Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.248
123.154.812
 
Biển cũ
Lê Văn Thiện

Một ngày cuối hè, Hậu về xóm Thượng – một xóm chài nhỏ nằm bên hóc núi trọc, trong bán đảo Hòn Mê – thăm cậu Qua. Cậu là anh họ của mẹ Hậu… Hậu dự tính sẽ ở chơi hai ngày. Đến một nơi chó ngáp, gặp những người xa lạ, chẳng có lấy một điều lý thú nhỏ. Nhưng, sự việc diễn ra sau đó trái ngược hoàn toàn với những ý nghĩ ban đầu, Hậu có một cuộc nghỉ mát hào hứng, vui chưa từng gặp, lâu tới sáu ngày.

 

*

Tối đến, ông Qua đãi Hậu món thịt dông. Dông nướng, chiên, uống với rượu trắng ngâm thuốc Bắc. Đây là đặc sản, ít nơi có. Con vật này sống trên mấy đồi cát, sau lưng xóm chài. Dáng nó giống thằn lằn, lớn hơn tắc kè. Thịt nó ngon, mùi thơm lạ. Ngon hơn gà, rùa, thỏ, dê. Hậu khen: đặc sắc, thượng hạng. Ông Qua thích chí bảo, nếu muốn, Hậu ở lại chơi mười ngày, ông sẽ đãi năm chầu thịt dông, ăn rồi năm mươi năm sau còn nhớ!

“Buồn quá, ở lâu không được.”

“Bà con xóm này sống cả đời thì sao?”

 

Xóm Thượng nằm trên một bãi cát rộng chừng sáu mẫu, địa thế trông giống một vịnh nhỏ. Nó mọc lên cách đây hơn hai mươi năm, theo kiểu tự phát. Cư dân là những người chài lưới bần hàn, từ nhiều nơi tụ lại. Hai mươi bốn gia đình. Xã Hải Triều mới cấp giấy khai sinh, kết nạp nó khoảng mười năm nay.

“Mày học tới lớp mấy?” ông Qua hỏi Hậu.

“Dạ, lớp mười.”

“Sao nghỉ?”

“Học thua kém bạn bè, mắc cỡ.”

“Ba mày không nói gì?”

“Ba con dễ chịu. Ổng nói: Mày không muốn làm thầy, thì làm thợ. Làm gì có tiền là tốt, miễn đừng đi ăn cướp! Với lại, gần đây các đài cũng thường nói: nước ta thừa thầy, thiếu thợ!”

“Uổng!” Ông Qua hớp ngụm rượu, trầm ngâm. “Uổng! Cậu muốn có đứa con làm thầy giáo, nhưng không được, đứa nào cũng chậm lụt… Con Luận, con May chỉ theo tới lớp năm, thằng Tạo thì học ba năm vẫn đọc sách chưa thông… Ở đây xa xôi, đi học nhiêu khê quá.”

“Dạ, nghề dạy học nhàn, khỏe.”

“Không đổ mồ hôi mà vẫn có tiền, ấy mới tài! Lương lậu thầy cô thế nào?”

“Dạ, trước kia èo uột, nhưng nay ngon lành rồi… có thể sống ung dung, nhưng cũng khó giàu, không bì được với nuôi cá, nuôi tôm.”

“Sao lại so vậy? Gã đánh cá dù có bạc tỉ vẫn là anh cà cộ, tóc tai cháy nắng, người ngợm tanh khét.”

Bà Qua đem ra mấy cái bánh tráng mè.

“Ổng được bầu làm ông lớn, hách lắm đấy.” Bà nói.

“Trưởng xóm, to nhỏ gì!” Ông Qua giải thích: “Lúc đầu mọi người nhất trí chọn ông Cảng, kính lão, nhiều tuổi nhất, nhưng ngặt, ông ấy không biết chữ.”.

Từ nhà bên cạnh, một chị, tiếng nghe còn trẻ, hát ru con: “Con ơi con ngủ cho rồi. Đèn khuya hắt bóng, mẹ ngồi than thân.”

“Buồn chết được!” Ông Qua cười. “Uống mạnh vào, chẳng mấy khi mày ra đây… Dông ngon, lúc nãy mày gọi là gì? Đặc biệt, đặc sản?... Tôm, cá, sò, ngao, chim chóc đều do đất trời sinh ra, để nuôi chúng ta, phải không?”

“Con uống yếu, vài ly thôi.”

“Ăn nhiều, vững bao tử, sẽ uống được… Ở xứ này, nếu không có mấy hũ rượu thì chẳng biết lấy gì giải sầu!... Mày biết không, vào mùa mưa, tháng chín tháng mười, vùng này ngó đâu cũng thấy một màu trắng đục, âm u hết sức!”

“Không điện, không máy hát, không phim ảnh.”

“Không xe, không chợ quán… mà người ta vẫn sống!”.

“Quả là buồn thật!”

“Hồi mới ra đây, vào mùa lạnh, cuối năm, các bà các chị khóc dài.”

“Sao không vào gần quốc lộ, gần chợ?”

 

Ông Qua thở dài:

“Vào đó ở đâu, ruộng đất, bãi bờ đều có chủ… Vài bộ quần áo, hũ gạo, chiếc ghe tí tẹo, làm sao chọi lại thiên hạ!... Rượu được không?”

“Dạ, ngon ác, dông cũng vậy, miệng mới ngậm đã thấm vào cổ!”.

“Thẫn thơ đứng dưới gốc mai. Bóng tôi, tôi tưởng bóng ai, tôi lầm” Người mẹ trẻ hàng xóm lại hát ru.

“Xóm biển mờ mịt này có một điểm tốt, là dễ chịu. Dù trong túi chẳng có đồng xu nào ta vẫn sống mạnh. Ốc, cua, dông, sò luôn có sẵn… Năm này qua năm khác. Ta trẻ, rồi ta lớn, lấy vợ, sinh con đẻ cái, âm thầm, thảnh thơi… như con sao biển, như cây cam dại!”

 

*

Tạo nhỏ hơn Hậu bốn tuổi, mới tròn mười bảy, nhưng vai anh, chiếu trên, nên xưng hô mày tao với Hậu ngọt lịm. Anh đô con, da đen, tóc vàng hoe, ngực nở, tay chân bắp thịt nổi vồng như lực sĩ. Anh làm việc giỏi, lanh lẹ, không kém người lớn.

 

“Mày trắng kỳ cục, con gái xóm này không ai trắng vậy!” Tạo nói. Anh ngạc nhiên khi thấy Hậu không biết bơi.

“Ở lại chơi một tuần, mày sẽ biết bơi, tao có cách dạy, hay lắm.”

Anh bảo, có hai kiểu học bơi: cấp tốc và tà tà. Ai muốn nhanh, lên ghe, ra chỗ nước sâu hai ba thước, nhảy đại xuống, huơ tay quạt chân, uống vài hớp nước mặn, sẽ bơi được. (“Thầy” và chiếc phao trực sẵn bên cạnh, yên tâm.) Mau, hiệu nghiệm, đó là cấp tốc. Ngược lại, đứa nhát gan, đứng gần bờ, nước cạn, ngoi lên hụp xuống, mất chục ngày, cũng sẽ bơi được, nhưng ì ạch lắm! Hậu chọn cách sau, chậm nhưng chắc… Chiều ngày thứ hai, Tạo đưa Hậu đến bãi cát hẹp sau một gành đá, cách xóm Thượng chừng nửa cây số, tập bơi.

“Chỗ này vắng, tập thoải mái. Mày lớn như tướng núi mà tập ở bến ghe người ta cười thúi mũi!”

“Không biết thì tập, sợ gì.” Hậu nói, đỡ ngượng.

“Con nít xóm này mới bảy, tám tuổi đã bơi như rái, tới mười tuổi là đi thả lưới, giăng câu… Mày ở chơi lâu lâu nghe, chừng bơi rành mới về.”

“Năm ngày thôi, em phải về vì có nhiều việc cần làm.”

“Hay do buồn, mày không ở được?... Sau này, chắc còn lâu mày mới ra đây lần nữa?” Giọng Tạo thật buồn. Hậu không ngờ anh mến mình như thế.

 

Hôm sau Tạo cho Hậu coi số đồ nghề, dụng cụ câu mực. Anh nói, kỳ tới, nếu gặp mùa nắng, anh sẽ đưa Hậu đi câu mực vài đêm cho biết. Rất hay, vui, dân phố không dễ được thấy tận mắt. Những vật dụng đi câu vừa ít, vừa đơn giản. Một đèn chong, một chiếc vợt, và chùm dây câu. Mồi không phải trùn, nhái, dế, chỉ là những vụn vải nhỏ (có lúc dùng tôm giả, bằng nhựa). Thật lạ. Mấy sợi cước làm dây câu. Cách khoảng hai gang tay, trên những dây đó, người ta cột một mẩu vải. Mực đớp mồi vải, người câu kéo nó lên gần mặt nước, rồi dùng vợt “múc” lên.

 

“Hè sang năm mày ra chơi, tụi mình sẽ đi câu mực. Chắc chắn mày mê, vui lắm… Ta đem theo hỏa lò, chanh, ớt, muối mắm, rau, bánh tráng, bia. Vớt vài “em” lên, ta mổ xẻ ngay, luộc, xơi tái, ngon ê răng đấy!”

Hậu hứa: “Nghe anh nói phát thèm, ờ, hè qua năm em sẽ ra.” Nói để Tạo vui lòng, thực bụng Hậu chưa nghĩ đến. Từ nay tới đó còn lâu, hơn nữa…

 

*

Như nhiều phụ nữ xóm Thượng khác, bà Qua đan lưới giỏi. Nếu không ra bến đón ghe về, không nấu nướng trong bếp, thì bà ngồi trước thềm vá, đan lưới. Bà có thể ngồi suốt buổi, lặng lẽ, chăm chỉ làm, chẳng nói tiếng nào, không ngơi tay. Ngoài việc vá lưới nhà, bà lãnh đan lưới cho các tiệm quán trên huyện, mỗi ngày kiếm được chừng ba, bốn chục ngàn. Đó là mức thu nhập đáng kể, nó không nhiều, nhưng ổn định.

Hậu ngồi xem bà Qua đan lưới, mới chừng nửa giờ đã thấy mỏi lưng.

“Con chịu thua, mợ giỏi.” Hậu khen.

 

Bà Qua cười: “Cố làm kiếm tiền, giỏi quỉ gì… Việc này cũng dễ, nhẹ.”

“Nếu có cái máy hát, mợ vừa đan vừa nghe, đỡ buồn.”

“Có vài người cùng ngồi đan, chuyện trò qua lại, chắc bớt mỏi.”

“Con nghe nói dân biển không bao giờ dẫm lên hay bước qua lưới và các ngư cụ khác?”

“Không cấm, nhưng mọi người đều kiêng cữ. Ai cũng sợ xấu, xui… Tin khơi khơi vậy mà.”

 

Bà Qua chỉ bến ghe: “Con ra bãi cát kia, nhìn về phía mặt trời mọc, sẽ thấy một hòn núi nhỏ, thấp, mờ mờ, đó là đảo Gầm. Nó như một doi cát dài, hình chiếc lá. Đảo hoang, không người ở. Trên đó có những vạt cây chành rành, cam đường, rau muống biển, và sỏi, đá. Giữa đảo, dưới gốc một cây cam đường lão có một ngôi miếu cổ, dân chài gọi: miếu Ông. Ông là thánh thần nào, chẳng ai rõ. Nhưng miếu thường được nhiều người đến cúng bái, nhang khói ấm áp. Cách đây mấy năm mợ cũng được ghé đó thắp nhang một lần.”

“Chắc miếu linh thiêng, cầu được ước thấy, nên bà con tôn kính?”

“Đâu biết. Có lẽ đây là chuyện nói chuyền tai nhau, chắc cũng chẳng ai thấy gì, nhưng ghe tàu chạy ngang qua miếu, những người lái thường giở mũ, cúi đầu.”

“Về mặt tâm linh, dân đi núi, đi biển giống nhau. Nơi làm ăn của họ bao la, bất an, nên họ cần có chỗ dựa, cần các quyền lực vô hình độ trì… Chắc không bao giờ con người chế ngự được giông bão, động đất, núi lửa.”

“Người xưa kể: Trước kia, thời chưa có máy móc, dân biển còn dùng sức người chèo chống, có anh trai trẻ nghèo khổ thường ra đảo Gầm đánh cá. Đêm nọ, sau khi giăng lưới, anh ta lên bãi cát nằm ngủ chờ nước ròng. Đang ngon giấc, anh nghèo thấy một ông già đến gọi: “Dậy con, bọn trộm lấy hết lưới rồi.” Anh ngơ ngác. Ông già tiếp: “Lưới không còn, con làm gì? Con muốn có lưới mới không?” Anh chàng vội quỳ lạy, xin ông cho tấm lưới khác. Ông già đưa cho anh một tấm lưới xanh, chỉ bằng bàn tay. “Đây là lưới thần, nhỏ, gọn, có thể cất giữ trong túi. Lúc cần dùng, con đặt nó xuống biển, vái ba cái, lưới sẽ lớn ra, càng vái nhiều lưới càng rộng. Nhưng con không được tiết lộ chuyện này với ai, và chỉ được dùng trong ba năm. Đến hạn, đem lưới tới đây trả lại cho ta, nếu không con sẽ bị nhiều tai họa.” Anh dân chài lạy như gió. Ông già bảo: “Không phải chuyện đùa, nếu quên lời hứa, con sẽ biến thành con cá nhái, phải sống quanh quẩn bên đảo này mãn kiếp.” Tỉnh dậy, chàng trai chạy xuống biển. Quả nhiên, lưới đã bị cuốn mất. Trở lên bờ, anh thấy trong giỏ mây của mình một tấm lưới nhỏ như bàn tay… Từ đó về sau, anh chàng tốt số làm ăn tấn tới, trở nên giàu có. Nhưng đến hạn ba năm, do lòng tham vô độ, anh ta không trả lưới cho thần… Vào một đêm biển động, giông gió nhấn chìm ghe anh ta bên đảo Gầm. Người và ghe biến mất tăm. Không rõ anh chàng đã hóa thành cá, hay trôi dạt về đâu… Biết chuyện, dân đi biển trong vùng chung tay xây nên ngôi miếu lớn trên đảo Gầm, thờ vị thần lưới. Nay, mỗi khi vác xấp lưới lên vai, nhiều người nhớ lại chuyện xưa. Bên trong thứ vật dụng lam lũ này cũng ẩn chứa lắm điều huyền ảo. Nên người ta quí trọng đồ nghề, không dám làm ô uế, không ngồi lên hay bước qua chài, lưới.”

 

*

Ngày cuối, trước khi Hậu về, bà Qua đãi anh một chầu ghẹ luộc. Ghẹ chấm muối ớt… Trước kia, vùng biển này nhiều ghẹ. Mấy năm gần đây trên tỉnh, và các thị trấn mọc lên nhiều nhà hàng sang trọng, du khách đổ về đông, những loại hải sản cua, ghẹ, sò huyết vốn gốc bình dân, bỗng nhiên được nâng cấp, gán cho các nhãn mác “đặc sản” xanh đỏ, đọc lên nổ nghe như súng. Đến nay, chính dân biển, người trực tiếp đánh bắt, cũng hiếm khi được ăn các sản phẩm loại 1 ấy, do nó đắt tiền… Bà Qua mang ra một rổ ghẹ đầy vun, đỏ au. Những con ghẹ to bằng bàn tay xòe, càng que lòng thòng, mới nhìn đã thấy ngon. Chơi đẹp, đãi khách quí. Ông Qua có dịp khoe rượu hảo hạng.  Gọi là tiếp khách, ly anh ly tôi, nhưng thực sự khách uống một, ông “chơi” ba.

“Cho cậu mợ gởi lời thăm ba má… Ít lâu nữa cậu sẽ lên thăm… Lâu rồi, gần chục năm, cậu chưa ra phố.”

 

Ông ăn một càng ghẹ, ăn thật chậm, hớp ngụm rượu, khà thật lớn.

“Lên chợ, cậu không biết làm gì. Đi lòng vòng thấy nhà cao, xe cộ bóng loáng càng thêm… phiền lòng! Xe, nhà là của thiên hạ, của người khác… Chậc, điện đóm, hát hò đều xa lạ đối với cậu! Cậu chưa biết nhiều thứ… chưa biết thì cũng như quên!”

 

Rượu xịn, ghẹ quá ngon. Ngon và hiền. Chắc chắn không có các chất độc hại tẩm ướp trong này, đây là điều xóm Thượng hơn đứt thành phố!

“Cậu sẽ lên thăm ba má mày… nhớ nói rõ như thế. Uống, cháu… Mày còn nhớ góc biển này, cậu mợ vô cùng cảm ơn!”

 

*

Ông Qua không giữ được lời hứa.

Ngay năm đó, vùng Hải Triều và các xã lân cận nổi lên phong trào nuôi tôm. Tôm sú và tôm hùm. Tôm sú nuôi trong đìa gần bờ. Tôm hùm nuôi trong lồng neo ngoài xa, thường dựa các vịnh đảo. Nghề này không khó lắm nhưng vốn ban đầu bỏ ra khá cao nên không phải ai cũng có thể làm chủ đìa. Phân nửa hộ dân xóm Thượng cất lưới, bỏ nghề đánh cá, xô vào nuôi tôm. Ông Qua cuống lên, thèm muốn, nhưng đành đứng xa nhìn, do yếu vốn. Ông buồn cả năm, nhưng không biết cách nào thoát ra khỏi thế bí… Đất cũ đãi nghề mới. Những láng rộng chỉ chứa rặt cây mắm xơ rơ, đìu hiu; những bãi đá lổn nhổn, xám xịt xưa nay chỉ sinh ra mấy con hàu, con ốc giờ bỗng thành đất vàng. Hai năm đầu trúng nhỏ, các năm sau lời to hơn. Sau sáu năm xóm Thượng đã có bảy gia đình thoát nghèo, mua được nhà trong thị trấn… Nhìn hàng xóm phất to, xênh xang, ông Qua rầu rĩ, đâm chán cảnh lưới chài thu nhặt vài ba chục ngàn nhỏ nhoi. Nhưng nếu bỏ lưới thì đi đâu? Từ nhỏ đến nay, hơn 40 năm, ông chỉ quẩn quanh với biển. Xưa kia cha ông cũng sống nhờ biển… Đến một ngày, có người em họ mách cho ông cách làm khác. Vẫn là lưới, biển, nhưng ở phạm vi rộng hơn: gia nhập đoàn tàu đánh bắt xa bờ. Không thích lắm, nhưng ông Qua gật đầu bởi mê chỗ lương cao và những khoản phụ thu rủng rỉnh, như người em họ vẽ ra. Nhưng ông lo, đi làm mướn cho người ta, chắc nặng nhọc lắm. Cuối cùng, ông đi, với ý định làm ít lâu kiếm mớ tiền về mua đìa tôm.

 

*

Ông Qua lâm nạn trong chuyến đi khơi thứ ba. Trên tàu có tám người, chết bảy, chỉ ông sống sót. Ông bám vào một tấm ván, vật lộn với sóng gió bốn ngày, may được một tàu lớn vớt. Nhưng ông ngất, không còn biết gì. Vào bệnh viện nằm hai ngày, ông chết, vì đuối sức… Bà Qua nói, ông chết giống hệt mẹ ông. Hồi xưa cha mẹ ông Qua sống khá lâu trên đảo Đầm Mây. Năm ông lên bốn, trong một lần đi chợ huyện, chiếc ghe nhỏ của mẹ ông gặp gió chướng chìm giữa vời. Ghe chở sáu người, mẹ ông là người duy nhất bơi được vào bờ, (xa khoảng bốn cây số), nhưng bà bất tỉnh, nằm thiêm thiếp hai ngày rồi qua đời, do kiệt lực.

 

… Hậu không ngờ mình sẽ không còn cơ hội quay lại thăm cái xóm chài nhỏ đáng yêu. Mợ Qua mất, chỉ sau chồng vài năm. Anh Tạo có vợ, bỏ biển, lên đồng cày cuốc… Trên đời, đổi thay là chuyện thường tình. Dù muốn hay không tháng ngày vẫn trôi qua, con người vẫn già, đều đặn, thản nhiên. Nhưng lúc nào nhớ tới gia đình cậu Qua Hậu cũng buồn, thấy bụng dạ xao xuyến. Anh nhớ những buổi tập bơi bên gành đá vắng vẻ, trên trời dưới nước, đẹp như tranh. Nhớ mấy lần ăn thịt dông nướng, ghẹ luộc, đơn sơ mặn mà. Nhớ câu chuyện về ngôi miếu cổ rêu phong, với những tình tiết lung linh sương khói. Nhớ cái bến ghe nồng nặc mùi mắm, mùi cá khô, xế chiều nào bọn trẻ da đen tóc vàng cũng bơi lội nô đùa huyên náo… “Vậy là ta không trở lại xóm Thượng nữa, nhưng chắc ta sẽ nhớ nó, nhớ mãi, cũng như không khi nào ta quên cha mẹ, anh em ruột thịt của mình.” ./.

 

 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 3134
Ngày đăng: 05.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu chuyện của bình minh - Csáth Géza
Một ngày kiếm việc - Lương Văn Chi
Ông Ba Phải - Mang Viên Long
Ông Già và Con Ngựa - Trần Văn Bạn
Chàng Pál và nàng Virginia - Csáth Géza
Phố tím - Huỳnh Văn Úc
Truyện ngắn ngắn-1 - Đỗ Ngọc Thạch
Trăng cuối tháng - Nguyễn Đức Thiện
Buổi tối - Csáth Géza
Niềm vui lớn quá - Nguyễn Khương Bình
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)