Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.199
123.151.480
 
Tinh Thần 4 Tốt và Yêu Sách của Thiên Triều
Đinh Kim Phúc

Tân Hoa xã ngày 11/5/2009 đưa tin, tại Bắc Kinh, đồng chí Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm Trưởng đoàn. Phó chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá tích cực quan hệ giữa hai Đảng và hai nước Trung Quốc-Việt Nam. Đồng chí nói, những năm qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Sang năm là kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam, cũng là Năm hữu nghị Trung-Việt, Trung Quốc sẵn sàng nhân dịp này cùng với Việt Nam không ngừng làm phong phú và sâu sắc nội hàm của quan hệ hai nước, tăng cường sự tin cậy về chiến lược, sâu sắc sự hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy cùng phát triển, đưa quan hệ hữu nghị Trung-Việt lên tầm cao mới…

 

Thay mặt Đoàn, đồng chí Hà Thị Khiết đánh giá cao những thành tựu vĩ đại thu được trong sự nghiệp cải cách mở cửa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng chí nói, giữ gìn và phát triển tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung là niềm tin kiên định của Đảng và nhân dân Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng thông qua không ngừng sâu sắc sự hợp tác hữu nghị trong các lĩnh vực, học tập và ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và sự nghiệp tiến bộ của nhân loại không ngừng phát triển lên phía trước.

Nhưng theo hãng tin Reuters, trong thông cáo đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (www.mfa.gov.cn ) tối 11/5/2009, người phát ngôn Mã Triều Húc cho biết Chính phủ Trung Quốc đã trình công hàm lên LHQ khẳng định Trung Quốc sẽ không tha thứ cho những nước khác đòi chủ quyền đối với các đảo trên, vốn nằm gần những tuyến đường hàng hải trọng yếu và được cho là giàu tài nguyên dầu khí.Thông cáo có đoạn viết: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi, các quyền chủ quyền và pháp lý đối với các hòn đảo trên biển Hoa Nam này cũng như vùng biển lân cận. Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích biển của mình dựa trên quan điểm nhất quán của Trung Quốc”.

Đặc biệt, Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong vùng biển (gọi là của Trung Quốc) từ vĩ tuyến 12 độ Bắc đến vùng giới hạn vùng biển giao nhau giữa 2 tỉnh Quảng Đông - Phúc Kiến và vùng biển phía Đông đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ. Thời gian bắt đầu từ 12 giờ, ngày 16- 5 đến 12 giờ ngày 1- 8- 2009. Nếu tàu cá nào kể cả tàu cá Trung Quốc vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Ngày 16/5/2009, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói:

“Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực”.

Bên cạnh đó,  báo chí Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đưa ra các “bằng chứng” về chủ quyền của họ trên biển Đông như: Thời Tần (từ năm 221 trước công nguyên đến năm 207 trước công nguyên), đã thành lập Quận Nam Hải quản lý nhiều đảo tại biển Hoa Nam trong đó bao gồm cả quần đảo Tây Sa; thời Hán (từ năm 206 trước công nguyên đến năm 220 sau công nguyên), từng cử các chuyên gia biển tới tuần tra khu vực Tây Sa; Thời Lưu Tống (từ năm 420 – 479 sau công nguyên) đã đưa quần đảo Tây Sa vào phạm vi tuần biển của Thủy quân Quảng Nam; Thời Nguyên (1271 – 1368), Quách Thủ Kính từng tiến ra biển Hoa Nam đo đạc và trong bản đồ “Quảng Hưng” vẽ ra sau đó đã đánh dấu quần đảo Tây Sa và gọi là khu vực “Thiên Lý Trường Sa”; Thời Minh (1368 – 1644), khi Trịnh Hoà đến Đại Tây Dương đều nghỉ ngơi tại Tây Sa…

Như chúng ta đã biết, nhiều lần các tác giả Trung Hoa đã khẳng định rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo tranh chấp từ đời nhà Hán. Tuy nhiên, có tác giả Trung Hoa lại xác định là những tài liệu sớm nhất ghi chép sinh hoạt của người Trung Hoa trên những đảo này, thuộc đời nhà Tống (thế kỷ XIII).

Trung Quốc đã viện dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang biển Đông mà thôi. Ngoài ra, các đoạn được viện dẫn trước thế kỷ XIII cũng không nói đến đảo nào, mà chỉ nói đến biển Nam Hải. Những đoạn sách viết từ thế kỷ XIII mới bắt đầu nêu tên đảo, nhưng không có đoạn nào nói tới Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này.

Phía Trung Quốc cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh rằng mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên. Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ cho thấy những thuyền bè của Trung Quốc thời đó đã lui tới biển Đông, và trong lộ trình, họ tình cờ thấy những đảo mang nhiều tên khác nhau, nhưng không có đảo nào tên là Xisha hay Nansha. Nếu đặt giả thuyết là Trung Quốc đã khám phá ra những đảo này, thì Trung Quốc đã không hành xử chủ quyền trên đó. Sự hiện diện của những người đánh cá không đủ để gọi rằng đó là hành xử chủ quyền của nhà nước. Do đó, những luận cứ và luận chứng chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc khẳng định mình có là rất yếu. Phần lớn các tác giả luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này.

 

Không biết Trung Quốc còn đưa ra bằng chứng mới nào nữa hay không trước dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung –Việt.

Vậy là đã rõ, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trên tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đã được phát huy cao độ trong những ngày tháng 5 này, một nổi buồn mang tên Việt Nam./.

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3527
Ngày đăng: 16.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Láng Giềng Hữu Nghị hay Bá Quyền Nước Lớn - Đinh Kim Phúc
Ranh giới lưỡi bò . - Đinh Kim Phúc
Đường Ranh Giới Lưỡi Bò của Trung Quốc ở Biển Đông là Bất Hợp Pháp - Đinh Kim Phúc
Một giải pháp cho vấn đề Biển Đông - Đinh Kim Phúc
Trung Quốc-Asean và vấn đề biển đông - Đinh Kim Phúc
Có thể chọn ngày 1-5-1895 làm mốc thời gian đầu tiên thành lập Thành phố Vũng Tàu? - Đinh Văn Hạnh
Trung Quốc muốn gì ? - Đinh Kim Phúc
Những Người Lãnh Đạo Phong Trào Duy Tân Ở Quảng Ngãi - Lê Ngọc Trác
Chủ quyền của Trung Quốc trên biển đông-những điệp khúc cũ - Đinh Kim Phúc
Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của nhà nước Trung Quốc về vấn đề hai quần đảo Hoàng sa-Trường sa của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)