Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.153.337
 
Đặc Trưng Văn Hóa và Ý Nghĩa Biểu Trưng Tôn Giáo của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa - 2
Đinh Văn Hạnh

II. Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG TÔN GIÁO CỦA BỬU SƠN KỲ HƯƠNG VÀ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA:

 

Ý nghĩa biểu trưng tôn giáo thể hiện rõ nét ở đức tin, tôn chỉ, nghi thức, kinh sách và quan trọng nhất ở nguyên lý của tôn giáo đó.

 

- Đức tin và tôn chỉ:

 

Sự ra đời của một tôn giáo bao giờ cũng gắn liền với đức tin. Đức tin của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa được kế thừa từ quan niệm về ngày tận thế và Hội Long Hoa trong thời Hạ Nguyên vốn tiếp thu, ảnh hưởng từ Phật giáo.

 

Những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa tin rằng thời kỳ Đức Phật Thầy và Đức Bổn Sư giáng thế, truyền đạo, loài người đang bước vào giai đoạn cuối của đời Hạ Nguyên, giai đoạn khổ cực, điêu linh, bệnh tật, chiến tranh và bất công đang làm xã hội suy đồi. Hạ Nguyên sẽ mãn, Hội Long Hoa được mở ra để cứu người hiền, tiêu diệt kẻ ác, xây dựng cuộc sống an lành, thái bình. Đức tin ấy có sức lay động dân chúng vì nó được đề cao vào đúng thời kỳ đen tối của xã hội Nam Bộ bấy giờ. Điều mới mẻ trong quan niệm của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa là lòng tin về Hội Long Hoa khai mở vào một ngày gần kề không diễn ra ở một nơi nào khác trên thế giới mà ngay tại núi Cấm - Thất Sơn Việt Nam, không đề cập tới cõi Niết bàn và nội dung mang tính mạt thế luận.

 

Tôn chỉ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “Tu Nhân Học Phật ". Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kỵ khác nhau giữa các vị chức sắc và tín đồ nói chung. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa xem việc hạn chế sát sinh, cữ ăn 12 con giáp như một thành tựu trên bước đường tu nhân. Tứ Ân Hiếu Nghĩa quan niệm ba đạo Phật, Nho, Lão có cùng nguồn gốc, do đó, cùng thờ cúng cả Phật - Thánh - Tiên. Ngoài ra, tín đồ phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, cách thức hành đạo, lễ nghi, cúng bái tại chùa, đình, miếu, Tam Bửu gia và ở nhà riêng theo qui định.

 

- Nghi thức nhập đạo:

 

Khi chấp thuận thọ giáo, người muốn vào đạo phải gặp Đức Bổn Sư, ông Trò, ông Gánh để làm các thủ tục nhập đạo. Tín đồ thọ giáo với Trưởng gánh nào thì trở thành thân bằng của gánh đó. Trưởng gánh phát cho tín đồ một bộ lòng phái, gồm năm tờ giấy có in chữ Hán và hình bùa với tên gọi: Lòng phái, Thế độ, Tiên sinh, Thái kiệt, Trần Điều và Bùa đời có chức năng khác nhau trong cuộc sống và lúc quá cố. Sau khi nhận Lòng phái, Trưởng gánh chỉ giáo và hướng dẫn nghi thức cúng lễ, bài trí bàn thờ tại gia... Nghi thức nhập đạo của Tứ Ân Hiếu Nghĩa so với Bửu Sơn Kỳ Hương phức tạp hơn, nhưng lại đơn giản so với Hòa Hảo. Lòng phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa có những điểm giống Hồng phái gia nhập Thiên Địa Hội của người Hoa ở Nam Bộ.

 

- Kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa là những lời giáo huấn, cầu nguyện, tiên tri của Đức Bổn Sư truyền dạy, chép thành từng cuốn hoặc được những ông Trò ghi lại lời Thầy bằng chữ Hán trên giấy bản khổ lớn. Nội dung kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng được một số ông Trò, ông Gánh “cụ thể hóa” hoặc bổ sung theo dạng thơ sấm vãn truyền ngôn, giản dị, dễ nhớ.

 

Kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa, theo nghiên cứu bước đầu của chúng tôi, có 24 bộ, phản ánh nhiều mặt, nhiều đối tượng, khá phong phú và đa dạng. Tên gọi các cuốn kinh phản ánh nội dung nổi bật của nó. 24 bộ kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa là: Bà-La-Ni kinh, Linh sơn hội thượng kinh, Hiếu Nghĩa kinh, Siêu thăng kinh, Phổ độ kinh, Thiên địa kim cang kinh, Âm chất chơn kinh, Hoàn sanh kinh, Hoàn hồn kinh, Bắc đẩu thất nguyên kinh, Kim cang thọ mạng kinh, Phật thiết thọ sanh kinh, Phật thiết thiên địa kinh, Ngọc Hoàng cốt tỷ chơn kinh, Phổ âm tịch cảm kinh, Siêu thăng phan đào kinh, Phổ độ phan đào kinh, Phật thiết phân chân kinh, Phật thiết cao vương kinh, Ngũ hồ kinh, Ngũ nhạc kinh, Ngũ công thiên đồ kinh, Ngũ công cứu kiếp kinh, Ngũ công quan âm kinh...

 

- Các nguyên lý của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa:

 

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghiã có ba nguyên lý căn bản.

Tu nhân: Là rèn sửa tâm tính, làm lành lánh dữ để tích đức, làm tốt mọi việc, sống tốt với mọi người, có ích cho đất nước, xã hội. Muốn tu nhân phải thực hiện Tứ đại trọng ân, tức đền trả bốn ân lớn: ân cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại. Ngoài ra, muốn tu nhân còn phải xử thế theo tinh thần Nho giáo: Kính trời đất, trọng thần thánh, chuyên tâm thờ phụng tổ tiên, thảo hiền với cha mẹ, giữ phép nước, trọng thầy, yêu mến anh em, giữ chữ tín với bạn, sống có nghĩa với bà con xóm giềng. Theo Đức Bổn Sư nếu giữ trọn “tam cương” thì làm trọn đạo nhân.

 

Tu nhân, với nội dung cốt yếu là thực hiện Tứ đại trọng ân của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa khác với quan niệm xuất gia tu hành. Tu nhân là hòa nhập vào cuộc sống, rèn tâm sửa tính, vì  thực tiễn cuộc sống. Ân đất nước được nhấn mạnh đặc biệt có ý nghĩa trong thời kỳ Tổ quốc bị ngoại xâm... Quan điểm Tứ đại trọng ân được nâng cao về chất trong mục đích so với quan niệm Tứ ân của Phật giáo mà đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã kế thừa. Tu thân  của Nho giáo là để “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, còn tu nhân của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa suy cho cùng là để đền trả ân hiếu nghĩa...

 

 Học Phật: Là học những điều Phật dạy và làm những điều Phật khuyên nhằm nhận thức được con đường đạt tới toàn chân, toàn mỹ, nâng cao hơn khả năng tu nhân. Điều kiện của học Phật là thực hiện Thập nhị lệ sự (12 điều tuân): Kỉnh thiên địa, Lễ thần minh, Phụng tổ tiên, Hiếu song thân, Thủ vương pháp, Trọng sư trưởng, Ái huynh đệ, Tín bằng hữu, Lục tôn tộc, Hòa hương lân, Biệt phu phụ và Giáo tử tôn. Tín đồ phải thành tâm thiện niệm lục tự di đà và các bài kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức Bổn Sư soạn. Việc niệm lục tự A - Di - Đà và dùng pháp tay, pháp trường định tâm tưởng niệm là kế thừa phép tu Tịnh độ tông và Thiền tông Phật giáo. Nhưng không bao hàm và hội đủ nội dung các pháp môn đó của đạo Phật. So với Bửu Sơn Kỳ Hương, học Phật Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhiều điểm mới: ngoài việc tưởng niệm danh hiệu Phật còn thực hiện chuông, mõ, lần xâu chuỗi và đọc kinh Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

 

Mục đích của tu nhân là xây dựng quan hệ trong sáng, tốt đẹp giữa người với người, giữa thế hệ này với thế hệ kia. Cứu cánh của học Phật là hoàn thiện hơn việc tu nhân và được về cõi Tây phương cực lạc khi chết. Học Phật không phải là giai đoạn cao của tu nhân. Với nguyên lý cơ bản là Tu nhân học Phật, Tứ Ân Hiếu Nghĩa không phải là loại giáo lý suy luận như thường thấy ở các tôn giáo khác.

 

Ấn, chú và rèn luyện Tinh, Khí, Thần: Đây là những phương pháp nhằm giúp tín đồ đạt hiệu quả cao hơn trong việc đời và việc đạo. Phương pháp ấn, chú Tứ Ân Hiếu Nghĩa theo hình thức của Mật tông, nội dung là những câu mật chú, tay ấn do Đức Bổn Sư soạn ra. Việc luyện Tinh, Khí, Thần, Tứ Ân Hiếu Nghĩa kế thừa của Lão giáo. Tinh, Khí, Thần, ấn, chú đòi hỏi tu luyện công phu, không đặt ra như một “pháp môn” quan yếu của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

 

Với nguyên lý tu nhân học Phật và các phương pháp tu luyện khác như ấn, chú, rèn luyện Tinh, Khí, Thần, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một tôn giáo có các “pháp môn” tu hành tổng hợp: Trì niệm và ấn, thần chú theo hình thức Tịnh độ, Thiền tông và Mật tông - Phật giáo; Xử sự theo Nho giáo và rèn luyện Tinh, Khí, Thần theo Lão giáo. Các pháp môn đó thực hiện bởi tôn chỉ: Kính trọng chung Phật-Thánh-Tiên, xem Tam giáo có cùng một gốc.

 

Trong lịch sử  tư tưởng Việt Nam, quan niệm về Tam giáo đồng nguyên xuất hiện rất sớm, hoá giải mọi độc tôn về ý thức hệ, nhằm tạo nên một cuộc sống tâm linh thăng bằng, phong phú. Tinh thần Tam giáo trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thực chất là sự kế thừa và kết hợp khá nhuần nhuyễn một số nội dung của ba hệ thống tư tưởng khác nhau trong một tổng thể Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

 

- Hình thức truyền đạo:

 

Là cách tổ chức và điều kiện phổ biến quan niệm về tu nhân học Phật, nghi thức cúng lễ, tổ chức bàn thờ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tới nông dân. Nhiều nội dung tu nhân học Phật được chuyển ý thành thơ, theo lối sấm vãn, lời lẽ bình dị, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Bởi vậy, tinh thần đạo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa xâm nhập tự nhiên, rộng rãi trong nông dân, phổ biến trong giao tiếp và đặc biệt giáo dục trong gia đình.

 

Khi mới ra đời, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được truyền bá trong điều kiện chữa bệnh, nhất là lúc bệnh dịch hoành hành. Sau này, việc truyền đạo thực hiện rộng rãi trong quá trình khẩn hoang, xây dựng căn cứ chống Pháp... Hình thức đó phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ nông dân Nam Bộ bấy giờ. Vì vậy nó được dễ dàng tiếp nhận và phổ biến khá rộng rãi.

 

- Cơ cấu tổ chức:

 

Người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được tôn là Đức Bổn Sư. Ông gọi tín đồ là Bá gia. Tín đồ gọi nhau là Thân bằng. Những cao đồ thường theo Đức Bổn Sư để phát huy ý tưởng, ghi chép lời truyền dạy gọi là ông Trò. Người được giao phận sự thay mặt Đức Bổn Sư trông nom việc đạo của một nhóm tín đồ gọi là ông Gánh-thấp hơn và thuộc lớp sau ông Trò. Sau khi Đức Bổn Sư qua đời, những người cùng học đạo hay thọ giáo với một cao đồ, hay một ông Gánh hình thành nên một đơn vị tập hợp tín đồ gọi là gánh. Đứng đầu gánh là Trưởng gánh. Các Trưởng gánh là thành viên của Hội Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Hội đạo không có Hội trưởng hay người đứng đầu. Các Trưởng gánh đều bình đẳng như nhau về quyền lợi và nghĩa vụ của đạo. Chức sắc Trưởng gánh do cha truyền con nối. Dưới Trưởng gánh có Thông tín, Cư sỹ Thủ lễ giúp việc theo chức năng, nhiệm vụ. Họ được Trưởng gánh đề cử và làm lễ nhậm chức tại chùa Tam Bửu sau khi Hội đạo đồng ý. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 24 gánh phân bố khắp vùng Thất Sơn (An Giang).

 

Cơ cấu tổ chức của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa khá đơn giản nhưng chặt chẽ, phù hợp với điều kiện hình thành và phát triển. Hàng chức sắc không nhiều, việc phong tặng mang nặng ảnh hưởng của quan hệ gia tộc, dòng họ.

 

III. Ý NGHĨA XÃ HỘi:

 

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: chế độ phong kiến suy tàn, nhân dân lầm than khổ cực, mảnh đất mà những người dân tha phương cầu thực, khai phá gây dựng nên đang bị thực dân Pháp xâm lược. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chính là một “phương thuốc” cứu thế của một bộ phận nông dân Nam Bộ. Nhiều người cho rằng khái niệm Tận thế và Hội Long Hoa là ẩn dụ về ngày tàn của thực dân và ngày độc lập của dân tộc Việt Nam. Nguyên lý Tứ  Ân được nhấn mạnh nhằm khơi gợi lòng yêu nước tự hào về, nòi giống, kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất nước, bảo vệ thành quả của cha ông.

 

Với tinh thần đó, những làng mới do tín đồ lập nên dưới sự lãnh đạo của Ngô Lợi đã trở thành căn cứ kháng chiến chống Pháp. Nhiều người lãnh đạo, hàng nghìn nghĩa quân tham gia khởi nghĩa chống Pháp bị thất bại trước đó đã quy tụ lại, khẩn hoang, tích lũy lương thực, rèn luyện khí giới chờ cơ hội chống Pháp. Họ đã tổ chức nhiều đợt tấn công quân Pháp. Từ  năm 1867-1885, Thất Sơn là trung tâm của phong trào nông dân chống Pháp ở Nam Bộ. Khi phong trào Cần Vương được Hàm Nghi khởi xướng, các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa Thất Sơn là căn cứ, là “thành quả tinh thần” của toàn cõi Nam kỳ. Thực dân Pháp đã treo giải thưởng 1.000 quan cho ai bắt được Ngô Lợi và từ năm 1881-1888 đã hơn bảy lần chúng tổ chức bao vây triệt phá các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Nhưng cho dù có thực hiện biện pháp tàn sát và tước đoạt quyền cư trú của nông dân ở đây thì thực dân Pháp cũng không khuất phục được lòng yêu nước của họ. Các làng đạo Thất Sơn vẫn tồn tại và phát triển. Người Pháp vẫn ở trong tình trạng bị “khuâý động ở mức căng thẳng” (theo báo cáo của Pháp) từ phía tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

 

Phong trào chống Pháp của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là phong trào yêu nước của công dân đối với Tổ quốc. Trong hoàn cảnh đặc biệt, với những quan niệm đạo lý cụ thể, phù hợp nhu cầu thực tiễn dân tộc của Tứ Ân Hiếu Nghĩa được khơi dậy mạnh mẽ đã có sức lay động và tập hợp nông dân chống Pháp, giải phóng dân tộc. Vì thế, tính chất của nó không phải là một phong trào mang màu sắc tôn giáo hoặc nằm trong quỹ đạo của phong trào tôn giáo cứu thế như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định.

 

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng, Bảy Núi (nơi tập trung hầu hết các làng đạo Tứ Aân Hiếu Nghĩa) là căn cứ cách mạng của tỉnh An Giang, một địa bàn có ý nghĩa chiến lược của hành lang Đông-Tây, Việt Nam-Campuchia ở thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Từ  1954-1975, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thu hút đông đảo tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tích cực tham gia, “ân tổ tiên ông bà và đất nước” được họ đồng lòng”đền trả” theo một tinh thần mới.

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, các xã Ba Chúc, Lương Phi, Lê Trì, Vĩnh Gia, Lạc Quới, Long Sơn (có số tín đồ chiếm từ 50-90% số dân trong xã) đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều Huân chương cao quý khác. Đó là niềm tự hào của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa nói riêng và của nông dân Nam Bộ nói chung.

 

IV. MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA VÀ Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG TÔN GIÁO CỦA BỬU SƠN KỲ HƯƠNG VÀ TỨ ÂN HIẾU NGHĨA

 

Sự ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa có gốc rễ sâu xa từ những nguyên nhân chung về sự ra đời của các tôn giáo, mà ở đây là những tiền đề kinh tế, văn hóa-xã hội và hoàn cảnh lịch sử của vùng đất Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một tôn giáo ra đời sau, có kế thừa Bửu Sơn Kỳ Hương. Hai tôn giáo này chúng ta thấy có một số điểm giống nhau quan trọng nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau cơ bản.

 

Trước đây cũng có quan điểm cho rằng Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa (và cả Hòa Hảo ra đời sau này) là các thời kỳ “phổ hóa”, “hoằng đạo” khác nhau của Bửu Sơn Kỳ Hương hay của một giáo phái Phật giáo. Căn cứ cho kết luận này là từ những nhận định của “tinh thần huyền bí tôn giáo” (cho rằng những người sáng lập các tôn giáo ra đời sau chẳng qua là sự “chuyển kiếp” hay “hậu thân” của Đức Phật Thầy Tây An, hay đều là sự “hóa hiện “ của Đức Phật). Cùng ra đời trên vùng đất An Giang, Tứ Ân Hiếu Nghĩa (và cả Hòa Hảo sau này) đều đã chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm tu nhân học Phật và Tứ  Đại Trọng Ân của Bửu Sơn Kỳ Hương vốn cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc và có nguồn gốc từ Phật giáo. Về nguyên tắc không thể công nhận cùng một tôn giáo khi danh xưng mối đạo, mối quan hệ của người sáng lập, nghi thức hành đạo và tổ chức tôn giáo với các hệ thống tín đồ riêng lẻ khác nhau. Tuy nhiên, ra đời trong hoàn cảnh đặt biệt là có ngoại xâm nên tinh thần của Bửu Sơn Kỳ Hương - nổi bật với việc đề cao báo đáp Tứ ân, trong đó có ân đất nước, đồng bào, được các tôn giáo ra đời sau tiếp tục noi theo, nhằm tạo ra một cơ sở xã hội bền chặt và rộng khắp. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà tín đồ Hòa Hảo đông hơn tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ít hơn nhiều so với hai đạo trên, dù nó đã gây ảnh hưởng rất lớn trong nông dân Nam Bộ từ giữa thế kỷ XIX. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có kế thừa những nội dung quan trọng trong nguyên lý Bửu Sơn Kỳ Hương cũng chỉ là đặc điểm chung của những tôn giáo ra đời sau.

 

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa không phải là một giáo phái Phật giáo, một “tôn giáo cứu thế " hay một đạo giáo (secte religieuse). Từ trước đến nay có những quan điểm khác nhau về loại hình tôn giáo địa phương Nam Bộ. Có nhiều ý kiến cho rằng các tôn giáo này là những giáo phái (thậm chí còn xem là hệ phái) Phật giáo. Kết luận này căn cứ chủ yếu vào nội dung quan niệm tu nhân học Phật và hành xử Tứ ân. Các quan niệm này cho rằng đó là pháp môn “tùy cơ hóa độ”, là sự đơn giản hóa giáo lý đạo Phật nhằm tạo sự phù hợp với “căn cơ” và trình độ của chúng sinh. Hoặc, thực hiện tu nhân học Phật là áp dụng pháp môn “Thiền Tịnh song tu”, và hành xử Tứ ân là thực hiện “Tu phước” của Phật giáo... Những nhận xét ấy được rút ra từ sự so sánh có cơ sở. Nhưng từ những nhận xét đó để dẫn tới kết luận rằng Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa là giáo phái Phật giáo thì trên thực tế e còn chưa đủ và không có sức thuyết phục. Đó là chưa nói thực chất của “pháp môn” tu nhân là theo tinh thần Nho giáo chứ không hoàn toàn Phật giáo... Cũng từ những nhận xét trên, ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng với thành tựu “Tùy cơ hóa độ” Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã chấn hưng đạo Phật - Mặc dù theo các nhà nghiên cứu Phật giáo thì mãi những năm 20 của thế kỷ này phong trào chấn hưng Phật giáo mới được khởi xướng, chưa thấy ai chọn thời điểm nửa sau thế kỷ XIX, tức lúc Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời, làm mốc khởi đầu cho phong trào này cả. Như vậy là mâu thuẫn giữa việc thừa nhận Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là giáo phái Phật giáo với việc đặt nó trong tiến trình lịch sử  của đạo Phật.

 

Nói về tính chất, loại hình của các tôn giáo xuất hiện ở vùng Thất Sơn cuối thế kỷ XIX và vai trò nổi bật của các chùa ở núi Tà Lơn, núi Cấm cũng như các “Thầy núi” ở đây trong phong trào chống Pháp, giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: những tôn giáo ấy mang tính đặc sắc của Việt Nam ở ba mặt sau: Thứ nhất, nó đồng hóa tới mức khá sâu với tư tưởng và ma thuật kiểu Đạo giáo phù thủy; Thứ hai, nó đã chấp nhận nhiều nguyên lý đạo đức Nho giáo lâu nay chung sống hòa bình với nó; Và, thứ ba, nó ít khi tuyên truyền những điểm triết lý gọi là thâm viễn của Phật giáo Thiền tông, mà chỉ chú trọng trước hết đến chuyện cứu khổ cứu nạn, đến chuyện họa phúc. Như vậy, những đạo này “đã dang ra khá xa với Phật giáo chính thống”, tạo nên một hệ thống riêng mà người Pháp gọi là “Đệ tam đẳng Phật giáo” (Le tiers ordre boudhiste).

 

Để kết luận tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa có phải là một giáo phái hoặc thậm chí hệ phái Phật giáo hay không cần phải căn cứ vào các tiêu chí quan trọng để xem xét, như: Quan niệm đạo lý thể hiện trong kinh sách riêng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa; các đối tượng thờ cúng; nghi thức hành lễ; thậm chí cả tôn chỉ mục đích của đạo... có gì giống nhau và khác biệt với Phật giáo, nguồn gốc của sự tương quan và tương phản đó. Chẳng hạn, nếu căn cứ vào đối tượng thờ cúng để xem xét, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Phật là đối tượng tôn thờ quan trọng nhất của Pht giáo. Nhưng với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa không thờ một tượng Phật cụ thể nào ngoài đối tượng duy nhất có liên quan đến Phật là bàn thờ Tây Phương Cực Lạc-vốn không hề có trong chùa Phật giáo. Như vậy, có thể gọi Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là giáo phái Phật giáo được chăng? v.v...

 

Qua việc tìm hiểu các mặt: nguồn gốc, đức tin, tôn chỉ mục đích, các nguyên lý, hình thức truyền đạo, cơ cấu tổ chức, nơi thờ tự, nghi thức cúng lễ và hành đạo... Chúng ta thấy đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa một số yếu tố của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, cả ít nhiều của tín ngưỡng dân gian, truyền thống... Về trì niệm và ấn khuyết, thần chú theo tinh thần Thiền, Tịnh và Mật tông-Phật giáo; Về tu nhân, xử sự theo tinh thần Nho giáo; về rèn luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo; Về nơi thờ cúng và nghi thức hành lễ thể hiện sự kết hợp của cả ba hệ thống Phật - Nho - Lão với tín ngưỡng dân gian, truyền thống; Về cơ cấu tổ chức thể hiện sự ảnh hưởng của quan hệ dòng họ trong làng xã người Việt... Sự kế thừa và kết hợp một số nội dung của các hệ thống Phật, Nho, Lão, tín ngưỡng dân gian, truyền thống tạo ra tổng thể Tứ Ân Hiếu Nghĩa đặc trưng khó xác định nguồn gốc từ hệ thống nào là chủ yếu, hay cơ sở. Bởi vì khi đặt nặng yếu tố trì niệm, thần chú, hình thức dùng chuông mõ khi cúng dường như Phật giáo sẽ cho rằng Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nguồn gốc từ  Phật giáo. Nhưng quan tâm đến nơi thờ tự, đối tượng tôn thờ, cách dâng hương, hoa, trà, rượu... sẽ nghĩ là nó xuất phát từ lối tu tiên, đạo Lão v.v... Vì vậy, chúng tôi cho rằng khó có thể chấp nhận Tứ Ân Hiếu Nghĩa là giáo phái của một tôn giáo cụ thể vốn có trước đó ở Nam Bộ. Tất nhiên, nếu chọn một số tiêu chí nào đó để xem xét có thể thấy rõ Tứ Ân Hiếu Nghĩa kế thừa một số mặt của Phật giáo, Lão giáo nhiều hơn Nho giáo. Nhưng điều đó phụ thuộc vào khả năng thu nhận, tổng hợp văn hóa của nông dân và sự ảnh hưởng của những tôn giáo đó trong văn hóa truyền thống của vùng chứ không hẳn cái gốc của nó là một tôn giáo duy nhất được cải biến. Vả lại, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là việc xem xét để kết luận đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có phải là một giáo phái của tôn giáo nào đó hay không cần gắn liền với việc tìm hiểu đầy đủ bối cảnh ra đời cũng như cứu cánh cụ thể của tôn giáo này... Với ý nghĩa đó chúng tôi xem Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa có thể như là những “tôn giáo địa phương”.

 

Sau năm 1975, một số nhà nghiên cứu cho rằng các tôn giáo ra đời ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo là những phong trào tôn giáo cứu thế. Khái niệm “tôn giáo cứu thế” được dịch từ thuật ngữ nước ngoài messianisme (hay religion messianiste)-hoàn toàn không mang tính thần học như giáo thuyết của Thiên Chúa, để chỉ chung các tôn giáo ra đời trong bối cảnh đàn áp và bóc lột của thực dân, gắn liền với sự thất bại của các phong trào chống thực dân của nông dân bản xứ. Sự ra đời của các phong trào “tôn giáo cứu thế thể hiện lòng mong ước xuất hiện một lãnh tụ kiệt xuất của nông dân để lãnh đạo họ chống đàn áp dân tộc, chống ảnh hưởng ngoại lai, đưa họ trở về với cội nguồn dân tộc mà họ tin là có sức mạnh vô địch”. Theo các tác giả, phong trào tôn giáo cứu thế là hiện tượng đặc trưng, xuất hiện trong bối cảnh chế độ thực dân xâm lược thuộc địa phổ biến trên thế giới được các học giả nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Chẳng hạn, ở  Âu châu có phong trào tôn giáo cứu thế phía Nam xứ Toscane (Italia), ở Nam Mỹ phong trào tôn giáo cứu thế phát triển mạnh ở Brésil. Vùng Đông Nam Á, các nước Philippines, Indonésie cũng có những tôn giáo cứu thế xuất hiện khi chủ nghĩa thực dân đế quốc xâm lược, từ sau thế kỷ XVI. Ở Nam Bộ, Việt Nam, trong những điều kiện nhất định của thời điểm chính trị và không gian xã hội tương tự các tôn giáo cứu thế ra đời. Nó mang những thuộc tính của phong trào tôn giáo cứu thế nói chung (tức là khi thực dân đế quốc xâm lược, dù vua quan phong kiến có đầu hàng hoặc thỏa hiệp với ngoại xâm thì tầng lớp sỹ phu và nông dân yêu nước vẫn chống lại bằng mọi hình thức, không chống được bằng bạo lực thì họ theo khuynh hướng quốc gia cực đoan, sử dụng tôn giáo, thần quyền để tập họp và tổ chức lực lượng chống lại ngoại bang). Chúng tôi cho rằng “cứu thế” là đặc trưng cố hữu của mọi tôn giáo. Vì vậy, có một sự thật là trong những điều kiện chính trị và không gian xã hội nhất định, như đã nói ở trên, có nhiều tôn giáo ra đời. Và, thực ra, đó cũng chỉ là sự phản ánh điều kiện và nguồn gốc sâu xa đưa đến sự ra đời của các tôn giáo. Xuất hiện trong bối cảnh và điều kiện nhất định, các tôn giáo đó đã nhấn mạnh mục đích cứu thế. Điều này không nói lên tính chất riêng hay đặc thù của riêng một tôn giáo nào. Vì mọi tôn giáo ra đời đều nhằm vào mụïc đích cứu thế. Việc đặt nặng mục đích cứu thế của một tôn giáo thường ở vào giai đoạn nó mới vừa ra đời. Bởi sự ra đời của hiện tượng xã hội ấy bao giờ cũng quan hệ biện chứng với cơ sở xã hội đã sản sinh ra nó. Còn sau này, khi nó phát triển qua nhiều thời đại khác nhau, hoàn cảnh lịch sử khác nhau mục đích cứu thế dù muốn dù không cũng ít được chú trọng hơn. Và, như thế, những tôn giáo càng ra đời muộn càng dễ đưa lại sự hiểu biết đầy đủ và rõ rệt về mục đích cứu thế của nó. Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài hay Hòa Hảo đều nằm trong quy luật chung đó. Mặt khác, nếu nói bản chất, thuộc tính của các tôn giáo thuộc “phong trào tôn giáo cứu thế” là sự ra đời của nó gắn liền với phong trào chống thực dân của nông dân bản xứ thì tại sao phong trào tôn giáo cứu thế chỉ ra đời ở một số địa phương hoặc không phát triển rộng khắp trong khi hoàn cảnh lịch sử đó diễn ra phổ biến trong một nước hoặc ở khắp các nước thuộc địa? Chúng tôi cho rằng tính cứu thế - nếu có thể gọi được như thế, của các tôn giáo ra đời trong bối cảnh như đã nói ở trên chỉ có thể xem là một sự nhấn mạnh hay là đặc điểm chung của nguồn gốc lịch sử của những tôn giáo ra đời trong một hoàn cảnh tương tự, chứ không phải một loại hình tôn giáo riêng biệt. Và, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cũng có đặc điểm như vậy.

 

Một trong những điểm nổi bật của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là khả năng tổng hợp, hòa đồng các hệ thống quan niệm cũng như các đối tượng thờ cúng của Phật, Nho, Lão, tín ngưỡng dân gian, truyền thống tạo nên sự phong phú, thăng bằng trong đời sống tinh thần và tâm linh của nông dân người Việt Nam Bộ. Sự tổng hợp các quan niệm, các đối tượng được tôn thờ còn mang tính hình thức nhưng có sự lựa chọn và gần như có điều kiện nhằm “hóa giải” mọi độc tôn. Đó là hệ quả của sự biến động xã hội và tư tưởng - mà ở đây các hệ thống tư tưởng chủ đạo truyền thống đang có sự xuống dốc, trước nhu cầu xây dựng một đời sống tinh thần và tâm linh phong phú của nông dân...

 

Quan niệm đạo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa không xuất phát từ suy luận nên hết sức giản dị, dễ đi vào lòng người. Đặc biệt với nội dung tu nhân, đền trả Tứ Ân, đạo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa gần gũi và là một bộ phận của đạo lý truyền thống dân tộc. Tính dân tộc trong đạo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa hiện lên rõ rệt - nếu không muốn nói nó có nguồn gốc từ  truyền thống văn hóa dân tộc, không thể nhầm lẫn hay coi là tương tự với hệ thống giáo lý của bất cứ một tôn giáo du nhập nào. Điều này không những được thể hiện trong quan niệm đạo lý mà trong cả thực tiễn, trong nghi thức, đối tượng thờ cúng như ông bà, tổ tiên, cha mẹ, những người có công với làng với nước, các anh hùng dân tộc...

 

Về hình thức truyền đạo và cơ cấu tổ chức của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tương đối đơn giản phù hợp với hoàn cảnh và khả năng tập hợp của nông dân Nam Bộ lúc bấy giờ. Sự hình thành cơ cấu tổ chức Tứ Ân Hiếu Nghĩa một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu nghi lễ tôn giáo hơn là phát triển tín đồ. Mọi công việc của Hội Đạo, của mỗi gánh đều được bàn bạc một cách khá dân chủ, nhưng việc phong tặng chức sắc và mối quan hệ đồng đạo lại ảnh hưởng của quan hệ gia tộc và quan hệ làng xã nông thôn. Việc chức sắc Trưởng gánh được cha truyền con nối, sự hình thành của Tam Bửu gia - nơi thờ tự của tôn giáo và của dòng họ Trưởng gánh là những ví dụ điển hình cho quan hệ ấy. Tuy nhiên, điều này chỉ thể hiện ở việc duy trì trật tự trong quan hệ, lễ nghi, tinh thần chứ không gắn với quyền lợi đẳng cấp hay kinh tế.

 

Trong quá trình tồn tại và phát triển, do thiếu một cơ cấu chặt chẽ, thiếu một tổ chức có đủ khả năng phát triển tín đồ và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã không phát triển như những tôn giáo khác. Những vùng đất mới được các ông Gánh truyền đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nếu không quan hệ với các làng đạo ở vùng Thất Sơn sẽ dễ dàng hòa lẫn trong tín ngưỡng dân gian hoặc được cải biến thành việc tôn thờ thuần túy những đối tượng của đạo, không gây ấn tượng về một tôn giáo riêng mà chỉ được xem là một sự thờ cúng truyền thống trong các điện thờ... Điều này làm nảy sinh hai vấn đề trái ngược. Thứ nhất, sự tồn tại và phát triển lâu dài của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại vùng Thất Sơn chứng tỏ sự thích ứng nhất định của nó. Thứ hai, tại những địa bàn khác, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được truyền tới sau này đã không giữ được nguyên gốc và dường như bó hẹp và biến đổi trong phạm vi làng xã. Nguyên nhân của hiện tượng trên có lẽ nằm ngoài sự thích ứngphụ thuộc vào cơ cấu hội đạotâm lý bản vị làng xã (của người truyền đạo và của nông dân là tín đồ trong phạm vi từng dòng họ, từng làng xã). Và, điều này hoàn toàn xuất phát từ nguồn gốc xã hội và lịch sử của nó...

Trong đời sống văn hóa - thể hiện qua nơi thờ tự, nghi thức... đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chịu sự ảnh hưởng của văn hóa các dân tộc cùng sống chung trên một địa bàn. Kiến trúc chùa, đình, miếu (kiểu nhà bát quái) mang nặng ảnh hưởng của phái tu tiên, của lối xây dựng chùa miếu của người Hoa. Những mái vòm trong chùa, miếu hay tấm Trần Điều có thể đã ảnh hưởng từ Thánh đường Hồi giáo của người Chăm Châu Đốc cũng như đối tượng sùng bái của tôn giáo này. Mặt khác, với sự xâm nhập của nghi thức, đối tượng thờ cúng Tứ Ân Hiếu Nghĩa vào trong sinh hoạt của đình, miếu - vốn là hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt nói chung, chứng tỏ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có sự ảnh hưởng sâu sắc cũng như khả năng xâm nhập và thích ứng trong quá trình tồn tại và phát triển theo quan niệm hiếu nghĩa của nó.

 

Sự bảo lưu lâu dài trang phục truyền thống dân tộc đã đưa tới “nét riêng” trong trang phục của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Sự bảo lưu đó lúc đầu xuất phát từ lòng yêu nước và thể hiện thái độ phản kháng “văn minh phương Tây” trong bối cảnh thực dân xâm lược nước ta...

 

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chỉ tồn tại và phát triển trong một bộ phận nông dân người Việt Nam Bộ, các dân tộc khác cùng sống chung trên địa bàn không chịu sự ảnh hưởng của Tứ Ân Hiếu Nghĩa? Thực ra, khi đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời, các tổ chức tôn giáo của người Khơme, người Chăm, người Hoa đã hình thành và phát triển trong thời gian lâu dài, “tạo thành lớp vỏ vững chắc bên ngoài, ngăn chặn những ảnh hưởng làm phá vỡ cấu trúc tộc người”-cho dù đã xẩy ra quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nhưng những yếu tố văn hóa mới, tôn giáo mới, chưa đủ sức phá vỡ nền tảng vốn có của mỗi dân tộc. Mặt khác, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vốn vay mượn, tổng hợp đạo lý, đối tượng, nghi thức thờ cúng của nhiều tôn giáo khác theo tập quán phong tục, đồng thời lại thể hiện sâu sắc truyền thống văn hóa của người Việt, càng hạn chế khả năng phá vỡ hay xâm nhập vào những xã hội khép kín, vốn bị tôn giáo truyền thống chi phối tích cực và toàn diện. Có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng trên đây là hai lý do cơ bản làm cho các dân tộc khác sống trên cùng một địa bàn không chịu ảnh hưởng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt.

 

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời và phát triển ở Nam Bộ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của những điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng đất mới khai phá, do đó nó không ảnh hưởng tới những địa bàn không có cùng điều kiện. Hơn nữa, những người sáng lập và kế tục sự nghiệp giữ gìn giềng mối tôn giáo không chủ trương đi truyền đạo và phát triển tín đồ - với quan niệm ai muốn gia nhập thì tới Thất Sơn thọ giáo, trong khi ở các nơi khác, miền Trung hay miền Bắc, người Việt đã được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng bởi tôn giáo này hay tôn giáo kia có bề dày lịch sử tồn tại trước đó, càng hạn chế khả năng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

 

Ra đời và phát triển ở Nam Bộ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có vai trò nhất định trong việc thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần và  tâm linh cũng như trong đời sống văn hóa - xã hội của một bộ phận nông dân ở đây. Đồng thời, nó cũng đã bộc lộ những hạn chế khách quan, ảnh hưởng tới quá trình phát triển xã hội của cộng đồng tín đồ... Từ cuối thế kỷ XIX, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có ảnh hưởng mạnh mẽ, thu hút nhiều tín đồ ở vùng An Giang cũng như ở Nam Bộ. Trong bối cảnh chưa có một tôn giáo nào thực sự thỏa mãn được nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh phong phú cũng như những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống nông dân bấy giờ là chữa bệnh, khẩn hoang lập làng và chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, sự có mặt của Tứ Ân Hiếu Nghĩa với những hoạt động thực tiễn phong phú đáp ứng các nhu cầu đó đã có sức lay động và tập hợp nông dân tin theo. Sự ra đời và phát triển của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gắn liền với quá trình khẩn hoang lập ấp, hình thành một số làng xã mới ở những vùng đất chưa được khai phá có thể nói là một đặc trưng nổi bật mang ý nghĩa xã hội lớn lao của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Quá trình đó cũng gắn liền với phong trào chống Pháp của một bộ phận nông dân yêu nước. Họ đã chống Pháp, chống lại văn minh phuơng Tây theo cách của mình: Đề cao và gìn giữ, bảo lưu truyền thống dân tộc, sẵn sàng “bạo loạn” khi có điều kiện.

 

Phong trào chống Pháp của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là phong trào yêu nước của nhân dân  đối với Tổ quốc. Nhưng với những quan niệm hết sức rõ ràng, cụ thể và kể cả phương pháp thần bí do tôn giáo này đưa lại, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có vị trí nhất định trong việc khơi dậy mạnh mẽ và động viên, tập hợp nông dân chống Pháp. Truyền thống đó được phát huy trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và duy trì tới tận hôm nay…

 

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là những tôn giáo địa phương của Nam Bộ, là tôn giáo của những người nông dân khai hoang mở đất, ra đời và phát triển trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, tương đối lâu dài, vì vậy, in đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ. Từ đạo những tôn giáo địa phương này có khá nhiều khía cạnh để chúng ta tìm hiểu về vùng đất phía Nam của Tổ quốc, góp phần nghiên cứu văn hóa, văn minh của dân tộc trong tiến trình phát triển của dân tộc trước những hoàn cảnh và điều kiện mới... /.

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 5403
Ngày đăng: 10.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ Bằng và Nghệ Thuật Viết Chân Dung Văn Học - Đỗ Ngọc Thạch
Hoàng Sa-Trường Sa Là của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Những bất lợi lớn trong các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên - Nguyễn Trung
Bàn về Vạn vật -1 - Nguyễn Ước
Bàn về Vạn vật -2 - Nguyễn Ước
Từ Những Địa Danh Nghĩ về Chất Ký Trong Thơ Quang Dũng - Trương Quang Cảm
Tửu Lượng Trong Truyện Kim Dung - Võ Công Liêm
Đôi nét về Logos và Logic * - Nguyễn Ước
Ðôi nét Kitô giáo - Nguyễn Ước
Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)