Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.256
123.155.546
 
Một số Kỷ Lục Việt Nam trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu xưa nay
Đinh Văn Hạnh

1.       Một số kỷ lục của nhà tù Côn Đảo (1862-1975).

 

Côn Đảo là nhà tù xa đất liền nhất và đối với thực dân, đế quốc, đây là nơi hội đủ các điều kiện để xây dựng một nhà tù an toàn: không lo đề phòng lực lượng từ bên ngoài đột nhập giải cứu tù, không lo tù trốn và không sợ dư luận lên án khi thẳng tay đàn áp, khủng bố, giết hại tù nhân…

 

- Nhà tù thực dân lâu đời nhất:

 

Ngày 28-11-1861, Thủy sư đô đốc Pháp Bonard ra lệnh cho Thông báo hạm Norgazaray do trung úy Lespès chỉ huy chiếm Côn Đảo và tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với hòn đảo này. 33 ngày sau đó (1-3-1862), Bonard ra quyết định thành lập nhà tù ở Côn Lôn. Félix Roussel được cử làm quản đốc đầu tiên. Tháng 4-1862, tàu Écho chở 50 người tù Việt Nam đầu tiên ra đảo[1]. Từ đó cho đến ngày 30-4-1975, nhà tù Côn Đảo là địa ngục trần gian của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Côn Đảo là một tổng thể kiến trúc đô thị đặc biệt-đô thị của những người tù. “Đô thị ấy đã tồn tại như một nghịch lý suốt 113 năm” (Võ Văn Kiệt).

 

- Nhà tù có số lượt tù nhân bị đày ải thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thời kỳ nhất:

 

Với thời gian tồn tại đúng 113 năm, nhà tù Côn Đảo là nơi giam cầm nhiều thế hệ người tù thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Tháng 7-1867, nhà tù Côn Đảo đã có tới 500 tù nhân. Trong 50 năm đầu từ ngày thành lập, số tù nhân ở nhà tù Côn Đảo biến động ở mức trên dưới 1.000 người. Trong 15 năm tiếp theo, số tù nhân ở đây giao động trên dưới 2.000 người. Số tù nhân tại Côn Đảo đạt con số cao nhất dưới thời Pháp thuộc là sau Nam Kỳ Khởi nghĩa (23-11-1940) với trên 4.403 tù nhân. Hàng ngàn tù nhân đã chết trong những năm này.

Tháng 9-1945, nhà tù Côn Đảo có khỏang 3.000 tù nhân (trong đó có 2.000 tù chính trị). Từ năm 1945-1954, trung bình hàng năm Côn Đảo có 2.000 tù nhân. Cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết (20-7-1954), Côn Đảo còn giam giữ 2.252 người tù. Trong thời kỳ Mỹ-ngụy, số lượng tù nhân Côn Đảo tăng dần từ 4.000 đến 8.000 tù nhân trong những năm 1967-1969 và ở mức cao nhất gần 10.000 người trong những năm 1970-1972, trong đó có 313 tù nhân nữ, 53 trẻ em từ 1 đến 9 tháng tuổi bị bắt theo mẹ. Trước ngày giải phóng (30-4-1975), Côn Đảo có 494 tù nhân nữ.

 

- Nhà tù có nhiều tù nhân bị chết nhất.

 

Hiện nay chưa có số liệu thống kê thật chính xác có bao nhiêu người tù đã ngã xuống trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo. Riêng con số thống kê được một cách tương đối cụ thể tại hai nghĩa trang Hàng Keo và Hàng Dương đã cho chúng ta một con số khủng khiếp. Nghĩa trang Hàng Keo chôn cất khoảng 10.000 người tù. Nghĩa trang Hàng Dương chôn cất khoảng 5.000 tù nhân trên tổng số 20.000 người đã bị sát hại tại nhà tù Côn Đảo.

 

Nghĩa trang nhà tù Côn Đảo còn mang tính chất là một nghĩa địa tù quốc tế. Những người tù yêu nước của các quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc (Quảng Châu Loan, tô giới Pháp ở Trung Quốc) đã nằm lại nơi đây. Ngòai ra, còn có các tội phạm chiến tranh người Nhật trong thế chiến thứ 2... 

 

- Nhà tù có diện tích nghĩa trang người tù lớn nhất:

 

Nhà tù Côn Đảo có hai nghĩa trang lớn. Nghĩa trang Hàng Keo hình thành đầu thế kỷ XX tới 1940, với tổng diện tích 80.000m2, hiện nay, khu vực này đã biến thành rừng dương. Từ năm 1941, do vùng Hàng Keo hết đất để chôn tù nhân bị chết, thực dân Pháp chôn người tù ở Nghĩa trang Hàng Dương, với diện tích 190.000m2.

 

- Nhà tù có nhiều trại giam và có diện tích lớn nhất.

 

Theo tính tóan bước đầu, những gì còn lại liên quan trực tiếp đến di tích nhà tù Côn Đảo hiện nay có diện tích 1.513.000m2. Riêng tổng diện tích 11 trại giam lên đến 158.174m2 (Trại 2, xây dựng 1875, diện tích 12.800m2; Trại 3 xây dựng 1916, diện tich 15.200m2; Nhà tra tấn, diện tích 620m2; Chuồng cọp Pháp, xây dựng 1941, diện tích 8.400m2; Trại 4, xây dựng 1942, diện tích 6.054m2; Trại 1, xây dựng 1935, diện tích 13.400m2; Trại 5, xây dựng 1962, diện tích 6.800m2; Trại 6: xây dựng 1968, diện tích 30.300m2; Trại 7, chuồng cọp Mỹ, xây dựng 1970, diện tích 30.000m2; Trại 8, xây dựng 1971, chua hòan thiện, diện tích 26.200m2; Biệt lập chuồng bò, xây dựng từ thờp Pháp, diện tích 8.400m2).

 

- Nhà tù có nhiều kiểu trại giam nhất.

 

Đó là hệ thống trại giam, hầm đá, xà lim, khu biệt lập, biệt lập chuồng bò, chuồng cọp Pháp (120 chuồng), chuồng cọp Mỹ (384 chuồng), các “sở tù”, còn gọi là “sở chuyên môn” gắn với đặc điểm lao động, hoặc sản phẩm làm ra, nhằm khai thác sức lao động của người tù (Sở Rẫy, Sở Đá, Sở Tiêu, Sở Củi-Chuồng Bò, Sở Kéo Cây, Sở Lò Vôi, Sở Lưới, Sở Muối)...

 

- Nhà tù áp dụng nhiều âm mưu thủ đọan đày ải tù nhân man rợ nhất.

 

Suốt 113 năm tồn tại, nhà tù Côn Đảo là nơi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sử dụng nhiều biện pháp man rợ để đày đọa, đe dọa, khủng bố, đàn áp, giết hại tù nhân bằng nhiều cách. Bản thân vị trí, cách thức giam cầm (từ xà lim, hầm đá, chuồng bò, chuồng cọp… đến khẩu phần ăn, chế độ lao động khổ sai)… đã quá đủ để đày ải, giết hại dần mòn tinh thần và thể chất tù nhân. Huống chi, tù nhân Côn Đảo còn bị đòn roi, bị đàn áp, giết hại một cách vô tội vạ, bị thể nghiệm các phương tiện tra tấn “hiện đại” quá sức chịu đựng của sức lực và tinh thần của con người[2]...

 

2. Ngọn Hải đăng đầu tiên của Việt Nam (1862).

 

Hải đăng Vũng Tàu được xây dựng và khánh thành vào 15-8-1862, tức là ngay sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đây là ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất ở nước ta. Ban đầu hải đăng được xây dựng ở mõm cực Nam của núi Nhỏ, ở độ cao khoảng 149m. Năm 1913, Hải đăng Vũng Tàu được chuyển lên vị trí hiện tại, cao chừng 170m so với mực nước biển (tháp hình trụ, cao 18m, đường kính 3m).

 

Trước đây, Hải đăng hoạt động nhờ hệ thống dây thiều (máy móc thiết bị sản xuất tại Pháp, còn lưu giữ gần như nguyên vẹn). Hiện nay, Hải đăng Vũng Tàu được thắp sáng nhờ bóng đèn (chuyển động bằng môtơ điện) có công suất 1.500w, chiếu xa 35 hải lý (gần 65km). Hải đăng Vũng Tàu có hai tia, mỗi phút quay 2,4 vòng.

 

3. Khách sạn đầu tiên của Việt Nam trên đất Vũng Tàu (những năm 1870).

 

Trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ XIX, công cuộc đô thị hóa đã làm biến đổi đáng kể bộ mặt của vùng đất Cap Saint Jacques. Nhiều con đường chạy dọc ngang kiểu bàn cờ,  nhiều ngôi nhà lớn, kiến trúc theo lối phương Tây đã được xây dựng trên bờ bãi Trước. Tiệm buôn, cửa hiệu, nhà hàng và cả những khách sạn đầu tiên xuất hiện. Vào giữa năm 70 của thế kỷ XIX, một hoa tiêu người Pháp nghỉ hưu, tên là Arduzer đã bỏ tiền ra xây tại Vũng Tàu một ngôi nhà một trệt, một lầu, lợp ngói, tương đối khang trang để đón khách lưu trú. Có thể xem đây là khách sạn đầu tiên của thành phố du lịch Vũng Tàu và cũng là đầu tiên của Việt Nam.

 

Một khách sạn khác được xây dựng sau đó ít lâu nhưng lớn hơn và sang trọng hơn nhiều đó là khách sạn Grand (do hai người Pháp là Olivier và Motter làm chủ). Cơ sở của Arduzer như đã nói ở trên được sáp nhập cùng khách sạn Grand. Đây là nơi ăn, nghỉ, hội họp của các quan chức của phủ Thống đốc Nam Kỳ. Các quan chức hàng tỉnh, chủ nhà băng, chủ hãng buôn lớn, chủ đồn điền khi đến Vũng Tàu cũng nghỉ ngơi tại khách sạn sang trọng này.

 

Khách sạn Grand Hotel hiện nay vẫn còn hoạt động và vẫn còn ít nhiều dáng dấp của kiến trúc xây dựng buổi đầu mặc dù nó đã được cải tạo, nâng cấp rất nhiều lần.

 

Tôi vẫn ấp ủ một mơ ước rằng, nếu trong lần sửa chữa tới, những người quản lý khách sạn Grant sẽ phục dựng lại tòan bộ kiến trúc ban đầu của nó, tất nhiên nội thất vẫn phải dùng phương tiện hiện đại, và dựng một biển đá cẩm thạch khắc trên đó dòng chữ: GRANT HOTEL-KHÁCH SẠN ĐƯỢC XÂY DỰNG SỚM NHẤT CỦA VIỆT NAM, NHỮNG NĂM 70 CỦA THỂ KỶ XIX.( Nhưng đã cải tạo về đường nét kiến trúc ,chỉ giữ lại vị trí và mặt bằng cơ bản –Chú Thích VCV .)

 

Đó là niềm tự hào của ngành du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng. Và biết đâu đó cũng là một cách mời gọi du khách.

 

4. Trận địa pháo cổ lớn nhất Việt Nam (1895-1897).

 

Trận địa pháo cổ hay gọi chính xác hơn là Phòng tuyến của thực dân Pháp ở Vũng Tàu, được xây dựng từ năm 1895-1897, với 23 cổ đại bác có cở đạn từ 140-300mm, nòng dài từ 5-12m, bố trí thành ba cụm pháo đài tại phía Nam núi Nhỏ (11 khẩu, theo tài liệu), Cầu Đá-vịnh Hàng Dừa (4 khẩu) và phía trên Bãi Dâu-núi Lớn (8 khẩu, theo tài liệu). Ba cụm pháo đài này hợp thành một phòng tuyến vững chắc bảo vệ cửa Cần Giờ. Có thể nói đây là hệ thống pháo đài cổ, kiên cố và lớn nhất của Pháp còn lại ở Việt Nam (và cả Đông Dương). Nếu được tôn tạo đây cũng có thể trở thành điểm du lịch độc đáo nhất của Việt Nam.

 

5. Vũng Tàu, thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam (1895).

 

Ngày 1-5-1895, Phó Toàn quyền Đông Dương (kiêm Thống đốc Nam Kỳ) đã ban hành nghị định thành lập thành phố Vũng Tàu, nhằm tạo cho Vũng Tàu “một cơ sở pháp lý” để đầu tư xây dựng thành một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng. Với ý định đó, Vũng Tàu là thành phố thứ ba được chính quyền Pháp ở Đông Dương ra nghị định thành lập và là thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam được xác định trong văn bản pháp lý và triển khai xây dựng trên thực tế. (Trước đây có người cho rằng Đà Lạt là thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam. Thực ra, năm 1893, Yersin phát hiện cao nguyên Lang Bian, nhưng năm 1899, công việc xây dựng Đà Lạt mới bắt đầu được khởi động và từ năm 1914, Toàn quyền Đông Dương mới bố trí ngân sách chính thức để xây dựng Đà Lạt).

 

Sự hình thành của đô thị Vũng Tàu không giống với các đặc điểm chung của đô thị Việt Nam. Vũng Tàu không hình thành từ một trung tâm chính trị hay kinh tế-thương mại của khu vực... Vũng Tàu là thành phố du lịch đầu tiên của cả nước.

 

6. Sân gôn đầu tiên của Việt Nam (1923).

 

Sau khi thành lập thành phố du lịch Vũng Tàu, người Pháp đã xây dựng và tổ chức tại đây nhiều hình thức vui chơi giải trí thuộc vào hàng sớm nhất của Việt Nam, như đua xe đạp, đua ngựa, chơi tennis… và cả món chơi hạng sang mà dân Việt Vũng Tàu lúc đó gọi là Cù Ăng lê (golf).

 

Sân gôn Vũng Tàu được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1923, tại khu vực phía sau Chợ Cũ của Vũng Tàu, tức là khoảnh đất thuộc đường Trưng Nhị, Đồ Chiểu, Lê Lai và đoạn giữa đường Lý Thường Kiệt bây giờ. Đây vốn là khu đất của làng Thắng Tam, được người Pháp thuê lại để làm nơi giải trí cho công chức người Pháp, người Anh (làm việc ở Sở dây thép thủy) và sĩ quan Pháp. Bên cạnh sân gôn này còn có 2 sân tennis (cũng là một trong những nơi có sân tennis sớm nhất của Việt Nam).

 

7. Tượng Chúa Kitô cao nhất Việt Nam (32m).

 

Tượng Chúa Kitô do Giáo hội Thiên Chúa giáo xây dựng năm 1974 (hoàn thiện 1993). Tượng cao 32m, sải tay dài 18,4m, hai bàn tay tượng dài 2,2m, ngón giữa dài 1m. Bên trong tượng có có cầu thang xoắn ốc, gồm 133 bậc. Ánh sáng chiếu vào lòng tượng qua hệ thống cửa sổ chữ “Thọ” theo phong cách Á Đông.

 

Phía trước bệ trang trí bức phù điêu phỏng theo tác phẩm “Bữa tiệc li biệt” của danh họa Ý Léonard de Vinci, phía sau là bức tranh phỏng theo tác phẩm “Đức Chúa trao chìa khóa cho Phêrô”.

 

Mặc dù làm bằng bê tông, bên ngoài tô đá rửa, nhưng những đường nét nghệ thuật, cách thể hiện hết sức mềm mại và sinh động. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật cổ điển tôn giáo với bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo cho Tượng Chúa Kitô núi Nhỏ Vũng Tàu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo tầm cở của khu vực. Đây là bức Tượng Chúa Kitô cao nhất thế giới, hơn cả bức Tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro (Brazin) vốn do hai Giáo hội của Brazin và Argentina hợp tác xây dựng năm 1922, nhân dịp 100 năm Quốc khánh Brazin  (cao 30m, sải tay dài 30m, nặng 700 tấn).

 

8. Tỉnh có nhiều bến cảng nhất:

 

Từ năm 1890, người Pháp đã đưa ra dự án xây dựng một tiền cảng ở Vũng Tàu. Vì lý do ngân sách, mãi hơn 5 năm sau, dự án trên mới được thực hiện vào năm 1896. Tiền cảng Vũng Tàu là một con đê dài hơn 400m, chân đê rộng 15m, mặt đê rộng 4m, được kè đá và đổ bê tông (khoảng 50.000m3), chạy dài từ mũi phía Bắc núi Nhỏ ra cửa biển, ôm lấy bãi Trước (khi ấy gọi là Cocotiers-vịnh Hàng Dừa), với chi phí vật tư 45.000 quan. Đây là hải cảng hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, nhưng do thiết kế sai và bị cơn bão Giáp Thìn (1904) phá hoại hoàn toàn.

 

Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có số lượng bến cảng nhiều nhất (10 cảng lớn):

- Các cảng dọc theo sông Dinh, gồm có: Cảng dầu khí Vũng Tàu (gồm 3 cầu tàu với tổng chiều dài 1.387m, có khả năng tiếp nhận tàu dài 100m, mớn nước 5m); Cảng dầu khí PTSC (gồm 2 cầu tàu, tổng chiều dài 370m, có khả năng tiếp nhận tàu dài 250m, mớn nước 7m); Cảng xăng dầu K2 (có cầu tàu dài 330m, có khả năng tiếp nhận tàu dài 100m, trọng tải 5.000 tấn); Cảng quân sự (dài 300m); Cảng thương mại (công suất 300.000 tấn/năm, dài 250m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 tấn); Cảng Cát Lở (dài 110m, chuyên cung cấp phương tiện phục vụ hậu cần cho nghề đánh bắt hải sản).

- Các cảng dọc theo sông Thị Vãi: Cảng Besia Serece (dài 300m, mướn nước 12m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 tấn); Cảng Nhà máy Điện Phú Mỹ (dài 175m, công suất 200.000 tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn).

- Cảng Côn Đảo: Cảng Bến Đầm (dài 336 m, chủ yếu phục vụ hậu cần cho nghề đánh bắt hải sản); Bến cảng cầu tàu Côn Đảo (dài 110m).

Ngòai ra, còn rất nhiều cảng nhỏ phục vụ đánh bắt hải sản tại Bến Đình, Phước Tỉnh v.v…

 

9. Những chuyến xe tốc hành chất lượng cao đầu tiên.

 

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, lần đầu tiên ở Việt Nam những chuyến xe tốc hành, chất lượng cao chạy tuyến Vũng Tàu-thành phố Hồ Chí Minh được ra đời phục vụ khách hàng. Đó là lọai xe 12 chỗ ngồi, chất lượng tốt do các hãng xe hơi Nhật sản xuất. Sau khi tuyến xe khách Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng lọai hình dịch vụ vận tải này, nhiều tuyến xe tốc hành khác cũng lần lượt ra đời.

 

Cũng cần nói thêm, gần 100 năm trước thời điểm trên, vào những năm cuối thế kỷ XIX, tuyến xe ô tô khách Sài Gòn-Chợ Bến-Vũng Tàu là một trong những tuyến xe khách xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam.

 

10. Sân đua chó duy nhất ở Việt Nam. 

 

Từ ngày 7-5-2000, sân vận động Lam Sơn-Vũng Tàu (sức chứa 5.000 người) chính thức trở thành nơi diễn ra lọai hình giải trí đua chó hào hứng và hấp dẫn vào những ngày cuối tuần. Đây là trường đua chó duy nhất tại Việt Nam và là trường đua chó thứ hai ở châu Á. Đường đua dài 460m. Những chú chó đua thuộc giống Greyhound, mắt sáng, chân dài, bắp thịt cuồn cuộn, bụng thon, mõm dài, ức nở được tuyển chọn từ nước ngòai và chăm sóc theo tiêu chuẩn đặc biệt tại phường Long Tòan, thị xã Bà Rịa. Chó Greyhound thi đấu có trọng lượng trung bình từ 27-38kg, có thể chạy nhanh với tốc độ 60km/h.

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, trường đua chó Lam Sơn-Vũng Tàu có chất lượng tương đương với những trường đua chó hạng nhất tại Australia. /.



[1] Bấy giờ Côn Đảo còn giam giữ 119 người tù của triều đình Huế. Đội ngũ gác ngục của nhà Nguyễn gồm 80 người, 4 thơ lại, do một viên hải trấn, hàm bát phẩm đứng đầu.

 

[2] Ngày mùng 4 Tết Mậu Ngọ (1918), Pháp thảm sát một lúc hơn 80 người tù ở banh I sau đó đưa hai con hổ từ đất liền ra thả trên núi Côn Đảo để ngăn chặn tù trốn. Trong những năm 1927-1934, tỷ lệ tù chết từ 10 đến 15,6%, tốc độ đó có thể giết sạch một lớp tù sau 10 năm. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) nhà giam Côn Đảo không đủ sức chứa (mỗi khám  tăng lên 150-180 người). Có năm 3.000 tù nhân chết (1943). Thời Mỹ Diệm người tù bị giam ở Chuồng Cọp bị bọn gác ngục dội nước từ trên cao xuống mỗi đêm mấy lần để hành hạ. Chuồng Cọp ngày nào cũng có 1-2 người chết, có ngày lên đến 8 người. Mùa đông năm 1959-1960, số người chết lên đến mức kỷ lục, gần 400 người.

 

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 3199
Ngày đăng: 26.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tinh Thần 4 Tốt và Yêu Sách của Thiên Triều - Đinh Kim Phúc
Trả lại công bằng cho lịch sử - Hà văn Thùy
Láng Giềng Hữu Nghị hay Bá Quyền Nước Lớn - Đinh Kim Phúc
Ranh giới lưỡi bò . - Đinh Kim Phúc
Đường Ranh Giới Lưỡi Bò của Trung Quốc ở Biển Đông là Bất Hợp Pháp - Đinh Kim Phúc
Một giải pháp cho vấn đề Biển Đông - Đinh Kim Phúc
Trung Quốc-Asean và vấn đề biển đông - Đinh Kim Phúc
Có thể chọn ngày 1-5-1895 làm mốc thời gian đầu tiên thành lập Thành phố Vũng Tàu? - Đinh Văn Hạnh
Trung Quốc muốn gì ? - Đinh Kim Phúc
Những Người Lãnh Đạo Phong Trào Duy Tân Ở Quảng Ngãi - Lê Ngọc Trác
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)