1.
Lòng kiên nhẫn được đền đáp
Trần Trung Hậu người thôn Thượng, làng Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, nổi tiếng là người trung hiếu tiết nghĩa. Tuổi thanh niên của Trung Hậu, từ lúc mười tám, trôi qua nhanh chóng ở cả nơi chiến trường, đến lúc bị thương, được giải ngũ về nhà thì đã ngoài bốn mươi. Lúc đó, cha mẹ Trung Hậu đều đã già yếu, giục Hậu cưới vợ thì Hậu nói:”Giờ cả cha, mẹ đều già yếu, cần có người ngày đêm chăm sóc tận tình, ngoài con ra, không ai làm được việc đó!” Thế là từ đó, Trung Hậu ngày đêm chăm sóc cha, mẹ, từ chuyện ăn uống đến thuốc men, rồi cả chuyện sinh hoạt hàng ngày, Trung Hậu không bao giờ để xảy ra sai sót. Mẹ Hậu thích thi thoảng di dạo quanh làng, Hậu cõng mẹ đi dạo; cha Hậu thích ra bờ sông câu cá, Hậu cũng cõng cha ra bờ sông câu cá!...
Việc làm của Trung Hậu ai cũng khâm phục, nổi tiếng cả huyện, đến mức ông chủ tịch Huyện đã noi theo gương Hậu, ngày chủ nhật đều cõng người cha già bị liệt chân đi thăm khắp lượt bạn già trong làng, xã… Chuyện của Hậu chắc hẳn đã thấu tới Trời Xanh, Đại Tiên Thái Thượng Lão Quân đã cảm động mà cho thuốc Tiên, nên chỉ sau năm năm, bệnh tình của cả cha và mẹ Trung Hậu đều hết, sức khỏe có phần khá hơn rất nhiều!...Lúc này, mẹ Hậu nói:”Giờ cha, mẹ đều đã khỏe rồi, vậy con phải cưới vợ đi, kẻo…”. Trung Hậu nói ngay:”Nhà mình nghèo, làm sao mà cưới được vợ!”. Câu nói ấy đến tai một người con gái làng bên, tên gọi Thắm Đào. Cô Thắm Đào, vốn cảm phục Trung Hậu từ lâu, bèn nhờ người mai mối đánh tiếng đồng ý làm vợ Trung Hậu. Trung Hậu nói:”Cô Thắm Đào mới khoảng hai chục tuổi, còn tôi đã gần năm mươi, tuổi tác chênh lệch quá!” Cô Thắm Đào nói:”Vậy thì tôi bao nhiêu tuổi thì ông mới chịu cưới?” .” Giá như cô Thắm Đào khoảng ngoài ba mươi thì tôi cưới liền!” Cô Thắm Đào liền nhắn tới rằng:”Vậy thì mười năm nữa, tôi ba mươi tuổi, ông hãy đến cưới tôi!”…
Thời gian lại vun vút bay qua, cô Thắm Đào đã tới tuổi ba mươi, bèn nhờ mai mối tới thúc giục ông Trung Hậu xin cưới. Ông Trung Hậu lúc này đã gần sáu mươi, dường như đã quên chuyện cô Thắm Đào năm nào, giật mình nghĩ:”Mình đã thành một ông già, còn cưới vợ làm gì nữa! Ôi, ta đã làm trôi mất mười năm tuổi thanh xuân của cô Thắm Đào rồi, ta thật là có tội, tội của ta thật lớn, không thể tha thứ!”, nói rồi quăng sợi dây thừng lên xà nhà, tính treo cổ tự vẫn!... Chuyện này lại thấu tới Ông Xanh, chắc hẳn Thái Thượng Lão quân động lòng nên sau ba ngày nằm ở phòng cấp cứu của Bệnh viện, ông Trung Hậu không những đã tỉnh lại hoàn toàn mà mái tóc đã như là xanh đen trở lại, da dẻ hồng hào, dáng dấp rất nhanh nhẹn!...Ba ngày sau nữa, đám cưới của ông Trung Hậu và cô Thắm Đào đã được tiến hành, thật là lớn, lớn nhất huyện kể từ trăm năm trở lại đây!
2.
Hàng xóm láng giềng
Ông Lê văn Hàng và ông Trần Văn Xóm ở cạnh kề nhau, chỉ cách một bức tường trong một khu tập thể nhà cấp 4 (khá phổ biến thời “Bao cấp”). Ông Xóm có tính nhỏ nhen, tắt mắt. Chẳng hạn, nhà ông Hàng thường dùng xà-phòng bánh, ông Xóm lén lấy que tăm cắm vào bánh xà-phòng của ông Hàng rồi la lên rằng ông Hàng lấy xà-phòng của mình. Hai bên đôi co qua lại, cuối cùng ông Xóm nói:”Cắt bánh xà-phòng ra, nếu có que tăm ở bên trong thì là của tôi!”. Ông Hàng bị thua, bị mất bánh xà phòng, nhưng đoán biết thủ đoạn của ông Xóm, giận lắm nhưng đành nuốt hận! Lần khác, ông Hàng cúng thổ địa, để mâm cúng có con gà luộc ngoài sân, ông Xóm nhân lúc ông Hàng bận bịu trong buồng, lấy trộm con gà, ông Hàng đoán biết nhưng cũng đành nuốt hận! Ông Hàng bèn nghĩ kế trừng phạt ông Xóm. Lần ấy, ông Hàng mua một ký thịt quay về, cho vào trong giỏ xách, để ngoài cửa rồi giả đi mua thêm đồ gia vị. Ông Xóm cũng như bao lần trước, lén lấy gói thịt quay đem vào buồng ăn hết sạch. Khi ông Hàng quay trở về, ông Xóm lắng nghe thì không thấy ông Hàng nói gì về gói thịt quay bị mất, ngạc nhiên lắm! Đang đi lại trong buồng, suy nghĩ về thái độ kỳ lạ của ông Hàng thì đột nhiên ông Xóm thấy đau bụng dữ dội, đau quằn quại, toát mồ hôi hột. Hết cơn đau thứ nhất, ông Xóm lờ mờ nhận ra cách trừng phạt của ông Hàng đối với mình thì cơn đau thứ hai ập đến. Ông Xóm ôm bụng gượng đau, lết sang quỳ dưới chân ông Hàng mà van lạy rối rít. Ông Hàng bèn đưa cho ông Xóm một viên thuốc, bảo uống ngay sẽ hết đau. Ông Xóm uống thuốc xong, ói mửa ra hết, cơn đau dịu dần rồi mất hẳn!...
Từ đó, người ta thấy ông Xóm gọi ông Hàng là Đại Ca, thân thiết lắm, có gì ngon cũng sang mời Đại Ca… Hàng xóm xung quanh thấy vậy thì vui lắm, ai cũng nói:”Thế mới gọi là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau chứ!”…
3.
Tình yêu tay ba
Hùng, Dũng và Lan là bạn học với nhau từ phổ thông Trung học, khi vào đại học thì ba người học ở ba trường khác nhau, lúc đó đang là thời chiến tranh, trường đại học đều sơ tán ở những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Lan học trường Y, sơ tán ở tận huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên, Hùng học ở Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp, sơ tán ở huyện Đại Từ, cũng tỉnh Thái Nguyên, còn Dũng học ở trường Đại học Thủy sản, sơ tán ở tỉnh Hưng Yên. Tình cảm của ba người lúc đó ở trong tình trạng như sau: Dũng yêu Lan cuồng nhiệt, nhưng Lan không đáp lại mà lại yêu Hùng đắm say, còn Hùng vì sợ Dũng thất tình mà mất tình bạn nên không dứt khoát với Lan, cho nên nhìn bên ngoài, những ai không biết thì coi họ như tình bạn “bộ ba xe pháo mã”, còn những ai tinh ý thì gọi đó là “Tình yêu tay ba”, sẽ không có hồi kết, hoặc hồi kết sẽ đầy bi kịch!...
Những người quen biết ba người Hùng , Dũng và Lan đều nghĩ rằng mối tình tay ba này sẽ kết thúc bằng bi kịch, đại loại như là một cái kết sau: Dũng dùng “mẹo lừa” để Lan bị sập bẫy rồi cưới Lan, làm cho cả Lan và Hùng đều đau khổ! …Nhưng thật bất ngờ, sau hơn bốn mươi năm (tức ba người đều đã ngoài sáu mươi tuổi, đã là những nhà khoa học có học vị cao như Tiến sĩ, giáo sư…), tình trạng “Tình yêu tay ba” của ba người vẫn ở nguyên trạng thái ban đầu! Nhìn ba người bạn – người yêu đầu đều đã bạc, ai biết chuyện cũng đều kinh ngạc mà nói rằng:”Tình yêu thật là bí ẩn!”…
Sài Gòn, Tháng 5-2009