Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
907
123.197.032
 
Vàm Cỏ Đông Mùa Mắc Cạn
Phùng Phương Quý

Một ngày đầu tháng 3, đứng trên cây cầu bắc qua sông Nhật Tảo thuộc phường 1 Thị xã Tân An, tỉnh Long An, bất chợt tôi phát hiện dòng sông chia thành hai nửa đục, trong. Đem thắc mắc này hỏi một cư dân bên bờ sông: “Có phải nước sông Nhật Tảo chia thành hai dòng trong đục từ hồi cụ Nguyễn Trung Trực đốt tàu chiến Pháp?” Ông già lắc đầu: “Hổng phải đâu chú em! Đó là dòng hợp lưu của sông Vàm Cỏ Đông nước đỏ và sông Sài Gòn nước xanh đó mà. Từ hồi nào tới giờ lận.” Tự nhiên tôi muốn tìm đến điểm hợp lưu để ngược sông Vàm Cỏ Đông. Tại sao nước Vàm Cỏ Đông lại đỏ nhỉ? Nhạc sĩ Trương Quang Lục mấy chục năm trước có viết “Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông. Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng cơ mà?”

 

Vàm Cỏ Đông gặp sông Sài Gòn ngay ở Củ Chi, nước không đổ mà chỉ hơi đục so với nước sông Sài Gòn. Chỉ có thể quá giang đò dọc đến Trảng Bàng, rồi bó tay. Sông Vàm Cỏ Đông đang “mùa mắc cạn” như lời một ngư dân trên sông. Không phải cạn nước. Mùa mưa năm nay đến sớm, nước sông đang dâng lên cuồn cuộn. Mắc cạn vì đám lục bình sinh sôi nảy nở kinh hoàng, ken dày kín mặt sông từ bờ bên này sang bờ bên kia, thi thoảng gặp khúc sông rộng hay chảy vòng, lục bình mới giãn ra một khoảng nước hẹp đủ cho ghe xuồng chạy qua. Lục bình ken kín mặt sông không phải vài cây số mà hàng chục cây số, từ trên thượng nguồn phía Tây Ninh đổ về. Tàu ghe mắc kẹt trong đám lục bình, ì ì vừa chạy vừa tìm đường. Những chiếc ghe chạy máy cole 12 xịt khói mù mịt, vài phút lại phải nâng chân vịt lên khỏi mặt nước để khỏi bị rễ bèo cuốn vào. Người dân ở đây cho rằng sông Vàm Cỏ Đông đang bị ô nhiễm nặng, nước thải từ các nhà máy chế biền mì, những lò mì thủ công, nhà máy mía đường…đang là chất nuôi dưỡng lý tưởng cho bèo lục bình.

 

Đành đi xe buýt đến Gò Dầu. Đến cầu Xoá Nợ (cầu Gò Dầu) tôi xuống xe vì tò mò cái tên dân gian gọi đầy ấn tượng. Chị phụ nữ ngồi cùng xe đã kịp cho tôi biết lai lịch cái tên ấy. Những con bạc khát nước bên đất Việt ôm nhà cửa tài sản qua mấy casino bên đất Campuchia tính chuyện đỏ đen, khi trắng tay nợ chồng chất không biết làm sao, về qua cầu này liền nhảy xuống sông tự kết liễu cuộc đời. Nợ nần được xoá sạch. Đoạn sông này nước chảy xiết và sâu, rơi xuống kể như nhập hộ khẩu Hà Bá.

 

Tôi may mắn lên được chiếc đò ngược bến Cẩm Giang. Hơn ba chục người khách chỉ 7-8 người đi không như tôi, còn lại là dân buôn lậu thuốc lá. Thuốc lá lậu gom từ các đường tiểu ngạch phía cửa khẩu Mộc Bài về, họ đều có những sợi dây chun buộc quanh người, trên bắp tay, bắp chân rồi gài cả cây hay từng bao thuốc lá bên trong quần áo. Mấy người này đi đứng cứng khừ trông như rô bốt. Chiếc đò tỏ ra không sợ đám lục bình vì dùng máy công suất lớn. Tôi thót tim khi chứng kiến màn biểu diễn “bay trên lục bình” của tài công. Chiếc đò chợt chững lại, về số, tăng ga bay vút lên là là trên đám lục bình rồi hạ đuôi ầm một cái xuống nước, lại vê côn vút lên cú nhảy mới. Mỗi cú nhảy như vậy  đò bay được chừng 10m. Rồi đột ngột, chiếc đò quay mũi lao roàn roạt vào con rạch nhỏ ngun ngút dứa dại. Tôi hoảng hốt không biết chuyện gì, còn hành khách trên đò thì dửng dưng nói với nhau: “Đụng cớm rồi!”. Một “rô bốt” nữ tuổi ngoài 40 cười khành khạch. “Bây giờ có di động khoẻ re. Chỉ ới nhau một tiếng là biết liền. Mấy năm trước hả? Phải cho một chiếc xuồng nhỏ chạy trước dọ đường, trên xuồng có cây sào dài buộc tấm ni lon xanh đỏ. Nếu nhìn thấy đằng xa cây sào hua hua là biết có công an, cảnh sát đường sông đang chờ “đón tiếp” , lủi cho lẹ”.

 

Xuôi dòng Vàm Cỏ từ cầu Gò Chai nối xã Long Vĩnh với xã Ninh Điền huyện Châu Thành về bến Long Giang huyện Bến Cầu, tôi theo chiếc đò tấp vào đây, rồi đi xe ôm chạy quay lại khoảng 10 cây số về thị trấn Bến Cầu thăm chú Năm Hoà, nguyên Huyện đội trưởng đã nghỉ hưu. Anh chàng xe ôm thậm chí còn biết cả chú Năm. “Ông Năm Khờ- me hả! Tui biết nhà ổng mà. Ông này tánh Trương Phi lắm, thấy ông cán bộ huyện nào làm quấy ổng chửi te tua à.” So với lần gặp trước đầu năm ngoái, chú Năm có vẻ chậm chạp hơn. Cô con gái lớn nói ông hồi này bị lãng tai và mắt loà. Chú Năm vốn là một chiến sĩ an ninh từng học ở C500 ngoài Hà Nội từ những năm 1955- 1956. Năm 1961 chú trở lại quê hương chiến đấu, là cận vệ nhiều năm của tướng Cao Văn Kiếm ở Trung ương cục, rồi phụ trách đường dây điệp báo của ta từ miền Đông xuống miền Tây nam bộ. Năm 1976 đang là huyện đội trưởng huyện Bến Cầu, được cấp trên bí mật điều động sang Campuchia giúp bạn xây dựng lực lượng, vì chú vốn giỏi tiếng Khơ-me. Từng nhập quốc tịch Campuchia, làm tới Tỉnh trưởng tỉnh Cămbốt. Năm 1979 sau khi chế độ Khơ me đỏ bị đánh bại, chú về Tỉnh uỷ Tây Ninh xin giấy giới thiệu sinh hoạt đảng sang Phnômpênh không được. Mấy ông cán bộ tỉnh uỷ nói. “Đồng chí chuyển sang bên ấy khi nào chúng tôi có biết đâu?”  Chú la trời. Cấp trên biểu đi thì tui đi chớ. Tui còn dặn bà xã ở nhà đóng đảng phí mỗi năm giùm mà. Sợ mất Đảng, chú xin về quê Bến Cầu, một năm vác cần đi câu cá để chờ cấp trên xác minh. Tuy “mất chức” Huyện đội trưởng, sau đó chú lại được tín nhiệm bầu vào thường vụ huyện uỷ, nhận chức Chủ tịch MTTQVN huyện, về hưu rồi còn tham gia Chủ tịch Hội CCB huyện mấy năm nữa.

 

Chú Năm cho tôi hai miếng khô mển, một loại thịt sấy khô đặc sản bên Campuchia. “Thằng Chan-un lính cũ của tao cho đó. Bây giờ nó làm Tỉnh trưởng tỉnh Xiêm Riệp, hồi gần Tết qua công tác bên Tây Ninh có về Bến Cầu tìm tao. Tới huyện đội Bến Cầu hỏi, mấy thằng sĩ quan trẻ nói hổng biết Năm Hoà là cha nào(???). Mầy thấy kì cục hông? Vậy mà ra đường hỏi dân họ chỉ vô nhà ngay chóc. Thằng Chan- un to cao, đen thùi lùi, ôm tao khóc hụ hụ như con nít, nói ba chục năm rồi mới gặp thủ trưởng. Nó hỏi có thiếu thốn gì nó lo. Tao biểu lương hưu hai ông bà gìa sống khoẻ, chắc không cần gì đâu. Thấy chiếc bình nước điện thì thích mà mắc quá, hơn hai triệu lận. Nó nói vậy mua cho thủ trưởng hai chiếc luôn”. Chú lôi trong tủ ra cho tôi xem một đống khung kiếng, từ Huân chương Độc lập đến Huân chương chiến sĩ vẻ vang và Bằng, giấy khen. Tao cất đi chớ khoe ai bây giờ. Tôi xin chụp một tấm hình, chú ngần ngừ rồi đồng ý. Lấy ra bộ lễ phục mầu trắng cuả sĩ quan, gắn đôi quân hàm Thiếu tá vào, chú cười buồn. “ Tại cấp trên tin tưởng, điều tao rày đây, mai đó hoài nên vẫn thiếu tá thôi hà. Về nhà tao gai mắt thấy mấy đứa ở huyện, ở xã làm quấy là cự liền, nên tụi nó ngán, lâu nay có ai mời họp hành gì đâu, bộ lễ phục nầy để mốc”.

 

Dù dòng sông bị lục bình vây cản, tôi vẫn thích ngược Vàm Cỏ Đông bằng đò máy. Xuống bến Long Giang, lên đò dọc và hì hục vừa chạy vừa gỡ lục bình, phải mất hai giờ đò mới tới Cẩm Giang huyện Gò Dầu. Tài công nói nếu không vướng lục bình, chỉ chạy chừng nửa giờ. Bờ sông bên phải cặp mí quốc lộ 22B, bờ bên trái đồng ruộng bát ngát cánh cò, lúa đang đỏ đuôi. Nước sông tràn vào kênh rạch, đem lục bình theo đậu kín chân ruộng. Sở KHCN của một tỉnh đang tính dùng máy cắt bèo lục bình để giải cứu dòng sông nhưng không xuể. Năm ngoái trong cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh tại Bến Sỏi xã Thành Long sát biên giới Cam pu chia, bà con nông dân có đề xuất ý kiến nhà nước hỗ trợ dân “uýnh” lục bình, một vị lãnh đạo nói Sở KH-CN đã có dự án nhưng tốn hơn 1tỉ đồng mà ngân sách tỉnh hạn hẹp quá. Ông Tư Đảnh nông dân ấp 5 Bến Sỏi nói tỉnh ruị: “Không cần tiền tỉ đâu. Vụ lục bình nầy tui trị được mà!” Rồi UBND tỉnh mời ông xuống họp, trình bày cách “uýnh” bọn xâm lăng lục bình trên sông. Rồi uỷ ban tỉnh cấp cho ông Tư hơn 4 triệu đồng mùa 200m cáp nhựa phi 80 làm thí điểm. Dây cáp chăng ngang mặt sông nơi dòng chảy hẹp nhất, lục bình trôi về mắc lại dày đặc có thể đi bên trên. Bấy giờ dùng nhân công lùa lục bình chảy về hướng Long An, gặp nước mặn là chúng tự chết, hoặc có một máy tời chúng lên bờ, cho nhà máy phân bón làm phân vi sinh. Hôm tôi ghé Bến Sỏi, có vào thăm ông Tư Đảnh hỏi xem “dự án lục bình” tới đâu rồi. Ông cười buồn. Tui đảm bảo suốt chiều dài 71km sông Vàm cỏ Đông, chỉ 20 ngày là tui “uýng” tan lục bình. Mấy ông lãnh đạo tỉnh nhiệt tình ủng hộ lắm, nhưng khi tôi trình dự án tới cơ quan chức năng thì mấy cha ở đó biểu. “Dự án phải tiền tỉ mới duyệt. Ông dự tính có hơn một trăm triệu thì tụi tôi làm chùa cho ông hả?” Tư Đảnh bực mình lắm, tính gặp phó chủ tịch tỉnh để nói rõ vụ này mà còn do dự chưa đi.

 

Thấy một mái chùa cong vút bên cạnh bờ sông, tôi dừng lại. Chùa Cẩm Phong vươn lên cao, phần sân chùa núp bóng mấy cây cổ thụ râm mát. Ngày chủ nhật nên khách thập phương về khá đông, chủ yếu từ thành phố HCM và miền Tây lên. Những bao gạo, xấp tiền đem tới chùa gởi gắm làm từ thiện. Trụ trì chùa là Thượng toạ Thích Định Tánh, một nhà sư dáng dấp khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, quanh năm đi chân đất. Thầy Tánh vừa bỏ tiền nhà ra xây cất lại ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn hai trăm năm. Quốc lộ 22B vừa nâng cấp đã cao hơn nền chùa xưa nhiều lắm. Cổng chùa xưa với bức đại tự CẨM PHONG TỰ giờ bị lấp một nửa, chỉ nhô lên khỏi mặt đường khoảng 1,5m. Chùa giờ khang trang với năm tầng gác mái cong theo kiến trúc chùa Huế. Chùa còn có tên là chùa Quan Huế để tưởng nhớ tới vị quan triều đình nhà Nguyễn được cử vào đây tiễu trừ giặc thổ phỉ, giữ yên miền biên ải. Xong cuộc chiến đã treo ấn từ quan, về đây phát cây dọn đất dựng chùa tu hành. Tại chùa hiện đang nuôi dưỡng 114 cụ già, người tàn tật cô đơn và 72 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt. Những đứa trẻ ở đây đều được mang vô chùa từ khi mới sinh và bị bỏ rơi. Chúng đều được chăm sóc, nuôi dạy tử tế. Có 5 em đang học lớp 10 - 11, hơn 40 em học tiểu học và trung học cơ sở. Số này được chùa đóng tiền cho học bán trú. Còn mấy chục cháu ở độ tuổi mầm non, sư trụ trì thuê hai cô giáo đến dạy tại chùa. Cẩm Phong Tự cũng là địa chỉ tin cậy của những nhà từ thiện muốn góp công quả giúp người nghèo, người hoạn nạn. Sư Tánh quanh năm tất bật với những chuyến đi tặng quà cho người nghèo các huyện biên giới; các địa phương bị thiên tai, nghèo đói từ Cao Bằng, Bắc Cạn tới Hà Tiên. Thầy Tánh khoe vừa tổ chức mổ mắt miễn phí cho hơn 500 người nghèo. Tội nghiệp chúng sanh! Sắp tới thầy còn ra Bắc làm vụ mổ mắt từ thiện nữa. “ Nói thiệt với con, chùa nầy mấy năm trước nhỏ lắm, có một sư trụ trì thôi. Năm 1996 sư trụ trì trước đó rất trẻ, mới ngoài ba mươi. Có con nhỏ học lớp 12 bên kia sông hay bơi xuồng qua chùa ngồi học cho mát, ai dè sư trụ trì yêu nó, rồi bị Giáo hội Phật giáo đuổi khỏi chùa. Vậy nên bây giờ thầy chăm sóc lũ trẻ như là trả nợ trần gian vậy đó”.

 

Tôi được chùa bố thí bữa cơm chay cùng khách vãng lai. Đậu hũ kho thơm, rau củ, dưa mắm thái…ngon và lạ miệng vô cùng. Tiếng mõ tụng kinh vọng xuống, thinh không trầm bổng câu niệm Nam mô a di đà Phật, mặt sông dày nghẹt lục bình vẫn vô tư trôi xuôi. Hình như nhà chùa đang bàn tới việc nhận một cụ già 85 tuổi vào Dưỡng lão đường. Bà cụ hiện không còn nhà cửa phải đi ở nhờ, mặc dù có hai người con, một trai một gái. Tôi tò mò hỏi thăm địa chỉ và biết bà cụ Hai Chậm trú tại ấp Trường Lưu, xã Trường Đông cách chùa vài cây số. Sau cơn mưa khá lớn tối qua, bà Hai Chậm bị mệt, biếng ăn. Chiếc lều lợp bằng tấm bạt cũ, che chắn mấy tấm phên tre, bám vào đầu tường một ngôi nhà khác. Chị Ba Tuyết con gái bà chừng năm mươi tuổi bị mù, đang dò dẫm từng chiếc nan đan phên bán lấy tiền nuôi mẹ. Mỗi tấm phên bồ dài 4m, rộng 80cm bán được 12.000đ, nhưng tiền thuốc cho bà cụ có ngày tới 30.000đ. Tô cơm của chị Tuyết thấy đỏ những muối ớt. Hơn 10 năm nay hai mẹ con phải đi ở nhờ hàng xóm. Nhà cửa đất đai đã bán khi chị Tuyết có chồng. Anh ta bảo bán đi, chia cho mẹ một nửa về ở với anh Hai, còn hai người một nửa làm vốn hành nghề đốt than. Cuối cùng anh chồng ôm tiền lặn một hơi. Bà Hai Chậm bị con trai, con dâu đem trả cho cô em gái mù vì tiền bán nhà “má ăn hết rồi”. Bốn tháng trước, ông Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã đên tận nơi báo tin mừng với bà Hai, rằng một Mạnh thường quân sau khi đọc báo biết gia cảnh hai mẹ con đã ủng hộ 60 triệu giúp bà Hai cất nhà, giờ xã đang tìm cho bà một miếng đất nữa là xong. Vậy mà chờ daì cổ một trăm hai chục ngày, không thấy gì. Bà Hai tính nhờ nhà báo hỏi giùm thì ông chủ tịch Hội tìm đến cô nhà báo năn nỉ đừng viết về mẹ con bà Hai Chậm nữa, giờ còn nhiều người đáng được quan tâm hơn kìa. Như bà xã của ông đó, mắc bịnh ung thư mà vẫn ráng tham gia công tác phụ nữ xã… Còn vụ nhà tình thương, người ta hứa vậy mà chưa có gởi tiền về. Bà Hai Chậm phàn nàn: “ Rõ ràng ổng tới nói với tôi xã nhận được 60 triệu rồi mừ?” Không muốn tham gia vào việc “tiền bạc của quan xã”, thầy Tánh nói sẽ nhận bà cụ về chùa để nuôi dưỡng, nhưng bà Hai Chậm lại lo lắng, mình vô chùa con gái ở với ai? Với lại đi rồi lỡ uỷ ban xã không cất nhà tình thương cho thì sao?

 

Tôi tìm được cô nhà báo nọ. Ngồi trong quán cà phê ven đường, nhìn xuống dòng sông lặng lờ, uể oải trôi với sin sít màu xanh thẫm của lục bình. Mùa này lục bình chưa trổ hoa, nếu không Vàm Cỏ Đông sẽ có tên mới là Sông Tím. “Hay là em cứ điều tra rồi viết tiếp vụ bà Hai Chậm? Chẳng lẽ số tiền 60 triệu biến đi đằng nào?” Cô nhà báo ngúc ngắc cái đầu nhỏ dễ thương, hỏi ý kiến tôi. Cũng như dòng sông đang ken kín lục bình kia, phải tìm cách nào cho xuồng ghe đi lại được chớ. Tôi nói đùa. “Để từ từ rồi anh có ý kiến. Bây giờ đói quá không nói được đâu”. “Ôi trời! Anh nhắc em mới nhớ. Mình đi ăn tiệc đi. Nhà nhỏ bạn làm lễ cúng cầu tổ nghiệp lớn lắm, nó mời từ mấy bữa trước. Mười giờ rồi, chắc đã cúng xong, mình vô đi anh”. Tôi cảm thấy mình gặp may. Chắc họ cúng lễ tổ nghiệp nghề sông nước. Vào đó vừa được đánh chén, vừa có dịp tìm hiểu phong tục tập quán.

 

Từ bờ sông đi vào chừng 500m là tới nhà lễ. Một chiếc rạp dựng trước sân đông nghịt người. Trong nhà đang rộn rã tiếng chiêng trống. Tôi không kịp đón ly trà đá từ tay cô chủ nhà gầy như con cá sặt khô, vội cầm máy ghi âm chen vào đám cúng lễ. Ông thầy pháp bận áo dài đen, tay cầm mảnh vải đỏ khoảng 2m đang bỏ bộ từng bước theo cách hát bội. Trên bàn thờ là chiếc đầu heo lớn chưa luộc. Ngoài sân là 5 đĩa thịt heo sống cắt thấu từ bì tới xương sườn. Bánh trái, hoa quả, thuốc nước bày la liệt. Ông Tám cha chồng cô chủ khoe với tôi. “Chú mần hai con heo lận. Một con 85 kí để cúng thịt sống, một con 45 kí đem quay. Cứ ba năm chú Tám phải cúng tổ nghiệp một lần. Năm nay tiện làm lễ cúng luôn cho con nhỏ cháu nội. Nó 12 tuổi rồi, mình phải cúng cầu cho cháu nó mạnh khoẻ, thông minh”. Thầy pháp ra hiệu cho chú Tám đưa tiền lễ. Chú lật đật móc trong túi ra tờ bạc 5 ngàn đặt lên đĩa. Một tay chống nạnh, một tay giơ cao tấm vải đỏ, chân phải chống gót về phía trước, thầy cúng hô to: “Dả..dả (dạ …dạ) Cửa trung ương hãy mở thầy vào. Các đạo âm binh nội ngoại nghe lời thầy dảy (dạy) a…a…a”. Tấm vải được đập mạnh xuống đất nổ bụp như ném pháo. Tôi mỉm cười . Trò này dễ ợt. Sau phần lễ, tôi có mượn tấm vải của thầy cúng thử giơ lên vụt xuống nhưng nó cứ bay phất phơ, không quật nổ bôm bốp như ông thầy được. Ông thầy nhìn tôi cười giễu. “Không yểm âm binh vô đó làm sao chú uýnh được ma tà chớ”. Nhìn thực khách hơn trăm con người đang chúc tụng nhau bên các mâm rượu, tôi nghĩ còn lâu gia chủ mới giàu có được. Mỗi đợt cúng tổ tốn kém gần chục triệu đồng, làm sao căn nhà không tuềnh toàng, rách nát thế kia chứ? Tôi hỏi chú Tám, vậy chứ cụ tổ nghiệp của chú là nghề gì? Ông nói cụ làm nghề…thầy pháp!!! Là như mấy thầy phù thuỷ hay đi ém bùa, trừ tà ma chữa bịnh trong dân gian.

 

Thuỷ ở ấp Suối Dây xã Tân Đông huyện Tân Châu trông già hơn tuổi ba mươi mốt, có cửa hàng bán vật liệu xây dựng khá lớn. Mấy hôm nay sông Vàm Cỏ Đông “mắc cạn” hàng không lên được, khách hàng giục dữ quá, chị quyết định mướn ghe lớn về thẳng miền Tây gom hàng. Tiện chuyến xuôi, chị tính chở cát về Củ Chi, lúc ngược sẽ chở tro dừa và phên lá dừa nước từ Long An lên. “Anh Hai có về thành phố thì đi chung ghe với em cho vui. Thằng chồng em nó ham nhậu lắm, cho đi chuyến nào là hao bạc triệu. Lần nầy cho ở nhà coi cửa hàng”. Tôi thấy máu trong người chảy rần rật. Chẳng lẽ lại một dịp may nữa đến với mình. Được ở chung ghe với cô chủ xinh đẹp suốt một ngày một đêm về tới Sài Gòn. Nhưng tôi chỉ tưởng…bở thế thôi. Thuỷ rất nghiêm túc. Chuyến xuôi dòng Vàm Cỏ Đông chẳng có chuyện gì xảy ra, chỉ thời gian chậm hơn dự định vì lục bình vẫn dày đặc. Chiếc ghe chầm chậm trôi xuôi, máy chỉ để nhẹ ga, sợ chân vịt bị vướng rễ lục bình.

 

Trời trong xanh, nắng tháng ba không gay gắt lắm, cũng bởi gió trên sông ào ạt thổi. Lục bình vẫn xanh thẫm mặt sông, bình thản trôi, mặc kệ những lo toan, giận hờn, những buồn vui đang sôi lên dọc hai bờ nắng gió.

                                                              

Vàm Cỏ Đông tháng 3/2009

Phùng Phương Quý
Số lần đọc: 2141
Ngày đăng: 07.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký ức tháng tư - Ban Mai
Để có tác phẩm hay... - Sương Nguyệt Minh
Miền Tây vòng tay thân ái - Võ Quê
Về Huế Thơ Mừng Gặp Người Kinh Bắc - Võ Quê
Ngồi lại với Huế…. - Mang Viên Long
New Orleans – thành phố u buồn - Ngô Kế Tựu
Quảng Trị , cuộc đất nghĩa tình - Mang Viên Long
Truân chuyên đường tới Việt y đạo. - Hà văn Thùy
Người mẹ trẻ và nỗi đau da cam - Vũ Ngọc Tiến
Phú Quốc mùa biển lặng - Huỳnh Kim