Trả lời Báo điện tử Vietnamnet ngày 29/12/2008 về vấn đề biển Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO hy vọng, vấn đề sẽ được giải quyết trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau:
Trả lời câu hỏi của VNN: “Trong năm qua, Việt Nam cũng tích cực tiếp tục đàm phán với Trung Quốc vấn đề phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?”
Ông Ngô Quang Xuân đáp: “ Thực tế, hai nước đã giải quyết được biên giới trong Vịnh Bắc Bộ. Bây giờ là vấn đề Biển Đông. Nhưng đây không chỉ là vấn đề giữa Việt Nam với Trung Quốc mà còn giữa nhiều nước ASEAN khác với Trung Quốc. Ngay cả ở Thái Bình Dương thì giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với Hàn Quốc vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Theo quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có cơ sở chủ quyền nhưng diễn biến lịch sử xảy ra có những cái trở thành tranh chấp, đòi hỏi thời gian mới giải quyết được (chúng tôi nhấn mạnh).
Thực tế, Việt Nam và Trung Quốc đã có những thảo luận tích cực nhằm tìm ra những biện pháp. Giữa hai nước đã có những hợp tác nhất định để dần dần giải quyết vấn đề, trong đó có tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau...
Những hợp tác như trên, nếu là tranh chấp chủ quyền quyết liệt thì không có. Hy vọng với thời gian, vấn đề cũng dần dần được giải quyết trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để có giải pháp mà các bên đều chấp nhận được” (chúng tôi nhấn mạnh).
Cần nhắc lại, trong cuộc họp báo chiều nay ngày 24 tháng 1 năm 2008 (sau sự kiện Tam Sa) người phát ngôn bộ ngoại giao Khương Du trả lời báo chí:
“Hỏi: Hôm qua ủy viên Quốc Vụ viện Đường Gia Triền hội kiến Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm, liệu vấn đề Nam Hải (Biển Đông) có thu được đột phá không?
Trả lời: Như bạn đã biết, ngày 23 tháng 1 Hội nghị ủy viên chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2 khai mạc tại Bắc Kinh. Chủ tịch hội nghị phía Trung Quốc là ủy viên Quốc Vụ viện Đường Gia Triền cùng với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm làm chủ tịch chủ trì hội nghị. Hai bên tán thành thúc đẩy mối quan hệ về chiều sâu, trao đổi những ý kiến và cùng đạt được những nhận thức quan trọng. Hai bên thỏa thuận xử lý các tranh chấp ở Nam Hải và các vấn đề khác trong quan hệ hai nước. Duy trì và đảm bảo quan hệ hai nước theo quỹ đạo tốt, ổn định và phát triển.
Đối với vấn đề Nam Hải chúng tôi có lập trường nhất quán. Trung Quốc đối với các đảo ở Nam Hải và vùng biển phụ cận có chủ quyền không thể tranh cãi. Lãnh đạo hai bên Trung-Việt nhiều lần trao đổi ý kiến, và nhất trí thông qua đàm phán giải quyết những tranh chấp trên biển, duy trì Nam Hải hòa bình và ổn định cùng với đại cục quan hệ Trung -Việt”(1)
Bốn tháng sau ngày ông Ngô Quang Xuân phát biểu, ngày 28/4/2009, Bà Khương Du trả lời nhà báo về việc Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa.
“Theo tin Tân Hoa Xã: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du ngày 28 khi trả lời nhà báo về việc Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] cùng vùng biển xung quanh.
Bà Khương Du nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”(2)
Ngay sau đó, chiều ngày 28/4/2009, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài liên quan đến việc Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:
“Quan điểm của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này. Việc bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và là việc làm bình thường, được tiến hành từ nhiều năm qua”.
Có một điều đáng ngạc nhiên là ông Lê Dũng không có một lời nào phản bác lại tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc?
Chúng ta biết rằng trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý mà nhà nước Việt Nam cũng như rất nhiều nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta thấy rằng vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam đối với Trung Quốc khác hẳn về bản chất so với tranh chấp giữa Malaysia và Singapore đối với đảo Pedra Branca và dải Middle Rocks trong suốt 28 năm.
Khi người Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của Alfonso de Albuquerque đã đến chinh phục Malacca đầu tiên và đặt ách thực dân suốt 130 năm (từ năm 1511). Liền sau đó, người Hà Lan thế chân thống trị mảnh đất này 154 năm. Từ năm 1824 cho đến khi Malaysia giành quyền độc lập (năm 1957) đây là thuộc địa của Anh, đấy là chưa kể 3 năm chiếm đóng của Nhật Bản trong cuộc chiến thanh thế giới lần thứ 2, cả hai Malaysia và Singapore đều nằm trên bán đảo Malaya và chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất. Do đó, khi giải quyết tranh chấp đảo Pedra Branca và dải Middle Rocks, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 22/5/2008 đã chọn giải pháp hai bên cùng chấp nhận được (đảo Pedra Branca theo tiếng Tây Ban Nha hay Pulau Batu Puteh theo tiếng Malaysia có diện tích 2.000m2 vốn thuộc bang Johor, Malaysia. Năm 1847, người Anh cho xây hải đăng trên hòn đảo này và chuyển giao cho Singapore, lúc bấy giờ là thuộc địa của Anh theo hiệp ước Anh - Hà Lan năm 1824. Về địa lý, đảo này cách Johor 7,7 hải lý và cách Singapore 25 hải lý, không nằm trong phạm vi vùng biển có bán kính 10 hải lý mà Singapore được sở hữu theo Hiệp ước 1824. Hiện nay, trên đảo còn có những công trình khác của Singapore như nhà máy lọc nước biển, trạm điều khiển hàng hải. Trong vòng gần 150 năm, đảo này không thuộc chủ quyền nước nào, phía Malaysia cũng "không có ý kiến" gì về việc Singapore quản lý các công trình trên đảo.Tranh chấp bắt đầu vào năm 1979 khi Malaysia xuất bản 2 tấm bản đồ quốc gia, trong đó bao gồm cả đảo này. Singapore phản đối. Năm 2003, hai bên nhất trí đưa vụ tranh chấp lên ICJ. Phiên tòa chính thức đã được mở hồi đầu tháng 11.2007.Tại phiên tòa cuối cùng ngày 22/5/2008, với 12/16 phiếu thuận, Pedra Banca đã thuộc về Singapore. Trong khi đó, với 15/16 phiếu thuận, dải Middle Rocks được trao cho Malaysia. Còn dải South Ledge sẽ thuộc nước nào có hải phận bao gồm hòn đảo này. Hai bên nhất trí tuân thủ phán quyết của ICJ).
Chúng ta nên biết rằng công thức giải quyết tranh chấp biển Đông của Trung Quốc là nhất quán: “Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh thì chúng ta bàn lại”. Chính vì vậy trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có khái niệm “bình đẳng” và “tôn trọng lẫn nhau” có giải pháp mà các bên đều chấp nhận được” mà chỉ có “Thắng-Thua”, “Được-Mất”.
Tóm lại, theo chúng tôi, với cương vị của ông Ngô Quang Xuân thì đây là câu trả lời như đã nêu trên là ảo tưởng, thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm với lịch sử và dân tộc Việt Nam, cũng như cách trả lời của ông Lê Dũng, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 28/4/2009 là không thể chấp nhận được./.
CHÚ THÍCH:
(1) Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngáy 24/1/2008:
(2) Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) ngáy 28/4/2009.