1. TRUNG QUỐC-PHILIPPINES
Sự phản ứng của sinh viên Việt Nam về cái gọi là “Tam Sa” của Trung Quốc vào trung tuần tháng 12 năm 2007 đã đưa Bắc Kinh phản ứng bằng hành động cụ thể; thay vì hạ giọng về vụ việc, Tần Cương, phát ngôn viên bộ ngoại giao đã trách cứ: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở biển Nam Trung Hoa”. Tiếng phản đối nổi lên từ hai phía vì Biển Đông lưu giữ một trong những điểm gây chú ý của khu vực. Điều mà hầu hết nhà quan sát không nhận ra là trong vài năm gần đây, những nỗ lực hợp tác trong khu vực nhằm ve vãn để Trung Quốc có lập trường rõ ràng hơn đã bị thất bại bởi một trong những phía kình địch trong tranh chấp các đảo ở quần đảo Trường Sa: đó là Philippines.
Chuyến đi vội vã của Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo tới Trung Quốc cuối năm 2004 đã cho thấy một ngạc nhiên lớn. Trong hàng loạt những thỏa thuận được ký mang tính hình thức giữa hai nước Trung Quốc và Philippines là một bản cho phép các công ty dầu khí nhà nước của họ được quản lý một hoạt động hợp tác cùng nghiên cứu địa chấn trong vùng biển Đông đang có những tranh chấp, một tương lai đáng quan ngại cho các vùng lãnh thổ Đông Nam Á.
Khi hiệp định được ký kết ngày 1/9/2004, chính phủ Philippines nói rằng việc nghiên cứu khảo sát chung sẽ “thu thập và xử lý tiến trình địa tầng học, kiến tạo học, kết cấu địa chất…và sẽ không sản xuất và khai thác nguồn dầu tại đây nhưng 2 nước không công khai về nội dung trong “Hiệp định về khảo sát các khu vực chắc chắn trong khu vực biển Nam Trung Hoa giữa China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) và Philippines National Oil Company (PNOC)”. Và không ai ngờ rằng cho đến khi các báo đài loan tin rằng CNOOC và PNOC đã ký một thư thỏa thuận về việc tìm kiếm dầu và khí gas.
Việt Nam là nước phản đối gay gắt nhất hiệp định này. Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng, Việt Nam đã từ bỏ những phản đối của mình và lao vào cuộc mạo hiểm, dẫn tới một mối liên minh tay ba và được thảo luận trong vòng bí mật.
Trong sự thiếu vắng những bước tiến bộ hướng tới giải quyết những tranh chấp phức tạp về lãnh thổ và chủ quyền trên vùng biển Đông, cái khái niệm cùng phát triển có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Ý tưởng hoàn toàn đơn giản: tạm thời xếp lại những yêu sách về chủ quyền và thiết lập những khu vực cùng phát triển nhằm chia sẻ hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác. Thỏa thuận giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, ba trong sáu chính phủ của những nước có những xung đột yêu sách, được nhìn nhận như là một bước đi đúng đắn và một khuôn mẫu hợp lý cho tương lai.
Nhưng theo như những chi tiết trong cam kết đang nảy sinh, nó bắt đầu tỏ ra chẳng giống với những gì đáng lẽ sẽ diễn ra. Khởi đầu, chính quyền Philippines đã phá vỡ trật tự thứ bậc với các nước ASEAN, theo đó việc cư xử với Trung Quốc là như với một khối trong vấn đề Biển Đông. Philippines còn có một nhượng bộ ngoạn mục bằng việc chấp nhận việc nghiên cứu ở vùng biển này, bao gồm cả những vùng thềm lục địa của họ mà không cần đòi hỏi gì ở Trung Quốc và Việt Nam. Qua những hành động này, Manila đã trao một xác nhận hợp pháp nhất định cho cái “yêu sách mang tính lịch sử” không xác thực về pháp lý của Trung Quốc đối với hầu hết vùng Biển Đông.
Mặc dù Biển Đông tương đối yên bình trong thập kỷ qua, song nó vẫn là một trong những ngòi nổ tiềm tàng ở Đông Nam Á. Quần đảo Hoàng Sa trong vùng Tây Bắc được cả Việt Nam và Trung Quốc lên tiếng nhận chủ quyền, trong khi các đảo thuộc Trường Sa ở phía Nam được nhận chủ quyền hoặc bị kiểm soát hoàn toàn bởi Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Maylaysia và Brunei. Tất cả, ngoại trừ Brunei, có những đòi hỏi nhất định đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là những nơi có sự chồng lấn lên phần của nước láng giềng, các đơn vị quân đội đồn trú trên các đảo đá thấp nhỏ nằm rải rác thuộc Trường Sa.
Sau khi những công trình của Trung Quốc được mở rộng bị phát hiện năm 1995 trên đảo Bãi Đá Vàng Khăn, trên vùng thềm lục địa của Philippines và cả bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, ASEAN đã thuyết phục Trung Quốc từ bỏ quan điểm dứt khoát của họ để “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông. Thay vì khăng khăng chỉ thảo luận song phương với những nước có yêu sách của mình, Trung Quốc đã đồng ý ứng xử với ASEAN như là một nhóm nước trong giải quyết vụ việc. Rodolfo Severino, cựu tổng thứ ký ASEAN, đã ca ngợi “sự đoàn kết và hợp tác của ASEAN trong việc giải quyết mối quan tâm sống còn tới an ninh khu vực.”
Tuy nhiên, ASEAN và Trung Quốc đã thất bại trong những nỗ lực thiết lập một quy tắc ứng xử. Trong “Bản Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên trên Biển Nam Trung Hoa,” được ký năm 2002, họ hứa giải quyết những bất đồng về lãnh thổ một cách hòa bình và đảm bảo kiềm chế trong mọi hành động có thể bùng nổ xung đột. Song bản tuyên bố quá lỏng lẻo. Một tuyên bố diễn giải mang tính chính trị, chẳng có quy chuẩn pháp lý ràng buộc, nó không xác định rõ giới hạn địa lý và, tối đa, cần có một bước quá độ.
Kể từ khi bản tuyên bố được công bố, vấn đề Biển Đông ít được tôn trọng. Với các nước ASEAN được hưởng lợi từ nền kinh tế đang bùng nổ và phát triến nhanh nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch của Trung quốc, các nhà lãnh đạo chính trị ở Đông Nam Á hồ hởi mà quên đi vấn đề đặc biệt của những quan ngại đã từng làm hỏng mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chẳng có cuộc tranh cãi nhiều bên nào được giải quyết, không giải pháp kỹ thuật nào có được để tránh hoặc xử lý những xung đột. Với tình trạng không có kế hoạch thảo luận ngay cả vấn đề chủ quyền trên các hòn đảo đang gây tranh cãi, các bên yêu sách giờ đây chấp nhận rằng cần có vài chục năm nữa, thậm chí vài thế hệ, trước khi các mâu thuận yêu sách được hóa giải.
Va chạm được cho là có khả năng tăng lên trong khi nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc và sự lớn mạnh về kinh tế của Đông Nam Á và họ gia tăng tìm kiếm dầu, khí gas. Trong khi trữ lượng dầu khí trong vùng Biển Đông là chưa được xác định, mối hy vọng rằng có trữ lượng lớn làm cho mối quan tâm thêm mạnh mẽ. Trong khi giá dầu thế giới đạt tới mức kỷ lục, việc phát hiện ra trữ lượng đảm bảo tính thương mại sẽ càng kích động những căng thẳng và “làm biến chuyển tình hình an ninh” trong vùng quần đảo Trường Sa, theo như nhận xét của Ralf Emmers, một giáo sư trợ giảng của Trường S.Rajaratman thuộc Viện nghiên cứ Quốc tế Singapore.
Thỏa thuận của Tổng thống Arryo với Trung Quốc trong việc cùng nghiên cứu địa chấn đã gây tranh cãi trước một số nguyên tắc đối xử bình đẳng. Với nguyên tắc tham khảo trước các thành viên khác trong ASEAN, Philippines đã bỏ qua lập trường chung là chiếc chìa khóa cho thắng lợi của nhóm trước Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Mỉa mai thay, đây lại là nỗ lực đầu tiên của Manila trong việc tìm kiếm sự đoàn kết và một liên minh ASEAN để kiềm chế Trung Quốc trong việc xâm phạm vùng đảo Vành Khăn một thập niên trước. Bán một kế hoạch hành động bởi những chính khách có những mối liên hệ làm ăn, người đã có những thỏa thuận khác đang thực hiện với Bắc Kinh, bà Arroyo không thể tìm ra được đường lối cho bộ ngoại giao của bà, và khi các giới chức ngoại giao Philippines phản đối, mọi thứ trở nên quá muộn.
Các nhà ngoại giao Philippines cảnh báo Arroyo rằng việc phát triển chung có thành công ở mức độ nào đi chăng nữa thì việc hy vọng Trung Quốc nhân nhượng là điều khó có thể. Trung Quốc sẽ thống trị trong việc khai thác chung và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong ASEAN.
Mark Valencia, một chuyên gia về biển Đông nhận xét về thái độ của Philippines trong vấn đề biển Đông: “Bây giờ các chi tiết bị lộ ra do các hoạt động nghiên cứu và có tin nói rằng đây là sự bán rẻ một phần lãnh hải của Philippines” bởi vì một khu vực rộng lớn nằm ngoài khơi Palawan ở miền Nam Philippines, ép vào Trường Sa và tiếp giáp Malampaya có một mỏ sản xuất khí gas của Philippines đó là một trong sáu toàn bộ khu vực, khu vực gần nhất với bờ biển Philippines là nắm ngoài tuyên bố của Trung Quốc và Việt Nam. Mark Valencia nhấn mạnh: “Có lẽ vì mục đích chính trị cao hơn, cho nên Philippines đã đồng ý để cho các cuộc nghiên cứu khảo sát thậm chí kể cả những khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền”.
Đây là một điều nguy hiểm, trong trường hợp Trung Quốc, họ tuyên bố vùng lãnh hải của họ như hình lưỡi bò và bao trùm lấy toàn bộ vùng biển Đông và tuyên bố khu vực này là hợp pháp đối với họ và luật pháp quốc tế không có nghĩa gì ở đây. Có thể nói rằng tổng thống Philippines Arroyo gọi đây là một đột phá ngoại giao mang tính lịch sử vì hòa bình và an ninh khu vực là một ảo tưởng.
Hiện nay Trung Quốc đã tiếp cận Malaysia và Brunei một cách riêng rẽ, đề nghị về những thỏa thuận tương tự. Nếu điều này được xác nhận thì Trung Quốc sẽ xuyên thủng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và những tuyên bố của các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc sẽ giành quyền khai thác toàn bộ khu vực biển Đông. Và với thắng lợi mang tính lịch sử này, Trung Quốc sẽ ghi đậm dấu ấn lịch sử trong biển Đông vào đầu thế kỷ 21.
Theo bản tin AFP ngày 29/2/2008 Philippines đang nâng cấp những cơ sở quân sự trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Đại tướng Pedrito Cadungog Tư lệnh Không quân Philippines nói rằng bãi đáp phi cơ ở đảo Kalayaan, là hòn đảo lớn nhất trong những hòn đảo hiện được quân đội Philippines chiếm đóng, sẽ được làm dài ra và sửa sang lại để bảo đảm cho bay vận tải loại C-130 có thể tiếp tục hạ cánh ở đó.
Ông cũng nói thêm là những khu gia binh dành cho binh lính cũng sẽ được tân trang, nâng cấp.
Theo Đại tướng Cadungog, hiện tại, quân đội Philippines vốn được trang bị nghèo nàn không thể bảo vệ được những gì mà Philippines cho là của mình. Tuy nhiên, những sự nâng cấp trên đảo Trường Sa này không nên xem như là một sự tăng cường dần lực lượng quân sự.
Trước đó, theo đài GMANews.TV ngày 30/1/2008, Đổng lý Văn phòng Tổng thống phủ Eduardo Ermita của Philippines ngày 23/1/ 2008 cho hay là ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao điều tra để xác minh tính xác thực của một báo cáo cho rằng chính phủ Đài Loan đã xây dựng một cơ sở gồm cả một phi đạo trên một đảo trong quần đảo Trường Sa (đảo Ba Bình) đang còn tranh chấp .Ông Ermita nói rằng ông chưa nhận được tin tức gì hay báo cáo gì về chuyện cơ sở Đài Loan này nhưng ông sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao kiểm chứng điều này và xác định chuyện này sẽ ảnh hưởng đến những đòi hỏi chủ quyền trên những quần đảo hiện nay sẽ xảy ra như thế nào.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu DFA cho chúng tôi biết họ nghĩ gì về chuyện này và đề nghị chúng tôi sẽ đáp ứng như thế nào,” Ermita nói.
Ermita nói thêm rằng, theo ông biết, hiện đang có một thoả thuận giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc về việc khai thác và phát triển (dầu khí) ở vùng đảo Trường Sa. Thỏa thuận chung này cấm những hoạt động trong quần đảo này mà không thông báo cho các nước khác biết trước.
Ông Ermita nói rằng điều quan trọng là “có một sự thỏa thuận cấp quốc gia giữa ba nước.”
Được hỏi sự thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng Đài Loan như thế nào, vì Trung Quốc vốn cho Đài Loan là một tỉnh ly khai của mình, và Đài Loan không là một quốc gia đứng ra ký sự thỏa thuận này, ông Ermita cho hay: “Chúng tôi có chính sách một Trung Quốc, cho nên chúng tôi chỉ biết làm việc với một chính phủ đó là chính phủ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên phương diện này.”
Trong khi đó, Đài Loan đã bắt đầy xây dựng một phi đạo dài 1.150 mét vào khoảng giữa năm 2006 ở đảo Ba Bình, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Cả Bộ Quốc phòng và Ngoại giao của Đài Loan đều thông báo rằng việc xây dựng phi đạo này gần như hoàn tất. Máy bay quân sự của Đài Loan C-130 đã đáp xuống phi đạo này vào đầu tháng 1 năm 2008 để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm hòn đảo này của Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển ngày 22/1/2008.
Còn theo bản tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Manila ngày 24/3/2008, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Đại tướng Hermogenes Esperon cho biết ông đã bị bà Arroyo khiển trách khi ông báo cáo là chuẩn bị đến thăm dãy đảo Kalayaan (Trường Sa). Theo lời tướng Hermogenes Esperon, bà Arroyo, Tổng thống Philippines nói rằng bà rất muốn đến thăm các đảo này trong tương lai gần đây.
Nhưng theo tờ The Philippine Star ngày 26/3/2008, trích lời Chưởng lý Eduardo Ermita nói bà Arroyo “không tới”quần đảo mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group (KIG) tuy tái khẳng định chủ quyền của Philippines với quần đảo này.
Theo ông Ermita cho biết, vào tháng 12 năm 2007, tổng thống Philippines đã cấp 50 triệu peso cho Ủy ban về Hàng hải và Hải dương học (CMOA) để nghiên cứu tổng hợp dữ liệu chuyển cho LHQ khẳng định chủ quyền của Philippines trước ngày 13/5/2009.
Từ giữa tháng 2/2008 đến nay, một làn sóng của phe đối lập đòi bà Arroyo từ chức bởi theo các lời cáo buộc, chồng bà Arroyo đã gây áp lực để Tập đoàn viễn thông ZTE Trung Quốc( China’s ZTE Corp.) trúng thầu dự án xây dựng mạng lưới internet cho các cơ quan trong chính phủ Philippines trị giá 329 triệu USD và đồng sự của Arroyo đã nhận hơn 100 triệu USD ( luật sư Jose Miguel Arroyo, đồng minh thân cận của tổng thống Arroyo cũng bị nghi dính líu tới scandal này). Phe đối lập còn cáo buộc, khi Trung Quốc lập huyện Tam Sa trên vùng đảo tranh chấp giữa các nước trong khu vực, Tổng thống Arroyo và chính phủ Philippines gần như hoàn toàn im tiếng vì đã nhận món tiền hối lộ này.
Ngày 14/3/2008, tác giả Raul Pangalangan trên Nhật báo Philippines Inquirer đã bình luận: “Quyền của chúng ta đối với các đảo của mình có xuất phát điểm từ Hiệp ước Hòa bình 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ: “Tây Ban Nha nhượng cho Hoa Kỳ quần đảo được biết như là các hòn Đảo của Philippines, và bao gồm những đảo nằm trong phạm vi đường ranh giới dưới đây: ….” Điều này có ý nghĩa đặc biệt, vì Trường Sa nằm trong những đường ranh giới được phân chia đó thuộc phạm vi quy định của hiệp ước đó. (Hoa Kỳ đã trả cho Tây Ban Nha tổng cộng 20 triệu USD). Nó có thể không phải là một thỏa thuận mua bán bất động sản nguyên nghĩa, trừ phi là chúng ta, những dân bản xứ có nước da ngăm ngăm, chỉ ngẫu nhiên nằm trong cái thỏa thuận cả gói – và khởi sự gây chiến tranh một cách đầy kiêu hãnh”.
Việc tác giả tác giả Raul Pangalangan nhắc lại Hiệp ước Hòa bình được ký giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ tại Paris ngày 10/12/1898 thì sự thật như thế nào? Và Philippines thật sự có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hay không?
Đọc lại Điều 3 của Hiệp ước hòa bình Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ chúng ta thấy rõ:
“Tây Ban Nha nhượng lại cho Hoa Kỳ quần đảo được cho là thuộc Philippines, bao gồm các đảo nằm trong các tuyến sau:
Đường chạy từ Tây sang Đông dọc theo hoặc gần vĩ tuyến 20 vĩ độ Bắc, xuyên qua eo Bachi mà tàu bè đi lại được, từ kinh tuyến thứ 118 đến 127 kinh độ Đông Greenwich, từ đó chạy dọc theo kinh tuyến 127 thuộc kinh độ Đông Greenwich đến vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc và từ vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc đến phần giao nhau với kinh tuyến 119o35’ phía Đông Greenwich và từ đây kéo đến vĩ tuyến 7o40’ thuộc vĩ độ Bắc, từ tọa độ này kéo dài đến chỗ giao nhau với kinh độ 116 thuộc kinh độ Đông, và chạy thẳng đến chỗ giao nhau giữa vĩ tuyến 10 thuộc vĩ độ Bắc với kinh tuyến 118 thuộc kinh độ Đông Greenwich rồi trở về khởi điểm. Hoa Kỳ sẽ trả cho Tây Ban Nha số tiền là 20 triệu US.D trong thời hạn 3 tháng sau khi trao đổi sự phê chuẩn của hiệp ước hiện hành.”
Hiệp ước Paris, 1898 quy định Philippines nằm ở các tọa độ như đã kể trên, còn quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm vào khoảng 6o50’ đến 12o vĩ độ Bắc và từ 111o20 đến 117o20 kinh độ Đông. Như vậy cho chúng ta thấy rằng Philippines vốn là một quốc gia không có chủ quyền gì tại quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã xác định rõ: Lãnh thổ Philippines không bao gồm một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines có ý đồ từng bước tranh chiếm quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh thổ của họ về phía Tây và làm cơ sở cho yêu sách của họ trong việc phân chia ranh giới các vùng biển và thềm lục địa với Việt Nam trong biển Đông.
Những động thái gần đây ở Philippines về vấn đề biển Đông là do sự lo ngại ngày càng tăng của các nhà lập pháp Philippines cho rằng chính phủ Philippines đã không bảo vệ được các lợi ích của nước này trước sự lấn chiếm của một vài nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo các nhà lập pháp Philippines, ba nước Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã ký một thỏa thuận cùng nhau nghiên cứu địa chấn trong thời gian 3 năm (sẽ kết thúc vào tháng 6 năm 2008) và tìm hiểu trữ lượng dầu lửa - khí đốt ở Biển Đông. Tuy nhiên, thỏa thuận này có vẻ như bao trùm cả các khu vực nằm trong lãnh hải Philippines. Báo chí Philippines quy kết rằng kết cục đó là do tác động từ các khoản tín dụng mà Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở Philippines, với giá thành cao bất thường và theo điều trần của các nhân chứng trước Thượng viện thì các quan chức đã nhận được các khoản tiền lại quả khổng lồ từ các dự án đó.
Chính phủ Philippines đã từ chối công bố thỏa thuận ba bên và bác bỏ mọi sai lầm. Thỏa thuận này được ký năm 2004 giữa hai tập đoàn dầu lửa quốc gia của Philippines và Trung Quốc là Philippines National Oil Corp và China National Offshore Oil Corp. Năm 2005, tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tham gia thỏa thuận, trong khi đó các bên tranh chấp chủ quyền khác như Đài Loan, Malaysia và Brunei không tham gia.
Thỏa thuận cùng nghiên cứu địa chấn ra đời sau khi 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận năm 2002 về việc ngăn ngừa bùng nổ xung đột do tranh chấp chủ quyền Trường Sa. Thỏa thuận này nêu rõ “các bên có thể cùng nhau tiến hành các hoạt động chung cho tới khi tìm được một giải pháp giải quyết tranh chấp”.
Tuy nhiên, đầu tháng 3 năm 2008, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại tranh cãi chủ quyền có thể làm tổn hại các quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc với Philippines.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo và Bản tin tham khảo đặc biệt của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 17.3.2008 dẫn nguồn tin từ Manila cho biết một quan chức cấp cao Philippines vào ngày 15.3.2008 đã xác nhận rằng Hạ viện Philippines dự định thông qua một dự luật nhằm “kéo dài bản đồ nước này ra tới quần đảo Nam Sa ở biển Nam Trung Hoa”. Tổng thống Gloria Arroyo đã coi việc này là một ưu tiên và phía Philippines dự định thông qua dự luật này vào trước tháng 5.2009, thời hạn mà Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc yêu cầu phải đưa ra tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải.
Tin nêu rõ dự luật mang số hiệu House Bill 3216 này sẽ sửa đổi “Pháp lệnh nước Cộng hòa số 3046 của Philippines, để mở rộng đường cơ sở quần đảo Philippin ra đến quần đảo Nam Sa”(Trường Sa). Dự luật này đã trải qua vòng xem xét thứ hai tại Hạ viện vào tháng 12.2007, và dự định vượt qua vòng xem xét thứ ba và là vòng cuối cùng vào giữa tháng 3.2008. Song, phía Trung Quốc đã có hành động ngăn cản việc này, bằng cách gửi một “Thư lập trường” tới Bộ Ngoại giao Philippines “nêu lại lập trường về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Đây có thể coi như một sự kháng nghị nhẹ nhàng”, nhưng ông ta nói thêm rằng Bắc Kinh chưa từng gây sức ép đối với Manila để đòi Hạ viện Philippines rút bỏ dự luật trên”.
Vào cuối Tháng Một và đầu Tháng Hai năm nay (2009), Thượng viện và Hạ viện Philippines đã thông qua hai dự luật khác nhau, mỗi dự luật chọn một đường cơ sở khác nhau. Ngày 9/2/2009, trong một buổi họp lưỡng viện để giải quyết vấn đề này, Philippines đã chọn một trong hai đường cơ sở này để làm đường cơ sở mới.
Ngày 28/1/2009, Thượng viện Philippines thông qua dự luật SB 2699 về đường cơ sở mới với số phiếu áp đảo 15-0. Theo SB 2699, đường cơ sở của Philippines sẽ không bao quanh Scarborough Shoal, hiện đang là đối tượng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, và không bao quanh các đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ủy ban Ngoại giao và Ủy ban Vụ Biển và Đại Dương Philippines (Commission on Maritime and Ocean Affairs) ủng hộ dự luật này.
Sau đó, ngày 2/2/2009, Hạ viện Philippines thông qua dự luật HB 3216, quy định một đường cơ sở khác, với số phiếu áp đảo 171-3.Theo dự luật HB 3216, đường cơ sở của Philippines sẽ bao quanh phần lớn quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Scarborough Shoal.
Ngày 10/3/2009, Tổng thống Gloria Arroyo đã ký ban hành luật xác định đường cơ sở trên biển Đông. Đạo luật này khẳng định chủ quyền của Manila trên hơn 7100 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Phillipines, cũng như một số đảo tại quần đảo Trường Sa và Scarborough Shoal, một chuỗi đảo nhỏ khác ở vùng biển Đông.
Ngoài việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, chủ trương của dự luật này vi phạm lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia và Brunei và đe dọa quyền lợi trên Biển Đông của tất cả các nước trên thế giới.
Ngày 12/3/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động của các bên liên quan ở khu vực này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý”. “Việt Nam phản đối việc làm trên và đề nghị Philippines có thái độ kiềm chế, không tiến hành những hành động tương tự, tránh làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Philippines”.
Xu thế của chính sách về biển Đông của Philippines sau Chiến tranh Lạnh đến nay là “Dùng hành động đơn phương, tăng cường sự kiểm soát thực tế và tuyên bố thể hiện chủ quyền đối với những đảo bãi chiếm lĩnh”. Những biện pháp cụ thể chủ yếu gồm: Tăng cường tuần tra đối với các đảo, bãi đã chiếm; bắt giữ hoặc xua đuổi các ngư dân nước khác đánh cá ở các vùng biển phụ cận; thông qua các thủ đoạn xây dựng hải đăng ở các đảo; chiếm lĩnh, tăng cường tuần tra quân sự ở vùng biển phụ cận bãi đá Vành Khăn, để thực hiện chủ quyền; tích cực thúc đẩy thực hiện hiện đại hóa hải quân và quốc phòng, nhất là thúc đẩy tăng cường lực lượng hải quân của không quân sau sự kiện bãi đá Vành Khăn; xây dựng đường băng ở đảo Thị Tứ; trù tính thông qua gọi thầu xây dựng hệ thống ra-đa ở quần đảo Trường Sa, tăng cường giám sát, khống chế đối với các công trình của các khu vực khác. Đồng thời, Philippines không ngừng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông, dùng việc đưa vấn đề Trường Sa ra Tòa án Công lý Quốc tế để gây sức ép. Philippines không ngừng tăng cường gây thanh thế trong dư luận trong nhiều hoạt động ngoại giao, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Trường Sa.
Đối với các nước ASEAN, Philippines kêu gọi các nước này có lập trường nhất trí về vấn đề biển Đông và thông qua ASEAN nhằm tuyên truyền, thúc đẩy “Quy tắc ứng xử” ở biển Đông do Philippines đề xuất, để tăng cường quyền phát ngôn của Philippines đối với vấn đề biển Đông. Philippines đã nhiều lần kêu gọi để ngăn ngừa dùng vũ lực khống chế biển Đông, ASEAN cần “có chung tiếng nói” về vấn đề biển Đông. Tháng 11 năm 1995, Philippines và Việt Nam đạt được thỏa thuận về “Quy tắc ứng xử”, mục đích là duy trì ổn định ở khu vực tranh chấp đã chiếm lĩnh ở Trường Sa (tức đại bộ phận quần đảo Trường Sa). “Quy tắc ứng xử” bao gồm lấy luật pháp quốc tế làm căn cứ, thông qua đàm phán thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp Trường Sa. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Singapore tháng 7 năm 1999, Philippines đưa ra “Quy tắc ứng xử” này với lý do nhằm ngăn ngừa việc các bên tranh chấp biển Đông “xây dựng công trình mới” và “mở rộng đất đã chiếm” ở các đảo, bãi đã chiếm, nhưng bản dự thảo “Quy tắc ứng xử” chưa được hội nghị chấp nhận, cũng không đạt tới thỏa thuận. Trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ 3 và Hội nghị thượng đỉnh 10+3 tháng 11 năm 1999, Philippines lại đưa ra dự thảo “Quy tắc ứng xử”, nội dung bao gồm: Không có hành động nhằm đi vào những đảo, bãi hiện chưa chiếm cứ; thông báo cho các nước hữu quan những chính sách quan trọng sẽ ảnh hưởng tới khu vực, trên thực tế là giữ nguyên hiện trạng. Tại Hội nghị này, “Quy tắc ứng xử” lại trở thành vấn đề chủ yếu, nhưng trong quá trình thương lượng, do bất đồng ý kiến khá lớn giữa Trung Quốc và ASEAN và trong nội bộ ASEAN nên vẫn chưa được thông qua.
Một vấn đề hết sức đáng chú ý là Philippines muốn mượn sức mạnh của Mỹ, để tăng cường kiềm chế Trung Quốc. Năm 1992, sau khi Mỹ rút quân khỏi Philippines, nước này vội dựa vào lực lượng quốc tế để tăng cường quyền phát ngôn của mình về vấn đề biển Đông, trong đó ý đồ rõ ràng nhất là kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Tháng 1 năm 1998, Mỹ và Philippines ký “Hiệp định về thăm viếng lẫn nhau giữa lực lượng hai nước”, khôi phục giao lưu quân sự giữa hai bên với nội dung cơ bản là diễn tập quân sự chung và tàu quân sự thăm viếng lẫn nhau; căn cứ vào hiệp định này, diễn tập quân sự chung “vai kề vai” giữa hai nước được tổ chức nhiều lần. Những năm gần đây, quan chức cao cấp chính phủ và quân đội Mỹ còn lần lượt đến thăm Philippines thảo luận hợp tác quân sự, Mỹ lần lượt đạt được hiệp định cho phép tàu chiến và máy bay Mỹ có quyền vào căn cứ quân sự và hải cảng của nước này để tu sửa, tiếp tế hậu cần, từ đó từng bước hoàn thiện hệ thống tác chiến và bảo đảm hậu cần của Mỹ ở các căn cứ quân sự này. Năm 2000, Mỹ đồng ý giúp đỡ Philippines hiện đại hóa quân đội và đặt kế hoạch trong 3 năm sẽ viện trợ quân sự 700 triệu USD cho Philippines, còn Philippines thì đồng ý cho Mỹ bí mật khôi phục một căn cứ hậu cần, đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Clark và Subic ở phía Bắc Philippines trong tình trạng khẩn cấp. Từ cuối năm 2002 trở lại đây, hai bên Mỹ-Phi lần lượt ký nhiều hiệp định quân sự và thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực biển Đông với sự tham gia ngày càng đông hơn của các nước khu vực và quy mô không ngừng mở rộng. Điển hình là năm 2003, quân đội Philippines và Mỹ lần lượt tiến hành diễn tập chung “Vai kề vai 2003” và “Clark 2003”, lấy bối cảnh là tác chiến chi viện Trường Sa. Gần đây, để tiếp tục duy trì chiến lược có lợi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngăn chặn và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng tích cực những tay vào vấn đề biển Đông và lôi kéo các nước ASEAN đặc biệt là Philippines.
TRUNG QUỐC-ĐÀI LOAN
Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển đã khuấy động dư luận tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông bằng chuyến thăm của ông nhằm khẳng định chủ quyền về vùng đảo vào đầu tháng 2 năm 2008. Cả Đài Loan và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Trường Sa.
Vậy mà chuyến thăm của ông đã được phụ hoạ bằng kế hoạch cùng nghiên cứu và thực hiện các công việc khác trong tương lai bởi các bên đang yêu sách về vùng đảo, tuy nhiên chuyện đó còn những khó khăn cho việc thực hiện do những lý do ngoại giao, nhấn mạnh tới một lợi ích quan trọng trong sự dính líu của Đài Loan tại khu vực – nó thực sự khẳng định sự hiện diện của Đài Loan giữa các láng giềng quanh vùng biển Đông Nam Á và Trung Quốc.
Các nước láng giềng, bao gồm Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc Biển Đông; Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Philippines, Malaysia và Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa tại phía Nam.
Đảo Ba Bình (Itu Aba) – đảo lớn nhất thuộc các đảo của Trường Sa (0,18 dặm vuông) và cách Đài Loan khoảng 1000 dặm về phía Tây Nam – cùng với quần đảo Trung Sa (Tungsha-Pratas) – cách Đài Loan khoảng 260 dặm về phía tây nam – nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan từ năm 1956 với sự hiện diện về quân sự, điều kiện thuận lợi và các đơn vị hành chính nhằm bảo vệ cho những tuyên bố về lãnh thổ của mình.
Vào ngày 2/2/2008, Tổng thống Trần Thủy Biển đã đáp chuyến phi cơ vận tải Quân sự C-130 và – là lần đầu tiên một tổng thống Đài Loan – đáp xuống Đảo Ba Bình, được nối tiếp bởi một chuyến thị sát tới đảo Trung Sa vào ngày 10/2/2008, là chuyến đi thứ ba thuộc loại đó của Trần Thủy Biển kể từ khi nhậm chức năm 2000. Các bên khác có yêu sách chủ quyền với Trường Sa đã tuyên bố quan ngại của mình trước việc Đài Loan chủ động cho xây dựng một đường băng với đường dẫn bằng bê tông dài 3.800 bộ, rộng 100 bộ trên đảo Ba Bình, bắt đầu vào năm 2005.
Đài Loan quả quyết rằng đường băng là để bổ sung thêm cho các điều kiện canh gác bờ biển trên đảo trong tình huống khẩn cấp và các hoạt động cấp cứu nhân đạo. Các nhà sinh thái và một số nhà lập pháp của đảng đối lập Trung Hoa Dân quốc [Kuomingtang-KMT] đã chỉ trích kế hoạch của chính phủ trong việc xây dựng đường băng trên Đảo Ba Bình, trong khi những người đề xướng cho việc này lập luận rằng nó sẽ tăng cường cho sự khẳng định chủ quyền từ lâu của Đài Loan đối với những hải phận bị tranh chấp và yêu sách hợp pháp đối với chủ quyền lãnh hải.
Đài Loan là một trong những quốc gia đòi chủ quyền đã thiết lập lần đầu tiên một sự hiện diện quân sự và sử dụng quyền pháp lý hữu hiệu trên quần đảo Trường Sa kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.Trung Quốc, kẻ chậm chân trong cuộc đua tranh đảo này, đã khởi động cuộc chiếm đóng của mình trên đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross) năm 1988.
Trong mấy thập niên, các học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát biểu ý kiến không chính thức đánh giá cao Đài Loan trong việc bảo vệ Đảo Ba Bình bằng cách duy trì hoạt động tuần tra liên tục trên Biển Đông trước khi Bắc Kinh đặt bước chân đầu tiên của mình lên Trường Sa. Tuy nhiên, việc quản lý của Đài Loan qua chính sách của họ đối với vùng Biển Đông không hề gây ấn tượng mạnh.
Chính sách của Đài Loan đối với vùng Biển Đông từ những năm 1970 đến 1990 có thể được diễn tả như là một sự tự kiềm chế và ôn hòa. Khi những đảo đã được chính quyền Đài Loan tuyên bố chủ quyền bị xâm chiếm bởi các nước đòi chủ quyền khác, thì Đài Loan đã không có những động thái quân sự cụ thể mà chỉ đơn giản đưa ra những công hàm ngoại giao để kháng nghị về hành động xâm phạm vào lãnh thổ của mình.
So sánh với đường băng được Việt Nam xây dựng trên Đảo Nam Yết, của Malaysia trên Đảo Đá Hoa Lau và Philippines trên Đảo Chungye Dao, Đài Loan và Trung Quốc là hai nước duy nhất đòi chủ quyền nhưng không duy trì đường băng tại Trường Sa cho tới năm 2007. Đài Loan đã không tăng cường khả năng quân sự của mình trên Đảo Ba Bình cho tới khi Trung Quốc và Việt Nam đã làm việc này từ năm 1988, năm mà Trung Quốc đã đến Trường Sa bằng một cuộc chiến tranh xâm lược.
Trong hai năm 1999-2000, Đài Loan đã gây ngạc nhiên cho nhiều nước khi tuyên bố rằng họ đã giảm bớt sự hiện diện về quân sự trên đảo Ba Bình và Paratas Island. Vào lúc cao điểm, số quân sĩ trú đóng đạt tới 500. Tháng 2 năm 2000, quyền quản lý các đảo này được chuyển từ Bộ Quốc Phòng sang Cơ quan Tuần Duyên. Sau đó, Đài Loan cũng đã giảm bớt số lượng tàu thuyền trú đóng trong vùng quần đảo này, nhưng lại tăng thêm một số nhân sự bảo vệ bờ biển để giải quyết những xung đột đánh bắt hải sản trong vùng biển quanh đó và đánh giá tình hình bố phòng an ninh ở đây.
Đài Loan vẫn duy trì và hoạt động lực lượng không quân và vũ khí hạng nặng của mình tại vùng đảo này, mặc dù chỉ có 10 binh sĩ trú đóng trên đảo – cộng với 190 nhân sự canh phòng duyên hải – so với 90 của Malaysia,100 của Philippines,600 của Trung Quốc và 2.000 của Việt Nam.
Trái với cái ý niệm sai lầm được Trung Quốc theo đuổi rằng Đài Loan đang gặp khó khăn và đã trả giá cho việc đòi hỏi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này với Trung Quốc hay với ASEAN cốt để khẳng định vị trí của Đài Loan chỉ như một tỉnh của mình, những động thái có tính chiến thuật của Đài Loan chủ yếu vì sự thiếu vắng một chiến lược tổng quát đối với vùng Biển Đông và một cấu trúc phòng thủ hợp lý. Các nhà phân tích an ninh quốc phòng ở tất cả các cấp đã phê phán quyết định của chính phủ và tha thiết hối thúc chính phủ Đài Loan hãy tái kiểm chính sách rõ ràng đã sai lầm của họ.
Việc xây dựng một đường băng nhằm làm bệ đỡ cho tuyên bố chủ quyền của Đài Loan và sự chiếm đóng có hiệu quả tại Đảo Ba Bình về lâu về dài là một dự án ưu tiên theo nhìn nhận của các nhà phân tích an ninh tại Đài Loan. Tổng thống Trần Thủy Biển lần đầu tiên nên lên ý tưởng ghi dấu Đài Loan như là một quốc gia trên biển vào năm 2000, mặc dù tiêu điểm chính của ông không phải là Biển Đông mà là mối quan hệ với Trung Quốc qua Eo Biển Đài Loan.
Chỉ sau khi Trần Thủy Biển tái cử vào năm 2004 và việc đưa ra bản Báo cáo về An ninh Quốc gia năm 2006, chính quyền của Đảng Dân Tiến (DPP) mới bắt đầu nhấn mạnh tới sự quan trọng của những lợi ích trên biển, vấn đề được coi như là một trong những mối quan ngại to lớn về an ninh mà quốc gia này phải đối mặt.
Bản báo cáo thúc giục chính phủ nâng cao vị thế đối với những quyết nghị về các vấn đề trên biển – chế biến và “tận dụng các nguồn tài nguyên biển cho sự phát triển lâu dài, phối hợp hành động cùng các quốc gia dân chủ trên vùng biển, và cùng nhau đáp trả những thách thức trên biển”. Thế rồi, cái quyết định - tạo nên phần chính yếu cho vấn đề Biển Đông cũng được chuyển từ Bộ Nội vụ sang cho Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2006.
Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc và tiện nghi cho bến cảng trên hai đảo này, chính phủ Đài Loan còn mở ra tại Đảo Trung Sa tuyến du lịch thuê bao và xây dựng tại đảo một công viên quốc gia thứ sáu của Đài Loan vào năm 2007. Tổng thống Trần Thủy Biển đã thăm Trung Sa trong ba chuyến đi, lần thứ nhất vào tháng 12 năm 2000 rồi tháng 7 năm 2005 và cuối cùng là vào tháng 2 năm 2008. Sự điều chỉnh lại trong khâu quản lý từ Bộ Quốc phòng sang Cơ quan Tuần Duyên có thể giúp cho việc phát triển cơ sơ hạ tầng tại hai đảo Paratas và Ba Bình từ năm 2000 được mềm dẻo hơn.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu [Liu Jianchao] đã tránh bình luận trực tiếp về chuyến đi trước đó của Tổng thống Trần Thủy Biển tới Đảo Ba Bình, và chỉ tuyên bố rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên vùng quần đảo Nam Sa và vùng biển liền kề. Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp tại vùng Biển Nam Trung Hoa thông qua sự trao đổi thân thiện với các nước liên quan và cùng với họ bảo vệ hòa bình và ổn định cho khu vực”.
Trung Quốc đã giữ quan điểm khiêm tốn không mang tính đặc trưng trong sự giải thích thông thường của nó rằng mọi đường băng hay phương tiện trên vùng Biển Đông được Đài Loan xây dựng cũng thuộc về Trung Quốc. Tính toán của Bắc Kinh là đường băng sẽ gián tiếp trợ giúp cho sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực mặt đối mặt với các nước ASEAN khác đang có yêu sách chủ quyền.
Trung Quốc đã thiết lập Học viện Nhà nước Nghiên cứu về Biển Đông tại tỉnh đảo Hải Nam như là một tiêu điểm cho mọi liên hệ - và như một đối tác cho những thảo luận về vấn đề Biển Đông – với Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan. Các đại biểu từ Học viện Nhà nước đã thăm viếng Đài Loan tháng 11 năm 2007 và trong các cuộc thảo luận đã biểu lộ không có mối quan ngại lớn trong vấn đề xây dựng đường băng trên Đảo Ba Bình.
Họ còn tránh tiết lộ bất cứ những bước phát triển đã qua nào giữa Trung Quốc và ASEAN trong việc hoàn thành bản Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông, mặc dù nó đã được bày tỏ rằng nếu như một nước có yêu sách chủ quyền nào lờ đi chính quyền Đài Loan ở Đài Bắc trong những cuộc đàm phám, thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng trao đổi và đáp lại những câu hỏi từ Việt Nam và Philppines trên những vấn đề liên quan tới đường băng này bởi một Thỏa thuận ba bên cùng Nghiên cứu Địa chấn Biển năm 2005.
Việt Nam cho đến lúc này đã đưa ra phản ứng cứng rắn nhất đối với vấn đề đường băng trên Đảo Ba Bình, chủ quyền của Việt Nam. Sau thành công của chuyến C-130 vận tải quân sự của Đài Loan bay thử tới đảo vào ngày 24/1/2008, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã công khai nhấn mạnh là Đài Loan “phải ngừng ngay hành động này không được có những hành động vi phạm tương tự”. Ngày 2/2/2008, Lê Dũng nói Việt Nam hơn nữa “lên án chuyến viếng thăm của người lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển đến Đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa”.
Việt Nam tin rằng đó là “một hành động leo thang cực kỳ nghiêm trọng, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa, gây nên tình trạng căng thẳng và rắc rối thêm trong khu vực. Đài Loan phải chịu trách nhiêm hoàn toàn đối với mọi hậu quả do hành động của họ gây ra”.
Philppines coi vụ đường băng của Đài Loan trên Đảo Ba Bình như là một vấn đề có tính ngoại giao và chính trị hơn là sự kiện có tính quân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Alberto Romulo chính thức đưa ra lời phát biểu bày tỏ “mối quan ngại đối với sự tiến triển được loan báo này, nó đã chống lại những nỗ lực của các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong việc cùng nhau đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực phù hợp với bản Tuyên bố chung về nguyên tắc ứng xử trong vùng Biển Nam Trung Hoa”.
Bộ trưởng Romulo cũng tuyên bố “tiếc rằng Đài Loan đang thường xuyên nhắm tới điều có thể được coi như một sự thiếu trách nhiệm về chính trị gây bất lợi cho những người dân Đài Loan yêu chuộng hòa bình”.
Đài Loan và Philippines đã đưa ra đề nghị trợ giúp nhau trong những nhu cầu khẩn cấp trong vùng đảo đang tranh chấp. Ví dụ, thông qua sự sắp xếp của Tổ chức Chữ thập Đỏ và hợp tác cấp cứu, máy bay của Philippines đã một lần bay qua Đảo Ba Bình để thả thuốc men cứu trợ xuống cho các nhân viên Tuần Duyên Đài Loan. Tháng 11 năm 2007, chính phủ Philppines đã nhờ Đài Loan giúp đỡ tìm kiếm toán quân tập trận S211 bị mất tích trong những cuộc thao diễn trong vòng 50 hải lý về phía bắc Đảo Ba Bình.
Mặc dù trong sự thiếu vắng những thỏa thuận theo đúng nghi thức cho việc hợp tác chính thức với các nước yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Đài Loan từ lâu đã tiến hành tập trận có hạn chế tại khu vực tranh chấp, và Đài Loan có thể muốn trở thành bên tham dự và ký kết vào bản Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Đài Loan ủng hộ cho ý tưởng tạm thời xếp lại những tranh chấp chủ quyền để tìm cách cùng phát triển, quản lý và giữ ổn định trên vùng Biển Đông.
Năm 1995, khi đó – Tổng thống Lý Đăng Huy của Đài Loan đã đề nghị cho một Công ty Phát triển Biển Đông có số vốn 10 tỉ USD được thành lập, với những lợi ích của nó từ các hoạt động được sử dụng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN. Trong lúc các nước có yêu sách chủ quyền đang tập trung chú ý của mình vào vấn đề đường băng, họ đã không bình luận gì về cái gọi là Sáng kiến Trường Sa chỉ được công bố bởi Tổng thống Trần Thủy Biển tại quần đảo Trường Sa, qua đó Đài Loan có thể đóng góp cho hòa bình trên vùng đảo này.
Trong bốn điểm được nhấn mạnh tại Sáng kiến Trường Sa của Trần Thủy Biển, trước hết ông cam kết rằng Đài Loan sẵn sàng chấp nhận trên nguyên tắc bản Tuyên bố về việc Hướng dẫn những Ứng xử trong vùng Biển Đông, và ông ủng hộ cho những biện pháp hòa bình trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và pháp lý.
Thứ hai, Trần Thủy Biển đề nghị rằng các nước đã quan tâm đến một thỏa thuận hãy công nhận khu vực này như một vùng bảo vệ sinh thái nơi mà việc khai thác tài nguyên cạn kiệt sẽ bị ngăn cấm.
Thứ ba, Trần Thủy Biển đưa ra một kế hoạch cho các nhà sinh thái và môi trường quốc tế quản lý việc nghiên cứu trong một cơ sở chính quy quanh khu vực Đảo Trung Sa, Đảo Ba Bình, và Đá Chữ Thập nằm ở giữa Đảo Ba Bình và Đảo Đá Sơn Ca do Việt Nam trấn giữ.
Thứ tư, Trần Thủy Biển cổ vũ cho một sự thiết lập một trung tâm phi chính phủ nghiên cứu Biển Đông dùng làm kênh ngoại giao thứ hai nhằm giảm bớt sự căng thẳng trên vùng Biển Đông.
Vào ngày 10/2/2008, Trần Thủy Biển đã sửa soạn công phu trong ý kiến của mình về việc thiết lập một khu vực bảo tồn sinh thái biển ở vùng Biển Đông, được đóng tại Micronesia Challenge, nơi khởi đầu cho hiệp ước ngoại giao Paula của Đài Loan tại Nam Thái Bình Dương để “duy trì trên thực tế ít nhất 30% hải quân gần bờ và 20% tài nguyên trên mặt đất trên toàn khu vực Micronesia vào năm 2020”.
Sáng kiến Trường Sa của Trần Thủy Biển có thể chứng tỏ là rất khó được thực hiện đầy đủ một khi Đài Loan không có được những mối ràng buộc ngoại giao với các nước có yêu sách chủ quyền khác. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tìm thấy lợi ích của họ trong việc phối hợp với Đài Loan trong những dự án hợp tác chung trên Biển Đông, mặc dù nó sẽ là một cơ sở ưu tiên thứ hai hơn là những nỗ lực đưa Đài Loan vào một nhóm thuộc chương trình hợp tác đa biên.
Một cơn khủng hoảng trên eo biển Đài Loan có thể rất dễ dàng gây bùng nổ một hiệu ứng dây chuyền và những căng thẳng leo thang trên vùng Biển Đông. Ví dụ, trong những kịch bản rất hiện thực của những cuộc đối đầu quân sự được phác họa tại các vòng cung phòng thủ của Đài Loan, có một mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể khởi sự một cuộc phong tỏa lâu dài các tuyến trên biển của hệ thống thông tin liên lạc Tây Nam Đài Loan.
Nếu như có sự lo sợ nào đó, Đài Loan bị Trung Quốc thâu tóm, Trung Quốc từ đó sẽ chiếm giữ hai hòn đảo lớn nhất trên Biển Đông. Nếu điều đó xảy ra, có lẽ sẽ là quá muộn cho các nước trong khu vực Đông Nam Á để nhận ra rằng Đài Loan hay sự hiện diện quân sự của nó trên vùng Biển Đông có thể, trên thực tế, chỉ là cái miếng đệm giữa họ và lực lượng quân sự của Trung Quốc mà thôi./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lawyers group slams Palace on NBN, Spratlys issues, Inquirer (Phillippines) 8-3-2008.
2. No sell-out in Spratly deal--energy execs -- Activists call for Arroyo to resign, march to Palace, Inquirer (Phillippines) 8-3-2008.
3. Spratlys deal constitutional, say administration senators, Inquirer (Philippines 10-3-2008.
4. Truth, Half-truth and Lie,Inquirer (Phillippines) 9-3-2008.
5. Spratlys treason?, Manila Standard Today, 11-3-2008
6. JdV clears Arroyo on Spratlys deal, Manila Standard 11-3-2008.
7. Public has right to know Spratlys accord, ABS (Phillipin) 11-3-2008.
8. Spratlys deal jeopardized Philippine territory, security, Inquirere (Philippines) 11-3-2008.
9. Accord with RP, Vietnam conducive to peace – China, Manila Bulletin 13-3-2008.
10. Proposed baselines: War or surrender, Inquirer (Philippines) 14-3-2008.
11. A Spratly Islands 101, Philippine Daily Inquirer (Philippines), 14-3-2008
12. A Treaty of Peace Between the United States and Spain, U.S. Congress, 55th Cong., 3d sess., Senate Doc. No. 62, Part 1 (Washington: Government Printing Office, 1899), 5-11.