Điều tôi muốn nói trước tiên, có lẽ - là cái tên của ông Ba Phải. Ông tên “Ba Phải” vì theo thứ tự trong gia đình, ông là người con thứ ba. Tên trong khai sinh là Lê Văn Phải. Người ta thường nói gọn là “Ba Phải”.
Nếu hiểu theo nghĩa “ba phải” là ai nói gì cũng gật đầu “phải, phải, phải’ – ba lần (hay nhiều lần) cho yên thân thì hoàn toàn sai với bản tính con người của ông ! Một sự lầm lẫn rất lớn về tên gọi ! Ở con người của Ba Phải thì ngược lại. Hoàn toàn trái ngược một trăm phần trăm như đen với trắng – nước với lửa ! . Nghĩa là không bao giờ ông chịu nghe ai, không gật đầu với ai – và chỉ làm theo ý mình.
Người đầu tiên biết rõ cá tính của ông là bà Liễn – vợ ông. Về làm vợ ông đã bao năm rồi, tính con đã năm đứa (ba gái, hai trai) nhưng hiếm khi ông gật đầu với bà lần nào ! Điều này làm bà đành cam chịu buồn khổ, riết rồi quen – rồi biến thành một cái bóng lặng lẽ bên đời ông tự bao giờ…
Người ta ít khi thấy bà Liễn đi đâu xa – thăm bà con, hay bạn bè, xóm giềng. Và bà con, bạn bè, chòm xóm của bà cũng chẳng có ai lui tới. Bà về làm vợ ông, chui vào nhà ông – như cắt đứt mọi liên hệ gia đình, bà con thân thuộc, bạn bè cũ. Dường như bà Liễn chẳng còn nhớ gì đến dĩ vãng, đến kỷ niệm của một thời con gái tuổi trẻ hồn nhiên, thơ mộng? Nếu có còn nhớ chăng, thì chỉ ẩn hiện trong khoảnh khắt lặng im ray rức một mình.
Hằng ngày, ông Ba Phải “phát tiền” cho bà đi chợ. Dặn mua món gì, bao nhiêu – tùy theo ông quyết định. Số tiền còn thừa, bà Liễn đưa lại cho ông ngay sau khi đi chợ về- dầu chỉ những đồng tiền lẻ ! Nếu có khi nào bà thử đề nghị ông mua thêm món này, sắm thêm cái nọ - ông lập tức nhăn mặt : “xì xì… như vậy được rồi !” – rồi quày quả bỏ đi một mạch.
Có một lần bà Liễn thử nhắc:
- Ngày mai là đến ngày giỗ Mẹ, sao ông không nhớ à ?
Ông Ba Phải nhăm mặt – khuôn mặt thon dài thêm rắn rỏi, nhăn nhúm : “Xì xì … như vậy được rồi, cúng giỗ làm gì cho thêm chuyện ?”.
Đã quày quả quay đi – ông chợt ngóai lại – cao giọng: “Bà nên nhớ rõ, chủ trương của tôi là “ba không” : không cúng giỗ, không cho ai mượn tiền, không đi chơi với ai!”. Đó là “bài học” đầu tiên mà bà Liễn được biết khi về sống chung với ông !
Tuy không bao giờ cúng giỗ ông bà, cha mẹ - nhưng giữa nhà ông được thiết bày một bàn thờ sang trọng : Cặp lư đồng đen to tướng, bát hương sành cổ Trung Quốc, cặp lọ hoa cao cổ men xanh, cặp liễn đối cẩn xà cừ sáng bóng, chiếc bàn cổ khắc chạm tứ linh có từ thời chúa Nguyễn… Hai bên bàn thờ là hai chiếc tủ gỗ hương sắp đầy những quý vật cổ như bình rượu, bình trà, chén dĩa, lọ hoa, lư trầm, tượng Phật, tứ linh, đũa ngà… Những món đồ quý hiếm ấy do từ đời ông bà cha mẹ ông lưu lại cũng có – mà do nghề “Cầm Đồ” của ông thu vào dần dần cũng có. Khánh lâm vào cảnh túng bần, hay bị ốm đau lâu ngày- đem đồ gia bảo đi “cầm thế” cho ông , mong nhận được ít tiền qua cơn ngặt nghèo. Hết hạn cầm thế mà vẫn chưa có tiền chuộc lại, đành phải bán đứt cho ông với giá bèo ! Khách bấm bụng mà nhận tiền, chỉ kịp liếc nhìn lần cuối món gia bảo mấy đời đang nằm lặng lẽ trong tủ ông!
Ông Ba Phải săm soi, ngắm nghía những món đồ cổ với lòng tự hào căng cứng. Ông mê đồ cổ như một cách mê vàng bạc hơn là mê cái đẹp của nghệ thuật, bởi vì – người ta chỉ nghe ông Ba Phải khoe “món này mấy lượng vàng, món kia cả trăm triệu” chứ chưa hề nghe ông nói tới “cái đẹp” nào khác! Từng món đồ cổ chứa đầy trong hai chiếc tủ gỗ hương lớn (và trên các ngăn gỗ dọc vách tường phòng khách) như hiện rõ lòng tham và lòng tự mãn ngày càng nhiều của ông! Và ông Ba Phải trân quý chúng còn hơn cả vợ con – bởi chưa ai nghe ông nhắc nhở đến vợ con dù chỉ là một lời giới thiệu ngắn ngủi – trong lúc ông có thể nói cả buổi về chúng…
Trong chủ trương “ba không” của ông Ba Phải, bà Liễn không bằng lòng hết hai điều: không cúng giỗ, không cho ai mượn tiền. Từ lúc nghe ông cao giọng nói đến “chủ trương ba không” – bà Liễn cảm thấy ông hoàn toàn khác với sự tưởng nghĩ ban đầu khi vừa chân ướt chân ráo bước vào gia đình ông. Một con người không có chút tưởng nhớ gì đến ông bà, cha mẹ - thì liệu có tưởng nghĩ tới ai không? Thời con gái, bà đã yêu trộm nhớ thầm ông giáo làng trên xóm Đình – hai người cũng có thư qua lại đôi lần – thì ông Ba Phải xuất hiện. Cuộc tình thầm kín đành khép lại, vì cha mẹ bà đều nghĩ đến sự giàu có tiếng tăm của gia đình Ba Phải – mong cho con sẽ được sung sướng hơn người. Có ai học được chữ “ngờ” luôn luôn rình rập quanh đời để xô ta vào nơi bất hạnh, khốn cùng? Thân gái mười hai bến nước, bà Liễn đã bị trôi dạt vào bến nước khô cạn ngầu đục như một định số khắc nghiệt.
Cái “không” thứ hai, điều này quả thật đau lòng – mà người đầu tiên ngậm đắng nuốt cay là bà Liễn. Cậu em bà đến báo tin mẹ đau nặng, đang cấp cứu ở bệnh viện – nhờ bà hỏi vay ông Ba Phải một trăm ngàn nộp viện phí và lo thuốc thang ban đầu – bà Liễn đáp lơ lửng: “Em thử hỏi ổng coi – chị không có lấy một xu dính túi mà!”.
-Tình nghĩa vợ chồng, chị nói giúp em – cậu em tha thiết đề nghị.
-Tình nghĩa gì đâu ? Giọng bà lạt hẳn, chị chưa bao giờ…
Bà bỏ lửng câu nói rồi sụt sùi khóc. “Tình nghĩa gì đâu, chị chưa bao giờ cảm thấy điều ấy” – Có lẽ đây là lần đầu tiên bà Liễn biểu lộ tình cảm của mình trước người khác. Cái khổ đau ẩn chứa thầm lặng bấy lâu đè nặng lên tâm hồn bà – khiến tiếng khóc cứ nấc lên, nấc lên từng chặp, nghẹn ngào! Tiếng khóc ấm ức ấy dường như đã làm cho cậu em lâu ngày gặp chị hiểu rõ hơn cảnh đời hiu hắt của chị từ ngày xa nhau…
Cậu em thờ thẫn rời chị, đi dần lên gian phòng khách…
Ông Ba Phải đang say sưa đọc lại một đoạn văn của Trần Trọng Kim mà ông đã học thuộc không biết từ bao giờ - phát ra như một cái máy thu thanh cũ: “Khổng Phu Tử ngắm cảnh tượng của tạo hóa mà xét việc cổ kim; đạt được cái lẽ biến hóa của trời đất. Ngài muốn người ta theo cái đạo ấy mà hành động, khiến cho nhân sự và thiên lý cùng thích hợp với nhau theo đạo thái hòa trong vũ trụ. Ngài tin rằng người ta sinh ra đã bẩm thụ cái lý khí của trời đất…”.
Người bạn ngồi đối diện ông, đôi mắt mở to, chăm chú nghe ông như một nhà hiền triết… Giọng ông Ba Phải lên cao, xuống thấp từng đoạn; hai tay huơ lên trước mặt – thay đổi thế ngồi liên tục nhấp nhổm như đang ngồi trên lửa : “… Ngài tin rằng, người ta sinh ra đã bẩm thụ cái lý khí của trời đất, tất là cùng với trời đất có thể tương cảm tương ứng với nhau được…”. Có những đoạn văn dài, ông đọc liền hơi – có khi mười lăm, hai mươi phút ; khách ngồi cứ trơ ra như tượng không thể làm gì khác!
Ngoài cái “mê đồ cổ” ông Ba Phải còn có cái “mê văn chương chữ nghĩa” nữa. Khách đến nhà, dù thân hay sơ – có việc hay nhàn rỗi – ông Ba Phải sau khi trầm trồ giới thiệu từng món đồ cổ, là đọc văn thơ cho khách nghe. Có vài ông bạn nối khố công tử lỡ vận thất nghiệp ngày nào cũng đến ngồi ở chiếc ghế salon nơi phòng khách để được uống trà – dù phải nghe ông đọc đi đọc lại mấy đoạn thơ Kiều, Chinh Phụ Ngâm hay các đoạn văn nghị luận của Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Phan Khôi… đến lần thứ bao nhiêu cũng gật gù tán thưởng. Cái “mê văn thơ triết lý” của ông Ba Phải nó cũng giống cái “mê đồ cổ” vậy: Một đằng thì khoe giàu sang, một đằng thì khoe kiến thức. Chữ “Phú” sinh chữ “Quí” – thói thường người ta ưa chuộng hai chữ ấy để mưu cầu sự trọng vọng, nể nang! Nhưng “Phú, Quí” để mà làm gì khi chính họ đã trở thành một cỗ máy hoen rỉ hay một cái kho chứa mục nát ?
Trong nhà ông Ba Phải có đủ mọi thứ, nhưng không sử dụng bao giờ. Chiếc xe Honda được đắp mền ở góc phòng. Chiếc tủ lạnh mới còn bao lớp nylon . Chiếc máy khâu Singer không ai dám mở tấm vải che ra dầu vợ và hai cô con gái của ông phải tẩn mẫn cặm cụi may vá bằng tay. Chỉ có chiếc Tivi là thỉnh thoảng được ông bật lên để xem tin tức thời sự hay hát bội vào tối thứ bảy.
Có một vật mà ông Ba Phải không bao giờ rời nó một giây – đó là xâu chìa khóa to tướng luôn luôn rổn rẻng ở trong tay ông hay nằm im trong túi áo Pyjamas … Đó là vật “bất ly thân” của ông – nó như một bộ phận của cơ thể ông vậy. Vợ và các con ông chưa bao giờ được đặt tay vào xâu chìa khóa này. Hai cậu con trai lang bạt lập nghiệp lây lất ở Saigon lúc kẹt tiền, túng bấn, trở về nhà lăm le nhìn xâu chìa khóa trên tay ông mà ngậm ngùi.
Có một lần ông bị đau dạ dày, xuất huyết trong, phải chở đi bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu, nhưng xâu chìa khóa vẫn được cột ở cổ tay ông. Cậu con trai giữa được báo tin, từ Saigon bay về - dùng các chìa khóa cùng loại cạy mở tủ nữ trang, vàng, đá quý… Rủi thay tủ không mở được, mà chìa lại gãy nằm im lìm trong ổ. Gọi thợ khóa đến lấy giúp chìa ra không xong, vì theo lời người thợ, chìa bị cong vẹo trước khi gãy. Cậu con đành vội vã bỏ đi trước ngày ông xuất viện … Ông Ba Phải được trở về nhà, kiểm tra các tủ khóa, phát hiện được chìa gãy – đã nhảy cẩng lên la hét bà Liễn và ba cô con gái như nhà cháy! Khi biết rõ cậu con trai là thủ phạm – ông gầm gừ : “Quân khốn nạn, tao viết giấy từ mày ngay giờ phút này!”.
Thực ra, dù không có giấy tờ - ông Ba Phải đã “từ bỏ” hai người con trai từ nhiều năm nay rồi!. Hình như ông không hề nghĩ là ông đã có con từ lúc chúng còn nhỏ?. Ông không ngó ngàng gì tới vợ con, gia đình của hai người con là giọt máu của mình đang khốn đốn với nghề may vá, và lính thú rày đây mai đó khắp bốn vùng… Đến cái đám cưới cho con, ông vẫn im lặng vì sợ tốn kém thì có gì mà ông để mắt tới ngoài những món đồ cổ ? Cả hai cậu con trai đều tự mình tìm vợ, chung sống, sinh con – như kẻ mồ côi lang bạt ! Nhờ gia đình phía vợ thương, đùm bọc – nhưng có gia đình khá giả hiểu biết nào chịu gả bán con gái mà không có được một cái lễ nào – ngay việc thấy mặt ông bà sui cũng không; ngoài các gia đình nghèo khổ nặng lòng cưu mang thương xót?
Bà Liễn chết năm bà sáu mươi tám tuổi. Đám chết của bà lặng lẽ như bà đã lặng lẽ có mặt trên cõi đời này sáu mươi tám năm. Có người nói bà Liễn chết vì suy nhược, kiệt sức- chứ không phải bệnh viêm gan. Đến ngày bà chỉ còn nằm bất động thoi thóp thở từng hơi nặng nhọc – ông Ba Phải mới cho gọi y tá đến truyền cho bà một bình sérium với vài loại thuốc bổ rẻ tiền ! Bình thuốc mới vào cơ thể khô đét của bà chỉ một phần ba – thì bà đã tắt thở. Cây đã khô tận gốc rễ, một vài gáo nước thì có thể hy vọng được gì?.
Hai người con trai lớn của bà dắt díu vợ con về thăm tiễn bà khi bà đã nằm im lìm trong quan tài hai ngày. Bà không thấy được mặt mũi mấy đứa cháu nội; và chúng cũng không hề được nhìn một lần người bà thân yêu – ngoài tấm di ảnh chưng ở bàn thờ … Qua ngày cúng giáp tuần, hai người con trai lại lần lượt lặng lẽ dìu dắt vợ con ra đi !
Sau ngày bà Liễn mất một năm, ông Ba Phải phải nhập viện vì chứng loét dạ dày tái phát. Lần này, các bác sĩ đều lắc đầu – bảo mang ông về, cho ăn uống, rồi chờ ngày ra đi mà thôi! Bệnh ung thư dạ dày của ông đã vào giai đoạn cuối rồi dầu có cắt bỏ hai phần ba, cũng không kéo dài thêm bao nhiêu.
Về nằm ở nhà, vài tuần sau, ông lại bị chứng parkinson – tay chân run rẩy , lập cập – không nắm cầm vật gì chắc chắn được.
Rồi tiếp theo là giọng nói của ông khàn đục, hụt hẫng – nói không thành câu nữa. Ông nằm dán trên chiếc giường hộp rộng – hằng ngày được hai cô con gái lớn thay nhau đổ cháo, sữa, hay nước sâm vào miệng từng muỗng nhỏ…
Hai cậu con trai phiêu bạt được em gái báo tin, đã trở về kịp gặp lại ông một ngày – trước khi ông không còn thở được nữa ! Ông Ba Phải đã nằm im lìm, bất động, lạnh lẽo như những món đồ cổ quanh ông.
Việc đầu tiên của năm anh em con ông Ba Phải là phải gắng tìm cho được xâu chìa khóa mà ông đã cất dấu ở nơi nào từ ngày ông ở bệnh viện trở về…/.