1. KHÔNG QUA CẦU
Ông Lê Quá Hải và ông Lý Quá Giang là đôi bạn già rất đẹp đôi, đẹp lão. Người biết chuyện nói hai ông đều đã gần Bách niên mà chưa có dấu hiệu gì của “ngày ra đi” cả. Câu chúc “Bách niên giai lão” quả là có hiệu nghiệm với hai ông. Từ lúc về hưu (sáu mươi tuổi) đến nay đã gần bốn mươi năm, đó là quãng thời gian ao ước của những người…chết non! Đã có nhiều người, kể cả các phóng viên, đến hỏi hai ông về “Bí quyết sông lâu”, thì đều nhận được câu nửa thơ nửa vè “Ba Không” như sau:” Không đi qua cầu/ Không ở nhà lầu/ Không ăn cao lâu/ Thì sẽ sống lâu”! Yêu cầu hai ông giải thích rõ thì nhận được câu trả lời: Giải thích rõ thì còn gì là bí quyết nữa!...
Câu giải thích bị “Treo” cho tới khi hai ông mở tiệc ăn mừng sinh nhật thứ Một Trăm. Nghĩ đã qua Trăm tuổi rồi, chẳng cần phải giấu giếm gì nữa, hai ông mới công bố câu giải thích:”Chúng tôi , một người là kỹ sư cầu đường, một người là kỹ sư xây dựng và cùng hùn vốn mở nhà hàng, cho nên biết rất rõ chất lượng của chúng!”…
2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
Làng Lưỡng Sơn là một làng mới, chưa tới nửa thế kỷ, tức năm mươi năm tuổi. Làng là một cái thung lũng nhỏ, hai đầu làng là hai quả núi,có con suối lớn chảy qua , nên gọi là Lưỡng Sơn Khê, gọi tắt là Lưỡng Sơn. Ban đầu, là trại An dưỡng thương binh chống Pháp, vì ở đây yên tĩnh, phong cảnh sơn thủy hữu tình, rồi sau đó có cả thương binh chống Mỹ…Dần dà, con gái ở các làng lân cận tình nguyện đến làm vợ các anh thương binh ngày càng nhiều, làng trở nên đông đúc như một làng ở gần thành phố…
Có một dạo, rộ lên cái chuyện tìm về cội nguồn, phục hồi các hình thức lễ hội, làng nào cũng viết lịch sử làng, địa chí làng, làm hội làng rất rình rang, cờ quạt rợp trời, chiêng trống vang xa hàng chục cây số…và làng nào cũng tự xưng là “Địa linh nhân kiệt”!...Đám học trò làng Lưỡng Sơn nhìn các làng bên nhộn nhịp như thế còn làng mình cứ im re thì gặp mấy người già hỏi cho ra lẽ. Một ông già, là thương binh chống Pháp, đã hơn Tám mươi tuổi, thời còn chiến đấu đã là Trung đoàn phó, nói với bọn trẻ:”Những người lớn tuổi như ông có tới hơn trăm, cấp bậc hàng tướng tá rất nhiều, không là Nhân kiệt thì là gì? Chỉ cần các cháu đoạt cho được chục cái bằng Tiến sĩ, làng sẽ dựng bia đá, khắc tên các cháu lên thì có thua gì bia ở Văn Miếu Quốc tử giám! Làng ta sẽ mở hội ăn mừng cũng chưa muộn!” Thế là từ đó, làng Lưỡng Sơn âm thầm chuẩn bị cho hội làng mười năm sau !
3. NGƯỜI VÀ NGÔN NGỮ
Có ba người bạn rủ nhau đi dạo bên con sông quê hương. Một người là nhà doanh nghiệp nói:”Mình sẽ kinh doanh nhà hàng nổi trên khúc sông này!”. Một người là cựu chiến binh nói:”Nước sông công lính, mình sẽ xây một khu tượng đài ở đây, nơi này đã có những trận thủy chiến oai hùng từ thời đánh Pháp, rồi đánh Mỹ!...”. Người thứ ba, là một ông già đã “Thất thập cổ lai hy”, gấp một chiếc thuyền giấy thả xuống sông rồi nói:”Ước gì thời gian quay trở lại cái thời tuổi thơ!”… Còn dòng sông thì cứ bình thản trôi như không có chuyện gì xảy ra!
4. TÌNH GIÀ
Sau nửa thế kỷ, hai người bạn thuở mười tám đôi mươi mới tình cờ gặp lại nhau. Người đàn ông nói:”Sau khi chia tay, tôi đã viết thư cho em liên tục, ba ngày một lá, sao không thấy em trả lời?”. Người đàn bà nói:”Tôi cũng viết thư cho anh liên tục, ba ngày một lá, mà sao không nhận được hồi âm? Thế thì lạ thật?”. Hai người bèn đi tìm người Bưu tá xã, vì họ đều gửi thư cho bạn mình theo địa chỉ ở nhà. Người Bưu tá xã đã chết được ba năm, con người Bưu tá nói:”Bố cháu trước khi mất có giao lại hai bao tải, nói đó là thư của hai người gửi cho nhau, nhưng không biết địa chỉ mới của hai người? Năm ngoái nhà có hỏa hoạn, hai bao tải ấy cháy rụi cả rồi!”. Hai người bèn quyết định viết lại những bức thư đó!...Không biết bao giờ họ mới viết xong?./.