Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.999 tác phẩm
2.765 tác giả
319
124.688.190
 
Cái nón mê thủng chóp
Sương Nguyệt Minh

Một truyện ngắn như một lời nhắn nhủ về quá khứ ,nhẹ nhàng nhưng là một hoài niệm .Sự kết nối giữa những yếu tố của Cái nón mê thủng chóp làm nên không gian Sương Nguyệt Minh .VCV

 

Con gái làng tôi chân to. Vợ tôi chân cũng to, mông càng to. Người ta bảo, do lội ruộng trũng nhiều, gồng gánh lắm nên phát triển chiều ngang.

 

Dân làng lam lũ. Vợ tôi cũng lam lũ. Suốt ngày cắm mặt xuống ruộng cấy những dảnh mạ. Chân đất. Quần xắn đến bẹn. Đầu đội nón mê. Khi nón mê thủng chóp thì úp che vại cà; mua được nón mới cũng dềnh dang so đi tính lại cả tuần vì tiếc tiền. Tôi xa nhà, phận nghèo đổ lên vai vợ gánh.

 

Tôi tên là Bần, vợ tên là Tèo. Hai con trai ngoan hiền, học nhàng nhàng mỗi năm một lớp. Gia cảnh đầu tắt mặt tối quanh năm mới đủ ăn. Tôi là tay công chức làng nhàng của một cơ quan văn nghệ ở Hà Nội. Mỗi tháng một lần nhảy xe đò mang lương ba cọc ba đồng về quê nịnh vợ.

 

Vậy mà, đùng một cái tôi trúng to cổ phiếu chứng khoán. Cái thời ban đầu rất nhộn nhạo; chứng khoán tôi mù tịt. Bạn tôi là phóng viên kinh tế báo N rủ: “Tao đi Trung Quốc, mấy thằng cha làm ở Nhân dân nhật báo xui: Mày có tiền chơi ngay chứng khoán đi. Nước nào cũng thế, lúc đầu nó nhốn nháo thật giả, vài năm sau đi vào niêm luật, quy củ thì hóa bằng gửi tiết kiệm.”

 

Tôi bốc giời, bảo: “Tôi có ba mươi triệu đồng vợ dành dụm tiền bán gà ngan, lúa khoai, đang định mua con xe máy cưỡi đi về. Đánh liều, tôi đưa hết cho ông”.

 

Thời tiết thị trường nóng lạnh, bạn tôi thính hơi lắm, mua mấy vạn cổ phiếu. Tôi theo đóm ăn tàn, được bạn bày mưu tính kế mua giúp ba ngàn cổ phiếu của Công ty F mệnh giá mười ngàn đồng một cổ phiếu.

 

Một thời gian sau, mệnh giá lên gấp sáu mươi lần; chỉ số VN - Index vượt qua ngưỡng 1170. Bở quá. Tôi tính bài ăn non, bán vội được cả đống tiền; buôn bán gì cho lại.

 

Bõ công ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân, tôi mua căn nhà liền kề bốn tầng. Ôi trời ơi! Cứ như nằm mơ một bước lên thiên đường.

 

Tôi đưa vợ lên Hà Nội xem nhà mới. Cái sân nhỏ có cầu thang ngoài đi riêng lên tầng hai; tầng một cho Văn phòng địa ốc thuê, thừa tiền cả nhà sống sung túc.

 

Nàng mừng run người. Cái thân cạo giấy quèn của thằng Bần tôi bỗng chốc vụt sáng lung linh và đáng trọng nể trong mắt nàng.

 

Thằng cha Giám đốc Văn phòng địa ốc sực mùi đàn ông, mắt chớp chảo như xe đạp sang vành, đứng dưới sân nói chõ lên: “Gớm bà chị nái nẩm nhỉ?” Tôi bảo: “Nạ dòng. Sề rồi.”

 

Gã đàn ông cười giả lả: “Vài tháng nữa chả “trơn lông đỏ da” ngay cho mà xem. Khối anh giai chết mê mệt đấy”. Vợ tôi dụi đầu vào vai áo chồng, cười tít mắt: “Cái anh gì vui tính, thích nhỉ”.

 

Cũng phải chuẩn bị một số đồ dùng trước khi đưa con rời làng ra phố. Tôi chở vợ đến siêu thị Big C mua đủ bộ nhà bếp từ xoong chảo, đĩa bát sứ đến con dao, cái thìa, lọ đựng hạt tiêu...

 

Nàng bảo: Bao nhiêu năm ở quê dùng toàn đồ đạc cũ, cái thì sứt xíu, cái thì cóc cáy; nay phải dùng đồ mới cho sang trọng và xứng tầm nhà mới. Chẳng hiểu sao vợ tôi nhanh thích nghi thế.

 

Buổi chiều, vợ tôi giục đi mua tủ sách. Nàng muốn các con bất ngờ và khách đến chơi nhìn chỗ nào cũng thấy sách. Nàng lý luận, một căn nhà hạnh phúc và học thức phải là nhà có sách.

 

Tôi rất ngạc nhiên, nàng nói giống như cha tôi. Lời lẽ cao siêu từ ông đồ nho còn sót lại ở thế kỷ 20, từ một trí thức, hoặc ít ra là người yêu môn xã hội nhân văn nào đó, chứ không phải từ miệng người đàn bà chân lấm tay bùn.

 

Ở nhà quê, làm lụng tối ngày có bao giờ nàng đọc sách báo đâu; nghe hát thì toàn những bài sến ỉ eo đến não lòng. Chiều lòng vợ, tôi lên một danh mục sách, bảo xích lô chở nàng ra phố Nguyễn Xí cứ thế mà chọn.

 

Nhưng nàng chọn sách theo ý mình, cứ quyển sách nào dầy cộp, đóng bìa cứng là nhặt. Ba xe xích lô chất ngất toàn sách là sách, lăn lóc như chở mứt Tết thu hồi vì quá đát; hết gần hai mươi triệu, đồng tiền nóng rát lên.

 

Về nhà, nàng hì hụi xếp sách vào ba cái tủ kính khung gỗ mới bóng sáng choang. Chả ra đề ra mục, lộn xộn, cứ cao bằng nhau là cho vào cùng ngăn; văn chương xếp lẫn với kỹ thuật làm bèo hoa dâu, Triết học Hêghen đứng chung với Kỹ thuật trang điểm cô dâu...

 

Phân tâm học Freud sống cùng Phương pháp nuôi chó cảnh. Rồi tập san thơ câu lạc bộ người cao tuổi Gừng càng già càng cay, tiểu thuyết diễm tình chữ to, Ái ân vợ chồng cần biết...v.v... cứ loạn cả lên.

 

Vợ tôi bảo: Bạn bè anh toàn trí thức, nhìn thư phòng này có mà bái phục. Không đứa nào khinh được nhà mình vô học. Tôi dở khóc dở mếu, muốn tìm cái lỗ nẻ chui xuống. Thì ra, lâu nay vợ chồng ít gần nhau, tôi hiểu nàng rất lơ mơ.

 

Tôi bảo vợ: Thôi, còn việc nữa là về báo cáo bố mẹ việc chuyển nhà ra phố. Từ nay, chúng ta sống cho ra cuộc sống con người. Đừng mặc cảm quê mùa nhếch nhác mà cũng không hoắng quá; cứ chầm chậm tiến dần đến giàu sang.

 

Chúng tôi bước sang chương sử mới từ quê ra phố.

 

Sau mấy đêm trằn trọc mất ngủ, tôi quyết định thưa với cha. Quả thật, không dễ dàng chút nào. Ông luôn nghĩ tôi đã lấy vợ làng, sinh con ở quê, nhà cửa bố mẹ sắm cho đuề huề vườn rau ao cá; bố con anh em quây quần vui vẻ, còn đi đâu nữa.

 

Cha tôi bảo:

 

- Gọi cả chị Tèo ra đây tôi biểu. Anh Bần này. Anh đứng số tha hương, bỏ làng. Tôi biết thế nào cũng đến ngày này.

 

Tôi lặng im. Vợ tôi từ buồng ra, khép nép ngồi bên chồng.

 

- Ngày này thế nào cũng đến - Cha tôi đai lại, giọng đơn côi, buồn day dứt, đầy bất lực. - Nhưng sao nó nhanh quá. Cứ như đứa con bị giằng khỏi tay mình.

 

Tôi không dám nhìn vào đôi mắt già nua của cha.

 

- Cha đừng bận tâm quá. Chúng con đi rồi chúng con lại về.

 

- Anh Bần này. Đời con anh, cháu anh; liệu chúng nó có về không?

 

Tôi không trả lời nổi câu hỏi của người cha. Chắc chắn đời con tôi sẽ thưa lần về, đời cháu tôi sẽ ít nữa; rồi đời chút, chít, chụt, chịt... sẽ thôi hẳn. Cha tôi là người từng trải, bất đắc chí.

 

Ông có hẳn “một bồ chữ” thánh hiền trong đầu, nhưng Nho học thất thế, lỗi thời, đành bỏ đi làm thợ mộc, một năm đến mười tháng ăn cơm thiên hạ suốt từ Tuyên Quang, Thái Nguyên đến Nghệ An, Sơn La... Lúc tuổi già mãn bóng mới chịu về quê hẳn.

 

Cha tôi nhìn bóng nắng xế chiều rưng rưng ngoài sân, cái nắng rất dễ làm người ta xúc động:

 

- Chị Tèo này. Anh chị mang được cái gì ở nhà này đi thì tùy. Ở phố không thiếu, nhưng chỉ vác cái thân ra khỏi nhà là tôi tủi lắm.

 

Vợ tôi nhìn chồng, hai mắt chờ đợi. Tôi hoang mang, nửa muốn ra đi nửa muốn ở lại. Không ngờ giây phút rời nhà lên phố lại nặng nề, khó nhọc thế.

 

Cha tôi có hai người con trai, tôi là út. Thời trước, nhà chỉ có hai đinh, kể như là hiếm. Đẻ anh cả một thời gian rất dài, sau mới sinh thêm tôi. Thoát cảnh độc đinh, cha tôi làm thịt con lợn bẩy chục cân đãi cả làng.

 

Cha mẹ tôi là người cả nghĩ hay lo. Bất cứ thứ gì ông bà cũng sắm hai: Hai cái nhà, hai cái xe đạp, hai cái mâm đồng, hai cái chày giã cua, hai cái thớt gỗ nghiến, hai đồng bạc trắng hoa xòe để đánh gió... Tất nhiên là để cho hai xuất đinh là anh cả và tôi. Anh cả tôi ra ở riêng từ lâu và anh đã được mang nửa số đó đi theo.

 

Bây giờ, nhà tôi ở Hà Nội mặt phố to đùng, bán đi có thể mua hết đất làng Yên Hạ, đồ dùng modern sang trọng chẳng thiếu thứ gì. Cha già mẹ héo chẳng biếu xén, nuôi dưỡng lại cuỗm đi thì còn ra cái giống gì.

 

Vợ tôi một mực chỉ xin đồng bạc trắng hoa xòe. Hóa ra, nàng cũng là dâu thảo, không tham. Mẹ tôi khóc sểu sớn, kể lể. Mới vài tuần trước cô con dâu còn cắp củm cất giữ đôi bát chiết yêu, lau chùi mâm đồng sáng choang, ngắm nghía thích thú quá; vậy mà nay nó dửng dưng.

 

Cứ như của để dành bà sắm ra con cái chẳng cần, thành đồ thừa; rồi sẽ đến lúc hai cái thân già này cũng thành đồ thừa nốt. Cứ như con cái đi ra phố là đi mãi, không có ngày về. Hóa ra, cái sự đi - ở nặng nề hay nhẹ nhàng là do tâm sự con người mà ra cả.

 

- Còn cái nón mê thủng chóp đậy vại cà kia; tôi cũng muốn anh chị mang đi theo.

 

Tôi cứ tưởng tai nghe nhầm. Cái nón mê thủng chóp! Chẳng đáng giá gì. Nón mê ở cái làng quê nghèo kiết này, nhà nào cũng có. Nó gắn liền với tuổi thơ tôi lam lũ đi tát múc, đi trâu bò..., lúc nào cũng đội trên đầu thòi cả tóc ra. Thói nhà bần hàn tham công tiếc của, tận dụng được là chẳng bao giờ chịu vứt.

 

- Anh Bần này. Chẳng biết anh có hiểu ý tôi không? - Cha tôi hỏi.

 

Đọc được sự khó chịu của vợ, tôi đánh mắt lườm và nhanh miệng:

 

- Vâng. Ý cha dạy thế là phải.

 

Rồi tôi rảo bước ra vại cà nhót lấy cái nón mê thủng chóp, lấy cái rổ úp thay vào...

 

Cái nón mê thủng chóp theo vợ chồng tôi ra phố. Hai thằng con tôi dửng dưng, thoát khỏi làng quê tù túng, chật hẹp, chúng đã có niềm vui thú riêng.

 

Dù vợ không muốn, tôi vẫn treo cái nón mê thủng chóp lên tường phòng khách ở tầng hai.

 

Căn phòng ấy được bạn tôi là họa sỹ mỹ thuật công nghiệp thiết kế lại nội thất, phối màu trần trắng, tường màu be sáng; treo cái nỏ săn cũ kỹ và duy nhất bức tranh chép Người đàn bà xa lạ của một họa sỹ Nga. Nay lại thêm cái nón mê thủng chóp cũ kỹ ngự cùng người đàn bà xa lạ quý phái.

 

Nhà mặt đường, vuông sân để xe, chậu cây cảnh. Tầng một cho Văn phòng địa ốc thuê hai mươi triệu đồng mà vẫn được thêm lời cảm ơn. Chi tiêu rủng roảng, nhưng vợ tôi vẫn đòi đi làm. Tôi cười cười, bảo:

 

- Tèo ơi! Một bước Tèo lên tiên rồi, cứ an hưởng thái bình cho bõ những ngày mò cua bắt ốc.

 

Nàng không giận:

 

- Phải giàu nữa. Em muốn làm cái gì cho gia đình mình giàu hơn nữa.

 

- Em chỉ quen việc đồng áng, biết làm cái gì ở đất này. Thôi, chịu khó chăm ba bố con anh.

 

- Cơm nước, dọn dẹp thì đã có con bé Ôsin rồi. Xem ti vi nhiều cũng... cha...án. Ngồi dũa, sơn móng chân và buôn dưa lê với mấy chị hàng phố cùng cảnh nhà quê mới chuyển lên phố mãi cũng nhạt.

 

Nàng làm bộ giận. Ngúng nguẩy ngồi thụp nhanh, cái mông như mỏ cối giã gạo dội xuống đi văng. Váy ngắn bị gió tốc lên thành cái nơm rồi lật vải lên để lộ cả hai cặp đùi to như cây chuối hột. Giọng vẫn khi dỗi:

 

- Bạn bè cũng chẳng có, ăn không ngồi rồi, chân tay bí bách lắm.

 

Tôi chữa bí bách chân tay cho vợ bằng cách gọi lắp đặt internet dịch vụ trọn gói. Thế giới truyền thông làm cho người ta khôn nhanh quá thể. Hướng dẫn vài buổi tối, nàng đã gõ bàn phím nhoay nhoáy, biết lang thang mê mải trong thế giới mạng.

 

Tôi đưa cha tôi lên phố chơi ít ngày. Thực ra ông không muốn, vạn bất đắc dĩ phải đi vì muốn xem con cháu ăn ở thế nào. Cũng là dịp báo hiếu, tôi dặn con bé Ôsin thực hiện nghiêm ngặt chế độ thực đơn chăm sóc ông.

 

Người già thường đi ngủ sớm và dậy sớm; cứ tám giờ tối ông đã lên giường và bốn giờ sáng tỉnh giấc. Nhưng đêm đầu tiên ở nhà con cháu, ông mất ngủ. Sáng hôm sau, ông uể oải:

 

- Tối qua mới chợp mắt một lúc, tiếng gì cứ huỳnh huỵch, bình bịch ở tầng trên dội xuống đầu làm tôi tỉnh giấc. Thế là thức đến sáng luôn.

 

Tôi chợt nhớ đến cái máy tập thể hình. Tối nào vợ tôi cũng mặc áo thể thao màu đỏ chót liền mảnh hở đùi hở nách hở vai, chạy bịch bịch trên đường băng tải cao su, rồi lắc mông, thụi eo, véo mặt... Chiến thuật hạ vòng eo mẹ sề từ 100 xuống vòng eo 60 của hoa hậu đang diễn ra quyết liệt.

 

- Cha không để ý cái máy tập thể hình ạ? Vợ con tối nào cũng tập. Tiếng động hơi to, nhưng vài bữa là cha quen. Để con bảo nhà con nhẹ nhàng...

 

Cha tôi không nói gì.

 

Hai thằng bé ăn sáng xong lễ phép chào ông rồi đi học bằng xe ô tô nhà trường đưa đón. Cha tôi chợt nhớ cái xe đạp:

 

- Cái xe tôi mua cho anh đi học ngày trước đâu rồi?

 

Tôi không biết nói với cha thế nào. Cái xe đạp Thống Nhất khung gióng ngang cọc cạch theo tôi từ thời trung học phổ thông. Nó cõng tôi ngày đông tháng hạ và chính nó biết tôi chữ nhiều hay ít, ngoan hiền hay nghịch ngợm suốt thời học trò.

 

Đến lượt vợ tôi cũng kẽo kẹt đạp xe đi chợ Bút, chợ Lồng bán rau mua muối. Mùa màng bận rộn ít dùng, để lâu lốp xẹp hơi, bụi phủ, sợ bọn trẻ nghịch làm đổ, cha tôi lấy dây chuối buộc neo chặt vào song cửa sổ.

 

Trúng quả cổ phiếu, tôi mua nhà, mua luôn con xe máy Dylan, cái xe đạp càng thành đồ thừa. Hôm chuyển nhà, thồ xong mấy thứ lặt vặt ra ô tô con đậu đầu làng, tôi cho phắt thằng bé hàng xóm, kèm theo thói lên mặt dạy đời: “Ông sắm cho chú đi học từ thời quần áo một bộ diện bốn mùa. Được như ngày nay là từ cái xe cà tàng này đấy...”.

 

Vợ tôi hóng chuyện, chen vào tông tốc kể chồng đem cho cái xe đạp cũ. Cha tôi thở dài bảo: “Đã xử thế, tôi còn biết nói thế nào nữa. Tôi cứ nghĩ anh chị giữ lấy làm kỷ niệm. Cả như tôi thì tôi cho thằng bé tiền để nó mua cái xe khác... “.

 

Vợ tôi vốn tính nhanh nhảu, nghĩ gì nói nấy: “Loáng một cái, nhà con mua con xe máy hơn trăm triệu đồng bằng cả đàn trâu của làng ta; con tính chẳng cho cái xe đạp cà tàng đi thì để làm gì? Chật nhà!”.

 

Cha tôi tím bầm mặt. Ông bước ra ngoài lan can, lặng lẽ hút thuốc lào. Tôi vội kéo vợ vào trong phòng, trừng mắt lườm: Sao cô ăn nói đoảng thế?

 

Bạn bè tôi đến chơi.

 

Tất nhiên, cái nón mê thủng chóp gây ngạc nhiên đầu tiên cho khách. Nó không được yên thân với đám bạn tôi luôn coi trời bằng vung, lắm chữ nghĩa lại phũ miệng: Thời gian của người... Tân cổ giao duyên... Uống nước nhớ nguồn... Hồn quê... Hoài niệm... Đi tìm ký ức...v.v và v.v... Chúng bạn ra sức đặt tên bình phẩm cái nón mê thủng chóp; cứ như nó đã là tác phẩm nghệ thuật phi phàm có sức chinh phục ghê gớm.

 

Không biết cha tôi nghe rõ hay loáng thoáng mà không thấy tỏ thái độ gì. Tôi bảo: Cha đừng để ý. Cái bọn văn nghệ sĩ bạn con độc miệng lắm. Cha tôi vẫn lặng im. Hay là ông không thèm chấp.

 

Tiễn khách xong, vợ tôi mặc váy ngủ mỏng tang, co một chân lên ghế, nhẩn nha cắt từng khoanh dưa chuột đắp vào mặt dưỡng da. Mỗi lần mất ba mươi phút, nàng nằm ườn trên đi văng với tay vặn to núm điều khiển âm thanh.

 

Cái âm li Nhật kỹ thuật số nhẫn nại tua đi tua lại bài hát Chuyện tình Lan và Điệp não nề buồn héo hắt. Chân nàng bắt chéo gác lên tay ngai ghế. Hai gót chân vẫn còn vết nứt nẻ; ở quê thì bảo do váng phèn chứ ở phố ăn trắng mặc trơn mà sao nó lâu khỏi thế.

 

Vợ tôi thích diện váy ngủ màu hồng, xức nước hoa hiệu Chanel... Cũng do vài cô bạn hàng phố mới quen bày cho chứ nạ dòng nhà quê ra phố, biết gì.

 

- Cái đám bạn anh ngộ chữ, một tấc đến giời. Chỉ được cái giỏi tán nhăng tán cuội.

 

Vợ tôi nói, những miếng dưa chuột trên má cũng rung theo, rất tức cười.

 

- Em nói thế là nghĩa làm sao, hả?

 

- Nghĩa là cái nón mê chỉ là nón mê. Nó giống như rế rách chổi cùn. Cô hàng phố sang chơi nhìn cái nón mê, cười chảy nước mắt ra. Em phát ngượng.

 

Tôi lặng người. Yết hầu trồi lên, tức nghẹn cổ. Mở toang tủ lạnh, chỉ chưa đến mức chui vào trong, tôi tu ừng ực hết sạch chai nước khoáng Lavie nửa lít.

 

Cha tôi gọi tôi đến phòng ông đang ở:

 

- Tại anh không biết dạy vợ ngay từ ngày mới rời nhà ra phố. Bảo nó làm gì thì làm chỗ khuất. Hai thằng con trai lớn rồi. Nhìn chướng lắm.

 

Tôi ừ hữ cho qua chuyện. Tôi chưa bao giờ định sống suốt đời nơi phố phường. Cái khó bó cái khôn, lấy tiền đâu mua nhà, rồi vợ con làm gì để sống ở cái nơi phồn hoa đầy khắc nghiệt.

 

Thành phố không chứa tôi, chỉ là nơi tôi ở tạm để rồi khi về hưu sẽ vui cảnh ao cá vườn rau. Vậy mà, nhà cửa to đẹp như trên trời rơi xuống. Tự nhiên nảy nòi ra một con vợ mà đến chồng cũng không nhận ra. Tôi đã làm cho cha nhọc lòng.

 

Cha tôi phàn nàn hai thằng cháu ít trò chuyện với ông. Ngày trước còn ở nhà ông cháu chơi đùa, thằng bé túm râu ông giật giật, ông quỳ gối làm trâu cho thằng lớn cưỡi; ông cháu cười tít mắt. Bây giờ, chúng như người dưng nước lã. Đi học về chào ông lấy lệ rồi thằng nào tót vào phòng thằng ấy. Chán mớ đời!

 

Tôi giải thích: Bài vở các cháu học ngập trời; khoác túi đựng sách giáo khoa còng lưng như khoác ba lô thời chiến trận. Với lại chúng mải vào mạng internet thôi, chứ không phải hững hờ ít tình cảm với ông. Dường như còn rất nhiều điều uất ức chưa có dịp nói ra, cha tôi cáu:

 

- Cái bản mặt anh công chức quèn khó đổi thay, nhàn nhạt, đều đều như kim giây đồng hồ chạy. Đếch biết cái gì ngoài cái thân anh. Anh có biết thằng Giám đốc Văn phòng Địa ốc hay chạy xe máy chở vợ anh ra khỏi nhà không?

 

Tôi lại giải thích:

 

- Vợ con muốn làm ăn. Đang bàn đặt sổ đỏ cái nhà này vào ngân hàng vay tiền đánh quả nhà chia lô. Chắc đi với nhau để xem đất cát, nhà cửa.

 

- Nói như anh, tôi nói làm đếch gì. Chúng nó về đến sân này còn tranh nhau hơn thua, ai nhẩy đẹp hơn ai. Tôi còn nhìn thấy cả vết son môi trên mặt trên gáy thằng kia; của vợ anh hay của con nào? Mà con vợ anh vừa thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, mò cua bắt ốc thì biết gì để buôn bán địa ốc ở cái nơi lạ nước lạ cái này cơ chứ?

 

- Xin cha đừng nóng. Để từ từ con liệu.

 

- Từ từ thì con vợ anh sẽ biến thành con gì? Anh có biết từ Hán - Việt suy đồi nghĩa là gì không? Là tình trạng suy tàn và hư hỏng đến mức tồi tệ về phẩm chất đạo đức, tinh thần. Con vợ anh nó suy đồi rồi.

 

Suy đồi! Tôi chết lặng người. Cha gay gắt kết tội và dành cho vợ tôi lời lẽ nặng nề quá. Tèo không thể như thế. Con người ta có thể đánh mất mình, nhưng không thể nhanh như vậy. Nếu có chăng, vợ tôi đang có xu hướng tha hóa mà thôi.

 

Tôi xin phép cha đi nằm. Vật mình xuống giường, ngực dềnh lên từng đợt sóng, đợt sóng nào cũng đau. Bao nhiêu tiếng ong ong trong tai.

 

Vợ tôi vừa đi ra ngoài về. Dường như không biết chồng đang khó ở, nàng kêu nóng bức, tụt cởi hết sạch không còn mảnh vải, thỗn thện chạy vào phòng gạt vòi nước hoa sen chảy xoe xóe.

 

Tôi đẩy cửa phòng tắm, lao vào giơ tay tát cho một cái; nhưng chưa kịp thì nàng đã cầm vòi hoa sen xịt xối xả nước vào mặt tôi; hệt như những lần hai vợ chồng đùa nghịch lúc tắm chung. Nước lạnh làm tôi hạ hỏa. Còn nàng cười nghiêng ngả tấm thân trần; đôi vú to gần bằng cái ấm tích vật bên này rồi lại vật sang bên kia.

 

Cha tôi bỏ về quê.

 

Tình đầu là con mèo hoang ở đâu đó tha về nhà tôi một hĩm, hai cu mèo con. Chúng bé tí hin, mũi xinh xinh phớt hồng, móng chân trắng nhỏ xíu như lộc xoan mới nhú đầu xuân, lông màu đen tuyền rất đáng yêu.

 

Thằng con bé bắc ghế đứng lên, với tay hạ cái nón mê xuống. Con bé Ôsin lấy nắm giẻ lau bàn khô phủ lên chỗ chóp nón thủng lót thành cái ổ cho ba con mèo nằm đặt ở gầm cầu thang. Ngày ngày, hai đứa bớt phần cơm và đầu cá len lén giấu mọi người đem nuôi mèo.

 

Bỗng vợ tôi nhận ra mùi cứt mèo, đi lục lọi tìm. Nàng nhăn mũi: “Mèo đến nhà là khó, chó đến nhà là may”. Rồi nàng tru tréo: “Con Ôsin đâu, cứt mèo chua lòm mà mày ngửi được à? Dọn mau”. Con bé dạ vâng rối rít.

 

Nàng càng giận dữ, bốc hỏa mắt khi nhìn thấy cái quần xilip viền đăng ten, thêu bông hoa hồng của mình đang lót ổ lũ mèo hoang. Nàng không nhận ra cái xilip ấy đã ngả màu cháo lòng, ố màu nước chè.

 

Thưa bạn đọc! Viết đến đây, tôi cần phải thanh minh ngay cho con bé Ôsin tội nghiệp vì cái tính cố hữu tận dụng triệt để, nhưng hay quên của người vợ.

 

Nàng thải quần áo cũ ra, rất thích cầm kéo cắt các dây dợ lằng nhằng của cái cooc xê - từ thuần Việt là nịt vú; lấy nguyên hai mảnh trần mút cong như núi đôi để làm cái lót tay bưng nồi xoong khi nấu nướng.

 

Xilip thải ra còn gọi là quần lót, nàng cuộn lại làm giẻ lau bàn. Con bé Ôsin cùng giới chả sao; nhưng để chồng, hai thằng con trai, và bố chồng phải lót tay bưng nồi và lau bàn bằng những cái khỉ gió ấy, khó coi lắm; khách đến chơi nhìn thấy càng ngượng. Tôi nhặt ném vào thùng rác mấy lần rồi. Vài ngày sau, đã thấy Tèo lấy cái khác hoặc moi trong thùng rác ra dùng lại.

 

Không thể cắt nghĩa được chuyện này. Có thể thông cảm với vợ; nhưng việc nàng quát tháo tống ngay lũ mèo đen ra khỏi nhà thì rất đáng giận.

 

Ở quê chả sống quây quần với chó mèo, mùa rét con mèo mướp còn chui vào trong chăn ngủ cùng ấy chứ. Vậy mà, nàng ca thán cái nhà đẹp đẽ, sang trọng, quý phái mà lại thèm chứa đồ mèo đen hôi hám, chua lòm.

 

Xả hết cơn bực tức, nàng xồng xộc xuống sân. Chỉ một lát, tiếng xe máy rồ lên gắt gỏng.

 

Cha tôi biết chuyện. Ông thở dài ngao ngán. Ông ngăn bọn trẻ đừng vứt mèo đi, rồi vào phòng thu xếp quần áo. Ông bảo các cháu chịu khó học hành, ngoan ngoãn; ông phải về, ông về kẻo bà mong.

 

Một tay giữ túi khoác vai, một tay ông ôm nón mê thủng chóp đựng ba con mèo bé tí hin, đi ra khỏi cổng. Hai thằng cháu trai và con bé Ôsin ngỡ ngàng không kịp nghĩ giữ ông lại. Chúng nó đứng lặng nhìn ông đi ra bến ô tô cho đến lúc bóng ông khuất hẳn ở cuối phố.

 

Tôi về nhà, cha tôi đã đi khỏi từ lâu. Mở tủ rượu, dốc chai tu một hơi, tôi bỏ lên phòng nằm bẹp... Tôi không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Tôi buồn chán. Tôi cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình.

 

Cái nón mê thủng chóp là năm tháng tuổi thơ của tôi. Làng tôi nghèo, dường như nhà nào cũng nén vại cà. Cơm thì bữa nguyên bữa độn, lúc cháo lúc rau và cà thì nén quanh năm. Cà vào bữa đực bữa cái tháng ba ngày tám, cà lên mâm cỗ Tết, cà ra ngoài đồng với thợ cày thợ cấy.

 

Nhà quê thiếu thốn đủ thứ, đến cái vung, cái nẹp đậy vại cà cũng hiếm. Cái nón nắng mưa dãi dầu trên đầu mẹ tôi, đến lúc bẹp mê rồi, và thủng chóp đút nắm tay luồn qua được mà cũng không bị vứt đi. Phần cuối đời nón vẫn còn có ích làm bóng râm che mát vại cà.

 

Cha tôi bắt con mang nón mê thủng chóp lên thành phố là có lý của người cha. Nhưng tôi chưa kịp nói cho vợ con biết sự có mặt của nó rất cần thiết trong căn nhà mới này. Bây giờ, cái nón mê thủng chóp lại về đúng nơi nó ra đi rồi. /.

 

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 4097
Ngày đăng: 02.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lấy vợ xấu - Vũ Trọng Phụng
Lặng lẽ Sapa - Nguyễn Thành Long
Khách đến Nha Trang - Hoàng Minh Tường
Nằm vạ - Bùi Hiển
Con Sáo Của Em Tôi - Duyên Anh
Con Thú Tật Nguyền - Ngụy Ngữ
Xóm chuồng ngựa - Nguyễn Đức Sơn
Ðôi Bạn Mắc Hoa Vông - Bình Nguyên Lộc
Em và anh và... - Nhã Anh
Giấc mơ có khuôn mặt đàn ông - Tuyết Mai