Vào giữa năm 2007, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam gần quần đảo Trường Sa, giết chết một ngư dân và làm bị thương 6 người khác, trong khi hãng dầu khí BP của Anh đã tạm ngưng hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn khí gas ngoài khơi Việt Nam trị giá 2 tỉ USD sau lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Trung quốc. Kế đến cuối năm 2007, Trung Quốc cũng đã phản đối công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đang thăm dò 2 lô 127 và 128 ngoài khơi vùng biển Khánh Hòa dẫn đến công ty này phải tạm ngưng tìm kiếm dầu , mặc dù đã bỏ ra 100 triệu USD. Đặc biệt, Trung Quốc lại tổ chức diễn tập quân sự , để củng cố cho yêu sách lãnh thổ của mình xung quanh quần đảo Trường Sa vào tháng 11 năm 2007.
Quyết định của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2007 cho thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi là Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác, dù chỉ có tính tượng trưng nhưng đây là một hành động khiêu khích đặc biệt. Khi các sinh viên Việt Nam tụ tập bên ngoài Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 12 năm 2007 để biểu tình phản đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp tại Biển Đông, nó đã đưa ra một tín hiệu mới về sự phản kháng của nhân dân Việt Nam đối với phương Bắc.
Từ những sự kiện vào trung tuần tháng 12 năm 2007 ở Việt Nam đã đẩy Trung Quốc có thêm những hành động cứng rắn với Việt Nam.
Vào tháng 7/2008, Trung Quốc đã phản ứng thành công việc công ty Exxon Mobil Corp., công ty dầu khí hàng đầu thế giới của Mỹ hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu ở thềm lục địa của Việt Nam.
Việc ExxonMobil ra thông cáo nói hiện chưa có dự án khai thác dầu mà mới chỉ tiến hành “đánh giá sơ bộ về kỹ thuật và kinh doanh một số vị trí ở ngoài khơi” với VN là động thái tránh va chạm quyền lợi của công ty này với Trung Quốc.
Việc hãng dầu BP của Anh và Exxon Mobil của Mỹ ngừng dự án thăm dò và khai thác dầu tại VN vì tổng số vốn đầu tư của BP và Exxon Mobil ở Trung Quốc lên tới hàng tỷ USD. Mới đây Exxon Mobil lại vừa hoàn tất công trình xây dựng nhà máy hóa dầu trên 1 tỷ USD tại Trung Quốc. Cả 2 tập đoàn BP và Exxon Mobil hiện đầu tư vào Trung Quốc hàng chục tỷ USD bao gồm các trạm xăng, những nhà máy khí đốt. Nói chung vì quyền lợi rất lớn tại thị trường Trung Quốc nên 2 công ty này phải chiều ý TQ mà thôi.
Tiến sĩ Fereidun Fesharaki, chuyên gia năng lượng thế giới phân tích Trung Quốc gây áp lực đối với BP và Exxon ngưng hợp đồng với Việt Nam viện cớ việc tìm kiếm dầu khí đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc thì đây có thể là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm nhanh chóng xúc tiến thỏa thuận lãnh hải đã thành hình giữa Trung Quốc với Việt Nam: “Hiện nay, Việt Nam là một trong những vùng cuối cùng còn tài nguyên dầu khí, những nơi khác đều đã nằm dưới quyền kiểm soát của các công ty dầu quốc gia. Vì vậy, các tổ hợp quốc tế tìm mọi cách chiếm lĩnh; ngược lại Trung Quốc lại muốn xua đuổi những công ty này đi chỗ khác. Tất cả sự việc này khiến Việt Nam phải đi đến chỗ thành hình những thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc”.
Fereidun Fesharaki nhận định rằng các công ty dầu quốc tế sẽ có thể được Trung Quốc dành cho nhiều đặc ân hơn nếu chịu nhân nhượng mà hủy bỏ hợp đồng với Việt Nam.
Tiến sĩ Kang Wu, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Đông Tây ở Hawai (Mỹ) cho rằng Trung Quốc lên tiếng phản đối vì nhà nước Trung Quốc lúc nào cũng muốn thể hiện lập trường cứng rắn của mình ở biển Đông và nếu Việt Nam nhượng bộ hay thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc khai thác thì người thua thiệt là Việt Nam.
Theo hãng tin Bloomberg hôm 24/11/2008, dự án của CNOOC Ltd (Trung Quốc) thăm dò dầu khí nước sâu trị giá 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ đôla sẽ được thực hiện từ 2009 cùng với công ty mẹ của họ là tập đoàn CNOOC (China National Offshore Oil Corp) Sau khi thông tin được phổ biến cổ phiếu của Cnooc tăng 2% trên thị trường chứng khoán ở Hong Kong khi tin về dự án vĩ đại của họ được loan ra, bất chấp chỉ số Hang Seng sụt 1,6 điểm.
Tuy nhiên, có vẻ như động thái của CNOOC được tính toán để chờ phản ứng của các nước trong vùng Đông Nam Á mà đặc biệt là Việt Nam.
CNOOC hy vọng ngân sách 29 tỉ USD đưa tới sản lượng 350 triệu thùng/năm vào năm 2020, tại túi dầu trữ lượng 22 tỉ thùng trên vùng phía Nam biển Đông (tổng sản lượng hiện nay của CNOOC tại vùng biển Đông chỉ có 200,000 thùng/ngày).
CNOOC và các đối tác trong tương lai của mình đang dự đoán sẽ khoan sâu tới 3.000m ngoài khơi vào trước năm 2020, so với độ sâu nhất hiện tại là 1.485m. Khu vực trên biển Đông mà CNOOC dự định tiến hành thăm dò và khai thác thuộc khu vực Tư Chính-Vũng Mây và bồ trũng Nam Côn Sơn nằm gần vị trí các lô khai thác dầu của Việt Nam: từ Lô 127 đến Lô 135 (trong đó Lô 133, 134 do công ty dầu MonocoPhilips của Mỹ đang thăm dò. Tại Việt Nam, ConocoPhillips đã đầu tư hơn 1 tỷ USD [nắm giữ 23,25% cổ phần khai thác tại lô 15.1; 36% tại lô 15.2; 70% tại lô 133 và 134; 50% tại lô 5.3 và 16,33% tại dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Đại diện của ConocoPhillips tại Việt Nam cho biết khoản đầu tư trong 10 năm tới của tập đoàn này tại Việt Nam sẽ tập trung vào các dự án phát triển mỏ mà công ty có cổ phần khai thác với hơn 1 tỷ USD nữa]) và các Lô 4.3, Lô 07,08, Lô 5.2 (hãng dầu BP của Anh đầu tư 2 tỷ USD phải ngưng thăm dò do sức ép của Trung Quốc).
Việc Trung Quốc chọn thời điểm cuối tháng 11/2008 để công bố kế hoạch thăm dò và khai thác dầu trên biển Đông là nhằm mục đích: Thăm dò thái độ của Mỹ trong việc bảo vệ quyền lợi của các công ty của Mỹ tại VN và chính sách của chính quyền Obama đối với Trung Quốc trong tương lai.
Khi Exxon Mobil tạm ngưng thăm dò trên thềm lục địa VN từ tháng 7/2008, Mỹ, Việt Nam và công ty Exxon Mobil đều có thái độ cứng rắn, nhưng sau cùng Mỹ đành nhượng bộ Trung Quốc một bước. Mỹ đang trải qua cơn suy thoái kinh tế và Mỹ đang cần Trung Quốc giúp đỡ. Để cho sự suy thoái kinh tế không biến thành khủng hoảng kinh tế, Mỹ phải chi tiền để cứu các công ty đầu tư, các ngân hàng và các cơ sở kinh tế tài chánh. Muốn chi Mỹ phải phát hành công khố phiếu, và Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đủ dự trữ ngoại tệ để mua công khố phiếu của Mỹ. Với sự suy thoái hiện nay, sức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu (nhất là tại Mỹ) giảm sút, nền kinh tế sản xuất của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, cho nên việc giúp Mỹ của Trung Quốc cũng là một cách giúp mình. Tuy nhiên Trung Quốc có một con đường khác để duy trì sức sản xuất trong nước bằng cách đầu tư vào các dự án (nhất là các dự án xây dựng) để tạo ra công ăn việc làm và duy trì sức tiêu thụ của dân chúng. Vì vậy Trung Quốc không nhất thiết phải giúp mua công khố phiếu của Mỹ nếu Mỹ không làm hài lòng Trung Quốc ở những lĩnh vực trao đổi khác.
Vấn đề chủ quyền trên biển Đông hiện nay Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi, nếu không tìm giải pháp thoát ra, sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi nào chủ quyền của các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được giải quyết. Không nước nào có thể khai thác tài nguyên ở thềm lục địa Trường Sa nếu chủ quyền các đảo tại đây chưa được xác định và được nhìn nhận bởi các bên. Vấn đề “cộng đồng khai thác” đã được nêu ra, nhưng sẽ khó thực hiện. Vả lại, nếu thực hiện thì phía thiệt thòi vẫn là Việt Nam. Việc tranh chấp có thể kéo dài thêm nhiều thập niên, vẫn giữ “nguyên trạng”, nếu các bên tranh chấp vẫn tôn trọng Qui tắc ứng xử biển Đông đã được các nước ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. Nhưng việc kéo dài thời gian lại có lợi cho Trung Quốc. Với thời gian, chỉ cần một, hai thập niên nữa, sự lớn mạnh của Trung Quốc không những chỉ dễ dàng thâu tóm biển Đông mà còn đặt được ảnh hưởng của mình đến các nước trong khu vực.
Vì thế phải có một giải pháp.Việt Nam phải làm thế nào, trước tình trạng hiện nay, để có thể khai thác, ít ra một phần, ở những vùng biển thuộc vùng kinh tế độc quyền của nước mình? Giải pháp nào có lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết chủ quyền các đảo và hải phận biển Đông?
Theo các chuyên gia về luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế ở ĐNA, các yếu tố xét ra có lợi cho Việt Nam, đó là:
1. Việt Nam tôn trọng các công ước quốc tế mà Việt Nam có ký kết.
2. Vận động quốc tế ủng hộ lập trường về biển của Việt Nam tại biển Đông.
3. Trong trung hạn là khai thác vùng biển và thềm lục địa của VN đã được quốc tế công nhận (hay không phản đối).
4. Về dài hạn là củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược với bạn bè quốc tế có cùng chung quyền lợi để đối trọng với Trung Quốc.
5. Tiến đến việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế.
Trong giải quyết vấn đề biển Đông chúng ta cần phải phân biệt các mối quan hệ tranh chấp sau đây:
Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc (hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này bằng cuộc chiến tranh xâm lược vào tháng 1 năm 1974).
Thứ hai, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là tranh chấp đa phương: giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei (chỉ có duy nhất Brunei lên tiếng về chủ quyền nhưng không có chiếm đóng).
Thứ ba, việc tuyên bố đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông (chiếm 75% diện tích trên biển Đông) đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei.
Do đó khi giải quyết vấn đề biển Đông chúng ta cần phải xác định nội dung và lộ trình cho các biện pháp đấu tranh theo thứ tự ưu tiên sau đây:
Đầu tiên cần phải đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế để việc tuyên bố đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Chính vì vậy chúng ta cần phải cung cấp hồ sơ về lãnh hải của Việt Nam cho Liên Hiệp Quốc đúng thời hạn (trước ngày 13/5/2009) bên cạnh việc vận động các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei cùng thống nhất quan điểm về lãnh hải trước khi Liên Hiệp Quốc phán quyết về vấn đề này.
Việc quan trọng thứ hai mà Việt Nam nên làm là đề nghị Trung Quốc đưa ra Tòa án Công lý quốc tế phân xử việc tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc vì họ không có bằng chứng nào chứng minh chủ quyền của họ.
Nếu Trung Quốc khai thác ở Trường Sa thì nước này không tôn trọng luật biển 1982 và Qui tắc ứng xử biển Đông năm 2002. Trung Quốc không có lý do gì để kéo dài thềm lục địa của họ ra đến đây. Các đảo họ chiếm của Việt Nam thì đang trong vòng tranh chấp, vả lại, các đảo này không thể có vùng kinh tế độc quyền hay thềm lục địa. Việt Nam cần phải liên minh chặt chẽ với Philippines, Malaysia và Brunei để phản đối, làm áp lực đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.
Các quan chức cao cấp của Mỹ đã nhiều lần phát biểu về quan điểm của chính phủ Mỹ trong vấn đề biển Đông là không can dự nhưng luôn luôn nhấn mạnh đến việc tuân thủ Luật Biển quốc tế 1982. Quan điểm quan trọng nhất của Mỹ trong vấn đề biển Đông là cam kết của Tổng thống Mỹ G.Bush về sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Cũng như mới đây khi phát biểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michalak nói: “Có những tranh chấp giữa hai phía. Quan điểm của Mỹ là không can dự vào. Nhưng chúng ta có yêu cầu cả hai phía phải dàn xếp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Mỹ phản đối việc Trung Quốc cấm các công ty Mỹ hoạt động tại biển Đông. Đây là quyền tự do hàng hải”.
Khái niệm “tự do hàng hải”mà Mỹ đề cập đến cũng chính là Luật Biển Quốc tế 1982. Đây là lợi thế của Việt Nam trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của mình trên biển Đông.
Có thể thấy rằng Mỹ đang theo rất sát tình hình tại Biển Đông. Đây không phải là nơi mà họ “có vấn đề về chủ quyền”, nhưng ảnh hưởng đang ngày một lớn của Trung Quốc đối với khu vực này luôn nằm trong sự quan tâm của giới chức Nhà Trắng. Lâu nay Mỹ coi Philippines là một đồng minh nằm ở vị trí tiền đồn trên trận tuyến chống lại ảnh hưởng xuống phía Nam của Trung Quốc. Họ cũng đang tranh thủ hàn gắn quan hệ với Việt Nam để tạo cán cân trước đối thủ Bắc Kinh. Các tuyên bố của Mỹ cho thấy Mỹ muốn đóng vai trò “minh chủ” trong vụ tranh chấp ở Biển Đông./.