Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.247
123.154.785
 
Hy râu
Lương Văn Chi

Vân ngồi thừ ra, ngả người tựa vào thành giưòng. Trước mặt chị, dưới quầng sáng vàng ợt của ngọn đèn dầu, chiếc áo bảo hộ bạc trắng trải rộng, phần lưng áo phơi ra một miếng vá còn xanh phủ trùm cả mảng lưng, mà trên nó, các góc được đè thêm mấy miếng vá nhỏ, tựa như những miếng sắt tây bịt góc va-ly. Xế trong, hai đứa trẻ đã ngủ say, mâm cơm phần chồng úp lồng bàn để mé cuối giường.

 

Chị sốt ruột nhìn ra cửa sổ. Một chiếc chấn song bằng gỗ đặt chéo chia đôi vầng trăng mười bảy vừa nhô lên khỏi đầm nước trước nhà. Giờ này, mà sao anh ấy vẫn chưa về?

 

Có tiếng muỗi vo ve, chị vội nhổm người với chiếc quạt nan dưới chân, nắm chặt chỗ gãy giữa sống quạt, khẽ phe phẩy cho hai đứa bé. Cán quạt ẽo ợt trong lòng bàn tay chị, ngọn lửa trong bóng đèn ặt ẹo như muốn bứt khỏi ống muống. Chị thầm trách chồng: “Người gì như... Nằm ngủ đè gãy cả sống quạt mà không biết...”!

 

Đứa gái nhỏ cựa mình, hai tay múa trên không, rồi lật hẳn người, đặt tay lên lưng thằng anh co quắp, mỉm cười. Chị đặt cái quạt sang bên, mắt đăm chiêu nhìn vào lưng áo. Một lúc, chị thọc cả bàn tay phải vào cái túm vải nâu ở bên cạnh, bốc ra một nắm mụn vá các màu thả xuống chiếu. Mấy ngón tay gầy rạc bới tung cả nắm vải vụn. Cuối cùng chị nhặt một miếng vuông to, và bằng cả hai tay, chị giương lên gần ngọn đèn dầu, ngắm nghía. Vừa ý, chị đặt miếng vải đó xuống chỗ rách, xoay đi xoay lại, chặc lưỡi:

- Vải giấy bây giờ...!

Câu nói bị bỏ lửng. Ghé lưng áo vào sát ánh đèn, chiếc kim trong tay chị bắt đầu nhào lộn. Nét mặt chị căng ra chăm chú.

 

Thực ra, sự tập trung của chị không những ở đường kim mũi chỉ. Tâm trí chị đang miên man về quá khứ, ngày chị và Hy yêu nhau. Ngày ấy cách đây có lâu la gì, mới hơn sáu năm. Sáu năm qua có cái gì thay đổi, ngấm ngầm thay đổi mà dù sống bên chồng, chị chưa kịp hiểu. Một sự lột xác ư? Không phải con người không lột xác! Một cuộc biến dạng về cách sống chăng? Không đúng! Lòng anh vẫn vậy, vẫn yêu thương vợ con, cho dù cuộc sống ngày một khó khăn, nhất là lúc này. Với một gia đình còn châng lâng như gia đình chị, anh vẫn cố ghìm giữ, níu kéo hòng ổn định. Vậy, cái gì đã đến và biến đổi anh?

 

Phải chăng ở cái đắn đo cân nhắc của người chủ gia đình, người cha của hai đứa con còn trứng nước, một cái nhà đã quá dột nát, dụm bẹp mà không có tiền để sửa lại. Ở trách nhiệm trước một gia đình con con mà luôn luôn phải “giật gấu vá vai”.

 

Nhớ ngày còn yêu nhau, dù đi chơi hay ngồi nhà nói chuyện, chị khó tìm thấy một vệt nhàu trên bộ quần áo anh mặc. Đỡ cốc nước chị mời, anh đỡ bằng cả hai tay và ngồi nhấp từng ngụm nhỏ. Chả bù với bây giờ, đi đâu về, khát, anh cầm cả siêu nước nguội tu ừng ực, để lại trên môi cả một vành nhọ đen sì mà không biết.

Một lần chị giặt hộ anh bộ quần áo. Khi nhận lại, anh xúc động lắm, nhưng khi nhìn thấy trên cổ còn vệt mờ nâu, anh cau mày bảo:

-  Còn khuyết điểm nhé – Anh bập bập ngón tay trỏ vào đó, nói.

Chị đỏ mặt, dỗi. Trong bụng nghĩ sẽ không bao giờ thèm giặt nữa. Thế mà bây giờ... Mấy tối trước, khi cơm xong anh ngồi trầm ngâm hút thuốc lào vặt, bỗng anh bảo:

-  Này, mấy cái áo cũ mình độn trong túi gối, lấy ra để tôi mặc đi làm!

Chị ngạc nhiên:

-  Còn bộ bảo hộ mới lĩnh để làm gì?

 

Anh nhìn theo tay chị chỉ về phía hòm, nói như phân tích:

-  Chả nhẽ tôi cứ phải nói như đục vào tai cô mới nhớ được hay sao? Để lúc hết gạo, chậm lương, mang ra vườn hoa kia, cô nhớ chưa? - Rồi anh lầu bầu – Làm người mà không biết lo xa thì có ngày rã họng...!

Chị im, không nói lại vì câu nói của anh đúng. Bản thân chị có lần phải giấu anh, bán vội một bìa phiếu vải cho con buôn, lấy tiền đóng một thứ hàng cung cấp trong xí nghiệp, sợ quá hạn. Tuy rất tiếc, song, nghĩ tới cùng chẳng có cách nào đẹp đẽ hơn.

 

Chỉ có thời gian gần đây, từ ngày Hy chuyển công tác từ tổ máy tinh chế sang tổ vận chuyển ba gác gỗ cây, thì cuộc sống gia đình chị có khá hơn. Chị thấy anh đi làm bây giờ chẳng có giờ giấc gì cả, những buổi tối chị phải phần cơm như thế này thường xảy ra luôn. Còn mấy bản vẽ sáng kiến cải tiến bộ dưỡng máy soi gỗ – máy anh vận hành trước đó – anh không ngó gì đến nữa. Nhiều buổi tối, ngồi gật gù bên chén rượu, anh thường đắc chí nói:

-  Hà, ba gác lại hay! Lao động phổ thông – anh dài giọng – nhiều tiền là tốt! Còn máy soi, thợ kỹ thuật, chẳng là cái quái gì.

 

Thỉnh thoảng anh lại đưa tiền cho chị, khi thì năm, khi thì ba chục, bảo mua thêm thức ăn hay quà sáng cho con, chẳng cứ kỳ được lương. Có những hôm hơi men chuếnh choáng, anh thích chí rung đùi, nói toạc với chị:

-  Mình có biết cái này – anh hất hàm chỉ chai rượu dưới mâm – ở đâu ra không? Củi! Tất cả ở đấy!

Hoảng hốt, chị đay lại chồng:

-  Thế bảo vệ bắt lập biên bản thì sao?

-  Còn lâu! Mà nếu lập thì đã sao? Một thằng như tôi bây giờ, còn cần quái gì, mất cái gì?

 

Vừa nói Hy vừa cười hầng hậc, hả hê. Chị định nói một câu gì đấy ngăn chồng, nhưng lại thôi. Hy nâng cốc, tợp một tợp rượu, gắp một miếng xương tướng đưa vào mồm nhai rau ráu, hai má anh bạnh ra.

-  Mình biết được hôm nay tôi kiếm được bao nhiêu không? Ba chục! Chả gì cũng một phần năm tháng lương! Làm ăn bây giờ phải thế mới được, còn trông cả vào đồng lương thì... chỉ có ăn khoai...

 

Hy nói một thôi dài, vẻ đầy thoả mãn. Chị không dám cắt ngang lời chồng, cũng không phải lần đầu tiên chị được nghe những chuyện ấy. Cho dù đời sống tạm dễ chịu hơn, nhưng khi cầm những đồng tiền không phải là lương kia, chị vẫn mơ hồ lo ngại.

 

Đường viền chỉ quanh bốn mép vá vừa chập lại với nhau một góc, chị ngừng lại và đặt lưng áo xuống giường, lấy cùi tay miết đều trên miếng vá. Chị hơi ngả người về phía sau, ngắm nghiá rồi lại ghé miếng vá vào răng, cắn chỉ. Đặt cái áo sang bên cạnh, chị ngẩng đầu lên. Ánh trăng dán chặt mấy song cửa đen sì ỏ đầu hồi bên bức tường trước mặt thành những vệt dài, nghiêng nghiêng.

 

Có tiếng đẩy cửa và bánh xe nặng nề rớt xuống thềm nhà, xích xe loạch xoạch đập vào gác-đờ-xen. Hy về. Anh nghiêng ngả. Vân vội đỡ xe cho chồng. Úp chụp chiếc mũ lá không vành lên nóc chạn, Hy ngồi phịch xuống giường. Đứa  gái nhỏ giật nảy mình ngơ ngác. Từ người Hy bốc hơi men nồng nặc và mùi mồ hôi muối chua lòm. Hy ngồi im như đá, mắt trừng trợn như nhìn một vật gì nhỏ bé trên bức tường loang lổ ánh đèn trước mặt. Linh tính biết có việc chẳng lành, Vân đến bên chồng, thẽ thọt:

-  Em mang cơm cho mình ăn nhé, chờ lâu cơm nguội quá rồi! Có chuyện gì không?

Hy trợn mắt nhìn vợ, hai hàng lông mày rậm rúm ró lại:

-  Gay rồi! Tôi bị ông giám đốc mời về vì bị bắt quả tang trộm củi cho vào gầm xe. Hết hơi! Nghe nói ông này ghê gớm lắm, không như ông lần trước đâu...

 

Vân lẳng lặng bưng mâm cơm đến trước mặt chồng. Hy xua tay bảo vợ:

-  Thôi dọn đi! Tôi không ăn đâu!

Vân vội xếp tất cả vào chạn rồi đứng tần ngần. Lát, chị đưa tay vén gọn mớ tóc ra sau gáy, nhỏ nhẹ:

-  Chiều nay bác trưởng ngành cũ có ghé qua chơi. Bác đợi anh mãi, ý muốn xin anh về ngành vì trên ấy đang thiếu thợ máy soi. Hay anh về đấy cho khỏi...

Hy “xì” một tiếng rõ dài, gắt vợ:

-  Về, về để mà treo niêu một lũ với nhau à?

-  Nhưng trước kia, mình có phải nhịn bữa nào đâu? – Vân vặn lại. Hy cáu tiết quát:

-  Tôi hỏi lại là nếu hôm qua tôi không lấy được bó củi, thì hôm nay cô đút tay vào bếp chắc?

 

Rồi Hy đưa tay cào sồn sột vào đầu gối chân và giục vợ đi ngủ. Vớ cái chổi lúa dưới chân giường, Hy ngửa hai bàn chân phẩy qua phẩy lại đập đập vào nhau rồi nằm ềnh ra. Vân lẳng lặng buông màn. Một lúc, Vân nói tiếp:

-  Em có đưa bác ấy xem mấy bản vẽ cải tiến kiểu của anh. Có mấy chỗ mưa dột nhoè quá, bác ấy dặn anh vẽ lại.

Hy giở mình, gắt:

-  Cô đúng là dớ dẩn. Vẽ lại làm gì, đem mà dóm bếp! Im cho tôi ngủ!

Cả nhà lặng ngắt. Giấc ngủ như đá đè lên mí mắt Hy. Phía trong, Vân thỉnh thoảng cựa mình, cái quạt gẫy sống vẫn lay đều theo tay chị, một góc màn phập phồng.

 

Hy tỉnh dậy lúc gà vừa gáy sáng. Anh hé mắt nhìn ra cửa, trời đêm còn đen kịt. Thỉnh thoảng ánh lửa hàn ở một xí nghiệp nào đó bùng lên, vạch lên trời những vệt dài sáng quắc. Còn sớm, Hy tự nhủ và nằm lại. Tuy đã ngủ được một giấc ngon lành, song bữa rượu tối qua và cả một ngày phải gò lưng úp mặt xuống đường nhựa nóng rát rạt làm các khớp xương trong người anh đau nhừ. Thế là mùa hè lại đến, mùa thứ hai từ khi anh làm ba gác, cái mùa mà trên đầu nở đầy hoa phượng đỏ như lửa ấy, có lẽ chỉ đẹp với bọn trẻ con, hay náo nức với bọn học trò tấp tểnh yêu đương, ước ao, rủ rê nhau đi tắm biển Đồ Sơn, còn đối với anh thì mùa ấy chẳng sung sướng gì. Và cái mệt mỏi triền miên như những mắt xích cứ nối dài mãi ngày này sang ngày khác, mà một giấc ngủ đẫy cũng không hòng kéo lại sự chặt chẽ trong cơ thể. Nhưng anh lại tự hào rằng: một thằng như anh mà lại làm được ba gác, đã có một mùa thử thách đầy nước sôi lửa bỏng rồi. Cái thắng lợi tinh thần kiểu lên gân ấy, tuy vậy, chỉ là thứ yếu: kể cả đồng lương thu được có khá hơn do sức lực bỏ ra, nhưng điều an ủi lớn nhất đối với Hy là cái “món kia”, những mớ củi mà mỗi khi anh đi làm, anh thường tọng dưới gầm ba gác, rồi đem bán dọc vỉa hè làm anh phấn chấn. Vì chẳng gì nó cũng giải quyết đồng quà hớp nước dọc đường; có khi còn dư giật đem về cho vợ mua rau.

 

Đôi lúc nhớ lại những kỷ niệm trong sáng mấy năm về trước, lắm lúc nằm vắt tay lên trán mà nghĩ, trong lòng anh không khỏi ngậm ngùi. Nhưng không thể đem cái quá khứ, dù có ngọt lành đến mấy để nuôi sống cái hiện tại là gia đình, vợ con và bản thân anh! Cho dù kiếm được còn ít ỏi, nhưng đã cho phép anh mỗi khi chiều xuống, ngồi gật gù vài chén rượu trước bữa cơm. Mới thế thôi, nhưng sự khoái lạc của miếng ngon đã xui khiến anh làm mọi cách đạt được hơn, hay cùng lắm thì giữ được như thế mãi. Lắm lúc ngồi trong quán nước, anh thường há hốc mồm như uống từng lời của những bậc anh chị tài giỏi nào đấy với những “quả” làm ăn chỉ trong phút chốc kiếm được bạc triệu, mấy chục triệu, lòng thầm mơ một lúc nào đó mình cũng làm được như vậy, và cuộc đời hẳn sẽ sung sướng bao nhiêu. Vì chả gì, với vài chục nghìn thôi, anh thấy đời mình đã tươi lên nhiều lắm. Trong cái túi áo công nhân rách ấy đôi lúc cũng rủng riểng hào, đồng.

 

Như phát hiện ra lối thoát, anh hăng hái dấn bước. Bộ quần áo loang đầy những vệt mồ hôi đọng trắng như vẽ phấn, mùi hôi hám chua lòm hàng nửa tháng không giặt. Chiếc mũ lá không vành bật tung từng lớp, mỗi khi gặp gió xào xạc trên đầu. Râu ria xồm xoàm không cạo, cổ gáy cáu ghét đen sì đến nỗi có người tưởng anh đã ngoại “tứ tuần”, chứ đâu ở cái tuổi hăm tám!

 

Vì ngượng với những chị em bạn cũng có chồng như mình, Vân nhiều lần nhắc thì  Hy biện lý do này nọ để bác bỏ những ý kiến của vợ. Có lần Hy bảo thẳng:

-  Tôi ấy à! Cần quái gì phải mặc, chứ nói gì đến đẹp. Trong thành phố này bao nhiêu vạn người, hơi đâu giải thích. Ở đời “mưa sao khắp mặt”, tôi vẫn là tôi.

 

Anh dịu giọng, nói câu sau cùng một cách lý sự:

-  Mình đâu có thớ sĩ diện. Đã công nhân phải ra công nhân. Tôi chúa ghét những thằng cu-ly rởm. Nửa ông nửa thằng...

Bởi thế mà trong xí nghiệp anh được đặt một cái tên ghép: “Hy râu”. Chẳng biết cái tên ấy có từ lúc nào, ai đẻ ra nó, chỉ biết bây giờ mọi người đều gọi như vậy.

 

Hy cũng chẳng bực bội vì cái tên ngồ ngộ ấy; cũng như anh  không hề buồn khi mấy kỳ bình bầu tiên tiến, anh chẳng ở loại gì vì những tờ biên bản trộm củi của xí nghiệp. Lúc đưa bút ký biên bản Hy cũng không buồn đọc xem trong ấy viết những gì, đúng hay không đúng. Cuối năm ngoái, khi tiền thưởng của mọi người được hàng triệu, anh chỉ có hơn trăm, Hy cũng chỉ tặc lưỡi: “Quy luật bù trừ, kể cả là không đồng nào!”. Nhưng có một việc Hy không thể “mặc” được. Đó là sự có mặt của giám đốc Trần Quang. Chả là xí nghiệp có một bãi gỗ cạnh đường đi, khi hết giờ, công nhân túa ra về theo lối ấy. Trong các làn, túi nhét đầy củi, thậm chí cả gỗ ván sàn thành phẩm. Một hai bảo vệ viên không thể kiểm soát hết được.

 

Nhưng bây giờ... Cứ tan tầm, có một số công nhân đứng lấp ló bên này nhìn ra bãi gỗ. Trên đống gỗ cao nhất, giám đốc Trần Quang đứng đó, sừng sững như một pháo đài, nghiêm khắc quan sát mọi ngả đường. Chỉ khi nào xí nghiệp đã vắng ngắt, công nhân lần lượt ra về theo cổng chính, ông mới dắt xe đạp ra sau cùng.

 

Như một người đang đạp xe ở tốc độ nhanh xóc phải ổ gà, sự có mặt của giám đốc Quang làm Hy bực bội, bởi mấy ngày nay anh chẳng kiếm được đồng nào, và bữa rượu thường xuyên vào buổi chiều bị đứt quãng.

Hy nằm miên man suy tính và một ý nghĩ vụt sáng lên, anh dứt khoát chống tay ngồi dậy. Phương đông, một vầng trời đang rạn nứt. Phải rồi, sáng sớm nay đến lấy xe đi làm, có trời biết, huống hồ là giám đốc! Hy bước xuống, với vội chiếc quần bảo hộ vắt trên đình màn mặc vào, Vân cũng chạy theo.

-  Hôm nay mình đi sớm thế kia à? – Chị hỏi và đột nhiên giục – cái quần rách một miếng to ở đằng sau kia kìa!

Hy quài tay ra như ước lượng rồi bảo:

-  Kệ hoét, còn quần trong!

-  Người ta cười cho đấy, thay ra để em vá cho! – Vân giục tiếp.

Bực mình, Hy vớ luôn cái quần khác mặc lồng vào cái quần cũ. Tay Hy lần lần cài cúc “quai nhê” mà không thấy. Vân cười rũ ra:

-  Nhầm quần em rồi! Cài đây cơ mà! - Vân giơ tay ngang cạnh sườn ra hiệu. Hy nhìn xuống và chợt hiểu, anh tặc lưỡi:

-  Được tất, công nhân cả ấy mà!

Rồi chụp vội cái mũ lá lên đầu, anh hối hả ra đi.

 

Trưởng phòng bảo vệ mở khoá chiếc cặp da và đặt trước mặt Trần Quang tờ biên bản, nét mực còn tươi rói và báo cáo:

-  Sự việc chắc anh đã rõ, gửi anh tờ biên bản, và xin anh ý kiến xử lý!

Giám đốc cầm tờ biên bản và đọc ngay vào phần chính:

“... Năm giờ sáng ngày hôm nay, thứ... ngày... tháng... năm... tổ bảo vệ chúng tôi gồm có các đồng chí ... đã khám ở xe của anh Nguyễn Văn Hy, công nhân tổ vận chuyển xí nghiệp một số củi, khi cân được 35 ký lô (ba mươi lăm ký lô...)”.

Giám đốc Trần Quang đặt tờ biên bản xuống bàn và hỏi trưởng phòng bảo vệ:

-  Hy râu phải không? Vậy ý kiến riêng của đồng chí?

Một tay ép sát chiếc cặp da đen bóng vào bụng, một ta nắm chặt thành nắm đấm, trưởng phòng bảo vệ đấm thình thình xuống mặt bàn gỗ dán:

-  Đuổi! Theo tôi đề nghị phòng tổ chức đuổi! Hắn tái diễn cái việc “bất hủ” của hắn nhiều lần lắm rồi!

 

Dứt lời trưởng phòng bảo vệ đứng dậy dậm chân định bước đi, giám đốc đứng lên theo:

-  Đành vậy? Nhưng nghe đâu trước kia anh ta là một thợ máy giỏi kia mà? chẳng nhẽ...

-  Trước khác, nay khác! Đã thoái hoá thì cứ đuổi! – Trưởng phòng bảo vệ khăng khăng.

 

Giám đốc nhìn người đối diện, và nhìn ra đống gỗ ngổn ngang trước phòng làm việc. Nắng về trưa vàng óng. Ông nói:

-  Tôi nghĩ thế này đồng chí ạ! Ý kiến đồng chí đề xuất có thể đúng với đối tượng. Song từ ngày nhận trách nhiệm chính ở đây tôi rất lo lắng. Cho dù có quyền ký vào biên bản đuổi việc một công nhân trước khi đưa ra hội đồng kỷ luật, nhưng trước khi hạ bút, tôi muốn xem xét lại vấn đề. Với Hy râu, dù mới về, nhưng tôi nghĩ là chưa đến nỗi chúng ta không giáo dục được.

 

Ông đứng dậy, đi lại quanh bàn làm việc, đầu ngẩng cao. Trưởng phòng bảo vệ xoay lưng đổi lại thế ngồi, hai hàng ria mép nhấp nháy.

Giám đốc nói tiếp:

-  Vấn đề cậu Hy râu, ý kiến tôi: Trong lúc khó khăn này, một số công nhân có biểu hiện tiêu cực. Trong xí nghiệp chúng ta, Hy râu là một điển hình. Tôi chưa hiểu được gì về cuộc sống của cậu ta, và tôi cũng chưa muốn đẩy vội ra ngoài một công nhân của xí nghiệp, vì ở ngoài kia không phải là một cái túi vô hạn. Trong cuộc họp giao ban tới, tôi sẽ đưa sự việc này ra để tập thể cùng bàn.

 

Ông lại gần, bắt tay trưởng phòng bảo vệ, và chấm dứt cuộc trao đổi.

-  Chiều nay đồng chí báo cho cậu Hy lên gặp tôi ở đây!

 

Ba giờ chiều hôm ấy, Hy đến gặp giám đốc ở phòng làm việc, sau khi đổ xong xe gỗ xuống bãi. Người Hy đầy mồ hôi nhễ nhại, bộ ngực trần lấm lem bùn cát, râu ria tua tủa như chổi rễ hung hung đỏ. Chiếc áo bảo hộ đẫm mồ hôi vo tròn kẹp bên nách, Hy huỳnh huỵch bước vào, rồi đưa tay gạt mồ hôi trán. Chiếc mũ lá rách hất ngửa về phía sau để lộ vầng trán nom khá vuông vắn, thường bị mớ tóc rối che khuất. Chẳng đợi mời, Hy ngồi luôn xuống chiếc ghế tựa đối diện với giám đốc. Giám đốc nhìn Hy:

-  Mũ bảo hộ mới phát sao chú không thay đi, đội mãi cái mũ lá rách thế, nắng lắm!

Hy nhếch mép, bộ ria từ chỗ nằm ngang chuyển sang nằm chéo.

-  Thú thực với giám đốc, mấy ngày nay chẳng kiếm được gì, chiều về cái mũ mới phải gán hàng chè chén rồi ạ.

 

Nghe câu nói lãnh đạm đó, giám đốc Trần Quang lại thấy người công nhân kia nói rất thực lòng, ông nhìn lại Hy râu. Sau cái khuôn mặt xỉn đen vì nắng gió kia hẳn có một uẩn khúc nào đó. Ông biết, ông đã nhìn thấy cái nhân lõi ấy, nhưng làm thế nào bắt đầu từ đâu thì phải có thời gian...

 

Chiều ấy Hy về nhà sớm hơn. Nắng chiều le lói trong tán cây ngâm trong lòng đầm nước sau nhà. Nhìn chiếc giường cũ từ ngày cưới, Hy không nằm ngay. Vứt chiếc mũ lá vào gầm giường, Hy ngửa mặt nhìn mái nhà. Mái thấp, lợp giấy dầu, thủng lỗ chỗ, mỗi lần mưa dột từ nóc dột xuống. Hy thở dài. Mùa mưa bão đã đến. Liệu cái “tổ” này có chịu nổi không?

 

Ý muốn làm lại cái nhà là điều Hy day dứt từ lâu. Đã có lần hai vợ chồng Hy nhận gia công bao bì  giấy cho xí nghiệp bánh kẹo. Mới làm xong được một nghìn vỏ hộp mứt, một trận mưa lớn đổ xuống, hồ dán bở ra, vỡ tung, phải chữa mãi. Hai người không dám làm nữa. Vân nói:

- Giá có gian nhà tốt thì những bao bì giấy kia không hỏng anh nhỉ. Tối tối mình làm thêm tí hàng gia công, em nuôi thêm con lợn, thả bè muống thì anh cũng chẳng đến nỗi vất vả quá thế này!

 

Rồi Vân chép miệng:

-  Dạo này anh gầy và đen đủi quá!

Có tiếng trẻ chí choé ngoài sân rồi đứa bé ré lên. Vân trong bếp chạy ra, tay đỡ con, tay dụi mắt, vài vệt nhọ khoang trên đôi má hồng và ri rỉ mồ hôi. Hy liền đổ hết cái tức bực lên đầu vợ:

-  Chỉ nấu cơm với dỗ con cũng không xong. Điệu này còn khối đấy mà phởn!

 

Bị mắng oan, ngạc nhiên, Vân cãi:

-  Tôi cũng đi làm như anh, về nào cơm, nào con, rồi giặt giũ, chứ có rỗi tay lúc nào đâu. Anh xem!...

-  Làm! Chỉ biết làm không mà đủ chắc! Nhìn lại cái nhà xem...!

-  Thế anh bảo tôi làm gì, khi một nách hai con này?

 

Bị vợ dồn vào thế bí, Hy điên ruột, văng tục:

-  Cả cái thế giới đàn bà này người ta cũng như cô chắc? Mở mắt ra mà nhìn những cửa hàng công nghệ, thực phẩm xem sao! 90% con phe là công nhân nhà nước!

Vân vừa bế con vừa ghé miệng vào thổi lửa. Muôn vàn tàn lửa tung lên. Khói đặc trong bếp. Mắt chị đỏ hoe không biết vì khói hay vì tủi thân. Chị ấm ức:

-  Nhưng tôi... tôi khác!

Hy lồng lên:

-  Đã ngu, bảo cho biết lại còn cãi – rồi  Hy sấn đến bên vợ sừng sộ – Muốn gì?

-  Tôi chẳng muốn gì - Vân thủng thẳng đáp – con nhỏ mấy ngày nay choang choảng ho sốt liên miên. Riêng tiền thuốc ghi trong y bạ cũng hơn ba chục còn không có, đến nỗi cháo cho nó cũng chỉ có tí mắm loại ba. Tôi muốn anh nghĩ đến việc ấy trước.

 

Đang bước Hy dừng chân. Cổ anh ngắn lại, những sợi gân lặn biến và xám ngoét. Tay Hy buông thõng, anh đứng chết dí một lúc lâu, suy nghĩ. Cuối cùng, Hy nói, gần như quyết định:

-  Chiều mai tôi sẽ đưa tiền mua thuốc cho con!

Nói xong anh hục hặc lên nhà.

 

Có tin Hy râu trên đường xe gỗ đã bán đi một tấm gỗ lớn rồi bị công an bắt giam, ầm lên trong xí nghiệp. Mặc dù đã có ý giấu kín, và lệnh cho trưởng phòng bảo vệ tức khắc lên quận công an làm việc, song sự bàn tán vẫn sôi lên trong các tổ sản xuất. Khi trưởng phòng bảo vệ đạp xe trở về và báo cáo thì tuy tai vẫn nghe mà mắt ông vẫn liếc ra ngoài: một vài công nhân đã bỏ vị trí sản xuất, lảng vảng xung quanh nghe trộm.

-  Họ nhất trí năm giờ chiều nay cho cậu ta về phải không? Giám đốc hỏi.

 

Ông mường tượng cuộc gặp Hy râu vào sáng mai. Sẽ bắt đầu từ đâu? Sự thể có lẽ đã đến lúc giọt nước cuối cùng làm tràn bát nước đã đầy. Cái nhìn ý nhị, cái đầu lúc lắc một cách rất khó chịu của trưởng phòng bảo vệ: Sẽ đề nghị đề nghị tổ chức trả về địa phương! Ý nghĩ ấy loé sáng liên tục dưới đôi lông mày rậm của ông ta. Ngay lòng ông cũng hở ra một chút hoài nghi. Đành rằng để phấn đấu cho tồn tại, nhưng Hy râu chẳng lẽ điên khùng đến nỗi không biết việc làm ấy sẽ phá vỡ tồn tại? Hình ảnh Hy râu day dứt ông suốt buổi chiều. Đến tối, cả khi đã ngồi vào mâm cơm, tâm tư ông vẫn còn những điều vướng vướng.

-  Này ông, sáng chủ nhật còn hai cuộn giấy dầu, ông với thằng lớn lợp lại cho tôi cái chuồng lợn. Chiều, cắm cho tôi hàng cọc ngăn ao, để tôi thả bèo nhé. Vợ ông đột ngột nhắc – Ờ mà ông nghĩ gì thế?

-  Nghĩ về một công nhân! - Ông trả lời tuột.

-  Nghĩ về một công nhân! – bà cười – một công nhân là gì trong bảy tám trăm công nhân xí nghiệp ông?

 

Không thể đừng được, ông đành nói:

-  Không đơn giản thế đâu mình ạ! Không gì cũng con người cả! - ông nhìn quanh - nó như một cái đũa ở vành xe - ông chỉ chiếc xe của bà dựng ở góc nhà - một cái chùng, nếu không kịp thời tăng lại cho căng, sẽ ảnh hưởng đến chiếc khác, làm yếu vành xe, thế đấy mình ạ!

Rồi buông bát ông đứng dậy. Tối ấy ông lên giường sớm, nhưng khó ngủ.

 

Sáng hôm sau...

Sáng hôm sau nữa, rồi đến sáng thứ ba, Hy râu vẫn không đến xí nghiệp.

Giám đốc Trần Quang triệu tập cuộc họp mở rộng. Thành phần dự họp có thêm một số tổ trưởng của những đơn vị chủ chốt. Ông đã dành phần lớn thời gian của buổi họp để bàn về vấn đề Hy râu. Người sốt sắng nhất là người nêu ý kiến đầu tiên vẫn là trưởng phòng bảo vệ, ông ta nói:

-  Trước lúc đồng chí về đây, với những trường hợp tương tự, trong một năm rưỡi, phòng tổ chức đã liên tục sa thải bảy công nhân. Với tôi, cho Hy râu nghỉ việc lúc này là không cần bàn cãi.

-  Phòng họp im  lặng như không có người họp. Giám đốc nhìn một lượt. Kinh nghiệm chưa cho ông tỏ thái độ với một đề xuất đầu tiên.

-  Thế đồng chí trưởng ngành pha chế - ông chủ động hỏi – ý kiến đồng chí thế nào về Hy râu, công nhân cũ của đồng chí?

-  Tôi đã có đề nghị nhiều lần là bố trí cho anh Hy trở lại làm việc trong phân xưởng tôi - đôi mắt nhỏ, lờ đờ của ông chớp nhẹ – chúng tôi đang thiếu một thợ máy soi.

-  Tôi muốn hỏi đồng chí ở một khía cạnh khác – Giám đốc lãnh đạm nói – Nếu chỉ đánh máy một tờ quyết định và ép công nhân vào một vị trí mà họ không muốn, liệu như Hy râu có thể lãn công không?

 

Rồi ông nói với toàn cuộc họp:

-  Chúng ta chưa giàu có đến mức cái gì hỏng là bỏ đi. Mọi cái đang ở giai đoạn đắp vá, sửa chữa. Làm lại một con người phải uốn từ gốc. Trong quyết định đuổi việc bảy công nhân năm trước, có năm trường hợp chưa đến mức kỷ luật như vậy. Tôi lấy làm lạ là ngoài đồng chí giám đốc cũ, còn cả một tập thể nữa, mà lại thờ ơ đến vậy khi ký những văn bản này. Trong cuộc họp hôm nay, tôi muốn hỏi là: ai trong số các đồng chí ngồi đây hiểu rõ nhất Hy râu, lý do gì mà Hy râu bị thay đổi vị trí công tác?

-  Hàng ghế những tổ trưởng sản xuất rục rịch. Một người đứng lên:

-  Tôi xin có ý kiến!

 

Mọi người quay lại và ai cũng hiểu: bác Thục!

Tôi là tổ trưởng của anh Hy từ ngày anh ấy mới ra nghề. Bác Thục nói – Trong năm năm cùng làm, anh ấy là người thẳng thắn. Trong quan hệ, lúc sản xuất, anh ấy hay nói bạo và thô thiển. Có lẽ vì thế thường mất lòng, kể cả đồng chí trưởng ngành đây. Bởi vậy, sau năm năm anh ấy không lên nổi một bậc lương. Sáng kiến đưa ra không được trưởng ngành chấp nhận, mặc dù sáng kiến tốt. Khi chiếc trục máy soi gẫy, không cần xem xét, đồng chí trưởng ngành đã quy kết cả cho Hy. Bởi vậy Hy bị kỷ luật, và buộc phải chuyển công tác... Theo tôi, nếu được nhìn nhận đúng mức. Hy tốt thôi.

 

Bác Thục nói xong ngồi xuống. Giám đốc đứng bật lên:

-  Tôi rất cần những ý kiến như vậy! – Rồi quay sang người tổ trưởng già, ông hỏi – Bác biết nhà cậu Hy đấy chứ?

Bác Thục khẽ gật đầu.

 

*

Giám đốc Trần Quang cùng bác Thục và thư ký công đoàn đến thăm gia đình Hy Râu vào sáng chủ nhật sau đó. Nửa đường một cơn mưa bất ngờ giội nước xuống, ba người phải ghé vội vào trú dưới mái hiên một nhà bên đường. Mưa kéo dài tới nửa tiếng mới ngớt. Sốt ruột vì đợi quá lâu, giám đốc cắp xe đạp nhảy vội xuống đường, tổ trưởng và ông thư ký công đoàn cũng nhào theo. Nước tuôn vào các ga cống. Lắm chỗ, nước còn ngập cả tới vành xe.

 

Ba người bước chân vào nhà lúc vợ Hy đang ôm con ngồi chúi vào một góc giường. Sát mái nhà, tấm vải mưa nặng nước kéo căng bốn góc dây, Chiếu được cuộn vào một góc khô nhất, bộ giát giường ngấm nước đen sì.

 

Trong nhà ướt như ngoài sân. Khắp nhà đầy những xô, thùng, chậu men, chậu tôn, nồi nhôm, nồi đất, cặp lồng, cối đá hứng nước chỗ dột. Có chậu đã đầy. Thỉnh thoảng một giọt nước đọng tí tách nhỏ xuống, quầng nước run lên. Giám đốc Trần Quang nhìn thấy chiếc mũ lá Hy vẫn đội đi làm được ấn vào một lỗ tường thủng cho nước mưa khỏi hắt vào.

 

Nắng hửng lên, trời oi, báo hiệu mưa tiếp, nắng xiên qua các lỗ thủng trên mái, in lên mặt đất, bờ tường vô số vòng nắng to nhỏ. Hai người lúng túng, bác Thục vội tiến lên.

-  Chào cô Vân! – Bác lên tiếng.

-  A, bác Thục! – Vân reo lên, nhưng nhận thấy có hai người nữa, chị lúng túng chữa:  - Chào các bác!

Một tay ôm con, một tay chị trải vội chiếc chiếu ra giường, đè lên cả bộ giát ướt. Nhẹ nhàng chị lừa con vào sát tường và mời:

- Nhà cháu vừa chạy đâu một lát. Mời các bác ngồi, cháu pha nước – rồi chị đi lại phía chạn, lục lọi trong lúc cả ba người miễn cưỡng ngồi vào chiếc giường độc nhất. Chị lẩm bẩm: “Quái lạ, mấy cái chén, bọn trẻ con lôi bày đồ hàng, quăng đâu mất rồi?”.

 

Chị lớn tiếng gọi con. Thằng nhớn lép nhép bước về. Chị ghé tai nói thì thầm, thằng bé gật đầu như bổ củi rồi chạy vụt đi. Nhưng mới vài bước nó đã quay trở lại:

- Mẹ ơi, thuốc lá hay thuốc lào hả?

Vân sượng sùng quát:

- Cái thằng... dặn thế mà... thuốc lá ấy! - Vân giục - Nhanh lên con!

- Nhưng mà - thằng bé phụng phịu - con sợ mua chịu, bà Tý ấy...

Biết không thể đấu được nữa, Vân đành nói:

- Cứ bảo chiều mẹ cháu trả ngay! Đi!

Giám đốc vội đứng dậy xua tay, trong lúc bác Thục giới thiệu:

- Anh ấy là giám đốc xí nghiệp mới được trên cử về. Còn đây là đồng chí thư ký công đoàn...

- Dạ, cháu có nghe nhà cháu nói... - Vân bẽn lẽn.

 

Giám đốc cùng thư ký công đoàn ra sân, nhìn đầm nước, trong lúc Vân lần lượt hắt những xô nước ra cửa trước.

- Sao cô chú không thả lấy bè muống và tăng gia con lợn! - Bất chợt ông hỏi.

- Dạ, bởi nhà cửa chúng cháu chật hẹp và dột nát quá ạ! - Vân đáp.

Có tiếng Hy nói vọng ở ngoài với một người nào đó:

- Chờ tao vào mặc cái áo đã nhé!

Giám đốc và mọi người quay ra. Tiếng người bạn Hy giục:

- Nhanh lên kẻo muộn! Chỉ một ngày là xong, ít nhất mỗi thằng cũng được bằng ba tháng lương chứ ít à!

Giám đốc mỉm cười, ông đã hiểu ngay 4 ngày qua Hy nghỉ để đi làm ngoài! Ông đưa mắt ý nhị nhìn thư ký công đoàn. Hy xuất hiện trước cửa, anh khựng lại, hai tay khuỳnh khoàng thọc trong quần bảo hộ thõng xuống. Anh bước một chân vào thềm nhà rồi rụt lại, rồi lại bước vào mấy lần như vậy. Tiếng cười ồ ồ của bác Thục rộ lên:

- Thôi, vào đi! Cả nhà chờ cháu mãi!

Miễn cưỡng, Hy vào hẳn. Giám đốc lên tiếng:

- Bận lắm hả? - Ông nói - Tôi nghe hết rồi. Thế ra mấy ngày nay chú vắng xí nghiệp để đi làm ngoài đấy! - Ông ngồi xuống bên giường thân mật - Tôi gặp chú một lát rồi chú hãy đi. Sự việc sai lầm của chú, chúng tôi không có ý làm đao to búa lớn gì đâu. Nghỉ nốt chiều nay nhé, ngày mai chú tiếp tục đi làm. Chúng tôi chờ đấy.

Giám đốc ngửa mặt nhìn lên mái nhà:

- Tôi và đồng chí thư ký công đoàn không ngờ nhà cửa chú thế này? Hai cháu thì bé, nhà cửa thì ẩm thấp quá! Nếu không sửa được toàn bộ, thì cũng phải thay cái mái đi!

Hy cúi đầu:

- Giám đốc và hai bác đến đây thì cháu xin nói thật. Trước là, cháu đã định chữa, song, mua cung cấp thì không được, mà mua ngoài thì năm trăm bạc một cuộn giấy. Với ngần ấy tiền cháu ít khi có...

 

Giữ vẻ mặt bình thường nhưng trong lòng ghi nhận thắng lợi đầu tiên. Trước mọi người, Hy râu đã nói thật thà, quy thuận. Ông thoáng nhớ hai cuộn giấy dầu nhà ông, vợ ông định lợp chuồng lợn sáng nay. "Việc ấy có thể lui lại được!" - Ông nghĩ:

- Năm ngoái - Vân nói - nhà cháu có làm đơn xin mua ít gỗ phế phẩm của xí nghiệp đẻ chữa nhà. Cái ông phó giám đốc béo béo nhìn tờ giấy nói: "Khối người còn khó khăn gấp mấy lần anh ta chứ!" Chúng cháu mất bao công lao đi lại, chạy vạy mà công cốc! Chán quá!

 

Giám đốc lại cười. Ông quay sang hỏi thư ký công đoàn xí nghiệp:

- Cái đơn ấy còn bên các anh đấy chứ?

Thư ký công đoàn phân bua:

- Báo cáo anh, tôi vẫn giữ! Đồng chí thông cảm, việc ấy tôi...

- Thôi được rồi! - Giám đốc ngắt lời ông thư ký - sáng mai đồng chí chuyển ngay sang tôi - Rồi quay sang Hy, ông nói tiếp - bây giờ chú đi làm nốt công việc mấy ngày qua, kẻo họ đợi. Sáng mai tôi đợi chú ở phòng làm việc. Nhớ nhé. Ta sẽ bàn với nhau những việc đáng lẽ phải làm từ lâu rồi.

 

Ông đứng dậy tạm biệt vợ chồng Hy. Bác Thục đi sau cùng. Đến cửa, bác đứng lại, nói:

- Tình hình xí nghiệp bắt đầu chuyển biến rồi đấy Hy ạ! Anh em và tôi rất mong chú về tổ cũ. Phân xưởng ta hiện còn thừa một máy soi mà...

- Nhưng... về với ông trưởng phòng ấy... - Hy lưỡng lự.

- Không! Với đồng chí giám đốc này, ông ấy sẽ không như cũ được đâu Hy ạ. Cháu cứ tin như vậy mà nghĩ kỹ đi nhé.

 

Bác Thục chìa tay. Hy vội giơ cả hai tay nắm lấy bàn tay ram ráp của người thợ già, lòng đầy kính trọng. Đứa bé đã dậy. Vân ôm con đứng bên cửa lúc nào. Đứa bé toét miệng, ngọng nghịu:

- Bác về nhé! Bác về nhé!

 

*

Căn nhà xiêu vẹo dột nát của vợ chồng Hy đã được thay bằng một gian nhà mới, chắc chắn và xinh xắn hơn. Tường vách cũng đã khô. Xung quanh cũng sáng sủa, đẹp hẳn ra.

 

Hôm nay chủ nhật, Hy nghỉ việc ở nhà, anh quét thêm một lần vôi trắng. Đứng ngắm lại gian nhà mới của mình, Hy xúc động nghĩ đến giám đốc và anh em trong tổ sản xuất đã bỏ hai ngày chủ nhật đến đây hộ anh những phần việc chính. Còn đồng chí giám đốc, ngoài hai cuộn giấy dầu của nhà ông, ông cho Hy vay, ông còn bán thêm cho vợ chồng Hy một số gỗ phế phẩm đủ cho việc sửa chữa căn nhà.

 

Trong nhà, Vân đang xếp lại đồ đạc. Hai đứa trẻ chí choé trên giường. Góc nhà, đống bìa gia công vỏ hộp xếp đống. Tiếng lợn ụt ịt ngoài chuồng. Bất giác chị đưa mắt lên nhìn trần nhà. Trần nhà đẹp quá. Chiếc áo mưa buộc túm vĩnh viễn không cần đến nữa. Cái cảnh đang ngủ chập chờn, tấm áo mưa che, nặng nước đổ ào xuống mặt, hai đứa trẻ hoảng sợ khóc thét, vợ chồng chị rét run, giữa đêm phải dậy thay quần áo cho cả nhà, rồi mỗi người ôm một đứa con lùi vào chỗ khô nhất, ngồi chờ mưa tạnh... Cái cảnh ấy từ nay sẽ không trở lại căn nhà này nữa!

 

Bỗng tiếng Hy ré lên từ ngoài sân:

- Này Vân! Mấy hôm làm nhà bừa bộn, bộ bản vẽ của tôi, Vân để đâu rồi?

Vân hiểu, tủm tỉm cười:

- Làm gì còn! Tôi xé từ lâu rồi!

Hy xộc vào, miệng méo xệch, bộ râu xồm xoàm rung rung liên tục:

- A... Ai bảo mình làm thế! Khổ tôi tồi!

Vân doạ già:

- Thì anh chứ ai?

Hy ôm đầu rên rẩm:

- Thế có khổ tôi không? Người ta sắp về...

 

Vân lôi dưới đáy va ly ra tập bản vẽ mà chị giữ gìn từ ngày ấy, nói:

- Đùa thôi, đây này!

Vân lặng im nhìn chồng, chị tủm tỉm:

- Muốn gì cũng phải cạo râu đi nhé!

Hy đưa tay xoa cằm, cười:

- Để thì sao? Sợ xấu giai hay sợ rặm?

Vân lườm chồng. Chị thầm trách kẻ nào đã vội đặt cho anh cái tên "Hy - râu" ngộ nghĩnh.

 

Trại Văn Hải Phòng - 1984

Lương Văn Chi
Số lần đọc: 1972
Ngày đăng: 07.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự hồi tỉnh của chàng thi sĩ - Csáth Géza
Truyện ngắn ngắn -2 - Đỗ Ngọc Thạch
Ngày Cậu Cóc Ra Đi - Trần Trung Sáng
Hoa gạo đỏ bên sông - Văn Xương
Biển cũ - Lê Văn Thiện
Câu chuyện của bình minh - Csáth Géza
Một ngày kiếm việc - Lương Văn Chi
Ông Ba Phải - Mang Viên Long
Ông Già và Con Ngựa - Trần Văn Bạn
Chàng Pál và nàng Virginia - Csáth Géza
Cùng một tác giả
Kịch độc (truyện ngắn)
Chuyến xe đêm (truyện ngắn)
Cún con (truyện ngắn)
Hiệp Sĩ (truyện ngắn)
Một ngày kiếm việc (truyện ngắn)
Hy râu (truyện ngắn)
Quyền khinh bỈ (truyện ngắn)
Phong bì trắng (truyện ngắn)
Khẩu phục (truyện ngắn)