(Trích tôi của Đỗ Thượng Thế, NXB Hội Nhà văn, 1/2009)
Đỗ Thượng Thế để trong lòng tôi một cái tên lạ. Thơ của Đỗ Thương Thế để trong lòng tôi một nhịp điệu lạ, dẫu rằng không bình yên, không xun xoe dịu dàng (nếu không muốn nói là vô cùng gây cấn, gây hấn với lý trí ). Điều dễ dàng nhận ra ở thơ của Đỗ Thượng Thế là : “những thao thức tìm tòi không chịu dễ dãi khi lao động với những con chữ. Dường như đối với Đỗ Thượng Thế, thơ là một “cứu cánh” đưa anh vượt lên cái đời thường khó nhọc này như một kẻ mộng du”( Báo văn nghệ trẻ 8/10/2006 Nguyễn Việt Chiến). Đúng là nhà thơ “chịu chơi” với ngôn từ, với lý trí, ý chí ám chướng, mê hoặc của cõi “ta bà”. “Hồi hộp khói hải hồ đêm/ hiện lên đôi cánh bay hộc tốc về cực miền ký ức/ là nơi em thiết gì phải đến/ chỉ niềm tiếc nuối con tàu thời gian luôn thám hiểm/ những tảng băng đe nghiêng trong lòng ngực trái/ trầm tích ánh trăng bật run/ nụ hôn tươi rói tình đầu” (Mãnh lực một câu ). Đó là những câu thơ nói về khát vọng cái đẹp, cuộc sống và ước muốn vượt thoát những miền biên giới của cách thể hiện thơ giản đơn, “cổ điển”, mà anh phải dùng rất nhiều âm lượng, chuyển nhiều biến tấu, mơ hồ, quanh co.
Đọc “trích gì ở tôi...” của nhà thơ Phùng Tấn Đông viết “bạt” cho tập thơ có cảm nhận tất thảy tất thảy rất “tri âm tri kỷ”. Thứ ngôn ngữ trùng điệp, “rừng rực ấm nóng, bỗ bã thân tình” kia, đặc sệt chất “Quảng Nam hay cải”, “lý luận vô vi” kia ( tưởng như hội tụ tinh hoa ở cố thi sĩ kỳ dị Bùi Giáng ) đã giải mã, tường tỏ, phân minh tập thơ trích tôi lắm lắm ! Anh bảo “Đọc “trích tôi” thấy ngay đây là một giọng lạ. Lạ là vì kẻ viết “bập” ngay vào cuộc giao đãi ít nhiều đỏng đảnh của thơ hôm nay với bạn đọc bằng những cơn rồ dại chữ, những chữ rừng rực ấm nóng, những chữ bỗ bã thân tình, mặc bạn thích hay không-kẻ viết như nhủ thầm- tôi cứ “ trích tôi” mà tỏ bày trò chuyện. Thì có chi trịnh trọng đâu, chỉ là “cái thằng tôi quê bần”, một thằng ngươpì cứ nãi hồn hậu thơ ngây, mãi không chịu lớn khôn bằng cách xa rời kí ức. đọc “trích tôi” cảm nhận được chất lửa đam mê cuộc chữ, cuộc người, lúc nào tác giả cũng thích đẩy mọi cảm nhận, mọi suy gẫm đến tận cùng, đến chót ngưỡng, đến rời rã bã bời để truy tìm bằng được cảm giác thơ, vẻ đẹp thơ”. Viết chí lí chi li như thế là đã đời “con vụ”. “ Những con vụ trụi trần/ ném thâm vào cuộc/ còn cách nào khác được/ ngoài/ cuồng quay/ những con vụ cuống cuồng/ hun hút bóng trong đau/ xão thuật vẽ lòng vòng chóng mặt/ tin yêu nhạt nhoà vành môi khoé mắt/ xoay theo chiều bão giông” ( Những con vụ). Thật không dễ dàng chút nào khi đọc thơ của Đỗ Thượng Thế để lĩnh hội, để cảm nhận, để thăng hoa. Những câu chuyện, những hình ảnh quen thuộc với ta từng ngày nhưng anh có cách nhìn, cách thể hiện mới, lý giải mới, viết mơ hồ, gián đoạn, cắt dán làm bạn đọc lý thú mệt nhoài. Như ở bài Gửi Jerry (3), anh viết “ném quả táo ra ngoài cơn mơ/ phàm người/siêu tốc độ/ tha hồ phô diễn/ tha hồ ngấu nghiến/ tha hồ ngươi.../cái chớp mắt/ trụi sạch bài ca ê ơ nội đồnglấm lem bầy trẻ nít/ biến mất hốc hang lưu cữu bóng đêm/ dẫu bóng đêm là bản gốc/ là bầu sữa thiêng/ là máu mẹ/ là lời ru ám ảnh cực cùng”.
Có cảm nhận chung, rằng đỗ thượng thế chọn lọc rất kỹ các đề từ,ý tứ và sắp xếp ngôn ngữ sao cho lạ, sao cho nhịp điệu không bằng phẳng, êm ái, dễ chịu, nên cảm xúc thơ anh khô, rát, vạch rơm rạ mùa hè mới mong tìm ra cỏ xanh mùa xuân. Nhiều bài anh thành công, có sức ám ảnh, như Người ơi-quái vật ba chân, biến tấu lũ, trích tôi...Nói tưởng ngang ngang, “bạo loạn tâm can”, “mộng du í ới” là vậy, nhưng sức “lắng”, “lặng” của Đỗ Thượng Thế cũng Tinh, chắc, cô đọng cũng tới tận cùng, sầu đau cũng ngút ngàn, mỏng manh tơ sợi cũng “run rẩy rung rinh lá” ( chữ dùng của nhà thơ Xuân Diệu). “ Đêm/ giằng co với chữ/ mảnh vỡ thuỷ tinh/ cứa vào giấc ngủ/ bề sắc nhọn/ khôn lường rộng sâu/ thước của đêm dài ngắn/ tâm chữ trong đáy tim đau/ thổn thức những vì sao/ trôi về phía sáng/ những trang giấy/ rực rỡ / lên hương.../-màu-đêm-trắng.( Chữ và đêm)
“Cách tân là yêu cầu văn chương mọi thời đại, là trách nhiệm của người cầm bút chân chính. Xét trên tiêu chí này, Đỗ thượng Thế đã dũng cảm gồng mình “quăng thân vào gió bụi” giằng co với chữ” (Nguyễn Chiến). Tại sao thơ hay lại chỉ xét trên tiêu chí kia ? Hay nhà thơ Phùng Tấn Đông viết :“ Trích tôi nhiều lúc sự nghĩ ngợi lấn áp sức cảm nhận dễ có cảm giác người viết ham chữ. Cũng có khi tác giả có quá nhiều duyên nợ với những thi liệu cũ...” thì hẳn xem lại ? trúng phóc thì sao ? Chưa đúng thì sao ? Dẫu sao 32 bài trong tập trích tôi là “nặng ký”, là đáng đọc, là đáng suy nghĩ. Bởi tác giả của nó rất trân trọng độc giả ở chỗ không dễ dãi chút nào với thơ ca, cả nội dung và hình thức. Sự cần mẫn, nghiêm túc khi viết, chăm chút kỹ lưỡng khi in ấn không phải cũng đáng quí lắm ru ? Thử đọc: “tháng giêng tắm nước cỏ mực/ đất đai láng da non/ ngát ngát ngây ngây miền hương ổi dại/ chào mào đít đỏ một lùm,hai lùm.../tưng hứng...tưng hứng/ gió thầm lối cỏ um/ chừng đâu một lứa mươi bé/ bất ngờ tuổi bói/ ngực áo nhú mẩy/ xập xoè...xập xoè....” ( Giấc mơ tưng hứng, xập xoè...) thì rõ là rất riêng, rất Đỗ Thượng Thế, rất hy vọng./.