Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.224
123.153.326
 
Từ khóc cười của tuổi thơ
Trần Hạ Tháp

Khổ đau, hạnh phúc tựu trung trong hai tiếng khóc cười. Là cảm xúc muôn thuở, gắn liền với bước đi nhân loại. Nhưng bản chất mọi khóc cười  không đơn giản để được xác tín cụ thể, rạch ròi ngay trong cả chính ta khi kinh qua cuộc thế. Khởi đi, từ tuổi thơ theo con người lớn lên, khóc cười đã biến thành nhiều dị bản. Vâng, khóc cười cũng muôn mặt, muôn chiều.

 

"Con nít là cha người lớn" nghĩa bóng câu tục ngữ nhắc nhở một sự thật mà người lớn thường ít khi đoái tưởng. Rằng, mỗi người lớn chỉ là kế thừa, kẻ đến sau thời tuổi thơ chính họ. Vì thế khóc cười của tuổi thơ, mới đích thực là khóc cười nguyên bản. Trân trọng tuổi thơ, nhưng chưa hẳn ai nấy đều trân trọng đúng nghĩa thứ nguyên bản chỉ một thời thấp thoáng ấy.

 

Cất tiếng khóc chào đời, tuổi thơ làm gì biết chính âm thanh kỳ diệu kia mang lại hạnh phúc, hãnh diện cho biết bao người lớn. Tiếng khóc một thiên thần bé bỏng khiến nhiều nụ cười rực sáng chung quanh. Nhân danh số đông và nhân danh người lớn, người ta mặc nhiên quên đi tiếng khóc dị ứng của sinh linh vừa bị áp đặt vào cõi thế. Quyền tự quyết nhân thân chính nó, từ ngay trong bào thai, vốn không hề được lý tới. Ngay giờ phút ra đời, bản chất tiếng khóc đã đi đôi cùng trực giác bất an.

 

Với nhà Phật, đấy là báo hiệu khổ đau và là vấn nạn sẽ lưu cửu miệt  mài trong tự mỗi chúng sinh. Minh triết ấy đồng thời gián tiếp chỉ ra phần tối, phần vị kỷ - tồn tại hết sức tế nhị - qua nụ cười của những người chứng kiến. Họ chủ quan chia nhau thứ hạnh phúc trên tiếng khóc một con người vừa xuất hiện. Thêm một thành viên, cùng họ tiếp tục tham gia cuộc khóc cười của nhân loại.

 

Phải chăng, bất công khi đứa bé chạm mặt cuộc đời là phải hy sinh cảm xúc riêng tư vì những người đến trước ? Bất công ấy cũng là bất công khởi đầu, là ban bố trước nhất mà đời người nhận chịu. Thì ra, dù đông đúc đến đâu, chẳng vì thế mà trực giác cô đơn trước mệnh vận con người thôi tồn tại. Tiếng cười vui chào đón kẻ đồng hành ấy nào khác gì gánh nặng ám ảnh kia vừa được phần nào sẻ chia, nhẹ bớt...

 

Để nụ cười trên môi chúng - những đứa bé  - sau đó luôn thay tiếng khóc ban đầu, bậc cha mẹ đã phải tốn bao mồ hôi, nước mắt. Có hoặc không tín ngưỡng, cha mẹ nào cũng từng nguyện cầu cho con cái. Lắm lúc nén tiếng khóc giữa dòng đời nghiệt ngã. Học phí, áo cơm, tiện nghi và giải trí... Chưa kể những phụ khoản trên-trời-rơi-xuống, họ chỉ biết miệt mài nhận lấy để sau lớn lên, đứa con không tài nào tìm ra giải thích dù đi khắp bốn biển năm châu.

 

Lấy âm thanh để biểu trưng, đời người, hay nói rộng thành nhân loại là một chuỗi khóc cười nối tiếp, xen kẽ nhau dài vô tận... Khóc cười khi đã hoá thân thành dị bản vẫn có thể hoán đổi bất ngờ. Kỳ lạ, cười lẽ ra khi phải khóc và khóc lúc đáng nở nụ cười:

 

"Cười như sĩ tử hỏng thi"

"Khóc như thiếu nữ vu quy nhà chồng"

 

Nhưng khóc cười của tuổi thơ vẫn cứ như nhất, luôn mang tính hồn nhiên trong sáng. Chúng không thể và không cần biết giữa hai cực đoan khóc cười kia - với người lớn - vốn tồn tại một đường dẫn quanh co, đầy mê lộ và chắc chắn không thiếu hoa đăng ảo ảnh...

 

Trẻ thơ dễ dàng trung thực với khóc cười của chính nó. Sự thể hiện tức thời ấy sẽ mai một dần theo số tuổi lớn lên... Người lớn, cần can đảm và thời gian để làm được điều đơn giản như chúng. Hãy lắng nghe người lớn dặn dò nhau kinh nghiệm đời thường. Một kinh nghiệm mang ít nhiều mỉa mai. khi chính họ đã tự đánh mất lòng tin:

"Ra đường, hỏi người già"

"Vào nhà, hỏi con nít".

Giáo dục tính trung thực là nhiệm vụ người lớn trước trẻ thơ, song giữ được trung thực ấy một cách hồn nhiên, hẳn "con nít" là những bậc sư phụ. Suy cho cùng, một phần đạo đức nhân loại liên quan tới nghịch lý đáng suy ngẫm ấy. Tiếc thay, nghịch lý ấy chưa - và có lẽ không bao giờ - chấm dứt.

 

Nhà ngoại giao, chính trị gia, doanh nhân... Ai cũng ưu ái "đắc nhân tâm" như một thủ thuật nằm lòng. Cười khóc dị bản vì thế rất khôn lường... Đằng sau các "cảm xúc chân tình, chia xẻ" ấy - rất có thể - là đắc ý ngấm ngầm, là lợi ích tối đa cho cá thể, tập thể riêng giấu mặt. Nụ cười, ngay cả những giọt lệ "đắc nhân tâm" có khi vẫn pha chất mị tâm. Tất cả mọi sản phẩm tâm lý ấy xa lạ với khóc cười của tuổi thơ. Che đậy, giả tạo chưa phải  là căn bệnh trầm kha nơi chúng. Tuổi thơ không đóng kịch, càng không lý gì lợi hại của một môn tâm-lý-học-ứng-dụng nào.

 

Trong thời văn minh tiến triển, khóc cười của tuổi thơ ngày càng được lập-trình-hoá tinh vi hơn, nhiều hơn nữa... Vẫn không che dấu được nhiều ý đồ chẳng mấy tự nhiên nhằm ra sức hướng dẫn, uốn nắn để định vị trước cho khóc cười của chúng. Tuổi thơ, vì thế sẽ bất hạnh khi trở thành đối tượng của trấn lột tâm hồn. Chúng nhanh chóng giã từ khóc cười nguyên bản đầy thiên tính tự nhiên để sớm phải khóc cười theo dị bản. Chúng già đi đầy xót xa theo kiểu một con rối, diễn nói với giọng người lớn tuổi. Tất nhiên, không phải kiểu già đi đáng trông chờ như những thần đồng đích thực.

 

Nói gì thì nói, sự phát triển và thành hình nhân cách của một cá nhân bao giờ cũng phải đầy đủ hai thành phần tương hỗ. Gia đình và xã hội. Thiếu sót, xem nhẹ một trong hai điều căn bản nầy tới mức nào đó sẽ đồng nghĩa với phi nhân. Trong đó phần thiên tính tự nhiên xuất phát từ mái ấm gia đình. Nơi ấy huân tập và khẳng định máu thịt thiêng liêng, là hơi hám trực giác chưa hề thành lý luận, tư duy. Là tiềm thức, sớm nhất để sau nầy muôn ngàn tri thức, tư tưởng lớp lớp sẽ chồng lên.

 

Đứa bé bật khóc khi xa rời mẹ dẫu được ẵm bồng bởi một người phụ nữ khác. Ngược lại, nụ cười yên bình nở trên môi chúng khi trở lại vòng tay mẹ mà chả cần mở mắt hoặc lắng nghe câu hò, giọng nói thân quen. Thật hết sức đơn giản nhưng cũng vô cùng kỳ diệu. Đấy là tiếng khóc, là môi cười nguyên bản - độc lập, như nhất - không gì thay thế nổi.

 

Vâng, trực giác không thành hình từ lý luận. Vì thế không một lý luận nào dù quỷ biện đến đâu có thể chuyển dịch thiên tính ấy khi tiềm thức ăn sâu, đã trở thành cố hữu. Mọi toan tính chỉ còn bằng can thiệp trực tiếp vào chính thời kỳ tuổi thơ đối tượng: Cắt xén nguyên bản và thay dần vào dị bản. Không tội ác nào bằng huỷ diệt tuổi thơ, huỷ diệt phần thành hình thiên tính con người. Huỷ diệt ấy khác nào huỷ diệt phần nhân bản nhất trong mọi tính nhân bản mà con người vốn có.

 

Xét cho cùng con người trăm năm là mãn cuộc. Nhưng thực sự được ngậm cười nơi chín suối và để được nhiều đời sau khóc thương một cách đích thực - khóc cười nguyên bản - còn phải chờ thời gian chứng nghiệm... Chuyện"cái quan luận định" kể từ khi giã từ trần thế không giới hạn trong chỉ một thời gian chủ quan, nhất định. Lịch sử vẫn tiếp diễn muôn đời, lắm lúc chứng minh giá trị của khóc cười đảo lộn:

 

"Cười người hôm trước, hôm sau người cười".

Hoặc hậu quả đầy bi kịch của một hình thức khóc cười dị bản:

"Đã nghề khóc mướn, cười thuê"

"Tin chi lời bậu câu thề trăm năm..."

 

Tuổi thơ đáng trân trọng, mến thương vì đâu ? Chắc hẳn do khóc cười nguyên bản. Đấy là thứ hạnh phúc vô điều kiện, chả đòi hỏi cần thông qua   một lợi ích nào ngoài đời cho người lớn. Vâng, hạnh phúc ấy không mang  dấu ấn của vị kỷ trá hình, và vì thế tồn tại nghĩa thiêng liêng đích thực./.

 

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 3121
Ngày đăng: 26.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình đất tình người - Nguyễn Trung Bình
Sapa-thành phố trong mây-thành phố trong sương - Minh Nguyễn
Tuồi thơ Huế -Mùa hạ mãi xanh - Võ Quê
Giải pháp thời thất nghiệp ! - Vũ Trà My
Đóa Dã quỳ và nhà thơ Xuân Sách - Tạ Quang Luyện
Đảo sầu riêng - Ngô Kế Tựu
Kahlil Gibran - Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn - Kahlil Gibran
Chợ Chữ - Đàm Lan
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tản Đà: Trăm năm cuốn nhật ký tình yêu - Tân Linh
Trò chuyện với Nhạc sĩ La Nhiên - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)