Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.271
123.157.609
 
Một khoảng không cuộc đời
Hồ Tĩnh Tâm

(tặng thầy Hoàng Dân CĐSP Hà Nội và bè bạn)

 

1.

Đêm mưa gió ấy, hình như Hồ Đại Lải không ngủ thì phải. Tiếng sóng cứ cồn cào- cồn cào. Tiếng rừng cứ nấc lên- nấc lên. Day dứt và thao thiết. Sấm rền rỉ ở bên kia đồi. Mưa rỉ rắc. Những cây thông lá nhọn sũng ướt, mềm lả ra. Mặt đất cũng mềm. Mềm như thịt da người đàn bà sau cơn hoan lạc, được vùi trong chăn ấm.

Thầy Tuấn nói:

- Tớ 59 tuổi. Chinh chiến ở Trường Sơn và Nam Lào mấy năm. Trong người ba vết sẹo, dạ dày cắt bỏ một nửa. Nhìn còn được không?

 

Tôi nhớ bài “Thị trường” trong tập thơ “Khoảng không” của thầy. Điệp khúc “những cô bé khỏa thân” cứ chờn vờn trước mắt. Tất cả là bốn lần. Bốn lần khỏa thân nhảy múa. “Ngây dại”. “Vật vờ”. “Hoang sơ”. “Quay quắt”. Bốn lần khỏa thân như loài vật. “Uốn éo”. “Oằn mình”. “Quay cuồng”. “Tơi tả”. Tôi không hiểu được nền “văn minh” mại dâm của Thái. Tôi chỉ biết, trời vẫn mưa, vẫn gió. Đêm đen đặc. Cắt cứa đến tận cùng thổn thức.

- Tớ vẫn đọc thơ mình ngay trong giờ dạy. Tại sao không? Tớ làm thơ đã mấy chục năm. Tớ vác cả chiến trường vào thơ, vác cả đời tớ vào thơ. Thơ tớ thật lắm, tại sao không đọc! “Thời gian không màu, nỗi nhớ cũng không màu; nhưng chiếc lá thì cứ xanh rời rợi”. Chẳng biết thơ tớ cỡ nào, nhưng sinh viên của tớ thì thích lắm!

 

Đêm vẫn mưa. Vẫn mưa. Rừng cây càng ướt sũng ra. Mặt đất càng mềm nhão ra. Sóng hồ Đại Lải càng cồn cào thao thiết.

- Cô bé ấy cứ nhất thiết vòi tớ đi cà phê. Cà phê ở một quán cà phê mà chính tớ cũng không ngờ. Nó hoang sơ đến cháy bùng cảm xúc. “Ai biết chăng thật giả buồn vui, chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại”. Đúng vào lúc cô bé ấy nghiêng sang ôm choàng lấy tớ, chợt cất lên tiếng nói nhẹ như hơi sương: “Anh chị dùng gì ạ?”. Trước mặt tớ là một cô bé, non nõn những phần da thịt lộ ra trong ánh sáng mơ mờ, huyễn hoặc và hư ảo. “Ôi! Em chào thầy! Thầy dùng gì ạ?”. Mặt đất dưới chân tớ như tụt xuống- tụt xuống. Vòng tay của cô bé như nhão ra nỗi bẻ bàng. Cả hai đều là sinh viên của tớ, cùng đang học một lớp với nhau. Năm ấy tớ đã 54. Từng trải và đầy kinh nghiệm sống.

 

2.

Mùa đông bên bờ sông Công thon thót gọi mời một vòng tay xiết. Tôi với cô bé của tôi ngồi trong góc khuất trần thế. Cả hai lạc giữa thời gian vô cùng vô tận. Màn đêm phủ xuống tấm khăn voan của mộng mơ và khát vọng. Sông Công ơ hờ, chập chờn, vô cảm. Bầu tinh vân lạnh lẻo như sắp rơi òa xuống.

 

Năm ấy tôi cũng 54 tuổi. Độc thân với cây đàn ghi ta, trong một ngôi nhà thèo lảnh dưới chân ngọn đồi bát úp. Người đàn bà của tôi đã phiêu dạt nơi nào. Đứa con gái bé bỏng của tôi cũng phiêu dạt nơi nào. Họ bỏ tôi ra đi đã mười năm. Mười năm của trống vắng. Mười năm của đớn đau vật vả. Tất cả là vì tôi. Vì cây đàn của tôi. Vì những giờ lên lớp bằng thơ và nhạc của tôi. Ngoài tất cả những thứ đó, tôi không biết làm gì. Oái oăm thế. Người đàn bà của tôi đã đến với tôi vì tất cả những thứ đó, rồi giũ áo bỏ đi cũng vì tất cả những thứ đó. Nàng đã quá thừa mứa những cung bậc của vòng tay xiết. Nàng đã quá thừa mứa những giai điệu thăng trầm của đói khổ. Ngọt ngào hát ư? Hát thì vạt đâu ra đồ đạc trong nhà. Ngọt ngào ru ư? Ru thì làm gì ra tiền ra gạo. “Con cò gánh gạo bờ sông”. Dưới chân ruộng trước nhà tôi có con cò mồ côi. Chẳng biết trống mái, cái đực ra sao; chỉ biết nó đơn côi như một dấu chấm, trắng toát nỗi đau đời. Càng đau hơn khi nó ủ rủ gục đầu trong mưa rào tháng hạ. Ngày qua ngày, tháng cũng theo nhau, đi ngang qua sự trống vắng lạnh lùng của con cò đơn độc ấy. Tôi với nó hợp thành hai dấu chấm song song. Tôi là dấu chấm ở trên. Nó là dấu chấm ở dưới. Chúng tôi mở ra những dòng chảy của ngôn từ và giai điệu. “Ta ở trong nhau suốt cuộc đời chẳng biết, nụ hôn nồng nàn rướm máu buồn vui”.

 

Thế rồi con cò ấy lạc đi đâu, hay mất đi đâu. Hay đã rục xương bởi một viên đạn chì bắn vào đơn độc. Nó bỏ lại mình tôi với nỗi đau giằng xé. “Phải chi tình yêu có thể sống thay cuộc đời, đánh đổi niềm vui cho nỗi buồn dằng dặc”. Người đàn bà của tôi đã không chịu nổi tiếng đàn của tôi. Tiếng đànThạch Sanh giành lại nàng công chúa hóa câm vì thằng Lý Thông đểu giả. Tiếng đàn của tôi thì xua đi một tình yêu đói cơm, thiếu áo. Còn con cò ấy! Vì sao nó đơn côi!? Vì sao!? Vì sao!?.. Nhưng giờ thì rõ ràng nó không còn nữa, không còn hợp với tôi thành hai dấu chấm song song, mở vào đời nỗi niềm đơn độc. Chỉ còn cô bé với tôi bên bờ sông Công, trong góc khuất, trong cuộc chơi trốn tìm mà không ai trốn được. Chúng tôi sẽ thuộc về nhau đến tận cùng máu thịt, nếu như tôi không vụt nhớ ra gương mặt xanh lướt của người đàn bà của tôi, trong cơn oằn mình đớn đau vượt cạn.

 

Bấy giớ là hai giờ sáng.

Trời đất Bắc Giang chìm trong mưa xối xả. Tôi trùm vợ tôi bằng tấm ni lông của lính. Nàng ngồi sau gác ba ga, người mềm oặt ra vì những cơn đau hành hạ. Tôi đầu trần, chân dép lốp, gò lưng đẩy chiếc xe phượng hoàng giữa mưa tuôn chớp giật. Mưa Bắc Giang như nghiêng trời trút nước. Những lưỡi tầm sét bủa thẳng từ trời cao xuống gò đồi. Sấm gầm như bom pháo trận chống càn ở phía đông thành Cổ. Cứ sau mỗi lần bom pháo điên cuồng bão táp, thủy quân lục chiến từ biển lại trào lên, quạt đại liên và AR15 ràn rạt. Tiểu đoàn tôi đã kiệt cùng sức lực, đạn dược và vũ khí. Lê tuốt trần dưới chiến hào, chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ. Từng người. Từng người. Cứ từng người thay nhau ngã xuống. Thủy quân lục chiến vẫn trào lên. Chúng tôi vẫn trụ lại. Cho đến lúc được phép mở đường máu thoát ra. Cả đời tôi, không bao giờ tôi quên được, trận bom pháo như sấm rền chớp giật ở phía đông thành Cổ. Còn bây giờ. Sấm sét cứ lồng lên, xé toạc màn đêm thành trăm ngàn mảnh vụn. Vợ tôi đã không thể chịu đựng được hơn vì quặn đau và sợ hãi. Đúng lúc ấy thì thòi ra cái chòi tre quán nước bên đường. Tôi đã từng uống chè, ăn kẹo dồi chó, hút thuốc Nhị Thanh ở đây. Tôi đã từng hầu chuyện bà cụ tám mươi có hai người con chết trận ở phố Lu thời chín năm chống Pháp. Bà cụ mỗi ngày vẫn từ làng ra bán nước chè xanh trong cái quán tùm hụp bên đường này. Họa vô đơn chí ư! Phúc bất trùng lai ư! Chỉ cái quán của cụ bà, xiêu vẹo trong gió mưa là có thật.

 

Vợ tôi nằm trên tấm ni lông của lính. Thân hình nàng co giật. Bụng cồn lên từng cơn cuồn cuộn. Nước ối túa ra thành vũng. Sền sệt. Nhừa nhựa. Rồi thì máu. Chao ôi, biết bao nhiêu là máu. Mắt tôi mờ đi. Lòa đi. Đầu tôi căng nhức. Tôi đã từng chứng kiến biết bao nhiêu là máu, phún ra từ thân thể bạn bè, nhưng đây là máu của người sẽ sanh hạ cho tôi, một phần những giọt máu của tôi. Đổ hết máu ra ngoài trái tim thì làm sao mà sống! Lồng ngực tôi thình thình như đang nện trống. Ong ong niềm kinh hãi.

Mưa vẫn tuôn.

Gió vẫn giật.

Sét vẫn bổ.

Sấm vẫn gầm.

 

Trong cuồng loạn của đất trời đen đặc, tôi đã móc được công chúa của tôi ra, từ máu và nước vàng sền sệt. Nó nhẽo nhợt, nhăn nhúm, vấy đầy máu và nước ối. Hoảng loạn đến cùng cực, nhưng tôi vẫn nhớ ra thiên chức đàn ông của “thằng chồng” có học. Nằm xoài xuống đất, tôi dùng hàm răng của mình cắn rốn cho con. Tôi lột tấm áo lính của mình, quấn lấy đứa con hon hỏn. Vợ tôi lả ra trên máu của mình và nước của trời rưới xuống. Nàng sẽ chết mất. Chết mất. Nếu cơn mưa của trời không đột ngột chấm hết, như một dấu chấm than dập tắt đi tất cả. Nếu bình minh không vụt hiện như một dấu chấm than thúc gọi mặt trời.

 

Nâng đứa con trên đôi tay lính của mình, tôi vùng chạy ra ngoài, hướng nó về phía chân trời đang ửng đỏ, gào lên: Con ơi! Con là Ánh Dương! Hồ Ánh Dương!

 

Bỗng hực một cái, mặt trời bật dậy từ dưới một quầng mây nào đó. Xoay người lại túp lều, tôi thấy rỡ ràng chiếc cầu vồng cong vun vút. Một cánh cò lẻ loi từ đó bay chếch về phương Nam.

Kể tất cả điều đó cho thầy Tuấn nghe trong đêm mưa bên hồ Đại Lải, nhưng tôi không dám chắc rằng, ông bạn giáo từng đi lính, từng viết văn của tôi, sẽ tin tất cả. Cánh văn chương vẫn bịa ra những chuyện lãng mạn nhất, khủng khiếp nhất. Cánh phê bình gọi đó là bịa nghệ thuật. Cánh giáo viên thì phẩy tay, thật hay bịa gì cũng là hình tượng trong văn học, cứ phải có trong giáo trình hướng dẫn giảng dạy mới dạy được. Riêng với tôi, đó là nỗi đau và tình yêu có thật. “Có một ngày ngỡ như trời đẹp hơn, dù gió mưa có dập vùi tơi tả, dù ngày ấy ta đã từng gục ngã, trong cơn mê mang bảy sắc cầu vồng”.

 

Tình yêu của tôi đốn gục tôi có thể từ ngày ấy.

Và… nếu điều ấy không có thật, làm sao tôi có thể trốn chạy khỏi vòng tay của cô bé đang run lên thổn thức. Cô bé ấy còn trẻ lắm. Cô là sinh viên của tôi. Vầng trăng mùa đông của tôi. Nỗi đau thắt của tôi, “… đã thành hoài niệm, nguyên sơ như khát vọng thuở ban đầu”.

 

3.

Tôi đọc to lên “Khoảng không” của thầy Tuấn.

 

Nước mắt người anh hùng

Nghẹn lại rưng rưng

Ở trang cuối cùng

Giữa những năm đớn đau và cao cả

 

Tại nhà sáng tác Vũng Tàu, tôi gặp người bạn giáo viết văn từ Sài Gòn xuống. Cô ta phì nhiêu, màu mỡ đến mát rượi thịt da của người còn sung sức. Cô rủ tôi xuống biển tắm đêm. Sóng cồn lên. Biển vồng lên. Ngực biển căng phồng thổn thức. Hai chúng tôi và biển sóng. Chúng tôi vùi mình trong biển mặn. vầng trăng mỏng như lá thép, uốn nhẹ dáng thuyền tình mỏng mảnh, bồng bềnh trôi trên cánh đồng mây nhẹ hẩng. Im lặng như trời mà rùng rùng như sóng. Sóng biển va đập, khiến da thịt chúng tôi lúc lúc lại chạm vào nhau. Sóng dội từ trong lòng, khiến tôi nhớ về người đàn bà đã bỏ tôi ra đi cùng đứa con bé bỏng. Hai thứ sóng ấy hành hạ tôi đến tận cùng nỗi đau nhân thế.

 

Chúng tôi trở về tiền sảnh phòng lễ tân khi trăng non đã lặn. Ở đó, người bạn giáo viết văn, nắm lấy tay tôi và nói: “Tôi gặp Thủy ở Gò Vấp. Cô ấy mở quán cà phê. Vẫn mỏng mảnh như cây thủy liễu của anh ngày nào. Ánh Dương đang là sinh viên năm thứ hai ngành kiến trúc. Nó đẹp lắm. Nhưng nói thật nhé!.. Nhìn hai mẹ con côi cút, cứ ứa cả nước mắt vào lòng. Số cầm tay của Thủy đây!”.

 

091… Những con số vô hồn dày vò tôi đã bao năm nay. Theo lối ký âm số của người Hoa, tôi từng hằng đêm bấm rung lên thành giai điệu cút côi của đứa con bé bỏng. Những con số ấy, mỗi ngày mỗi mưa xuống đời tôi từng giọt đắng. Một là Đô. Hai là Rê. Ba là Mi. Bốn là Fa. Năm là Sol… Con ơi!.. Ánh Dương của cha mọc từ cái quán tre của bà cụ tám mươi đơn chiếc. Ngày bà cụ qua đời, cha ẳm con đưa tiễn. Con học cha thả vào huyệt mộ nắm đất. Nắm đất nhỏ nhoi của con, cùng với đất đá Phổ Yên, đã phún trên mộ cụ bà những bông cỏ may, may vào tâm thức của cha, giai điệu của chia ly đầm đẫm nỗi buồn nhân thế.

 

Trong từng tiết dạy, tôi vẫn thường bấm rung lên giai điệu 091… và hát lên rười rượi:

 

Lẫn trong thời gian chia ly, gặp gỡ

Nước mắt rơi vào giữa tiếng cười

Ai biết chăng thật giả buồn vui

Chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại

 

Cô bé ấy, cô bé ngồi trong cùng của dãy bàn cuối cùng ấy. Dường như cô đã khóc rất nhiều, rất nhiều, mỗi khi nghe giai điệu ấy. Thẳm sâu đến hun hút một nỗi buồn xẻ chia, tâm cảm. Đã một đôi lần tôi bắt gặp những ngón tay thon thả của cô, chạy rã rời trên bàn phím, giai điệu 091… của tôi. Thế rồi một hôm tôi đã nghe cô hát: “Ai bết chăng thật giả buồn vui, chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại”. Để chạy trốn sự yếu đuối của mình, tôi đưa cô bé ra sông Công, nơi con sông sắp òa đổ vào hồ núi Cốc, dệt nên huyền thoại chàng Cốc nàng Công.

 

Khi vòng tay đã lịm chín, khi ngọn lửa linh thiêng sắp không cầm lại được, tôi bàng hoàng nhớ lại đêm mưa gió điên cuồng chớp giật. Giai điệu đã giết tôi bằng “khoảng không” đầy ngờ vực, của bờ vực tâm linh một người thầy, một người đàn ông trống vắng đã mười năm. Trong tôi âm âm đến nhói lòng, giai điệu vô vi Trịnh Công Sơn đã hát:

 

Đường xa mỏng mộng vô thường

Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi

 

4.

Đêm mưa gió ấy, hình như hồ Đại Lải không ngủ thì phải. Tiếng sóng cứ cồn cào- cồn cào. Tiếng rừng cứ nấc lên- nấc lên. Day dứt và thao thiết.

Thầy Tuấn nói:

- Khi bức xúc nửa chừng trang viết, tớ ngồi nhắm mắt lại, hồi tưởng dòng chảy của thời gian, cho đến bao giờ vụt hiện một tứ gì đó, mà truyện ngắn không chở nổi, tớ chép vào sổ tay để neo lại. “Lẫn trong thơi gian phấp phỏng tình cờ, như cơn gió lành ngơ ngác trong mơ”.

 

Tôi nắm lấy hai câu thơ ấy, bước ra khỏi phòng nhà biệt thự D4. Hai cây xoài xõa lá, hứng rủ rượi mưa trời. Hai cây mít chít chiu trái mọng đầy gai, tựa vào nhau chịu từng trận gió. Nhói trong lòng câu thơ của Huy Cận: Gỗ mít đỏ tươi như thân người xẻ dọc.

 

Phải chăng người đàn bà của tôi đã xẻ dọc đời tôi làm hai mảnh. Mảnh đớn đau của ông thầy đói nghèo thời bao cấp. Mảnh tự ái đến lồng lên của anh chàng nghệ sĩ nửa mùa, dại dột chui đầu vào thòng lọng của nghề dạy học.

 

Ngày ấy, người đàn bà của tôi là sinh viên của tôi. Cô sinh viên nghèo, đến từ một đồi chè tuyết Hà Giang. Ngay bài giảng đầu tiên về thế giới của âm thanh thành giai điệu, đôi mắt mở to hoài vọng của nàng đã đốt cháy tim tôi.

 

Tôi. Chàng sinh viên Khoa Trắc đạc – Bản đồ, vào chiến trường từ mùa hè 72 đỏ lửa. Tôi. Chàng lãng tử cuối cùng của “Bài ca Trường Sơn” thành giáo viên dạy nhạc. Tôi. Người đốt cháy trái tim xuân thì của nàng suốt ba năm để biến nàng thành vợ. Chúng tôi đã có những năm tháng ngọt ngào hạnh phúc, những năm tháng nếm trải gian nan thời bao cấp; chúng tôi đã có những năm tháng dằn vặt lẫn nhau, vì tính lãng tử đời trăng của tôi, tính bốc đồng thiên về thực dụng quá thể của nàng. Và… cuối cùng là sự ra đi của người đàn bà của tôi, chỉ vì chúng tôi không thể nào chia xẻ được với nhau về một vài quan niệm sống.

 

091… dãy số đã hóa thành giai điệu, đang tồn tại trong máy của tôi. Trong cơn mưa Đại Lải đêm nay, những con số bỏng cháy ấy, đã thắp lên chuyện xưa, xui khiến không thể nào chợp mắt.

 

Giữa lúc chúng tôi đang hết tiền, hết gạo, bỗng lù lù ở đâu hiện ra thằng bạn thời chiến trường lửa máu. Đó là Hoàng Quân, tay súng B40 lì lợm nhất tiểu đoàn. Gương mặt anh ta đẹp một cách đáng sợ, bởi hai bên má, sâu hoắm vào hai lúm đồng tiền, to như đầu ngón tay. Một viên AR15 bay xuyên qua miệng, khi anh ta nhào lên hét xung phong, đã làm nên kiệt tác kỳ diệu ấy. Trong cơn bấn bí không có gì đãi bạn, tôi đã vặt lông con gà mái duy nhất, đang nằm ổ trong chuồng. Nó cũng là con gà kỳ diệu, từng sống qua bốn mùa dịch cúm, từng xù lông đá lại diều hâu. Giết nó là dập tắt niềm hy vọng bầy gà con sắp sửa ra đời. Nhưng không giết, biết lấy gì đãi bạn. Nó đã vượt hàng trăm cây số, tìm thăm tôi. Nó đã từng băng bó cho tôi, cõng tôi thoát chạy ra khỏi vòng tử chiến, dìu tôi vượt qua dòng Thạch Hãn rộng mênh mông. Khổ nỗi, dù đã hầm cả tiếng, thịt vẫn dai nhanh nhách, nhai tới sái quai hàm, vẫn cứ lì ra, không thể nào nuốt được. Bạn tôi phá ra cười. “Đằng nào cũng thế, luộc luôn ổ trứng cho rồi. Trứng gà lộn. Ha ha! Gà lộn! Hết thứ này có thứ khác. Cứ tin thế đi! Đời mà! Khổ quá, tớ đang định tung hê hết để đi buôn đây. Buôn bán thì có gì là xấu. Mình đem về cho người ta cái người ta cần, xấu chỗ nào nào!”.

 

Hôm ấy, tôi hú mấy anh bạn cùng trường qua chơi. Rượu cắm quán thêm hai lít. Tam Thanh cắm quán thêm hai bao. Nửa tháng sau lĩnh lương tháng ấy, thủ quỹ trường trừ lại hơn phân nửa. Ngươi đàn bà thực dụng của tôi, nghi ngờ tôi có bồ có bịch. Vết rạn nứt bắt đầu toác ra từ đó. Và… theo đường rày vay nợ, tháng nào lương tôi cũng bị trừ hơn một nửa trở lên. Những đồng tiền còm cõi đem về, không cứu nổi cuộc tình thời bao cấp. Cô sinh viên từng si mê giai điệu của tôi, người đàn bà từng dâng hiến cho tôi đứa con nhỏ nhoi trong mưa gào chớp giật, đã giũ áo ra đi trong đầm đầm nước mắt.

 

091… những con số hằng đêm dằn vặt, dày vò tôi đến lao tâm khổ tứ. Tìm lại ngày xưa ư? Không đời nào! Người đàn bà của tôi đã lạnh lùng như băng giá bỏ đi. Đã cướp mất đứa con nhỏ nhoi của tôi mà tôi yêu biết mấy. Nhưng con ơi! Ánh Dương của cha ơi! Làm sao cha có thể quên đêm mưa gió con ra đời. Nếu bà cụ tám mươi không ra sớm, ai sẽ giúp cha đưa hai mẹ con vào làng? Nếu dân xóm không cưu mang, ai sẽ giúp hai mẹ con qua cơn nguy kịch? Vậy mà mẹ nỡ lòng bỏ qua tất cả! Nỡ lòng dứt con ra khỏi đời cha!

Không mẹ phải tự tìm về! Còn cha?.. Ánh Dương ơi! Con ơi!..

 

5.

Thầy Tuấn sửa dáng ngồi, khoát tay, dim mắt đọc:

 

Gió ơi, mi sinh ra làm gì?

Ta sinh ra để thổi cho vui!

Sông ơi, mi sinh ra làm chi?

Ta sinh ra để chảy, thế thôi!

Hoa ơi, mi sinh ra làm gì?

Lửa ơi, mi sinh ra làm chi?

Người ơi, mi sinh ra làm gì?

 

Những câu thơ khoan xoáy vào đêm mưa hồ Đại Lải. Những câu thơ càng lúc càng khoan xoáy vào tim tôi đến rướm máu. Mười năm người đàn bà bỏ tôi đi. Mười năm biết bao cô sinh viên si tình giai điệu của tôi. Những cô gái đến từ đồng thấp đồng cao. Những cô gái đến từ non xanh núi thẳm. Có cô hoài vọng vào tương lai được dứt bỏ tháng ngày cơ cực, chân lấm tay bùn. Có cô muốn giúp tôi lấp đầy khoảng trống. Có cô chỉ vì chút đam mê cháy lửa tình lãng mạn. Còn cô bé ấy, cô bé ngồi trong cùng ở dãy bàn cuối cùng ấy, cô chỉ muốn dâng hiến cùng tôi. Gọi là gì nhỉ? Sự dâng hiến trắng trong của trinh nguyên ý tưởng? Tôi hoàn toàn độc thân! Tôi hoàn toàn vô tội! Nhưng?.. Nhưng! Cô bé ấy trẻ quá, lại còn đang đi học! Học Nhạc, một môn học đầy “tinh thần” lãng mạn. Vậy thì cô mới hoàn toàn vô tội. Còn tôi, tôi đã 54 tuổi. Đã từng trải và đầy kinh nghiệm sống. Tội lỗi nhất định thuộc về tôi. Năm tháng sẽ trôi qua, sẽ đến lúc cô bé ấy lớn lên, sẽ đến lúc cô bé ấy nhìn ra sự thật. Tòa án lương tâm hành xử tôi thế nào, nếu như cô bé ấy trở thành đàn bà, lại bồng con giũ áo ra đi, dở dang cả một đời con gái? Người đàn bà của tôi đã dứt bỏ tôi đi, là minh chứng. Chỉ còn tôi với cây đàn ghi ta, với mười năm đơn độc. Nhưng… tôi và cây đàn của tôi có tội tình gì? Tội tình gì?..

 

Con cò đơn côi cũng bỏ tôi mà đi. Giờ này nó ở đâu? Ở đâu? Chắc là nó đã tìm được một nửa của đời mình. Còn một nửa của đời tôi? Còn con gái bé bỏng của tôi? Còn tình yêu của tôi? Còn phẩm giá người thầy của tôi? Còn bao nhiêu năm tôi vùi mình trong lửa máu? Lẽ nào tôi đánh mất! Lẽ nào tôi vứt bỏ! Lẽ nào! Lẽ nào!

 

Bị nung cháy bởi những dòng ý tưởng ngạt thở ấy, tôi đứng dậy, kéo tay dẫn cô sinh viên trẻ trung về lại ngôi nhà dưới chân ngọn đồi bát úp. Biến nồi cơm nguội thành nồi cháo thịt bằm, với thật nhiều hành và tiêu, tôi dọn lên bàn cho cô sinh viên của mình. Còn tôi, tôi lôi cây đàn treo trên tuờng xuống, lục trong đống tài liệu lưu trữ mốc meo và bụi bặm, cuốn đọc tấu ghi ta, những bản nhạc tôi chép tay từ thời mới ra quân, chuyển ngành đi học. Cuốn nhạc này tôi đã từng chép một cách hăm hở, khi tôi mới từ rừng sâu về thành phố. Bấy giờ tôi chỉ biết cả ngày tha thẩn ở các hiệu sách tư nhân để lục lọi, mượn mọc, và ngồi lì một góc để chép. Tôi chép say mê đến quên cả cơm trưa, quên cả cơm chiều, đến phải mua bánh mì không ngồi ăn tại chỗ. Nhiều chủ tiệm sách đã thông cảm, đem cho tôi ca trà đá, hay một dĩa trái cây, hay một dĩa bánh gì đó. Nó là nỗi đam mê một thời trai trẻ của tôi, tình yêu một thời trai trẻ của tôi. Vậy mà tôi đã quên bẵng suốt mười năm.

 

Khi dốc ngược cuốn sách để giũ bụi, một tờ giấy học trò đã rơi ra. Nhặt lên, tôi nhận ra nét chữ của vợ tôi, của người đàn bà của tôi. Nhiều dòng chữ bị nhòe loang nét bút. Có lẽ nàng đã khóc khi viết những dòng này. “Em giải phóng cho anh, để anh tha hồ bay bổng suốt ngày cùng giai điệu, tha hồ ôm đàn ca hát suốt ngày suốt đêm với bạn bè. Cuộc sống sẽ không có sự lựa chọn, nếu chúng ta và con cái chúng ta không đủ ăn, đủ mặc hàng ngày. Em không muốn là chiếc bóng cản trở niềm đam mê của anh. Em sẽ đi xa. Đi thật xa để nuôi con và để giải phóng cho anh. Hãy tin rằng, em và con…”. Tôi không thể tin được vào đôi mắt của mình. Mặt đất dưới chân như sụp xuống. Sụp xuống. Đất trời như quay cuồng chóng mặt. Đêm đen đặc, như dồn nén cả màn đêm mà ép xuống- ép xuống tôi đến thóp thoi, dằn vặt. Quẳng lá thư lên mặt bàn, tôi để mặc cô sinh viên trẻ trung muốn làm gì thì làm, muốn ngủ đâu thì ngủ. Còn tôi, tôi dốc ngược chai Nàng hương, tu một hơi tới ngạt thở, rồi ôm cây đàn, đập cả bàn tay lên sáu sợi thép, cào cả năm ngón tay lên sáu sợi thép, nấc lên giai điệu.

 

Giữa cuộc đời như gió thổi, sông trôi

Sẽ còn lại muôn đời

Những câu thơ

Và những lời ca thấm đầy nước mắt

 

Khi hàng âm cuối cùng vừa tắt, tôi giáng cả bàn tay xuống gần ngựa đàn. Sáu sợi dây đàn đứt phựt.

Cô sinh viên trẻ trung ngồi thả chân trên giường, ấp cả hai bàn tay lên mặt, khóc nấc lên.

- Thầy ơi!..

Lá thư của vợ tôi rung bần bật trong đôi bàn tay nhỏ nhắn, đang ấp trên gương mặt trắng nhợt, đầm nước mắt./.

 

Nhà sáng tác Đại Lải, 2.7.06 – Vĩnh Long, 16.8.06

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 2844
Ngày đăng: 28.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đò đêm - Đặng Văn Sinh
Chị Bông - Huỳnh Văn Úc
Mối lái - Giản Tư Hải
Truyện ngăn ngắn -1 - Mang Viên Long
Combo gà rán -Một chuyện na ná cổ tích… hay là ảo giác của người “nghiện” gà rán KFC - Lưu Quang Minh
Truyện ngắn ngắn – 6 - Đỗ Ngọc Thạch
Hồn quỳnh I - Phùng Văn Khai
Chuyện Cổ tích của Mẹ - Nguyễn Hồng Nhung
Những bè gỗ - Vladimir Vysotsky
Xoa tay và cười… - Ngô Phan Lưu
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)