Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.162.379
 
Đóa Dã quỳ và nhà thơ Xuân Sách
Tạ Quang Luyện

Hôm nay,gia đình tổ chức lễ giỗ cho Nhà thơ Xuân sách tại Vũng Tàu ,VCV giới thiệu bài của TS Tạ Quang Luyện và Nhà Thơ hoàng Vũ Thuật để tưởng nhớ Anh. VCV

 

Thấm thoắt thế mà đã gần một năm kể từ ngày anh Xuân Sách về  chốn vĩnh hằng (02/ 6/2008.). Còn nhớ khoảng một tuần trước lúc anh đi xa, tôi từ Vũng Tàu ra Hà Nội đến thăm anh đang điều trị tại ngọai tại nhà con gái anh khu tập thể 8/3 cũ, bên bờ sông Kim Ngưu. Lúc đó mọi sinh họat cá nhân của anh phải diễn ra trên chiếc giường “ di động”. Khỏi nói cũng đủ hiểu cái vất vả của những người chăm sóc anh. Tuy vậy trên khuôn mặt con cháu anh trong gia đình luôn ánh lên một niềm vui như được hưởng một  lợi quyền hơn là phải thực thi một nghĩa vụ. Tôi ghé sát tai anh động viên: “ Phần thể tuy có hao hư một ít, nhưng khí còn vượng lắm, chưa đi được đâu” .Anh thều thào, vì nói không còn rõ tiếng nữa, nghe kỹ, nhất là nhìn vào môi anh mấp máy vẫn đoán ra: “ Chả biết thế nào, thôi sống chết có số, Trời kêu ai nấy dạ” . Tôi thấy mắt anh vẫn ánh lên nét hóm hỉnh ngày nào.

 

Sẵn điện thọai di động mang theo, tôi định nối máy cho anh nói chuyện với chị Tú, vợ anh và Nguyễn Hòa vcv, một người bạn vong niên của anh đang ở Vũng Tàu. Vườn sau nhà của Hòa được Xuân Sách gọi vui là quán rượu Chu Quý, nhân vật trong truyện Thủy Hử. Anh đóan ra, vội khóat tay chỉ vào miệng và tai mình.  Tôi hiểu ý anh là đừng liên lạc vì tai có thể còn nghe được chứ miệng không nói rõ tiếng được nữa. Anh lại trỏ một ngón tay vào ngực mình và di ngón tay đó một vòng cung chỉ về hướng Nam. Tôi phiên dịch lại cho anh: ” Em hiểu rồi, bây giờ không gọi điện thọai cho chị và Hòa, đợi mai mốt anh khỏe ta bay về Vũng Tàu thăm mọi người một thể “. Anh cười bằng mắt, ngụ ý tôi dịch đúng. Tôi đọc anh nghe bài thơ Dã quỳ viết tặng anh và anh trai tôi hơn một năm trước đó, lúc chúng tôi đi từ Buôn Ma Thuột về Đà Lạt. Nghe xong, ánh mắt anh chợt hướng về một nơi nào đó thật xa xăm. Đó là một ngày cuối thu 2006, Nguyễn Hòa vcv, chủ trang VănChươngViệt, ngẫu hứng rủ tôi và anh Xuân Sách đi chơi cao nguyên. Trên đường đi chúng tôi ghé đón thêm hai người bạn, nhà thơ Inrasara và tiến sỹ  Nguyễn Thị Hậu. Ngày cuối thu, con đường từ Đồng Xòai lên Buôn Ma thuột vàng rưng rức một thứ  hoa dại, hoa Dã quỳ. Tôi lái xe, anh ngồi băng trước. Anh nhìn những vệt hoa vàng loang lóang hai bên cửa xe, mồm khe khẽ húyt một giai điệu quen, mắt trầm ngâm như lạc vào ký ức xa  . Theo hướng nhìn vô định của anh, tôi sực nhớ đến người anh trai của mình, đã nói với tôi là phải tìm bằng được giống dã quỳ để gieo quanh nhà thờ Họ Đại Tôn. Anh tôi giải thích, dã quỳ là thứ hoa chịu hạn, úng, rét và đất bạc màu cực tốt. Lòai cây đó, chỉ cần một thứ duy nhất là ánh sáng ban ngày để tồn tại . Xuân Sách nhận xét, điều lạ nữa là thứ cây đó rất thích mọc thành phên dậu chạy dài dọc theo đường quốc lộ lên cao nguyên. Quả vậy, nhìn ra xa thi thỏang cũng thấy từng đám, nhưng dai dẳng, ngút ngát bám theo hai bên thành xe có lẽ không đâu như dọc quốc lộ mười bốn này. Tôi buột miệng lẩm bẩm thành tiếng: “ Cái giống Dã quỳ bình dân mà ham vui đến lạ”. Liếc xéo sang tôi thấy anh mỉm cười như định phụ họa thêm một câu gì đó lại thôi.. Chợt con đường truớc mặt mở ra rộng thênh thang. Hai bên lề đường thay vì Dã quỳ là hai vệt đất đỏ chạy dài ngút mắt, đến nỗi vệt đường nhựa chính chỉ còn nhỏ nhoi, vắt vẻo, luồn lách như một con rắn màu đen . Tự nhiên thấy hụt hẫng, Dã quỳ đâu rồi ? Cảm giác như vắng đi một người bạn.Nhìn sang tôi thấy anh cũng như đang ngơ ngác kiếm tìm.  Trong tôi  chợt nẩy ra  một cảm giác là lạ. Sẽ có  một ngày tôi cầm vô lăng mà không còn anh ngồi trên xe mỉm cười bên cạnh. Thật may, đây rồi, đọan này đường chưa giải tỏa, lại xuất hiện hai vệt Dã quỳ. Khóe miệng Xuân Sách như reo lên: Nhìn anh đối diện với màu vàng loang lóang của vệt Dã quỳ trôi ngược phía ngòai xe, tôi kêu lên: ” Mọi người ơi, tôi vừa tìm được tứ này, xin đọc để góp vui, Nửa mai Thu vắng Dã quỳ, Biết Cao Nguyên vịn sắc gì vào Đông”. Tiếng reo của tôi gieo vào im lặng kéo dài. Một lúc lâu sau, như bắt được ý nghĩ của tôi, nhà thơ Insara trầm ngâm: “ Theo em, anh để chữ Biết phía sau chữ Cao Nguyên có lẽ hợp hơn, vì … như vậy sẽ thành”Nửa mai Thu vắng Dã quỳ, Cao Nguyên biết vịn sắc gì vào Đông ”. Nguyễn Hòa đế thêm: “ Coi như ,  Con cóc trong hang đã nhảy ra và  đang ngồi đấy, rồi sao nữa…”. Tưởng anh đang chìm trong miền nào, hóa ra anh vẫn theo dõi câu chuyện. Xuân Sách thủng thẳng :” Hai canh dần rồi, cần thêm ba nữa mới thành ngũ hổ được”. Chả là, tôi và Nguyễn Hòa vcv đều tuổi canh dần. Bổng anh chuyển chủ đề rất đột ngột: “ Kể cũng lạ các cậu ạ, Dã quỳ lại khiến mình liên tưởng về các bà mẹ Việt nam, nhất là các cụ ở thế hệ sinh ra chúng ta trở về trước.  Các cụ không được học hành gì nhiều và rất nhiều người có thể nói mù chữ, thế mà, hãy xem những di sản văn hóa phi vật thể các bà để lại cho cháu con , thật đáng nể phục”. Nguyễn Thị Hậu từ lúc lên xe vẫn im tiếng, nay bật dậy như một lò xo “ Em xin góp thêm với anh Xuân Sách và các anh một ý nữa về các bà mẹ Việt. .  Đó là cái gen các bà truyền lại cho các con mình. Các anh có nhận xét điều này không- hình như không phụ thuộc lắm vào gen các ông bố- Con cái các bà mẹ Việt đẻ ra đều là người Việt từ thể xác đến tâm hồn. Lịch sử chứng minh bao nhiêu mưu đồ đồng hóa đã thất bại . Cốt cách và tâm hồn Việt là cái gì còn phải chờ các nhà khoa học định lượng và định tính thêm nữa và nữa, nhưng bằng trực giác hồn nhiên ta  vẫn cảm được cái hồn Việt”. Giọng Xuân Sách như chìm hẳn xuống: “ Mình thật có lỗi với bà cụ …”. Câu nói như nói để mà nói ấy, sao găm sâu vào người nghe đến lạ, cứ như anh nói hộ cả chúng tôi.

 

Thế mà giờ đây anh đã thành người thiên cổ. Tôi nhớ câu nói của anh hôm nào ở Văn phòng “ Văn Chương Việt”: “ Các cậu biết không, khi ta chết đi rồi, ta vẫn nghe, vẫn thấy và vẫn buồn vui theo câu chuyện người sống khi họ nói về ta. Chỉ có điều, ta không thề phản kháng chống lại , vì thể xác đã không còn”.

 

Xuân Sách là như vậy, dễ buồn, dễ vui,rất hóm hỉnh,  hồn nhiên nhưng kín đáo và sâu sắc. Nhớ về anh, ta không nghĩ đến cái to tát, nổi cộm chì  là nghĩ  những cái nho nhỏ, đời thường với  mong manh…

 

Xuân Sách ơi, anh vẫn còn đây giữa đời thường chúng tôi. Tôi ngậm ngùi kết tứ Dã quỳ bằng hai câu cuối : “Mênh mang gió nắng còn chăng, Dã quỳ tàn liệm hồn rừng theo Hoa”. Xin thắp dâng anh nén nhang tưởng niệm này, nhân kỷ niệm một năm ngày anh đi xa

 

Dã quỳ

Tặng một bạn văn

 

Nửa mai Thu vắng Dã quỳ

Cao Nguyên biết vịn sắc gì vào Đông

Mênh mang gió nắng còn chăng

Dã quỳ tàn liệm hồn rừng theo Hoa

 

Dăklăk, cuối thu 2006

 

Tạ Quang Luyện
Số lần đọc: 4250
Ngày đăng: 23.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đảo sầu riêng - Ngô Kế Tựu
Kahlil Gibran - Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn - Kahlil Gibran
Chợ Chữ - Đàm Lan
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tản Đà: Trăm năm cuốn nhật ký tình yêu - Tân Linh
Trò chuyện với Nhạc sĩ La Nhiên - Mang Viên Long
Sức mạnh của chữ - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du - Bùi Văn Nam Sơn
Đọc và Nghe Thi Nhạc Khê Kinh Kha - Võ Công Liêm
Mãi mãi tuổi đôi mươi - Vũ Trà My
Cô gái Huế ở Sàigòn - Trần Dzạ Lữ