh thương nhớ đến da diết như vậy...

Nàng còn nói gì nhỉ? Không, nàng chỉ hỏi lại anh: "Anh không còn yêu em nữa sao? Anh không còn yêu làng quê của mình nữa sao?" Anh ngước đôi mắt vô cảm nhìn vào cõi xa xăm nào đó và trả lời: "Có!" Nàng như chộp được điểm sơ hở của anh: "Thế sao anh định chạy trốn?" Anh thở dài, chua chát nói, đấy là câu nói thực lòng: "Em thấy đấy, họ có định kiến nặng với người công giáo. Mấu chốt là ở chỗ đó. Anh chỉ muốn đi quách khỏi chốn này. Anh vẫn yêu em. Lại càng thương bố với thằng Thu hơn..." Nàng gục đầu vào ngực anh và bỗng oà khóc nức nở. Hơn ai hết, nàng biết rõ rằng, chàng đã suy sụp hoàn toàn. Người con trai khoẻ mạnh, đẹp trai, con nhà nghèo nhưng thông minh, học giỏi, nàng đã để mắt đến từ lâu, chỉ sợ chúng bạn "cướp" mất, nàng chăng lưới khéo lắm mới bắt được, nay đã lăn đến tận cùng của nỗi tuyệt vọng!

 

Chia tay nàng, anh trở về nhà. Thằng Thu đang ngồi học ở sân, nó bảo bố anh đang đi gặp Uỷ ban xã. Bỗng dưng anh cáu với nó: "Mày học để làm gì, hả?" Thằng Thu trợn tròn mắt, ngạc nhiên. Anh đi thẳng vào nhà, mở tủ lấy quần áo, vội vã như một kẻ ăn trộm. Rồi anh viết vội một mảnh giấy đặt lên bàn. Anh không quên thắp một ngọn nến tưởng nhớ đến mẹ. Từ giá ảnh thờ, đôi mắt của mẹ buồn rười rượu làm sao, nhìn anh như trách móc. Anh gạt nước mắt, quay nhìn tấm ảnh mẹ một lần nữa, rồi xách túi đi ra bằng cửa sau.

 

Bất ngờ, ánh mắt anh chạm phải cây mít. Mãi chuyện học hành, đã lâu anh quên mất nó. Cây mít chỉ còn trơ mấy cành lớn. Phần thân sát gốc, vỏ bị bong từng mảng, để lộ màu da vàng rộm, thớ cuộn như dây thừng. Cao lên một chút, quá đầu người, giữa ba chạc, anh bắt gặp một ổ mối lớn bằng cái bình vôi, sần sùi như một khối ung. Và từ khối ung đó, bọn mối đắp lên những đường hầm bằng đất màu nghệ non, kéo dài ngoằn ngoèo lên mấy cành phía trên. Bố anh không chặt cây mít dù nhà rất cần gỗ. Ai hỏi, ông nói cứ để thế, nó chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng Lạc biết chính xác là ông không nỡ làm ngược lại lời mẹ anh khi bà còn sống.

 

Cũng may, hồi ấy Hạt kiểm lâm Mộc Châu đang cần người. Cộng với sự tháo vát của người quen cũ, Lạc đã may mắn trở thành nhân viên của hạt. Nhưng khi bắt tay vào việc, Lạc thực sự lúng túng. Công việc nào cũng lạ lẫm đối với anh. Người kiểm lâm không chỉ biết sử dụng thành thạo vũ khí mà còn phải nhận biết mặt gỗ, nhóm gỗ, các thao tác nghiệp vụ, cho đến cách tuần tra chống lâm tặc. Anh Thịnh trưởng hạt nói rằng, đó mới chỉ là sách vở. Còn thực tế công việc thì nó biến hoá không lường. Vì vậy, người kiểm lâm phải học hỏi không ngừng. Học trong công việc, học từ đồng đội, đồng nghiệp, lấy rừng làm trường mà học bởi gỗ, rừng là đối tượng của người kiểm lâm. Anh Thịnh có sáng kiến cứ mỗi tuần lễ cử một người kèm cặp Lạc. Riêng ngày chủ nhật, anh trực tiếp kiểm tra kiến thức của Lạc theo kiểu thi vấn đáp.

 

Đêm xuống, anh em trong hạt thường tổ chức văn nghệ tự biên, tự diễn, kèm "món" gì đó nhậu lai rai. Thật vui nhộn và ấm cúng. Cái không khí đó đã phần nào làm vơi bớt nối nhớ nhà cồn cào ở Lạc trong những ngày đầu nơi đất lạ. Lạc thuộc khá nhanh bài hát truyền miệng mà mỗi tối anh em thường hát. Khi hỏi ai là tác giả thì cả lũ ngớ ra, chẳng một ai biết. Lời bài hát mộc mạc, giản đơn nhưng tiết tấu thì ào ạt, sôi nổi.

 

Tôi là cây Lim

Bạn là cây Trắc

Cùng nhau chung sống

Giữa cánh rừng già.

Tôi cây Chò Chỉ

Bạn làm cây Đinh

Thắm tình đồng chí

Chung trong một nhà...

 

Vâng, bài hát cứ lặp đi lặp lại như thế, với đủ các loại cây rừng: Sến, Táu, Gụ, Dỗi, De... nhưng hát mãi không biết chán. Họ hát hàng đêm. Nhất là những đêm đông, tiếng hát bập bùng theo ánh lửa, ngân vang hơn, màn đêm cứ dùng dằng lưu luyến, không muốn trôi nhanh về sáng.

 

Nhưng rồi, có một lần, Lạc suýt bỏ mạng trong rừng sâu. Đấy là bài học nhớ đời đầu tiên của nghề kiểm lâm, đến giờ anh vẫn còn choáng. Sáng ấy trời trong, Lạc cùng một đồng đội đạp rừng đi tuần. Rừng tuyệt đẹp. Hai bên bờ một con suối cạn, bao nhiêu là cây cổ thụ xoè tán đội trời, rì rào trong nắng sớm. Phía dưới, các thế hệ cha, chú, cháu, chắt chen nhau tầng tầng, lớp lớp. Họ nhà Gụ khoe làn da màu đồng hun như láng mỡ. Họ nhà Lim, Đinh có nước da màu gạch xỉ, vỏ căng lẳn mà vẫn mềm mại. Chỉ có họ nhà Lát, thi thoảng mới gặp một cây, đều cỡ từ thân người trở lên, da sáng như bạc mới ra lò. Họ nào cành, lá trông cũng sum suê, mỡ màng như vừa được tưới một lớp sơn dầu màu lục. Thú vị nhất là những chú sóc, khỉ, chồn và một số loài khác Lạc không biết tên, chuyền cành như cắt, chẳng mấy khi chịu yên. Đây đó, các loài chim hoà tấu bản nhạc buổi sáng. Bướm bay rối mắt, sặc sỡ trên những lèn đá.

 

Rừng hút hồn lạc. Đúng thôi. Thằng con trai chân còn lấm bèo, tóc còn mặn mùi nước biển, bỗng lạc vào chốn thần tiên của đại ngàn, thì cái gì chẳng muốn nhìn, muốn ngắm. Người đồng nghiệp nhắc nhở nhiều. Song như gió thoảng. Cho đến khi bỗng "sập" một cái, Lạc rú lên như con thú rừng. Lạc bị rơi xuống một hố tròn, thành hố thẳng đứng, sâu chừng ba mét, đường kính khoảng bẩy mươi xentimét. Nghĩa là Lạc chỉ còn cách chôn chân một chỗ, không cúi xuống được. Lạc kêu gào đồng đội trong nỗi bàng hoàng khôn tả. Song, cái miệng hố tròn như lỗ thông hơi của địa phủ nuốt chửng lời anh.

 

Quái ác thay. Trời đang quang là thế bỗng tối sầm. Rồi gió. Cành cây treo trên miệng hố quăng quật như có ai đó đùn đẩy. Lá mục bay rào rào, ném xối xả xuống đầy người Lạc. Miệng hố tối dần. Một cành cây tấp lên, hai cành, ba cành. Cho đến khi lòng hố tối hẳn. Và mưa. Mưa ào ạt. Đó là trận mưa thất thường của đại ngàn, như tính khí của ông trời vậy. Lạnh. Lạc có cảm giác bắt đầu từ đôi giày sũng nước, rồi chạy dọc lên theo sống lưng. Cuối cùng toàn thân như hoá đá...

 

Mãi sáng hôm sau, đồng đội mới tìm thấy Lạc. Anh mê man trong cái hố nước ngập đến thắt lưng, người hầm hập sốt.

 

Sau lần đó, cảm giác chán ngán lẫn xấu hổ ngấm nẫu cơ thể anh. Tính tự ti cộng với nỗi thất vọng đã khiến Lạc trở thành con người khác hẳn. Đi đâu, làm gì anh cũng rón rén, khép nép như một con mèo trông đến tội nghiệp. Bao đêm liền anh thức trắng. ý nghĩ sẽ trở về đeo đẳng một cách quyết liệt và giày vò anh trong tiếng mang tác, tiếng con trăn gió nào đó quăng mình. Có một đêm như thế, Táy đến nằm cạnh anh, an ủi:

- Đừng buồn người anh em ạ. Chuyệt vặt mà, bỏ đi. Cái gì chưa quen thì tập làm quen. Cái gì chưa biết thì học. Có thế thôi mà!

 

Giọng Táy trầm ấm và mềm. Lạc khẽ cựa mình.

- Ngay như mình đây, dạo mới vào nghề mà cái tay, cái chân cũng không chịu nghe mình. Mình là người Dao vùng Yên Bái. Cây rừng, con chim, con thú quen với mình lắm. Quen mà vẫn lạ đấy.

 

Lạc xoay người lại. Hơi ấm sực lên trong tấm chăn mỏng đắp chung.

- Thế ra... anh Táy không phải người ở đây?

- Đúng thế mà!

- Anh Táy giúp tôi làm quen với công việc được không?

- Đồng ý thôi, bắt đầu từ ngày mai nhé.

 

Cũng đêm ấy, Táy kể với Lạc gia cảnh nhà mình. Sao mỗi người sống mỗi phương mà gia cảnh giống nhau đến thế? Táy mồ côi bố, khi Toán, em của Táy còn nằm trong bụng mẹ. Bà mẹ người Dao ấy cứ ở vậy nuôi con, còm cõi và lầm lũi như một cái bóng. Lớn lên thì anh em Táy như hai cánh chim biền biệt. Lạc thút thít như một đứa trẻ: "Mẹ anh chắc già lắm rồi, phải không?". "ờ, muốn nhìn mặt trời mẹ mình phải ngồi xuống. Cái lưng mẹ mình không thẳng được nữa?" Lạc lại hỏi: "Anh có ý định đón bà về đây ở cùng không?". Giọng Táy xuýt xoa: "Có chứ. Đó là nguyện vọng thiết tha nhất của đời mình. Năm ngoái mình về đón, bà bảo: Tao phải chờ thằng Toán về đã. Chỉ còn ba tháng mười hai ngày nữa thôi. Chú có biết vì sao bà nói như vậy không? ấy là thằng Toán đi nghĩa vụ quân sự ba năm. Chỉ còn ba tháng mười hai ngày nữa thì hết hạn. ấy thế đấy. Mẹ mình ngồi đếm từng ngày và chờ..."

*

Thì ra, rừng ẩn chứa bao điều kỳ thú. Nếu không có Táy, Lạc đâu hiểu được điều đó. Rừng như một xã hội thu nhỏ. Xã hội có con người thì rừng có cây, có muông thú. Rừng có những quy luật tự nhiên của nó. Một quy luật có tính quyết định sự tồn tại vĩnh hằng của rừng là cân bằng hệ sinh thái. Táy nói rằng, khai thác rừng phải được kế hoạch hoá. Khai thác đi đôi với việc trồng rừng để đảm bảo độ che phủ. Có thế, rừng mới phát triển được. Chim chóc, muông thú càng sinh sôi, nảy nở nhiều hơn...ở đời, lắm kẻ cậy mình thừa học, nói lắm nhưng diễn đạt thì như gà mắc tóc. Còn Táy, hiểu biết nhiều lại nói ít. Tư duy, ngôn từ của anh mộc mạc như củ mài, củ sắn và mạch lạc như dòng suối ban mai.

 

Buổi sáng, người ta thấy Lạc và Táy như hình với bóng. Cả hai đi về phía cánh rừng già, nơi có nhiều loài cây gỗ quý của Mộc Châu. Gần trưa, họ đến cánh rừng thưa. Đây là khu rừng có nhiều cây gỗ Đinh, thân thẳng và cao chót vót như Chò Chỉ. Gỗ Đinh màu vàng nghệ, thớ gỗ không bó bện nhưng chắc, đanh chẳng kém gỗ Lim. Năm ngoái, lợi dụng khi mưa bão, bọn lâm tặc đã chặt hạ mấy trăm cây gỗ ở cánh rừng này. Nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời của lực hượng quân đội, thì hạt kiểm lâm chỉ có nước bó tay, ngồi nhìn. Đầu chiều, khi mặt trời chuẩn bị gác núi, đã thấy họ đang tỉ mẩn đo từng thân gỗ nằm ngổn ngang ở khu khai thác. Nhìn bãi gỗ như đàn trâu rừng chán cỏ, đôi mắt cương nghị trên gương mặt nâu sẫm của Táy không giấu được nỗi buồn: "Người anh em ạ. Một con người lìa khỏi cuộc đời như một cây gỗ bị đốn hạ. Rừng lại thiếu đi một bóng mát và muông thú thiếu đi một nơi cư trú". Có lẽ, phải yêu rừng đau đáu lắm thì Táy mới "triết lý" được như thế. Song mấy ai hiểu được sâu sắc của câu nói đó? Rừng vẫn bị khai thác một cách bừa bãi, nhiều khi chỉ vì một dúm đô la. Còn nạn phá rừng thì ngày càng gia tăng. Chim chóc, muông thú bạt đi đâu cả. Để rồi, cái tất yếu sẽ xảy ra. Nào hạn hán, nào bão rừng, nào lũ quyét...

 

Có thể nói, kiến thức về rừng và muông thú của Táy luôn khiến Lạc thán phục. Anh được Táy giảng giải khá tỉ mỉ về mỗi loài thú rừng. Táy nói rằng, để tồn tại và phát triển, nhiều loài thú phải sống thành đàn, thành nhóm, rất tình cảm và cũng có trật tự, kỷ cương như con người. Một trong những loài thú ấy, mà Táy rất ấn tượng và yêu quí, đó chính là loài voi. Táy kể với Lạc, hai năm trước, có lần anh được cử đến vùng sông Mã để khảo sát rừng. Một hôm, vào lúc chiều tà, anh bất chợt bắt gặp một con voi độc. Con voi già lắm. Lưng võng, đôi mắt nó đờ đẫn, mỏi mệt gắn với cái vòi héo hắt, thõng thượt lết trên mặt cỏ. Những bước chân của nó chậm chạp, nặng nề dưới tấm thân có cảm giác đã nhão như bùn. Lạ một điều, ngày nào con voi cũng chỉ quanh quẩn ở khu rừng ấy. Thỉnh thoảng nó hướng về cánh rừng già như mong ngóng, đợi chờ một điều gì đó. Thế rồi, khoảng năm hôm sau, con voi đột ngột chết ở dưới con suối cạn. Có lẽ vì khát nước quá nên nó phải xuống suối, nhưng tấm thân bệu rệu của nó không thể nhấc lên được nữa. Nó đành ngậm tủi, gửi phận cô quạnh với cái chết, như một người già cô đơn không con cháu, không họ hàng thân thích gần xa. Song, thật bất ngờ, đúng vào buổi chiều hôm con voi già chết, một đàn voi dễ đến hàng trăm con rần rần xuất hiện, như thể từ đất chui lên. Con già, con trẻ, con lớn, con bé... đua nhau bẻ lá rừng tấp lên xác con voi già. Cả một khu rừng náo động hẳn lên. Chẳng mấy chốc, mộ của con voi già được đắp bằng lá rừng cao như quả núi. Bỗng con voi to nhất đàn, có lẽ là voi chúa, dậm chân đánh huỵch một cái, lập tức cả đàn ngừng làm việc và đứng cúi đầu, ủ rũ như để mặc niệm. Khoảng năm phút sau, lại bật lên một tiếng huỵch nữa, bấy giờ cả đàn mới lũ lượt kéo đi theo một trật tự như khi đến...

 

Câu chuyện của Táy cứ đeo đẳng Lạc trên suốt quãng đường trở về. Anh tự hỏi, con thú sống với nhau còn tình nghĩa thế, mà sao con người lại độc ác với nhau và săn đuổi chúng mãi? Nhiều nơi, thú rừng bị săn đuổi đến độ không còn đất để nương thân nữa. Con người nghĩ ra đủ kiểu để săn bắt. Và kiểu nào cũng man rợ cả. Từ cái hố sâu mà Lạc đã không may sa xuống, cho đến những cái bẫy hiện đại lẫn thô sơ, từ vỏ đạn sặc mùi thuốc súng cho đến những mũi tên độc, tất thảy là sự hiện thân của sự hủy diệt. Thật độc ác thay! Lạy Chúa, đời đầy rẫy cạm bẫy, kể cả ở chốn rừng xanh này.

 

Khi chỉ còn cách hạt khoảng ba kilômét, hai người ngồi trên mấy tảng đá nghỉ chân. Phía dưới họ là thung lũng có con suối sâu Nari chảy qua. Mặt trời đã khuất sau núi, hừng lên một vầng hào quang rực rỡ hình dẻ quạt. Vầng hào quang đó lại được những vầng mây trắng như tuyết khúc xạ, hắt thẳng xuống thung lũng, khiến màu xanh cố hữu của núi rừng chuyển thành màu tím ngắt mênh mang, bảng lảng như mặt biển khi trời yên sóng lặng. Chưa bao giờ Lạc được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp lồ lộ nhưng thần bí đến như vậy của núi rừng hùng vĩ. Anh khẽ thốt lên:

- Anh Táy xem kìa. Đẹp quá!

 

Táy gật gù tán đồng. Anh gỡ cây súng xuống gác hờ lên một bên chân rồi lặng lẽ dán mắt theo hướng tay của Lạc. Lạc nói, vẻ mặt vẫn chưa hết hồ hởi:

- Nhìn rừng, em bỗng nhớ đồng lúa quê em quá. Có những hôm cánh đồng cũng tím ngắt và ngút tầm mắt như thế này. Anh Táy đã bao giờ thấy một cánh đồng lúa chưa?

- Chưa. Mình đã có dịp về xuôi đâu. Mình biết ít về cây lúa lắm.

- Đến dịp tết Nguyên Đán, em mời anh về thăm quê em nhé.

- Thật chứ? Mình rất muốn về xuôi một chuyến, người anh em ạ.

Bỗng Lạc buột miệng:

- Anh Táy này, em là người công giáo đấy!

- Thì sao nào. Mình biết chớ. Biết từ lâu rồi! Anh Thịnh trưởng hạt nói cho mình biết mà.

- Anh Thịnh cũng biết? - Lạc nhìn xoáy vào Táy, vẻ mặt tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

- Thì chính anh Thịnh nói với mình và anh em trong hạt ấy mà. Anh ấy còn bảo thế này: chúng ta luôn phải biết yêu thương, giúp đỡ nhau...

 

Táy đâu biết được rằng, câu trả lời của anh khiến Lạc bất ngờ và xúc động lắm. Bởi lẽ, bấy lâu nay anh cứ đinh đinh rằng, không một ai trong hạt biết anh là người công giáo. Thế nhưng, khi đã biết, chẳng một ai có định kiến với anh cả. Thậm chí, càng ngày mọi người càng quý trọng và yên thương anh hơn... Chỉ mới nghĩ được thế, sống mũi Lạc đã cay xé lên. Anh mấp máy môi, định nói với Táy một điều gì đó, nhưng không hiểu sao lại nín lặng.

Tối ấy, lửa trại lại thắp sáng thâu đêm. Hứng chí, cả hội còn ôm nhau nhảy cà tâng theo tiếng khua của bát đũa, soong chảo. Bài hát muôn thuở lại cất lên, cả đại ngàn như xao động:

 

Tôi là cây Lim

Bạn là cây Trắc

Cùng nhau chung sống

Giữa cánh rừng già.

 

Tôi cây Chò Chỉ

Bạn làm cây Đinh

Thắm tình đồng chí

Chung trong một nhà ...

 

Táy siết chặt đôi bàn tay của Lạc. Cả hai cũng say sưa nhảy quanh đống lửa bập bùng. Vừa nhảy vừa hát, mạnh mẽ và cuồng nhiệt. Nhưng lời của một đoạn bài hát thì đã được Táy cải biên và Lạc cảm thấy thích lắm:

 

Tôi cây Nghiến rừng

Bạn cây Mít vườn

Đến đây cùng sống

Đều là quê hương ...

*

Một buổi sáng mùa hè. Buổi sáng ấy là buổi sáng gì mà mưa như trút nước. Bầu trời xám xịt sà thấp xuống. Sấm trời mà nghe âm âm như dội lên từ lòng đất. Và chớp. Chớp rạch nhằng nhịt vào mặt người. Hôm ấy không phải phiên tuần rừng của Táy nhưng anh vẫn giành về mình. Táy nói với anh Thịnh: "Cho tôi đi với thằng Lạc. Tôi muốn chia sẻ với nó kinh nghiệm cách qua suối cạn, suối sâu khi có mưa lũ như thế này. "Anh Thịnh nghe có lý, gật đầu. Còn Lạc, đội mưa đi sau Táy mà lòng dạ cứ thắc thỏm không yên. Anh linh cảm có điều gì đó sẽ xảy ra. Chỉ linh cảm thôi, không hình dung được và cũng không gọi thành tên được. Táy hôm nay cũng lạ. Anh cứ lầm lũi bước, không hé răng. Cái dáng người to bè của Táy nhập nhoè trong màn mưa trắng xoá, từng đợt từng đợt như roi quất vào chiếc áo mưa màu rêu dính dáp trên người.

 

Nhưng quãng một canh giờ sau, mưa bỗng nhiên nhỏ hạt rồi tạnh hẳn. ấy là lúc họ vừa bì bõm qua được con suối Narì. Lạc thở phào như thể vừa trút bỏ được một gánh nặng.

 

Theo lịch trình, cánh rừng già là điểm tuần tra chính. Muốn đến đó, phải len lỏi theo con đường kéo gỗ của dân sơn tràng nối con suối Narì với đường cái đất. Chỉ cần băng qua con đường cái là tiếp cận điểm cần đến. Có nghĩa là họ đi theo hướng từ thung lũng lên, ngược dốc.

 

Sau gần một tiếng đồng hồ trầy trật bám theo con đường đầy sống trâu, trơn trợt, vừa chuẩn bị đặt chân lên con đường cái thì bất chợt có tiếng động cơ xe máy vọng đến. Tiếng động lớn dần. Táy vạch lá, phát hiện một chiếc xe Minsk chở hai gã đàn ông chạy mạn bên kia đường, từ phía bản người Thái ra. Chiếc xe lăn bánh không gấp gáp như thể hai gã kia là dân buôn cất hàng ra thị trấn. Nhưng theo kinh nghiệm, Táy khẳng định chúng là lâm tặc, đang thực hiện nhiệm vụ cảnh giới cho một nhóm lâm tặc khác. Anh phán đoán chiếc xe Minsk sẽ còn quay trở lại đôi lượt nữa rồi bọn chúng mới hành động.

 

Táy nhắc Lạc kiểm tra lại súng đạn và vạch ra các khả năng có thể xảy ra. Anh phác thảo trong đầu một phương án khả thi nhất chặn bắt bọn lâm tặc rồi bàn kỹ với Lạc. Anh còn nhắc nhở Lạc trong trường hợp khẩn cấp thì phải hành động như thế nào để báo cho đồng đội biết đến hỗ trợ kịp thời.

 

Quả đúng như phán đoán của Táy, chiếc Minsk đã quay trở lại, xẹt sát vào lùm cây anh và Lạc đang ém rồi mất hút. Người Lạc bỗng run lên, lồng ngực gõ như trống trận. Như hiểu được tâm trạng của anh, Táy đặt bàn tay lên vai Lạc khẽ mìm cười, đôi mắt đầy khích lệ. Chiếc Minsk quay trở lại lần thứ ba. Lần này trên xe không thấy gã ngồi sau. Vượt qua vị trí hai người đang ém khoảng năm mươi mét, chiếc xe đi chậm lại và nhấn còi ba tiếng liền rồi tăng tốc vọt đi. Tiếng còi bật lên liên tục và gằn. Táy khẳng định đó là tín hiệu hành động của bọn lâm tặc. Anh khoát tay Lạc, cả hai nhanh chóng bám ngược chiều theo các rỉa cây ven đường, theo hướng chiếc Minsk.

 

Bỗng từ phía sau các anh, bên kia dường, không phải là một mà là hai chiếc Zin 130 đội rừng đột ngột chui ra. Nghe tiếng động cơ, Táy biết chắc hai chiếc xe chở đầy gỗ. Không chần trừ, anh kéo Lạc lao vọt ra mặt đường, phát tín hiệu yêu cầu chiếc xe đi đầu dừng lại. Có lẽ vì bị bất ngờ, cả hai chiếc xe chững lại. Nhưng chỉ trong tích tắc, chiếc xe chồm lên như muốn nuốt chửng những gì trước mặt nó. Táy chỉ kịp gạt Lạc ra xa, thì chiếc xe đã lán sát vào người anh rồi vọt qua, mùi khói xăng nồng nặc, bùn đất bắn tung toé. Táy rượt theo, đồng thời nổ súng cảnh báo, song chiếc xe vẫn bỏ chạy, phóng như điên khùng.

 

Táy không biết được rằng, chiếc xe thứ hai cũng có ý định tháo chạy như đồng bọn, đang bám sát phía sau anh. Nó gầm rú như một con thú dữ, quyết vồ anh bằng được. Lạc đuổi theo và nổ súng cảnh báo. Chính nhờ tiếng súng của Lạc, Táy lập tức quay người lại, mới biết chiếc xe đang nhằm thẳng vào anh. Trong tích tắc, anh nhìn thấy rõ mồn một khuôn mặt gồ ghề của gã lái xe sau tấm kính. Gã nhe răng cười, nhưng mắt gã lại trắng đục đầy lửa hận.

 

Không còn cách nào khác, Táy bỏ chạy. Gã được thế ghìm ga bám theo. Gã biết rõ đoạn đường này hiểm, không lối thoát, trừ phi có phép thần thông bay lên bám vào lèn núi hoặc phải phi thẳng xuống vực. Táy lạng bên phải, gã bẻ vô lăng sang phải. Táy chuyển sang trái, lập tức gã bẻ vô lăng sang trái. Cứ như mèo vờn chuột. Gã cảm thấy thích thú lắm với cái trò này. Chợt gã cười phá lên một cách đắc ý khi nhận ra rằng, bây giờ gã đang là kẻ săn chứ không còn bị săn như mấy phút trước. ý nghĩ ấy khiến chân gã nhấn mạnh hơn bàn ga và chiếc xe lồng lên còn hơn một con ngựa bất kham.

 

Một vạt đồi thoai thoải đầy đá tảng bất ngờ hiện ra trước mắt Táy. Bình tĩnh nhưng quyết liệt, anh lấy đà quăng người lên, lăn xồng xộc xuống. Đáng lẽ phải bỏ mục tiêu, dấn ga chạy thẳng, song thay vào đó gã lái xe lại vặn tay lái lượn gấp theo Táy. Chiếc xe lạng nghiêng hẳn đi. Có thể gã đang say máu. Nhưng đã muộn. Khi gã bẻ mạnh tay lái hướng lên mặt đường, thì chiếc xe đã lao sầm vào tảng đá rồi đổ vật, gỗ từ thùng xe theo quán tính bắn túa ra, lao xồng xộc xuống chân đồi. Tiếng xe đổ, tiếng gỗ va vào nhau, vào đá... nghe rầm rầm như sấm, náo động cả một góc rừng.

 

Sự việc diễn ra thật nhanh, như cái chớp mắt. Khi Lạc nhào đến thì Táy không còn nữa. Toàn thân anh bị kẹp nát vào giữa hai tảng đá , gỗ ngổn ngang, đôi mắt anh không chịu khép, miệng vẫn còn phảng phất nụ cười. Lạc như kẻ điên loạn, anh chỉ biết chạy quanh hai tảng đá, tuyệt vọng và bất lực nhìn Táy rồi khóc như mưa.

*

Cách đây hai tháng, tôi theo người bạn lên Mộc Châu và tình cờ được gặp anh Lạc. Anh đã lập gia đình riêng, cắm rễ ở đất Mộc Châu. Khi tôi hỏi, anh có ý định trở về quê sinh sống nữa không, anh trả lời:

- Mình có hai quê. Một quê sinh, một quê dưỡng. Quê nào cũng nặng tình nặng nghĩa cả. Nhưng ở đây còn có anh Táy, cây nghiến già của đại ngàn. Anh ấy không chết. Một người như thế không dễ chết được, phải không?

Tôi lặng lẽ gật đầu. Thật lâu anh mới lên tiếng, giọng buồn buồn.

- Sau khi anh Táy mất, mình đã tìm về quê anh ở Yên Bái. Nhưng không gặp được bà mẹ người Dao. Bà đã mất chỉ trước khi mình đến có ba ngày. Mình hết hụt hẫng này đến hẫng hụt khác, cậu ạ!

 

Trước hôm trở về Hà Nội, anh Lạc làm một bữa cơm chia tay tôi. Nhà anh cất bằng gỗ theo kiểu của người Kinh, tường toóc xi, không rộng rãi lắm nhưng ngăn nắp và sạch sẽ. Lưng nhà dựa vào vách núi, mặt hướng ra mấy quả đồi mấp mô những đá là đá với cơ man cây gỗ nghiến. Cơm nước xong, hai anh em khiêng cái chõng tre do chính tay anh đóng ra nằm dưới mái hiên, hàn huyên đủ thứ chuyện. Đêm đó, Lạc đã kể cho tôi nghe bao nhiều là chuyện hay, chuyện lạ về rừng. Anh còn bảo, rừng nước ta trữ lượng gỗ còn ít lắm. Độ che phủ tỷ lệ thấy, chẳng mấy chốc đồi trọc lấn sát biên với các nước láng giềng.

 

Đêm đầu hè ở Cao nguyên thật dễ chịu. Đêm càng về sâu càng mát. Vòm trời màu chì lồng lộng, nhấy nháy muôn ngàn vì sao, giống như ánh mắt của trần thế. Như nhắn, như gọi, như mời, như chào...

 

Cuối cùng, tôi nói lời chia tay với Lạc và mong rằng, một ngày gần đây anh sẽ thu xếp về thăm quê, rồi nhân thể ghé chơi nhà tôi dăm bữa. Chợt như nhớ ra điều gì, anh ngồi bật dậy:

- Mình quên chưa kể với cậu. Mình vừa về thăm quê lên cách đây một tuần.

- Thế gia đình ra sao rồi, anh Lạc?

- Ôi, chẳng phải nói. Bố mình và bà còn láng giềng gặp lại mình mừng lắm. Ông cụ nhà mình già đi nhiều. Nhưng ơn Chúa, vẫn khoẻ. Cụ chỉ trách mình sao cứ biền biệt, không một lá thư, không một lời nhắn gửi.

 

Tôi chợt nhớ đến bóng dáng người con gái đáo để trong câu chuyện của Lạc, bèn hỏi:

- Còn chị Lê? Chị ấy chắc đã xây dựng gia đình rồi?

Lạc thở dài:

- Nếu được thế thì mình đã đỡ ân hận hơn. Đằng này, cô ấy cứ ở vậy chờ mình về. Lì thế! Thực tình, mình không dám đến gặp. Mặc ông cụ nhà mình chửi mắng thế nào thì chửi. Mình hèn quá, phải không cậu?

 

Chúng tôi cùng nhau im lặng hồi lâu.

- Vậy... còn thằng Thu?

- Đấy, mình đã định nói chuyện này mà chưa có dịp. Nào, chú có đoán ra chuyện gì không? Thằng Thu bé bỏng dạo nào của mình ấy ư? Bây giờ chú ấy đang nghiên cứu sinh ở úc. Ghê thế kia đấy!

 

Trước khi chia tay, Lạc dúi vào tay tôi một chiếc phong bì khá dày, dán kín, nhờ chuyển cho cô giáo Lê. Tôi chỉ ân hận không biết anh nói những gì trong lá thư với người con gái từng tự mệnh danh là " Trường Sơn đông" ấy?./.

 

Hà Nội 2003

Phạm Thái Ba
Số lần đọc: 2051
Ngày đăng: 26.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mảnh vỡ (6) - Nguyễn Thị Hậu
Kẻ giết mẹ - Csáth Géza
Thuốc phiện - Csáth Géza
Chim yến treo mình - Lê Vũ
Trả nợ miệng - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Người Lính Tâm Thần Mắc Bệnh " Ghét Lửa" - Trần Kỳ Trung
Hiệp Sĩ - Lương Văn Chi
Mưa - Trần Văn Bạn
Người giữ cầu bên sông - Mang Viên Long
Đánh đổi - Nguyễn Khương Bình
Cùng một tác giả
Tigôn (thơ)
Con chó quý (truyện ngắn)
Chết hoang (truyện ngắn)
Bức tranh ông voi (truyện ngắn)
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chết lành (truyện ngắn)