1- Hắn cùng học lớp 12 Trung học phổ thông với tôi, sức học nhàng nhàng, môn Toán và Lý thì yếu hẳn, sau đó tôi thi vào Đại học Thuỷ lợi còn hắn đi du học nước ngoài. Hắn là em con cô con cậu với tôi. Nhà hắn có dàn hoa tigôn dây leo chằng chịt, lá rậm che phủ một khoảng sân, mùa hè và thu hoa nở rộ chen lẫn hai màu hồng và tím nhạt, những cánh hoa nhỏ bằng hạt ngô lai hình trái tim vỡ nhìn rất gợi cảm. Đang đi dưới nắng hè gay gắt bước vào sân nhà hắn đứng dưới dàn hoa tigôn ta có cảm giác mát dịu và thanh thản. Nếu như dàn hoa tigôn làm cho tôi thích thú thì ngược lại mỗi khi bước qua hai cánh cổng sắt đồ sộ sơn xanh tôi lại có cảm giác nặng nề, vì vậy tôi chơi với hắn không thân mà cũng không sơ.
Nghỉ hè hắn về nước chơi, rõ ra là một con người khác hẳn, một tí quan cách, một tí điệu đàng, nói năng lưu loát, hay đệm tiếng Tây. Hắn vận một bộ quần áo thể thao, quần dài trắng, áo thun trắng, đi đôi giày ba ta cũng trắng, đeo kính đen có đôi mắt to, mũ lưỡi trai màu trắng, những thứ ấy đều là hàng hiệu có đẳng cấp. Chẳng hiểu ở nước ngoài hắn có chơi quần vợt hay không nhưng trang phục của hắn làm người ta tưởng hắn là tài tử đánh quần, mặc dù nhìn chung thể hình của hắn không có dáng vẻ của một người hay chơi thể thao: cao chưa đến mét bảy, da màu trắng ngả sang xanh, áo thun trắng cộc tay để lộ ra đôi tay không có bắp. Chỉ mới xa nước nhà độ hơn một năm nhưng phải công nhận là khi người ta được "nhúng" vào môi trường bản ngữ thì trình độ tiếng Anh tiến bộ rõ rệt, tôi vẫn ước mong được như thế. Vì vậy hắn nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, mặc dù có đôi câu tôi ngờ ngợ liệu có đúng ngữ pháp hay không ? Ở phổ thông tôi học tiếng Anh chương trình 7 năm, lại thêm năm vừa rồi ở đại học nữa là 8 nhưng giá như bắt buộc phải giao tiếp với một ông Tây thì có lẽ tôi cũng chỉ câu trước " Hello", câu sau " Thank-you" là hết vốn, tuy tôi không tự nói được nhưng vốn từ của tôi vẫn cho phép hắn nói gì thì tôi cũng hiểu.
Hôm ấy hắn rủ tôi về quê thăm một người bà con. Nói là về quê, nhưng từ Hà Nội chỉ đi độ 20 cây số là đến nơi, tuy vậy hắn vẫn thuê một tắc xi trọn ngày để hai anh em đi cho tiện. Tôi cũng chiều ý ông em, vả lại đèo nhau bằng xe máy thì phải đội mũ bảo hiểm, mùa này nóng bức, cái mũ sùm sụp sẽ làm cái đầu khó chịu, vả lại còn bụi bặm, còn rung xóc nữa. Chiếc xe tắc xi chạy êm, trong xe dịu mát vì có điều hoà. Gặp một đoạn đường hơi xấu khiến tấm thân ngàn vàng của hắn hơi lắc lư, mắt hắn hơi nhíu lại và hắn nói đôi câu so sánh việc đi tắc xi ở ta và ở Tây hơn kém nhau những gì. Người lái xe còn trẻ, chỉ độ ngoài hai mươi góp vào câu chuyện:
- Thì trình độ bọn chúng em chỉ có thế thôi, đường sá nước mình chật hẹp, gồ ghề ổ gà với lại ổ trâu, xe cộ lại đông, chỉ những tránh nhau cũng đã hết ngày, cả nước đã có con đường nào đáng mặt gọi là đường cao tốc đâu...
Câu chuyện đang dở dang thì xe đã vào đường làng, tấp vào một gốc cây để chúng tôi xuống đi bộ vài chục mét nữa mới đến nhà người quen. Lúc ấy, tôi và hắn đang nói với nhau về chuyện học hành của tôi, tuần lên lớp mấy tiết, lớp học có bao nhiêu sinh viên, hắn lấy làm ngạc nhiên sao số sinh viên trong một lớp lại đông đến nhường ấy và giơ hai tay lên trời ra vẻ không hiểu những lời tôi nói:
- I don't understand what you say ! (Tôi không hiểu anh đang nói gì !)
Trẻ con trong làng thấy một ông ta đi với một ông gần giống Tây, chạy theo hàng lũ, chỉ chỏ, kháo nhau:
- Úi giời ơi! Một ông Việt kiều mới lại một ông phiên dịch đi với nhau chúng mày ạ !
Chưa bước vào cổng nhà bác tôi thì chó đã sủa ran, một con vàng, một con chó mực, con này hăng hái và dữ tợn hơn, nhảy tưng tưng, nhe đôi hàm răng trắng nhởn. Hắn vẫn tỏ ra bình tĩnh nhìn con mực, nói với tôi bằng tiếng Tây ra vẻ không biết nó là cái giống gì:
- What's he ? What does he do ?( Nó là ai ? Nó đang làm gì ?)
Thì nó là con chó mực chứ còn là cái giống gì nữa, nó đang làm gì ư ? Nó muốn đớp chân mày đấy, đi gọn gọn vào chứ không thì khốn bây giờ ! Tôi chỉ kịp nghĩ đến đấy thì con mực đã ngoạm lấy phần dưới ống quần của hắn mà day, miệng vẫn không ngớt gầm gừ. Hắn vội vàng hét toáng lên bằng tiếng mẹ đẻ:
- Ối giời ơi ! Con chó !...
2- Con mực bị trừng trị đích đáng vì cái tội bất kính dám cả gan mạo phạm một ông Việt kiều ở tận nước ngoài về. Nó ăn một gậy của bác tôi vào mông, lủi vào gầm giường, thỉnh thoảng thò đầu ra ư ử đôi câu, mắt lấm lét nhìn ông khách quý. Cả bác trai, bác gái và người chị họ ríu rít đặt hàng loạt câu hỏi về sự ăn ở, đi lại, học hành ở xứ người, họ sống văn minh sang trọng ra sao rồi cứ xuýt xoa khen nức khen nở mãi. Dĩ nhiên tôi-phiên dịch cho ông Việt kiều-phải làm việc cật lực là cái chắc rồi. That is the question. (Vấn đề là ở chỗ đó); Money is no object to them. (Đối với họ, tiền bạc không thành vấn đề)... đại loại là như vậy. Cuối cùng rồi cũng đến cái lý do chính khiến ông em tôi cất công lặn lội từ Hà Nội về đây, cái ý định được giữ bí mật đến phút này tôi mới biết: xem bói. Xem bói? Vâng, thì là xem bói chứ còn chuyện gì quan trọng hơn nữa! Bác gái có tài xem bói, mặc dù chỉ là thầy bói nghiệp dư, không cắp tráp đi bói rong ăn tiền thiên hạ nhưng bói hay nổi tiếng, đoán đâu trúng đấy, nhất là bói Kiều. "Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, xin cho con đôi ba dòng...". Vấn đề mà ông em tôi quan tâm là đường tình duyên-mới hơn mười chín tuổi mà sa đà vào đấy hơi sớm đấy, ông em quý hoá ạ! Thế nhưng nó khó nghĩ ở chỗ trước khi xuất dương du học ông em tôi đã rất gắn bó với cô hàng xóm đẹp gái, con nhà giàu, học giỏi, tên là Hải Yến. Ai chứ cô này thì tôi biết vì cùng học lớp 12 với tôi và hắn. Chắc là cô nàng đã bị cái dáng phong lưu công tử và cái mồm dẻo quẹo của hắn cưa đổ. Cô này thi đỗ vào Khoa Du lịch Đại học Kinh tế quốc dân thừa những mấy điểm. Đã thề non hẹn biển với nhau những gì thì tôi không biết, nhưng chỉ mới ra nước ngoài độ dăm tháng thì ông con đã chat và điện thoại về cho bố mẹ rằng thì là con bị sét đánh mà Thiên lôi là một cô bạn du học sinh vừa mới sang. Khó nghĩ lắm, cả hai đều mai cốt cách, tuyết tinh thần/mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười; người nào cũng hoa cười ngọc thốt đoan trang/mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Hắn tự an ủi chẳng qua số ta là số đào hoa, duyên trời run rủi mới ra nỗi này, thôi thì ta hẳn cứ bói một quẻ xem tiên Thuý Kiều phán bảo ra sao.
Bác gái đi thay quần áo, quàng vào người chiếc áo dài nâu, thắp một nén nhang, thỉnh một hồi chuông rồi chắp hai bàn tay kẹp quyển Kiều vào giữa-một quyển Kiều đặc biệt cỡ nhỏ, dày cộp, trông như một viên gạch, mỗi trang in đúng có 4 câu, mép đã quăn, bìa đã ố vàng- rồi kính cẩn đưa lên ngang trán, mắt nhắm lại, lầm rầm khấn...
- Ấy chết tôi quên không hỏi, cô ấy tên là gì? Cái cô đã đi du học nước ngoài ấy!
- Thuý Vân, Lê Thị Thuý Vân bác ạ.
Hắn trả lời rồi thành kính chắp tay đứng bên cạnh. Bác gái tôi thấm nước bọt trịnh trọng giở quyển Kiều ra rồi theo quy tắc nam tả, nữ hữu lấy ngón tay chỉ vào trang bên trái, đọc to lên:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh, trong tiết tháng ba
Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh.
Rồi bác gieo ba đồng tiền cổ có lỗ vuông, gieo ba lượt lấy kết quả, miệng lẩm nhẩm tính, nào là bát quái: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài, quẻ khôn nói về hôn nhân; rồi thì thập can: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý, mà quẻ quý nói về tình riêng có toại nguyện hay không. Cái đoạn này mở đầu cuộc tình của Thuý Kiều với Kim Trọng, tảo mộ viếng Đạm Tiên bâng khuâng tình tứ, du xuân gặp Kim Trọng bẽn lẽn duyên ta...cuối cùng bác tôi reo lên:
- Thuận rồi, cậu họ Lê, cô ta cũng họ Lê, mà cành lê trắng lại điểm vài bông hoa; cả vua Từ Hải, vãi Giác Duyên, tiên Thuý Kiều, rồi thì Kim Trọng cùng với Thúc Sinh đều phán là thuận rồi...
Lòng tôi chợt nhói lên, thương cho Hải Yến-cô sinh viên Khoa Du lịch Đại học kinh tế quốc dân, cái cô sinh viên nội hoá (ý nói chỉ học trong nước) đã nhỡ đem cuộc đời mình dây dưa với một anh chàng có máu hướng ngoại, rồi ai sẽ ra tay hoá giải nỗi buồn của cô đây? Hỡi vua Từ Hải, vãi Giác Duyên, tiên Thuý Kiều? Hải Yến ơi! Em đã khi nào đứng dưới dàn hoa tigôn phủ bóng mát sân nhà hắn để hắn vuốt tóc em như nhà thơ T.T.Kh. đã viết:
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng:"Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
Hà Nội, tháng 7-2008