Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.066
123.198.071
 
Tình đất tình người
Nguyễn Trung Bình

Nhớ lần đầu tiên về Tiền Giang ,theo đề nghị của mình , em đã đưa tôi đi dọc sông Tiền đoạn chảy ngang qua Mỹ Tho.Đó là một chiều hè tưng bừng nắng,loang loáng màu hoa phượng hắt lên mặt sông dập dờn, trông về phía Mỹ Tho nhiều gợi ý gợi cảm ! Em kể cho tôi nghe nhiều chuyện gắn liền với dòng sông,em kể say sưa pha lẫn những suy nghĩ từ chính em,vừa đắm đuối vừa hồn nhiên mà sao cuốn hút lạ lùng , bất chợt trong câu chuyện ,em hỏi tôi nghĩ gì ? Tôi chỉ cười mỉm rồi im lặng,vì tôi lần đầu đến đây,biết gì mà trả lời .Như sợ rằng tôi không “đủ thấm” để lưu lại hình ảnh sông Tiền,em mải mê kể,còn tôi im lặng nghe.Bỗng dưng em nói như vang vào chiều :”Anh nhìn nước sông kìa !không trong mà cuồn cuộn phù sa, tắm mình trong đó,bao nhiêu người con gái xứ này nước da đẹp lạ lùng!”,nói rồi em giơ cánh tay lên như để tôi nhìn,nói tiếp :” Em  luôn nghĩ mình có nước da của dòng sông quê! Sau này nếu lập gia đình rồi có con,em sẽ luôn nhắc con mình màu da của dòng sông quê mẹ,dù có thể chồng em người xứ khác !”.Câu nói của em gieo vào tôi một ám ảnh sau đó khi mỗi lần tôi đi qua sông Tiền,vì mấy năm sau, tôi được tin em lấy chồng rồi ở hẳn trên Sài Gòn.Bây giờ trở lại Tiền Giang và có thời gian đi vài nơi trong tỉnh,tôi vẫn cứ đặt cho mình một dấu hỏi khi nghĩ về sông Tiền :” Đây có phải là dòng sông của tình đất tình người ?!! !”.

 

Những ngày chuyển mùa thời tiết cứ rục rạo oi oi thật khó chịu,cũng may cho tôi và những người cùng đi trong đoàn là Tiền Giang sông nước mênh mông,nên hơi nước sông Tiền cứ như chiều khách,phả vào lòng người mát rượi và trẻ trung.Trên chuyến thuyền khởi hành từ bến Mỹ Tho,chúng tôi đi ngược về phía khu công nghiệp,luồn dưới cầu Rạch Miễu còn mới rợi màu bê tông nối liền với Bến Tre,đến Cù lao Thới Sơn- nơi đang là điểm hút du khách muôn nơi về đây thưởng ngoạn sông nước,tha hồ ngắm hàng loạt bè nuôi cá da trơn dọc hai bên sông,bước lên bờ thì lạc ngay trong những khu vườn cây trái trĩu cành,sở dĩ tôi nói “lạc ngay” vì đâu cũng cây trái đang rộ ra trước mặt khách,mít tố nữ treo trái hàng dài từ thân xuống tận gốc tỏa hương ngào ngạt,mận từng chùm đung đưa trong gió mà nhìn từ xa cứ tưởng tượng như những chiếc đèn lồng trang trí cho màu xanh ngút mắt của xứ này.Đất cồn đúng là đất của phù sa,cứ nhìn màu sắc tươi roi rói của trái cây đến ngọn cỏ,đủ biết thiên nhiên quả thật ưu ái với con người,chất sống cứ lồ lộ ra và căng tràn,nên con người ở đây cũng không phụ lòng tạo hóa,họ biết cách chăm chút cho cây trái theo kiểu của mình,như một phép ứng xử ở đời để tồn tại và phát triển cho tương lai nữa.Cách làm du lịch miệt vườn của người Tiền Giang quả có khác,chỉ là những sản vật địa phương thôi nhưng riêng lắm.Đi trong khu vườn mê man cây trái,du khách bất chợt dừng lại nhìn đàn cá chạy rột rột dưới hồ,thử làm người nhà quê đi qua cầu khỉ,hay chèo xuồng ba lá nghe đong đưa vọng từ chòi tranh tiếng đàn ca tài tử,nàng và chàng tỏ lời nhau trên quê hương cây trái,nghe nao lòng và da diết làm sao! Đôi trai gái kia cứ thong dong thả vào lòng khách những giai điệu mượt mà,trở lại chiếc bàn đã bày sẵn những món ăn rặt vùng sông nước,được trang trí một cách lạ mắt mà thu hút vô cùng. Hèn chi khách ngoại quốc về đây đông dữ,ở xứ sở công nghiệp của họ chắc hiếm có cảnh cá dưới hồ nhảy lên bàn ăn trong chốc lát,hay trái cây ngọt lịm trong miệng vừa hái bên hè xuống,cái gì dân dã cũng quyến rũ hồn người-lòng người hơn! Đã vậy,nếu du khách có nhu cầu giao lưu,các nghệ sĩ miệt vườn sẵn lòng cùng ngân nga hay hát giao duyên tri âm cùng bè bạn muôn nơi.Tôi chợt nhận ra Tiền Giang có một nguồn tài nguyên du lịch phong phú và sinh động mà chưa có điều kiện để người ở đây khai thác hết,bởi vì đất này là chốn của cây ăn trái lớn nhất nước ( nghe đã thấy thèm),có đời sống sinh hoạt tinh thần phong phú với nhiều lễ hội lịch sử và dân gian,có nhiều địa chỉ du lịch sinh thái nước ngọt,ngập mặn hay ngập phèn…nghỉ  biển,dã ngoại hay về nguồn …Đó là chưa kể đến tham quan nghỉ ngơi nhà cổ,đi chợ nổi Cái Bè,thưởng thức những cây trái có thương hiệu hẳn hoi .

 

 

Chẳng biết tôi có chủ quan hay không ? nhưng về đây tôi như đắm mình trong tình đất , tình người ! Đi đến đâu cũng bị cuốn hút bởi người và cảnh, hôm ra cảng cá Vàm Láng ,tôi đứng thật lâu nhìn đoàn thuyền bốc cá tươi rói đủ các loại lên bờ,nhìn nụ cười nở rộ trên khuôn mặt các chị ngư dân mà thầm cảm ơn biển cả không phụ lòng người.Được các chiến sĩ Biên phòng cho đi thuyền ra biển , lần đầu tôi cảm nhận cho mình cái cảm giác mênh mông lạ , trong nắng gió lồng lộng phương Nam ,câu chuyện của những người lính ngày đêm bám biển với vô số tình huống khiến chúng tôi thật sự xúc động và nể phục.Trong số các anh,nhiều người đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai để gắn bó cả đời mình vì biển,cho biển và cho cả con cháu họ.Các anh Phòng,anh Sự,anh Nhân… ở Đồn Biên phòng 578 cùng nhiều anh nữa để lại trong tôi ấn tượng về sự kiên trì trong công việc cộng với nỗi đam mê và yêu quí biển như bạn đồng hành với mình trong cuộc sống ,có lẽ vì thế nên ở đây các anh đã tạo dựng nên một cái làng có tên gọi nghe đã thấy lạ : làng Biên phòng.Rất tiếc không nhiều thời gian để hiểu thêm đời sống người lính biên

phòng,nhưng tôi tin dù chỉ gặp nhau thật ngắn,sẽ có người trong chúng tôi trở lại với các anh,vì có vô số chi tiết sinh động và hấp dẫn trong công việc thường ngày của các anh chưa được khai thác hay tái hiện trên trang văn.

 

Gò Công được coi như thủ phủ phía đông Tiền Giang hiện ra với tôi hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng trước đó ,những con đường vừa phải chứ không hẹp mà vẫn lưu giữ được các phong cách kiến trúc xưa hài hòa với nay,không quá náo nhiệt nhưng chẳng vắng lặng, cứ thung dung những gam màu đã được thời gian thử thách mà không quá cũ…Gò Công đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị lớn của Tiền Giang như lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia , đền Võ Tánh…tuy nhiên , Gò Công chưa quảng bá thật tốt cho mình để phát triển thế mạnh sẵn có là du lịch , trong đómột phần là do khách quan bởi quốc lộ 50 đang còn ngổn ngang thi công.Sở dĩ tôi nói đến du lịch vì trong tổng quan kiến trúc,Gò Công có những đường nét riêngđang tồn tại,cộng với phong tục tập quán, sản vật địa phương phong phú,chắc sẽ là một điểm đến khi du khách về với Tiền Giang.

 

Một ngày di chuyển liên tục ở Cái Bè không làm tôi mệt mỏi chút nào, có nhiều lý do, nhưng lý do chính có lẽ là sự tận tình của người hướng dẫn.Thoắt một cái chúng tôi đã xuống thuyền tham quan hai căn nhà cổ theo hai lối kiến trúc khác nhau,một của ta và một của Tây .Mỗi căn nhà lưu giữ nét độc đáo của riêng mình,chỉ có một điểm chung mà cũng riêng miền Tây Nam Bộ mới có, mỗi căn nhà đều ngự trên một khuôn viên hết sức rộng và thoáng đãng so với nhà cổ ở những vùng miền khác,lại có thêm đường dẫn nước từ sông vào,nên cây trái trĩu cành ,ao nuôi đầy cá lội…xuống thuyền chúng tôi đi tham quan làng nghề thủ công,làm bánh tráng, cốm ,kẹo dừa,mỹ nghệ…rồi theo sông Cái Bè ra ngã ba  sông chứng kiến cảnh bán mua sản vật nhộn nhịp của chợ Nổi.Câu chuyện của cô Thủy – người hướng dẫn chúng tôi- trên đường đi làm cho tôi quên mất cái mệt dưới trời oi nắng,nhờ vậy tôi kịp biết thêm vài chi tiết không sẵn có trong ý định khi về đây…ghé nhà chị Sáu Du có tiếng là người giỏi trồng cam sành,nghe chị kể lại những ngày vươn lên thoát nghèo mới thấy ý chí của người ở đây, bám lấy đất quê hương để làm giàu cho mình và quê hương.Cũng chính từ nhu cầu của đất đai xứ sở,anh Hai Đặng ở xã An Hữu phát kiến ra các loại kéo cắt trái đa năng, hay hệ thống tưới nước vườn trái cây rất hiệu quả…được bà con miệt vườn Nam Bộ tín nhiệm và thường xuyên đặt hàng.

 

Trước khi rời Tiền Giang,tôi miên man trong rất nhiều suy nghĩ.Có lẽ trong cuộc hành rình mở đất về phương Nam của ông cha ta trước đây,sông Tiền là dòng sông lớn nhất đầu tiên mà họ gặp phải, để rồi có người đi tiếp về phía Nam,không ít người trụ lại và chọn đất này là quê hương.Cuộc chọn lựa trải qua bao đời,bao thế hệ nối tiếp nhau đã làm nên một Tiền Giang giàu chất liệu và bản sắc hôm nay.Một buổi chiều tôi cùng nhà văn Lâm Hà đi thăm di tích chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút , chèo thuyền  trong những con rạch um tùm màu xanh của lá ,tôi liên tưởng đến hình ảnh những người nghĩa quân Tây Sơn nằm hai ven bờ rạch phục kích giặc ngoại xâm , làm nên một chiến thắng lẫy lừng đầu tiên trên sông Tiền. Vì là tự đi nên chúng tôi chỉ trao đổi với nhau về chiến công của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ theo hiểu biết của mình, sau đó về Mỹ Tho,trong một lần uống cà phê sáng,nhà thơ Lê Tú Lệ có đưa ra một ý là,để thu hút khách về thăm di tích Rạch Gầm-Xoài Mút,nên chăng ngoài tượng đài ra, cần có loạt tượng những người nghĩa quân Tây Sơn dọc hai bờ rạch trong nhiều tư thế đang phục kích ,đánh giặc, như thế có khi sinh động và ấn tượng hơn ! Ý kiến này xin được chuyển đến những người đang hoạch định tương lai cho Du lịch Tiền Giang .

 

Rời Tiền Giang trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn,tôi hầu như không nghĩ thêm được gì. Buồn vì còn nhiều địa chỉ mình chưa tới được , còn niềm vui thì thật khó diễn tả được,bởi chỉ qua sơ giao,tôi nhận ra tình đất tình người ấm áp của sông Tiền,của người An Hữu,của “ đảo sầu riêng Ngũ Hiệp”,của Vĩnh Kim vú sữa Lò Rèn,của Tân Phước mênh mông những cánh đồng dứa sai quả…Còn nhiều địa chỉ tôi chưa đến,ai đó chưa đến,như là một lời hẹn với Tiền Giang cho những lần đến sau này.Xoài cát Hòa Lộc,sơ ri Gò Công,thanh long Chợ Gạo,bưởi lông Cổ Cò,…khu di tích văn hóa Óc Eo,đền thờ Thủ Khoa Huân,lăng Tứ Kiệt…cùng nhiều địa chỉ nữa hứa hẹn trong tương lai không xa,cùng với phát triển kinh tế-xã hội,du lịch sẽ trở thành một hướng mở để Tiền Giang phát triển mọi mặt một cách toàn diện.

 

Trên chuyến xe về lại Sài Gòn,tôi nhớ  lần đầu tiên đi với em bên sông Tiền,nhớ  mấy ngày tiếp xúc và gặp gỡ,đâu cũng nồng ấm tình người,như dòng sông Tiền bốn mùa chảy xuôi về biển Đông,vẫn không quên để lại cho đất này,con người ở đây lớp lớp phù sa, tích tụ cùng thời gian làm nên một vùng đất giàu cảm xúc và trù phú là Tiền Giang! Không nhớ những trái xoài của người An Hữu ,thùng dứa của người Tân Phước,hay lọ mắm tôm chà Gò Công …gửi theo về phố,tôi chỉ nhớ những cái nhìn chứa chan tình cảm,những cái bắt tay thật chặt của người lính biên phòng,nhớ dòng sông Tiền miên man màu nước da em thời con gái,hay là hơn thế nữa,dòng sông mang tên tình đất tình người.

 

Sài Gòn,tháng 5.2009

Nguyễn Trung Bình
Số lần đọc: 2657
Ngày đăng: 25.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sapa-thành phố trong mây-thành phố trong sương - Minh Nguyễn
Tuồi thơ Huế -Mùa hạ mãi xanh - Võ Quê
Giải pháp thời thất nghiệp ! - Vũ Trà My
Đóa Dã quỳ và nhà thơ Xuân Sách - Tạ Quang Luyện
Đảo sầu riêng - Ngô Kế Tựu
Kahlil Gibran - Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn - Kahlil Gibran
Chợ Chữ - Đàm Lan
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tản Đà: Trăm năm cuốn nhật ký tình yêu - Tân Linh
Trò chuyện với Nhạc sĩ La Nhiên - Mang Viên Long
Sức mạnh của chữ - Nguyễn Hồng Nhung