Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.537
 
Con chó nhứt của hội săn làng Xoài Đôi
Hoa Ngõ Hạnh

Ông Bốn Kiềng, thợ săn nổi tiếng làng Xoài Đôi nhiều lần năn nỉ ba đổi con chó Siêng lấy một con trâu đực. Ba dứt khoát không đổi. Thỉnh thoảng chỉ cho mượn nhập đàn chó săn trong hội săn đầu năm vào ngày thọ tử. Dù không cùng đàn nhưng ông Bốn Kiềng xếp con chó siêng là chó nhứt. Đứng ở địa vị đó trong đàn, săn được mồi, nghiễm nhiên nó được chia một cái đùi sau.

Hội săn các làng quanh chân núi Cà Tang ngày xưa chuyên săn cọp, săn voi. Sau ni chỉ săn heo rừng, mang, nai, bò tót… Hội mở vào ngày thọ tử trong thời gian từ mồng một tới mồng sáu, trước ngày khai hạ mồng bảy. Từ dưới làng, nghe tiếng chó sủa vòng quanh trên lưng chừng núi, tiếng xuỵt chó của thợ săn, mọi người biết chắc chắn sắp có thịt rừng.

 

Tiếng ông Bốn Kiềng to, vang, ba làng nghe ngõ:

- Ô… ô… ô… ô… Siêng! Đó hụi… đó hụi….

Năm mô cũng rứa, nghe cái giọng đó, tôi biết ngay hội săn đã gặp con mồi. Cái giọng sủa của con Siêng đầu đàn không lẫn với bất cứ con mô khác. Nhờ con Siêng, hàng năm ngày Tết, cả nhà được một đùi thịt rừng ăn lấy hên.

Tôi nhớ cái nghi thức cúng thịt và nghi lễ trả chó đã thành đạo của hội săn lâu đời của các làng. Thợ săn trói hai chân làm một con mồi, xỏ đòn vào giữa khiêng về sân thợ săn chính. Người ta cắt đầu con mồi, lấy mỗi bộ phận của bộ lòng mỗi thứ một chút, thêm một khúc đuôi và bốn móng chân bỏ vô nồi to nấu cháo huyết cùng đậu xanh.

Cháo chín, vớt đầu ra để lên mâm, ngọn giáo cắm bên cạnh rồi thắp hương cúng. Sau lễ cúng, cả đàn chó săn tập hợp thành vòng tròn. Con mô con nấy mình mẩy rách bươm, tứa máu, hai bên hông lép xẹp sau trận săn dài. Con Siêng đứng giữa đàn chờ thợ chính múc một thau cháo có cái đầu con thú mới săn được để ra ở giữa. Nó lừng lững tiến tới, từ tốn ăn xong hết phần của nó. Một cái thau to hơn được bưng ra. Con Siêng đã no nê đứng vòng ngoài đem lại sự công bằng cho từng con trong đàn. Tôi nhớ con chó Kiếm háu ăn của ông Bốn Kiềng có lần hất mõm con Đớm. Ngay lập tức con Siêng nhảy vào ngoạm gáy con Kiếm lôi ra khỏi “bữa tiệc”. Mặt mày con Kiếm buồn thiu. Nó biết đã phạm luật, đành ngồi chồm hổm, hếch mõm lên chờ sự “xét lại’ của con chó đầu đàn.

Con Siêng của tôi là minh chủ. Nó đem lại miếng ăn, sự công bằng, trật tự cũng như đi đầu bảo vệ cho cả đàn khi có kẻ thù tấn công. Phần thưởng khi săn được mồi dành cho nó theo nghi lễ hội săn, suy cho cùng chẳng có chi quá đáng. Hồi mô cũng rứa, theo thứ tự, con chó nhứt ăn trước mới tới cả đàn ăn sau. Con người thứ tự cuối cùng.

Tôi nhớ ông Bốn Kiềng dắt con Siêng trả cho nhà tôi. Ông đi trước, đội cái mủng đựng thịt rừng đậy lá chuối lên trên. Tới nhà ông trịnh trọng chào hỏi ba rồi bày một chai rượu với dĩa trầu cau thưa chuyện. Chuyện là như ri: Thưa anh, con Siêng bữa ni có công lớn, tui được hội săn cử mang kỉnh anh một ký thịt nọng và phần con Siêng một đùi sau. Để trả lễ, ba sai má xắt ký thịt nọng xào ngay, mở chai rượu mời ông Bốn Kiềng uống hết.

Hội săn có đạo, thợ săn mô cũng làm theo bằng niềm tin truyền đời.

 

*

 

Con Siêng lớn hơn tôi hai tuổi. Lông nó màu trắng, mắt màu vàng, bốn khoeo chân sau, đuôi dài cụp xuống. Dưới con mắt coi chó săn sành sỏi của ông Bốn Kiềng, từ nhỏ đã thấy nó có phẩm chất một con chó nhứt. Năm nó lên bốn, tôi lên hai. Cả nhà đi tản cư vô Sơn Phúc. Má bỏ tôi một đầu nó một đầu thêm cục đá. Dưới đất ca-nông từ Đức Dục câu lên, trên đầu máy bay bà già xè xè. Má gánh chạy men theo bờ khe Dô vô tới nơi an toàn. Chỗ tản cư sát núi Hòn Tàu, người đông, lúa gạo không có. Ngày ngày ba đội đạn đội bom về làng cũ gặt lúa gánh vô ăn. Những năm nớ, gian nan không kể hết. Con Siêng giơ xương sườn đếm được. Riêng những con chó khác ở khu tản cư vẫn mập ú ù. Ba phát hiện ra ngay đàn chó đêm đêm vẫn lùng sục kiếm ăn quanh những con chó bị trúng bom và cả thịt người. Riêng con Siêng thì không. Từ chuyện đó, ba phân chia ra làm hai loại chó và cầy. Chó không bao giờ ăn thịt đồng loại. Hiển nhiên nó thông minh và quân tử hơn bọn cầy.

 

Ba có một nguyên tắc, khi đi làm gỗ không hồi mô dắt chó theo. Ba nói, con chó thính giác gấp mười ngàn lần con người. Vô rừng nó hay lùng sục. Chỉ cần nghe hơi cọp, nó liền chạy về quấn vô chân chủ. Vô tình, nó đưa mãnh thú tới sát hại chủ nhân. Riêng con Siêng thì không. Nó được hưởng ngoại lệ. chuyến đi rừng mô ba cũng dẫn nó theo. Ba xuống hố đẽo cây, nó chạy loanh quanh vờn những con chuột rừng, cà ngãng, chồn hôi… Ba đi tìm cây, nó ngồi lại tại chỗ canh bộ rìu và mo cau cơm… Ba đi về, nó luôn đi trước sủa vang, đánh hơi xua đuổi ngô công, rắn độc… Những năm đói, mo cơm đi rừng của ba luôn chia đôi với nó.

 

Tôi dắt trâu đi cày ở Hóc Kè, con Siêng tới nằm bên bờ ruộng. Chưa hồi mô tôi thấy nó tự đi săn cheo, săn chồn hay gà rừng, gà nước. Ba nói chó hay không bắt thú nhỏ. Đúng thiệt! Hàng năm, hội săn lần mô nó cũng đem về cho nhà tôi toàn thịt thú lớn. Chó của nhà tôi nhưng ông Bốn Kiềng coi trọng nó nhứt bầy.

 

Mùa cày Hóc Kè năm nớ đi qua. Ba đem cái bừa giấu trong bụi cây kè, phủ lùm hà thủ ô rậm rịt. Tự nhiên buổi tối, con Siêng bỏ ăn. Sáng sau, miệng nó sưng to híp mắt. Ba hoảng hồn ôm cái đầu nó mở miệng ra coi. Nó kêu rin rít rồi rên rĩ. Ba chắc lưỡi. Nguy to, nó bị rắn hổ mang thổi nọc độc rồi. Không cách chi chạy chữa. Ba nghe hết người ni tới người kia bày. Lấy lá bướm trắng giã nhỏ vắt nước đổ cho nó uống rồi đắp xác lên miệng. Không hết. Càng ngày nó càng sưng to hơn. Nó bỏ ăn mười một ngày, nước vàng chảy ra hôi không chịu nổi.

 

Tôi nhớ miết cái đêm tháng mười năm nớ. Cả nhà đang ăn cơm, con Siêng chui dưới gầm bàn. Mùi hôi bốc lên mâm cơm khủng khiếp. Ba cúi xuống nạt nó một câu:

-  Siêng! Đi ra ngoài! Mi chết thì chết cho rồi đi…

Sáng hôm sau không bao giờ còn thấy con Siêng nữa.

Sáng hôm sau, con chó Siêng khôn ngoan không chết vì đạn bom hay thú dữ mãi mãi không còn hình bóng.

 

Nó đã ra đi biền biệt!

Suốt cả tháng trời, ba đi hết từ gò này đến gò nọ tìm con Siêng.

Ba đi từ hố ruộng xa nhứt tới hố ruộng gần nhứt tìm con Siêng.

Ba đi từ làng Cà Tang Hạ lên làng Xoài Đôi tìm con Siêng…

Ông Bốn Kiềng biết chuyện cứ thở dài thườn thượt.

Đêm đêm, ba uống rượu say mềm rồi lẩm bẩm một mình. Không biết mi chết ở đâu Siêng? Tau chỉ chửi một câu, làm chi mi giận rồi bỏ tau đi?

Lời sám hối của ba cũng không làm cho đôi tai thính gấp mười ngàn lần con người của nó nghe được.

Ba có uống hết mười một nồi rượu, say hai trăm mười bảy đêm, tự hỏi một ngàn hai trăm hăm mốt câu nó cũng không trở về.

Cuối cùng, tuyệt vọng. Ba chỉ ước tìm được bộ xương của con Siêng đem về chôn cất đàng hoàng như một con người!

………………...........

 

Đúng tháng mười năm sau, tôi lại dắt trâu vô Hóc Kè cày ruộng. Ba lên chỗ lùm hà thủ ô dưới gốc kè lấy bừa. Trước mắt ba, bộ xương trắng hếu của con Siêng nằm phơi ngay ở chính giữa hai thanh bừa.

Ba bần thần vỗ đầu vỗ trán.

Ba bứt tóc bứt tai tự mắng nhiếc mình.

Ba đứng tần ngần như rứa gần cả buổi chiều. Lệ chảy dài trên đôi gò má cháy nắng…

 

*                                  

 

Tôi nhớ miết con chó Siêng. Ngày đi tản cư, nó ở một đầu tôi một đầu. Lông nó màu trắng, mắt nó màu vàng, hai chân sau có bốn khoeo… Nó dẫn đầu đàn chó săn băng lên giồng Hóc Khuấy bắt con heo độc hơn một tạ. Nó chạy như bay thót lên lưng con mồi ngoạm cổ… Nó chỉ ăn cơm và thú rừng săn được. Không hồi mô nó thèm ăn thịt đồng loại…/.

 

---------

Yên Thy viên, những ngày nhớ câu chuyện cũ của ba.

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 3078
Ngày đăng: 11.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn – 3 - Đỗ Ngọc Thạch
Điều không phải của mình - Nguyễn Minh Phúc
Bàn tay phải - Hiếu Tân
Nó nằm trong túi áo - Lê Văn Thiện
Chùa xưa - Trần Trung Sáng
Nước Nhảy Lên bờ - Nguyễn Đặng Mừng
Hy râu - Lương Văn Chi
Sự hồi tỉnh của chàng thi sĩ - Csáth Géza
Truyện ngắn ngắn -2 - Đỗ Ngọc Thạch
Ngày Cậu Cóc Ra Đi - Trần Trung Sáng