Tháng ba quê tôi trời nóng bức chẳng khác gì mùa hạ, những ngọn gió Tây Nam hầm hập mang hơi lửa '' Đặc sản của dải đất Miền Trung '' về sớm hơn mọi năm, vít những hàng cây ven đường cúi rạp mình oằn oại. Xe chúng tôi rượt đuổi theo từng đợt gió ào ạt ấy, rong ruổi dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại rồi băng qua những cánh rừng cao su xanh ngát hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Đến nghĩa trang đã hơn 10 giờ sáng, sau khi thắp hương ở đài tưởng niệm, mọi người chia nhau tỏa đi các khu mộ, tôi cũng ôm mấy ốp hương đi dọc theo sườn đồi cùng anh quản trang đến khu mộ của các chiến sĩ vô danh.
Sau khi thắp hương cho các ngôi mộ, đến lượt ngôi mộ cuối cùng, tự nhiên tôi thấy có một cảm giác lạ thường. Có điều gì đó linh tính xao xác trong lòng, khiến tôi cứ lẩn quẩn mãi bên ngôi mộ, không thể rời đi được.
Anh quản trang nói với tôi.
- Cách đây năm ngày, bà con dân tộc Vân Kiều phát thực bì để trồng rừng đã phát hiện ra ngôi mộ của đồng chí Liệt sĩ này. Chúng tôi biết tin đến nơi chẳng ai cầm lòng được anh ạ. Có phải là ngôi mộ đâu! Chẳng qua lâu ngày đất cát phủ lên thôi, xương trải dài ra như người nằm ngủ, bên cạnh là khẩu súng AK chỉ còn phần sắt đã quá rỉ rét, có lẽ đồng chí ấy hy sinh trong lúc bị thương nặng rồi kiệt sức. Chỉ còn một kỷ vật là không bị thời gian làm thay đổi.
- Kỷ vật gì vậy anh! Tôi hỏi anh quản trang.
- Đó là một chiếc lược nhỏ, được làm từ xác máy bay bằng một thứ kim loại không rỉ.
Nghe anh quản trang nói tôi lặng người đi, như có linh tính mách bảo, tôi đưa tay rút chiếc lược ở túi áo bên trái ngực mình ra hỏi anh:
- Nó giống chiếc lược này không anh?
Anh quản trang cầm chiếc lược của tôi ngắm đi ngắm lại rồi nói:
- Nó giống lắm, cũng hình chiếc máy bay, kích cỡ như thế này nhưng chỉ có khác là hình vẽ trên chiếc lược không phải hình anh bộ đội khoác súng.
- Tôi sốt sắng hỏi anh, hình gì? Chiếc lược ấy các anh đã mai táng cùng với thi hài của liệt sĩ rồi phải không?
- Không! Anh quản trang chậm rãi trả lời: ''Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như vẽ một cậu bé ngồi bên một gốc cây to, tý nữa tôi đưa anh vào xem, chiếc lược ấy đang ở trong phòng truyền thống của nghĩa trang''
Thắp hết những nén hương đang cháy dở trên tay lên những ngôi mộ còn lại, tôi dục anh quản trang về phòng truyền thống.
Phòng truyền thống nghĩa trang rộng khoảng chừng bảy mươi mét vuông bên trong là những hình ảnh lưu niệm của hầu hết nhân dân các tỉnh trong cả nước với dòng chữ '' Kính viếng hương hồn các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sơn'' anh quản trang lấy ra một chiếc hộp nhỏ để bên bức tượng '' Người Mẹ tiễn con lên đường'' đưa cho tôi. Tôi run run đôi bàn tay bật mở nắp hộp, khi chiếc nắp hộp bật ra, tôi như người mất hồn, đôi mắt tôi mờ đi, trống ngực đập liên hồi, tôi tự hỏi mình: ''Có phải là chiếc lược đây không? Hay là đang trong mơ? Đúng rồi ! Chiếc lược, chiếc lược có hình thằng bé ngồi dưới gốc cây gạo to đây mà''. Tôi thảng thốt kêu lên ''Trời ơi! Anh Hải ơi...! Con đã tìm thấy anh Hải rồi U ơi!''
Tiếng gọi tôi ứ nghẹn, thổn thức, tôi nghe nơi sâu thẳm trái tim mình kỷ niệm của những năm tháng xa xăm, nồng ấm mà diết da, mến thương mà hờn tủi, cả tiếng khóc - tiếng cười của tuổi ấu thơ vọng về...
Đó là thời gian vào đầu năm 1967 tôi đang học lớp một, quê tôi ở bên bờ giới tuyến, bom đạn ngút trời. Người già và trẻ nhỏ được sơ tán ra Nghệ An theo diện K10, còn học trò như chúng tôi thì đi ra Bắc theo diện K8. Tôi chẳng nhớ là ra đi vào ngày nào, cứ ngày nghỉ đêm đi ròng rã hơn hai tháng mới ra đến nơi, bọn trẻ chúng tôi được đưa về cho từng gia đình nuôi. Tôi ở trong một gia đình chỉ có hai người, đó là một bà cụ khoảng chừng trên 50 tuổi mà sau này tôi gọi bằng U "Tức ở quê tôi gọi bằng mạ" và một anh con trai tên là Hải lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi đang học lớp 10. Khoảng chừng một tháng sau trong nhà tôi xuất hiện một người con gái lớn hơn anh Hải 3 tuổi, U tôi bảo: Chị Thủy mày đó, chị đang học y sỹ ở trên tỉnh. Chị Thủy ôm tôi vào lòng vuốt mái tóc tôi. Chị nói với U:
- Thằng nhỏ này dễ thương quá, nó hao hao giống con và thằng Hải U nhỉ? Người lạ họ sẽ tưởng nó là em ruột của bọn con.
- Ừ ! Cũng vì vậy mà dành nuôi nó bằng được đấy, lại cả cái tên cũng giống nữa chứ, Thủy, Hải, Hà - U tôi trả lời.
Tôi sống trong tình thương yêu chiều chuộng của U và anh Hải nên hay làm nũng và nghịch ngợm. Bọn trẻ trong làng kháo nhau.
- Nó là người Miền Nam, thầy nuôi nó là liệt sĩ, chúng mày đừng đụng đến nó mà lĩnh sẹo.
Đi xem phim, văn nghệ hoặc có công chuyện gì đâu xa bao giờ U cũng bắt anh Hải cõng tôi, buổi tối trời nóng U quạt cho tôi đến khi nào ngủ quên mới thôi. Tôi không còn nhớ nhà như dạo mới ra nữa, anh Hải rất thương tôi, nhưng anh cũng rất nghiêm khắc, nhất là những buổi tối anh kiểm tra bài vở học hành của tôi.
Có hôm U tôi bảo anh Hải:
- Mày dạy em nó học phải từ từ thôi, nó còn nhỏ làm sao một lúc mà tiếp thu hết được.
- Nó suốt ngày đi chơi đáo, chơi cù, có chịu học hành gì đâu. U chiều nó kiểu đó thì nó hư mất thôi.
Mỗi lần nghe anh Hải nói vậy là U tôi lặng thin, nhưng buổi tối khi nằm ngủ U ôm tôi vào lòng rồi gõ gõ vào đầu "Anh Hải mày nói đúng đấy, phải bớt chơi, mà chăm lo học hành sau mới thành người con ạ".
Tôi nghe lời U được vài ngày rồi chứng nào tật ấy, nghe tiếng trẻ reo hò đầu xóm, là ruột gan tôi sôi lên, dù đang làm việc gì tôi cũng dẹp ngay để chạy đi. Có một hôm anh Hải sai tôi đem cái tích ra bờ ao rửa sạch rồi bỏ chè xanh vào để anh Hải ướp cho U về uống. Tôi đem tích ra bờ ao đang rửa thì nghe bọn trẻ reo hò "Bổ....bổ...." chúng đang chơi cù. Lớ quớ thế nào tôi làm va cái tích vào thành ao "Bụp" Cái vòi gãy đôi ra. Cái tích Trung quốc U tôi rất quý, nhưng tôi sợ U thì ít mà sợ anh Hải thì nhiều. "Chết rồi" - Làm sao bây giờ?.
Nhặt chiếc vòi gãy lên tôi ướm thử vào cái tích, thấy nó như nguyên xi nhưng khi bỏ tay ra thì nó hở ra thành một cái vết. Tôi thò tay xuống bờ ao lấy một tí đất sét nhét vào rồi lắp chiếc vòi thì thấy như chưa hề bị gãy. Tôi nhanh nhảu bỏ chè xanh vào tích đưa về cho anh Hải rồi chạy biến ra với lũ trẻ. Chiều hôm đó tôi chơi với bọn trẻ nhưng hồn thì để tận đâu đâu "Không biết anh Hải có biết không" Tôi tự nhủ. "Hà ơi! Về học" anh Hải gọi tôi. Khác với những lần trước, anh kêu năm lần bảy lượt tôi mới về, lần này nghe anh kêu là tôi về liền, lôi sách vở ra ngồi học. Anh Hải đi dưới bếp lên nhìn tôi:
- Hôm nay học hành có vẻ nghiêm túc nhỉ?
Tôi chẳng nói năng gì, anh Hải nói tiếp:
- Quái lạ thật, cái tích dùng lâu rồi tốt là thế mà hôm nay tự nhiên đổ nước sôi vào thì đứt đôi cái vòi ra, mà ở giữa chỗ đứt lại có đất sét cầu ao nhà mình nữa chứ. Hà này theo mày thì có lạ không?
Chết rồi kiểu này thì gay to - Tôi nghĩ.
- Sao anh hỏi mà mày không nói gì thế hả.
Tôi giả vờ như không biết rồi hỏi anh - '' Cái gì hở anh?''
- Cái gì à! Anh Hải trừng mắt nhìn tôi, anh chỉ tay vào cái tích đứt vòi.
- Cái đó thì chắc mày biết chứ?
- '' Không'' em có biết gì đâu!
- '' Không à, còn dối trá à, giỏi thật, anh cho tôi một cái đá đau điếng vào đít, tôi bù lu, bù loa khóc rồi bỏ chạy.
Buổi chiều tối U tôi về, dọn cơm ra chờ mãi không thấy tôi, U hỏi anh Hải:'' Thằng Hà đi đâu mà chưa về nhỉ? '' Anh Hải kể lại đầu đuôi cho U nghe, U nói:
- Nó lỡ tay làm gãy thì thôi, làm gì mà đánh em nó vậy '' Đi tìm nó về đây cho U ''. Tôi núp ở vườn rong sau nhà nghe U nói vậy liền bỏ chạy ra gốc cây gạo, ngoài bờ sông ngồi. Anh Hải, U đi tìm hỏi lũ trẻ không thấy đâm lo, anh đoán chắc thằng này ra gốc cây gạo ngoài bờ sông nhặt hoa rồi. Anh ra thấy tôi ngồi ủ rũ, trước mặt là một đống hoa gạo đỏ rực, anh nhỏ nhẹ '' Em ra đây ngồi làm gì? Để anh và U đi tìm mãi, thôi về kẻo U lo. Tôi giận dỗi quay mặt đi, anh nói tiếp: '' Thôi đừng giận anh nữa mà, anh xin lỗi, lần sau em đừng làm như thế nữa nghe. Anh đánh em không phải vì em làm hư cái tích mà vì em không trung thực, bây giờ em đang còn nhỏ, một việc nhỏ mà em không thành thật, sau này lớn lên, có nhiều việc lớn mình không trung thực thì sẽ làm hỏng cả cuộc đời em ạ. Thôi về rồi ngày mai anh sẽ đẽo cho em một cái cù bằng gỗ Nhãn đóng một cái đinh thật nhọn để em bổ cho cù chúng nó vỡ đôi ra. Tôi nghe bùi bùi tai ''Anh nhớ nghe'' rồi lẳng lặng theo anh về. Tháng 7 năm ấy, anh Hải thi đỗ và đi học tại trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội. Anh đi rồi, nhà trở nên vắng lặng chỉ còn U và tôi, vắng anh tôi thấy buồn và nhớ anh nhiều, mỗi lần ở trường viết thư về, khi nào anh cũng nhắc tôi phải học cho giỏi, tết anh về sẽ có quà. Tôi cứ nóng lòng hồi hộp chờ đợi anh về.
Năm ấy chị Thủy học xong lớp Y sỹ, về công tác tại bệnh viện tỉnh rồi lấy chồng, tết chị ở lại bên nhà chồng. U và tôi chờ anh Hải về ăn tết mỏi cả mắt mà vẫn không thấy anh về. U đứng ngồi không yên ''Không biết tàu xe thời chiến thế này, anh mày có việc gì không? '' Tôi cũng như U càng buồn lo càng ngóng đợi anh. Thế rồi bẵng đi một thời gian, anh Hải đùng đùng khoác ba lô về thăm nhà, anh đã đi nhập ngũ và hiện đang đóng quân ở Thanh Hóa. Hôm đó vào một ngày cuối tháng ba, hoa gạo nở đỏ rực, từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống sông, những bầy chim đi tránh rét mùa đông trở về xây tổ ấm kêu ríu ra, ríu rít trên những hàng cây, bọn trẻ chúng tôi bắt đầu được nhảy xuống dòng sông Sắt để tha hồ mà bơi lội. U và tôi mừng hết độ nói, anh Hải trong bộ quân phục đẹp, chững chạc ra rất nhiều. Anh ôm tôi vào lòng nựng nựng lên đôi má phinh phính của tôi ''Thế nào, học hành có giỏi không? '' tôi gật gật đầu, anh lại nói: '' Được lắm'' U tôi thì cứ quýnh lên.
- Con đi nhập ngũ mà chẳng báo cho U và em biết gì cả! Thôi lần này về con nhắm xem có đám nào để U lo rồi đi nghe. Anh Hải chỉ cười cười '' Đánh thắng giặc Mỹ đã U ạ! ''
Anh Hải nghỉ phép được mười ngày rồi đi. Hôm anh đi U buồn lắm, U không tiễn anh, sợ không kìm được nước mắt trước khi anh lên đường. Tôi dành ba lô của anh khoác toòng teng đi theo anh ra bến sông, đến bên gốc cây gạo anh bảo tôi dừng lại. Anh dứ dứ ngón tay lên trán tôi rồi nói: ''Đi xa mỗi lần nhớ đến em là anh nhớ đến cây gạo này ''Tôi xấu hổ rúc đầu vào ngực anh, anh kéo tôi ngồi xuống. - Hà à! Lần này anh đi vào đơn vị rồi đi B. Tôi hỏi anh '' Đi B là ở đâu''.
- Đi B là đi chiến đấu ở trong Miền Nam, anh dấu vì sợ U lo, em tuyệt đối không được nói với U nghe chưa! '' Dạ''
anh lôi trong túi ra một chiếc lược hình máy bay sáng loáng, anh chỉ vào chiếc lược và nói: '' Đây là em, đây là cây hoa gạo mình đang ngồi, anh tặng làm kỷ niệm để mỗi lần em chải lên đầu nhớ lời anh nhắc nhở là phải học thật giỏi'' Tôi sững sờ cầm chiếc lược thích thú quá đỗi. Rồi như nhớ ra, tôi nói với anh:
- Nhưng anh không có dùng!
- Em yên tâm! Anh có đây.
Anh lôi trong túi ra một chiếc lược nữa giống đúc chiếc lược tôi đang cầm chỉ khác là trên chiếc lược của anh vẽ hình một anh bộ đội đang khoác một khẩu súng.
- Hai chiếc lược này, anh làm từ xác một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi đó Hà ạ!
Tôi lấy chiếc lược trong tay anh đang cầm, đưa chiếc lược của tôi cho anh rồi nói:
- Em giữ chiếc lược có hình anh bộ đội, còn anh giữ chiếc lược có hình thằng bé này.
Anh ngớ người ra: "Mày giỏi lắm, ừ! Khi nào chiến thắng giặc Mỹ anh về, anh em mình lại đổi cho nhau, em ở nhà cố gắng mà học hành, giúp đỡ động viên U thay anh".
Tôi nhặt một cánh hoa gạo đỏ thẫm đưa cho anh, rồi đứng trân người ra nhìn anh xuống đò đưa tay vẫy vẫy tôi xa dần....xa dần...
*
Sau thời gian anh đi ít lâu, làng quê tôi như chùng xuống vắng lặng, trai làng nối tiếp nhau tòng quân, chỉ còn lại hầu như ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Mỗi lần có người ở chiến trường về thăm nhà là cả làng xúm tới hỏi thăm tình hình sức khỏe, tin tức chồng con mình..... nhưng đều thất vọng, vì chiến trường rộng lớn có mấy ai gặp nhau.
Thế rồi, những vành khăn trắng tang tóc trên đầu những người quả phụ loang dần, loang dần, dăm ba bữa lại có giấy báo tử, có lễ truy điệu, chỗ nào tôi cũng có mặt, lúc đầu thấy những cảnh tượng đau buồn khóc than não ruột tôi cũng sờ sợ, sau rồi quen dần, quen dần. Cho đến một ngày cuối thu, hôm đó thật là ảm đạm, lớp lớp mây đen giăng kín cả bầu trời, từng đàn chim tao tác bay đi tìm tổ, có con lạc bầy, chơ vơ kêu lên thất thanh. Đúng lúc đó ông xã đội trưởng tìm đến nhà tôi, vẻ mặt ông buồn đau, run run đôi tay đưa tờ giấy báo tử cho U tôi. Buổi chiều hôm đó họ tổ chức lễ truy điệu cho anh Hải.
Chị Thủy nghe tin chạy về khóc nức nở, mọi người chẳng ai cầm được nước mắt. Tôi thì ngây thơ quá chỉ nhập tâm lời ông xã đội trưởng thống thiết đọc trong lễ truy điệu: " .......đồng chí Hải đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Quảng Trị ". Còn U tôi thì chết lặng người đi chẳng nói năng lấy nữa lời. U tôi không khóc, không khóc trước mặt mọi người. Nhưng từ hôm đó trở đi, cứ đêm đêm U ôm chặt tôi vào lòng, nước mắt U đầm đìa ấm nóng trên khuôn mặt tôi. Tôi thương U quá, tôi thút thít khóc. Tôi khóc theo cảm nhận của một đứa trẻ thơ. Tôi chưa đủ trí khôn để hiểu rằng U tôi đã héo ruột, héo gan như thế nào! Rằng những giọt nước mắt của U thấm ướt trên khuôn mặt thơ dại của tôi đã được vắt ra từ con tim tím bầm, từ thịt xương nỗi đau khôn cùng của U. U kéo đầu tôi vào lòng rồi nói trong tiếng nấc " Nín đi con! Con khóc làm U càng não ruột thêm"
Sau ngày anh Hải hy sinh, sức khỏe của U sút giảm, tóc bạc thêm nhiều, người U gầy sọp đi, tôi ít đi chơi, quanh quẩn bên U nhiều hơn. Thời gian nặng nề trong nỗi buồn thương nước mắt rồi cũng lần lữa trôi đi........ một tháng..... hai tháng.....một năm......hai năm có lẽ trong thời gian ấy có bao nhiêu tình thương yêu của đời U, U đều dành trọn cả cho tôi.
Rồi bước ngoặc trong đời đến với tôi, nỗi trống vắng trong lòng U tôi lại càng trống vắng cô đơn, hiu quạnh hơn, tháng tám năm 1973 học sinh K8 chúng tôi được đưa về quê, U cứ nằng nặc xin cho tôi ở lại nhưng không được. Ngày chia tay, U tôi bấu víu vào thành xe cho đến khi xe chuyển bánh.
Tôi về quê được mấy tháng thì U vượt đường sá xa xôi vào thăm tôi, U nói: "U nhớ mày đến chịu không nổi, con cố gắng học hành trưởng thành rồi ra ở với U".
Học xong cấp III thi đậu vào Đại học, ở Hà Nội được gần một năm thì cũng giống như anh Hải tôi lên đường nhập ngũ, bốn năm ở biên giới phía Bắc, xuất ngũ trở lại trường rồi ra công tác, cho đến nay đã gần trọn 30 năm. Trong suốt những tháng năm đó, cứ có dịp đi công tác hoặc thoảng một đôi năm là tôi về thăm U. Lần nào gặp, U cũng mừng mừng tủi tủi, U sống một mình lầm lũi như một chiếc bóng, nhiều lần tôi mời U vào ở với tôi nhưng U từ chối.
- Con đừng lo cho U, U sống ở đây với bà con làng xóm, chị Thủy và các cháu con cũng thỉnh thoảng về thăm U. Với lại U đi thì ai trông coi hương khói cho thầy và anh Hải mày. U già rồi không biết có còn chờ đợi được bao lâu nữa, chỉ mong sao tìm thấy anh con, đưa mộ anh con về quê, hoặc U vào thăm mộ của anh con ở một nghĩa trang nào đó trong Miền Nam để thắp cho anh con một nén hương là U toại nguyện và thanh thản mà nhắm mắt được rồi.
Tôi nghe U nói mà lòng quặn lại, như có muôn ngàn mũi kim khía chích vào tâm can. Anh Hải đã hy sinh ngay trên chính mảnh đất quê hương tôi. Trong suốt những năm qua tôi đã đi hầu hết các nghĩa trang tỉnh nhờ qua Sở Lao động – Thương binh & Xã hội của tỉnh để tìm kiếm nhưng đều bất lực.
Rồi một điều thật may mắn, trùng hợp ngẫu nhiên như đầu câu chuyện tôi đã kể. Tôi đã gặp anh, đã tìm thấy anh như thế đó. Hai hôm sau tôi xin cơ quan nghỉ phép ra thăm U. Tàu đến ga Cát Đằng, tôi đón xe về đến bờ sông quê, rồi qua sông đi một mạch về đến nhà. Suốt chặng đường đi tôi cứ hình dung ra U, hình dung ra niềm vui trên khuôn mặt khắc khổ của U mà lòng trào dâng lên niềm hạnh phúc.
Khi tôi bước vào đến sân nhà, chị Thủy chạy ra vẻ mặt buồn bã" U yếu lắm rồi em ạ! Có lẽ không qua khỏi. Chị bảo cháu Hương viết thư báo tin cho cậu, mà chỉ sợ cậu không ra kịp".
Không còn lòng dạ nào để nghe chị nói nữa. Tôi ào vào nhà nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của U " U ơi! Con.......con.......thằng Hà của U...."
Tôi lấy chiếc lược có hình thằng bé ngồi bên cây gạo đặt vào tay U "... Con đã tìm thấy..... Tìm thấy mộ của anh con rồi U ơi!!!...." U mở mắt ra nhìn trân trân vào chiếc lược, đôi mắt U ánh lên, khuôn mặt U như ngời ra, gắng sức U đưa bàn tay có chiếc lược về đặt vào phía ngực trái của mình. U giữ chặt như sợ tuột ra khỏi tầm tay, như sợ ai lấy mất, hai hàng nước mắt cứ từ từ chảy xuống đôi gò má gầy guộc.
Tim tôi thắt lại. Những cảm xúc trào lên ứ nghẹn. Tôi hiểu những giọt nước mắt của U, những giọt nước mắt của sự chờ mong đến mòn mỏi....... những giọt nước mắt được dồn nén, chất chứa trong suốt những năm tháng để khao khát có ngày hôm nay.
" U ơi! Ngày anh Hải ra đi, U không tiễn đưa, vì sợ không kìm được nước mắt....."
Tôi lấy chiếc lược có hình anh bộ đội đặt lên bàn thờ anh Hải rồi thổn thức " Anh Hải ơi ! Em đã thực hiện theo ý nguyện của Anh".
U ra hiệu cho tôi lại gần, nắm lấy bàn tay tôi, U mấp máy đôi môi như muốn nói với tôi điều gì... rồi đôi mắt U từ... từ.... khép lại..... thanh thản....chị Thủy và mọi người ngồi xung quanh òa lên khóc nức nở.
Sau đám tang của U vài ngày tôi lên đường về quê, ra đến bờ sông nơi có cây gạo ngày xưa, tôi không sao xuống đò về bên kia sông được. Nhìn những cánh hoa gạo đỏ thẫm rơi đầy trên bờ sông còn đọng lại những giọt nước mưa đêm qua sóng sánh như màu máu.
Tôi bàng hoàng, chạnh lòng nao nao nhớ về một thời xa xăm, vời vợi....
Cũng nơi gốc gạo, bến sông này đây, anh Hải đã dạy cho tôi bài học đầu đời để trong suốt những năm tháng qua tôi sống - làm người.
Cũng chính nơi gốc gạo bến sông quê này đây anh đã trao cho tôi : "Kỷ vật cuối cùng" của cuộc đời anh.
Anh hẹn với tôi ngày chiến thắng trở về, nhưng anh đã ra đi mãi mãi..../.