Chẵn mười năm sau khi in tập thơ "Cầm gió", Trần Tuấn mới có tập thơ riêng thứ hai - "Ma thuật ngón". Ở "Cầm gió", người ta thấy một Trần Tuấn điềm đạm, náu mình trong không ít những câu thơ áo xống chỉnh chu, điệu đàng "làm dáng". Còn ở "Ma thuật ngón", Trần Tuấn đã là người khác hẳn: "phóng sinh từng phần thân thể" với khát khao tạo lập những góc nhìn siêu thực về cuộc sống. Trong cái nhìn thi ca với tư cách là một sinh thể chịu sự chi phối của quy luật "muốn tồn tại và muốn còn là mình thì anh phải "sống", thì sự khác biệt ấy ở Trần Tuấn có thể xem là hợp lẽ. Và "Ma thuật ngón" chính là một điểm dừng chân tạm thời sau một hành trình thơ đã dài và còn thăm thẳm...
Trong bối cảnh cái nhìn cảm tính bề ngoài đang lấn lướt cái nghĩ bề sâu, cái tựa "Ma thuật ngón" dễ khiến người ta nghĩ đây là một tập thơ "kêu" và hợp mốt thời thượng. Nhưng thực chất, "Ma thuật ngón" không rỗng, không lừa phỉnh số đông theo cái kiểu ấy mà đặc quánh đến khó đọc. Cả tập chỉ có vài bài nghĩa nằm ngoài mặt chữ, chảy đồng thời theo từng nhịp, từng câu; phả ra ngoài những cảm xúc thật thà, hồn hậu. Kiểu như: "nào/ về thôi/ ba mươi mấy năm rồi còn gì/ mới biết anh nghỉ đây/ Ba Tơ lơ mơ/ đồi đồi úp bóng" (Về). Số còn lại, cảm xúc như một thách đố, như chơi trò trốn tìm, lẩn khuất đâu đó sau chữ, ngoài chữ, cho phép mở ra những liên tưởng đa chiều tùy năng lực đọc và cảm, tùy không - thời gian và tâm trạng của mỗi người.
Nếu ở ngay quê gốm, trong một không gian gốm, có thể chỉ thấy một vòng chu sinh của đất, khi đọc: "cái miệng chảy lên đôi mắt/ đôi mắt thắt thành lỗ tai/ lỗ tai gài sang rẻo trán/ rẻo trán dán xuống hai môi" (Phù Lãng I). Nhưng nếu ở một nơi ngoài quê gốm, ngoài Phù Lãng, nhất là khi những nhói cảm về thân phận thét gào, chòi đạp, thì cái gọi là vòng quay chu sinh của đất chỉ như một phương tiện để biểu đạt bi kịch hiện sinh. Đất không chỉ bày ra cuộc chơi riêng có của đất mà đấy chính là cuộc chơi cực kỳ khắc nghiệt gắn vào từng phận người, ở đấy không có ai là ngoại lệ, không ai có thể đứng ngoài... Từ điểm nhìn này, cùng với Phù Lãng (I & II), nhiều bài khác trong "Ma thuật ngón" của Trần Tuấn đã mở rộng tối đa khả năng biểu cảm trong một định lượng ngôn ngữ vừa phải. Vì thế, tiếp cận chúng, sẽ dễ cảm thấy bất lực nếu vận dụng những mô hình cảm nhận rập khuôn. Khả cảm chỉ có được bằng cách đọc, cách cảm không có biên độ hoặc có nhưng mờ nhòe. Như khi đọc hai câu sau trong bài Nhói trắng: "người vẫn đi/ với đôi chân đã dừng lại bao giờ/ nụ hoa vẫn trôi/ trên cái cuống đã cắm ngập vào bóng tối”.
Ngôn ngữ nói chung, vốn đa dạng và phức tạp. Ngôn ngữ thơ tất yếu được xây dựng trên cái nền đặc trưng ấy, cộng thêm những biệt lệ. Đó là, không phải ở đâu, lúc nào, thơ cũng phải hiển ngôn. Đó là sự đảo chiều cấu trúc ngữ âm và thay đổi trật tự tư duy, hình ảnh... Ở "Ma thuật ngón", Trần Tuấn rất có ý thức khi sử dụng biệt lệ. Chỉ có điều, thủ pháp sử dụng biệt lệ của anh chủ yếu là ở yếu tính siêu thực của hình tượng. "chân mọc tràn/ ý nghĩ/ dựng bờm đen" (Dọc mù sương)... Siêu thực được anh sử dụng như là một thủ pháp, như là một phương tiện và cũng là một ám ảnh. Tập thơ có 3 phần (Phóng sinh từng phần thân thể, Về, Đỉnh rỗng) như 3 cung đoạn của một quá trình XẢ - NÉN - NGHỈ, mà mục tiêu là những cuộc tạo sinh hoan lạc và đau đớn. Ở đó, khi thấp thoáng, khi rầm rập hiển thị những "bờ Người khác", "những ý nghĩ mọc lên", "một chuyến nâu", "lau một tiếng nói"... Tất cả bày ra bởi những cái nhìn đầy ảo giác từ bên trong kết hợp với cảm nhận bên ngoài được hình thành bởi sự liên tưởng không có giới hạn, không rõ điểm xuất phát... "cột điện gập lưng/ bò lê/ nôn mửa/ bên hài cốt nhà" (Lưỡi bão).
Một "lưỡi bão" đau đớn, không hẳn của vật mà là của muôn người. Không có dấu hiệu "ma thuật", sự thách đố hay ý đồ tạo dựng cuộc chơi hình thức nào ở đây. Có chăng, chỉ là sự tiệm cận với lý thuyết về ngôn ngữ học tri nhận: Thiết lập mối quan hệ giữa ngôn ngữ tự nhiên với trí tuệ, tư duy và quá trình tinh thần của con người. Bởi vậy, có những không gian rất hẹp, thậm chí rất riêng (dù không có bóng dáng cái tôi), lại tạo nên một bình diện nhân sinh rộng loãng đến ớn lạnh: "lanh canh tiếng ly muỗng đi trên con đường đêm/ chiếc xe đẩy người bán cà phê đêm về nhà lúc gần sáng/ nhà đâu trong đầu người đẩy xe mơ ngủ/ nơi ngã tư gần lụi đèn đường/ ụ giao thông ngồi làm nấm mộ/ có dăm giấc mơ dừng lại ngồi bên (Giấc mơ sống sót).
Không bằng những xảo thuật phù thủy, Trần Tuấn tạo dựng "Ma thuật ngón" và cuộc chơi ma thuật chữ nghĩa bằng những bài thơ nới rộng cấu trúc, lạ hóa sơ đồ ngữ âm và ảo hóa cảm xúc. Chữ nghĩa vốn sẵn có tiềm năng dao động. Trần Tuấn dùng thủ pháp tùy biến để nới rộng biên độ dao động của chúng hoặc buộc chúng đứng lại, bất định trong một sát-na nghĩa. Với ngần ấy, "ngón tay" Trần Tuấn đã làm nên một "ma thuật" cho thơ mình?!.../.