Lời giới thiệu của người dịch: Karel Capek (09.01.1890 - 25.12.1938) – nhà văn Tiệp Khắc, đã đi vào lịch sử văn học thề kỉ XX như một nghệ sĩ và một nhà tư tưởng lớn. Tác phẩm của ông đụng chạm đến những vấn đề xã hội và triết học nóng bỏng nhất của thời đại. Giữa những người bạn cầm bút nổi tiếng lúc đó như Thomas Mann, Hebert Wells, Romain Rolland.., ông là người ít tuổi hơn cả. Karel Capek vĩnh viễn ra đi năm mới có bốn mươi tám tuổi, để lại nhiều tiếc nuối cho tất cả những người yêu thích văn học đương thời. Bernard Shaw, lúc ấy tám mươi hai tuổi, đã phải thốt lên: “Sao tôi không chết thay ông cho rồi! Một nhà văn có tài như vậy lại ra đi quá sớm, thất đáng tiếc biết bao! … Không chỉ tôi, người bạn gần gũi của ông cảm nhận được sự mất mát này, không chỉ Tiệp Khắc… mà toàn thế giới, cái thế giới mà ông đã tặng cho biết bao niềm vui thông qua những cuốn sách và những vở kịch của mình, đang cảm nhận được sự mất mát này”
Karel Capek có một sức viết phi thường trong rất nhiều thể tài khác nhau, từ chuyện cổ tích cho thiếu nhi, từ các tác phẩm giới thiệu các nền văn học các nước đến truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và lĩnh vực nào ông cũng để lại tiếng nói rất riêng. Ông đã làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ thế giới từ “robot” mà tất cả chúng ta đã quen dùng hiện nay. Ông cũng đã từng dự đoán, trong các tác phẩm của mình, những hậu quả khó lường của những phát minh khoa học trong cái thế giới đầy bất trắc này. Và trên hết, người ta tìm thấy trong tác phẩm của ông lòng nhân ái vô biên và một tiếng kêu tuyệt vọng về thân phận nhỏ bé của con người trong thế giới bị chia xé ra một cách giả tạo trên cơ sở những nhận thức khiên cưỡng và mơ hồ.
Truyện ngắn sau đây được dịch từ tập “Những truyện ngắn rút ra từ một cái túi”.
Kugler, một tên gian ác có tiếng, kẻ đã thực hiện nhiều vụ án mạng, bị cả một đội cảnh sát và thám tử truy lùng, đã có lần tuyên bố rằng họ không thể nào bắt được hắn. Mà họ không bắt được hắn thất, ít nhất là đã không bắt sống đựơc hắn. Hắn đã thực hiện vụ án mạng cuối cùng, vụ thứ chín, khi bắn vào một viên cảnh sát đang định bắt hắn. Mặc dù giết được viên cảnh sát, nhưng chính hắn cũng bị tới bảy viên và ít nhất có ba viên có thể dẫn đến tử vong. Thế là dường như hắn đã thoát được sự trừng phạt của loài người.
Cái chết đến tức thời cho nên Kugler không kịp cảm thấy đau. Khi tâm hồn rời khỏi thể xác hắn bay đi thì đáng lẽ những điều kì lạ của thế giới bên kia, một thế giới xám xịt và trống rỗng đến vô cùng, phải làm cho nó kinh ngạc, nhưng nó đã không hề kinh ngạc một chút nào. Đã từng trải qua cả nhà tù ở Mĩ, hắn chỉ thấy thế giới đó như một nơi chưa quen và chỉ cần dũng cảm lên một chút là có thể lần hồi qua được, cũng như hắn đã từng qua mọi chỗ khác mà thôi.
Nhưng ngày phán xử cuối cùng không thể nào tránh được với Kugler đã tới. Vì ở trên Thiên đình có một trật tự vĩnh hằng không hoàn toàn giống như dưới Hạ giới nên Kugler bị xử tại Thượng viện chứ không phải tại Toà hình sự như hắn nghĩ. Phòng xử án cũng đơn giản như ở dưới Hạ giới, chỉ có điều là không có cây thánh giá cho nhân chứng thề, mà nguyên do tại sao thì độc giả sẽ biết ngay sau đây. Quan toà là ba vị gián quan già trông rất cau có và nghiêm khắc. Các thủ tục hành chính chán ngắt bắt đầu. Kugler Pherdinad, vô nghề nghiệp, sinh ngày.. chết ngày.. Đến đây mới rõ là Kugler không nhớ ngày chết của mình và hắn phát hiện ra rằng “tính ruột để ngoài da” của hắn đã làm cho các quan toà mất cảm tình và hắn phát cáu.
Nhà ngươi có nhận tội không? – ông chủ tịch hỏi.
Không – Kugler bướng bỉnh đáp.
Xin mời nhân chứng – ông chủ tịch thở dài bảo.
Trước mặt Kugler lập tức hiện ra một cụ già phương phi, khoẻ mạnh, trên mình khoác một chiếc chăn màu xanh điểm những ngôi sao bằng vàng. Ngài vừa xuất hiện là các quan toà liền đứng dậy; bị choáng ngợp, Kugler cũng đứng lên mặc dù thâm tâm hắn không muốn thế. Sau khi cụ già đã ngồi vào chỗ của mình các quan toà mới giám yên vị.
- Thưa nhân chứng - vị chủ tịch bắt đầu – thưa Đức Ngọc hoàng thượng đế toàn năng, Thượng viện hôm nay mời ngài tới để trình bày chứng cớ về vụ Kugler Pherdinad. Vì Ngài là Thượng đế tối cao, Ngài chỉ nói sự thật nền Ngài không phải thề. Để cho công việc xử án được tiến hành nhanh chóng đề nghị Ngài chỉ nói những chứng cớ liên quan đến vụ án, không lan man và không đi sâu vào những chi tiết không liên quan đến vụ án. Còn nhà ngươi, Kugler, không được ngắt lời nhân chứng. Ngài biết hết, dấu diếm cũng vô ích. Bây giờ xin mời nhân chứng.
Nói xong, ông chủ tịch tì khủy tay lên bàn và gỡ kính, có lẽ để chuẩn bị nghe bài diễn văn dài của nhân chứng. Vị quan toà già nhất thì xoay xở tìm thế ngồi thuận lợi để đánh một giấc. Thánh-thư kí thì mở cuốn sách cuộc đời ra đọc.
Nhân chứng-Ngọc hoàng thượng đế hắng giọng và bắt đầu:
Tên Kugler Pherdinad! Pherdinad Kugler là con một viên chức, ngay từ khi còn nhỏ hắn đã
là một đứa trẻ hư. Nhà ngươi đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho những người thân của ngươi! Hắn rất yêu mẹ nhưng lại không dám biểu lộ tình cảm của mình vì vậy mà luôn tỏ ra bướng bỉnh và không bao giờ chịu nghe lời. Ngươi có nhớ đã cắn vào tay cha khi ông ấy định đánh nhà ngươi vì tội ăn cắp hoa hồng ở nhà ông chưởng khế không?
Con định tặng hoa cho Irma, con ông thanh tra – Kugler nhớ lại.
Ta biết - Ngọc hoàng thượng đế nói – Năm ấy cô ta mới lên bảy tuổi. Thế nhà ngươi có biết
chuyện cô ta sau này không?
Không, con không biết – Kugler đáp.
Cô ta lấy Oskar, con một doanh nhân. Hắn đã truyền cho cô ta một căn bệnh nhục nhã[1], sau
này cô ta đã chết vì sảy thai. Thế nhà ngươi có nhớ Ruda Dapubov không?
Hiện giờ anh ấy ở đâu?
Hắn làm thuy thủ và đã chết ở Bombay. Nhà ngươi với hắn là hai đứa trẻ hư hỏng nhất thành
phố. Kugler Pherdinand bắt đầu ăn cắp từ năm lên chín tuổi, nói dối như cuội và chỉ chuyên giao du với những kẻ du thủ du thực như lão ăn mày, nghiện rượu tên là Dlabola, hắn từng chia ngọt xẻ bùi với lão già này.
Ông chủ tịch giơ tay làm hiệu rằng điều đó không liên quan đến vụ án, nhưng Kugler đã lúng túng hỏi:
Thế cô con gái ông ta sau này ra sao?
Cô Marka ấy à? - Ngọc hoàng thượng đế hỏi lại – Cô này hư hỏng hoàn toàn. Nó bắt đầu làm
điếm từ năm mười bốn tuổi và chết vào năm hai mươi tuổi. Khi hấp hối cô ta có nhắc đến nhà ngươi. Nhà ngươi dính vào vòng nghiện ngập và bỏ nhà đi bụi ngay từ năm mười bốn tuổi. Cha ngươi đã kiệt sức vì đau khỏ còn mẹ ngươi thì khóc đến mù cả hai mắt. Còn chị ngươi, cô Marmuka xinh đẹp thì ế chồng vì chẳng ai muốn làm xui gia với gia đình một kẻ phạm pháp. Bây giờ cô ấy vẫn còn sống, kiệt sức vì công việc, cô đơn nghèo túng, nhục nhà vì phải sống bằng của bố thí.
Thế bây giờ chị ấy đang làm gì?
Bây giờ cô ấy đang đi ra quán nhà Vchek để mua chỉ và sẽ ngồi khâu cho đến tối mịt. Nhà
ngươi có còn nhớ cái quán ấy không? Có lần nhà ngươi đã mua một hòn bi ve đủ màu sắc ở đấy. Bấy giờ nhà ngươi mới lên sáu. Nhà ngươi đánh mất bị ngay ngày hôm sau. Nhà ngươi đã khóc hết nước mắt vì đau khổ, nhà ngươi có còn nhớ không?
Thế hòn bi ấy lăn đi đâu?
Vào rãnh nước. Nó vẫn nằm ở đó cho đến nay, mặc dù đã ba mươi năm trôi qua rồi. Bây giờ
dưới Hạ giới đang là mùa mưa và hòn bi ấy đang lăn trong dòng nước lạnh chảy xiết.
Kugler cúi đầu vì xúc động. Nhưng ông chủ tịch đã lấy kính ra đeo và nói:
Nhân chứng, chúng ta cần đi vào thực chất. Bị cáo có giết người không?
Nhân chứng-Ngọc hoàng thượng đế gật đầu.
Hắn giết cả thảy chín người. Người thứ nhất là trong một vụ ấu đả. Hắn bị bỏ tù vì vụ này
và hắn đã trở nên hư hỏng hoàn toàn ngay ở trong tù. Nạn nhân thứ hai là cô tình nhân đã phản bội hắn. Hắn đã bị kết án tử hình, nhưng bỏ trốn. Người thứ ba là một cụ già bị hắn cướp. Người thứ tư là một bảo vệ ban đêm.
Ông ta đã chết ư? – Kugler kêu lên.
Chết sau đó ba ngày - Ngọc hoàng nói – Vô cùng đau đớn và để lại sáu đứa con thơ. Sau
đó là một cặp vợ chồng già: hắn đã dùng búa đập chết họ, nhưng chỉ tìm thấy 16 Kron[2], mặc dù họ dấu trong nhà trên hai mươi ngàn.
Kugler nhảy dựng lên:
Dấu ở đâu?
Trong tấm nệm - Ngọc hoàng nói – Trong một cái túi vải gai bên dưới lớp rơm. Hai kẻ keo
kiệt đó đã dấu món tiền kiếm được nhờ cho vay năng lãi ở đấy. Người thứ bảy hắn giết là ở Mĩ. Đấy là một người nhập cư, đồng hương của hắn, yếu đuối như một đứa trẻ.
Thế ra tiền nằm trong tấm nệm – Kugler thì thầm.
Phải - Ngọc hoàng thượng đế tiếp tục - Người thứ tám là một kẻ qua đường, ông ta vô tình đi
ngang, khi nhà ngươi đang bị săn lùng. Lúc ấy nhà ngươi đang bị viêm xương cốt mạc, nhà ngươi đang bị điên lên vì đau. Nhà ngươi đã phải chịu biết bao nhiêu là đau khổ, thật đáng thương hại! Người cuối cùng là một cảnh sát, nhà người đã giết người ta ngay trước khi chết.
Tại sao bị cáo lại giết người – ông chủ tịch hỏi.
Thì cũng như tất cả những người khác - Ngọc hoàng thượng đế nói – Vì tức giận, vì tham
lam, có chủ đích và không có chủ đích, đôi khi lấy làm thích thú, cũng có khi do hoàn cảnh bắt buộc. Hắn rất rộng rãi, thường giúp đỡ mọi người. Dịu dàng với phụ nữ và biết giữ chữ tín. Có cần kể thêm những đức tính tốt của hắn không?
Xin cám ơn - Chủ tịch nói – Không cần. Bị cáo có cần biện hộ không?
Không – Kugler dửng dưng đáp, đối với hắn lúc này mọi chuyện đã chẳng cón ý nghĩa gì nữa
Toà ra để nghị án - Chủ tịch tuyên bố và cả bốn người cùng đi ra. Trong phòng xử án chỉ còn
lại Ngọc hoàng thượng đế và Kugler.
Họ là ai thế? – Kugler hỏi, đầu hướng về phía những người vừa đi ra.
Người, cũng như nhà ngươi thôi - Ngọc hoàng bảo - Họ đã làm quan toà ở dưới trần gian và
bây giờ họ xử ở đây.
Kugler cắn móng tay.
Tôi nghĩ… Tôi không sợ, nhưng tôi hi vọng rằng chính ngài sẻ xử bởi vì… bởi vì…
Bời vì ta là Thượng đế - Cụ già kết luận – Chính vì vậy mà ta không thể xử, nhà ngươi có
hiểu không? Ta biết hết, vì vậy mà ta không thể xử được! Này Kugler, nhà ngươi có biết ai đã báo cho cảnh sát không?
Không biết ạ - Kugler ngạc nhiên đáp.
Luska, cái cô gái người Kiol ấy đã báo vì ghen đấy.
Xin lỗi – Kugler mạnh dạn nói – Ngài đã quên không khai là tôi đã băn hạ tên khốn nạn Teddi
ở Chicago nữa.
Đâu có bắn hạ - Ngọc hoàng đáp - Hắn thoát và hiện vẫn còn sống. Ta biết hắn là một tên chỉ
điểm, nhưng trong những chuyện khác thì anh bạn ạ, hắn là người hào phóng và rất quí trẻ con. Nhà ngươi chớ có nghĩ rằng dưới Hạ giới có đến một kẻ hư hỏng hoàn toàn.
Thế thì tại sao Ngài… Tại sao Ngọc hoàng lại không tự đứng ra xử án? – Kugler trầm ngâm
hỏi.
Vì rằng ta biết hết. Nếu các quan toà biết hết, biết tất cả thì họ cũng không thể nào xử được.
Lúc ấy họ sẽ bị đau tim mất. Ta có thể xử nhà người được không? Quan toà chỉ biết những tội ác của nhà ngươi, còn ta thì biết tất cả mọi chuyện của ngươi. Tất cả, Kugler ạ! Đấy, chính vì vậy mà ta không thể xử ngươi được.
Thế tại sao … những người ấy … lại có quyền xử án ngay cả trên Thiên đình nữa?
Vì rằng con người cần đến con người. Ta, như nhà ngươi đã thấy, chỉ là nhân chứng thôi, còn
xử phạt, nhà ngươi có hiểu không, phải là chính con người xử phạt nhau… Ngay cả ở trên Thiên đình này nữa. Hãy tin ta, Kugler, thế mới đúng. Loài người không xứng đáng với công lí nào khác hơn công lí của loài người.
Các quan toà đã bước vào, ông Chủ tịch thượng viện lên tiếng:
Vì tội chín lần giết người không có chủ đích trước, vì tội cướp của, vì tội bỏ trốn khỏi nơi lưu
đầy, vì tội mang vũ khí trái phép và ăn cắp hoa hồng, tên Kugler Pherdinand bị kết án tù chung thân dưới Âm phủ. Bản án có hiệu lực thi hành ngay lập tức
Vụ tiếp theo. Bị cáo Sakhat Prentisek có đây không?
Phạm Nguyên Trường dịch từ bản tiếng Nga
tại địa chỉ: http://www.capek.ru/id-sb-book-3425/