I. Giác quan và thông tin -II. Nhận thức và tưởng tượng -III. Truyền thống duy nghiệm -IV. Ý nghĩa của phẩm tính -V. Tóm lược
1. Nếu không có giác quan
Kinh nghiệm người lành mạnh
Thật không dễ tưởng tượng rằng đối với người mù bẩm sinh, thế giới này giống như cái gì. Nếu bỗng dưng bị lâm cảnh tối mịt mùng, chúng ta chỉ có thể dò dẫm từng chút một cho tới khi mắt kịp thời điều chỉnh, quen dần với bóng tối. Nhưng đó chỉ là kinh nghiệm rất hữu hạn của một người sáng về cơ quan thị giác. Một số người quả quyết rằng cùng ở trong hoàn cảnh đen như mực ấy, người mù bẩm sinh, thông qua các giác quan khác, hình thành được những hình ảnh về thế giới thích đáng hơn người sáng.
Tuy thế, cũng phải công nhận rằng người mù bẩm sinh không thể nào có cảm giác về cái đẹp giống như người sáng đang chiêm ngưỡng quang cảnh mặt trời mọc trên mặt biển, ráng chiều “không thắm không vàng vọt”, say sưa ngắm màu sắc xanh tươi mơn mởn của mùa xuân hoặc “rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” hay mơ màng nhìn theo “áo lụa Hà Ðông”.
Ðể hiểu thế giới
Tiếp đến, một người bẩm sinh thiếu cả năm giác quan vẫn có khả năng sống nhưng có lẽ chẳng chút am hiểu nào về thế giới. Giống như Robinson Crusoe, nhân vật của nhà văn Anh *Daniel Defoe (1660-1731) trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, người ấy có thể sống trên một hoang đảo, cô lập với mọi sự.
Nhưng khác với Robinson, người ấy không sở hữu ký ức cùng khả năng cảm nhận ngoại tại, còn gọi là cảm quan (sensation). Ngoại trừ những cảm giác bên trong con người mình, người ấy có thể không có thế giới và có thể không biết chút nào về thế giới đang được chúng ta đang ra sức am hiểu. Ðối với người ấy, thế giới ngoại tại (external world) không hiện hữu.
2. Nhận thức qua giác quan
Nguồn của tri thức
Hết thảy những điều vừa kể hẳn đủ để chứng minh rằng tri thức về thế giới đến với chúng ta qua các giác quan, và nó bắt đầu với sự trải nghiệm các phẩm tính (the experience of qualities).
Chúng ta biết thế giới qua năm giác quan: thấy, nghe, ngửi, nếm và sờ. Mỗi giác quan được chuyên biệt hóa theo thông tin nó chuyển tải. Tôi không thể nhận biết màu sắc bằng tai hoặc âm thanh bằng mũi. Ðôi khi các giác quan khác nhau cùng nhau thao tác, thí dụ thị giác và xúc giác kết hợp nhau để cho bạn ý tưởng về khoảng cách; nhưng phần lớn, chúng thao tác riêng rẽ; người thiếu một giác quan có thể thiếu loại thông tin mà giác quan ấy có chức năng cung cấp.
Diễn dịch chuyên biệt
Mỗi giác quan có những giới hạn hợp với chất liệu và điều kiện vật lý của nó. Mắt con người có thể diễn dịch các bước sóng thành các màu sắc được biểu hiện trong quang phổ nhưng nó không thể vượt quá những giới hạn đó. Khi mắt không bình thường, ta không thể trải nghiệm một số màu sắc nhất định.
Cũng người cho rằng họ có thể nhờ xúc giác cảm nhận độ nóng của màu sắc để phân biệt chúng; nếu quả có khả năng ấy thì có lẽ đó cũng chỉ là năng khiếu rất đặc thù của một vài cá nhân, khó có thể chứng minh bằng khoa học để rút ra nguyên lý phổ quát.
Có thể xảy ra hiện tượng người này người kia có những hình ảnh rất khác nhau về thế giới ngoại tại, vì giác quan của mỗi người là nguồn thông tin duy nhất và hiệu ứng của chúng biến thái tùy theo người này người nọ. Tuy thế, cũng khá lạ lùng là dường như hiện tượng ấy không xảy ra cho những người bình thường trong những điều kiện bình thường.
II. Nhận thức và tưởng tượng
1. Một số đối chiếu
Ngó vậy không phải vậy
Kinh nghiệm giác quan và tưởng tượng có nội dung giống nhau, tuy thế vẫn khác nhau. Chúng ta có thể tưởng tượng một bông hồng và chúng ta có thể nhận thức một bông hồng, nhưng trong những hoàn cảnh bình thường, chúng ta không lẫn lộn bông hồng tưởng tượng với bông hồng nhận thức. Bông hồng trong trí tưởng thì khác với bông hồng cầm trên tay trong ngày lễ tình nhân.
Ðối tượng của nhận thức (perception) có phẩm tính mang tính cưỡng bách mà các đối tượng của tưởng tượng (imagination) không thể có. Nếu chúng ta là người sáng mắt và có phản quang phù hợp thì khi mở mắt chúng ta bị bắt buộc phải thấy các phẩm tính nhất định. Bạn không thể không thấy trang giấy trắng hoặc hơi vàng có các dòng chữ màu đen này trước mắt bạn.
Cưỡng bách và không cưỡng bách
Chiều nay, tôi có cuộc hẹn hò đi chơi vùng ngoại ô với người yêu. Mở cửa bước ra đường, tôi ao ước thấy bầu trời cao xanh thẳm thơ mộng nhưng chẳng may trước mắt tôi, trời sắp “sa mưa giông” nên mây xám vần vũ như đè xuống thật thấp. Tôi không thể không “nhận thức” các đám mây ấy.
Tuy thế, đối với tưởng tượng thì lại khác. Không có giới hạn nào cho tưởng tượng vì đó là cõi mà cá nhân có thể mơ mộng, có thể vẽ vời bất cứ cái gì nó ao ước. Không thú vị cái này nữa, tôi mường tượng ra cái khác. Trong tưởng tượng, đối tượng thiếu tính cưỡng bách như trong nhận thức. Tôi có thể tưởng tượng cây hoa sứ nhà nàng thắm tươi mơn mởn, nhưng khi có dịp về Huế ghé thăm nàng, chẳng may gặp lúc giữa trưa mùa hạ, tôi không thể không thấy những bông hoa của nó đang se mình trong nắng.
Trở lại với buổi chiều hò hẹn. Vào lúc này, mặt trời đã biến mất, bầu trời đen kịt và mưa bắt đầu rơi những giọt đầu tiên. Ðó là cái tôi đang nhận thức. Tôi chẳng thích nó chút nào nhưng chừng nào nó còn liên quan tới nhận thức của tôi thì tôi hoàn toàn bất lực về nó, không cách gì tác động lên nó.
Tuy thế, cũng ngay lúc ấy tôi có thể nhắm mắt, tưởng tượng bầu trời xanh lơ với ánh nắng vàng lung linh tỏa xuống với tiếng chim hót líu lo. Tôi lại có thể mường tượng mình đang nắm tay người yêu đi tung tăng trong nắng vàng, giữa tiếng chim ca, dưới bầu trời xanh vời vợi ấy, ở Gia Lâm hay Thủ Ðức, tuy tôi không thật sự tin rằng hai đứa đang ở trong khung cảnh đó. Và tôi chắc chắn một trăm phần trăm rằng trời lúc này đang mưa.
Tương quan với ý chí
Tôi không lẫn lộn nhận thức của mình với tưởng tượng của mình, và tôi hoàn toàn tin rằng nhận thức của tôi đang cho tôi một hình ảnh đáng tin hơn về hoàn cảnh lúc này của mình.
Một số triết gia lập luận rằng vì đối tượng của tưởng tượng tùy thuộc ý chí của chủ thể (subject) trong khi đó đối tượng của nhận thức độc lập với ý chí của chủ thể; nó là khách thể (object). Ðối tượng (khách thể) của nhận thức phải thuộc về thế giới có thật, hoàn toàn độc lập với người nhận thức (perceiver).
Viện dẫn người khác
Việc qui phẩm tính cho các đối tượng ngoại tại và độc lập dường như được chứng minh bằng tường trình của người khác. Chúng ta kỳ vọng người khác, từ những tường trình giống nhau về màu sắc, chứng thực cho ấn tượng của chúng ta về một đối vật có màu đỏ trong thế giới ngoại tại. Khi tôi bảo với bạn rằng viên phấn này màu đỏ có nghĩa tôi đang kỳ vọng bạn đồng ý với tôi vì bạn cũng thấy nó có màu đỏ.
Nếu người khác không đồng ý như thế, chúng ta buộc lòng phải giả định rằng mình đang sai lầm hoặc kẻ đó đang nhìn đối tượng khác hoặc kẻ đó không có khả năng nhận thức màu đỏ. Sự chứng thực của người khác rất phổ biến tới độ chúng ta cảm thấy không ngần ngại xét lại hoặc điều chỉnh kinh nghiệm của mình.
Niềm tin cụ thể
Dĩ nhiên có yếu tố đức tin trong sự chứng thực hỗ tương ấy vì bạn không thể nhìn vào ý thức của tôi để so sánh sự đúng sai của các ý tưởng khác nhau được gọi là “đỏ”. Rất có thể cái người này gọi là “đỏ” không giống với cái người kia gọi là “đỏ” tùy vào vấn đề ý tưởng của mỗi bên liên quan tới vật đó ngang mức nào. Tuy thế, sự kết hiệp liên tục và bất biến các ý tưởng về những đối tượng giống nhau trong thế giới ngoại tại khiến cho vấn đề đó có tính lý thuyết hơn thực tế.
Dù sao đi nữa, người ta hầu hết đều tin rằng các phẩm tính thì hiện hữu trong thế giới ngoại tại và chúng có thể được chứng nghiệm (experience) bởi những con người khác nhau bằng một cung cách khiến ta tin rằng các tường trình của họ không hoàn toàn có tính cá nhân hoặc chủ quan.
Chiêm bao và ảo giác
Ðôi khi chúng ta bối rối về phẩm tính mà mình trải nghiệm (experience) vì dường như nó không chỉ rõ một đối vật đang hiện hữu. Cảm giác mà chúng ta trải nghiệm khi nằm mơ thì có thật, thật không kém những trải nghiệm ta từng có khi đang thức. Tuy thế chúng ta không tin rằng người ta hành động hoặc các biến cố hiện hữu đúng y như trong giấc mộng. Bạn có từng sợ toát mồ hôi khi nằm thấy ác mộng rồi mừng hú hồn hú vía khi choàng tỉnh?
Thi sĩ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) đã phân biệt đời và mộng bằng hai câu thơ trong bài Nhơù mộng: “Nghĩ đời lắm nổi không bằng mộng, Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời”.
Bạn hãy nhìn dọc theo cây sào đang cắm thuyền đợi khách dưới mé sông kia. Bạn thấy phần ở dưới nước có vẻ cong nhưng nếu rút cây sào lên khỏi mặt nước, bạn lại thấy phần ấy thẳng băng. Vì chúng ta không tin rằng có một cây sào vừa thẳng lại vừa cong nên chúng ta khẳng định rằng cây sào ấy quả thật thẳng, đồng thời ta tìm cách giải thích tại sao nó có vẻ cong khi bị cắm một phần khá dài xuống nước.
Chúng ta từng đọc các phiêu lưu ký trong đó có chuyện kể rằng người đi lạc trong sa mạc có thể bị khổ sở vì nhìn thấy các ốc đảo không hiện hữu – dù các phẩm tính được nhận thức ấy xuất hiện theo một thứ lớp đúng y như ta trải nghiệm trong trường hợp có thật một ốc đảo xanh tốt.
Cũng thế, vào những ngày nắng gắt, khi đi xe máy hay ngồi ô tô xuống Hải Phòng hay Vũng Tàu, bạn có thể thấy xa xa trước mặt có những vũng nước giữa đường nhựa khiến bạn có thể tưởng trời vừa mới mưa rào ở đó. Nhưng khi xe càng tới gần, bạn càng thấy chỉ toàn là đường nhựa đang bốc hơi hừng hực.
2. Phẩm tính có thật hoặc ảo giác
Có đáng tin không
Phải chăng những điều vừa kể cho thấy rằng các phẩm tính được trải nghiệm không là nguồn thông tin đáng tin về thế giới ngoại tại? Nếu chúng không đáng tin, làm thế nào chúng ta phân biệt phẩm tính thật sự thuộc về các đối tượng và phẩm tính chỉ có vẻ như thuộc về chúng?
Thông thường, người ta đồng ý rằng có nhiều cách xác minh một ấn tượng, hoặc bằng sự chứng thực của người khác hoặc bằng một số phương cách xác minh liên quan tới các giác quan khác, hoặc cũng bằng giác quan ấy nhưng vào thời điểm khác.
Thật thì cố kết
Có giả định rằng các phẩm tính thật thì cố kết (cohere) nhau – nghĩa là kết lại thành một toàn bộ vững chắc – và có thể khảo sát chúng vào những thời điểm khác, từ những điểm nhìn khác, bởi cũng một chủ thể ấy hoặc bởi người khác. Ngược lại, các phẩm tính ảo thì không thể kiểm tra như thế.
Giấc mộng được nhận ra “chỉ là mơ thôi” vì chúng không phù hợp với khung khổ tổng quát của kinh nghiệm khi chúng ta ngủ; chúng thiếu tính liên tục và thường bao gồm nhiều sự kiện, thí dụ trôi nổi bềnh bồng trong không khí, và như thế, nó không phù hợp với kinh nghiệm tổng quát của chúng ta.
Thật thì trải nghiệm được
Có thể dùng một số cách kiểm tra khác nhau để chứng minh cây sào ấy quả thật thẳng, có thể kiểm tra ốc đảo hoặc vũng nước trên mặt đường nhựa bằng việc đi tới nơi nó có vẻ như hiện hữu hoặc viện dẫn chứng cớ xác nhận của các giác quan khác, thí dụ đưa tay sờ.
Như thế, cần ghi nhận rằng các kiểm tra ấy, nếu đúng, cũng như bất cứ kiểm tra nào khác, cũng đều có thể được gợi ra từ các giả định nhất định về bản tính của thực tại, thí dụ sự xác tín rằng những kinh nghiệm có được từ một thế giới có thật thì cố kết nhau.
3. Phẩm tính và tri thức
Biết nhờ phẩm tính
Tri thức (knowlegde) của chúng ta về thế giới bắt đầu bằng sự nhận biết các phẩm tính. Ðiều ấy hẳn có ý nói rằng chúng ta chỉ có thể biết một vật khi chúng ta nhận thức được hết thảy các phẩm tính của nó.
Không đúng. Thật ra, hầu hết phán đoán của chúng ta về đối tượng nhận thức đều dựa trên sự nhận biết một ít phẩm tính của nó mà thôi.
Thí dụ minh họa
Vừa từ vĩa hè đặt chân xuống lòng đường, một bên mắt tôi bỗng thấy loang loáng một màu cứt ngựa mà tôi thông giải đó là một chiếc xe nhà binh đang phóng tới. Nếu ước đoán ấy chính xác, được thực tế xác nhận, tôi sẽ chú ý tới thông tin đó và nhảy lùi lại, đứng hẳn trên vĩa hè, vì nếu không làm như thế, có thể tôi sẽ bị chiếc xe ấy đâm phải.
Một thiếu nữ đang ở trong phòng ngủ nhà mình, đã mặc sẵn quần áo, ngồi chờ. Bỗng vang lên một chuỗi âm thanh “phi thường”. Người khác có thể thông giải đó là những tiếng rú nghèn nghẹt tức tưởi của ai đó hay tiếng nổ dòn như sấm báo hiệu trời sắp mưa, nhưng đối với cô, cô thông giải đó là người bạn trai sinh viên nghèo của cô đang tới gần, trên chiếc xe máy cà tàng bể ống khói, để đón cô đi nghe nhạc thính phòng tối nay.
Không độc lập với tâm trí
Người duy tâm chủ nghĩa quả quyết nhu cầu thông giải gây nên giả định sai lầm rằng phẩm tính hiện hữu độc lập với chủ thể nhận thức và chúng được tiếp nhận một cách thụ động như thể tâm trí là chiếc máy quay phim hoặc chụp hình. Lời phát biểu ấy về thế giới bao hàm hoạt động của tâm trí trong việc thông giải và phán đoán cái được ghi nhận.
Nếu tâm trí đóng vai trò thiết yếu trong việc quyết định bản tính của vạn vật thì rất có thể sai khi nói – như chúng ta từng nhắc tới ở một đoạn trên – rằng chúng ta chỉ nhận được tri thức về thế giới thông qua các giác quan. Tại sao Huy Cận (1919-2007) lại có thể nhận thức: “Thức dậy, nắng vàng ngang mái nhạt, Buồn gieo theo bóng lá đong đưa” (Giấc ngủ chiều). Hay nàng Kiều thấy như thật rằng “Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc, nửa soi đặm trường”.
Chắc chắn có trường hợp các phẩm tính nhận thức qua giác quan chỉ được xem là những dấu hiệu; sự khác biệt giữa người này với người nọ đưa tới những thông giải khác nhau về chúng.
Thời Pháp thuộc, cùng nhìn lá cờ tam tài ba màu xanh trắng và đỏ bay phất phới, đám tây thuộc địa cảm thấy hãnh diện vì vinh quang của mẫu quốc, còn người Việt yêu nước cảm thấy sục sôi căm thù sức mạnh đô hộ của thực dân đế quốc. Cảm giác của người nhìn cũng có thể thay đổi tùy theo sự sắp xếp vị trí của màu sắc, thí dụ hai lá quốc kỳø của Nga và Pháp hiện nay đều cùng mang ba màu ấy nhưng được bố trí theo thứ tự khác nhau.
Tùy thuộc thông giải
Các nốt nhạc nhất định được sáng tác theo những cách thức nhất định khi tấu lên sẽ làm cho đám người này háo hức giật gân, chỉ muốn dậm chân nhảy múa, trong khi đám người khác nghiến rằng tức tối tưởng chừng điệu nhạc ấy đang trêu tức mình. Cũng có thể đan cử tiếng nhạc quân hành trong một ngày đảo chánh tạo ra những cảm xúc khác nhau trong hai phe đối nghịch. Cùng một quang cảnh dập dìu yến oanh ấy mà sao với Thúy Kiều thì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”
Trong những thí dụ vừa kể, thật khó nhận rõ cách mà tự thân phẩm tính có thể giải thích các phản ứng khác nhau hoặc chỉ cho thấy cái gì đó trong thế giới ngoại tại tương ứng với cảm xúc phát sinh từ nó. Nếu các phẩm tính lệ thuộc vào thông giải theo cách ấy, làm thế nào chúng ta có thể bảo rằng chúng chẳng bao giờ lệ thuộc vào thông giải. Liệu chúng ta có thể đoan chắc rằng bất cứ cái nào hiện hữu cũng đều quả thật tương ứng với các phẩm tính mà chúng ta qui cho trải nghiệm?
4. Các phẩm tính cấp ba
Nếu bạn yêu cầu người ta cho biết họ ngụ ý gì khi dùng từ ngữ “phẩm tính”, rất có khả năng họ hầu hết sẽ chỉ tới các vật thí dụ có màu đỏ, vị ngọt, cứng, v.v. Nếu hỏi thêm nữa, hẳn họ sẽ thừa nhận rằng mọi phẩm tính đều riêng biệt mặc dù ta thấy chúng đang kết hợp nhau. Họ hẳn cũng sẽ đồng ý rằng mỗi phẩm tính được trải nghiệm bằng một giác quan riêng biệt. Tuy thế, không phải mọi phẩm tính đều được xử lý như thế.
Không xác định được cách biết
Người ta thường nói tới các phẩm tính tổng quát, thí dụ phiền muộn và hạnh phúc khi đề cập tới một kẻ đang sung sướng hoặc buồn bã. Người khác có thể làm chứng cho sự đánh giá ấy giống như có thể chứng thực ấn tượng của chúng ta rằng kẻ đó da đen hoặc da vàng. Nhưng bằng giác quan nào chúng ta trải nghiệm các phẩm tính ấy?
Nếu tôi nói rằng bông hồng này đẹp hoặc hành động ấy tốt lành, tức là tôi đang phát biểu về phẩm tính, nhưng tôi không thể xác định bằng cách nào tôi tiếp nhận thông tin ấy. Thông thường, người ta gọi các phẩm tính tổng quát ấy là phẩm tính cấp ba, để phân biệt chúng với phẩm tính cấp một và phẩm tính cấp hai mà chúng ta sẽ thảo luận sơ qua ở phần dưới.
5. Các giới hạn của giác quan
Dùø đồng ý phẩm tính là thành tố quyết định trong tri thức của chúng ta về thế giới ngoại tại, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng những thông tin được tiếp nhận như thế có khả năng sai. Các giác quan của chúng ta dứt khoát là bị giới hạn và cho dẫu chúng có phối hợp với nhau tốt tới mấy đi nữa, chúng ta cũng không thể tuyên bố rằng mình đang có đầy đủ thông tin về thế giới.
Có những âm thanh chó và chim có thể nghe nhưng con người không thể nghe. Một số loài vật hình như có thể phân biệt nhiệt độ cao thấp tinh tế hơn chúng ta. Báo cáo về các trận động đất cho thấy thú vật có khả năng cảm nhận trước, sớm hơn con người. Chúng ta biết rằng quang phổ – thể hiện những bước sóng mà chúng ta có thể trải nghiệm thành màu sắc – là sự chọn lựa rất hạn chế trong tổng số sóng dàn trải ra bên ngoài các cạnh của nó.
Bằng mắt thường, chúng ta không thể thấy tia X hoặc tia vũ trụ vì chúng ta không có khả năng chuyển chúng thành màu sắc. Có thể loại hữu thể khác, với con mắt thích đáng hơn, thấy những cái mà đối với chúng ta là vô hình. Các chuyên gia trang trí nội thất đều biết rằng màu sắc có thể biến đổi nếu chúng ta bố trí chung quanh nó một số màu sắc khác. Giả dụ mắt của chúng ta có khả năng thấy quá bên kia độ sáng của quang phổ, liệu các màu sắc có còn mang vẻ bên ngoài đúng như chúng đang mang hiện nay? Không một ai biết chắc.
6. Các phẩm tính cấp một và cấp hai
Ngang đây, chúng ta cứ coi như phẩm tính lệ thuộc vào thế giới ngoại tại và chúng cho ta thông tin về thế giới đó. Quan điểm ấy thường được xem là hiển nhiên vì đó là ý kiến chung, nó giúp chúng ta dễ dàng hiểu thế giới ngoại tại hơn và nó đã trở thành truyền thống.
Quan điểm cổ đại
Thế nhưng, trong lịch sử triết học, có một chủ trương cũng lâu đời không kém, cho rằng không phải cứ xem như hiển nhiên tức là đã giải quyết xong vấn đề nhưng cần phải xem xét các chứng cớ hậu thuẫn cho truyền thống đó. Triết gia cổ đại Hi Lạp Democritus và các môn đệ của ông vạch ra sự phân biệt rõ ràng giữa các nguyên tử làm thành vạn vật và các phẩm tính thâm nhập chúng mà chúng ta có thể nhận thức.
Họ lập luận rằng các phẩm tính gắn liền với năm giác quan hoàn toàn không thuộc về đối tượng (khách thể); chúng hoàn toàn thuộc về chủ thể nhận thức. Những kết hợp nhất định của và do bởi tự thân các nguyên tử không có bất cứ phẩm tính nào ngoại trừ kích cỡ, hình dáng và trọng lượng; chúng khiến cho tâm trí của người nhận thức phát sinh ý tưởng có vẻ như thể đối tượng sở hữu phẩm tính, trong khi thực tế thì không như thế.
Quan điểm hiện đại
Gần 2.000 năm sau, Galileo chấp nhận lý thuyết ấy về phẩm tính vì ông cho rằng trong thực tế, khoa học chỉ quan tâm tới tương quan của các đối tượng trong không gian và thời gian trong chừng mực có thể đo lường chúng, và rằng hầu hết các phẩm tính đều không là đối tượng và không liên quan tới các thẩm tra khoa học.
Ảnh hưởng của Galileo trong khoa học khiến cho lập trường ấy có ảnh hưởng lâu dài, tới tận kỷ nguyên Newton. Ðối với những người theo thuyết Newton, ta chỉ có thể thật sự qui cho đối tượng các phẩm tính đo lường được, thí dụ kích cỡ và hình dạng; mọi phẩm tính khác không thuộc về đối tượng mà thuộc về người tri giác.
Triết gia và nhà hóa học Ái Nhĩ Lan *Robert Boyle (1627-1691) đánh dấu sự tách biệt ấy bằng việc phân loại các phẩm tính thành hai nhóm tổng quát, còn gọi là hai cấp. Nhóm thứ nhất tức cấp một, được định nghĩa gồm những phẩm tính thật sự thuộc về khách thể và là đối tượng của đo lường; nhóm thứ hai tức cấp hai bao hàm hết thảy các phẩm tính khác.
III. Truyền thống duy nghiệm
1. John Locke
Ðề tài không tương hợp
Trong khi hội họp thảo luận với một nhóm bạn hữu, triết gia Anh John Locke nhận thấy rằng đối với một số chủ đề, người ta quả thật khó có thể đạt tới bất cứ sự đồng thuận nào. Lý do không phải vì thành kiến hoặc sự ngoan cố của người tham gia thảo luận nhưng đúng hơn, nó dường như phản ánh những nan giải của tự thân vấn đề.
Sự kiện ấy gợi cho Locke ý nghĩ rằng có những đề tài không thể đưa tới kết luận thỏa đáng vì tâm trí của chúng ta không thích hợp để xử lý chúng. Trong cuốn An Essay Concerning Human Understanding (Một tiểu luận về tri thức con người, 1690), Locke viết rằng:
“Sau một lúc, mọi người đều cảm thấy bối rối vì không với tới gần hơn một giải pháp cho những hoài nghi đang làm chúng tôi khó xử, tôi chợt có ý nghĩ rằng mình đã tiến hành một cách sai lầm và rằng trước khi lao mình vào các cuộc thẩm tra về bản tính đó, việc thiết yếu đầu tiên phải làm là thẩm định khả năng của chúng tôi và xem coi các đối tượng ấy có vừa vặn hay không với các kiến thức mà chúng tôi đang có trong liên quan tới việc xử lý chúng”.
Nói cách khác, không phải tầm quan trọng của chủ đề cũng không phải nội dung của nó có khả năng chứng minh sự chắc chắn của các lời quả quyết nếu sự chắc chắn ấy vượt quá tầm với của lý trí con người.
Bằng cách đặt sự xem xét nguồn gốc, mức độ và giá trị hiệu năng của tri thức con người vào vị trí tiền thẩm tra trong triết học, Locke đã thay đổi kiểu mẫu của tư duy triết học. Kể từ thời của Locke, hầu hết các triết gia quan tâm trước tiên tới các câu hỏi mang tính *tri thức luận (epistemology). Lúc này chúng ta không quan tâm tới việc đi theo Locke trong cuộc tra vấn cá biệt ấy mà là tới những kết luận ông đã đạt được về sự dị biệt của các phẩm tính thứ nhất và thứ nhì như một phần trong cuộc tra vấn của ông về bản tính của tri thức và tính khả thi của nó.
Tâm trí thụ động
Locke thuộc trường phái các triết gia được gọi là người theo *duy nghiệm chủ nghĩa (empiricism), có nghĩa ông quả quyết rằng tri thức bắt đầu với và dựa vào thông tin do giác quan cung cấp. Không thể có bất cứ cái gì trong tâm trí mà trước hết nó không có trong giác quan. Có thể giải thích kinh nghiệm giác quan bằng giả định rằng sự hiện hữu của đối tượng bên ngoài (khách thể), thông qua giác quan, truyền đạt tới một tâm trí (chủ thể) có khả năng tiếp nhận.
Giả định ấy có xuất xứ từ tính cưỡng bách của nhận thức. Tâm trí phải bị động, bằng không, nó có thể làm méo mó, thương tổn thông tin nhận được ấy, đưa tới kết quả chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng các ý tưởng của mình quả thật tiêu biểu cho các thực thể ngoại tại. Nói như Cao Bá Quát (1808-1855) “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười!”. Hoặc “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!” Hoặc trong cuốn Cổâ học tinh hoa, Nguyễn Văn Ngọc (1890â-1942) kể chuyện có người mất búa vì nghi ngờ anh hàng xóm ăn cắp chiếc búa của mình nên thấy anh ta lúc nào cũng có động thái của kẻ cắp; tới khi tìm ra chiếc búa mình để lẫn trong nhà, lại thấy anh hàng xóm mặt mũi xưa nay hiền lành!
Vậy làm sao tương tác
Nếu chúng ta đồng ý với Locke rằng Descartes có lý khi phân biệt rạch ròi tâm trí và thể xác thì thật khó chứng minh làm thế nào đối tượng vật chất có thể sản sinh ý tưởng trong tâm trí. Locke xem đó là điều phải xảy tới, một cách hiển nhiên, và ông ít để ý tới vấn đề đó. Locke chú mục vào các điều kiện của tri thức đặt trên cơ sở kinh nghiệm.
Do đó, ông giả định rằng có những đối tượng vật chất đang hiện hữu bên ngoài cá nhân cũng như không thể nào lệ thuộâc vào cá nhân để hiện hữu, và rằng qua giác quan, các đối tượng ấy gởi các tường trình về chúng tới tâm trí bị động của người nhận thức. Các tường trình ấy được chúng ta mô tả là các ý tưởng trong tâm trí.
Hai loại ý tưởng
Locke phân biệt ý tưởng thành hai loại: đơn giản và phức tạp. Ý tưởng phức tạp được làm thành bởi các ý tưởng đơn giản và có thể phân tích thành các ý tưởng đơn giản. Thí dụ ý tưởng phức tạp “trái ổi” có thể phân tích thành các ý tưởng “vàng”, “ngọt”, “thơm” và “tròn”.
Các ý tưởng đơn giản “vàng”, “ngọt”, “thơm” và “tròn” không thể phân tích thành bất cứ thành phần nào tối hậu hơn, và do đó chúng là những ý tưởng được truyền đạt trực tiếp qua các giác quan.
Không một giác quan đơn độc nào có thể truyền đạt một ý tưởng phức tạp, thí dụ “trái ổi”. Ýù tưởng phức tạp được hình thành do bởi tâm trí kết hợp các ý tưởng đơn giản. Không một đối tượng ngoại tại nào có thể chỉ thẳng tới ý tưởng phức tạp; thay vào đó, nó phải bị chiết thành các ý tưởng đơn giản để cho thấy nó thật sự có nguồn gốc trong kinh nghiệm. Chỉ các ý tưởng đơn giản mới chỉ thẳng tới đối tượng bên ngoài và chắc chắn chúng là các thành tố căn bản của tri thức.
2. Kinh nghiệm có tính tương đối
Ðơn giản thì độc lập?
Vì các ý tưởng “vàng”, “thơm” và “ngọt” đến với chúng ta một cách độc lập với ý chí của chúng ta và có khả năng chúng liên quan tới các giác quan nhất định, nên chúng ta có thể giả định rằng chúng có nguồn gốc ở bên ngoài chúng ta, trong một đối tượng ngoại tại nào đó. Quan điểm ấy được chứng thực bởi sự đồng thuận tổng quát của người khác về các ý tưởng đơn giản của họ. Và dường như hệ luận của nó là có những đối tượng ngoại tại sở hữu những phẩm tính “vàng” và “ngọt”.
Nếu các đối tượng ấy sở hữu những phẩm tính đó, nếu các đối tượng ấy truyền đạt trực tiếp tới tâm trí qua các giác quan và nếu tâm trí hoàn toàn thụ động trong việc tiếp nhận cảm giác, hẳn các thông tin chúng ta tiếp nhận về đối tượng đều không bị biến thể. Chỉ nhìn thoáng kinh nghiệm của mình mà thôi, chúng ta đã thấy nó không đúng như thế.
Phẩm tính cũng này nọ
Các nhận thức của tôi về phẩm tính của đối tượng đều bị biến thể theo điều kiện thể lý của tôi. Nếu tôi bị cảm lạnh, mùi vị điếu thuốc lá của tôi hẳn khác khi tôi mạnh khỏe. Nếu tôi mắc bệnh vàng da, mọi sự dường như mang một vẻ “vàng” gớm ghiếc. Và nếu tôi bị sốt, tôi không thể thưởng thức hương vị của chai bia ướp lạnh.
Khi nói rằng mỗi đối tượng có liên quan tới màu sắc nhất định và hoặc có vị nhất định, tức là ta có ý ám chỉ kinh nghiệm trong điều kiện bình thường. Trong khi không nêu vấn nạn làm thế nào khẳng định bình thường là gì, Locke tin, do bởi tính tương đối của kinh nghiệm của con người, rằng một số phẩm tính không thật sự hiện hữu trong đối tượng.
Có phẩm tính nằm ngoài đối tượng
Có những phẩm tính chúng ta tin rằng chúng không hiện hữu trong đối tượng ngoại tại. Nếu tôi nhột vì một chiếc ráy tai, tôi hiểu rằng nhột là cái gì đó tùy thuộc vào tôi và sẽ không bao giờ nghĩ tới việc nói rằng nhột là đặc tính của chiếc ráy tai, giống như nói tới màu sắc của nó.
Tôi đang ở Canada. Vào mùa đông, cái thường làm cho tôi thú vị nhất là được ngồi gần lò sưỡi, cách một khoảng nhất định với ngọn lửa, vừa đủ để cảm thấy ấm. Nhiều người giả định rằng ấm là phẩm tính của lửa; họ không ngần ngại phát biểu rằng “lửa ấm”. Khi tôi ngồi sát ngọn lửa hơn, ấm biến thành nóng và tôi không ngần ngại nói rằng “lửa nóng”, qui cho “nóng” là một phẩm tính của lửa.
Kế đến, nếu tôi ngồi sát ngọn lửa hơn, cái nóng biến thành cái rát, nhưng lúc đó tôi không nghĩ rằng “rát” là phẩm tính của lửa. Việc tôi “không nghĩ” như thế có vẻ lạ lùng vì quả thật cũng chỉ một đối tượng (khách thể) nhưng cái khác biệt là khoảng cách giữa tôi (chủ thể) với nó. Thế thì tại sao nói rằng “lửa rát” thì không chính xác cho bằng “lửa ấm” và “lửa nóng”, và rằng nói “ấm” hay “nóng” cũng là xuyên tạc bản tính thật sự của lửa, đó chẳng qua là vì tôi kéo ghế ngồi gần hay ngồi sát lửa?
Không ai dám trả lời một cách khẳng định vì dường như rõ ràng rằng “rát” thuộc về người nhận thức chứ không thuộc về đối tượng. Vì rát, và có thể kể cả nhột, là kinh nghiệm tương đối chung của mọi người nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng có những phẩm tính không thật sự thuộc về đối tượng dù chúng có vẻ do đối tượng gây ra. Ðiều ấy làm nảy sinh mối nghi ngờ đầu tiên về nơi tọa lạc của phẩm tính.
3. Phân loại phẩm tính theo Locke
Phẩm tính thuộc chủ thể
Nếu giờ đây chúng ta hướng tới bản thân đối tượng và giả định rằng quả thật các phẩm tính lệ thuộc vào nó, ta sẽ kỳ vọng rằng các phẩm tính không bị biến đổi bởi bất cứ cái gì tác động lên đối tượng. Nếu bạn cầm lên một trái chuối, bẻ nó ra làm đôi, mỗi nửa vẫn còn kích cỡ nào đó, hình dạng nào đó, màu sắc nào đó và mùi vị nào đó.
Kế đó, nếu bạn lại chia mỗi nửa ra làm đôi và tiếp tục tục chia đôi các phần đó, cuối cùng bạn có các phần rất nhỏ mà vẫn có kích cỡ và hình dạng nào đó, nhưng không còn vẻ màu sắc bên ngoài và không còn mùi vị. Sự kiện ấy gợi ra rằng trong khi kích cỡ và hình dạng là các phẩm tính thường trực của vật và không thể tách khỏi nó, thì các phẩm tính khác không thật sự thuộc về vật nhưng chúng tùy thuộc vào người nhận thức.
Phẩm tính thuộc về khách thể
Khi Locke xem xét tính chất tương đối của phẩm tính và thực tế rằng chúng ta thậm chí có các ý tưởng về các phẩm tính không thể hiện hữu, thí dụ bóng tối, ông quả quyết rằng sự phân biệt phải dựa trên các phẩm tính thật sự thuộc về đối tượng và các phẩm tính mà sự hiện hữu của chúng tùy thuộc vào hữu thể nhận thức.
Ông gọi cái thứ nhất là các phẩm tính cấp một (primary qualities) và liệt kê chúng là kích cỡ, hình dạng, rắn đặc, đếm được, di động được. Dù ta có tác động thế nào đi nữa lên các thành phần của đối tượng – ngoại trừ triệt tiêu nó – nó vẫn còn giữ kích cỡ nào đó, hình dạng nào đó, chiếm lĩnh một phần không gian nào đó trong loại trừ các đối tượng khác, là đối tượng của hành động đếm và có khả năng bị đưa vào chuyển động.
Phẩm tính tùy thuộc vào chủ thể
Hết thảy các phẩm tính khác đều bị Locke xếp vào phẩm tính cấp hai (secondary quality) vì sự hiện hữu của chúng tùy thuộc vào hữu thể nhận thức. Các phẩm tính cấp hai không hiện hữu trong đối tượng ngoại tại (external object), nghĩa là vật ở bên ngoài chủ thể (người nhận thức). Theo diễn tả của Locke trong sách đã dẫn, thì “Các phẩm tính ấy, thật sự không là gì cả trong bản thân đối tượng, mà là những sức mạnh sản sinh (powers to produce) các cảm giác đa dạng trong chúng ta, do bởi các phẩm tính cấp một”.
Do đó đối tượng ngoại tại ấy được cho là sở hữu các phẩm tính cấp một cùng với sức mạnh sản sinh các phẩm tính cấp hai, cái vốn không thật sự hiện hữu trong đối tượng.
4. Hàm ý
Cảm quan chung có thể sai
Cần ghi nhận rằng các phẩm tính cấp một là những phẩm tính hoàn toàn có thể đo lường và rằng chúng chỉ là những phẩm tính được các ngành khoa học tự nhiên (natural sciences) quan tâm. Ðiều này hoàn toàn giống với với lập trường của Galileo.
Cũng cần ghi nhận rằng nếu đó chỉ là những phẩm tính quả thật thuộc về đối tượng ngoại tại thì cảm quan chung, hoặc nhận thức theo lẽ thường về thế giới ngoại tại có thể sai lầm. Như thế, thế giới ngoại tại chẳng sở hữu phẩm tính cấp hai nào và phải quan niệm thế giới ấy như không có màu sắc, âm thanh, mùi và vị. Ðó là một thế giới có thể làm vừa lòng các nhà vật lý hoặc các nhà toán học nhưng nó chẳng làm người bình thường vui bụng chút nào.
Như Whitehead đã diễn tả trong cuốn Science and the Modern World (Khoa học và thế giới hiện đại, 1925, t.80) rằng: “Các vật thể được nhận thức cùng với các phẩm tính trong thực tế không thuộc về chúng, các phẩm tính quả thật thuần túy là con đẻ của tâm trí. Do đó, thiên nhiên nhận được lời tán tụng vì đã thật sự dự phòng cho chính chúng ta; hoa hồng vì hương thơm của nó; chim họa mi vì bài ca của nó; và mặt trời vì ánh rực rỡ của nó. Các thi sĩ hoàn toàn sai lầm. Họ nên đọc những vần thơ cho chính họ nghe và nên biến chúng thành những bài tụng ca để tự chúc mừng sự toàn hảo của tâm trí loài người. Thiên nhiên là một thứ tẻ nhạt, không âm thanh, không hương thơm, không màu sắc; hoàn toàn chỉ là sự hối hả của vật chất, không ngừng và vô nghĩa”.
Lập trường Locke vẫn lợi thế
Bạn có thể đồng ý với lời phản đối ấy của Whitehead, tuy thế dường như chừng nào bạn còn giả định rằng phẩm tính thuộc về đối tượng và đến với chúng ta qua cảm giác, chừng đó vẫn không thoát nổi các luận cứ của Locke. Nếu cứ cố chấp chống lại các luận cứ ấy thì chúng ta nên hiểu thêm rằng lập trường của Locke không chỉ là một thao tác có tính hàn lâm sách vở mà còn là một diễn tả hệ trọng, có tính triết học, các nguyên tắc gắn liền với khoa học mang bản sắc Newton.
Chừng nào thế giới này vẫn được xem là một hệ thống vật chất được lập thành bởi các phân tử vật chất, kết hợp nhau theo lý thuyết tổng quát về sức hấp dẫn, chừng đó khái niệm nào khác về nơi tọa lạc và ý nghĩa của phẩm tính vẫn không đứng vững. Ức đoán của Democritus đã được chứng minh bởi Newton, thiên tài của khoa học hiện đại.
Ngoài những nan giải có tính cảm xúc của nó, khái niệm này có lợi thế riêng biệt nhờ biện hộ cho sự buông bỏ phẩm tính và thay vào đó bằng khoa học lượng tính, vì các phẩm tính cấp một có thể đo lường được, và toán học là công cụ quan trọng để thẩm tra bản tính của thế giới. Dù sự phân tích kinh nghiệm thành các phẩm tính cấp một và cấp hai đúng hay sai, không ai có thể hoài nghi ý nghĩa mang tính *phương pháp luận (methodology) của nó đối với khoa học mang bản sắc Newton.
5. Vấn đề vật chất
Phối hợp của phẩm tính
Theo Locke, khi nói tới bản thể của cá nhân hay của vật, tức là chúng ta đang quả thậtï nói tới sự phối hợp liên tục các ý tưởng đang diễn ra một cách rất ngăn nắp khiến chúng ta hữu lý khi kêu đích danh nó bằng một cái tên chung, thí dụ “con trâu”, “trái ổi” hoặc “Lê Văn Tám”. Chúng ta biết rằng các ý tưởng đều do bởi các phẩm tính cấp một hoặc các sức mạnh sản sinh trong vật, vì thế chúng ta phải giả định rằng trong thế giới ngoại tại cũng có sự phối hợp tương tự của các phẩm tính cấp một và các sức mạnh ấy.
Ðiều ấy gợi lên câu hỏi tại sao chúng chỉ được tìm thấy trong những phối hợp cá biệt. Nếu các phẩm tính có sức hấp dẫn nhau một cách tự nhiên thì nơi tìm thấy cái này cũng là nơi chắc chắn tìm thấy cái kia, và giải pháp cho vấn đề sẽ rất dễ dàng. Thế nhưng không có bằng cớ nào cho thấy có sự hấp dẫn nhau ấy.
Tròn có thể kết hiệp với các kích cỡ khác nhau hoặc các màu sắc khác nhau chứ không phải chỉ với một kích cỡ nhất định hoặc một màu sắc nhất định. Do đó, sự phối hợp các phẩm tính phải có một lý do nào khác. Có thể tìm thấy lý do đó trong lớp tiềm ẩn nằm bên dưới nào đó hoặc trong nguyên lý phối hợp.
Chính tâm trí phối hợp
Theo Locke, chẳng khó khăn chút nào trong việc giải thích những phối hợp khác nhau của ý tưởng, vì chúng ta có thể qui những phối hợp ấy cho tâm trí, cái sở hữu chúng và đang nằm bên dưới chúng. Từ Descartes và cảm quan chung, chúng ta biết rằng có cái bản thể được gọi là “vật chất” (matter) ngoài cái được gọi là “tâm trí” (mind), và chúng ta biết người ta thường gọi các đối tượng ngoại tại là có “tính vật lý” (physical) hoặc “tính vật chất” (material).
Như thế theo Locke, đó là chìa khóa cho giải pháp. Ta chỉ cần đặt một lớp vật chất tiềm ẩn nằm bên dưới (substratum) các phẩm tính, để giữ chúng với nhau. Hành động ấy lập chúng thành các đối tượng vật chất và giải thích sự hiện hữu độc lập của chúng.
Vật chất không là phẩm tính
Nếu vật chất là lớp tiềm ẩn nằm bên dưới các phẩm tính thì như thế tự thân vật chất không là phẩm tính. Nếu là phẩm tính, vật chất hẳn phải được giải thích theo cách giống y như hết thảy các phẩm tính khác. Và lúc đó, ta lại phải giả dụ có thêm một lớp tiềm ẩn nằm bên dưới nữa. Vì vật chất không là phẩm tính và vì không thể nào nhận thức hết mọi phẩm tính nên rõ ràng rằng không thể nhận thức lớp tiềm đang ẩn nằm bên dưới ấy. Do đó, Locke đặt cho nó cái tên là cái “x vô danh” (unknown x).
Mâu thuẫn của Locke
Ðây dường như là một việc làm thích đáng dưới ánh sáng thẩm tra, nhưng nó đưa dẫn vào triết học của Locke một sự không nhất quán chết người.
Locke là người *duy nghiệm chủ nghĩa. Nếu có ý tưởng có giá trị nào hiện hữu trong tâm trí mà không thông qua các giác quan thì nó bị Locke phủ định ngay lập tức. Thế mà giờ đây ông lại chấp nhận, như một ý tưởng nền tảng trong hệ thống của mình, cái ý tưởng vật chất không thể nhận thức và không thể tiếp nhận bằng bất cứ giác quan nào. Nhằm duy trì sự phân biệt giữa các phẩm tính cấp một và cấp hai, Locke đã buộc lòng phải vi phạm một trong các nguyên tắc chủ yếu của mình. Do đó, có vẻ như chúng ta phải hoặc từ khước ý tưởng tính vật chất hoặc từ khước lập trường duy nghiệm chủ nghĩa.
Xem phần tiếp theo.