Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
797
123.240.063
 
Mù tăm
Trần Đức Tiến

Tặng Ch., để biết chặng đường từ T đến S.

 

Ông Cầm xếp xong bộ quần áo cuối cùng vào túi xách thì gã xuất hiện:

- Đi thật à?

Gã hỏi, nửa ngần ngại nửa chia sẻ.

 

Ông Cầm cúi xuống, kéo xoẹt cái fermeture rồi nhanh chóng khoác túi lên vai. Ông biết phút ấy ông không lờ gã đi là ông thua, là không bao giờ có thể bước chân ra khỏi cửa. Ngoài sân, bà vợ ông đang hứng nước tưới cây. Bà chỉ nhìn lướt ông một cái rồi cúi xuống chăm chú vào mấy chậu cây cảnh héo rũ. Ông Cầm gọi xe ôm, bảo chở thẳng ra bến tàu cánh ngầm.

Tàu cánh ngầm phi lên thành phố.

Tới thành phố, lại xe ôm đèo ra sân bay.

May quá! Vẫn còn kịp đặt vé đi chuyến gần nhất.

 

Còn hơn tiếng đồng hồ nữa máy bay cất cánh. Khách ngồi trong phòng chờ ở cửa số 3 - cửa đi đảo Q - ngoài ông Cầm, mới có độc một bà già. Bà lão ôm khư khư bọc hành lý trong lòng. Khi ông Cầm bước đến, còn cách bà những 5 chiếc ghế, đôi mắt bà đã lắc quắc bắn ra những tia sáng cảnh báo: “Này này ông kia, chớ có vượt qua giới hạn ấy nhé”!

Ông Cầm tảng lờ hạ cái túi trên vai xuống, ngồi ngả lưng, mắt lim dim.

 

Gã đàn ông lại chập chờn hiện ra với vẻ miễn cưỡng:

- Ở đâu cũng thế thôi ông ơi. Hay ông biết ở ngoài ấy có gì lạ lắm?

Ông Cầm nín thinh. Không, ông cũng chẳng biết gì. Sáng ngủ dậy chui vào toilet làm vệ sinh. Lúc lên nhà ngồi thừ ra ghế, đưa mắt nhìn một lượt khắp căn phòng quen thuộc. Cái bàn, cái ghế, cái máy tính, cái giường xếp để ngả lưng, bộ ấm chén pha trà, cuốn sách đọc dở cả tháng vẫn chưa xong… Tự nhiên thấy rời rã cả người. Tự nhiên muốn bỏ mặc tất cả. Tự nhiên muốn đi. Đến một nơi nào thật xa thật khác. Vì lý do gì ông chẳng hiểu. Bao nhiêu năm nay, bao giờ ông cũng có lý do chính đáng để cắt nghĩa cho những hành động của mình. Nhưng lần này thì chịu. Cái ý muốn đó đã manh nha trong ông từ lâu, sáng nay nó quặn lên như một cơn đau bụng đói. Đúng lúc ấy, tên hòn đảo bất ngờ vang lên, lặp đi lặp lại trong đầu…

“Vì lý do kỹ thuật nên chuyến bay từ S đi đảo Q…”. Loa phóng thanh trong phòng chờ thản nhiên đọc hai lần cái thông báo bằng một giọng nữ bị cúm nặng.

 

Gã đàn ông nhìn ông Cầm cười cười:

- Hoãn bay! Ông thấy chưa? Mọi thứ chưa sẵn sàng ủng hộ ông...

Gã mở miệng định nói tiếp câu gì, có vẻ đưa ra một lời khuyên, thì ông Cầm đã vụt đứng dậy:

- Không!

Bà già ôm bọc liếc nhìn sang. Cái ông khách đáng ngờ cách 5 chiếc ghế kia hình như đang hục hặc cãi nhau với ma.

 

Ông Cầm bước nhanh đến quầy bưu điện. Ông nhặt lên… Một, hai, ba… năm. Năm tờ báo khác nhau. Đủ cho hai tiếng rưỡi ngồi chờ thêm, nếu như nội dung cái thông báo vừa rồi không có gì thay đổi. Cô nhân viên bưu điện khẽ nhắc: “Báo ra hôm qua đấy bác ạ”. Hơi ngẩn người, nhưng ông Cầm vẫn móc túi lấy tiền trả. Ông mang tập báo về chỗ ngồi, thong thả mở bao lấy kính ngoắc lên mắt.

Gã đàn ông nọ lại miễn cưỡng khuất sau những trang báo.

 

Giá vàng thế giới sốt cao. Phe áo xám thủ đô K. biểu tình ăn vạ ở sân bay quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh các nước G7. Nông dân đồng loạt khởi kiện nhà máy V. xả nước thải làm ô nhiễm môi trường. Hơn 300 hành khách trên chuyến bay thoát chết trong gang tấc. Người đẹp cứa cổ tình nhân trên xe hơi. Con cá voi ngót 30 tấn chết giạt vào bờ. Hành trình mờ ám của một dự án nghìn tỷ. Chất lượng truyền hình cáp xuống cấp. Ăn gì có lợi cho bệnh liệt dương. Ngày hội Thơ năm nay có những câu thơ chép sai thả lên trời…

 

Rõ thật!... Sai lầm dưới đất còn có thể sửa chữa. Sai lầm thả lên trời thì vô phương. Những câu thơ rởm sẽ vĩnh viễn đi vào cõi bất tử.

“T., 40 tuổi, ở thị trấn X., một buổi chiều cầm chiếc kính hỏng của mình đi bộ từ nhà đến tiệm chữa kính ở đầu phố. Mười bảy năm sau chưa thấy quay về”...

 

Ông Cầm bỏ tờ báo, lặng người đi mấy giây. Quả biến mất này ấn tượng hơn quả thả thơ sai. Cùng một lúc ông nhận ra hai điều. Một (hơi chua xót): những gì chạm được vào nơi sâu kín bí ẩn nhất trong con người ông thì dường như không ai thèm để ý. Chẳng hạn như cái tin tìm người lạc vừa rồi. Một con người lạ lùng. Một số phận bi tráng. Ông nghĩ thế. Một gợi ý cho cả cuốn tiểu thuyết bảy trăm trang chứ ít à? Thế mà nó bị ép vào trong khoảng không gian chật chội vừa bằng một bao diêm, nằm ở góc trang báo, chữ nhỏ như con kiến. Hai (dịu dàng khôn tả): sự giao cảm đặc biệt bất ngờ tràn ngập tâm hồn ông. Ông chưa từng nghe nói đến thị trấn X. Và đương nhiên chưa bao giờ được hân hạnh làm quen T. Nhưng ông hiểu gã, ông hiểu gã… Chỉ mấy bước chân với một cái kính hỏng (tuột tròng hay gãy gọng nhỉ?), T. đã thản nhiên ra khỏi thế giới này.

Không cần một lý do chính đáng nào.

Không cần!

Tuyệt.

 

Vợ con hắn sẽ tha hồ mà ngơ ngác. Còn hàng xóm thì tha hồ đoán già đoán non. Những cái đầu bình thường ấy, ông Cầm biết tỏng, rốt cuộc chỉ quanh quẩn với ý nghĩ: phải có một lý do nào đó chứ? Mà cái lý do này chắc chắn ghê gớm lắm. Mới có thể khiến hắn bỏ nhà ra đi như vậy. Quá khứ của hắn sẽ bị lục tung lên. Mọi ngóc ngách riêng tư của hắn được soi chiếu kỹ càng như phim quay chậm. Trí tưởng tượng nghèo nàn đắp điếm cho những chỗ phim nhòe mờ. Và đương nhiên, sau mọi nỗ lực, đám đông sẽ khoan khoái xoa tay nhìn nhau nhất trí: hắn bị thần kinh!

“Một lần tôi thấy T. đi ngoài đường mà quên không cài cúc quần”.

“Ông ấy gặp tớ, chào, nhưng mắt nhìn đi đâu, cứ như có ai đang đứng ở đằng sau tớ, sợ lắm”.

“T. kể tôi nghe một chuyện. Mấy ngày sau gặp, ông ấy lại hào hứng kể đúng chuyện ấy, không sai một chữ. Đến lần thứ ba”…

 

Đấy, đại khái thế. Dở người. Cám hấp. Thần kinh. Hợp lý vô cùng. Lắp vào nhau vừa khin khít. Không có thì không thể hiểu được. Chuyện gì cũng vậy.

 

Gần suốt cuộc đời, ông Cầm đã sống cuộc sống của một người bao giờ cũng bằng lòng với những bộ cánh may sẵn. Ông đi học, đi làm, lấy vợ, sinh con. Ở cơ quan chưa từng giữ chức vụ quan trọng nào, nhưng luôn luôn là viên chức gương mẫu. Đúng giờ có mặt. Sếp giao việc gì cũng không chối từ. Xong việc, giở báo, giở tài liệu ra miệt mài nghiên cứu, học tập. Ai ốm đau bệnh tật tai nạn gì cũng nhớ thăm hỏi ân cần. Đám ma nào cũng thành kính có mặt. Đám cưới nào cũng hớn hở xuất hiện. Mỗi năm một lần diện bộ quần áo mới, đầu tóc tươm tất đến họp hội đồng hương. Ở nhà hoà thuận với vợ con. Hàng xóm láng giềng không ai phàn nàn. Ngày lễ ngày tết nhớ treo cờ đầu tiên, chẳng đợi khu phố phải nhắc. Mọi khoản đóng góp nghĩa vụ với địa phương răm rắp thực hiện… Cho đến lúc ông ngoài 50 tuổi, cái trật tự dễ chịu ấy - cái trật tự tưởng như đã ru ông vào giấc ngủ vĩnh viễn êm đềm ngay từ khi ông chào đời - bỗng nhiên bị trục trặc tí chút. Sự cố xảy ra vào những lúc chính ông cũng chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao.

 

Đột nhiên muốn về hưu trước tuổi. Đột nhiên muốn đập cái nhà đang ở đi xây nhà mới. Đột nhiên thèm uống rượu. Đột nhiên nửa đêm vùng dậy nghe có người vừa gọi tên mình. Đột nhiên mê internet, chìm đắm vào thế giới ảo, ngồi chat cả buổi chiều không biết chán với một cô nàng có cái nick là matthuytinh… Và bây giờ thì đến lượt đảo Q. - cái chấm xanh nhỏ xíu xa vời trên bản đồ, cái thẻo đất mơ hồ dập dềnh giữa mênh mông trời nước, chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đặt chân tới.

- Sắp đến đấy ông ạ.

 

Ông Cầm mở choàng mắt. Bà già ngồi cạnh đã trở nên thân thiện. Biết làm thế nào - không gian trên máy bay bị ép lại, khoảng cách 5 chiếc ghế ở phòng chờ biến mất.

- Bà ra đảo thăm ai?

 

Ông Cầm hỏi, trong bụng lấy làm lạ vì bà già nói giọng Bắc.

- Con gái tôi lấy chồng ngoài này. Năm nào tôi chả ra thăm cháu - Bà già thấy ông khách bắt chuyện thì dấn thêm - Vợ chồng nó mở cái quán thịt chó. Phát tài phết ông ạ. Nghe bảo cái giống chó ngoài này khôn, thịt cũng ngon hơn thịt chó trong bờ.

Bà vỗ vỗ vào cái túi vẫn ôm khư khư trong lòng từ lúc lên máy bay:

- Còn đây là túi củ riềng. Riềng, mẻ, mắm tôm, ba thứ đầu vị thịt chó, không thể thiếu được. Tôi phải mang giống ở quê tôi ra cho chúng nó trồng.

 

Ra thế. Ông Cầm suýt phì cười nhớ lại lúc ngồi trong phòng chờ. Túi củ riềng qúy hoá thật. Cái hòn đảo này đâu đến nỗi quá tách biệt với đất liền? Người ở xa hàng nghìn cây số cũng đã tới đây làm ăn sinh sống, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, đi lại thăm nom nhau. Ngay cả món thịt cầy khoái khẩu cũng đã đổ bộ lên đảo. Chó đảo Q khôn có tiếng. Bơi giỏi như rái cá. Đào hang không kém kỳ đà. Tinh khôn bằng mấy Béc-giê. Nuôi trong nhà chẳng khác gì có đệ tử ruột bên cạnh. Nhưng bây giờ thì đệ tử cũng thịt…

 

Gã đàn ông từ trong góc tối hoan hỉ thò mặt ra:

- Tôi đã bảo mà. Có khác gì trong đất liền?

Ông Cầm yên lặng, hướng cái nhìn đi chỗ khác.

 

Qua cửa sổ máy bay, đảo Q dần hiện nguyên hình. Một vệt xanh dài. Rừng cây, núi đá tầng tầng lớp lớp, trập trùng gối lên nhau.

Chưa nhìn thấy nhà cửa, đường sá.

- Khỏi phải lo! Dưới ấy còn có cả một thị trấn sầm uất nữa cơ. Khách sạn, nhà hàng, bãi tắm, mat xa, karaôkê… Nghỉ ngơi, ăn nhậu, em út. Tuốt tuồn tuột! Thích gì cũng chiều - Gã đàn ông nhìn ông Cầm với ánh mắt châm biếm - Nhưng nếu chỉ có thế mà phải cất công đến tận đây thì hơi uổng!

Gã nói đúng. Khi máy bay hạ cánh, bước ra cửa nhà ga, ngay lập tức ông Cầm đã bị những bác tài taxi, xe ôm nhao nhao xúm vào mời mọc chèo kéo. Chẳng khác một cái bến xe bến tàu nhộn nhạo bất kỳ nào trong đất liền. Ông Cầm chọn taxi. Xe đưa ông qua mấy con phố cửa hàng cửa hiệu đông đúc túi bụi. Mùi chợ búa. Mùi nước mắm. Mùi cá khô… Cuối cùng, dừng lại trước sân cái nhà nghỉ được “tiếp thị” là rất tiện lợi, giá phòng phải chăng.

 

Ngày thứ nhất ở nhà nghỉ.

Tắt điện thoại di động. Ăn sáng. Cà phê. Nằm dài trong phòng. Ăn trưa. Nằm dài. Lơ mơ ngủ. Ăn tối. Xem ti vi. Ngủ.

Ngày thứ hai ở nhà nghỉ.

Y như ngày thứ nhất.

Ngày thứ ba.

Gần lặp lại ngày thứ hai. Nhưng có vẻ dài hơn. Ăn tối xong bật điện thoại di động. Có tin nhắn. “Bác đi đâu mấy ngày không thấy đến cơ quan”? À, của một thằng làm cùng phòng. “Mấy ngày ăn thua gì. Ông bỏ cơ quan đi cả tháng thì cũng chẳng có thằng tây nào chết”.

 

Gã đàn ông hiện ra cười nhăn nhở:

- Bắt quả tang ông nhé!

Ông Cầm cũng gượng cười, nhét điện thoại xuống dưới gối:

- Tưởng cậu biến đâu rồi?

- Còn tôi thì tưởng ông quay lưng với thế giới này thật! He he - Gã đàn ông cười như bọn 8X - Đóng cửa phòng. Tắt điện thoại… Dẫu sao cũng xin chúc mừng ông. Công nhận lần này ông thắng. Ít nhất ông cũng đã đặt chân lên đảo.

- Thì ít nhất cũng phải để cậu thấy cậu không nên coi thường tôi, dắt mũi tôi như dắt một con lừa.

- Ấy chết, sao ông lại nói thế? - Gã đàn ông đấu dịu - Tôi chỉ là… Chừng nào tôi chưa bị ông tống khứ, nói thẳng toẹt ra là chưa bị ông tiêu diệt, làm sao tôi có thể ngậm miệng?

Ông Cầm ngồi im. Đúng quá còn gì? Bình thường gã ẩn kỹ ở một xó nào đó trong con người ông mà ông chả để ý. Chỉ những lúc ông gặp trục trặc thì gã mới xuất hiện. Những lúc ấy gã lại giống như kẻ đồng hành khó chịu mà ông không làm sao loại bỏ.

- Nhưng cậu nên nhớ là không phải ai cũng như tớ.

- Tôi biết ông định nói ai rồi. T ở thị trấn X chứ gì? Này, thế giả dụ T không chết, không mất hút con mẹ hàng lươn, một ngày đẹp giời nào đó hắn lại lù lù dẫn xác về… thì… thì… Sẽ như thế nào nhỉ?

- Thì cuốn tiểu thuyết bảy trăm trang ấy không đáng ba xu!

Ông Cầm phản ứng tức thì. Gã đàn ông cũng nhìn xoáy vào ông:

- Chí lý! Nhưng khốn nỗi nhiều khi đấy mới chính là cuộc đời thật. Không đáng ba xu! Còn tiểu thuyết là thứ đã được nhà văn tô vẽ, mông má lại rồi.

Ngày thứ tư.

Sáng nằm ườn, không muốn dậy. Buổi trưa mới ra khỏi phòng đi ăn trưa. Cô lễ tân nhìn thấy, cười đon đả:

- Chú không đi đâu chơi nhỉ?

- Cảm ơn cô. Tôi chưa biết đi đâu…

- Trời! Chú ra đây mấy lần rồi?

- Tôi ra lần đầu.

- Thế thì có nhiều chỗ chú phải đi chứ…

Cô hồ hởi kể ra một loạt. Cảng biển, suối nước nóng, đền thờ Cô, bến Cá, bãi đá cổ… Vừa kể vừa nhìn ông khách đứng tuổi thui thủi đi du lịch một mình, vẻ thương hại.

Nhưng ông Cầm không mảy may hứng thú. Bến bãi, đền chùa, sông suối… Nơi nào chả ang áng như nơi nào.

- Có chỗ nào xa xa lạ lạ không cô?

- Có xóm Mù Tăm. Chú đi không?

- Xóm gì? Mù Tăm à? Tên hay nhỉ?

- Vâng. Nó là nơi tận cùng của đảo.

- Cái xóm ấy… nó như thế nào?

- Ôi, hi hi… Cháu không biết. Cháu cũng chưa tới…

“Ừ, chả sao - Ông Cầm nghĩ nhanh - Đến ngay con hẻm ở đầu phố nhà mình, mình còn chưa đặt chân đến lần nào. Có lần người ta hỏi thăm mà mình cứ ớ ra”.

- Xa đấy. Chú lấy xe máy đi nhé? Ở đây chúng cháu có xe cho thuê. Có cả mũ bảo hiểm.

 

Ăn trưa xong, ông Cầm về phòng nằm chợp mắt độ nửa giờ rồi dậy, thuê xe đi luôn. Nghe nói đường khó đi, có khi phải gần tối mới tới.

 

Đường khó đi thật. Ra khỏi thị trấn là hết đường nhựa, đoạn nối tiếp lổn nhổn đất đá chạy thẳng vào rừng. Chỗ khô ráo bụi tung mù mịt. Chỗ nước đọng  bùn đất dẻo quẹo giữ chặt bánh xe. Nhà cửa lèo tèo hai bên đường. Thỉnh thoảng gặp một người mặt mũi trùm khăn kín mít phóng xe như ma đuổi theo chiều ngược lại. Đi chừng năm cây số, đường càng lúc càng xấu, ông Cầm bắt đầu cảm thấy ân hận. Biết thế ở quách nhà cho khỏe.

 

Gã đàn ông hiện ra. Khác với mọi lần, lần này gã lại tìm cách động viên ông: “Đi tiếp đi ông. Đằng nào mình cũng lên ngựa rồi. Biết đâu ở cái xóm mù mịt gì ấy có những cái đáng giá thật”?

 

Một lúc sau gã tỏ vẻ ái ngại: “Khổ thân ông. Giá tôi chạy được xe thì tôi đã cầm lái thay cho ông”.

Một lúc khác: “Cánh rừng đẹp đấy chứ? Có lẽ ở hòn đảo khỉ ho cò gáy này mới giữ được. Trong đất liền chúng nó úm ba la một phát là thành sa mạc từ lâu rồi”.

 

Có lúc gã bất bình: “Ông buồn cười nhỉ? Thích đổi gió mà lại sợ vất vả, sợ chỗ hoang vắng. Ai cũng như ông thì cứ lên máy bay, bay đến các thành phố lớn mà hít khói xăng với hơi người”!

 

Có lúc hoài nghi, giễu cợt: “Này, hỏi thật nhé! Bố mày ra đảo lần này là để chạy trốn nỗi cô đơn hả? Nếu thế thì sai rồi, sai toét. Có chạy lên giời cũng chả thoát. Với cái món cô đơn khó nuốt ấy chỉ có mỗi một cách là ngồi xuống, tự mình xơi nó, gặm sạch từng tí một, và tiêu hoá cho bằng hết”.

 

Nghỉ một tí gã lại tiếp, như nói cho mình mình nghe: “Công nhận cái thằng cha T ở thị trấn X cao thủ. Thiên hạ cứ đinh ninh nó bức xúc quá, không chịu được nữa nên bỏ đi. Biết đâu lúc nó mang chiếc kính hỏng rời khỏi nhà là lúc nó đã chén đẫy và tiêu hoá xong một bụng tướng cô đơn rồi. Nó thừa nhẹ nhàng thanh thản để lặn một hơi mười bảy năm”…

 

Ông Cầm giật mình. Ông đã đủ nhẹ nhàng và thanh thản như T chưa? Và cái gã đàn ông quái qủy này nữa. Gã tách ra khỏi ông, trở thành một kẻ gần như độc lập và thích kiếm chuyện với ông từ bao giờ?

Chiếc xe máy thoát khỏi khu rừng thì mặt trời vừa lặn. Hai mông ông Cầm tê dại. Cái bả vai trái mỏi rã rời. Chưa thấy làng xóm đâu. Trước mặt, phía giáp biển, chỉ có một mái nhà lợp lá đơn độc.

 

Ông Cầm cho xe từ từ rẽ xuống trước ngôi nhà. Một người đàn bà phốp pháp, trắng như một củ khoai sống từ bên trong lúc lắc đi ra. Ả nhìn ông, cười rất tươi như gặp người quen:

- Chào ông anh.

- Chào chị. Chị làm ơn cho hỏi xóm Mù Tăm…

- Mù Tăm đây! Đây là Mù Tăm.

Ông Cầm ớ ra. Ả béo đọc được câu hỏi trong đầu ông khách, vội giơ cánh tay nần nẫn chỉ về phía cuối đường:

- Qua chỗ khuất kia mới có nhiều nhà. Nhưng xóm được tính từ chỗ này.

- Chị ở đây một mình à?

Ả béo tươi cười hướng ra biển:

- Em nuôi trai ngọc, phải ở đây để trông coi.

- À…

Khu nuôi thả loài thuỷ sinh cho sản phẩm quý hiếm chỉ là một cái chòi nhỏ bên bờ cát, một khoảng biển rộng gần bờ được quây kín bằng những tấm đăng. Những con trai ngậm ngọc chắc vùi mình đâu đó dưới đáy nước. Ông Cầm tưởng tượng ra thế, chứ làm gì có tí kiến thức nào về cái nghề ngỗng này.

- Cảm ơn chị.

 

Ả béo lúc lắc theo ông mấy bước rồi dặn với:

- Ông anh vào xóm, không còn nhà nghỉ thì cứ quay ra đây nhé!

Lời mời hơi lạ. Nhưng ông Cầm đã cho xe chạy đi.

Con đường cố gồng mình lên lần cuối, trước khi đột ngột đâm nhào xuống biển rồi mất hút luôn dưới đó. Ông Cầm vội vàng phanh xe lại. Hai dãy nhà lụp sụp hai bên. Những gương mặt ngơ ngác nhìn khách lạ. Không có điện. Điện thoại di động cũng mất sóng. Ông Cầm đi tìm một quán ăn. Không thấy quán ăn. Đi tìm chỗ trọ. Chỉ có mấy cái phòng trọ bình dân tối om om như trại nuôi muỗi. Một người đàn ông đang ngồi tựa cửa giơ tay vẫy vẫy.

 

Ông Cầm dừng xe lại. Người kia khum bàn tay lên vành tai nghe ông nói. Đoạn cười nhe cả hai hàm răng rụng sạch, chỉ bộ ván kê trước hiên nhà:

- Ở đây đi, ở cho vui, không lấy tiền. Nhà có mình tui à. Chưa ăn gì thì mời ăn luôn.

 

Nói xong quay vào nhà bê ra nồi cơm và mấy con khô nướng. Chả hiểu cơm mới nấu hay cơm nguội.

Ông Cần nhìn bộ ván ọp ẹp bụi bặm, nhìn mấy con cá khô chỏng trơ bên nồi cơm mở vung, nhìn nụ cười không răng ngây ngây của người chủ nhà. Trời sập tối. Bụng ngót. Một con tính hiện rất nhanh trong đầu. Mình đi từ thị trấn đến đây mất hơn bốn tiếng. Quay về luôn, có thể 11 giờ đêm mới tới. Chưa biết ban đêm trong rừng có chuyện gì… Ông vội cảm ơn người kia rồi vòng xe lại. Lời mời của ả nuôi trai ngọc bỗng trở nên lấp lánh, hấp dẫn lạ thường.

 

Ả như đoán trước mọi chuyện, đang lúc lắc chờ ông trước sân nhà. Ả chỉ cho ông chỗ để xe. Bảo ông xuống biển tắm cái cho mát. Nước ngọt nhà chứa sẵn. Chỗ ngủ thiếu gì. Ông nằm trong nhà, ả ra cái chòi ngoài bãi cát. Hoặc nếu ông thích thì ông ra chòi, ả trong nhà. Mùng mền sẵn. Ban đêm ở biển gió mát như đàn. Tiền nong giấy tờ ông cứ mang theo người. Mà dặn phòng xa thế thôi, chứ trộm cắp ở cái xứ ba bề bốn bên là biển thế này làm gì đường thoát… “Nào, xong chưa anh? Xong thì mời anh ăn tối với em”.

Món cháo trai.

 

Ả béo cười rũ khi ông Cầm ngớ ngẩn tưởng ả làm thịt lũ trai ngọc đãi ông. “Trai ngọc phải nuôi trong lồng, còn bé xíu chừng này này” - Ả chìa ra cái móng tay út - “Trai nấu cháo là trai bắt ngoài biển”. Ả vui chuyện kể ông nghe về cái nghề nuôi trai lấy ngọc. Chọn giống trai. Tắm rửa kỳ cọ cho trai. Cho trai ăn gì. Bao lâu thì cấy nhân tạo ngọc. Bao lâu thì thu hoạch. Ngọc trai qúy nhất đắt nhất bây giờ là ngọc trai đen, chỉ có ít người biết cách nuôi cấy thứ ngọc này, và họ chẳng chịu truyền nghề cho ai cả.

 

Món cháo trai ngon tuyệt. Trịt trai ngọt đậm đà hoà quyện với vị thơm cay của rau răm. Ly rượu đế làm tan dần sự e ngại. Sau bữa ăn, ông Cầm còn ngồi nán lại thêm một lúc, lơ mơ ngắm cái bóng đàn bà trăng trắng, chập chờn lay động trong ánh đèn dầu…

 

Những giọt mưa lớn đập xuống bãi cát. Bên ngoài căn chòi nhỏ, biển ngời sáng dưới ánh trăng. Trăng mọc lúc ông Cầm ngủ say. Bây giờ, những giọt mưa đẫm ánh trăng như những viên ngọc trai đang từ trên cao rớt xuống. Cảnh tượng kỳ vĩ khiến ông tỉnh hẳn, ngơ ngẩn hồi lâu. Chỉ đến khi mưa hắt qua màn những hạt nước li ti lành lạnh, ông mới vội vàng vùng dậy cuộn chăn chiếu chạy vào nhà.

Trong nhà tối om.

 

Ả béo vẫn say ngủ. Hồn ả theo tiếng ngáy thoát ra khỏi thân xác, đang lơ lửng vi vu như sáo diều.

Ông Cầm rón rén đi lại giường.

Rón rén vạch lá màn mỏng luồn vào trong.

Con diều chao nhẹ trong gió, tiếng sáo lặng đi trong vài giây. Diều im, tiếng sáo tiếp tục cất lên vi vu vi vu.

Ông Cầm nằm xoay lại.

Thân thể người đàn bà to béo bất động, vừa mát vừa nóng. Ở xóm Mù Tăm, đêm đêm ả nằm ngủ không cần một mảnh vải trên người.

 

Khi ông Cầm thận trọng đặt tay lên chỗ kín của ả, bất ngờ chạm phải một bàn tay lạ. Ông giật thót mình định rụt tay về, nhưng bị bàn tay kia giữ lại. Thậm chí bàn tay ấy còn nhẹ nhàng ấn tay ông xuống.

 

Tim đập thình thịch, ông Cầm mở căng mắt nhìn.

Trong bóng tối, gã đàn ông hiện ra với nụ cười đồng loã.

 

Tháng 4 – 2009

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2129
Ngày đăng: 17.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày phán xử cuối cùng - Phạm Nguyên Trường
Thủ trưởng - Huỳnh Văn Úc
Ngày đó - Lê Văn Thiện
Thằng con hoang - Vasiliy M. Shukshin
Nghe lầm - Nguyễn An Cư
Sau khi cởi áo lót của bạn gái, tôi đã khóc… - Đỗ Mai Quyên
Ông Tỉnh đi khám bệnh ! - Đổ Thị Hồng Vân
Hoài nhớ - Hoa Ngõ Hạnh
Hương Ngọc Lan - Phùng Văn Khai
Qủa ổi chín - Đậu Nữ Vệ