Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.149.481
 
Trần Wũ Khang & “Quà tặng của quỷ sứ”
Inrasara

Anh – Trần Wũ Khang. Có mà không. Đến và đi. Thoắt hiện rồi vụt mất.

Mùa hè 1996, anh hẹn tôi cuộc gặp ngắn để viết về tôi. Xong, lủi đâu mất dấu. Mùa thu cùng năm, anh ló mặt trong tối biểu diễn thời trang Lega – Minh Hạnh, làm cái phỏng vấn nhanh Hani. Đăng báo, rồi đi biệt. Viết tạp bút “Trở lại Chakleng” cho tờ Văn nghệ Dân tộc & Miền núi số Katê, lại biến. Như thể một bóng ma.

 

Phỏng vấn như không phỏng vấn. Thơ mà chẳng muốn kêu là thơ. Phê bình không hẳn phê bình. Tùy ông định đoạt – anh ném cho tôi cả mớ hỗn độn chữ. Anh – Trần Wũ Khang. Xuất hiện ồ ạt vào mùa Xuân năm 2004, để lặn mất tăm một năm sau đó. Không vọng âm. Không lời hẹn.

Trần Wũ Khang: một thực thể, bút danh hay thậm chí – một ảo giác chữ? Hoặc chỉ là loài ẩn ngữ hồ đồ gây hứng khởi, hồ nghi hay ngán ngại? Đột ngột có mặt như một phản kháng lại cái tù đọng của dòng chảy văn chương hôm nay hay chỉ như một giải tỏa ức chế nhất thời?

 

Hàng loạt bài phê bình đầy cảm tính, xốc nổi và thẳng băng xuất hiện trên website Tienve, Talawas. Phê phán bàn tròn văn chương, sẵn sàng va quẹt các cây đa cây đề văn chương chữ nghĩa. Phê bình nhà phê bình chuyên nghiệp dư, cãi nhau đằng Đông, đằng Tây, trong nước hay hải ngoại. Lập Top Ten văn nghệ trong năm hay góp ý về văn hóa góp ý. Phê và tự phê. Quyết liệt nhưng không căng thẳng. Khi nhận ra mình sai, vui vẻ nhận khuyết điểm. Đó là thái độ phê bình rất Trần Wũ Khang. Ít nhiều tạo được không khí đang trầm lắng của sinh hoạt văn nghệ. Là một lối viết thẳng và trung thực, dù chính Wũ cũng là nhà phê bình chuyên nghiệp dư.

 

Thơ, Trần Wũ Khang cũng không khác. Ngôn ngữ thơ thoải mái, nhịp điệu phóng túng, đề tài thơ đụng chạm trực tiếp vào cuộc hiện thực hôm nay: hộ khẩu và KT3, bán độ bóng đá, tường lửa internet,… Cả vấn đề thời sự nóng nhất: nạn khủng bố đang tràn lan khắp mặt địa cầu.

 

“Quà tặng của quỷ sứ" được Đinh Linh dịch ra tiếng Anh: "Gift of the Devil". Bài thơ ngắn, nhưng từ "khủng bố" [terrorize, terrorism] 32 lần lặp đi lặp lại. Khi nhờ tôi gởi nó đăng Tienve.org, tác giả lưỡng lự trong xử lí đoạn áp chót. Tôi nói, bạn thử vận dụng nghệ thuật thơ tạo hình xem sao. Cả đoạn cuối nữa! Trần Wũ Khang: à hén, và bài thơ đã ra hình hài như nó hiện có.

 

Ở đó, khủng bố nổ tan xác âm thanh đẹp nhất của thiên nhiên và thế giới con người. Nó bất kể, bất cần và bất chấp. Nó là trung tâm. Nó là nó, chỉ có nó và, không ai khác. Tuyệt đối. Nó muốn và nó được! Nó - với tư tưởng, chủ nghĩa và hành động khủng bố của nó. Rồi khi mọi thứ đã tanh bành, nó còn lại mỗi mình nó. Như nó muốn.

 

Hãy chú ý từ TAO. Tao khinh thường, khinh bỉ, tao sẵn sàng chà đạp mọi sự chống lại tao. Tao hủy hoại tất cả kẻ cản mũi tao. Hủy hoại cái loài người cho là đẹp (thơ ca), phá nát tương lai của chúng (học hành), triệt tiêu nhân loại và tiêu hủy luôn hành vi tạo ra nhân loại (làm tình). Để cuối cùng, trái đất còn mỗi nó: TAO KHỦNG BỐ.

Còn mỗi TAO đơn độc rồi một [T] trơ trơ, và dấu chấm đen thê thảm [.] rút cục không gì cả [ ]: HƯ VÔ!

 

Đây không là trò chơi kĩ thuật. Vô ích, mấy thứ vớ vẩn đó.

“Dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những đâu chăng nữa, nó cũng phải trở về. Trở về nơi nó xuất phát: con người, ở ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Trong ngôi nhà đó, thơ và thi sĩ cư ngụ”. (Inrasara, Song thoại với cái mới, 2008).

 

Bài thơ đã đạt tối đa hiệu quả nghệ thuật, bằng vận dụng linh hoạt kĩ thuật thơ hình họa.

 

Thơ hình họa, bản thân nó không gì hơn trò nhí nhố, nếu nó không thể tạo nổi cho bài thơ hiệu quả nghệ thuật. Ở Việt Nam, Nguyễn Vỹ là nhà thơ đầu tiên thử nghiệm loại thơ này, có lẽ. Từ chối thủ pháp cũ (tượng trưng), sau “Sương rơi”, khi biết mình không thể làm hay hơn [và cũng không nên làm hay kiểu] “Il pleure dans mon coeur” hoặc “Chanson d’Automne”, Nguyễn Vỹ quyết chơi thơ tạo hình. Và ông đã thất bại. Một thất bại không phải không đáng gương sáng.

 

Hậu hiện đại ra đời, thủ pháp này được mang ra xài lại, khá đắc. Trần Wũ Khang thành công với “Quà tặng của quỷ sứ”. Tôi cũng đã thử nó trong “Ở nơi ấy, nhà thơ” như thể một bài “họa” ăn theo “Quà tặng của quỷ sứ” (Tienve.org, 2008):

 

Tao không muốn mầy làm thơ tình buồn

Tao không muốn mầy làm thơ tình

Tao không muốn mầy làm thơ

Tao không muốn mầy làm

Tao không muốn

Tao không

Tao

T

 

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có chồng, con, có gia đình

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có chồng, con

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có

Đơn giản mầy là phụ nữ

Là của cải là đồ chơi

Đơn giản

 

Mầy còn muốn gì nữa

Mầy đã có cuộc sống no đủ

Mầy đã có tao

            Đã có tao

            Có tao              

            Tao

            T

 

Chế độ nam quyền khuếch trương tối đa quyền lực, nơi đó chỉ có “tao muốn” và “tao không muốn”, ngoài ra không gì cả! Dù là muốn phi lí nhất, nhưng đó là cái muốn CỦA tao. Và khi tao đã muốn thì mầy (nữ, vợ) không thể/ không được quyền muốn; nếu có, là muốn theo tao muốn (chú ý thêm: “tam tòng” của Nho giáo hay tên vợ “ăn theo” chồng ở phương Tây). Sự khẳng định uy quyền tuyệt đối đó quyết tước dần qua từng dòng, từng câu bị ngắt như cắt từng chút sở hữu/ thuộc tính/ vũ khí của đối thể, để tồn đọng lại chủ thể ở cuối đoạn thứ nhất và đoạn thứ ba bài thơ: chỉ có riêng Tao và rồi mỗi “T” có mặt, viết hoa và viết đậm.

Chế độ phân biệt giới tính hất người nữ ra ngoài lề, coi họ như giới tính hạng hai (le deuxième sexe). Người nữ không là gì hơn một phái sinh CỦA đàn ông, tài sản CỦA đàn ông, trò chơi CỦA đàn ông. Một tạo hình như thế - xin nhắc lại: không là trò chơi chữ - tạo hiệu ứng trong chính bản thân “hình thức” bài thơ. Nó thể hiện một “cắt dần”, thu hẹp dần vai trò của người nữ trong gia đình, tái khẳng định vị thế của người nam, trong nền văn hóa đối xử phân biệt giới tính tệ hại. Hậu hiện đại quyết phá tan và đánh sập tinh thần đó. Không phải bởi nữ giới quan trọng hơn nam giới, càng không phải lật đổ chế độ phụ hệ để đưa mẫu hệ lên ngôi, mà là giải trung tâm: bình đẳng giới trong một xã hội công bằng.

 

Nhưng đề tài gây thú vị hơn cả ở Trần Wũ Khang là thực tế cuộc sinh hoạt văn chương Việt Nam: “Việt kiều” mang đôla vào thì được thơ ca vào thì không, “Nhà văn” với nỗi mơ khôn rời làm sao có tác phẩm lớn, “Tân hình thức cảm thán”, những bài thơ ăn theo, phê bình nhân và phê bình nhân danh, nghi ngờ và gây nghi ngờ giữa văn nghệ sĩ với nhau,… tất tần tật. Ngôn từ và nhịp điệu Wũ vô ngại giữa những con chữ và đề tài. Chúng chồng lấp, xô đẩy, lôi kéo nhau vào cuộc chơi – hoạt náo và vui vẻ.

 

Thằng con ngoài giá thú của mọi ý thức hệ, tôi viết thơ

thơ không ăn theo ý thức hệ

thơ về chứng ngứa mông của thằng cu con tôi, tật mơ mộng của tôi, thói đọc sách tạp của bạn tôi, mảnh ruộng và cơn gió trái vụ của cha, cái lo muôn đời của mẹ, xã hội nát bét nơi tôi đang sống, bụi đường Cam Ranh, màu trời Phan Thiết, cô gái bia ôm Sài Gòn….

thơ mọi mọi thứ thứ mọi nơi nơi chốn chốn mọi tôi đi…

            (Trần Wũ Khang, “Thằng con hai dòng máu”, Tienve.org)

 

________

 

Tháng 10-2007, mẹ mất. Bốn tối liền tôi nằm phòng mẹ. Để cảm nhận thẳm sâu hơn ngôi nhà nơi tôi sinh và lớn. Ngày cuối, tôi qua ngủ nhà để chuẩn bị sáng mai đón xe đò vào Sài Gòn. Chín giờ tối, đang mơ màng thì thình lình một bóng đen lù lù đứng ngáng cửa, như từ đất mọc lên, mái đầu tóc bờm muốn đụng bậc trên cái cửa lớn. – Trần Wũ Khang. Cao to và sạm đen. Quen thân mà xa lạ.

– Tôi biết ông thương mẹ, đến chia buồn ông.

– Có kẻ muốn in mấy thứ ông viết đấy.

– Tùy ông định đoạt. Vậy nhé.

– Trà đã chứ?

– Thôi, tôi đi đây!

Thế thôi. Anh biến. Đi như thể xuyên tường. Như là không có. Wũ không có hay bức tường không có?

_____________________________

 

Wũ, không mà có.

Trần Wũ Khang – một con Ma Hời chính hiệu.

 

Sài Gòn, ngày 10-1-2009.

_________________

 

Quà tặng của quỷ sứ, tác phẩm thơ Trần Wũ Khang

Nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành tại Sài Gòn 04/2009

Tác giả và nhà xuất bản Giấy Vụn giữ bản quyền

 

Inrasara
Số lần đọc: 2915
Ngày đăng: 17.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tế Hanh – "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ! - Lê Ngọc Trác
Nguyễn Đức Dũng và Bài áo giấy cho sông - Huỳnh Minh Tâm
Đọc Quyên ở ngoài nước Đức - Đỗ Quyên
Trái Tim Còn Lại – Thơ Hoàng Lộc - Mang Viên Long
Phương Quý – Tình người xứ cọ - Tạ văn Sĩ
Đỗ Thượng Thế và Tập Thơ Trích Tôi - Huỳnh Minh Tâm
Đọc "Ma thuật ngón" - Phan Chín
Sen hồng vô tận ý - Cao Quảng Văn
Đoàn Văn Cừ : Đường Về Quê Mẹ - Một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ 20 - Lê Xuân Quang
Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận - Lê Khánh Mai
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)