Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.250
123.154.988
 
Nước Nhảy Lên bờ
Nguyễn Đặng Mừng

Trận mưa gọi là tiểu mãn hồi tháng ba ngập hết cả ruộng khoai sau rú. Khoai mới hai tháng moi về bốc mùi thối như phân người, heo cũng chê. Bà con lại mất công gánh đi đổ, phải đổ cho xa nơi ở để khỏi phải ngửi cái mùi kinh khủng đó. Từ đầu đến cuối làng nồng nặc mùi khoai thối. Đi họp phân chi hội thằng Thỉ bô bô “đứa mô ăn khoai túi ni xin mời ra ngoài cươi (sân) mà ngồi, ngồi trong nhà lỡ… ra không ai chịu nổi”. Thỉ gọi tôi bằng chú trong phái. Thanh niên chúng tôi tối nào cũng họp ở nhà Nhan, cô ấy làm phân chi hội trưởng, nhà Nhan chỉ có hai mẹ con nên được thoải mái. Có việc thì họp không có chi cũng nói tầm phào cho vui.  Tối lại không biết làm chi, ngồi nhà suy nghĩ nhiều thêm đói bụng.

 

Vụ đông xuân lại mất mùa. Được bao nhiêu phải bán nghĩa vụ. Mỗi xã viên chia được vài chục ký lúa. Bà con lên sân đội gánh về nhiều nhất là… rơm.

 

Gió Lào thổi ù ù qua cánh đồng khô khốc, rát đến ruột gan. Bà con từng đội uể oải vác cuốc ra đồng cuốc đất thải. Mùa hè thu chỉ sản xuất trên một phần ba cánh đồng vào những nơi thấp, hoặc có nước tưới.

 

Ruộng phần trăm (1) được hợp tác xã chia cho từng hộ để tính vào việc chăn nuôi. Những khoảnh ruộng được cắm vè, mỗi hộ chừng vài trăm mét vuông. Bà con đầu tư nhiều phân tro cho đám ruộng cá thể của mình, thường năng suất gấp nhiều lần so với ruộng hợp tác. Mùa hè thu trước đây gọi là mùa trái, như đánh bạc, năm được năm mất.

 

Lúa mùa trái năm nay xanh tốt, nhất là ruộng phần trăm.  Qua rằm tháng bảy có đám bắt đầu chín, gọi là lúa đỏ đuôi. Người ta dự đoán là năm nay mỗi xã viên cũng được mươi thùng lúa. Hy vọng nhen nhúm trong lòng bà con.

 

Trời báo hiệu mưa bằng những ngọn gió bấc lành lạnh, ráng mây đỏ rực phía đằng đông,  từng đụn mây đen kéo về nghịt trời. Sấm chớp phía biển ầm ào dội vào. Những lão nông lo lắng, chú Gàn buồn rầu nhìn trời than: “Tháng bảy nước nhảy lên bờ, coi chừng rồi đói ngất ngư cả làng”. Đến chiều dãy núi phía Trường Sơn chìm trong mây, báo hiệu mưa nguồn. Đến nửa đêm, cơn mưa dội xuống mái tôn lạt rạt, lào rào. Mưa kéo dài đến sáng. Những chân ruộng thấp nước ngập đến nửa thân lúa.

 

Nước lên tới đâu bà con tranh thủ gặt ruộng phần trăm tới đó. Tôi mượn chiếc ghe chú Gàn cùng Nhan xuống gặt ruộng Mơn, ruộng phần trăm  của  tôi và Nhan sát nhau. Nhan kêu tôi bằng chú chớ không bà con chi. Quê tôi con gái nhỏ hơn con trai năm ba tuổi là gọi bằng chú, cho ra vẻ… con gái nết na. Tôi chống sào sau, Nhan cầm chầm bơi trước. Buổi sáng nước chỉ ngang bắp chân. Hai chú cháu gặt đến trưa nước lên ngang bụng, không còn thấy lúa đâu mà gặt, lúa cũng gần đầy ghe. Mưa đổ rát mặt. Nhan trước tôi sau đẩy ghe lúa về.

 

Gió mưa thổi ngược, hai đứa đẩy hết sức mà không nhích lên nỗi.  Thỉ lội băng băng trong mưa kêu lớn: “Giữ đừng cho ghe lặn”. Tôi và Nhan cứ bặm môi ghì chặt hai mạn ghe. Thỉ đến bên nói lớn: “Có cái thau đây nì, để tui giữ ghe cho, o Nhan tát nước ra đi”. Nhan tát một chặp mỏi tay lại đổi cho Thỉ, hắn tát thiệt nhanh, một chút đã hết nước. Ghe nổi lên, đẩy nhẹ hơn nhiều. Nhan có vẽ mệt, mặt tái xanh. Thỉ nhìn Nhan cười cười : “Thôi o ngồi luôn lên ghe cho khỏe, níu vô ghe thêm nặng”. Đoạn hắn nhanh tay xốc nách Nhan bỏ lên ghe, đưa cái thau bảo “việc o chừ là tát nước”. Mưa ngớt, nước không còn nhiều, Nhan ngồi tát từng vệt nước nhỏ như chơi đồ hàng. Mỗi lần Nhan hắt nước là Thỉ đếm “năm,  mười, mười lăm, hai mươi…” rồi cười khềnh khệch “ Tướng o mà cũng bày đặt đi cắt lúa nước lụt, ở nhà chơi đồ hàng với chú Bình cho rồi”. Thỉ nhìn tôi cười châm chọc.

 

Cặp ghe ở cống nước gần nhà, tôi và Thỉ vác lúa về chất trước sân. Thỉ vuốt vuốt đầu tóc ướt nhẻm, nhìn tôi rồi nhìn Nhan cười cười “ Kiểu ni lấy chắc rồi mần chi mà ăn”.

 

Mưa một đêm tầm tả. Khuya nghe tiếng heo kêu, mạ con tôi thức dậy, nước đã vào nhà. Lội trong nước bạc lạnh ngắt, bụng đói chân run. Tôi lôi  heo lên bàn giữa, nơi an toàn nhất, nó kêu ré lên rồi nhảy ùm xuông nước. Đèn lại tắt. Mò mẫm theo tiếng kêu, tôi chụp được chân nó, dùng hết sức lực kéo  được lên bàn. Không biết nó sợ nước hay mệt mà nằm im. Thiệt tình tôi muốn nó chết để mai được ăn tô cháo lòng cho đã.

 

Nước lên nhanh. Trời chưa sáng đã nghe tiếng í ới của bà con bên xóm Phường xóm Rào chèo chống ghe lên rú chạy lụt. Nhà tôi ở xóm chợ, nền cao nhất xóm mà nước đã vô nhà. Theo tính toán của mạ tôi, giờ này bà con dưới xóm Phường, bên làng Thi Ông, Lam Thủy nước đã chắp mái.

 

Trời sáng ra. Nước bạc dập dềnh, ì oạp. Nhà cửa tre pheo như thấp xuống. Những chiếc bè chuối chở theo heo gà kêu in ỏi lẫn trong tiếng người gọi nhau ơi ới. Những khuôn mặt chịu thương chịu khó của các mạ các chị dưới vành nón lá như tóp lại, quắt queo. Rắn nước lội loằng ngoằng trước sân, vào cả trong nhà. Tôi đánh chết một con quăng ra ngoài vườn. Rắn mai rắn hổ leo lên tre vằn vện, mấy o mấy chị sợ xanh mặt. Quê tôi không ai ăn thịt rắn. Những ngày đói kém, rắn nước đầy đồng, người ta đánh chết , sình lên hối thối mà không ai màng đến. Có lần tôi nói trong Nam rắn này gọi là rắn bông súng, ăn ngon lắm. Chú Gàn rụt cổ kinh hãi  “Ăn uống kiểu chi như mọi, chết thì thôi, ai lại ăn uống dữ  rứa”

 

Nhan vác con heo lứa chừng mười ký, chị Nị (mạ Nhan) ôm bao áo quần  lội nước theo sau qua nhà tôi. Nhan mặc chiếc áo bộ đội rách một miếng trước ngực, lộ một phần bầu vú bên trái.  Áo ướt ngang ngực, mặt Nhan tái ngắt “Mệ ơi nhà cháu lút ngang cửa sổ rồi, cho cháu gởi con heo, gia tài nhà cháu chỉ còn chừng ni…hức… hức, cháu chui vô bụi tre mới lôi nó ra được đây”. Nhan từng khoe với tôi vài tháng nữa  heo đủ bốn chục ký sẽ đem bán cửa hàng, được bán thưởng hai quần chéo đen. Tôi đón con heo run lẩy bẩy để lên bàn giữa, nơi mà mỗi lần qua nhà Nhan chưa bao giờ dám ngồi vào. (Con gái đàn bà quê tôi không ai dám ngồi bàn giữa, trước bàn thờ). Heo nhà tôi đã chết rồi. Con heo nhỏ rúc đầu vào bụng con heo lớn. Mạ tôi đưa tay áo quyệt nước mắt. Tôi thương mạ quá, quên luôn tô cháo lòng.

 

Chú Gàn và tôi mổ heo chia thành mười sáu xâu, mỗi xâu trị giá nửa thùng lúa, bán chịu cho bà con qua mùa năm sau mới lấy. Nhà nào còn lúa đâu mà đong liền. Bà con giành nhau lấy thịt, nhà tôi để lại hai xâu, chia cho Nhan nửa xâu. Chú Gàn lấy một xâu, cười hề hề “Sang năm đến mùa lên côi rú mà lấy, tau chọn huyệt rồi”. Tôi lạnh người. Chú Gàn thường nói trước những điều xảy ra. Như mấy năm trước thấy thanh niên phá bờ thửa để công nghiệp hóa nông nghiệp, chú Gàn bảo “mần ăn kiểu ni có ngày chết đói”. Chú dạy tôi gài xe đạp nước, hai chú cháu vào nước phở (2), đạp cả buổi, nước chỉ dồn về một góc ruộng. Mùa trái đó mấy đám ruộng vừa cải tạo thí điểm bỏ hoang.

 

Nhớ hồi mới giải phóng, những cán bộ đi tập kết về mở tiệc mời bà con. Mấy chú ngoài Bắc về làng thuộc thế hệ đàn em của chú Gàn thời chống Pháp, có người khi đi mới mười lăm tuổi, ra Bắc còn đi học tiếp. Nghe đâu có anh Hạ tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô. Những chuyện kể về chiến tranh sinh động lắm. Bà con chăm chú nghe, đột nhiên chú Gàn nói lớn: “Ăn đi cho tui ăn với một miếng, nói chi nói mãi, không thì tui về đây”. Mấy chú kéo lại xin lỗi chú Gàn. Ăn xong ngồi uống nước, lại chuyển qua đề tài kinh tế. Mấy chú kể ngoài Bắc nhiều mỏ lắm, nào mỏ thiếc, mỏ chì, có cả mỏ u- ra- ni -um để sản xuất bom nguyên tử. Chú Gàn bực mình nói trỏng: “Còn một mỏ nữa”, bà con hỏi mỏ chi, chú tỉnh queo: “Mỏ nói láo”.

 

Tôi trải tấm tôn lên bộ phản, lấy một ít tro phủ lên, bắc kiềng làm bếp. Nhan đi rút rơm vào, nhen lửa nấu cháo lòng.  Nhan đã lấy dây rơm cột lại chổ bị rách trước ngực, cười cười “chú cháu mình mà xấu hổ chi, chú hỉ”. Lòng heo nhiều mà chỉ có nửa lon gạo nên cháo lỏng bỏng. Mạ tôi húp một chén, thở ra, kêu nhức đầu không ăn nữa. Chị Nị cũng ăn một chén, còn bao nhiêu Nhan và tôi ăn sạch, còn thòm thèm. Chén cuối cùng Nhan đổ vào nửa muỗng ớt bột, bảo để cay cho ấm bụng. Mặt Nhan tươi lên sắc hồng, lấm tấm mồ hôi. Cháo lòng hiệu quả thiệt. Quê tôi ai cũng ăn cay, chắc để đánh lừa vị giác vì thức ăn chẳng có gì, có cơm là quý rồi, ăn với muối và ớt thiệt cay là ngon nhất! Nhan đổ thêm một ít nước tráng nồi cháo đem đến cho con heo lứa , nó táp lặp phặp. Số thịt còn lại mạ tôi muối để ăn dần, thường là để kho với nước ruốc cho có vị béo.

 

Số lúa gặt chung hôm kia nổi lều bều trước sân.  Nhan nghĩ ra cách rang lúa như làm cốm. Tôi đạp lúa bằng chân  một đầu tấm phản, đầu kia Nhan rang. Lúa chưa chín dai nhách, đạp ê cả chân cũng chỉ được vài lon. Nhan bảo lấy đũa suốt nhanh hơn. Được một ít lại bỏ vào cối giã, sàng sảy xong được vài chục lon gạo teo tóp, màu xanh như cốm. Cơm  chiều hai nhà lại ăn chung. Gạo non được đổ vài lon nấu cháo, Nhan cắt thêm bó rau muống đổ vào, bảo “để chắc bụng”, nồi cháo nửa xanh nửa trắng như cháo heo. Bốn người hì hục húp. Chắc bụng nên ngủ ngon. Chi Nị, Nhan và mạ tôi ngủ chung giường.

 

Tôi nằm một đầu tấm phản, cuộn mền nghe ếch nhái kêu, chìm nhanh vào giấc ngủ. Chiêm bao thấy tôi và Nhan được ăn cỗ, xôi thịt ê hề. Rồi lại thấy cùng Nhan ngồi ăn chè đậu huyết bên một đống lúa to đùng. Rồi lại thấy Nhan mặc cái quần Mỹ Á láng tưng, cái áo hoa sặc sở. Mông và ngực Nhan đầy đặn như mùa hè thu năm bảy lăm đi làm cỏ lúa,  sợ đỉa đến ngất đi, nằm ngữa trên bờ ruộng, mấy chị vén áo xức dầu. Khoảng bụng trắng nõn, hé một chút nịt ngực, mấy đêm sau tôi còn mơ thấy… rồi mộng tinh. Đêm này cũng mộng tinh, điều mà mấy năm này không có. Cháo gạo mới bổ thiệt!?

 

Một nửa xã viên đội chúng tôi là dân thành thị, họ đi lính chế độ cũ hoặc là viên chức, thầy giáo, y tá… Những năm chiến tranh lan rộng, họ đem vợ con vào sinh sống ở các tỉnh lỵ miền Trung. Gia đình Nhan cũng dân thành thị từ năm 1960, ba Nhan đi quân dịch đem vợ con theo ở đâu trong Huế.  Mùa hè năm bảy lăm kéo nhau về làng, ai cũng còn chút của nả, ít nhất cũng vài lượng vàng, có nhà còn cả mấy chục lượng. Thời mới về làng vui lắm, đi làm ruộng thanh niên còn hút thuốc Ru By, khói bay là là trên đọt lúa, thơm phức. Những năm thiếu thốn, nhà nào cũng phải bán dần của cải để mua thêm khoai sắn, một chỉ vàng có khi mua chưa được vài thúng sắn khô. Đến năm bảy chín thì nhà nào cũng vô sản như nhau.

 

Nước lên chậm, chưa có dấu hiệu rút,  mấp mem tới rú. Bao nhiêu chuột đồng, chồn cáo tập trung về những bụi cây dại trên rú. Sáng sớm chú Gàn  cõng con  chó Bi ngang nhà tôi, kêu “Bình ơi đi săn”, “Đi săn mô?”, “Sau rú”. Tôi  cõng con Mực theo. Ngang nhà thằng Thỉ rủ hắn dắt con Vàng cùng nhập hội đi săn. Chúng tôi đi theo đường đập, hướng về phía rú.

 

Đập là hai con đê song song của hai làng, giữa là lạch nước chảy trên  lòng cát trắng, gọi là khe, chổ rộng nhất chừng vài trăm mét. Mùa mưa nước từ những bãi cát rộng lớn, giáp ra tới các làng biển, tập  trung chảy về khe rồi đổ ra sông Vĩnh Định. Nước khe chảy ngược về hướng Trường Sơn. Nghe nói thời vua chúa, những làng có nước chảy ngược như thế thường hay làm phản, nên chính quyền phong kiến buộc trước đình làng phải đúc hai con nghê xây đầu về hướng núi. Những làng quê hiền như đất như khoai, có ai làm phản gì đâu.

 

Hồi tôi lên năm, trào Ngô Đình Diệm, những đêm mưa lớn tôi đã nghe tiếng ầm ào của nước khe chảy. Tiếng chú Gàn lẫn trong tiếng phèn la “nứt đập….nứt đập”. Trai tráng đốt đuốc, vác cuốc chạy rầm rập trong đêm mưa gió, cùng nhau ra hộ đê. Có lần làng tôi cho người lội qua khe phá đập của làng bên để giảm áp lực nước cho làng mình. Mỗi lần nứt đập là cát lấp hàng chục mẫu ruộng. Có lúc hai làng kịch chiến với nhau bằng cuốc rựa. Nghe nói thời trai trẻ chú Gàn một mình tả xung hữu đột rất kiên cường, mỗi lần vắng chú là làng tôi chịu thua. Thời đó chỉ có một thôn trưởng với chú Gàn làm xâu mà điều động dân làng nhanh chóng, hiệu quả vào những lúc gặp thiên tai lũ lụt. Nay nhiều hội nhiều đoàn mà ruộng hợp tác ngập lụt không ai thèm gặt.

 

Mỗi mùa lụt về, rất nhiều cá lội ngược khe, tìm về những  trằm cây sau bãi cát để sinh sản, gọi là mùa cá rải. Cá rải rất dể bắt. Con nào bụng cũng đầy trứng lội chậm chạp. Dân làng dàn hàng ngang đứng dưới khe ngước cá. Mỗi người cầm một cái chơm hoặc rập(3). Có những bầy cá hàng trăm con chạy ngược dòng, nước trong đến độ thấy rõ từng chú cá gáy trắng bạc chạy lặc lè bụng trứng. Bà con chơm cá dể dàng, cả phụ nữ cũng bắt được những con gáy năm ba  ký. Cá được làm mắm thín ăn tới tết, trứng cá gáy nấu cháo rất ngon. Đến mùa đông xuân, cá con  xuôi dòng khe về sông, từng vạt đen lội như trôi giữa lòng khe cát trắng, nước cạn. Trẻ con dùng rập xúc những bầy cá cấn, cá mại, cá gáy con, cá giếc về kho tiêu ăn ngon tuyệt. Suốt cả mùa đông đến hết tháng giêng chúng tôi ở ngoài khe nhiều hơn ở nhà. Hơn mười năm được thanh bình sung túc, đó cũng là mười năm đẹp nhất của làng quê tôi.

 

Rồi chiến tranh ập đến, bà con ly tán. Đến năm bảy bảy, một con đê chắn nguồn nước được hoàn thành, gọi là đại trường đê. Nước theo  những mương rảnh mới khơi chảy ra biển. Khe nước không còn chảy mạnh như xưa. Những chuyện trên chỉ còn trong chuyện kể.

 

Bầy chó được thả lên đập chạy loăng quăng, con Bi và con Mực sủa đổng vào những bụi cây hai bên đập. Riêng con Vàng của Thỉ không sủa. Nó không bao giờ sủa bậy, khi nào có mồi mới sủa, gọi là đánh.

Thằng Thỉ đi trước, hai vai nó xuội xuống như ông già. Thỉ cao một mét bảy lăm, hồi mới giải phóng, mười chín tuổi, cân nặng hơn bảy mươi ký. Có lần mấy đứa thách hắn ăn chè, một mình ăn đúng một sải tay mười lăm chén chè đậu huyết. Hắn từng tuyên bố đủ sức ngủ với con gái cả làng. Tính Thỉ bộc trực tốt bụng. Mùa gặt nào hắn cũng giành xóc lúa, công việc chỉ có những người mạnh khỏe mới làm nổi. Hắn nói nhỏ với tôi, một lần đưa gánh lúa lên vai con Nhan thế nào hắn cũng rờ ngực một cái, không biết có không. Tôi nghĩ là hắn nói dóc.

Mới mấy tháng mà trông Thỉ già đi, mặt cứ buồn buồn. Đời Thỉ là một bi kịch.

 

*

Chị Hảo mười tám tuổi lấy chồng, có mang Thỉ được một tháng thì anh Hà - cha Thỉ tập kết ra Bắc. Chị Hảo đẹp lắm. Hồi nhỏ chị hay bồng Thỉ qua nhà tôi chơi. Chị mê bói Kiều, mỗi lần chú Gàn bói xong là chị khóc. Chú Gàn lại thích thêm mắm thêm muối, bảo “số chị đa đoan, ít nhất cũng vài ba đời chồng”. Mà chị đa đoan  thiệt. Thằng Thỉ năm tuổi chị lại có mang, nghe nói với một tay cảnh sát trên quận. Thằng Thỉ em hai tuổi chị lại có mang, lần này nghe nói với  một ông thầy pháp.

 

Những đêm mùa đông rét căm, hai anh em  Thỉ đắp chiếu chuyền hơi ấm cho nhau. Nhiều đêm Thỉ nằm nghe tiếng thì thào của mẹ lẫn trong tiếng gió rít, với một giọng đàn ông  nào đó. Tiếng rên ư ứ  nhanh chậm đánh nhịp cùng tiếng ọt ẹt đều đặn của giường tre,  hòa trong tiếng eo éo của những thân tre cạ nhau ngoài vườn. Âm thanh đó ám ảnh, nhéo vào nổi đau của Thỉ, cảnh báo những điều  sắp tới.

Buổi sáng ôm vở ra đường là bị đám trẻ chọc ghẹo bằng bài hát vè:

 

Mạ ba con lòng con theo dượng

Dượng chưa qua bắt gà chi mạ

Dượng qua rồi mạ đuổi con đi

Cái mô ngon để dành cho dượng

Cái mô dở để mạ con ăn.

Mạ ba con lòng còn theo dượng….

 

Thỉ cúi đầu, đưa tay áo quệt nước mắt, dật dờ đến lớp. Học đến lớp nhất ( lớp năm bây giờ ) thì nghỉ, ở nhà giữ em.

 

Những ngày chị Hảo sinh, Thỉ phải lên trạm xá trên Đồi Ma chăm sóc. Ban ngày nách mủng đi xin gạo bà con, nấu cơm rồi bới lên cho mẹ. Ban đêm ở lại trên trạm xá quạt than, phụ chị Hảo xông phây. Có những đêm chị Hảo ngủ, một mình Thỉ thức quạt muỗi cho em, nghe chim chèo hót kêu, sợ run, lay chân chị Hảo mà khóc: “Mạ ơi mạ, lần ni nữa thôi nghe mạ, đừng  nữa, con cực lắm rồi’. Cứ thế, đến năm bảy hai nhà Thỉ có bốn anh em, hai trai hai gái.

 

Năm bảy lăm anh Hà về, chị Hảo ba mươi tám tuổi vẫn còn hương sắc, chị lại đẻ thêm một đứa. Được vài tháng, anh Hà trở về Bắc với gia đình ngoài đó. Chị Hảo phát điên, đi lang thang từ đầu đến cuối xóm hò những câu da diết: “Gió đưa bụi chuối te tàu, chồng Nam vợ Bắc làm giàu ai ăn”. Thằng út bệnh mất, vài tháng sau chị cũng qua đời.

 

Ngày đưa đám bà con đông đủ. Anh Hà không vào. Thỉ đội mũ rơm, chống gậy đi thụt lùi đưa mẹ về rú. Nó khóc rống lên lúc hạ huyệt, giọng ồm ồm: “Mạ ơi… ai mạ cũng thương mà có ai thương mạ mô, mạ ơi… là mạ…”

 

*

Chúng tôi lên đến rú, chú Gàn kêu: “Thỉ ơi, bửa ni cái khoản cá tràu (cá lóc) ra răng rồi”, Thỉ la lên: “Xuội rồi ông ơi, con Nhan có cho ngủ e cũng không mần chi nổi”. Tôi chọc Thỉ: “mi nhớ chuyện kim chích vô thịt không?”. “Kim chích vô thịt  thì đau, thịt chích vô thịt nhớ nhau suốt đời”. Vừa nói  Thỉ vừa cười toét miệng, ngước mặt lên trời, cái đầu lắc qua lắc lại “Bựa ni chộ con Nhan xanh lét, hôm tê tui bồng lên ghe nhẹ như con nít, hay là ở gần nhà chú hay thoèo kèo thoẹt quẹt”, “Nói bậy, tau là chú hắn mà”. Thỉ nằm ngữa xuống cát, đập đập hai tay lên đùi, hai chân chọi chọi: “Chú mà lấy kim chích mông cháu”. Tôi nỗi cáu: “Mi nói bậy tau đập chết”. Thỉ nhìn chú Gàn như phân bua, nói tảng lờ: “Hồi nớ đứng gần con Nhan là không chịu nổi, bựa ni thì mần chi được, đói quá không ngóc đầu lên nổi. Chú nhớ chuyện đi coi phim ngoài chùa không? Hì hì…”

 

Đó là ngày lễ quốc khánh năm đầu tiên thống nhất, bà con được thông báo sẽ có đoàn chiếu phim của huyện về phục vụ. Những buổi chiếu phim thường được tổ chức trước sân chùa. Ăn cơm tối xong là thanh niên trong làng rủ nhau ra sân chùa sớm để chọc nhau, chờ đoàn chiếu phim lưu động. Con nít và ông bà già ngồi trước, thanh niên đứng sau. Hôm đó thằng Thỉ tách riêng nói nhỏ to chi đó với thằng Tám bên đội ba. Nhóm phân chi hội tôi đứng gần nhau. Nhan đứng gần tôi. Thằng thỉ cao mà cứ đứng choán trước mặt Nhan, hai tay  chắp sau mông. Đến đoạn phim hấp dẫn, Nhan nhón chân để thấy được màn hình, tay níu lên vai thằng Thỉ. Bỗng nghe Nhan la lên rồi bỏ chạy về. Không ai biết chuyện chi. Hôm sau Thỉ kể với tôi “con Nhan bị kim chích mông đau quá lắc tới mạnh, nguyên bộ lọt vô tay tui hết, tui bụm gọn, hì hì…”. Không ai biết thằng Tám chơi trò đó, còn đồn rằng tôi là thủ phạm. Nhan giận tôi cả mấy tuần, sau lần tôi nghiêm mặt thề “chú mà làm chuyện nớ là chú chết liền”, mới thôi.

 

Tiếng con chó Vàng đánh thôi thúc. Chú Gàn bật lên, cầm gậy chạy trước, tôi và  Thỉ chạy sau. Lùm cây trâm bù chỉ cao quá đầu người, bầy chó đang quần trong đó. Chú Gàn ra lệnh: “Mỗi đứa đứng một góc, chồn chạy ra thì đập”. Chồn không chạy ra phía chú Gàn, cả ba con chồn đèn bằng con mèo lớn cứ chạy ra phía tôi đứng rình. Tôi đánh con nào cũng hụt.  Ba con chồn lủi vào một bụi khác. Chú Gàn la lên kêu tôi lại chỉ dẫn “ngừa chồn phải ngồi ri nì, đập chồn phải quơ gậy sát đất. Đập côi đập xuống kiểu thằng Bình trăm con trật cả trăm”. Chú vừa nói vừa chỉ dẫn từng động tác.

 

Bầy chó bắt hơi đuổi theo. Lại quần với chồn trong một bụi trâm bù khác. Tôi ngồi đúng thế chú Gàn chỉ, theo phản xạ tôi quơ gậy đánh thật mạnh ngay đầu con Vàng vừa ló ra, nó kêu  ăng ẳng rồi quay mòng mòng. Tội nghiệp, chỉ một chút là nó đứng dậy lao vào bụi chiến đấu với đồng đội. Chú Gàn la lên “một tên nì”, một chút lại la lên “hai tên nì”, rồi “ba tên nì”. Chú kêu lên “Bình ơi, khi hồi mi chộ mấy con”, ‘ba con”. “Rứa là hết rồi, mau qua đây”.

Ba con chồn đèn béo múp nằm phơi trên cát. Con Bi và con Mực ư… ư… khoe chiến công. Con Vàng nằm gối đầu lên chân Thỉ, mắt trợn trừng, máu ứa ra ở miệng. Nó vừa chết rồi. Tôi vuốt vuốt nhẹ chỗ bụng nó, màu vàng non xép lẹp. Chắc buổi sáng nó chưa ăn gì. Thỉ nhìn Vàng buồn rầu, mắt rơm rớm. Chú Gàn bình tỉnh: “Chiến đấu thì có mất mát. Hôm nay mình thắng, một đổi ba. Nhưng đau nhất là phe ta đánh nhầm phe mình”. Rồi chú kể hồi kháng chiến chống Pháp, chú đã từng nhận lệnh khai trừ đồng đội mình vì bị cấp trên nghi ngờ làm Việt gian. Chuyện này tôi có nghe kể hồi còn nhỏ. Người ta nói sở dĩ chú Gàn không đi tập kết vì ân hận. Tôi lại không nghĩ thế,  những ngày sống gần mới hiểu thêm về chú, không như lời đồn đại.

 

Hồi mới lớn tôi nghe kể rằng chú Gàn làm tổ trưởng du kích trong làng. Đã từng chỉ huy ba du kích chống lại một đại đội Lê Dương. Chú dàn mặt trận gần cả cây số dọc con đập. Hằng trăm lính Tây đang dàn hàng ngang trên cánh đồng để tiến vô làng. Ba người cứ chạy dưới khe, vài trăm thước là lên đập bắn tỉa về phía địch. Đối phương bị thương tích nhiều, lại tưởng có bộ đội chính quy nên đến chiều thì rút quân.

Một trong ba du kích đó có chú Toa. Nghe nói chú Toa đã từng làm thông ngôn cho Tây. Năm 1945 bỏ Tây về làng cùng tham gia cướp chính quyền. Một lần có phái đoàn cấp tỉnh về thăm làng, trong buổi hội thảo chú quen miệng pha tiếng Tây vào nên bị kỷ luật nặng. Những năm bốn chín năm mươi thỉnh thoảng có những vụ thanh toán nội bộ, gọi là  “xử lý”. Bà con nghi là chú Gàn tố cáo để loại chú Toa.

 

Đến trào Ngô Đình Diệm, Chú Gàn từ chối mọi đề nghị cộng tác với chính quyền, chỉ nhận chức làm thằng mõ kiêm giữ rú. Hồi nhỏ tôi cùng bọn trẻ hay đi mót củi sau rú, mỗi lần thấy chú là bỏ chạy tán loạn. Đứa nào bị bắt là chú đánh ba roi. Chú thuộc từng bụi cây, ngôi mộ. Rú nhờ vậy vẫn giữ được cây cối, mồ mã khỏi bị cát lấp.

 

Ba người cúi đầu im lặng. Gió lào xào thổi rung những bụi trâm bù. Chú Gàn ngước mặt lên, mắt lim dim nói “Chừ tính răng? Đem con chó về mần thịt hay cho thằng Rìu”. Thỉ không nói gì, đứng lên, cõng Vàng như kiểu cõng em, hai tay để lên vai nắm hai chân trước của con Vàng đi về hướng mộ chị Hảo. Đầu Vàng vắt trên vai như làm nũng với Thỉ. Tôi và chú Gàn đi theo, phụ một tay moi cát gần bụi trâm bù, bên mộ chị Hảo. Chôn xong Thỉ vơ lá ngụy trang lại, sợ ai đó biết sẽ đào lên ăn thịt. Cái áo bộ đội sờn vai, máu thấm tới ngựcThỉ. Tôi ôm chầm Thỉ, vai hai đứa rung rung. Tôi nói trong tiếng nấc: “Xin lỗi mi, tau tưởng con chồn”. Thỉ nói chậm rãi: “Chú có lỗi chi mô, số cháu nó rứa, ai thân cũng chết. Thôi về. Nhà còn hai chai rượu cam ông già gửi vô cúng mạ tui, về nhà tui uống rượu. Buồn quá!”

 

Chúng tôi dọn bàn giữa sân, dưới tàng cây ổi. Nước lụt  về chiều rút nhanh để lại những váng phù sa nhớp nháp. Tô thịt chồn hong màu vàng sậm, lắp xắp nước mỡ. Chú Gàn đem qua mấy củ khoai tía. Thỉ không ăn thịt chồn, chỉ ăn khoai. Con Bi và con Mực nằm dưới bàn gặm những mẩu xương, nhìn chúng tôi ăn, mắt nhẫn nhục, chờ đợi, van nài. Thỉ im lặng nốc rượu, mặt từ đỏ chuyển sang tái.

 

Buổi chiều lành lạnh trôi chậm chạp. Không ai nói chi. Môi Thỉ giật giật. Hắn khóc. Hắn đứng lên dùng tay làm loa hướng về phía rú kêu thảm thiết “Vàng ơi… Vàng ơi… Vàng ơi”. Tiếng kêu loang trong nước lụt vang xa, dội lại những tiếng “àng… àng… ơi… ơi”. Gió rùng rùng, ngọn tre quỵt xuống vờn lên. Mây bay thấp từng đụn màu tro sậm. Trời lại chuyển trận mưa lớn. Tôi và chú Gàn ngữa mặt lên trời, hai con chó cùng ngước nhìn mây, tru lên thống thiết.

 

Đêm đó tôi chiêm bao thấy mình chôn sống chó Vàng. Mắt Vàng trợn trừng  nhìn tôi, không hiểu vì sao tôi chôn sống nó./.

 

 (1) Ruộng phần trăm: Thời làm hợp tác xã nông nghiệp, có quy định để dành năm phần trăm diện tích ruộng, chia cho từng hộ, gọi là hổ trợ thực phẩm chăn nuôi. Xã viên nhận ruộng này có nghĩa vụ bán gia súc lại cho nhà nước theo giá thu mua.

( 2) Nước phở: Nước vào ruộng đã được phơi ải. Đất đang khô nóng, cho nước vào, đất nhủn  rất dễ bừa.

(3) Rập: hình dạng như rớ nhưng nhỏ hơn, cạnh chừng trên dưới một mét,  có công dụng như nơm, khi cần có thể xúc cá  theo bề ngược lại.

( Sông Hương)

Nguyễn Đặng Mừng
Số lần đọc: 2107
Ngày đăng: 07.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự hồi tỉnh của chàng thi sĩ - Csáth Géza
Truyện ngắn ngắn -2 - Đỗ Ngọc Thạch
Ngày Cậu Cóc Ra Đi - Trần Trung Sáng
Hoa gạo đỏ bên sông - Văn Xương
Biển cũ - Lê Văn Thiện
Câu chuyện của bình minh - Csáth Géza
Một ngày kiếm việc - Lương Văn Chi
Ông Ba Phải - Mang Viên Long
Ông Già và Con Ngựa - Trần Văn Bạn
Chàng Pál và nàng Virginia - Csáth Géza
Cùng một tác giả
Nửa gánh câu hò (truyện ngắn)
Đồi ma (truyện ngắn)
Nước Nhảy Lên bờ (truyện ngắn)